Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Gương mặt văn nghệ sĩ

Nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu


Ngày cập nhật: 25/12/2017 00:00:00

            

NSND Ngô Thị Liễu (1908 - 1984)

 

         NSND Ngô Thị Liễu tên thật là Ngô Thị Trị, quê ở xã Như Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tên Trị của bà xuất phát từ chuyện mới lọt lòng mẹ đã được che chở bởi bàn tay của bà con Quảng Trị. Đến ngày cắp sách tới trường thầy giáo mới đặt cho cái tên là Liễu. Trong cuộc đời hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật Tuồng, NSND Ngô Thị Liễu đã xuất sắc đóng tới 18 vai kép và 73 vai đào với đủ các thể loại: đào chiến (Liễu Nguyệt Tiêm, Đào Tam Xuân); đào điên (Phương Cơ); đào bi (Xuân Đào, Thế Phụng); đào giả trai (Mạnh Lệ Quân, Như Ý), đào cảnh (Kiều Quang, Loan Dung, Xuân Hương); các vai đào, mụ trong chuyện dân gian như: Mụ Huyện, Thị Hến (Nghêu, Sò, Ốc, Hến), Tuyết Nương (Trương Đồ Nhục) và đào trong tuồng hiện đại: Chị Lan (Cờ giải phóng), chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên. Đặc biệt, bà lừng lẫy trong các vai kép con, vai hoàng tử như: Triệu Đình Long thời thơ ấu (Dương Chấn Tử), Quý tử (Tam Gia Phước), Hoàng tử say (Ngoại tổ dâng đầu), Na Tra (Phong thần), Thiên Tường, Thiên Lộc (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan). NSND Ngô Thị Liễu khẳng định mình qua những vai kép con xuất phát từ tình thương đối với trẻ em. Bản thân bà đã từng nhận 12 đứa con nuôi chưa kể 5 đứa con đẻ và khi về già lại nuôi nhiều cháu mồ côi. Sinh thời, bà từng tâm sự rằng: “Nếu không có lòng thương trẻ, tôi chẳng thể nào đóng nổi vai kép con, hoặc nếu có đóng thì cũng xì xằng, bôi bác cho qua chuyện, chứ chẵng thể nào “hái” được ở khán giả những tình cảm mặn nồng, những lời khen ngợi làm vinh dự cho cuộc đời làm nghệ thuật của tôi”. Ngoài 60 tuổi, bà vẫn thành công trong vai kép con Quách Hải Thọ (Bao công tra án Quách Hòe) - một vai diễn được khán giả dưới chế độ thực dân phong kiến cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa đều ngợi khen và chính bà cũng thích vai diễn này nhất trong cuộc đời làm nghề diễn viên. Đây cũng là vai kép con duy nhất của bà được Bộ Văn hóa cho quay thành phim. Đến nay những ai đã từng xem kép con Ngô Thị Liễu vào vai Quách Hải Thọ vẫn không thể nào quên hình ảnh một cậu bé hiếu nghĩa rất tuyệt vời trong cảnh mẹ góa con côi, biết trọng nghĩa bằng vốn sống phong phú và sáng tạo riêng của mình với cái giọng thánh thót, thỏ thẻ của một đứa trẻ rất hồn nhiên, để rồi sau khi tan rạp, người xem trầm trồ, xôn xao: “Cái thằng Quách Hải Thọ ngó bộ ngộ chớ! Thấy nó là muốn cười rồi. Mấy đứa trẻ mê xem cái thằng bé ấy lắm!”. Niềm yêu thích vai kép con trong NSND Ngô Thị Liễu được nhen lên thành ngọn lửa rực hồng không kém cái say mê vai đào chiến mà bà đã nuôi ước mơ từ thuở còn thơ.

 

Vai Mông Tường (tuồng Giác sanh

 

Vai Bà Huyện (tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến)

 

Cách đây hơn 60 năm, khi các đội tuồng từ Đà Nẵng, Huế ra hoặc từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh vào lưu diễn tại quê hương, cô bé Liễu đã không bỏ sót buổi diễn nào. Bà từng kể lại: “Ngày ấy, với suy nghĩ non nớt, tôi lờ mờ thấy nhân vật Bạch Xà (Tuồng Thanh Xà - Bạch Xà) tốt bụng mà lại bị kẻ ác hành hạ nên đem lòng thương. Một tình thương đối với Bạch Xà đã dậy lên trong trái tim trẻ thơ tôi, rủ rê tôi tìm đến để được sống, dù là sống trong ước mơ do nghệ thuật tạo ra, sống cho trọn cái thế giới bên trong nhân vật khiến tôi thành diễn viên lúc nào không biết”. Cái buổi đầu gặp gỡ nghề Tuồng cứ rạo rực trong người Liễu. Lòng cô bé cứ hồi hộp khi đến rạp, xem xong về nhà không ngủ được, hễ nhắm mắt lại là thấy Bạch Xà múa hát, trong mộng đẹp cô bé Liễu hóa Bạch Xà với bộ xiêm y lung linh màu sắc sáng ngời. Khi thấy Pháp Hải, cô bé hét lên một tiếng rồi giật mình thức giấc tiếc ngẩn ngơ…Và ngày hôm sau, Liễu lân la đến gần người đóng Bạch Xà hôm trước để xin được đóng vai Bạch Xà. Được diễn tuồng, Liễu vui tưởng chừng trên đời này chẳng còn có niềm vui nào hơn nữa. Sau đó, ngày nào cô bé cũng năn nỉ xem tuồng và xin gia nhập đội tuồng, ai kể gì cũng đòi học ngay. Có lần gánh hát Thanh Bình ở Huế ra Quảng Trị biểu diễn thuê trọ ngay ở trong nhà mình nên cô bé Liễu có cơ hội tiếp xúc, học hỏi thêm nghề tuồng. Nhưng để được các cô chú bày cho thì Liễu đã không nề hà bất kỳ việc gì, từ pha trà, chạy chợ đến múc nước, nhổ tóc sâu… Khi được chỉ dạy, tuồng gì cô bé Liễu cũng xin phép cho bằng được, bài nào cũng cố hát cho trôi. Liễu để ý từng lời, từng chữ kể cả các vai hề đồng, thế nữ, binh lính cho nên Liễu không những thuộc cả vở tuồng mà thuộc cả cách diễn nữa. Năm hơn 12 tuổi, cô bé Liễu tổ chức đội tuồng tí hon trong xóm để bắt chước những vở mình thích nhất. Lúc nào Liễu cũng có thể hát. Mẹ sai đi chợ cũng hát, rửa bát cũng hát, quét nhà cũng hát, giữ em còn hát nhiều hơn, đến khi lên giường nằm cũng còn hát. Có lần Liễu đang nằm ngủ với em trên võng, thấy mình trong vai Liễu Nguyệt Tiêm gặp Đào Thị Phụng giáp chiến, liền cất lên:

Đó dù khoe hăm hở tài trai

Đây cũng biết lẫy lừng sức gái (chớ!)

Đứa em giật mình khóc thét lên nên Liễu bị mẹ mắng: “Mồ tổ cái đồ hư! Đam mê hát xướng cho lắm vô!”. Cô bé Liễu vừa xấu hổ vừa lo, chỉ biết cười cho mẹ đỡ giận.

Liễu gặp Tuồng như gặp người yêu. Những buổi đầu gặp gỡ chưa kịp bén duyên thì đã bị cha mẹ ngăn cấm bởi họ cứ vịn vào câu: “Trồng trầu mà lẫn với tiêu! Con đi hát bội, mẹ liều con hư”. Cả việc đi xem hát của cô bé cũng bị nghiêm cấm tuyệt đối. Vì thế Liễu buồn đến héo cả ruột gan, chẳng kém một ông bầu gánh gặp hồi xúi quẩy, vỡ nợ trắng tay. Liễu tiếc đến ngẩn ngơ như người vừa đánh mất một thứ gì quý giá mà không tài nào tìm lại được. Vắng Tuồng, Liễu tưởng chừng không thể nào sống nổi. Đêm đêm, cô bé thầm khóc một mình giữa lúc canh khuya chợt tỉnh. Liễu tìm thanh tre làm kiếm, rồi tự tập múa, hát một mình và sắm một lúc hai, ba vai. Liễu như bị Tuồng bắt mất hồn, hễ nghe tiếng trống tuồng rung lên là cô bé đứng ngồi không yên. Dù bị nhốt trong buồng khóa trái cửa nhưng Liễu vẫn bò ra khỏi giường, nín thở, rón rén, chui vách ra ngoài rồi chạy một mạch đến rạp hát mặc cho mưa gió dọc đường ướt hết cả quần áo và sau đó bị những trận đòn roi nhớ đời. Cứ có tiếng trống chầu là bao nhiêu buồn bực lại tiêu tan hết, Liễu thấy lòng mình phơi phới, rạo rực, háo hức trong lòng.

Nhưng một biến cố xẩy ra đối với cuộc đời Ngô Thị Liễu khi bà đang ở tuổi 16, gia đình gặp khó khăn về kinh tế, có người đòi mua Liễu với giá 500 nghìn tiền Đông Dương. Biết được sự thật, bà đã bỏ trốn vào Huế, gia nhập gánh hát ông Tá Heo và được đi sâu vào nghề thêm một bước để trở thành một diễn viên tuồng, rồi bà lấy chồng là diễn viên con trai bầu gánh này. Tuy nhiên, không may cho bà đã rơi vào cảnh làm dâu một gia đình theo khuôn phép hoàng gia, đã đày đọa bao kiếp người chìm ngập trong cay đắng, tủi nhục, đặc biệt là người phụ nữ bị chà đạp đến phũ phàng. Tức mình vì nhà chồng đánh đập, bà đem con đi tìm gánh hát ở Quảng Nam để rồi suốt cuộc đời lăn lộn, nhục vinh, cười khóc với Tuồng. Tại mảnh đất sản sinh ra nhiều gương mặt nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng này, Ngô Thị Liễu đã có nhiều năm tháng bước lên sân khấu với những bậc anh chị có nghề để được học cái nghề mà mình yêu thích, ham mê. Năm 25 tuổi, bà trở thành một đào chính  có tiếng, nổi bật với các vai diễn mang tính cách mạnh mẽ, quý phái, đã giúp sức vực dậy những gánh hát một thời sa sút trước đó ở Quảng Nam. Năm 1939, Ngô Thị Liễu cùng nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai và soạn giả Tống Phước Phổ lập ra gánh hát Tân Thành ban và đào tạo lớp diễn viên trẻ để nối nghiệp. Gánh hát này có nề nếp nhất và có chất lượng nghệ thuật tốt, một thời vang bóng ở các miền quê Quảng Nam. Đồng thời, gánh hát Tân Thành cũng chủ trương cách tân nghệ thuật Hát Bội trước thực trạng nghệ thuật Cải lương phát triển rầm rộ, cạnh tranh mạnh mẽ với Tuồng dẫn đến sự ra đời của dòng tuồng Xuân nữ thời kỳ này.

Tuy vậy, trước Cánh mạng tháng Tám, những người theo các ngành nghệ thuật nói chung và Tuồng nói riêng vẫn bị xem là những kẻ “xướng ca vô loài”, phải chịu bao cay đắng, tủi nhục. Các đào, kép, kẻ sơ tán về nông thôn, người ở lại thành thị tham gia cách mạng. Ngô Thị Liễu cùng một số anh chị em khác phải gồng gánh chạy ra vùng tự do lánh giặc và làm đủ mọi nghề để kiếm sống: kéo sợi, làm bánh kẹo, đan, vá, khâu, may, nặn tượng…Thỉnh thoảng, bà tham gia “Hội mẹ và chị binh sĩ” đã từng lên rừng đào củ sắn dây đem về chế biến ra nước giải khát cho anh em bộ đội bị thương ở bệnh viện Duy Xuyên (Quảng Nam). Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng cái bệnh nhớ Tuồng, nhớ sân khấu không lúc nào nguôi nên đôi khi bà cùng một số nghệ nhân địa phương tổ chức một vài đêm diễn để hy vọng Tuồng có thể sống lại và tươi tốt hơn xưa. Nhưng do bọn mật thám Pháp kiểm duyệt rất gắt gao, chúng ra lệnh đóng cửa rạp hàng tháng trời, đời sống của nghệ sĩ hát bội càng thêm phần khó khăn. Ngô Thị Liễu phải bán cả thúng kịch bản Tuồng theo giá giấy lộn để có ít vốn mở quán bán hàng nước và chế biến sắn ăn lót dạ thay cơm. Thấy cảnh mẹ con bà vất vả quá, người cho bát gạo, kẻ biếu củ sắn, mớ khoai, rổ bắp. Có thể nói cuộc đời của NSND Ngô Thị Liễu là cuộc đời mang nhiều gian truân, bất hạnh điển hình cho số phận những người làm sân khấu trong xã hội cũ. Chính tấm gương lao động nghệ thuật mẫu mực của bà đã được viết thành sách “Đời nghệ thuật Ngô Thị Liễu” do Lê Ngọc Cầu ghi, xuất bản năm 1977 kể lại những bước thăng trầm trên con đường hoạt động nghệ thuật Tuồng của Ngô Thị Liễu. Tác giả nhấn mạnh: chính lòng say mê nghệ thuật một cách cuồng nhiệt và tình yêu đối với con người đã đưa người con gái này đến với Hát Bội và thành công với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Từ ngày được làm học trò trường tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, được diễn chung với các nghệ sĩ nổi tiếng như Chánh Đệ, Phó Phẩm, Đội Tảo, Bầu Sơn…Ngô Thị Liễu ngày càng chiếm lĩnh sân khấu và trở thành ngôi sao của sân khấu Tuồng miền Trung. Theo lời ông Trần Hóa - nghệ nhân hát tuồng quê làng Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam (em ruột của NSND Tư Bửu) - người cùng gánh tuồng với Đội Tảo kể lại: “Ngày ấy cứ đến hội hè là cả làng vùng Hà Nha náo nhiệt hẳn lên. Các phú hộ, địa chủ trong vùng thường bỏ tiền ra dựng rạp  và rước nhiều gánh Hat Bội nổi tiếng về biểu diễn. Những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngô Thị Liễu, Tư Bửu, Đội Tảo…đều biểu diễn ở đây để phục vụ công chúng yêu Hát Bội. Những cuộc hát kéo dài hàng tháng trời, có khi gần hết cả mùa xuân. Cứ vừa chập tối là cả làng trên xóm dưới, người người gọi nhau í ới, đèn đuốc sáng trưng trên các ngã đường đổ về mấy trường hát ở Hà Nha, Phụng Trì. Các vở Tuồng nổi tiếng như Sơn Hậu, Ngũ hổ bình liêu, Phàn Lê Huê, Lam sơn tụ nghĩa… được các nghệ sĩ tuồng tài hoa của đất Quảng biểu diễn, làm nức lòng người hâm mộ trên vùng đất phồn hoa đô hội một thời của tỉnh Quảng Nam”.

Cũng theo lời nghệ nhân Trần Hóa: “Tại làng Phụng Trì (làng Lam Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay) có một người phụ nữ tên Ngô Thị Liễu (còn gọi là bà Bang Nhãn) tài sắc vẹn toàn, nổi tiếng thơ phú hơn nhiều, lại mê Hát Bội và hát hò khoan. Ngoài 30 tuổi, bà một mình nuôi bốn đứa con nhỏ. Thời ấy, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết lại không chồng như bà luôn là đích ngắm của các vị có quyền thế, chức sắc “có tiền sinh tật” trong vùng. Không ít lần những hương, lý, chánh tổng, tri huyện sở tại đến nhà bà trổ tật bướm ong để trêu hoa, ghẹo nguyệt. Và bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lượt bị bà Liễu dùng tài ứng đối chữ nghĩa của mình làm cho bẻ mặt “một đi không trở lại”. Từ câu chuyện lý thú có thật về bà Ngô Thị Liễu đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ Hát Bội của gánh tuồng Bàu Toa tập hợp trí tuệ, tài năng sáng tác nên tác phẩm tuồng hài nổi tiếng “Nghêu Sò Ốc Hến” để phục vụ công chúng. Vở tuồng này đã trở thành tiếng cười của nhân dân chế giễu, đả kích bọn cường quyền, thối nát thời bấy giờ và tôn vinh những người phụ nữ biết đấu tranh vượt lên thân phận mình. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” được chính NSND Ngô Thị Liễu và các nghệ sĩ bậc thầy khác như NSND Nguyễn Nho Túy, NSƯT Trần Bửu… của Đoàn Tuồng Liên khu V mang ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa diễn phục vụ công chúng, được các nhà văn chuyển thể thành các tác phẩm Chèo, Kịch nói, Phim…”

Nếu trước Cách mạng tháng Tám (1945), Ngô Thị Liễu đã say sưa thể hiện thành công vai Tiên Nga trong vở tuồng “Cờ trắng rừng xanh” của tác giả Tống Phước Phổ nói về một cô gái có cha bị triều đình giết chết, cô liền tụ tập nghĩa binh phát tang cha, giương cờ nguyện rửa thù nhà trong sự kiểm soát chặt chẽ của bọn mật thám thì sau cách mạng, khi Đảng ta chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc, nghệ sĩ Ngô Thị Liễu cảm thấy mình như hoa Hướng Dương gặp ánh sáng mặt trời, bà mừng như người được cứu sống lại. Bà tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của Việt Minh tại Quảng Nam. Từ khi đoàn Tuồng Liên khu V thành lập (1952), bà và các nghệ sĩ nổi tiếng khác như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Phạm Chương, Nguyễn Phẩm, Võ Sỹ Thừa… là những người đầu tiên gia nhập, Ngô Thị Liễu tham gia diễn các vở như “Trưng Trắc”, “Tam nữ đồ vương” (tác giả Tống Phước Phổ), “Đường về Vụ Quang” (tác giả Hoàng Châu Ký) và đặc biệt bà đã thể hiện rất đạt vai chị Lan trong tuồng “Cờ giải phóng” (kịch bản của các chiến sĩ  cách mạng ở ngục Kon Tum gửi về và được Tống Phước Phổ chỉnh lý) . Chị Lan là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cùng khổ được Đảng và cách mạng giải phóng, giác ngộ trở thành một chiến sĩ giải phóng quân. Hình mẫu ấy đến năm 1952 lại được phát triển cao hơn, đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn trong vái chị Ngộ (vở tuồng cùng tên, tác giả Nguyễn Lai). Vai chị Ngộ được Ngô Thị Liễu diễn rất thành công ở nhiều nơi và đã có dịp trình diễn ở thủ đô cho Bác và Trung ương Đảng xem. Đây cũng là vai Tuồng hiện đại đầu tiên thể hiện con người mới, cuộc sống mới và mang tính mẫu mực của sân khấu Tuồng thời đại Hồ Chí Minh. Với vốn nghề vững vàng và biết vận dụng những kiến thức cũ thật nhuần nhuyễn vào vai con người mới, nhất là tận mắt chứng kiến nổi đau khổ của nhiều bà mẹ mất con, vợ mất chồng trong chiến tranh đã giúp NSND Ngô Thị Liễu diễn rất nhập vai. Bà đã được bộ đội, nhân dân Liên khu V gọi bằng cái tên yêu mến “Chị Ngộ”.

Sau năm 1954, NSND Ngô Thị Liễu tập kết ra Bắc cùng gia đình. Tại đây, bà được học thêm về văn hóa, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghề nghiệp, được trang bị lý luận về sân khấu, trở thành diễn viên cốt cán của ngành Tuồng. Trên vùng đất tạm ngưng tiếng súng đạn này, bà cùng những nghệ sĩ Tuồng cự phách như Nguyễn Lai, Bạch Trà, Năm Đồ sáng tạo và biểu diễn hàng trăm vai diễn trên sân khấu tuồng Việt Nam từ đào thương, đào võ đến cả các loại kép từ truyền thống, dân gian đến lịch sử, cận - hiện đại.

Phải thừa nhận rằng, NSND Ngô Thị Liễu là người nắm vững nhất hệ thống làn điệu và động tác tuồng cung đình (Huế) và đồng thời cũng là người hiểu biết sâu rộng, thuộc làu rất nhiều làn điệu dân ca miền Trung. Chỉ riêng những phần cơ bản của vũ đạo Tuồng, bà đã thuộc lòng hàng chục bài múa: Múa đèn theo nhịp lăn, múa gươm theo nhịp ba, bài múa Tam Quốc, Tây Du… cùng ba, bốn chục làn điệu khác nhau. Nhưng quan trọng hơn hết là bà nắm rất chắc hệ thống bài bản và thể hiện được bảy cảm xúc khác nhau của vai đào: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Đó là nền tảng vững chắc, là kho tàng quý giá để bà khai thác, bổ sung vào quá trình sáng tạo và áp dụng vào các vai trên sân khấu tuồng một cách linh hoạt.

Bên cạnh biểu diễn, bà còn tập trung vào công tác giảng dạy, đào tạo nhiều nghệ sỹ Tuồng kế cận, đến nay đã là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nổi tiếng trong cả nước như NSND Đàm Liên (Bà chúa của sân khấu Tuồng), những cô đào tài hoa trên đất Tuồng Bình Định như NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo hay những nghệ sĩ tài danh khác như NSƯT Kim Cúc, NSND Minh Ngọc, NSƯ Quang Vinh… đã góp phần làm nên một thời vàng son của sân khấu Tuồng.

NSND Đàm Liên luôn lấy lời dạy của thầy - NSND Ngô Thị Liễu để làm hành trang trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình: “Sân khấu chỉ có chừng ấy. Nhưng người diễn viên không bị bó hẹp bởi hai cánh gà, không gian của người diễn viên Tuồng nằm trong đôi tay, đôi chân, nằm trong hình thể, đôi mắt… nó rộng hay hẹp, nó bằng phẳng hay gập ghềnh, nó là sông ngòi hay ruộng đồng nhà cửa, là núi non hay biển rộng, là con thuyền trên sông phẳng lặng hay đang chòng chềnh trên sóng lớn - đều do chính ta mà thành”.

NSND Phương Thảo là người được NSND Ngô Thị Liễu dạy khá nhiều vai như Bà Huyện, Liễu Nguyệt Tiêm, Phương Cơ, Nguyệt  Hạo… nhớ lại: “NSND Ngô Thị Liễu là người nghiêm khắc trên sân khấu nhưng lại rất thương học trò ngoài đời. Bà lo lắng, chăm chút cho từng em từ viên thuốc đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày…”.

Hay nghệ sĩ Kim Thu - một trong những người học trò có thời gian gần gũi NSND Ngô Thị Liễu và được trực tiếp truyền dạy các vai như Bà Huyện (Nghêu, Sò, Ốc, Hến); Địch Thanh, Trại Ba (Ngũ Hổ bình Tây), Phương Cơ (Ngọn lửa Hồng Sơn)… và các làn điệu tuồng của các vùng miền khác nhau như Huế, Quảng Nam, Bình Định vẫn còn nhớ lại rất rõ về hình ảnh người thầy mình mỗi khi nhắc đến: “NSND Ngô Thị Liễu là người giỏi nghề. Đặc biệt là các bài bản, làn điệu rất phong phú. Bà có trí nhớ tốt, thuộc hầu hết các pho, phách trong các loại tuồng: Tuồng đồ, tuồng truyền thống, tuồng dân gian… Có lần NSND Ngô Thị Liễu đọc thuộc làu làu lời thoại trong tác phẩm “Đông Lộ Địch” nên được tác giả của vở tuồng này là Ưng Bình Thúc Giạ Thị khen. Nếu trao giải thưởng thì không ai có thể vượt qua được bà. Phong cách dạy học trò của NSND Ngô Thị Liễu chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phong kiến vừa nghiêm khác nhưng lại gần gũi học trò. Khi dạy vai hoặc các làn điệu, bài bản, bà kiểm tra kỹ và yêu cầu học trò trả bài nghiêm túc. Giữa giờ giải lao, NSND Ngô Thị Liễu thường kể chuyện hài cho học trò nghe tạo không khí vui vẻ và hứng khởi để các em tiếp thu bài nhanh hơn”.

Có một kỷ niệm vui khi NSND Ngô Thị Liễu đưa các học trò: Kim Thu, Xuân Viên, Thanh Nồng, Hòa Bình, Phương Thảo… về sơ tán tại Trung Kiên (Văn Lâm, Hưng Yên). Nhìn vào đội ngũ diễn viên nữ trẻ trung, năng động, sôi nổi, NSND Ngô Thị Liễu nảy ra ý tưởng đặt ngay là “Đàn chim Nhạn trắng”. Các học trò rất thích cái tên thầy đặt cho và hứng khởi học thêm các vai diễn để có thêm “vốn” nghề đi diễn trong các dịp văn nghệ hay các dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Phụ nữ…

Một câu chuyện khác thể hiện bản lĩnh của một người vững nghề, giỏi cương, giỏi bịa, nhanh tay, nhanh miệng, không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Ngô Thị Liễu. Đó là có lần đi tìm gánh hát bà Chánh Đệ ở Sông Cầu (Phú Yên) sau khi về quê thăm bà con, NSND Ngô Thị Liễu dừng chân ở đất tuồng Bình Định, bà nhận diễn một buổi theo lời mời của một đoàn hát. Vẫn thường diễn tuồng cương, trước khi ra sân khấu, bà chỉ cần biết nội dung vở diễn, dựa theo cốt truyện, theo dạng bài vở nào bà đã từng diễn. Buổi diễn đêm đó, bà bình tĩnh sắm vai bà già, không tỏ ra có gì đáng lo ngại. Đến lớp có kép núi cứu bà già gặp nạn, kép này hát đối đáp với bà:

Danh tánh chi, xin hãy tỏ phân

Rồi tớ sẽ đưa người tị nạn

Nghe hỏi, bà mới sực nhớ ra là chưa biết tên vai diễn của mình. Nhưng bà vẫn thản nhiên bịa câu nói lối, gạt phăng câu hỏi của kép núi:

“(Á thôi!) Đương khi nguy khốn

Chớ để diên trì

Giặc còn đương lừng lẫy binh truy

Tôi khó nỗi tỏ bày danh tánh

Rồi vội vàng, không để kép đáp lại, bà chuyển điệu hát tiếp câu Nam chạy:

Danh tánh rồi sau bày tỏ

(Bây giờ, xin người hãy mau mau)

Thoát khỏi vòng lưới thỏ lồng ưng

Mà khi đào đã hát Nam chạy, lại hát rất đúng chỗ, đúng tình thế thì kép cũng phải bước cho mau. Đó là phép tắc nhà nghề. Vừa dứt câu, bà ngoắc tay giục kép núi cùng chạy. Thế là chẳng còn cách nào khác, anh này đành vác búa chạy theo bà vào trong buồng trò, không còn cơ hội để hỏi tên tuổi bà nữa!

Trong đời nghệ sĩ, Ngô Thị Liễu còn có niềm vinh dự lớn lao là nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn trước Bác Hồ và những lúc Bác đến thăm Khu Văn công Mai Dịch, bà đều được gặp và hát cho Bác nghe. Bà từng kể lại: “Sau lần được gặp Bác lần đầu tiên năm 1954 khi diễn vở tuồng Chị Ngộ, đến năm 1959 tôi lại được gặp Bác khi diễn lớp “Trại Ba níu chồng là Địch Thanh”, Bác rất thích khi xem lớp tuồng này. Diễn xong, tôi được nắm tay Bác và nghe lời Bác dạy. Tôi không thể nào quên cái nhìn trìu mến như cha nhìn con. Tiếng nói đượm hơi ấm tình thương của Bác thấm vào tim tôi: “Hay lắm! Của cha ông để lại, phải giữ cho được nhưng chớ gieo vừng ra ngô”. Những lần sau đó, Bác đến Khu Văn công thăm anh chị em nghệ sĩ và mang theo cả kẹo để chia cho họ. NSND Ngô Thị Liễu được Bác cho 02 cái kẹo, bà ôm chầm lấy Bác và nước mắt cứ trào ra. Bà khóc vì nhận được ở Bác một tình th ương quá lớn, đó cũng là những giọt nước mắt vĩnh biệt cái kiếp “xướng ca vô loài” thời nô lệ để giữ mãi lấy cái vinh quang được làm người nghệ sĩ cách mạng, người kỹ sư tâm hồn mà Đảng giao cho.

Tuy dáng người nhỏ nhắn nhưng NSND Ngô Thị Liễu được trời phú cho khuôn mặt đẹp sắc sảo, phong cách rất quý phái, sang trọng từ cách ngồi, nhìn và cả cái liếc mắt cộng với tính cách hòa đồng, gần gũi và đặc biệt bà là người giỏi nghề, được đồng nghiệp cũng như học trò nể phục bầu làm Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ngoài ra, bà còn kiêm thêm nhiều chức vụ quan trọng khác như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian, thành viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và giảng viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu. Đặc biệt, năm 1970, NSND Ngô Thị Liễu được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cử đi Cộng hòa Dân chủ Đức dự lễ kỷ niệm Béc-tôn Bờ-rếch, một nhà cách tân sân khấu mà tên tuổi vang cả nước Đức và khắp Đông Tây.

Là người có địa vị trong xã hội và đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp khi lên sân khấu nhưng ngoài đời thường, NSND Ngô Thị Liễu có lối sống bình dị, đơn giản. Hết giờ biểu diễn và tập luyện, trong căn nhà chật hẹp của bà các học trò rất gần gũi, thân thiện. NSND Ngô Thị Liễu thấy mình thật hạnh phúc và càng có ích khi trường này mời, viện kia đón, đoàn này rước, ty kia yêu cầu… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), bà quay trở về Đà Nẵng, tiếp tục tham gia giảng dạy và biểu diễn.

NSND Ngô Thị Liễu đã gặt hái được những thành công trên con đường nghệ thuật là kết quả của sự cộng hưởng nhiều yếu tố: niềm đam mê tuồng đã ăn sâu vào máu thịt ngay từ thủa nhỏ. 13 tuổi đã bắt chước diễn vai Bạch Xà. Khi bước chân đi theo gánh hát, bà cứ gặp đâu học đó, thấy gì học nấy: Gặp người giỏi múa, bà học múa; gặp người giỏi hát, bà học hát; gặp ai có vai hay, có lớp tuồng đặc sắc thì học lấy vai, lấy lớp. Bắt chước ở anh này một câu, ở chị kia một bài, ở thầy này một lớp, bà kia một vai. Bà làm giàu vốn nghề bằng cách mót lượm như vậy. Thêm vào đó, ngoài tài năng, nghề nghiệp, vốn sống phong phú là điều kiện hết sức thuận lợi để NSND Ngô Thị Liễu sáng tạo trong cách diễn, khắc họa tính cách nhân vật đậm nét, diễn đạt tình ý đến nơi đến chốn. Hơn nữa, NSND Ngô Thị Liễu còn học thêm nghề ở bạn, ở khán giả. Bà từng tâm sự: “Người diễn viên hết lòng vì nghề phải biết cách đãi cát tìm vàng, phải biết làm giàu kho kinh nghiệm nghề nghiệp của mình bằng những hạt ánh sáng phát ra từ tấm lòng giấu kín dưới lớp áo đẫm mồ hôi của quần chúng”.

Gia đình NSND Ngô Thị Liễu là một gia đình có bề dày truyền thống theo nghệ thuật Tuồng. Chồng - con - cháu đều cùng làm trong nghề. Chồng bà NSND Nguyễn Lai là một trong những ngôi sao sáng của Đoàn Tuồng Liên khu V. Hai con trai là NSƯT Nguyễn Vĩnh Phô, NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế và đứa cháu nội - NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng đã hết mình với Tổ nghiệp, xứng với truyền thống “con nhà tông”. Đặc biệt, NSƯT Vĩnh Phô là người giỏi nghề, dáng người đẹp lại có giọng hát hay, sử dụng thành thạo đôi hia trong Tuồng, được khán giả và bạn nghề công nhận là “đôi hia biết nói”.

Với những cống hiến to lớn đối với nghệ thuật Tuồng, từng nếm trải đủ vinh nhục trong cuộc đời lẫn trên sân khấu và đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, NSND Ngô Thị Liễu được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa… Đặc biệt năm 1984, bà vinh dự được nhận danh hiệu NSND đợt I. NSND Ngô Thị Liễu thật sự là nữ tướng Tuồng xuất sắc trong trái tim bao thế hệ nghệ sĩ cũng như công chúng yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

(Bài viết in trong tập sách “Nhớ về các Thầy Tuồng (thời kỳ 1930 - 2000)”, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Phòng nghiên cứu nghệ thuật biên soạn - Quy Nhơn, 2014) 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ