Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Nghiên cứu phê bình

Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại


Ngày cập nhật: 29/07/2019 00:00:00

LÊ VĂN THÊ

 

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch có đoạn viết:

“Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”.

Không những thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác có ý nghĩa vĩ đại đối với cách mạng thế giới. Ông Houari Boumediene, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Angieri đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc”.

Không chỉ là các lãnh tụ, các chính khách mà hàng trăm người dân trên thế giới đã ca ngợi Hồ Chủ tịch. Họ ca ngợi đức độ của Bác, ca ngợi tài năng, ca ngợi cách mạng Việt Nam mà Bác là người lãnh đạo, ca ngợi ảnh hưởng to lớn của Bác với phong trào cách mạng thế gới… Đặc biệt, nhiều lời ca ngợi ấy được thể hiện bằng thơ, đó là tiếng lòng xuất phát từ rung động của trái tim. Thơ của những nhà thơ lớn, thơ của người làm thơ không chuyên, thơ của những người lao động bình dân. Sau đây chỉ là một số đoạn trích trong vô vàn những bài thơ ca ngợi Bác của người dân khắp nơi trên thế giới.

Về ý nghĩa to lớn như trên đã nói, nhà thơ Angieri Trabani Akhomet đã viết: “Tên Người đồng nghĩa với danh từ chống đế quốc/ Tên Người cao hơn máy bay/ Tên Người cao hơn đại bác/ Tiếng nói của Người dội vang đất nước/  Kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đứng lên”.

Đất nước và nhân dân nhà thơ Trabani Akhomet nói ở đây không chỉ là đất nước và nhân dân Việt Nam mà cả những đất nước và nhân dân còn bị nô lệ trên toàn thế giới. Họ hướng về Bác, nghe theo lời kêu gọi của Bác mà chiến đấu giành độc lập tự do.

Nhà thơ đồng thời là chiến sĩ du kích Mêhicô Đêvit Anxinơ đã viết: “Chúng tôi là những người du kích/ Ở châu Mỹ la tinh/ Trong rừng sâu/ Nghe tiếng bước chân Người/ Những bước chân đã dẫn đầu cuộc đấu tranh giải phóng/ Người luôn bên cạnh chúng tôi/ Vì tinh thần của Người vẫn còn mãi mãi/ Sẽ chiếu sáng/ Con đường của chúng tôi đi”.

Báo Ánh điện của Ấn Độ số ra ngày 13/9/1969 đánh giá về Bác Hồ: “Hồ Chí Minh là nhân vật lỗi lạc nhất châu Á. Cuộc đời Cụ không đi theo một con đường đơn giản trong một bản đồ đã chỉ, leo vững chắc hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Cụ kết hợp giữa sự tao nhã cao quý với tác phong gần gũi, rất dân chủ, một sự kết hợp nhịp nhàng và thận trọng. Cụ là hiện thân của sự bất khuất”.

Có thể nói, Bác Hồ là nhân vật huyền thoại. Người là nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, một tấm gương lớn về nhân cách. Etmong Misble, Bộ trưởng các quân chủng Pháp được ủy nhiệm tiếp Bác năm 1946 đã nhận định về Bác: “Đó là một người Cộng sản theo lý tưởng. Ông chắc chắn là một người chấp nhận Cách mạng Cộng sản chủ nghĩa… nhưng trong tự do”.  Thiếu tá Alison Thoma, người cầm đầu tổ chức Con nai của OSS khi gặp Bác ở Việt Bắc đã cảm phục: “Đời tôi đã gặp nhiều người rất thông minh nhưng tôi chưa từng gặp người nào thông minh như Hồ Chí Minh”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnhép trong điện chia buồn khi Bác mất đã viết: “Đời đồng chí Hồ Chí Minh trong suốt như pha lê”.

Những phẩm chất cao đẹp đó của Bác có sức lan tỏa rộng lớn, lay động những trái tim của nhiều thi sĩ khắp nơi trên thế giới. Họ viết về Bác để tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục nhưng cũng để tìm hiểu khám phá những phẩm chất kỳ vĩ của một con người kỳ vĩ. Bác yêu nước, căm thù giặc, quyết chiến đấu cho độc lập tự do vì Người cũng như nhân dân của mình đã chịu sự áp bức đau khổ, tủi nhục của người dân nô lệ. Phêlích Pita Rôđrighết, nhà thơ Cuba đã viết:

Bởi vì Người đã đói cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm bốn lăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mình một tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân mất nước/ Bởi vì Người đã chất chứa tủi nhục của mọi người cùng cực/ Bởi vì Người đã chịu nỗi đau roi vọt đánh vào dân tộc/ …Và như thế Người đã nhận ra rằng: Bất cứ ở đâu con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một/ Và Người đã biết ở đâu cũng một lòng căm uất và đường đi cũng chỉ có một mà thôi”.

Nhận thức được nỗi đau, sự tủi nhục của dân tộc nô lệ, Bác Hồ chấp nhận mọi hy sinh, nguy hiểm, gian khổ để tìm đường cứu nước, để giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhà thơ Nga Katep Yaxin viết: “Con Người trong giấc mộng lao tù/ Con Người đi dép cao su/ Con Người giải phóng đồng bào cơ cực/ Con Người quét tuyết – Nhà thơ chiến lược/ Người cùng khổ tìm phương cứu nước/ Người mà ta gọi Bác Hồ mực thước/ Soi sáng Hồ Chí Minh cho dân tộc tự do”.

Bác rất vĩ đại nhưng rất giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, yêu mến tất cả mọi người nhất là trẻ nhỏ. Nhà thơ Dagi của Inđonexia viết: “Người không muốn ngồi ghế cao chót vót/ Cho nhân dân cầu nguyện phụng thờ/ Người khiêm tốn ngồi ngang và thấp/ Với chung quanh, Người yêu nhất trẻ thơ”.

Một nhà thơ khác của Inđônêxia cũng ngợi ca tính khiêm cung của Bác: “Người không mang danh dự ghế suy tôn/ Ngồi vào đấy, với Người, không có nghĩa/ Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung son”.

Nhà văn, nhà báo Pháp Medeléne Ripho trong một lần được tiếp kiến Bác, được Bác tặng một bông hoa hồng. Ông rất bất ngờ về món quà đó. Càng bất ngờ hơn khi Bác hiểu dân tộc Pháp không khác gì hiểu dân tộc Việt. Ông viết: “Người tặng tôi đóa hoa hồng/ Tựa như những đóa tôi trồng trong vườn hoa/ Hỏi thăm tin tức chúng ta/ Hiểu dân tộc Pháp như là bạn, tôi”.

Nhà thơ Ba lan Xtephan Phêcốpki khẳng định những tiêu chí lớn mà Bác Hồ phấn đấu cho dân tộc của mình đồng thời cũng là những tiêu chí cả loài người tiến bộ đang phấn đấu và tôn vinh: “Từ cách nhìn/ Từ trái tim dân tộc/ Bác Hồ/ Người đã viết nên cái tên/ Cách mạng/ Nhân phẩm/ Tự do/ Tiến bộ”.

Điều kỳ diệu mà các nhà thơ trên thế giới cảm phục Bác Hồ là ở chỗ, Người là chiến sĩ cách mạng lỗi lạc trong phong trào cách mạng thế giới, một lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam nhưng là người giản dị và nhân hậu tới mức tuyệt vời. Vì thế, khi Bác đã đi xa, nhà thơ Mỹ Haouốc Pácxơn có cảm tưởng Bác Hồ bất tử: “Trong mỗi trái tim, Người vẫn mỉm cười/ Sống trong lòng những đồng chí đang giữ gìn Tổ quốc/ Sống trong lòng những cụ già canh gác cho thế hệ mai sau/ Sống ở những giấc mơ của thế hệ thanh xuân”.

Đó cũng là lý do để nhà thơ Haiti Rônêdêpenxtrô cho rằng Bác Hồ có vẻ đẹp của tất cả các vẻ đẹp trên đất nước của ông: “Các bạn hãy nhìn lên trên ngọn cây ô liu trên núi/ Các bạn hãy nhìn vào biển cả lấp lánh từ xa/ Các bạn hãy nhìn vào những hàng cây và quả non chi chít/ Và con sông Va rền rĩ từ xa/ Rồi các bạn hãy lặng yên/ Với vẻ đẹp của Bác Hồ”.

Cùng một nội dung ca ngợi vẻ đẹp của Bác Hồ, nhà thơ Tây Ban Nha Anphôngxô Xastơ viết: “Ân tình không chút khô khan/ Người đi nhẹ nhõm hành trang bên mình/ Đẹp chòm râu bạc Á Đông/ Một bông cẩm chướng trong vành hoa tươi/ Người yêu chan chứa tình đời/ Bao la như lúc tim người nở ra”.

Quân đội Việt Nam non trẻ, trang bị thiếu thốn, nhân dân Việt Nam nghèo đói nhưng đã đánh bại hai đế quốc hùng cường nhất thế giới. Điều đó đã khiến không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu khoa học quân sự trên thế giới tốn nhiều giấy mực để lý giải câu hỏi vì sao. Nhà thơ Pháp Xecgiô Antane lý giải điều đó theo cách của mình: “Cả dân tộc yêu Người/ Vì sao một con đường bị phá/ Tức khắc có ba con đường khác mọc lên thay/ Vì sao người chiến sĩ hy sinh trong tiếng hát/ Vì sao một chiếc cầu bị sập/ Tức khắc ba chiếc cầu khác được bắc lên ngay/ Vì sao lúa vẫn mọc xanh mặc cho chất độc/ Vì sao người ta có thể ngã xuống/ Với một tiếng hát nằm trong lỗ đạn trong tim”.  

Đoạn thơ trên đã lý giải được một ý lớn: Có Bác Hồ lãnh đạo, người Việt Nam chiến đấu kiên cường, bất khuất, càng đánh càng mạnh, càng đánh,  kẻ thù càng bất lực. Nhà thơ không viết nhưng người đọc vẫn hiểu, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, tất yếu nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng. Mọi kẻ thù dù hung hãn đến đâu cuối cùng cũng sẽ thất bại.

Nhà thơ Cuba Lisandro Toro muốn khái quát tất cả những phẩm chất cao quý và vĩ đại của Bác Hồ. Tuy chưa đầy đủ nhưng nhà thơ đã biểu đạt được nhiều phẩm chất tốt đẹp vô song của Bác: “Ngoài dũng cảm - Người tiêu biểu quyết tâm/ Ngoài thông minh - Người có tầm nhìn xa/ Ngoài sự hiểu biết - Người hằng hà vốn quý/ Và tất cả chung đúc vào đấy/ Hồ Chí Minh, người du kích, nhà thơ/ Nhà cách mạng/ Để làm nên chiến thắng”.

Thật hiếm có một lãnh tụ nào trên thế giới mà được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới yêu mến và ca ngợi nhiều đến thế. Một người Cộng sản lại được cả những người phi Cộng sản quý yêu. Đó là lí do UNESCO, Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết có đoạn viết: “Xét thấy việc tổ chức kỷ niệm trên quy mô quốc tế những nhà tri thức lỗi lạc và danh nhân văn hóa là góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu của UNESCO và sự hiểu biết của thế giới. Ghi nhận rằng, năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của nhân dân Việt Nam”.

Thơ của các nhà thơ trên thế giới viết về Bác Hồ nhiều tới mức có thể gọi là rừng thơ, các nhà nghiên cứu văn học, Viện Văn học cũng chưa thể thống kê hết được. Đó là rừng thơ đa sắc màu, đa ngôn ngữ, đa phong cách thể hiện. Nội dung chủ đạo của các nhà thơ viết về Bác Hồ là cảm nhận về tầm vóc cống hiến và sức lan tỏa từ cuộc đời vĩ đại của một lãnh tụ; là sự khâm phục tự hào về một con người mà cuộc đời là sự hiện thân của ý chí phấn đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hòa bình của nhân loại.

Đã có hơn 200 tác phẩm và công trình nghiên cứu lớn, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các vị lãnh đạo các nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, triết học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của Người được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, các bộ tự điển danh nhân lỗi lạc của loài người.

Nếu muốn khái quát một câu tóm tắt về Bác Hồ, có thể lấy câu của nhà báo Mỹ Harrison Salisbury. Sau khi được gặp Bác Hồ, ông viết: “Cụ là nhân tố của huyền thoại và truyền thuyết”.                                                                   

(Bài viết có tham khảo tư liệu của các nhà nghiên cứu lý luận văn học, viện Văn học, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân Dân, tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Nhận diện về truyện trinh thám Việt Nam (26/11/2019)
Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại (29/7/2019)
Nguyễn Văn Chức: Một nét riêng thơ (21/11/2018)
Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (11/10/2018)
Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ (3/10/2018)
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến nay (26/9/2018)
Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (12/9/2018)
Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (7/11/2017)
Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Việt Nam (19/10/2017)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ