Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Tản văn

Đêm trăng tát nước trên đồng


Ngày cập nhật: 07/09/2015 00:00:00

Tản văn - HOÀNG CÔNG DANH

      Đêm trăng trên cánh đồng làng, một đôi trai gái với hai tay gầu. Đấy không là thơ, mà là một công việc nhà nông rất nên thơ. Múc lên, đổ vào, từng gầu nước đều đặn. Trông rất giản đơn nhưng không hề dễ dàng, hai bên phải hòa hợp thì gầu nước mới không tréo dây. Bởi thế tục ngữ Việt có câu: thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.

      Trong gian bếp của người nhà quê luôn có một góc để những dụng cụ làm đồng. Riêng chiếc gầu tát nước thì được treo ở trên cao. Chừng ấy thôi đủ biết người quê quý và trân trọng chiếc gầu đến mức nào. Phải quý là bởi chiếc gầu rất khó làm. Hồi trước gầu thường làm bằng tấm nhôm mỏng nhẹ, hoặc lấy tôn thép gò lại. Gầu dùng để tát nước từ mương vào ruộng cao, hoặc dùng để tát hồ bắt cá. Nhà thằng Phi hồi ấy có cái gầu nhôm mà anh em nó thường đem đi tát. Mỗi lần thấy Phi vác cái gầu đi là thế nào lát về trong gầu cũng có cá. Hỏi Phi sao bắt cá tài thế. Nó bảo có bắt đâu, chỉ đứng tát là cá tự chui vào gầu à. Biết nó nói chơi nhưng tôi vẫn tin. Tin rằng quê hương mình rất sẵn có, tin rằng lao động luôn mang lại kết quả.

      Người quê thường tát nước ruộng vào ban đêm hoặc rạng sáng. Mặt trời gác cây sào là thôi tát vì nắng thường làm ngứa quanh lưng, mà hai tay đã bận cầm dây gầu rồi, không thể gãi được.

      Những mùa hè hạn hán, cả làng kéo nhau ra đồng tát nước. Trời càng hạn đêm trăng càng sáng. Đấy là sự bù đắp của thiên nhiên. Trẻ con chúng tôi vì say trăng nên cũng theo chân ba mạ ra đồng. Mỗi nhà cầm theo một chiếc chiếu với ấm nước chè. Tát đến khi nào mỏi tay thì ngồi ra chiếu, uống nước chè và ngắm trăng. Những vụ lúa gặp hạn hán như thế, cái gầu thành ra phương tiện thiết thực. Suốt đêm, trên cánh đồng làng chiếc gầu đã miệt mài cõng nước từ dưới mương lên ruộng.

      Trong việc đồng áng luôn có sự phân công rõ rệt, đàn ông sức dài vai rộng thì cày cuốc gánh vác, đàn bà nhu mì khéo léo thì cấy hái chăm tỉa, riêng việc tát nước là nhiệm vụ chung và phải có cặp mới làm được. Ngày trước, con trai làng thích lấy con gái quê là vì thế. Cưới vợ để chiếc gối có đôi, cái giường không buồn, cái gầu không tẻ. Mùa đông tát nước ra, mùa hạ tát nước vào. Ao đầy khoát gầu bắt cá, đìa sâu múc nước đào lươn. Trai gái tuổi biết yêu mượn cái gầu dây gửi nhớ thương. Chẳng hạn chàng trai vào nhà cô gái mượn cái gầu, nghĩa là anh đang muốn có cặp. Dưới trăng, dây gầu nối tay đôi lứa, chiếc gầu chòng chành ở giữa như hạnh phúc. Chỉ cần một bên buông tay là hạnh phúc tuột đi. Còn nếu nắm căng dây quá thì hạnh phúc không đầy. Chiếc gầu không chỉ để múc nước mà còn để thử lòng nhau, qua cách nắm dây lại đoán được tính người. Người quê tìm hiểu nhau là tìm hiểu từ cách xử sự trong công việc đồng áng.

       Nếu trong nhà thiếu người, hoặc tát những vũng nước cạn thì không dùng gầu dây mà dùng chiếc mo nhỏ hơn, gọi là cái nát. Nát là tấm tôn uốn vòm chữ U, một đầu dập dính mép, gắn cây cán tre vào dùng cho một người tát.

      Trong xóm có thằng Cưng. Hồi ấy mỗi lần đi thăm đồng nó thường vác theo cái nát. Thấy nước trong ruộng cạn là tát vào. Gặp hố nước là Cưng ngăn lại tát để bắt cá. Cái nát linh động hơn cái gầu ở chỗ ấy. Cưng hồn nhiên vác cái nát đi lẳng lẳng coi bộ rất yêu đời, tay cầm cái nát tát, miệng hát vô tư. Những hình ảnh của bạn bè đồng trang lứa ở làng đã phác nên trong tôi một bức tranh lao động lạc quan và tin yêu. Hoặc hình ảnh một chị đứng tát nước luôn gợi lên mồn một khi đọc những bài vần vè thuở cắp sách đến trường. Chẳng hạn có câu ca dao rất duyên nói về chuyện tát nước:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Và thi sĩ Bàng Bá Lân cũng có câu thơ rất tình:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

      Có lẽ cô gái trong ca dao và thơ ấy đang tát nước bằng cái nát chứ không phải bằng gầu dây đôi. Vì nếu tát gầu dây thì phải hai người. Nếu cô gái đã có đôi có cặp thì mắc mớ chi anh chàng trong ca dao phải nhớ cho hoài công. Và nếu tát hai người thì thi sĩ Bàng Bá Lân cũng không thể chỉ trách riêng cô gái được.

      Nghề nông vốn gắn liền với thành ngữ nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Dù thủy lợi có tốt đến đâu thì vẫn cần đến cái gầu cái nát, như người ăn cơm cần cái bát cái muôi. Mỗi hạt gạo có trong đó cả mồ hôi lẫn tiếng cười, có nhọc nhằn và tình tứ. Quê hương giản dị như cái nát cái gầu là thế, nhưng hàm chứa biết bao ẩn ý sâu quyện.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ