Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Truyện ngắn

Kẻ khuyết tật


Ngày cập nhật: 01/08/2018 00:00:00

Truyện ngắn - ĐỖ CÔNG TIỀM 

 

Tác giả ĐỖ CÔNG TIỀM (Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh) - Ký họa của HÀ HUY CHƯƠNG

 

Chú Ẩn mất. Vợ tôi nức nở rống lên như khóc cha chết. Còn tôi, dẫu là lòng dạ của người đàn ông cũng phải dựa vào cột nhà, nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra. Giọt vắn giọt dài sụt sùi như trời đổ mưa ngâu. Lòng dạ bời bời bao xót xa thương cảm.

 

Chú Ẩn không phải là họ hàng ruột thịt, hay có dây mơ rễ má gì với gia đình tôi. Chú chỉ là hàng xóm. Là cái tình cái nghĩa tối lửa tắt đèn có từ ngàn đời nay...

 

Trong sâu thẳm của ký ức, tôi vẫn nhớ. Hôm tôi cưới vợ. Cô Mai, vợ chú Ẩn, vác cái bụng vượt mặt vẫn lệch khệch quét tước, lau chùi dọn dẹp cho nhà tôi. Ngay đêm ấy cô trở dạ. Chú Ẩn đưa cô lên nhà hộ sinh của xã. Cô sinh được cái Ngân bây giờ. Cô vừa sinh xong thì bị băng huyết, Và cô đi mãi.

 

Nỗi tang thương đâu chỉ riêng nhà chú Ẩn. Mà nó còn là nỗi đau chung của cả xóm tôi. Cái xóm nhỏ nghèo xơ nghèo xác với những cuộc đời vất vả lam lũ. Mọi người nhìn vào đứa trẻ còn đỏ hỏn, vừa cất được tiếng khóc chào đón cuộc đời, thì cũng lại là tiếng khóc ly biệt. Còn hai đứa lớn. Thằng Trung đang học lớp tám. Hồi đó vẫn còn là hệ phổ thông mười năm. Đứa thứ hai tên Hòa, mới đang học lớp hai. Nhìn chúng nó lơ ngơ trong bộ đồ tang trắng toát, lòng dạ ai cũng thắt lại. Hai mắt sưng mọng đỏ như hai quả nhót, ầng ậc nước.

 

Cô Mai ra đi. Coi như yên phận cô. Chỉ là cái việc cô từ giã nơi trần thế, để trở về với cõi vĩnh hằng. Một việc nào có ai tránh được. Chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng với người còn sống, thì lại là cả một nỗi đau. Ở con người ta, có nỗi đau nào lớn hơn được nỗi đau ly biệt.

 

Mọi người trong xóm xúm vào động viên an ủi chú Ẩn. Hôm đưa cô Mai về nơi an nghỉ cuối cùng, chú Ẩn ngất đi ngất lại. Những ngày sau, chú nằm bệt như một cái xác không hồn. Nhưng như bát nước nóng rồi cũng nguội dần, chú đứng dậy được. Chú như đã nhận ra. Chú phải sống. Trên chú còn có người mẹ già. Dưới chú là một lũ con thơ dại.

 

Mẹ chú. Một người hiền hậu nhất trong những người phụ nữ hiền hậu tôi từng được biết. Chồng bà là liệt sĩ chống Pháp. Ông là du kích, hy sinh trong một trận chống càn. Một cuộc càn quét của cả tiểu đoàn Lê Dương vào làng. Ngày hôm đó là ngày giỗ trận của làng tôi. Hòa bình lập lại. Bà từ chối tất cả các đám mai mối, cũng như những người đàn ông đến với bà. Bà quyết đứng vậy, nuôi chú Ẩn khôn lớn.

 

Nỗi u buồn của bà biến mất từ khi chú Ẩn cưới cô Mai về. Rồi cô sinh thằng Trung, đến thằng Hòa. Trên gương mặt bà luôn rạng rỡ lấp lánh như có ánh bình minh. Trên đời này, chẳng có ai yêu cháu hơn được bà cụ yêu cháu. Hai thằng cũng vậy. Chúng nó yêu quý bà nội của chúng hơn tất cả mọi thứ. Lúc còn bé, chúng luôn lẵng nhẵng bám váy bà. Khi lớn lên, chúng đi học về mà không thấy có bà ở nhà là chúng mếu máo nhớn nhác, tìm bằng được bà mới thôi.

 

Còn chuyện bà cụ với con dâu thì thật là hiếm thấy. Chuyện bất đồng xích mích giữa mẹ chồng với nàng dâu thường hay xảy ra ở mọi nhà. Gần như là việc bình thường cơm bữa. Nhưng ở bà cụ với cô Mai là hy hữu. Hai người yêu thương nhau như tình mẹ con ruột thịt.

 

Giờ cô Mai đột ngột ra đi. Bà cụ bỗng héo rũ ra như tàu lá chuối gặp lửa. Bà sống lay lắt được một tuần. Rồi bà theo cô Mai về nơi chín suối.

 

Đúng là họa vô đơn chí đã giáng xuống gia đình chú Ẩn. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Ngay hôm dân làng làm lễ truy điệu cho cụ, ông Bảo, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, làm trưởng ban tang lễ. Đứng trước đông đảo bà con dân làng, cũng phải thốt lên: Ông Trời quả là quá nhẫn tâm với gia đình chú Ẩn.

 

Vợ chồng tôi lúc ấy cũng cuốn hút vào những công việc bên nhà chú Ẩn. Trong lòng tôi cứ day dứt một điều. Hôm tôi cưới, cô Mai không vất vả với nhà tôi thì có lẽ đêm ấy cô chưa sinh. Còn nếu đúng ngày giờ cái Ngân phải ra thì chưa chắc cô đã bị băng huyết. Cô Mai không chết mẹ chồng của cô chắc còn khỏe mạnh. Ý nghĩ ấy luôn dày vò trong tôi. Tôi không dám thổ lộ với bất kể một ai. Ngay cả với vợ.

 

Vợ tôi luôn bận bụi với việc chăm sóc cái Ngân. Cũng thật lạ. Nhiều người bế nó, đều là các bà mẹ đang nuôi con. Cho nó bú, nó vẫn khóc. Vợ tôi, một cô gái chưa một lần bồng bế trở sơ sinh, bế nó, thì nó nín. Nó ngậm cái miệng tý xíu vào bầu vú non tơ, làm gì có sữa. Nó cứ mút chùn chụt. Rồi nó ngủ.

 

Những ngày phép của tôi trôi nhanh. Tôi trả phép về đơn vị. Đơn vị tôi đóng quân trên biên giới. Những khi nhớ nhà, nhớ vợ, trong tôi nao nao bao nỗi niềm. Đêm hôm trước ngày trả phép, tôi nằm thao thức tới gần một giờ sáng, vợ mới ở bên nhà chú Ẩn về. Tôi nằm im giả cách như đang ngủ say lắm. Em lặng lẽ rúc vào nách tôi, nức nở. Tôi giả vờ giật mình thức giấc hỏi một câu nặng như chì: “Làm sao vậy?”. Em vẫn nức lên, người run bần bật. Tôi cũng chẳng rõ được là tôi đang giận vợ thật hay giả vờ. Và vẫn cứ lặng thinh nằm gần như là bất động. Một lúc, em choàng tay ôm lấy tôi. Áp vào tai tôi thầm thì: “Thời gian qua em giành cho anh được quá ít. Tha lỗi cho em đi anh!”. Tôi như bừng tỉnh sau một giấc u mê. Nào em có lỗi gì đâu. Phải. Thời gian nghỉ phép của tôi đâu có dài. Ngày ấy, những đôi vợ chồng mới cưới ở nông thôn như chúng tôi. Có ai được nghĩ đến tuần trăng mật trăng đường. Vợ tôi là giáo viên cấp II trường làng. Được nhà trường cho nghỉ đúng chế độ là 3 ngày. Dạy xong là em lại bận với việc chăm cái Ngân. Kể ra, cũng gây cho tôi chút phiền toái nào đấy. Nhưng làm sao khác được. Âu cũng là một cách cư xử. Là một tấm lòng cả. Tôi sao lại giận vợ được.

 

Tôi xoay người ôm em vào lòng. Lấy tay lau lên gương mặt đẫm nước mắt của vợ. “Anh chẳng giận em đâu. Mà anh còn thấy rất sung sướng và hạnh phúc nhất trên đời này đấy. Em có biết là vì sao không?”. “Vì sao hả anh?”. “Vì anh đã lấy được một người vợ có tấm lòng nhân hậu”. Em đè lên tôi. Chúng tôi hòa vào nhau trong niềm hoan lạc của hạnh phúc.

 

Tôi về đơn vị được một tuần thì nhận được thư của vợ. Thư em viết ngoài tình yêu và nỗi nhớ ra còn phần lớn em kể về cái Ngân. Nó là đứa phàm ăn. Nhưng lại đói và khát sữa. Nó khóc, nó hờn. Làm em đau rát cả ruột. Vân vân và vân vân. Đọc thư vợ, tôi có cảm tưởng như là em đã mang nặng đẻ đau ra cái Ngân vậy. Cũng thật là tội nghiệp cho nó. Ngày ấy, đâu có sữa dành cho trẻ sơ sinh như bây giờ. Có nhờ cậy người nọ người kia xin cho cái lệnh mua hàng. Cũng chỉ mua được cân đường hộp sữa thôi. Còn các bà mẹ đang nuôi con, thì cũng chỉ biết san sẻ cho nó những giọt sữa hiếm hoi. Bản thân các mẹ còn đói cơm. Bát cơm còn độn sắn độn khoai thì sữa đâu được đầy. Biết rằng con mình còn thiếu sữa. Nhưng các bà mẹ trong xóm đều thay nhau tranh thủ đến tận nhà dành cho cái Ngân tý sữa.

 

Ở thư sau. Đầu thư vợ báo tin mừng. Tôi mừng rơn vì tưởng sắp được làm bố. Nhưng đọc hết thư thì mới vỡ lẽ là em đã tiết sữa. Sữa nhiều, đặc thơm là đằng khác. Cái Ngân đã được bú no căng rốn. Thế là từ nay nó không phải bú chực người khác nữa. Vợ hồ hởi khoe với tôi vậy. Tôi có tưng hửng vì mừng hụt. Nhưng trong lòng cũng chộn rộn xốn xang. Vợ tôi có sữa. Là một sự kỳ diệu của tạo hóa. Hay là do chính tấm lòng của em tạo nên.

 

Và rồi những lá thư sau, vợ tôi chủ yếu kể về cái Ngân. Về những khó khăn, những vất vả của gia đình chú Ẩn. Chẳng cần em kể, tôi cũng hình dung ra được những cơ cực mà bố con chú Ẩn đang phải chịu đựng. Có lẽ gia đình chú Ẩn thuộc diện nghèo khó nhất trong sự nghèo khó chung của cả làng.

 

Đến cuối năm, tôi được cấp trên cho đi học ở trường quân chính của quân khu. Trước ngày nhập trường, tôi có thời gian tranh thủ về nhà được hơn một tuần. Tôi mang sang cho chú Ẩn vài cân đường vài hộp sữa. Của tôi để giành và của một số anh em trong đơn vị biết hoàn cảnh của bé Ngân đã gửi tặng. Nhận món quà giữa thời buổi tem phiếu khó khăn, chú Ẩn chẳng nói được một lời. Mà nước mắt chú cứ tuôn rơi. Tôi hiểu tâm trạng của chú. Hình như chú biết mình đã nợ quá nhiều.

 

Cái Ngân giờ hai má đã phinh phính hồng hào. Nhìn nó, chẳng thể ai nghĩ nó là đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng. Còn vợ tôi vẫn vậy. Ngoài giờ lên lớp ra là em dành cả cho bé Ngân. Nhìn vợ cho nó bú và cách thức chăm trẻ của vợ, trong tôi cứ rạo rực hân hoan làm sao ấy. Nay mai chúng tôi có con, chắc hẳn là em sẽ chăm con tốt và yêu con lắm. Ở trên đời này, có phải người mẹ nào cũng biết chăm và yêu con đâu.

 

Tôi trở về trường. Hai tháng sau, vợ báo tin mừng. Em đã mang thai. Lần này tôi được mừng thật. Qua thư vợ. Ở nhà, biết được vợ tôi đã có mang. Chú Ẩn nhất nhất yêu cầu vợ tôi phải cai sữa. Nhưng em lại chưa muốn bé Ngân sớm phải thiếu đi nguồn sữa mẹ. Em hỏi ý kiến tôi. Tôi viết thư về dặn vợ. Tùy theo tình hình sức khỏe mà cai sữa bé Ngân sớm hay muộn cho thích hợp. Dùng dằng đến tháng thứ 7, vợ tôi mới chịu cai sữa cho bé Ngân.

 

Ơn trời. Đủ tháng ngày, vợ tôi sinh được thằng cu bụ bẫm. Ba cân tám. Tôi vẫn phải ở trường. Hoàn cảnh của chúng tôi cũng éo le. Bố mẹ tôi mất sớm. Tôi là con út. Ba chị gái trên tôi đều lấy chồng xa nhà cả. Còn bên vợ thì quê tận Nam Định. Cách nhà tới hơn hai trăm cây số. Ở nhà, vợ con tôi lại phải nhờ vả vào bà con chòm xóm. Vào gia đình chú Ẩn là chính. Qua thư của vợ, ở trường tôi thật yên tâm.

 

Bốn năm sau, vợ tôi sinh thằng cu thứ hai. Lúc này tôi đã trở về đơn vị. Ở nhà, vợ con lại phải nhờ vả cả vào bà con lối xóm. Vào gia đình bên chú Ẩn. Thư nào vợ viết cho tôi, cũng nặng trĩu những ân tình.

 

Năm tháng trôi.

Tôi được cấp trên cho nghỉ hưu. Được trở về với cuộc sống đời thường. Trở về nơi chôn rau cắt rốn với bao vui buồn của tuổi ấu thơ.

 

Quê tôi giờ đã thay da đổi thịt. Đường trên ngõ dưới được đổ bê tông. Nhà gác một tầng, hai ba tầng mọc lên san sát. Những ngày giáp hạt, hạt cơm cõng miếng sắn củ khoai không còn trong bữa ăn của mỗi gia đình nữa.

 

Những ngày đầu về nhà, tôi giành thời gian đi thăm các gia đình trong xóm.  Thoáng một cái mà đã mấy chục năm trôi qua. Bên nhà chú Ẩn giờ cửa đóng then cài. Chú Ẩn đứng vậy. Chịu cảnh gà trống nuôi con. Ba đứa con của chú đều học hành thành đạt cả. Chúng đều công tác tại Hà Nội. Chú đóng cửa để ra với chúng. Nghe nói chỉ vào dịp Tết hay ngày giỗ mẹ và vợ, chú ấy mới về. Bố con chú Ẩn đã vươn lên từ vũng bùn lầy. Thật là một sự đổi đời đổi kiếp. Còn bạn bè cùng trang lứa. Thằng Bằng, thằng Đĩnh, thằng Hùng, cái Hậu, cái Minh, cái Hoa đều lên ông lên bà cả rồi. Ai cũng già đi trước tuổi. Cuộc sống mới chỉ qua được cái đói rét và sự khốn khó. Còn vất vả, còn lam lũ lắm.

 

Xem ra ai nói chuyện với tôi đều có vẻ dè dặt ý tứ một cách khó hiểu thế nào ấy. Ừ thì trước kia nghèo khó như nhau. Đã từng chia nhau củ khoai lang, nắm ngô rang những khi đói lòng. Bây giờ vợ chồng tôi có lương. Các con đều học xong đại học. Thu nhập của gia đình tôi so với gia đình các bạn, chỉ tròng trọc trông vào mấy sào ruộng, thì quả là cách biệt. Nhưng tôi nghĩ, tình cảm của tôi với mọi người, cũng như với các gia đình trong xóm vẫn như xưa.

 

Buổi sáng hôm ấy, tôi đang lững thững đi trên đường làng thì có tiếng gọi giật giọng: “Chú Hiệp! Chú về từ khi nào vậy?”. Tôi giật mình quay lại. Một gương mặt nung núc ló ra sau cánh cổng. Tôi nhận ra chị Toán. “Em về được vài hôm rồi chị à!”. “Chê nhà chị sao? Vào nhà chị uống nước đi!”. Tôi phải theo chị Toán vào nhà chị.

 

Chị Toán là chị họ của tôi. Từ trước, tôi đã không ưa chị. Chị là người hay đôi co mách lẻo. Mồm chị luôn xơn xớt ngon ngọt. Nhưng chị chẳng giúp ai được một việc bằng tý móng tay.

 

Tôi chưa uống hết chén nước, chị nhìn xoáy vào tôi hỏi: “Cô giáo nhà chú dạo này thề nào rồi?”. “Thì nhà em vẫn lên lớp, sang năm nhà em cũng sẽ được nghỉ hưu”. “Là tôi hỏi giờ chú về nhà hẳn rồi, chú thấy vợ của chú thế nào?”. “Em không hiểu chị hỏi điều gì về vợ em?”. “Thế ra chú vẫn không biết gì à?” “Chị hỏi em biết cái gì? Em không hiểu”. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt như là có vẻ thương hại lắm. Xưa nay chị vẫn thế. Chị chỉ thương người ta bằng miệng bằng mắt thôi. “Chỗ chị em với nhau. Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Mọi người đều giấu chú. Nhưng tôi không thể...”. Nói đến đây chị dừng lời. Tôi cũng chưa hiểu được là chị muốn nói với tôi điều gì mà mọi người đã giấu tôi. ‘Vậy! Thì chị cứ cho em hay với!”. Chị có vẻ lưỡng lự một lát rồi giọng chị nhỏ lại:  “Thật ra, cả xóm này cũng chẳng ai ngờ được... vợ chú với ông Ẩn lại làm cái trò ấy... Ai cũng bất bình. Thôn mình đang phấn đấu thành làng văn hóa. Vợ chú là một cô giáo đi dạy người. Chú thì đi canh giữ nơi biên giới. Nên ai cũng thấy cần phải ngăn chặn hành vi xấu xa đó. Mặt trận và hội phụ nữ thôn đã gặp cả hai người khuyên giải... Ông trưởng thôn thì đã cử dân quân rình suốt một thời gian... Hình như hai người đã thôi rồi thì phải. Còn ông Ẩn, giờ có mấy khi dám ló mặt về làng đâu!”.

 

Tôi thất thểu bước trên đường. Mặt đường bê tông như bập bềnh dưới chân tôi. Đầu tôi ong ong như muốn vỡ tung. Lòng tôi đau quặn từng cơn. Vợ ngoại tình. Vợ ngoại tình. Đầu tôi bị cắm sừng. Tôi cứ lẩm bẩm như vậy đến khi về tới nhà.

 

Tôi tra vấn vợ. Em tái mặt, trừng mắt nhìn tôi: “Đến cả anh cũng tin vào lời đồn đại bịa đặt ấy ư?”. “Nếu không có lửa thì làm sao có khói!”. “Trời ơi! Sao tất cả đều bôi do trát trấu lên cuộc đời tôi thế này!”.

 

Tôi hoang mang. Vợ tôi, chú Ẩn đều là những người thân thiết. Lũ trẻ bên nhà chú Ẩn, các con của tôi. Chúng cũng rất thân thiết nhau như ruột thịt. Lẽ nào hai người lại làm cái việc ấy. Và việc ấy có thật sự xảy ra không. Theo như sắc thái khẩu khí của vợ thì em hoàn toàn trong sạch. Tôi có hỏi thăm thêm một số người thì mọi người đều bảo chỉ là dư luận xì xào trong xóm. Giờ tôi biết tin vào ai đây. Vợ hay dư luận.

 

Trước kia. Tôi vắng nhà biền biệt. Giờ được về bên nhau. Vợ chồng tôi không còn trẻ nữa. Nhưng đâu phải đã già. Đinh ninh trong dạ giờ sẽ bù đắp được cho nhau. Nào ngờ đâu. Giờ đâm ra cách mặt cách lòng. Nhiều đêm tôi thức trắng. Lòng mênh mang tan nát. Ừ. Giá như vợ tôi cứ thú nhận. Là đàn ông. Tôi cũng thấu hiểu và thông cảm cho người vợ vắng chồng. Nhưng vợ lại cứ lên nước. Làm như tôi đã sai.

 

Nghĩ đi nghĩ lại. Sự việc cũng mới chỉ là dư luận. Và nó cũng đã qua rồi.  Cái gì đã qua thì cho qua luôn. Cho nó nhẹ lòng. Nghĩ là vậy. Nhưng trong bụng tôi vẫn ấm ức vô cùng. Cứ mong gặp ngay bằng được kẻ táng tận lương tâm kia. Rạch lên mặt lão ta mấy chữ thập cho hả dạ.

 

*

* *

Đi tìm lão ư. Không khó. Nhưng nhất định có ngày lão sẽ về. Và tôi đợi. Lão Ẩn cũng đã ló mặt về làng. Biết lão về từ chiều. Vừa chập tối, nhân lúc vợ không có nhà. Tôi dắt con dao nhọn vào người. Sang nhà lão. Tôi vừa vào đến sân, lão đã đứng ở cửa như là đón tôi sẵn. Lão đon đả: “Tôi vừa về lúc chiều, định cơm xong thì sang bên cô chú!”. Các con lão đều là học trò của vợ tôi, nên chúng đều gọi tôi là chú. Lão cũng gọi theo con.

 

Lão đón tôi vào trong nhà, mang ra chai rượu ngoại. Ừ thì uống vài chén cho nó thêm khí thế. Tôi nghĩ bụng vậy.

 

Rượu được vài tuần. Gương mặt lão trở nên hồng hào, đôi mắt lão xa xăm. “Chú này! Tôi muốn kể cho chú nghe một câu chuyện”. Chuyện gì đây. Hay là đàn ông với nhau. Đã từng sống rất tốt với nhau. Có lẽ lão sẽ thú nhận. Ai là người chủ động trước. Sự việc đó diễn ra bao lâu. Khi nào thì chấm dứt. Ừ cứ kể hết ra đi. Biết được lỗi lầm. Có thể tôi sẽ tha thứ. Tôi sẵn sàng rửa tai nghe đây. Tôi bụng bảo dạ vậy.

 

Và lão kể.

... Ngày ấy. Có một chàng trai trẻ đã nhiều lần làm đơn. Đã cắt tay lấy máu để làm đơn tình nguyện. Muốn được tòng quân như bao lớp trai làng. Nhưng cứ viết đơn xong, rồi lại đốt đi ngay. Chỉ bởi một ý nghĩ nung nấu. Đi bộ đội sẽ phải khám sức khỏe. Và việc anh muốn giấu, sẽ bị bại lộ.

 

Anh không dám nộp đơn. Ở nhà. Buồn và chán, mẹ luôn giục anh lấy vợ. Anh thương mẹ lắm. Nhưng không dám yêu một cô gái nào.

 

Một buổi chiều. Lúc này mặt trời sắp lặn. Hoàng hôn buôn tím một khúc sông. Anh gặp một cô gái ngồi khóc ủ rũ bên bờ sông. Anh bắt chuyện. Một cô gái còn rất trẻ và xinh xắn. Người ngay xã bên. Qua chuyện trò, cũng chẳng hiểu sao cô gái lại kể hết chuyện của cô với anh. Và nghe anh, theo anh về nhà. Anh đưa cô ra mắt mẹ. Thú nhận với mẹ là hai người đã trót yêu nhau trước rồi.

 

Sáng hôm sau, còn chưa rõ mặt người, mẹ anh đã cắp nón sang nhà cô gái. Mọi việc diễn ra thuận lợi nhanh chóng. Anh và cô gái tổ chức lễ cưới ngay trong tháng.

 

Bẩy tháng sau ngày cưới, một thằng cu chào đời. Trong căn nhà vắng vẻ của anh như có một luồng sinh khí mới thổi vào. Tiếng khóc của trẻ, tiếng ru cháu của bà, gieo vào lòng anh những âm thanh xao xuyến lạ. Người vui nhất là mẹ anh. Mong đợi của người mẹ bao năm đã được đền đáp.

 

Những ngày vui trôi.

Nhưng mọi sự tính toán của anh bị phá sản. Cô gái ngày ấy, giờ đã là vợ anh, nhất nhất không chịu nghe theo anh. Số là ban đầu, anh chủ định chỉ cứu vớt danh dự cho cô gái và gia đình cô. Để cô có chồng. Khi mẹ tròn con vuông, có thể đợi đến lúc đứa trẻ miệng ăn chân chạy. Anh sẽ giải thoát cho cô.

 

Nhưng vợ anh không nghe. Rằng sau khi bị gã sở khanh lừa, cô định chết. Đã được anh cứu cả tính mạng, cả danh dự. Rằng cô sẽ sống với anh trọn đời. Để trả ơn anh, cũng là để trả thù gã sở khanh kia. Và hơn hẳn là cô đã yêu anh thật lòng rồi.

 

Anh đâm ra khó xử. Điều mừng đầu tiên là mẹ anh đã tin đứa bé là cháu nội của bà. Bà yêu quý nó vô vàn và anh cũng đã thực sự yêu thương nó. Chỉ có điều. Yêu vợ. Anh không thể.

 

Anh đành thú thật hết với vợ. Yêu cầu vợ phải sống để dạ chết mang đi. Vợ anh gạt nước mắt gật đầu.

 

Thế là mọi việc êm ả. Anh rất yêu cái gia đình be bé của anh. Thằng lớn lên bẩy. Mẹ anh giục một cách tha thiết. Vợ anh sinh đứa thứ hai. Thằng thứ hai tám tuổi, vợ anh sinh đứa thứ ba. Một cô con gái. Nhưng vừa sinh xong thì vợ anh bị băng huyết. Và cô ấy tắt thở ngay trên bàn đẻ.

 

Ông dừng lời. Gương mặt ông thẫn thờ. Hai mắt như dại đi. Mái tóc bạc trắng như cước run lên bần bật. Tôi nhìn thẳng vào ông bằng một ánh mắt dò hỏi.

 

- Phải. Anh con trai đó là tôi. Người mẹ bất hạnh ấy là Mai... Năm tôi đang học lớp cuối cấp ba của trường huyện thì bị một trận ốm nặng. Phải bỏ học. Khi khỏi bệnh thì hai hòn cà của tôi cứ teo dần đi. Chỉ còn như hai hạt đỗ đen. Tôi ý thức được, tôi đã trở thành một phế nhân. Tôi xấu hổ, sợ mọi người biết được điều đó. Nhiều lần tôi cũng đã nghĩ tới việc tự tử. Nhưng tôi còn một người mẹ. Cả cuộc đời của mẹ đã vì tôi. Mong đợi nhiều ở tôi. Ơn trời đã cho tôi gặp được Mai. Mai đã giúp tôi trả được công ơn của mẹ. Đền đáp được lòng mong mỏi của mẹ. Việc Mai sinh thêm hai đứa sau, ngoài lòng mong mỏi của mẹ tôi ra, còn là do tôi khuyên giải và thúc ép. Tôi biết. Lần nào Mai cũng nuốt nước mắt vào trong. Vì tôi làm việc đó.

 

Mấy đứa con của Mai... chúng nó đã là… con của tôi. Tôi nuôi chúng thành người là nhờ vào tấm lòng của bà con lối xóm. Của cô giáo nhiều lắm. Điều đó tôi đâu có quên. Các con tôi đâu dám quên. Những năm tháng khó khăn đã qua. Tình cảm của gia đình tôi với gia đình chú... chẳng thể đem một thứ gì ra để so bì nổi. Vì nhiệm vụ của nhân dân giao, chú không có nhà. Bà con trong xóm cùng với bố con tôi, luôn ở bên cô giáo. Đến khi bọn trẻ lớn lên, đi học xa nhà cả. Những khi tôi hoặc cô giáo trái nắng trở giời. Cả tôi và cô giáo chẳng ngại ngần gì... chăm sóc cho nhau. Có lẽ cũng vì vậy mà một số người trong xóm đã nghĩ sai về tôi và cô giáo. Về phần tôi, tôi không thể nào giải thích. Còn cô giáo. Hình như cô giáo chẳng hề quan tâm đến những lời xì xào vào ra đó. Chúng tôi chỉ nhờ Trời, Phật chứng giám cho mà thôi. Tạo hóa đã cho tôi làm người. Nhưng lại là một con người không hoàn thiện. Tôi là một kẻ khuyết tật. Thà rằng tôi bị khiếm thị, khiếm thính hay khiếm bất kể một bộ phận gì khác ngoài cái khiếm của tôi. Có lẽ tôi còn thấy dễ chịu hơn. Tôi đã giãi bày tất cả với chú. Cầu xin chú hãy giữ kín và mang nó xuống mồ giùm tôi. Tôi biết ơn chú nhiều lắm.

 

Không gian như đặc quánh lại. Tôi thấy ngột thở. Tim tôi như bị thắt lại. Tôi muốn quỳ ngay xuống trước mặt chú Ẩn. Lạy sống chú tới trăm nghìn lạy.

 

Tôi về nhà. Vợ đứng dựa cửa, nước mắt dàn dụa. Tôi chào vợ. Vợ không trả lời mà cứ đứng như trời trồng sụt sùi. Tôi ôm lấy vợ. Người em đẫm sương. “Em đã nghe được hết cả?”. Vợ tôi gật đầu, vẫn chưa thôi nức nở. Tôi để cho vợ khóc. Khóc đi em. Cho nhẹ lòng. Dẫu rằng nỗi oan của em. Em phải gánh chịu. Vì không thể nào giãi bày cho mọi người hiểu được. Chỉ có chồng của em là thấu hiểu nỗi oan khiên đó. Ngàn lần được xin lỗi em.

 

Vợ chồng tôi làm lành nhanh. Yêu thương nhau sâu nặng hơn. Chúng tôi bàn định sẽ sang thưa chuyện với chú Ẩn. Mong chú hãy về quê sống. Tuổi già nên cần một không khí trong lành và sự yên tĩnh. Chú và vợ chồng tôi sẽ sống gần nhau. Nương tựa vào nhau lúc tuổi già. Trong khi các con đều công tác xa nhà cả.

 

Nhưng ở trên đời này, có phải mong gì là được đâu. Chú Ẩn đột ngột ra đi. Chỉ sau một cơn nhồi máu cơ tim. Cái chết của chú quá nhanh. Thật nhẹ nhàng thanh thản.

 

... Tôi đi trong dòng người lặng lẽ, tiễn đưa chú Ẩn về nơi an nghỉ cuối cùng. Lòng tôi thổn thức. Một ngọn đèn đã tắt. Ngọn đèn nào dù tỏ hay mờ rồi cũng phải tắt. Cái hữu hạn thật là quá ngắn ngủi so với cái vô hạn.

 

Chú Ẩn ơi! Chú hãy yên lòng để mà về với cõi vĩnh hằng. Chú là một con người hoàn hảo đấy chứ. Chú đã sống vì mọi người, vì cuộc đời. Chú đã nuôi dạy các con của chú bằng cả trái tim yêu thương và tấm lòng nhân hậu. Để chúng thành những đứa con ngoan, học giỏi. Để chúng nó có điều kiện mà vươn xa. Thành những con người tài năng. Biết sống, biết cống hiến cho xã hội. Cho đất nước mình. Từ xưa nay, việc nuôi dạy người là một công việc hệ trọng và cao cả. Chừng nào trên thế gian này, công việc đó còn khiếm khuyết. Để có những trái tim còn chứa nặng những hận thù, lòng nhân hậu bị phôi pha. Thì đấy mới là cái khuyết tật đáng lo ngại của xã hội.

 

                                                         Bắc Ninh, những ngày tháng 5/2015

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ