Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Truyện ngắn

Bà ngoại tôi


Ngày cập nhật: 14/01/2018 00:00:00

Truyện ngắn - NGUYỄN NGỌC CHIẾN

 

Bìa tập truyện ngắn "Hoa hậu làng Cào" của Nguyễn Ngọc Chiến, NXB Hội Nhà văn, 2016,
Giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT năm 2017 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
(truyện "Bà ngoại tôi" in trong tập truyện ngắn này)

 

Bốn mươi năm quê hương giải phóng, cũng gần từng ấy năm bà ngoại tôi từ giã cõi đời. Mỗi năm đến ngày giỗ bà, dù lấy chồng nơi xa, tôi vẫn tìm về quê hương nguồn cội để được thắp nén hương trên mộ bà, được đứng trước di ảnh bà mà hồi tưởng lại tất cả những gì về người bà kính yêu của mình...

Trong rất nhiều những hình ảnh về bà ngoại lúc còn sống, thì hình ảnh khắc sâu, đậm nét trong tôi hơn cả là vẻ mỏi mòn, đợi trông của bà dành cho người con trai duy nhất tập kết ra Bắc trong những ngày đầu quê hương vừa giải phóng. Hồi ấy, tôi đã mười sáu, mười bảy tuổi, cái tuổi đã đủ lớn, đủ nghĩ suy, để hiểu được tất cả những gì đang ngày ngày diễn ra, giằng xé trong lòng bà. Bà năm ấy đã ngoài tám mươi tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng trí nhớ của bà vẫn còn minh mẫn lắm! Tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối tháng Tư năm bảy lăm. Bà ngồi trên chiếc chõng tre, miệng bỏm bẻm nhai trầu, còn tôi thì ngồi cạnh học bài. Tháng Tư, đã về chiều mà ngoài trời vẫn nắng chang chang. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá rọi vào nhà, đong đưa từng đốm sáng trên vai áo của bà. Bỗng đâu đó từ ngoài đường có tiếng ai gào to:

- Quê hương mình giải phóng rồi, giải phóng rồi bà con ơi!

Khắp các đường làng ngõ xóm mọi người như đàn ong vỡ tổ chạy ùa ra. Một không khí náo nức, tưng bừng xảy ra chưa từng có nơi cái làng quê vốn xưa nay heo hút này. Bà giật mình nhổm dậy, nghiêng tai nghe ngóng, rồi bà hỏi tôi:

- Ai la hét gì ngoài đường vậy con?

Tôi vui sướng nói với bà:

- Người ta thông báo tin chiến thắng, nói rằng miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Đôi môi bà lập cập không nói nên lời:

- Thật vậy hả con?

Rồi bà lại nghiêng tai về phía có tiếng hô như là muốn nghe cho thật rõ điều mình vừa nghe. Bà lớ quớ đứng dậy, chầm chậm bước ra sân. Hai chân bà run run như là cái tin vừa nghe khiến bà quá bất ngờ và xúc động. Đôi mắt già nua của bà như chợt sáng bừng lên chớp chớp liên hồi. Rồi giọng bà cất lên khe khẽ:

- Hai ơi, vậy là con đang trở về với má. Má đợi cái ngày này lâu quá rồi con ơi!

Tôi thấy trên hai gò má nhăn nheo của bà hai giọt nước mắt lăn ra.

Bà ngoại tôi chỉ có hai người con là cậu Hai và má tôi. Cậu Hai là anh, má tôi là em. Ông ngoại tôi mất khi cậu Hai và má tôi còn đang rất nhỏ. Nghe bà tôi kể lại thì ông ngoại tôi hồi ấy là du kích chín năm. Ông là một xã đội trưởng gan dạ, từng chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng khắp vùng. Vì vậy mà bọn Tây khi nghe tên ông đã phải lấy làm khiếp sợ. Nhưng rồi ông đã hy sinh trong một lần bị địch phục kích ở mõm đồi Đầu Gà. Bà ngoại tôi từ khi ông mất đã ở vậy thờ chồng nuôi con, không đi bước nữa, dù hồi đó có rất nhiều người đàn ông để ý theo đuổi bà. Năm 1954, cậu Hai tôi lúc ấy vừa tròn hai mươi tuổi đã phải lên tàu ở vụng Hòn Khoai tập kết ra Bắc. Ngày cậu đi, bà tiễn cậu ra tận bến tàu. Bà kể, hai mẹ con đi bên nhau, nói với nhau bao nhiêu chuyện cũng không hết. Bà dặn cậu ra ngoài đó phải giữ gìn sức khỏe, làm việc cho đoàn thể phải chu đáo, lâu lâu có ai vào trong này thì gửi cho bà lá thư để bà mừng. Bà quàng lên cổ cậu tấm khăn len màu xanh nước biển và nói cho cậu biết, thời tiết ngoài miền Bắc vào mùa đông rất lạnh, con mang theo cho ấm. Hình ảnh cuối cùng mà bà còn lưu giữ về người con trai của mình, là khi tàu kéo một hồi còi dài, từ từ rời bến, cậu Hai đã bước hẳn lên trên bong tàu, nhìn về phía bà, vẫy vẫy cả hai tay cho đến khi con tàu lao nhanh ra giữa biển sóng. Bà đã khóc nhìn theo con và đứng ở bến tàu cho đến khi không còn ai nữa mới trở về nhà. Từ ấy là những năm tháng dài chờ đợi, ngóng trông. Bà mong từ cậu lá thư, một dòng tin nhắn từ ai đó trở về. Tóc bà bạc dần theo thời gian mà tin tức về người con trai vẫn bặt vô âm tín. Nhớ thương con, nhưng bà lại mừng cho con, tự hào về con. Bởi bà biết, con trai bà đã và đang bước tiếp trên con đường mà cha nó đã từng đi năm xưa. Nơi phương trời xa xôi ấy, con trai bà sẽ trở thành một người chiến sĩ cách mạng, làm việc có ích cho dân cho nước. Có lẽ đó là niềm an ủi, động viên lớn lao nhất đối với bà ngoại trong những ngày cậu Hai tôi tập kết ra miền Bắc. Bà mong từng giây từng phút ngày đất nước thống nhất để cậu Hai trở về...

Hôm nay, ngày ấy cũng đã đến. Đất nước đã độc lập, thống nhất, không còn tiếng súng, không còn quân xâm lược. Mọi người đổ ra đường, hân hoan vui mừng chiến thắng. Nhưng trong lòng bà thì vẫn nặng trĩu một nỗi lo. Bởi đã gần một tháng trôi qua rồi mà sao chẳng thấy con trai bà trở về. Nhìn sang nhà hàng xóm, bà thấy nhà ai cũng tấp nập người ra kẻ vào. Mọi nhà mở tiệc liên hoan, mừng cháu con đoàn tụ, vợ gặp chồng, cha gặp con... sau hai chục năm xa cách. Nhìn cảnh ấy bà lại rơm rớm nước mắt. Lòng bà trở nên quặn thắt, đớn đau, như có trăm ngàn ngọn lửa đang thiêu đốt bên trong. Không biết đã bao nhiêu lần bà tự hỏi một mình:

- Hai ơi, con đang ở đâu, sao con không về cùng mẹ?

Chẳng một đêm nào bà ngủ trọn giấc. Chẳng một ngày nào mà bà không ngồi ở chõng tre ngóng về phía con đường cái trước mặt. Ban đêm chỉ cần một tiếng động nhỏ ngoài sân cũng làm bà giật mình tưởng rằng đó là tiếng bước chân con trai trở về. Ban ngày thì chỉ cần thấy bóng ai đó thấp thoáng ở xa xa bà cũng nghĩ đó là con trai mình. Bà chống gậy đi khắp làng trên xóm dưới hỏi han người này, người kia, gặp ai bà cũng nhờ giúp đỡ tìm cậu Hai. Rồi bà còn nhờ cả anh Tư, chú Bảy cạnh nhà nhắn tin lên đài, báo tìm con. Tôi thương ngoại lắm, nhưng cũng chỉ biết động viên bà bằng những câu chuyện mà tôi cố tưởng tượng ra về cậu tôi để an ủi bà. Tôi thường nói với bà là do cậu còn bận công tác, bởi sau ngày giải phóng, đất nước sẽ có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc đòi hỏi mọi người phải chung tay góp sức, nên cậu không thể về với bà sớm được. Tôi còn nói, cũng có thể do cậu gặp phải một hoàn cảnh riêng tư nào đó cần giải quyết ổn định rồi mới có thể về quê. Bà nghe và chỉ im lặng không nói gì.

Rồi nửa năm trôi qua! Một năm trôi qua! Thời gian vùn vụt trôi. Vẫn không một tin tức gì về cậu tôi. Bà tôi thì ngày một già thêm. Lưng bà đã còng hẳn xuống. Bước đi đã trầy trật, run rẩy. Có lẽ sự chờ trông mỏi mòn đã làm bà ngoại tôi già và yếu đi nhanh chóng. Mấy năm nữa trôi qua! Cậu tôi vẫn không trở về. Bằng linh tính của người già, bà như đoán biết được mọi chuyện. Một hôm, bà nói với mẹ tôi:

- Út ơi, hay... hay... như người ta nói, thằng Hai anh con, nó... nó... đã... không còn?

Nói rồi bà lặng đi. Bà không khóc, nhưng tôi biết bà đang rất đau khổ. Mẹ tôi ôm lấy bà an ủi:

- Chiến tranh mà má, có chuyện gì là không xảy ra. Nhưng mình cứ hy vọng điều tốt lành má à!

Tôi bỗng nhớ lại những năm tháng khi đất nước chưa độc lập. Cả tuổi thơ của tôi ngập chìm trong tiếng đạn bom và khói lửa mù trời. Cái làng quê nhỏ bé nơi tôi sinh ra và lớn lên này không ngày nào là vắng tiếng tàu bay, đại bác. Không ngày nào là không có sự giao tranh, đụng độ giữa quân Giải phóng và binh lính Mỹ - ngụy. Làng xóm tan hoang vì bom đạn của cả hai bên. Quân ngụy thì lùng sục ngày đêm. Nghe bà tôi kể, vì biết gia đình tôi là gia đình cách mạng, có ông tôi và ba tôi theo Cộng sản hy sinh, có cậu tôi tập kết ra Bắc nên bị chính quyền ngụy theo dõi nghiêm ngặt. Bà ngoại tôi trong những năm tháng ấy đã phải chịu bao cơ cực trước những đợt dồn dân lập ấp, hay những đợt tố cộng thảm khốc của kẻ thù. Nhưng bà đã vượt qua tất cả, trụ vững trên chính mảnh đất quê hương mình. Bà còn là người bà đùm bọc, chở che tôi từng ngày lớn lên. Bà luôn nuôi hy vọng ngày nước nhà độc lập, không còn chiến tranh, mọi người được sống và làm ăn trong hòa bình. Và có một điều, bà ít nói ra, nhưng tôi biết đó là niềm hy vọng, nỗi ước ao lớn nhất của bà. Đó là ngày mà cậu Hai, người con trai duy nhất của bà sau mấy chục năm xa nhà tập kết ra Bắc sẽ trở về.

Tôi vẫn hằng đêm ngủ cùng bà. Biết bà ít nhắc đến cậu Hai, nên có một lần tôi gợi chuyện hỏi bà:

- Ngoại ơi, cậu Hai con giống bà hay giống ông nhiều hơn?

Bà trả lời:

- Nó giống cả hai. Mà có nét còn giống cả mày với má mày nữa...

Tôi lại hỏi:

- Ngoại ơi, mai kia cậu Hai về chắc cậu ấy sẽ đem theo cả mợ Hai và các con của cậu mợ ấy về. Ngoại có vui không?

Bà cốc nhẹ một cái lên đầu tôi:

- Mày chỉ được cái đoán mò là tài.

Tôi không chịu nói với bà:

- Thì thật vậy chớ không lẽ cậu Hai ra ngoài đó rồi ở vậy một mình, không vợ không con. Ngoại tin con đi. Mai kia cậu Hai về nhất định sẽ có hẳn một gia đình của cậu ấy về theo...

Bà khẽ thở dài không nói gì. Tôi cảm nhận được trong đêm tối mắt bà tôi đang mở chong chong nhìn về một hướng nào đó. Thấy bà im lặng, tôi lại hỏi:

- Ngoại có đoán biết ở ngoài Bắc cậu Hai con làm gì không?

- Sao mà bà biết được.

- Ngoại ơi, con đoán thử nhé!

- Ừa, thì mày thử đoán bà nghe đi.

- Cậu Hai con là một chú bộ đội!

- Gì nữa?

- Một bác công nhân!

- Gì nữa?

- Một người thầy giáo!

- Mày dành cho cậu Hai mày toàn việc ngon lành cả. - Rồi bà cười nói với tôi, giọng trầm hẳn lại - Với bà thì cậu Hai con làm gì cũng được, miễn là việc đó đem lại lợi ích cho mọi người. Bà chỉ mong ngày mong đêm sao cho hết chiến tranh để nó trở về với bà...

Thì ra, nói gì thì nói, ước mong lớn nhất của bà vẫn là ngày mẹ con đoàn tụ. Bây giờ thì thế này đây. Đất nước đã thống nhất bao năm rồi mà con của mẹ vẫn chưa trở về.

Bà ngoại tôi đã sống lay lắt với niềm hy vọng mỗi ngày một lụi tàn đi trông thấy. Bà không tin là cậu Hai sẽ trở về nữa. Không nói ra, nhưng tôi biết thâm tâm bà đang nghĩ gì về người con trai đi xa. Bà chắc chắn là cậu Hai tôi không còn trên đời này nữa. Bởi, theo bà, nếu cậu Hai còn sống thì cậu ấy đã trở về rồi. Không biết làm gì hơn, bà chỉ còn biết ngày ngày ăn chay niệm Phật cầu mong cho con trai sống khôn thác thiêng, mọi bề tốt đẹp. Trong những ngày ấy, bà suy sụp đi nhanh chóng. Tóc bà qua một đêm lại bạc trắng thêm ra. Đôi mắt bà trở nên vô hồn vô cảm, không còn long lanh cái nhìn đằm thắm, yêu thương như trước đây nữa. Bà chống gậy bước từng bước nặng nề, tựa như mặt đất muốn níu lấy bà, kéo bà về với đất. Bà chưa một lần khóc thành tiếng, nhưng hai khóe mắt bà lúc nào nhòa nước.

Rồi đến một ngày nọ bà ngoại tôi đã vĩnh viễn ra đi chỉ sau một trận ốm mấy ngày. Bà mất nhưng hai mắt bà chỉ khép hờ như còn muốn trăn trối điều gì. Má tôi phải vuốt vuốt mấy lượt mắt bà mới khép hẳn lại. Tôi hiểu vì sao như vậy. Tôi hiểu vì sao mà bà tôi ra đi lại không được thanh thản như mong đợi của con cháu. Hẳn nơi bà còn chưa được yên lòng, chưa được toại nguyện về cậu Hai tôi. Bà mất đi mà không một lần được gặp lại con. Đau thương hơn, ấy là bà còn không biết con mình sống chết ra sao. Mọi suy nghĩ của bà về con chỉ là phỏng đoán, chỉ là linh tính mách bảo mà thôi. Vì thế mà sự ra đi của bà còn chồng chất bao nỗi băn khoăn, day dứt. Điều an ủi duy nhất đối với má con tôi, ấy là dưới ba tấc đất, bà ngoại tôi sẽ “gặp” được cậu Hai tôi. Mẹ con sẽ trùng phùng bên nhau như những tháng ngày xa xưa khi bà còn ở cạnh cậu. Biết đó chỉ là ao ước thuộc về tâm linh nhưng trong lòng chúng tôi, những người thân thích ruột thịt của bà cũng lấy đó làm nguồn động viên, an ủi trước mất mát lớn lao này.

Sau ngày bà mất không lâu, đúng lúc gia đình tôi đang làm lễ bốn chín ngày cho bà thì có một người đàn ông lạ mặt tìm đến. Người khách ấy đã vượt cả ngàn cây số từ Bắc vào đây chỉ là để gặp cho được bà ngoại tôi. Khi biết bà tôi đã mất ông sững người đi một lúc, rồi tự ca cẩm một mình: “Vậy là tôi đã đến chậm mất rồi, đến chậm mất rồi...”. Trên khóe mắt ông lăn ra hai giọt lệ. Qua câu chuyện của người khách, đến lúc này gia đình tôi mới chắc chắn là cậu Hai đã mất. Ông là đồng đội cũ của cậu Hai khi còn sống. Theo như lời ông kể thì cậu Hai sau khi ra đến miền Bắc đã nhập ngũ vào quân đội, rồi trực tiếp vào chiến đấu tại chiến trường Khu Bốn. Tại đây, trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cậu đã cùng đồng đội chiến đấu, đánh trả máy bay địch và anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới chỉ ngoài ba mươi. Cậu mất khi chưa kịp lập gia đình, nhưng nghe người khách kể thì ngày ấy cậu cũng đã có người yêu. Người yêu của cậu là một cô dân quân nơi cậu đóng quân. Hai người yêu nhau tha thiết, nhưng chưa kịp tổ chức lễ cưới thì cậu đã hy sinh. Ông khách kể rằng, khi cậu Hai tôi bị thương nặng, lúc hấp hối, cậu cũng đã kịp dặn ông là sau này nước nhà thống nhất, nhờ ông vào Nam tìm và gặp cho bằng được bà ngoại tôi. Ông khách đã hứa với cậu tôi khi đó là nhất định bằng mọi giá ông sẽ thực hiện lời hứa với cậu tôi. Ông chỉ tiếc là do hoàn cảnh, điều kiện mà ông đã không vào đây được sớm hơn. Ông trao lại cho gia đình tôi chiếc ba lô của cậu tôi mà ông gìn giữ hơn chục năm qua. Trong ấy, ngoài mấy thứ đồ tư trang còn có cả chiếc khăn len màu xanh nước biển. Chỉ cần thoáng nhìn qua, tôi cũng biết đó là chiếc khăn mà bà ngoại tôi đã quàng cho cậu Hai tôi ngày bà tiễn cậu lên đường ra miền Bắc tập kết. Lạ thay, đã bao năm tháng trôi qua mà chiếc khăn len vẫn như còn nguyên nếp gấp, vẫn mới, vẫn ấm, và đặc biệt, từ chiếc khăn vẫn như tỏa ra hương vị của đồng đất quê nhà, của trầu cau bà tôi thường ăn, của mồ hôi, nước mắt... từ bà ngoại tôi, cậu Hai tôi và bao người ruột thịt thân yêu khác...

Tháng 5/2016

N.N.C

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ