Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Truyện ngắn

Những chiếc giỏ tre


Ngày cập nhật: 07/12/2015 00:00:00

       Truyện ngắn - LÊ VĂN THÊ

 

Tác giả LÊ VĂN THÊ 

 

       Sau một buổi sáng đi mua sắm đồ cưới, họ về nghỉ tại một khách sạn 5 sao của thành phố. Hai bà Osin đi theo phục vụ, xếp những đồ cưới ông bà chủ mua được vào tủ, và đặt đầy lên một chiếc bàn lớn kê ở góc nhà, rồi ý tứ lui ra. Gần như cùng lúc với cánh cửa phòng khép lại, anh ôm chầm lấy em, đặt lên môi, lên cổ, lên ngực em những cái hôn nồng cháy. Em không chống cự vì đó là tình yêu.

       Sáng nay anh đã bỏ ra một số tiền quá lớn để mua sắm đồ cưới cho em. Mười chiếc váy tầng đủ kiểu dáng tân thời, nhiều màu sắc trang nhã. Một cặp đồng hồ hạt xoàn lên tới tiền tỷ. Một cặp đồng hồ kim cương cũng là tiền tỷ. Từ những hộp son, kem xoa mặt, lọ nước hoa… tất cả đều là hàng ngoại, đẳng cấp cao, mỗi thứ con con ấy đều có giá hàng chục triệu.

      Em không phải là người hám tiền, hám của, nhưng sự chi tiêu của anh lớn như vậy cũng là một bằng chứng của tình yêu. Nếu không yêu em tha thiết làm sao anh có thể bỏ ra cả một núi tiền để làm vừa lòng em. Đó là những đồng tiền anh đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được. Anh đã từng nói, của cải của anh là của em, khi đã yêu nhau, hai chúng ta là một. Chỉ cần em yêu anh, em cần gì có cái đó. Anh sẽ cho em một cuộc sống vàng bạc và nhung lụa.

      Hình như anh đã phát cuồng, hơi thở nóng hừng hực, gấp gáp. Anh bế thốc em lên, đặt xuống giường. Cánh tay khỏe như thân một con trăn thọc vào váy em, lần về phía dưới. Em đang ngây ngất, bỗng chợt tỉnh. Bàn tay yếu mềm nắm lấy tay anh, giữ lại, xem chừng không kháng cự được. Em hốt hoảng: “Không được, anh, không được!”. Bàn tay của anh vẫn gan lỳ lấn tới, thọc vào trong quần lót, hình như anh muốn lột nó ra. Em hét lên: “Không được!”

      Tiếng hét của em như một tiếng kêu thương. Anh chợt tỉnh, ngơ ngác: “Em làm sao vậy?”. “Bây giờ chưa đến lúc”. “Sao lại là chưa đến lúc, ngày kia, 11h30, chúng ta đã cử hành hôn lễ”. “Bây giờ chưa phải là ngày kia ấy”. “Đằng nào em cũng là vợ anh”. “Vợ chưa cưới và vợ, không phải là một”.

      Sự tỉnh táo và khô lạnh của em làm anh bất ngờ và bối rối. Em làm sao vậy? Có phải em quá đoan chính? Em quá xưa cũ? Hay em không yêu anh? Tất cả đều không đúng, vậy thì vì sao? Em là một trí thức, một cô giáo dạy văn rất tân thời. Qua những lời em tâm sự về tình yêu, anh biết em có phong cách sống rất hiện đại. Biết bao nhiêu lần em đã tựa đầu vào bờ vai của anh. Em không bao giờ từ chối vòng tay anh ôm ấp, không từ chối những nụ hôn nồng thắm. Chỉ cách đây ít giờ thôi, em đã mặc thử váy áo. Em quay vòng. Váy áo xòe lên rực rỡ. Giữa quầng tròn xinh đẹp ấy là khuôn mặt đầy hạnh phúc của em. Để được khuôn mặt ấy, anh có thể đổi tất cả những gì anh có. Từ khi có em, em biết không, cuộc sống của em quan trọng hơn tính mạng của anh. Tình yêu, không phải trong tiểu thuyết, nó đang hiện hữu trong anh. Có em, anh tràn trề hạnh phúc. Nếu không có em, cuộc sống của anh không có ý nghĩa gì nữa.

      Em dựa đầu vào bờ vai của anh. Đôi bàn tay mềm mại ôm lấy anh: “Em xin lỗi  đã làm anh buồn. Em không muốn nóng vội. Ngày kia, chúng ta sẽ cưới nhau. Ngày kia, đâu có xa. Em không hiểu vì sao cả nhưng bây giờ thì em không muốn”.

                                                               *

      Không phải thế. Không phải ngày kia đâu có xa. Không phải vì không nóng vội. Không phải vợ chưa cưới chưa phải là vợ. Em là một người con gái khao khát được yêu và dâng hiến cho tình yêu. Cái phút ấy, khi bàn tay chàng lần tới vùng cấm, đột nhiên cả làng quê, và những con người tưởng như đã khuất lấp, có một khuôn mặt tưởng như đã khuất lấp, bỗng hiện về, nhìn em bằng những ánh mắt trìu mến, nhìn em bằng ánh mắt mà em phải níu tay anh lại, em phải hét lên tiếng kêu thương.

      Em sinh ra trong một gia đình nghèo, ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Bố mẹ là dân cùng đinh. Nhà chẳng bao giờ có tiền trăm, đừng nói là tiền triệu, tiền tỷ. Cha mẹ đã tính toán từng lon gạo, bó rau, mới nuôi nổi em và hai em ăn học. Em nhớ có một lần mẹ sai ra vườn hái lá rau dền về luộc buổi tối. Mẹ dặn đi dặn lại rằng, phải hái những lá rau già dưới gốc về luộc, nếu không, chỉ vài hôm là lá úa phải vứt, để dành lá non cho lớn thêm, bữa sau được no lòng. Đi nhặt từng lá lâu quá, em đã hái thêm nhiều lá non. Mẹ đi làm về mệt, nhìn mớ rau em hái, xót ruột. Mẹ đã tát em một cái, trị cái tội hại của, đoảng tính. Cái tát của mẹ không đau nhưng em tủi. Em khóc và mẹ đã ôm em, khóc theo. Hồi ấy em còn bé nhưng em cũng hiểu rằng, mẹ khóc vì thương bé và vì thương cho thân phận nghèo hèn của mình, thương cuộc đời lam lũ của chồng con.

      Em không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bước chân vào cổng trường đại học. Không phải cha mẹ không cho mà là không thể nuôi nổi em những bốn năm đại học. Bốn năm đại học quá nhiều chi phí mà những nhà nghèo không thể kham nổi. Anh ấy đã khuyên bố mẹ em, khuyên em: “Cứ đi học. Học được một ngày quý một ngày. Học được hai ngày quý hai ngày.”

        Anh ấy học cùng trường, trên em hai lớp, đã rời ghế nhà trường phổ thông trước em hai năm. Nhà anh ấy cũng nghèo, chuyên nghề đan thúng mủng, dần sàng, sản xuất đòn gánh tre, quang tre, kiếm sống. Cái nghề mấy đời cha truyền con nối ấy đã cho anh một bàn tay khéo léo. Nhà nghèo, một buổi đi học, một buổi anh cùng cha mẹ sản xuất đồ tre đan. Hình như anh đan giỏi từ khi học lớp năm, lớp sáu. Khi rảnh rỗi, em đã qua xem anh đan đát, cứ ngồi chồm hổm bên anh mà nhìn bàn tay đan đát. Bàn tay ấy nhỏ bé, thô ráp, gầy đen không như những bàn tay học trò mà diệu nghệ đến cực kỳ. Những chiếc rổ rá anh đan, bố mẹ cũng thán phục. Hàng trăm chiếc nan tre được chuốt đều như một, láng cóng. Những sản phẩm anh làm ra được bán hết nhanh chóng. Những sản phẩm của cha mẹ làm ra cũng được bán kèm, không dư thừa một chiếc. Với anh, không có một đoạn tre nào là đồ bỏ đi. Đoạn dài làm đòn gánh, đoạn ngắn đan rổ, rá, dần sàng, đoạn ngắn hơn nữa đan giỏ hoa, bình hoa, những mẩu tre còn lại sẽ là những bó tăm buộc chỉ đỏ. Đối với em, sản phẩm của anh là tuyệt tác nghệ thuật. Em thích những bình hoa, giỏ hoa anh đan, không cái nào giống cái nào, nhiều hình thù, nhiều kiểu dáng, tưởng như nhiều nhà tạo hình đã cùng hợp trí để tạo mẫu từ trước. Anh đã tặng em một bình hoa như vậy. Em treo trên tường, cạnh nơi em thường ngồi học. Những khi trên đường từ trường về nhà, em thường hái hoa dại, lẵng hoa luôn rực rỡ hoa tươi.

      Em yêu đôi bàn tay đan đát diệu nghệ ấy. Và chẳng biết khi nào, em đã yêu con người ấy. Em đã trốn mẹ nhiều lần ra bờ đê. Họ ngồi bên nhau. Hai mái đầu không chụm vào nhau. Bốn bàn tay không ôm lấy nhau. Nhưng hai trái tim thổn thức. Em mơ về một ngày mai…”Em nhất định là vợ của anh. Anh sẽ sản xuất hàng tre đan, sẽ đan những giỏ hoa, bình hoa xinh đẹp. Anh sẽ dạy cho trai làng nghề đan tre, biết đâu sẽ có một thương hiệu tre đan làng mình. Hàng hóa của thầy trò anh sẽ xuất đi nhiều nước trên thế giới. Còn em… Em làm chi anh hè? … Em sẽ làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ, nếu được đi đại học, em sẽ là cô giáo làng mình. Em thích sống ở làng quê. Làng quê mình nghèo nhưng thanh bình lắm”.

       Chàng trai đó tên là Khiêm, cũng con nhà nghèo như gia đình em, mới chớm tuổi hai mươi mà chín chắn như một người từng trải. Khiêm không hào hứng về một ngày mai hàng hóa của anh tung ra thế giới: “Thanh niên bây chừ không mấy ai thích nghề tre đan, công việc mệt mỏi, kiếm được ít tiền. Rổ, rá, lọ hoa, bình hoa đồ nhựa, đồ nhôm nhiều kiểu dáng đầy rẫy, giá rẻ, ngày càng làm cho hàng tre đan khó bán. Dù sao anh cũng sống trọn đời với nghề tre đan, giữ gìn một nét văn hóa làng nghề mà anh yêu thích, anh sẽ kiếm đủ tiền giúp em học đại học”.

      Em không muốn anh vất vả vì em nhưng anh đã nói nhiều lần: “Em học đại học cho anh, cho cha mẹ, cho làng quê của chúng mình. Em học giỏi, phải đi đại học, nhất định phải đi”. “Không sợ ở xa mất em à?”. “Đã không yêu nhau thì ở gần cũng mất. Đã yêu nhau thì ở gần một ai đó cũng không quên người ở xa. Gặp người giàu không quên người nghèo. Anh tin là không bao giờ mất em”. Lặng đi một lúc, anh nói như một lời hứa, như một niềm mơ ước. “Mỗi tuần anh sẽ đan một giỏ hoa. Ngày em tốt nghiệp sẽ có hai trăm cái. Chúng mình sẽ làm lễ cưới. Những giỏ hoa ấy sẽ được treo lên. Chúng mình sẽ cắm những bông hoa đồng nội, sẽ ra sông vớt hoa lục bình treo lên”. Em cười: “Chẳng ai treo hoa lục bình lên cao, càng không có ai treo hoa lục bình trong lễ cưới”. À, mà sao lại không? Chúng mình sẽ treo hoa lục bình thành hai hàng như lục bình trôi bên hai bờ sông, cái cao cái thấp. Quê mình nhiều gió, gió từ đồng nội thổi vào. Hai hàng lục bình sẽ rập rình, cô bác sẽ tưởng như được đi trên dòng sông quê. “Anh nhớ đấy, phải đủ hai trăm cái giỏ hoa khi em tốt nghiệp trở về”. Ngày chia tay nhập trường Đại học, em dặn anh như thế

                                                                     *

      Mỗi lần anh gom góp được một ít tiền mang lên cho em, thế nào anh cũng báo tin vui: Em biết không, anh đã đan được 49 chiếc giỏ hoa, chỉ còn 151 chiếc nũa….Em biết không anh đã đan được 86 chiếc giỏ hoa, chỉ còn 114 chiếc nữa…Em biết không, anh đã đan được 146 chiếc giỏ hoa, chỉ còn 54 chiếc nữa. Họ cùng hạnh phúc mơ tới một ngày mai, khi anh đan đủ 200 cái giỏ hoa, khi những chiếc giỏ tre ấy xòe cánh lục bình, rập rình trong gió.

      Lần này nữa, lòng Khiêm hào hứng muốn nói với em: Anh đã đan được 160 cái giỏ hoa. Em biết không? 160, chỉ còn 40 cái nữa… Em im lặng…

      Như mọi lần, họ ăn với nhau một bữa cơm trước khi anh trở về. Lần đầu tiên em chú ý tới tiệm ăn. Đây là một tiệm ăn tồi tàn, những thức ăn giá rẻ, chưa chắc đã đảm bảo vệ sinh. Dưới gầm chiếc bàn ăn cáu xỉn là xương xóc, giấy vệ sinh tung tóe. Mấy con chó chồm hổm, thè lè nước bọt, bốc mùi hôi. Bên kia đường, cách chỗ họ ngồi ăn vài mét là một đống rác do công nhân công ty vệ sinh quét dồn lại, không biết bao giờ mới được hốt đi. Em nhớ về những bữa ăn tại nhà anh ấy, và tại các nhà hàng anh ấy mời: Cơm gà Hải Nam, cơm chiên Dương Châu (Trung Quốc), Susi của Nhật; những thức ăn: Sauerkraut (giò heo bắp cải muối chua) currywursr (xúc xích cà ri) của Đức; những món bánh Madeleines, clafoutis trứ danh của Pháp, quen thuộc cũng đuôi hươu, cá chép, ba ba, tôm hùm của Việt Nam… Mỗi bữa ăn cho em một sự khám phá: Sắc, hương, vị, hình, lượng; là sự nhận biết về văn hóa ẩm thực của các nước trên thế giới.

                                                                            *

      Bạn gái em nói: Mi đi với tao, tới nhà anh ấy chơi. Tao đi một mình không tự tin lắm. Anh này tao mới quen nhưng hết sẩy, đẹp trai, giàu có, tế nhị, hiểu biết, nghĩa là làm bạn thì đáng tự hào, làm vợ anh ta thì không còn gì hơn thế”. “Khiếp, người mô mà ngọc bích đến rứa”. “Hơn cả ngọc bích. Ngọc bích còn có vết, anh ta thì không”. “Không dưng, không mời lại đến nhà người ta chơi”. “Sao lại không mời, tin nhắn đây này: Hôm nay sinh nhật anh, mời em và các bạn em, 4h30 chiều đến nhà chung vui, càng đông, anh càng hạnh phúc”. “Anh ta tên là chi?”.  “Cương”. “Anh ta làm nghề chi?”. “Buôn gỗ”. “Eo ôi, tao khiếp mấy thằng cha buôn gỗ. Mi không xem trong phim à. Buôn gỗ là những thằng lâm tặc, xăm trổ đầy mình, ăn nói bặm trợn, thấy thú rừng là bắn, thấy đàn bà là muốn cưỡng hiếp. Lại có cái tên là Cương, nghe cứ như mũi nhọn của giáo mác”. “Mày nói gì ác người ta. Buôn gỗ cũng trăm loại người buôn gỗ khác nhau. Phim là phim, đời là đời, không phải là một. Cứ đi với tao rồi khám phá”. “Được, tao đi, rồi tao sẽ chứng minh cho mi, ngọc của mi có rất nhiều vết, thậm chí là một nắm đất sét vo tròn”. “Tao dặn trước, anh ấy là của tao, mi đừng xen vào”. “Chẳng thèm, tao đã có người yêu tuyệt vời”. “Anh chàng đan tre?”. “Đúng, hôm nào tao cho ra mắt, cũng dặn trước mi, đừng tranh chồng của tao đấy”. “Yên tâm đi. Tao không mộ hàng tre đan.”

                                                                       *

      Em không ngờ rằng giữa thành phố nhỏ này lại có một biệt thự sang trọng đến thế, có lẽ nó được xây dựng từ những ý tưởng các lâu đài trong truyện cổ tích. Em ân hận vì đã đến đây. Ở đây cái gì cũng giàu có, cũng sang trọng. Những người bạn trai, bạn gái của anh ấy đều trẻ trung và mặc những bộ đồ trang nhã, đắt tiền. Em nhìn lại bộ áo quần sinh viên của mình, khiêm tốn quá, và đôi dép, không biết dấu vào đâu khi vào cửa, lột ra khỏi chân.

      Bạn em nói: “Anh ấy cực giàu. Chính anh ấy cũng không biết mình đang có bao nhiêu tiền. Tiền trong ngân hàng, vàng trong két và tiền trong các kho gỗ ngồn ngộn khắp nơi trong thành phố. Mi biết không. Một khối gỗ tính tiền triệu, mỗi lần anh ấy chở về hàng chục công -  tơ - nơ. Có khi một ăn một. Mỗi năm về chục chuyến, thử hỏi lãi mấy ngàn tỷ?”.

      Vậy mà anh không nói một lời nào về sự giàu có của mình, không khoe tiền khoe của như một số những kẻ giàu có khác. “Cám ơn các bạn đã đến mừng sinh nhật lần thứ 29 của tôi. Chào mừng các bạn, tôi xin hát một bản tình ca”. Trước mắt em không phải là một nhà buôn gỗ mà là một nghệ sĩ. Tiếng đàn anh ngân lên, giọng hát trầm ấm, trữ tình. Đôi mắt… đôi mắt của anh thỉnh thoảng lại nhìn về phía em. Bằng linh cảm nhạy bén của một người con gái, là một nữ sinh viên khoa văn, em biết đôi mắt ấy không kỳ thị bộ áo quần em mặc, không kỳ thị giọng nói đậm đặc chất làng quê. Đôi mắt ấy có tình. Rồi mọi người mời em hát. Anh đã đến bên em nâng đỡ bằng tiếng đàn. Chưa bao giờ em hát hay đến như thế. Phải chăng được đứng bên anh? Phải chăng được tiếng đàn anh nâng cánh?

      Em tự nói với mình không bao giờ đến với anh ấy nữa. Em biết rằng, chàng trai ấy có nhiều ma lực. Những người con gái giàu tình cảm rất dễ bị cuốn hút. Mình đã có người yêu. Người yêu của mình vừa có tình cảm sâu đậm vừa là ân nhân không thể phản bội. Bây giờ anh ấy chắc đã đan được 141 chiếc giỏ tre. Chỉ còn 59 chiếc nữa, mình sẽ là vợ của anh ấy. Ngày ấy mình sẽ được hạnh phúc bên anh.

      Vậy mà con người ấy vẫn kéo em tới gần. “Anh nhờ em giúp một việc, chỉ những người hiểu biết văn chương mới giúp được mà thôi. Nếu bận, em đến mươi mười lăm phút rồi về”. Giúp người, không thể không giúp, hơn nữa, chỉ mươi mười lăm phút. Lần ấy anh nhờ em đọc và nhận xét một bài thơ. “Anh sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ thành phố. Các anh định ra một tập thơ kỷ niệm ngày đất nước giải phóng”. Em càng bất ngờ, anh học hành như thế nào mà kinh doanh giỏi, đàn hát hay và làm thơ cũng hay. “Anh học hành không được bao nhiêu đâu, hết lớp mười thì cha mẹ chết cùng lúc. Nhà anh dạo ấy có nuôi mấy con vịt. Hôm ấy vịt lăn ra chết. Nhà nghèo, cha mẹ tiếc không chịu chôn, làm thịt ăn, bị nhiễm dịch H5N1. Anh bỏ học đi làm thuê cho một người buôn gỗ. Được ông chủ thương nâng đỡ, cho góp vào đống gỗ đồ sộ của ông khi thì năm ba tấc, rồi một khối, hai khối, rồi anh trở thành một bạn buôn gỗ cùng ông chủ”.

       Lần ấy, anh mời em ăn một món ăn lạ. Anh nói đó là khổng noãn, tức là trứng công hoang dã. Loài công này đẻ trứng trên đỉnh núi cao và hiểm trở, rất hung dữ khi bảo vệ trứng. Mỗi cái trứng này từ khi còn bên Tân Cương, Trung Quốc qua đây, khi đặt lên bàn này có giá mười triệu đồng. Em giật mình, vậy là vừa rồi mình đã ăn hết hai chục triệu. “Có gì đáng tiếc đâu em. Đời người không dài lắm như người ta ham tưởng. Làm ra tiền là phải biết tiêu, phải biết thưởng thức của ngon vật lạ. Nếu cất vàng trong két, giữ tiền mãi trong ngân hàng, khi chết đi, vàng đồng nghĩa với đá, tiền đồng nghĩa với giấy vụn”.

      Em lại dặn mình không bao giờ đến với con người ấy nữa. Mình không thể phản bội người yêu mà người kia có ma lực. Cái quý nhất của tình yêu là chung thủy, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau. Người yêu của em nghèo nhưng có tất cả những phẩm chất quý giá đó.

     Vậy mà em lại đến với người kia. Không phải tại em mà tại anh ta luôn tìm được cách gần gũi không thể chối từ. Người đâu mà khôn đến thế. Anh ta tặng những món quà mà giọng nói và cách nói không thể chối không nhận. Tặng những tập vở đẹp và một ngòi bút đắt giá. “Đồ dùng học tập mà em”. Anh cười vui: “Thì cứ coi như anh tài trợ một sinh viên học giỏi để góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước”. Tặng một chiếc đồng hồ đắt tiền “Để em biết giờ mà đi học”. Tặng những bộ áo quần hàng hiệu “Để em có cái đi hội hè với bạn bè cho nó tự tin. Sinh viên bây giờ hay đi cắm trại, du lịch ngắn ngày. Thì anh là bạn trai, cứ coi như anh trai. Anh trai chăm sóc em gái, có gì mà ngại… ”.

      Cuối tháng đó, cóp nhặt những đồng tiền lẻ, em lên nhà bà chủ muốn nói: Chị cho khất tiền trọ vì người nhà chưa gửi lên. Đang run rợ vì bà chủ nóng nảy đã từng chửi té tát những người trọ khất nợ tiền nhà. Chưa kịp nói, bà chủ đã bô bô: “Chị chúc mừng em. Em có một người bạn trai, chao ôi là quý giá. Anh ấy đã đến đây gửi tiền trọ cho em hết cả năm học còn lại. Ui chao ôi, người chi mà đẹp trai, ăn nói lịch thiệp, hào phóng. Tặng chị thêm một tháng tiền nhà, dặn là chú ý chăm sóc em, có chi điện cho anh ta biết, anh hàm ơn, dặn là đừng nói với em, bí mật. Người như vậy quý đó em nghe, vàng ngọc đó em nghe, đừng để con khác bớp mất. Chị mà còn trẻ, xinh đẹp như em, gặp một chàng trai như thế chị đóng hòm chị cất. Chị níu tà áo chị theo, sắm một cái vỉ ruồi thật to, xua đuổi bọn con gái ruồi nhặng bám bu”.

      Lần này em chủ động đến gặp anh. Em dự định nói tất cả cho rành mạch, rằng anh đừng quan tâm em nhiều quá làm em khó xử, rằng em đã có người yêu, không thể yêu anh đâu mà hy vọng, rằng từ nay không nên gặp nhau nữa. Nhưng em đã không nói được gì. Chỉ tại đôi mắt của anh nhìn em, chỉ tại anh đẹp trai quá, chỉ tại giọng nói của anh ấm áp quá, chỉ tại em là con gái mà là con gái khoa văn. Em lại theo anh đi tới một nhà hàng sang trọng. Em để cho anh xích ghế tới ngồi gần. Lúc chia tay, dưới ánh đèn mờ ảo của công viên nhà hàng hoa lệ, anh đã ghì em vào người anh ấm áp, đã hôn em. Tại sao em không tát vào mặt anh, tại sao em không đẩy anh ra. Em đã có người yêu rồi mà. Em không thể làm được như vậy. Thì các bạn có làm được như vậy không? Bây giờ anh ta đã về nhà nhưng cái hôn của anh ấy cứ dính trên môi em. Em không thể xóa đi được. Em bồn chồn quá, đôi lúc em cảm thấy dư vị ngọt ngào.

      Bạn gái của em nói: Tao giới thiệu mi làm quen với anh ấy là một sai lầm ngọt ngào. Người như tao, chỉ là bạn, không bao giờ anh ấy yêu. Anh ấy là niềm mơ ước của nhiều đứa con gái. Mi đã được anh ấy yêu, mở lòng ra mà đón nhận. Băn khoăn chi nhiều cái chuyện có người yêu. Tình yêu là một sự lựa chọn, ai xứng đáng hơn, ai có khả năng đem tới sự đầy đủ và hạnh phúc cho mình thì nghiêng về phía họ. Mi học văn thì phải biết câu tục ngữ “Một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài”. Làm vợ anh ấy thì cả đời nằm trong thuyền rồng đấy. Ơn nghĩa với cái anh chàng đan tre à. Anh ta ơn nghĩa với mi thì mi trả nghĩa lại. Khi đã có tiền núi trong tay, thông qua bố mẹ, mi giúp đỡ gia đình người ta. Anh ta giúp đỡ mi một, mi giúp lại mười. Làng quê à? Trời đất ơi, làng quê làm sao bằng thành phố. Người ta bỏ tiền ra chạy vạy để được làm việc ở thành phố, mi lại muốn về làng. Ăn sơn hào hải vị không muốn lại muốn ăn rau muống. Một mái lều tranh, hai trái tim vàng, xưa rồi em ạ. Có kẻ giết nhau để cướp tiền, chấp nhận vào tù để cướp tiền, mi được mời đi trên nhung lụa để đến với tiền, đến với giàu sang, phú quý, hạnh phúc, sao mi chần chừ?

      Em đã nói là em không hám tiền, nhưng tại vì anh ấy cứ cuốn hút em, gắn em vào anh ấy. Từ cảm phục rồi thương rồi yêu lúc nào không biết. Những lời nói của bạn gái, em thấy thế nào ấy, hình như là ngụy biện. Khi đã yêu anh ta, em thấy hình như có lý. Khiêm yêu em thì Cương cũng yêu em. Khiêm đằm thắm thì Cương cũng là người trang nhã. Hơn nữa Cương là người đa tài. Em mở rộng kiến thức từ sách vở. Cương cho em hiểu biết nhiều về cuộc đời. Em không hám tiền, nhưng không có nghĩa là em không thích tiền. Đeo cái đồng hồ anh tặng, em thấy thích thú. Mặc những bộ áo quần hàng hiệu, em thấy tự tin. Luôn có đồng tiền trong túi, em thấy yên tâm, không còn cảnh ăn mì tôm trừ bữa. Cương đã nói, tặng em chút ít đó, anh không ràng buộc em. Em hoàn toàn tự do. Cương đã nói, tình yêu cũng có sự lựa chọn. Giữa anh và anh ta, em có quyền chọn một. Chỉ cần em yêu người đó hơn, đến với người đó em được hạnh phúc hơn.

                                                                    *

      Khiêm lặng lẽ vót tre. Hình như suốt ngày, cây dao và những nan tre không bao giờ rời tay anh. Em ngồi cạnh nhưng anh thấy buồn. Chiếc đồng hồ xịn em đeo ở tay, bộ áo quần hàng hiệu em mặc cho anh biết, giữa anh và em đã có một người khác xen vào. Em đã nói với anh những lời đau: “Hàng tháng anh đừng gửi tiền cho em nữa, em tự lo được cho mình rồi”. “Anh đừng đan giỏ tre nữa. Bán những chiếc giỏ tre đi để lo việc gia đình và lo cho bản thân anh nữa. Độ này giỏ tre mỹ thuật được chuộng, có giá cao hơn trước nhiều”.

      “Em xin lỗi. Em đã có người khác”. Bàn tay cầm dao của Khiêm run lên, lưỡi dao liếc vào cánh tay trái, một dòng máu đỏ túa ra. Máu đỏ cả cánh tay, đỏ cả chân, trào xuống nhuộm đỏ bó nan tre. Anh đã biết thế nào cũng đến lúc em nói câu đó nhưng trái tim anh hình như không chịu nổi, đau thắt. Cái đầu hình như không chịu nổi, đôi mắt tối sầm lại. Máu chảy ở tay nhưng nỗi đau lớn ở trong lồng ngực.

       Em cuống quýt, run rẩy, nắm lấy bàn tay đầy máu của anh. “Anh làm sao vậy?”. Em biết nói ra điều đó anh sẽ đau lòng. Nhiều lần em muốn nói nhưng không nói được. Đó là lời phản bội một người em đã yêu và trân trọng. Biết làm sao đây? Việc gì đến rồi phải đến, không thể nhập nhằng mãi được. Em đã cố gắng tới tận cùng mới nói được với anh câu đó. “Tình yêu là một sự lựa chọn”. Hình như em vẫn yêu anh nhưng một trong hai người chỉ có thể chọn một.

                                                                            *     

      Không phải thế. Không phải ngày kia đâu có xa. Không phải vì không nóng vội. Không phải vợ chưa cưới chưa phải là vợ. Em không biết tại sao. Hình ảnh anh ấy ngồi vót nan tre, cái lưng còng xuống. Bàn tay diệu nghệ cầm dao, không bao giờ xước một tý da đã chảy máu vì em. Có lần đưa tiền lên cho em, chỉ là một cuộn tiền lẻ bó bằng sợi lạt tre nhỏ, tay anh rụt rè như người có tội: “Anh xin lỗi, tháng này hàng tre đan giá hạ quá, anh chỉ kiếm được ngần này”… Tại sao cái phút chia tay ấy, anh không nói lời hận tình lại hỏi: “Em có còn thích những chiếc giỏ tre không?”. Anh biết không, em thích lắm. Những chiếc giỏ hoa ấy là những tác phẩm nghệ thuật có tình, đẹp hơn bất cứ các loại giỏ hoa công nghiệp bằng đồ nhôm, đồ nhựa nào, vì nó không đa dạng, nó vô hồn.

       Em đang nhìn thấy làng quê trìu mến của em. Dòng sông hiền hòa chảy. Những đám lục bình lững lờ trôi, xòe bông hoa tím. Những rặng tre hai bên đường uốn cong, che mát người đi. Phía xa, giữa cánh đồng, một cây đa lớn tỏa rộng bóng râm. Nơi ấy những người dân cày cấy quần tụ nghỉ ngơi, ăn bày củ khoai, uống bát nước chè đậm. Làng quê có cha mẹ thân thương. Mẹ đã nói: “Sống ở đời phải có tình có nghĩa nghe con”. Cha đã nói: “Cha mẹ của con đây, nghèo lắm nhưng thương nhau mấy ai bằng. Nếu được sung sướng mà phải xa nhau, cha mẹ không màng”.

                                                                    *

      Khách đến mỗi lúc một đông. Bạn bè của anh đi những chiếc xe sang trọng, bóng lộn, mặc những bộ áo quần thời thượng. Họ đi lại chào nhau vui vẻ nhân một lần gặp gỡ, chúc mừng chú rể một đời hạnh phúc. Người làng quê của em lên bằng xe máy, xe đò, mặc những bộ áo quần bình dị. Chàng rể sáng ngời với bông hoa hồng bạch trên ngực. Anh bắt tay cám ơn bạn bè, vẫn không quên để ý tới những người làng quê mới đến, nói lời cám ơn sự có mặt của họ, mời họ ngồi vào những chiếc ghế sang trọng mà nếu không mời chắc có người chưa chắc đã dám ngồi.

      Hôn trường được tổ chức trên một bãi cỏ nhân tạo rộng của một khu vườn cảnh tại một khách sạn năm sao, được bài trí cực kỳ sang trọng. Anh nói: “Lễ cưới của chúng ta sẽ để lại một ấn tượng đẹp trong đời chúng ta và quan khách hai họ”. Em không mấy để tâm tới những bàn ghế nhập ngoại đắt tiền đã được gắn nơ, phủ khăn, không chú ý tới những chai rượu ngoại, kẹo bánh nhập ngoại, những đĩa trái cây nhập ngoại còn tươi nguyên mà chú ý tới bình hoa, giỏ hoa. Hoa nhân tạo cũng nhập ngoại, tinh xảo tới mức, nhìn vào người ta không thể biết là hoa thật hay giả. Em thì biết, là đồ giả. Tại sao những bình hoa, giỏ hoa ấy không phải là tre đan? Tại sao không phải là hoa lục bình mà phải là hoa giả nhập ngoại… Cha mẹ và những người làng quê thân thuộc, họ nghĩ gì khi em chọn tình yêu này?

       Cũng như ngày ấy, khi bàn tay anh chạm vào vùng kín, em đã hoang mang. Bây giờ, khi pháo hoa mừng hạnh phúc sắp tung lên, khi khuôn mặt Cương tràn trề hạnh phúc và hy vọng, khi sắp bước qua ranh giới của phía bên này, em lại hoang mang. Vì sao như vậy, chính em cũng chưa rõ.

      - Thưa ông bà, có một người kéo một chiếc xe tay, chở đầy 200 chiếc giỏ tre đan rất nhiều kiểu dáng và rất đẹp, nói là quà tặng nàng dâu - Một người bảo vệ ở vòng ngoài chạy vào thưa như thế.

      Em chết lặng. Mắt em nhìn về phía ấy. Ngoài kia là Khiêm. Anh đi từ bao giờ mà giờ này có mặt ở đây. Có lẽ anh đã kéo xe suốt đêm và suốt sáng nay. Anh đứng trước càng xe. Hai bàn chân lấm đất và hai bánh xe lấm đất. Tấm thân lực lưỡng đâu rồi mà gầy gò đến thế. Anh hơn em hai tuổi sao mái tóc đã lốm đốm sợi bạc. Nước mắt em tràn xuống vành mi, tràn xuống má. Ngoài kia ấy là Khiêm. Em nhận ra mộ tình yêu vô bờ bến. Em quay lại phía Cương. Cương đang chết lặng. Ngoài kia là đối thủ anh cho là nhẹ ký nhưng bây giờ anh biết đã nhầm. “Cương ơi, có phải anh đã nói tình yêu là một sự lưa chọn”. Anh biết những lời nói tiếp theo của em là nghiêm trọng, là đau lòng. Vốn là người trung thực, tôn trọng người yêu, anh vẫn nhỏ nhẹ: “Đúng, anh có nói như vậy”. Vậy thì, em chọn Khiêm, anh chàng ngoài ấy, đó là tình yêu của em”.

      Em tháo chiếc nhẫn cầu hôn trong ngón tay mình đặt vào lòng bàn tay anh, nhẹ nhàng khép bàn tay anh lại. “Anh cầm lấy nó cho người xứng đáng hơn”. Em hôn lên đôi môi của anh một chiếc hôn nồng thắm, gửi lại anh những giọt nước mắt ràn rụa trên má.

      Em vén cao váy chạy về phía Khiêm. Em ôm lấy Khiêm, hôn lên khuôn mặt gầy, hôn lên mái tóc vì em mà bạc. “Em yêu anh, em là của anh”. Lời của em thơm nhẹ như hương hoa.

       Bạn bè của Cương hẫng hụt nhưng họ linh cảm được, cô ấy đã chọn đúng.

       Em nhảy lên xe, hai tay ôm lấy những chiếc giỏ tre như sợ nó bay đi mất. “Anh hãy kéo em về, như những đêm nào anh kéo em vòng quanh xóm, ra bờ sông, nơi ấy có nhiều hoa lục bình”.

      Khiêm bàng hoàng, sực tỉnh. Em đã về với anh. Hạnh phúc đã trở lại với anh. Tấm thân rã rời bỗng nhiên bừng bừng sức mạnh. Cái lưng còng xuống, chiếc xe được kéo băng băng.

      Những người làng quê lục tục đứng dậy, họ chào bạn bè của Cương, chia buồn với Cương, nói lời thông cảm rồi đi theo em.

      Những người làng quê đi thành một đám rước. Họ rước nàng dâu của họ về với làng quê.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ