Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị)


Ngày cập nhật: 09/09/2021 00:00:00

Những năm 90 của thế kỷ XX, tôi chơi thân với anh Phan Thanh Tân. Hồi đó anh phụ trách công tác hồ sơ của Công an Quảng Trị nên nắm chắc đối tượng chính sách của ngành. Thỉnh thoảng anh có chia sẻ với tôi về những tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường của thế hệ đi trước. Nhân Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức cuộc thi “Cây bút vàng”, anh cung cấp cho tôi tư liệu về người sĩ quan an ninh Ngô Xuân Hòa. Cuộc đời và quá trình tham gia cách mạng, chiến đấu anh dũng kiên cường của anh thì nhiều người đã biết và tôi cũng đã viết trong bài “Có một cuộc đời như thế”, đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an nhân dân (số 11-1996). Thời gian trôi qua, mỗi khi nhớ về những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước của lực lượng Công an nhân dân, tôi lại nhớ về họ, nhất là chuyện tình của anh Ngô Xuân Hòa với chị Huỳnh Thị Thuận trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cuối cùng, qua bao hành trình gian khổ, hy sinh mất mát, họ cũng được trở về với mảnh đất hiền hòa, yêu dấu bên dòng Ô Lâu.

Bên nhau nơi chiến trường gian khổ

Về làng Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, nhiều người còn nhớ về cuộc đời chiến đấu và hy sinh của người sĩ quan an ninh Ngô Xuân Hòa. Đặc biệt, mối tình nồng thắm của anh với chị Huỳnh Thị Thuận, người con gái cùng quê vẫn còn lưu truyền mãi cho đến hôm nay.

Chuyện kể rằng ngày ấy bên bến sông Ô Lâu có một đôi trai tài gái sắc từng hẹn hò, ước nguyện sẽ về chung một nhà và sẽ mãi ở bên nhau. Đó là năm 1943, khi anh thanh niên làng Phước Điền là Ngô Xuân Hòa học Trường Quốc học Huế về làng, lúc đó chị Huỳnh Thị Thuận mới mười bảy tuổi đã biết đón nhận lời cầu hôn của người bạn học cũ vui tính, thông minh. Hồi đó mỗi lần đi về, anh đều ghé qua nhà bạn gái tâm sự, hẹn hò. Theo năm tháng, tình yêu của hai người càng thêm sâu nặng. Một thời gian sau khi thôi học, anh Hòa theo người bác là Cửu Xưng và nhiều người trong vùng vào Nam Bộ làm ăn. Trước khi đi, anh hẹn với chị Thuận sẽ có ngày trở lại để cưới xin. Vào đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tây Ninh làm việc được vài tháng, thấy anh Hòa là người có học, nói thạo tiếng Pháp nên ông chủ đồn điền chọn anh làm phiên dịch. Làm việc được một thời gian, kiếm được ít tiền, chàng thanh niên Quảng Trị ấy không quên lời hò hẹn nơi quê nhà, đã thu xếp công việc, xin trở về quê cưới vợ. Đó là năm 1944, một năm sau khi anh đi làm việc ở phương Nam. Sau lễ cưới, anh Hòa bàn với vợ vào Dầu Tiếng lập nghiệp. Được hai bên gia đình đồng ý, vậy là họ lên đường rời quê hương vào Nam. Vào sống ở Dầu Tiếng một thời gian, chị Thuận thấy rất lạ, cứ sau ngày làm việc ở đồn điền, đêm về anh Hòa đi đâu đó và trở về thường rất khuya nhưng không dám hỏi anh đi đâu, làm gì. Có hôm chị thấy anh cùng mấy người nữa tụ tập thì thầm to nhỏ, xem chừng rất bí mật. Thương, lo lắng cho anh nhưng chị không nói ra bởi lúc nào chị cũng tin tưởng người chồng hiền lành, thủy chung. Sau đó mấy tháng, chị thấy anh cùng với một số người quen biết thành lập tổ chức Thanh niên tiền phong tại Dầu Tiếng.

Cách mạng Tháng Tám - 1945 thắng lợi, niềm tin vào người chồng thân yêu của chị càng được củng cố khi chị thấy anh đứng trong hàng ngũ cùng đồng đội với bộ quân phục của đội quân vệ quốc tham gia giành chính quyền ở Dầu Tiếng. Có lẽ đó là những ngày hạnh phúc nhất của những người công nhân Dầu Tiếng hòa vào niềm vui độc lập của dân tộc. Nhưng niềm vui của những ngày độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ (ngày 23/9/1945), Nhân dân Nam Bộ cùng cả nước đứng lên kháng chiến, theo ý chí và niềm tin không gì có thể lay chuyển được của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Cuộc kháng chiến ngày càng gian khổ và ác liệt. Những ngày ấy anh Ngô Xuân Hòa cùng với những thanh niên Nam Bộ tạm xa gia đình vào bưng biền, lên chiến khu tham gia kháng chiến. Trong không khí sục sôi đó đã thôi thúc chị đi tìm chồng để xin tổ chức cùng tham gia kháng chiến. Lúc này chị đang nuôi đứa con nhỏ, phần thương con nhưng phần ý thức cùng chồng tham gia vào kháng chiến luôn trăn trở trong lòng chị. Đầu năm 1947, khi liên lạc được với anh Hòa, được anh động viên, chị đứt ruột gửi đứa con gái đầu lòng mới hơn một tuổi cho cơ sở nuôi giúp rồi lên Chiến khu Đ bên dòng sông Đồng Nai tham gia kháng chiến.

Với bản tính dịu dàng, chịu khó, ở chiến khu Đ chị Thuận được anh em đồng đội tin yêu, quý mến. Hằng ngày chị làm công việc khâu vá áo quần cho chiến sĩ và làm cấp dưỡng cho đơn vị. Cuối năm 1947, chị được cấp trên cử đi học y tá, sau đó trở về chiến khu Đ công tác. Thời điểm đó cuộc kháng chiến đi vào giai đoạn quyết liệt, công việc ngày càng thêm bộn bề. Công việc của chị ngoài chăm sóc anh em thương binh còn tham gia làm rẫy, trồng lúa, trồng rau, vận chuyển lương thực, thuốc men, việc gì chị cũng hăng hái làm, góp phần cùng đồng đội vừa tăng gia sản xuất, vừa đối phó với dịch bệnh, chống địch càn vào căn cứ.

Mùa mưa năm 1951, trời mưa như trút nước, những cơn mưa kéo dài triền miên, chảy tràn ngập chiến khu Đ. Lợi dụng thời tiết này, quân đội Pháp tiến hành nhiều trận càn thọc sâu vào căn cứ của kháng chiến của quân ta. Việc đi lại từ chiến khu Đ xuống Biên Hòa rất khó khăn, trong khi lương thực cạn kiệt, bệnh tật đe dọa cán bộ, chiến sĩ ở chiến khu hằng ngày, hàng giờ. Một hôm quân địch mở cuộc càn quét vào chiến khu, đang bụng mang dạ chữa, chị Thuận được anh Sáu Đại dìu, vừa đi vừa chạy, được mấy cây số đường rừng thì trời sập tối. Bất chợt chị trở dạ và sinh cháu Thảo trong cái đêm hôm ấy. Sự ra đời của đứa con làm cho cuộc sống của chị thêm phần ý nghĩa. Tên của cháu do anh em đồng đội đặt cho để ghi nhớ kỷ niệm cháu sinh ra trên thảm cỏ ở chiến khu Đ. Những năm tháng đó gian khổ nhất là mỗi lần địch lùng sục lên chiến khu, anh em phải di chuyển địa điểm, còn mẹ con chị ra sông Đồng Nai dầm mình trốn dưới nước hàng ngày trời. Cứ thế cháu Thảo lớn lên trong sự đùm bọc, cưu mang của các cô, các chú là anh em đồng đội của cha mẹ. Còn chị, tuy một tay nuôi con mọn nhưng vẫn luôn tranh thủ chăm sóc cho anh em đồng đội chu đáo. Hằng ngày chị địu bé Thảo sau lung vào rừng kiếm rau, lá thuốc về cho đồng đội. Có hôm đi rừng về đến đơn vị chị bị đói lả đi khi bé Thảo thì đã ngũ vùi trên lưng mẹ. Hôm khác chị vào rừng đào củ, đến tối thấy chưa về, anh em đồng đội phải lần mò đi tìm tới nửa đêm mới tìm được hai mẹ con bị lạc ở trong rừng. Những ngày ở chiến khu gian lao vất vả là thế nhưng chị thấy vui, cùng đồng đội vượt qua để bảo vệ chiến khu cho đến ngày hòa bình lập lại.

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức phân công vợ chồng anh Ngô Xuân Hòa tập kết ra Bắc. Lúc đầu anh bàn với chị gửi bé Thảo ở lại cơ sở nội thành của cách mạng để nuôi giúp, nhưng khi hay tin đứa con gái đầu lòng gửi nhờ cơ sở nuôi hồi đầu năm 1947 để đi kháng chiến bị bệnh chết, chị ngất đi. Chính vì vậy lần này chị không dám xa bé Thảo. Chị bảo anh đi tập kết một mình, còn mẹ con chị ở lại, hy vọng hai năm sau gia đình sẽ đoàn tụ. Hiểu hoàn cảnh của anh chị, tổ chức đồng ý để chị ở lại hoạt động. Hôm tiễn anh lên đường ra Bắc, nước mắt của chị cứ chảy dài, còn bé Thảo lúc này đã lên ba tuổi cứ vẫy tay tạm biệt người cha thân yêu của mình. Anh ngoái lại đưa hai ngón tay ra hiệu, ngụ ý hẹn gặp lại vợ con hai năm sau khi nước nhà hoàn thành tổng tuyển cử.

Hơn hai mươi năm lặn lội tìm chồng

Sau ngày hòa bình lập lại, chị Huỳnh Thị Thuận làm việc tại Ty Công an Thủ Biên. Ngoài giờ đi làm, xa chồng chị dành tất cả tình yêu thương chăm sóc cho con. Thời gian này cháu Thảo đau ốm luôn do đó chị khó lo bề công tác. Tổ chức hiểu hoàn cảnh của chị nên đã sắp xếp cho chị vào nội thành ở một thời gian, sau đó bố trí cho hai mẹ con về quê. Phải chia tay đồng chí, đồng đội một thời gắn bó, chị buồn lắm, nhưng hoàn cảnh lúc này không thể khác hơn. Chị đành ôm con rời đi trong lòng đầy lưu luyến. Chỉ huy đơn vị đến cho tiền, động viên, dặn dò chị: “Thuận nhớ giữ gìn sức khỏe, đưa cháu về quê chờ đợi một thời gian nữa sẽ có người của tổ chức đến bắt liên lạc để hoạt động…”.

Ở nội thành một thời gian, cơ sở đã giúp cho mẹ con chị Huỳnh Thị Thuận một ít tiền tàu xe, tiền ăn đi đường, chị đưa con về quê chồng, ở làng Phước Điền, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng. Gặp lại con dâu và lần đầu tiên thấy đứa cháu nội, bố chồng chị rất vui mừng; càng mừng hơn khi được biết anh Hòa đã tập kết ra Bắc. Ngày ngày ông chăm cháu nhỏ, còn chị Thuận chạy chợ ngược xuôi Mỹ Chánh để buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình, vừa che mắt địch, vừa tìm cách móc nối với đường dây cách mạng. Cứ thế đằng đẵng mười năm cho đến cuối năm 1965, chị bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng. Cơ sở nội tuyến của ta cho biết anh Ngô Xuân Hòa vẫn khỏe mạnh, đang công tác và không nguôi nhớ về mẹ con chị. Tin ấy làm cho mẹ con chị và gia đình vui mừng, tin tưởng, đợi chờ.

Khi chính quyền miền Nam theo quan thầy Mỹ bội ước, không chịu tiến hành tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, có rất nhiều hoàn cảnh gia đình ly tán ở hai miền. Để giúp gia đình chị đoàn tụ, tổ chức đã bố trí đường dây cho chị vượt sông Bến Hải ra Bắc, nhưng rủi thay chuyến vượt tuyến không thành. Hai mẹ con chị bị bắt trên đường đi. Bé Thảo lúc này mới mười bốn tuổi cũng phải theo mẹ vào nhà lao. Ở trong tù, kẻ thù tra tấn, đánh đập chị dã man nhưng chị vẫn một mực cắn răng chịu đựng, không khai báo nửa lời. Sau sáu tháng giam cầm, đánh đập, khảo tra không thu thập được gì, chúng đành thả hai mẹ con chị ra, đưa về quản thúc tại thị xã Quảng Trị. Thời điểm đó một chân của chị đã hoàn toàn bị liệt bởi di chứng của đòn roi tra tấn những ngày tháng ở trong lao tù. Thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của chị, bà con lối xóm khi thì giúp mẹ con chị lon gạo, mớ rau, khi thì ít tiền để qua ngày, tìm kế sinh nhai. Năm 1968, đường dây cơ sở cách mạng báo tin cho chị biết anh Ngô Xuân Hòa vẫn khỏe mạnh và đã trở về miền Nam công tác sau tết Mậu Thân. Chị mừng vui thấp thỏm chờ đợi ngày chiến thắng đến gần, gia đình sẽ đoàn tụ.

Rồi cái ngày ấy cũng đã đến. Tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng; đất nước ngập tràn cờ hoa trong ngày vui thống nhất non sông. Từ chiến trường, từ miền Bắc, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã lần lượt trở về đoàn tụ gia đình, còn hai mẹ con chị thì ngày đêm mỏi mòn chờ đợi, càng chờ đợi càng bặt tin. Ba tháng mong ngóng tin chồng trôi qua, chị nóng lòng quá đành đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tìm chồng.

Tại cơ quan đại diện của Bộ Công an ở Thành phố Hồ Chí Minh, các anh Sáu Hoàng, Sáu Đại đã ân cần tiếp hai mẹ con chị Thuận. Chị bàng hoàng khi hay tin anh Năm Hòa chồng chị mất tích, chưa tìm ra. Tuy vậy chị vẫn tin rằng anh đang tiếp tục một công việc thầm lặng nào đó của lực lượng an ninh nên chưa có dịp về với mẹ con chị. Anh Sáu Hoàng và anh Sáu Đại vừa động viên an ủi, vừa giúp chị một ít tiền, đồ dùng để chị lên Tây Ninh, vào chiến khu Đ tìm anh, nhưng chuyến đi cũng không có tin tức gì hơn. Vẫn chưa hết hy vọng, chị đưa con về quê nghỉ một thời gian rồi tiếp tục hành trình ra Hà Nội. Từ Hà Nội chị đi tiếp lên tỉnh Bắc Thái, nơi anh công tác trước đây và giữ chức Phó Ty Công an tỉnh. Các anh trong lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Thái rất hiểu, chia sẻ với chị và cung cấp thêm cho chị một nguồn tin: Trước khi anh Ngô Xuân Hòa đi B, ở Bộ Công an có giữ cho anh một số giấy tờ. Vậy là chị trở về Hà Nội, tìm đến Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an đón tiếp chị và sưu lục hồ sơ, trao lại cho chị toàn bộ giấy tờ của anh gửi lại trước lúc lên đường trở về Nam, đó là danh hiệu Thành đồng Tổ quốc do Nhân dân Nam Bộ tặng anh trước lúc lên đường đi tập kết, một Huân chương chiến công hạng Nhất, một Huân chương kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cùng nhiều huân chương, huy chương khác.

Chị Thuận trở về căn nhà nhỏ bên dòng Ô Lâu. Lại những tháng ngày dài chị chờ đợi tin anh, nhưng rồi chờ mãi vẫn không có một dòng tin nào hơn. Tình yêu thương đối với người chồng bao năm cách, tình cảm của con gái đối với người cha thân yêu lớn lên chưa một lần được được gặp lại cha thôi thúc, tiếp thêm nghị lực cho chị. Thêm một lần nữa, chị đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh. Lại một lần nữa chị không gặp may. Anh Sáu Đại đến bộ phận chính sách dò tìm trong danh sách liệt sĩ của Ban An ninh miền Nam nhưng tìm mãi vẫn không có tên anh. Anh Sáu Đại lại phải tìm cách động viên an ủi chị là khi nào có tin tức gì mới về trường hợp của anh Năm Hòa anh sẽ tìm cách báo ngay cho chị biết. Hơn hai mười năm lặn lội tìm chồng, chị lại thất vọng, nhưng không hiểu sao chị vẫn tin rằng anh vẫn còn ở đâu đó với một nhiệm vụ thầm lặng. Nơi quê nhà, hai mẹ con chị vẫn nuôi niềm hy vọng sẽ có một ngày căn nhà nhỏ này sẽ tràn ngập niềm vui, anh sẽ trở về trong vòng tay của chị, của con. Niềm tin ấy tiếp thêm sức mạnh cho mẹ con chị trong suốt bao năm tháng chờ đợi. Cháu Thảo ngày càng lớn lên nên nỗi mong chờ của gia đình càng thêm vời vợi. Thương con, thương chồng, nhiều đêm chị úp mặt vào tường khóc thầm, lặng lẽ nguyện cầu: “Bây giờ anh ở đâu! Anh sống khôn thác thiêng, hãy tìm cách để trở về với mẹ con em!”.

Nghĩa tình đồng đội

Sau chiến tranh cũng như khi chuyển công tác về Bộ Nội vụ (từ năm 1998 đổi tên thành Bộ Công an), anh Ba Ngộ - Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - luôn canh cánh bên lòng về việc mất tích của anh Năm Hòa. Anh Năm Hòa vốn là thủ trưởng của anh thời hoạt động ở chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam. Những ấn tượng về anh Năm Hòa sắc sảo trong công việc, nhạy cảm trong cuộc sống, dễ hòa nhập với mọi người luôn nhắc anh Ba Ngộ phải tìm được anh cùng gia đình của anh.

Đầu năm 1992, nhân Hội nghị Công an toàn quốc tại Hà Nội, anh Ba Ngộ tìm gặp đại tá Trương Hữu Quốc, lúc ấy là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, sau này là thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Anh Ba Ngộ nhờ anh Quốc tìm giúp gia đình của thủ trưởng của anh là Năm Hòa (Ngô Xuân Hòa), người Quảng Trị, nguyên cán bộ Trung ương Cục miền Nam. Trở về Quảng Trị, anh Trương Hữu Quốc báo tin trở lại cho anh Ba Ngộ là vợ con anh Năm Hòa hiện đang sống ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Anh Ba Ngộ viết thư vào mời mẹ con chị Huỳnh Thị Thuận ra Hà Nội và hứa nếu có dịp vào miền Trung sẽ ghé thăm gia đình. Thời gian đó nhân chuyến công tác Hà Nội, các anh ở Công an Quảng Trị vào Mỹ Chánh mời mẹ con chị Thuận cùng đi, nhưng lúc này chị bị bệnh nên sắp xếp cho con rể và đứa cháu ngoại thay chị ra Hà Nội thăm anh Ba Ngộ. Gặp được con rể, cháu ngoại của anh Năm Hòa, anh Ba Ngộ rất vui, từ đó anh liên tục viết thư cho đồng đội cũ để tìm anh Năm Hòa. Thời gian này có nhiều đồng đội của anh Năm Hòa ở các tỉnh phía Nam biết tin chị Thuận còn sống đã viết thư, gửi quà động viên an ủi mẹ con chị.

Ngày 17 tháng 9 năm 1992, anh Ba Ngộ viết thư cho một đồng đội từng công tác ở Trung ương Cục miền Nam nhờ tìm tung tích anh Năm Hòa. Trong thư anh viết: “Mất tích là chắc rồi, không biết hài cốt ở đâu nhưng ít ra mình cũng nắm được đến giờ phút cuối ai còn gặp anh ấy, biết việc đó để trả lời cho gia đình…”. Nhận được thư anh Ba Ngộ, anh Huỳnh Minh Phụng công tác ở X13B Bộ Công an lên Hóc Môn và một số nơi khác gặp đồng đội của anh Năm Hòa, nhưng đồng đội cũ chỉ biết tin nghe nói anh Năm Hòa bị mất tích. Tại đây, anh Phụng được giới thiệu thêm một số anh em trong Ban Cán sự đảng hoạt động bí mật tại nội thành, như anh Ba Nha, Tư Minh và Tư Cam. Dò trong hồ sơ lưu của X13B, anh Phụng tìm được nhà riêng anh Tư Cam ở 305/5, đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Tư Cam cho biết: “Khoảng đầu năm 1969 anh Ba Mạnh giới thiệu với tôi người được cấp trên cử đến thay anh, nhưng tên Năm Hòa chỉ nghe sơ qua, còn khi sinh hoạt chung trong Ban Cán sự đảng gọi là Năm Lực…” . Thời gian này anh Tư Cam cử anh Phan Văn Nhâm, là người công tác trong đảng bộ làm liên lạc và phục vụ anh Năm Lực vì anh Nhâm giỏi tiếng Anh và thông thạo đường đi lối lại của thành phố. Cuối tháng 2 năm 1970, Trung ương Cục miền Nam chủ trương đưa một số cán bộ của các ngành hoạt động ở nội thành về căn cứ an toàn. Anh Tư Cam cử anh Nhâm đưa anh Năm Lực về Trung ương Cục vào ngày 20 tháng 3 năm 1970, đi sau anh Ba Nha, Ba Râu một ngày và đi bằng phương tiện xe hon da, riêng anh Tư Cam ở lại nội thành cho đến tháng 4 năm 1970 mới về căn cứ. Về đây anh Tư Cam hỏi anh Nhâm về anh Năm Lực thì được biết anh Nhâm bố trí cho đứa em vợ tên là Phúc lấy xe hon da đưa anh Năm Lực rời thành phố lúc 6 giờ sáng ngày 20 tháng 3 năm 1970. Trên đường đi thì bị địch phục kích bắn chết cả hai người. Anh Phúc do công tác trong đơn vị nên anh Tư Cam xác nhận làm thủ tục liệt sĩ, còn anh Năm Lực do anh Tư Cam chỉ quản lý về mặt Đảng, còn công việc chuyên môn thuộc về bên an ninh. Anh Tư Cam không biết rõ bên đó đã làm chính sách cho anh Năm Lực chưa. Anh Tư Cam giới thiệu anh Phụng tìm gặp anh Nhâm.

Ngược lên xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, anh Huỳnh Minh Phụng tìm được đến nơi, nhưng vợ chồng anh Nhâm cho biết không có người tên là Ngô Xuân Hòa mà chỉ biết cấp trên phân công nhận anh Năm Lực về nhà và phục vụ lấy tin tức tình báo cho anh Năm Lực. Để xác định lại anh Năm Lực có phải là Năm Hòa không, anh Phụng lại tìm anh Ba Mạnh lần hai. Ba Mạnh cho biết, sau tết Mậu Thân - 1968, Bộ Công an gọi anh (tức Ba Mạnh), lúc đó là Phó Ty Công an Thái Bình; anh Năm Hòa, Phó Ty Công an Bắc Thái; anh Việt phụ trách Công an vũ trang và anh Vân phụ trách phái khiển. Tại Bộ Công an, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn phổ biến rằng Trung ương Cục miền Nam điện đưa bốn người vào gấp. Tại buổi hôm đó anh Ngô Xuân Hòa được đổi lại tên là Năm Lực, các anh khác cũng được đổi tên, làm hộ chiếu bay qua Bắc Kinh, rồi từ Bắc Kinh bay sang Phnôm Pênh và từ đó về căn cứ. Như vậy là đã xác định được anh Năm Lực chính là anh Năm Hòa, từ đây chỉ còn lại việc xác định mộ phần của anh Năm Hòa đang nằm ở nơi đâu.

Trong khi tổ chức đang lần tìm mộ phần của anh Năm Hòa, từ Hà Nội, anh Ba Ngộ viết thư cho Công an Quảng Trị, trong thư có đoạn: “… Đất nước hiện còn bao gia đình chính sách đáng  thương lắm, và chính gia đình anh Năm Hòa là một gia đình đáng thương tâm nhất”. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tình cảm trách nhiệm đối với đồng chí, đồng đội đi trước, Công an Quảng Trị đã đóng góp xây dựng cho chị Huỳnh Thị Thuận một căn nhà tình nghĩa để mẹ con chị có nơi ở tử tế và là nơi hương khói cho chồng.

Đón anh về với quê hương

Sau khi xác định chắc chắn anh Năm Lực chính là anh Năm Hòa, các anh trong Ban Chính sách của Bộ Công an tại phía Nam đã gặp anh Phan Văn Nhâm ở Tân Biên, Tây Ninh, người trực tiếp được giao nhiệm vụ lấy tin tức hoạt động cho anh Năm Hòa, sau đó thực hiện nhiệm vụ tổ chức đưa anh Năm Hòa vào vùng căn cứ cùng một số đường dây cơ sở khác đã xác định: Anh Năm Hòa hy sinh vào khoảng 10 giờ ngày 20 tháng 3 năm 1970 do bị địch phục kích cùng với em vợ của anh Nhâm, là người lái xe hon da đưa anh Năm Hòa về căn cứ. Thi hài của anh Ngô Xuân Hòa và anh Nguyễn Văn Phúc được cơ sở của ta chôn cất tử tế, cách thành phố hơn 80 km. Người trực tiếp chôn cất hiện còn sống ở Tây Ninh. Sau ngày đất nước thống nhất, do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn, anh Phan Văn Nhâm phải cáng đáng nuôi gia đình đông con nên chưa có điều kiện đưa hài cốt của em vợ và anh Năm Hòa về nghĩa trang được. Mãi sau này nhờ bác Phan Văn Liêm là cơ sở của cách mạng, người trực tiếp chôn cất anh Ngô Văn Hòa và anh Nguyễn Văn Phúc, Ban quy tập mộ liệt sĩ của Bộ Công an đã xác định ra nơi chôn cất, đưa hài cốt hai liệt sĩ vào Nghĩa trang quốc gia tại đồi 82 thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Thể theo nguyện vọng của gia đình, tháng 8 năm 1993, Công an Quảng Trị đã cử hai anh Võ Duy Duệ và Hồ Văn Kính vào Tây Ninh đưa hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Hòa về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Hải Lăng theo nghi lễ của lực lượng Công an nhân dân. Tại Tây Ninh, Công an tỉnh đã nhiệt tình giúp đoàn công tác của Công an Quảng Trị. Trên hành trình đưa hài cốt anh Năm Hòa về quê, các anh trong đoàn công tác đã đưa anh đi một vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh để anh biết thành phố đổi thay sau hơn hai mươi năm đất nước thống nhất. Chuyến đi thuận buồm xuôi gió, đã đưa được hài cốt của anh về tới quê hương an toàn.

Về thăm, thắp hương trên mộ anh, nhiều sĩ quan cao cấp của lực lượng Công an vẫn nhắc đến anh với sự quý mến về những tình cảm cao đẹp; khâm phục vì nghĩa lớn anh đã ngã xuống trước mũi lê, họng súng của quân thù. Cũng mãi cho đến khi đó chị Huỳnh Thị Thuận mới tin rằng anh đã hy sinh. Ngần ấy năm chờ đợi, chị đã đi qua thời thanh xuân, trở thành bà lão tuổi ngoài bảy mươi. Còn cháu Thảo chào đời từ chiến khu Đ năm nào qua bao nhiêu năm cùng mẹ ngóng trông cha bấy giờ đã trở thành cô giáo dạy ở Trường phổ thông cơ sở xã Hải Chánh. Thảo có một gia đình hạnh phúc, sống bên mẹ, bên người chồng cũng là đồng nghiệp. Hai cháu lớn của Thảo đã vào đại học, còn cháu út học tiểu học, ngoài giờ lên lớp luôn quấn quýt bên bà ngoại. Và mãi cho đến khi Công an Quảng Trị làm lễ đón hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Hòa về quê, bà con làng xóm mới hiểu sâu sắc hơn nỗi lòng của chị Huỳnh Thị Thuận trong ngần ấy năm cùng với chồng tham gia kháng chiến, rồi đợi chờ chồng bao nhiêu năm, niềm tin sắt son có một ngày gặp lại, cho dù ngày anh trở về với hài cốt phủ màu cờ của Tổ quốc. Cũng cho đến khi ấy quê hương mới biết mảnh đất này có thêm một thiên tình sử, khắc ghi một thời họ đã yêu và sống.

***

Mới đây, nhân 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân 12/7 (1946-2021), qua hỏi thăm tôi được anh Phan Thanh Tân chia sẻ thông tin, bà Huỳnh Thị Thuận, nhân vật trong bài viết năm nào của tôi và anh từng viết đã qua đời cách đây hai năm. Chị Ngô  Thị Thảo, người con gái sinh ra từ chiến khu Đ, sau này theo mẹ về quê, lớn lên trở thành cô giáo cũng đã mất, chỉ còn lại các cháu ngoại của ông bà, nay trưởng thành, người thì công tác ở quê nhà Hải Lăng, người thì đang sinh sống ở thành phố Đà Nẵng. Vậy là ông Ngô Xuân Hòa và bà Huỳnh Thị Thuận, những cán bộ chiến sĩ an ninh trung kiên một thời ra đi từ bến Ô Lâu, ngày trở về họ được cùng nhau nằm lại bên bến sông quê. Trên bến sông này mọi người vẫn còn lưu truyền mãi về thiên tình sử của họ - những cán bộ, chiến sĩ an ninh nhân dân một thời đã sống, cống hiến đến tận cùng cho quê hương, đất nước. Cuộc đời của họ thật ý nghĩa và cao đẹp biết bao!

Viết lại ở Đông Hà, tháng 7/2021.

                 M.T

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ