Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị)


Ngày cập nhật: 09/09/2021 00:00:00

Trong lần trở lại vùng Cùa mới đây, tôi đã cố công tìm cho được góc máy nơi gần 30 năm trước, nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã đứng để chụp bức ảnh mà khi có dịp nhìn ngắm, đã chạm đến sự yêu thương, thấu cảm mảnh đất đèo heo hút gió một thuở chưa xa này trong lòng những người yêu quê hương Cam Lộ.

  Bức ảnh anh Dương chụp được đặt tên là “Đường Cùa dáng mẹ”. Bức ảnh giản dị như một nhát cắt cuộc sống của người dân quê tôi dầu dãi nắng mưa, đời này qua đời khác, làm lụng nuôi mình, nuôi con và khi cần, họ sẽ lấy sức lực, xương máu của mình để bảo vệ, giữ gìn quê cha đất tổ. Trên một đoạn đèo Cùa cong cong hình chữ S, màu đất sỏi hoe hoe đỏ hằn vết bao chân người qua. Hoa sim, hoa mua và vô vàn cỏ dại cũng chưa thể khỏa lấp được sự khô cằn chang chang nơi miền nắng lửa. Đúng nơi eo thắt nhất của con đường đèo là hình ảnh một người mẹ xứ Cùa đội chiếc nón lá, trĩu nặng gánh chè tươi trên vai. Bà mẹ như một điểm nhấn tảo tần trên hình hài cách điệu của đất nước khiến người xem phải rưng rưng nước mắt…

Tôi đã tìm đúng chỗ anh Lê Bá Dương đứng để dựng khuôn hình bức ảnh tâm đắc của mình ngót ba thập kỷ trước. Nhưng trước tầm mắt tôi đang đứng đây, cảnh cũ không còn. Mở ra khoáng đạt là con đường nhựa rộng rãi vươn giữa màu xanh điệp trùng của cây lá. Những cột đèn thắp bằng năng lượng mặt trời nối nhau theo sát lề đường chạy dọc theo hướng chợ Cùa. Đêm đêm, đèo Cùa bừng sáng ánh điện như một chỉ dấu của sự đổi thay kỳ diệu mà mới hôm qua đây thôi, chưa có ai hình dung ra được.

 Nói chưa có ai hình dung ra được cũng bởi một lẽ xưa nay, đèo Cùa vẫn là một địa danh gợi sự trắc trở, khúc khuỷu, lam sơn chướng khí, quan ngại lòng người. Sử cũ có ghi, hơn 130 năm trước, vào năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn của vua quan triều Nguyễn; do đó những người theo phái chủ chiến trong triều đình đứng đầu là Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh đó, một kinh đô dã chiến đã được xây dựng ở Quảng Trị. Đó là sơn phòng Quảng Trị/căn cứ Tân Sở/ thành Tân Sở tại vùng Cùa. Điều đáng lưu tâm là ở thời điểm đó, con đường chính thuận lợi để vào Cùa chỉ có một hướng độc đạo từ Tân Tường vượt qua đèo Cùa. Chính Nguyễn Văn Tường đã có công sửa chữa làm cho con đường này trở nên đi lại dễ dàng hơn trước khi lập căn cứ Tân Sở. Đây còn là con đường kín đáo dùng để vận chuyển vũ khí, vàng bạc, quân lương cho Tân Sở từ các bến thuyền trên sông Hiếu. Dọc trên tuyến độc đạo từ huyện lỵ Cam Lộ vào Tân Sở được dựng nhiều đồn binh canh phòng, bố trí nhiều đại bác, nhất là đoạn đèo trước khi vào Cùa. Theo A. Laborde, công sứ Pháp tại An Nam, chính những người lính Pháp đã đặt tên cho đoạn đèo Cùa là đèo Canon/ Đại Bác vì khi tấn công vào Tân Sở, họ đã thấy hai bên đường được bố trí khá nhiều khẩu đại bác.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đèo Cùa là tuyến độc đạo nối hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, vùng chiến khu cách mạng với quận lỵ Cam Lộ. Địa bàn huyện Cam Lộ lại có vị trí chiến lược về chính trị và quân sự. Đây là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc- Nam, Quốc lộ 9, có sông Hiếu nối liền cảng Đông Hà và Cửa Việt. Với địa hình bán sơn địa, Cam Lộ có vành đai đồi núi bao bọc với nhiều cứ điểm trọng yếu nằm dọc theo Quốc lộ 9 như Đầu Mầu, cao điểm 544, 241, Đồi Tròn, Động Toàn, căn cứ Phu Lơ của địch tạo thành hệ thống liên hoàn nối liền với dãy Trường Sơn qua đất bạn Lào. Toàn bộ địa bàn Cam Lộ nằm trọn trên tuyến phòng thủ vòng ngoài mà Mỹ- ngụy đã xây dựng ở bờ Nam sông Bến Hải. Đối với ta, Cam Lộ là địa bàn chiến lược, nơi đứng chân của các lực lượng kháng chiến, là cầu nối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là gọng kìm uy hiếp địch ở mặt trận phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Vào tháng 7/1964, Nhân dân vùng Cùa đã nổi dậy diệt ác, phá kềm, tổ chức cuộc đồng khởi thắng lợi. Năm 1971, xã Cam Chính được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần làm nên thời khắc đúng 16 giờ ngày 2/4/1972, cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cam Lộ, đánh dấu quê hương Cam Lộ hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày quê hương giải phóng đến một thời gian dài sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại (tháng 10/1991), đường đèo Cùa từng ám ảnh người qua bởi dốc dài hun hút trên nền đất cằn đá sỏi. Mùa hè bụi đường thổi thốc tháo vào mặt người. Mùa đông, đất đỏ đặc quánh lại đến đi bộ cũng khó. Từ xế chiều đến ban đêm, chỉ có ai vững dạ mới dám vượt qua đoạn đèo Cùa chỉ dài chừng 10 cây số vì thăm thẳm, hoang vu, bất trắc…

Bây giờ, đèo Cùa lại là nơi khách bộ hành vẫn thường hay đến như một sự trải nghiệm thú vị trước khi vào Cùa thưởng thức đặc sản gà Cùa, cơm gạo mới vùng Cùa, thắp nén hương tri ân trên bàn thờ vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, đi dạo trên những “miền đầy hoa” nông thôn mới kiểu mẫu ... Không đủ dài để chồn chân người đi, không đủ cao để làm cho khách bộ hành rợn ngợp, đèo Cùa thong dong và duyên dáng như eo thắt của người con gái xứ Cùa đôn hậu…

  Gần một năm trước một thông tin làm nức lòng người, chào mừng Cam Lộ đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, Công an huyện Cam Lộ đã triển khai chương trình “Thắp sáng đèo Cùa”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện quyên góp ủng hộ để lắp đặt 25 trụ đèn năng lượng mặt trời, có công suất chiếu sáng 300W, tích điện từ ánh sáng mặt trời có thời gian sử dụng hơn 24 giờ, với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Được biết, trong thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục kêu gọi lắp đặt thêm các trụ đèn để tăng độ chiếu cho toàn tuyến, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua đèo Cùa.

Gần 3 km đèo Cùa đã được thắp sáng từ nỗ lực và những tấm lòng khát khao chung tay xây dựng quê hương. Từ uất hận, tăm tối; từ trắc trở, gập ghềnh, đèo Cùa hôm nay đã êm thuận và bừng sáng, nối nhịp “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” như nhà thơ Chế Lan Viên, người con của quê hương Cam Lộ đã xúc cảm.

Mới đây, khi có dịp trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Công an huyện Cam Lộ về công tác chỉ đạo, phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, anh chậm rãi phân tích cho tôi hay rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND, ngày 25/7/2017 của HĐND huyện Cam Lộ về việc thông qua đề án “Huyện nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020”, huyện Cam Lộ đã hoàn thành nhiều mục tiêu để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, huyện Cam Lộ có nhiều đóng góp thực tiễn về phương pháp, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở cho tỉnh vận dụng chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Để góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, Ủy ban Mặt trận huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trọng tâm là 5 nội dung cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phương châm: Sâu sát, toàn diện, quyết liệt, hiệu quả và nội dung, lộ trình, phần việc cụ thể theo tinh thần “4 có”: Có con người cụ thể; có thời gian cụ thể; có công việc, địa chỉ cụ thể; có kết quả cụ thể. Trong đó xác định trọng tâm công tác mặt trận các cấp trong huyện là thực hiện có hiệu quả các vấn đề cần giải quyết và bức xúc đang đặt ra như: Chương trình xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho người nghèo; hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, thực sự trở thành những “miền quê đáng sống”, đồng thời lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đối với ngành công an, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 134/KH-BCA-V28 ngày 12/5/2016 về công tác công an thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 335/KH-BCA-V28, ngày 12/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trong lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2016-2020"; Kế hoạch số 187/KH-CAT-PV05, ngày 24/2/2020 của Công an tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, Công an huyện Cam Lộ đã xây dựng kế hoạch số 431/KH-CAH-XDPT ngày 1/4/2020 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020…

Công an huyện Cam Lộ xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức và gắn với các hoạt động thực tiễn. Hưởng ứng phong trào “Mỗi ngành, mỗi đơn vị chung tay xây dựng nông thôn mới” do UBND huyện Cam Lộ phát động, Công an huyện phát động phong trào “Công an huyện Cam Lộ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Công an huyện triển khai thực hiện đóng góp kinh phí xây dựng nhiều hạng mục, công trình giao thông nông thôn, hệ thống đèn chiếu sáng, đoạn đường an toàn, chỉnh trang nhà văn hóa thôn, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ, tặng quà giúp đỡ nhiều gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo.

Không cần đến sổ tay công tác, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải cũng có thể liệt kê sơ bộ cho chúng tôi nghe tường tận những công việc cụ thể mà Công an huyện Cam Lộ đã giúp dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đó là đã góp phần xây dựng đường bê tông tại thôn Kim Đâu 2, xã Thanh An dài 250m ( trị giá 100.000.000 đồng); lắp công trình chiếu sáng cầu treo Cam Hiếu (trị giá 20.000.000 đồng), xây dựng sân bê tông lót gạch tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Phước Tuyền, xã Cam Thành (trị giá 40.000.000 đồng), phối hợp Huyện đoàn xây dựng sân bóng chuyền ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền (20.000.000 đồng), xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng chí Trần Đình Hào (hưu trí Công an vũ trang tại xã Cam Nghĩ, trị giá  60.000.000 đồng), sửa chữa, lợp mái nhà cho 8 hộ dân ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Nghĩa bị thiệt hại do lốc xoáy, bão (trị giá 60.000.000 đồng), sơn lại nhà, đầu tư hệ thống điện, nước máy, mua bàn ghế, tủ quần áo, quạt điện cho bà Hà Thị Hiền ở thôn Kim Đâu 2, xã Thanh An (trị giá 20.000.000 ồngđ), tặng sổ tiết kiệm cho bà Trần Thị Nậy ở xã Cam Thành, ông Nguyễn Văn Viên ở Phước Tuyền, xã Cam Thành (mỗi sổ trị giá 10.000.000 đồng), tổ chức tặng 160 suất quà, 5 con lợn thịt hỗ trợ nhân dân Bản Chùa ăn tết, tặng 17 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn (trị giá 17.000.000 đồng), hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho cháu Nguyễn Thị Hiền ở thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu là trẻ mồ côi, đến khi cháu đủ 18 tuổi. Đặc biệt, năm 2020, Công an huyện huy động bằng nhiều nguồn lực, cùng các nhà hảo tâm hoàn thành công trình “Thắp sang đèo Cùa” lắp đặt 25 trụ đèn năng lượng mặt trời dọc tuyến, nhằm chào mừng huyện Cam Lộ được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới... Lực lượng Công an huyện Cam Lộ cùng với nhân dân trên địa bàn đã đóng góp hơn 3 tỉ đồng, gần 600 ngày công, hiến các vật phẩm phục vụ công tác chỉnh trang giao thông nông thôn, xây dựng công trình công cộng tại các địa phương.

Cùng với thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”... bộ mặt nông thôn Cam Lộ  đã có nhiều đổi thay. 80 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, đường dân sinh, giao thông ở nông thôn được bê tông hóa, thôn bản có cổng làng, đạt tỉ lệ 100%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm. Công an huyện cùng với các cấp các ngành, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn cử hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ giúp dân làm công trình giao thông, thủy lợi, tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai.

Công an huyện Cam Lộ cũng đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chỉnh trang nông thôn mới”, mô hình “5 không, 3 sạch” bằng nhiều hình thức với sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến xã, thôn, bản, khu phố. Ngoài ra còn lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, các hội nghị, các cuộc họp tại khu dân cư, qua hệ thống phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu... từ đó làm cho từng người dân nhận thức đầy đủ và sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Điểm nổi bật nhất ở Cam Lộ là các cơ sở tôn giáo và tín đồ tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng nông thôn mới. Các mô hình phòng chống tội phạm gắn với vận động chung tay xây dựng nông thôn mới: “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân Bản Chùa tham gia bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới”, “Họ tộc không có người vi phạm pháp luật”... hoạt động rất hiệu quả.

   Từ khi triển khai mô hình "Thắp sáng đường quê” ở Cam Lộ, các ngõ, ngách từ trong thôn xóm sáng bừng ánh điện đã làm thay đổi rõ nét đời sống, sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Với đèn đường chiếu sáng, buổi tối trẻ em vui chơi, nô đùa, nhân dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Công trình không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng tội phạm, tăng cường an ninh tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại”. Với việc chung tay thắp sáng cầu treo sông Hiếu, thắp sáng những đoạn đường đèo Cùa của Công an huyện Cam Lộ đã góp phần làm bừng sáng quê hương nông thôn mới Cam Lộ trên con đường đi tới tương lai…

Đ.T.T

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ