Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Nhớ Bác


Ngày cập nhật: 29/07/2019 00:00:00

Tùy bút - LÊ VĂN THÊ

 

Thời tôi còn bé chắc chắn cũng như bao đứa trẻ khác, rất tin tưởng vào mẹ. Mẹ không chỉ là khối tình vĩ đại tôi rất thương yêu, kính trọng. Mẹ còn là niềm tin có thể chở che tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ thế lực nào. Bởi thế có ai đe nẹt, tôi đều dọa họ “Cháu sẽ mách mẹ cho mà coi”.

Tôi đâu biết rằng: Mẹ tôi là một người đàn bà góa với một đàn con thơ dại quá nhỏ yếu và mong manh trong cuộc đời đầy rẫy áp bức cường bạo bấy giờ.

Một lần mẹ tôi lên chợ Đông Hà, bị hai vợ chồng hung hãn, lạ mặt xông vào đấm đạp chỉ vì theo họ chửi: Mẹ tôi đã “tranh mua” mớ cá chợ mai để bán chợ chiều. Một lần khác đang giữa buổi chợ bổng nghe nhiều người đàn bà cùng hét: Tây! Tây! Mẹ tôi dắt tôi chạy cuống cuồng giữa những người náo loạn. Một lũ Tây đen thua trận trở về, uống rượu say, xô vào chợ giằng xé, hãm hiếp phụ nữ. Những lần như vậy, tôi chỉ biết nhìn mẹ quằn quại mà kêu khóc thảm thiết. Tôi bị sốc tới mức mỗi lần mẹ đi xa là vô cùng lo sợ. Đó là lý do tôi luôn gào lăn đòi đi theo. Những sự việc như vậy hằn sâu trong thần kinh của tôi đến mức hơn nửa thế kỷ trôi qua mà nhớ rõ như mới diễn ra sáng nay. Từ đó, tôi luôn mơ ước có một người nào, một lực lượng nào hùng mạnh bảo vệ được những người như mẹ tôi.

Có con nờ, người đó là Bác Hồ!

Mẹ chỉ nói với tôi một câu ngắn như vậy nhưng trong tôi bừng lên một mơ ước lớn, bởi tôi luôn mong muốn đuổi được giặc Pháp đi, trừng trị được kẻ ác để mẹ tôi được sống yên thân. Từ đó, tôi luôn chú ý đến lời người lớn nói và thi thoảng nghe họ thì thào về Bác Hồ một cách bí mật và kính trọng.

Trong đầu óc trẻ con của tôi bừng lên nhiều tưởng tượng phong phú về Bác. Có lúc tôi tưởng tượng Bác là một ông tiên hóa phép được. Có lúc lại tưởng tượng Bác như một lực sĩ khổng lồ, bọn qủy sứ nhìn thấy phải sợ. “Không phải rứa mô con - Mẹ tôi lại nói - Bác Hồ cũng bình thường như mọi người nhưng tài năng to, trí tuệ cao”. Tôi lại càng thấy bí hiểm và mong một ngày được gặp Bác.

*

**

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại, mẹ tôi đưa chúng tôi vượt tuyến ra Bắc. Người lớn nói với nhau rằng: Ngoài đó không có lính Pháp, không có cường hào áp bức, mọi người được sống tự do. Trong cái đêm ra đi đó, tôi vô cùng sung sướng với người lớn và có một mong ước được gặp Bác Hồ để thỏa lòng kính yêu và thỏa trí tưởng tượng.

Chỉ mấy ngày sau khi đến đất Bắc, một buổi sáng ngủ dậy, o tôi khoe: Tối qua đi xem phim ở Vĩnh Quang, trong phim có Bác Hồ. O được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói. O kể vô tư nhưng tôi bị hẫng hụt và thất vọng lớn. Đến bấy giờ tôi chưa một lần được xem phim, đặc biệt là chưa một lần nhìn thấy Bác, nghe Bác nói. Tôi khóc dỗi o tôi, suốt ngày nhịn ăn để phản đối. Rất may chiều đó o tôi nựng: “Tối nay đoàn chiếu phim lên chiếu phim ở Hiền Lương”. Tôi mừng rỡ chờ đợi, thời gian trôi chậm chưa từng có, mắt tôi cứ đăm đắm nhìn lên phía Hiền Lương. Tôi ăn cơm sớm, rủ các bạn học sinh cùng lớp theo người lớn đi bộ lên Hiền Lương. Từ Vĩnh Giang lên Hiền Lương theo mép bờ sông xa gần sáu cây số. Vậy mà tôi và cả lũ nhỏ bạn bè không đứa nào kêu mỏi chân, cứ bước phăm phăm. Bãi chiếu phim là một thửa ruộng vừa gặt đang thơm mùi toóc rạ. Tôi và lũ nhỏ bạn cứ lăng xăng vây quanh xem các chú chôn cọc dựng màn vải trắng, xem các chú lắp máy, quay đảo các cuộn phim. Chúng tôi hỏi dò xem: Tối nay có chiếu phim về Bác Hồ không? Nghe các chú nói: Có! Chúng tôi mới thực sự yên tâm.

Người đến xem rất đông, ngồi bệt trên các bụi toóc. Chỉ có một đơn vị công an vũ trang là ngồi trên những đôi dép cao su, súng dựa vào vai thẳng hàng, mũi súng chĩa lên trời.

Một ông già gầy gầy xuất hiện trên phim. Tôi chưa kịp nghe người thuyết minh nói đó là ai bỗng có tiếng reo: Bác Hồ! Tất cả bãi phim rùng rùng đứng dậy, ào ào vỗ tay, đồng thanh hô vang, náo nhiệt: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”.

Khi Bác giơ cao chiếc mũ vẫy chúng tôi, tất cả lại vỗ tay rầm rập, lại hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”.

Người ta ào tới phía màn ảnh cho gần Bác. Nhiều người nhón cao chân, giơ tay muốn với tà áo Bác. Nhiều người trong số họ lần đầu tiên được xem nghệ thuật phim ảnh kỳ diệu, lần đầu tiên thấy Bác nên xúc cảm rất mạnh. Cứ tưởng như Bác hiển hiện trở về thăm con cháu, thăm đồng chí đồng bào.

Cảnh phim ấy đi qua, nhiều người vây quanh máy chiếu đề nghị chiếu lại cảnh đó. Đội chiếu bóng lưu động số 13 vui vẻ và sung sướng tạm ngừng buổi chiếu, quay đảo phim, chiếu lại cảnh đó. Bác Hồ lại xuất hiện giữa những tràng vỗ tay và những tiếng hô muôn năm dậy trời.

Tôi nghĩ, có lẽ không quá đáng, đó là một đêm chiếu phim thành công nhất thế giới của những người làm công việc chiếu phim. Có nơi nào khán giả nhất tề đề nghị chiếu lại một cảnh phim vừa chiếu? Có lãnh tụ nào được nhân dân yêu mến đến thế? Chỉ cần sống vài phút trong không gian đó đủ hiểu cái lý khi Tố Hữu viết: “Bác bảo đi là đi Bác bảo thắng là thắng ”

Và đến một thời oanh liệt vừa đi qua, đội quân lên đường theo chân Bác từ gậy tầm vông và súng kíp, từ chân đất, áo vá, đầu trần đã làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, đã đánh bại thực dân Pháp - một cường quốc của chủ nghĩa thực dân.

Bọn nhỏ chúng tôi cùng được xem đoạn phim đó nhưng khi ra về cứ tranh nhau kể: Bác mặc một bộ áo quần kaki bạc màu. Chiếc mũ cối của Bác cũng bạc màu. Bác đi một đôi dép cao su. Bác có bộ râu trắng như râu ông Tiên. Nhưng rồi có một đứa hỏi: Cúc áo của Bác có màu chi? Tất cả chúng tôi ngớ ra, không biết.

Lại khao khát được xem phim về Bác Hồ để nhìn thấy Bác, nghe Bác nói để biết thêm chiếc cúc áo của Bác màu chi.

*

**

Theo năm tháng tôi lớn lên, được học hành dạy dỗ chu đáo nên người. Tôi có được những người thầy lớn đáng tự hào nhưng Bác Hồ là người thầy vĩ đại nhất của tôi. Tôi tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh đúng như suy tư của Chế Lan Viên: “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn/ Trái cây rơi vào áo người ngắm quả/ Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn ”. Tôi tự nghĩ cuộc đời mình luôn luôn có Bác cạnh bên.

Nhưng ...

Ngày 3/9/1969, tôi đang học năm cuối cùng của khoa văn trường Đại học Sư phạm Vinh. Trường đã sơ tán về huyện Quỳnh Lưu vùng nông thôn Nghệ An. Sáng ấy tôi đi từ Quỳnh Hồng về Quỳnh Lưu và linh cảm một điều rất khác lạ. Cả không gian như trầm xuống, lặng đi. Những người thợ cày khắp cánh đồng đều buông trâu đứng lặng. Những người phụ nữ gục đầu ngồi bệt bên chân ruộng. Dưới một số gốc xà cừ ven đường Quốc lộ các em nhỏ chăn trâu túm tụm nhau, khóc nức nở. Tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, chúng không nói được, càng khóc to hơn. Tôi nhìn lên phía trước, những ai đó đã treo một hàng cờ tang có dải băng đen dài tít tắp dọc đường Quốc lộ. Tôi chạy vội về văn phòng khoa. Các bạn sinh viên và các giáo sư đã có mặt rất đông. Mắt ai cũng đỏ hoe, khuôn mặt nhòa nước mắt. Trên bàn làm việc giữa căn nhà, ảnh Bác phủ đăng ten đen. Lư hương nghi ngút khói. Bác mất thật rồi ư? Chúng tôi thường cầu mong Bác sống mãi và tưởng như đó sẽ là sự thật nhưng Bác vẫn là con Người - quy luật luân hồi: có sinh, có tử. Đau thương, nặng nề trùm lên tất cả chúng tôi. Đất nước tràn đầy nước mắt. Rất kỳ lạ là trời đang sáng trưng bỗng mây đen kéo đến vần vũ. Trời sầm sập mưa. Sau này tôi mới biết, Hà Nội ngày đó và nhiều nơi trong cả nước cũng mưa tầm tả. Nhân dân tin rằng: cái chết của Bác xúc động đến đất trời. Khắp nơi, khắp chốn hàng chục vạn lá cờ tang đã được kéo lên. Những dãi tang màu đen rủ xuống, nặng lòng. Đúng như Tố Hữu viết: “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” trong bài thơ khóc Bác: “Bác ơi”.

Tôi và nhiều người nữa, trong tang thương có thêm nhiều lo lắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, khốc liệt, người cầm lái vĩ đại đã ra đi. Rồi sẽ thế nào đây? Tôi càng lo hơn khi mấy ngày sau đó được tin: quân ta thất thủ ở cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, địch đã tái chiếm.

Rất mau chóng chúng tôi được trấn an. Một đợt học tập chính trị ngắn được tổ chức. Chúng tôi đọc Di chúc của Bác, đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, biến đau thương thành hành động cách mạng, làm theo lời Bác dạy. Tin chiến thắng từ tiền tuyến lại dồn dập bay về. Hậu phương cũng đạt nhiều thành tích lớn: Thái Bình đạt danh hiệu tỉnh năm tấn trên 1 ha, bấy giờ là năng suất cao chưa từng có. Cả miền Bắc cùng một phong trào rầm rộ: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, dồn sức cho tiền tuyến để đánh giặc cứu nước làm theo Di chúc của Bác. Thầy và trò chúng tôi phát động phong trào: Dạy tốt, học tốt để ở chốn tiên cảnh Bác được vui lòng. Kết quả là năm đó, chúng tôi tốt nghiệp và đi nhận công tác 100%.

*

**

Tôi tình nguyện vào bộ đội, được sung vào Sư đoàn 308B. Trên đường hành quân ra trận, chính trị viên Lâm kể cho tôi nghe: Đúng thời điểm Bác mất đại đội của ông (đã tổn thất nhiều) đang luồn sát nách một căn cứ địch ở Năm Căn để thoát vòng vây. Chiếc ra đi ô vặn nhỏ theo dõi thông cáo về sức khỏe của Bác đã báo tin đau thương. Cả đại đội khựng lại ôm mặt khóc. Một phút mặc niệm Bác được tổ chức ngay sát hàng rào bùng nhùng vòng ngoài căn cứ địch. Đó là những giây phút bi hùng của chiến trường. Những chiến sĩ của ông quấn nhiều băng ở đầu, ở tay, có chiến sĩ vết thương đang đổ máu. Họ vừa qua một trận đánh khốc liệt chờ cơ hội rút về hậu cứ giữa ba bề là giặc. Một phút tưởng nhớ Bác linh thiêng. Một lời thề của người chiến sĩ quyết chiến đấu dưới ngọn cờ độc lập tự do của Bác cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Chính trị viên Lâm còn cho tôi biết: Những ngày sau đó một số lá cờ tang xuất hiện trên những ngọn dừa, ngọn tràm, ngọn đước ở Năm Căn nhưng cảnh sát không hung hăng lùng sục, giật xé như mọi lần. Chúng chẳng ưa gì cộng sản nhưng với sự kiện Bác ra đi chúng hiểu nhân loại đã mất đi một vĩ nhân. Chúng vừa khâm phục vừa sợ sự phẫn nộ ghê gớm của du kích nếu động vào những lá cờ tang đó. Về sau này, tôi đã nghe nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Pháp nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân vĩ đại. Điều kỳ diệu của Chủ tịch không những được nhân dân nước mình kính yêu mà được toàn nhân loại kính trọng. Cả giặc Pháp, giặc Mỹ vốn là kẻ thù của Việt Nam, đã bị Việt Nam đánh bại vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ và ngợi ca Bác Hồ.

*

**

Tháng 3/1975, tôi đã là cán bộ giảng dạy năm thứ 3 tại Học viện Chính trị quân đội. Bấy giờ vào Lăng viếng Bác khó hơn bây giờ nhiều vì Lăng mở cửa cho cán bộ, bộ đội, nhân dân vào viếng Bác chưa lâu, lượng cơ quan, đơn vị đăng ký quá đông. Học viện được bình chọn một đoàn cán bộ đầu tiên của Học viện vào viếng Bác. Thành phần gồm nhiều tướng lĩnh, sĩ quan học viện, chiến sĩ, có già, có trẻ, có nữ, có nam. Rất may tôi được trúng là giáo viên trẻ. Chúng tôi như trẻ con mừng đến tíu tít. Tôi giặt là quân phục, đánh bóng giày, chọn tất mới. Thiếu tướng Hoàng Minh Thi súng sính trong bộ đại lễ hỏi tôi: Mình mặc bộ này được chứ? Tôi nói rất đẹp và rất oai. Ông sướng lắm. Tôi nhăn nhó: Không kiếm được chiếc mũ lưỡi trai. Thiếu tướng an ủi: Không sao, cảnh vệ không cho đội mũ vào Lăng đâu.

Vừa đến cửa Lăng Bác, nhìn lan can lên sàn thượng của Lăng lòng tôi rộn ràng, vui sướng như xa Cha lâu năm sắp gặp lại. Tôi biết rằng xung quanh tôi mọi người cũng có tình cảm như vậy. Khuôn mặt ai cũng xúc động mong chờ, cũng trang nghiêm kỳ lạ.

Bác đây rồi trong quan tài kính màu trắng, bình thản trong giấc ngủ ngàn năm. Bác vẫn mặc chiếc áo ka ki bạc màu như đêm đầu tiên tôi nhìn thấy Bác trong phim ở Hiền Lương. Đôi dép cao su để ngay ngắn dưới chân. Một chiếc chăn vải mỏng đắp qua người. Vĩnh hằng Bác là con người giản dị, trong lòng tôi rộn lên vô vàn xúc cảm. Thế là ước mơ hàng chục năm nay đã thành hiện thực: Con đã về thăm Bác, Bác ơi! Đoàn người chầm chậm vòng qua chân Bác, những tướng lĩnh và sĩ quan ngực đầy ắp huân chương lấp lánh, những con người được tôi luyện qua chiến tranh trở thành sắt đá mà vẫn rơi nước mắt trước Cha già kính yêu. Họ lặng lẽ chấm nước mắt. Đến với Bác tôi có một cảm nhận đúng như lời thơ Tố Hữu: “Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại”.

*

Lạ thay một lần được về thăm Bác ta thấy mình như được lớn lên, nhận thức, tư tưởng rõ ràng và trong sáng hơn. Khi ta gặp khó khăn, ta bỗng nhớ lời Bác: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Khi cuộc sống hội nhập có nhiều xao động, ta nhớ lời Bác: Trung với nước, hiếu với dân.

Khi có kẻ cậy nhiều tiền lắm súng lăm le lấn đất, lấn biển, ta nhớ lời Bác:

“Các Vua Hùng có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ