Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Những phần việc ý nghĩa ở một trường học vùng khó


Ngày cập nhật: 24/10/2017 00:00:00

  Ghi chép - KÔ KĂN SƯƠNG
 

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua Trường Tiểu học Hướng Phùng (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, giáo viên và nhân viên của đơn vị với những phần việc thiết thực, ý nghĩa.

* Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng

Mẹ Hồ Thị Miết là người dân tộc Vân Kiều, sinh năm 1934 ở thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng có duy nhất một người con trai là Hồ Miê A, sinh năm 1963, nhập ngũ năm 1970. Ngày 28/2/1971, Hồ Miê A tham gia trận đánh ở đồi Tà Púc, thuộc biên giới Việt - Lào và hy sinh, lúc đó anh là trung sĩ, giữ chức vụ đội phó. Hiện nay, mẹ Miết là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống ở huyện Hướng Hóa. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự hy sinh, mất mát to lớn của mẹ, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ngày 24/7/2017, Trường Tiểu học Hướng Phùng tổ chức buổi lễ nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ dài hạn. Theo đó, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường tình nguyện trích thu nhập từ tiền lương 100 nghìn đồng/người/năm để phụng dưỡng mẹ Miết. Từ nguồn kinh phí này, định kỳ vào các buổi trưa ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần nhà trường tổ chức nấu ăn và cán bộ, giáo viên của trường thay phiên nhau đưa cơm đến tận nhà cho mẹ; ngày 24 hàng tháng, nhà trường tổ chức dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, sân vườn và tặng quà động viên mẹ (bằng tiền mặt 200 nghìn đồng).

 

Mẹ Miết thường xuyên được giáo viên của Trường Tiểu học Hướng Phùng
đến nhà thăm hỏi, động viên - Ảnh: K.K.S

 

 

Ngày thứ 5 hôm ấy, chúng tôi có dịp theo chân cô giáo Trần Thị Lài, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng đưa cơm trưa cho mẹ Miết. Từ trung tâm xã đến nhà mẹ cách hơn 7 km, trời nắng chang chang, đường đi lại khá gồ ghề nhưng nhờ thông thạo địa hình, cô Lài giữ vững tay lái an toàn và đưa cơm đến cho mẹ kịp bữa. Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng mẹ ngồi trước cửa nhà ngóng ra chờ đợi và vui vẻ vẫy tay chào, sẵn sàng đón khách vào nhà. “Hơn 2 tháng nay, mẹ cảm thấy ấm lòng hơn mỗi khi nhận bữa cơm do cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Hướng Phùng đưa đến tận nhà. Không chỉ bữa cơm ấy có thêm những món ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng, nó còn thể hiện được tình cảm chân thành mà thầy cô giáo của trường dành cho mẹ. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người mình thương yêu nhất, tuy nhiên mẹ rất tự hào vì Miê A đã góp sức để cho mẹ và bao người trong cả nước được sống trong hòa bình như ngày hôm nay. Mẹ rất vui vào những ngày cuối đời, Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể… của huyện và xã, trong đó có Trường Tiểu học Hướng Phùng đã chăm lo cho mẹ”.

Mỗi lần đưa cơm đến cho mẹ Miết, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường thường ở lại trò chuyện đến khi mẹ dùng xong bữa trưa mới ra về vì họ thích được nghe mẹ kể nhiều câu chuyện hay ở bản, chuyện người con trai duy nhất của mẹ được mang họ Hồ của Bác đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc như thế nào. Cô giáo Lài chia sẻ: “Sau những giờ đứng lớp vào cuối buổi sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, các giáo viên ở trường thường về ngay bếp ăn của đơn vị để cùng nhau chế biến thức ăn, bỏ cơm và thức ăn vào hộp giữ nhiệt, chạy xe máy vào thôn Mã Lai đưa cơm cho mẹ Miết trước 11 giờ. Có những khi trời mưa, đường trơn trượt, vào đến nhà mẹ phải mất hơn 15 phút nên cán bộ, giáo viên khá vất vả. Nhưng khi được mẹ cầm tay hỏi thăm tình hình của nhà trường và cá nhân người đưa cơm trong những ngày qua có gì mới, thấy mẹ khen cơm và thức ăn ngon là chúng tôi như xua được mọi mệt nhọc của buổi lao động, cái đói bụng ở giờ trưa đứng bóng ấy và tự nhủ mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác chuyên môn cũng như trong mọi việc”. Không chỉ thực hiện những việc nói trên, từ tháng 7/2017 đến nay, Trường Tiểu học Hướng Phùng đã vận động nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm động viên mẹ Miết cả tinh thần lẫn vật chất như: chăn màn, bộ ga đệm, áo ấm, tủ đựng quần áo, quỹ phụng dưỡng, khám sức khỏe… với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. Qua đó, giúp cho mẹ cơ bản có đủ các điều kiện sinh hoạt hàng ngày, yên tâm sống vui, sống khỏe.

* Chăm lo sự học

Cũng như học sinh ở các xã miền núi khác ở tỉnh, hiện nay học sinh ở Hướng Phùng còn gặp không ít khó khăn. Việc đến trường đối với các em không mấy dễ dàng, phần thì nhà ở xa điểm trường, phần thì điều kiện kinh tế của gia đình quá vất vả. Với tâm niệm tất cả vì học sinh Vân Kiều thân yêu mang họ Hồ của Bác, ngay từ đầu mỗi năm học, Trường Tiểu học Hướng Phùng đã xây dựng kế hoạch, bàn những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp để tạo động lực cho các em có hứng thú đến trường học chữ chuyên cần hơn.

 

Nhờ có hộp đựng cơm cách nhiệt nên học sinh điểm trường Cheng - Mã Lai
đưa cơm đến lớp ăn sạch sẽ - Ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG

 

Ngoài địa điểm dạy học ở trung tâm xã, Trường Tiểu học Hướng Phùng có 5 điểm trường, gồm: điểm trung tâm, Cheng-Mã Lai, Hướng Choa, Chênh Vênh Cợp. Năm học 2017 - 2018, toàn trường có 33 lớp học với 655 học sinh, trong đó học sinh người Vân Kiều 401 em. Đây là năm thứ 5, nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh ở điểm trường chính và là trường đầu tiên ở xã vùng khó trên địa bàn huyện có bán trú. Riêng năm học này, trường tổ chức thí điểm việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 tại điểm trường Cheng - Mã Lai, đơn vị đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ các điều kiện về vật chất, giúp phụ huynh yên tâm cho con em mình ở lại trường buổi trưa, cụ thể: hỗ trợ 30 cái sạp, chiếu, gối nằm và hộp đựng cơm cách nhiệt. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C ở điểm trường Cheng - Mã Lai vui vẻ nói: “Vì ở địa bàn vùng khó, việc đem cơm đến lớp của học sinh gặp không ít trở ngại. Dụng cụ đựng cơm không có nên phụ huynh bỏ cơm và thức ăn vào các bao bóng hoặc gói bằng lá chuối, lá môn không đảm bảo vệ sinh. Nhờ nhà trường vận động được một số kinh phí để mua hộp đựng cơm và thức ăn nên rất sạch sẽ, đến khi học xong buổi sáng, các em ăn trưa cơm và thức ăn vẫn còn ấm. Bữa cơm trưa chúng tôi thường chuẩn bị ở nhà nhiều thức ăn hơn để trường hợp có học sinh nào thiếu hoặc không có thức ăn thì sẽ chia cho các em. Sau giờ nghỉ trưa, buổi chiều giáo viên tiếp tục dạy cho các em những phần đọc, viết chưa hiểu. Nhờ vậy, chỉ sau gần 1 tháng đến điểm trường học tập, ăn trưa, nghỉ lại và buổi chiều được cô giáo tăng cường tiếng Việt, phần lớn học sinh lớp 1 là người Vân Kiều đã đọc hiểu, viết chữ rõ ràng, đẹp hơn hẳn so với số học sinh cùng trang lứa ở các điểm trường khác”.     

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về vai trò của người thầy giáo trong quan tâm đào tạo, giáo dục học sinh, nhiều năm nay, ngoài quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, Trường Tiểu học Hướng Phùng có nhiều đổi mới trong dạy và học như: tổ chức nghi thức gắn biển tên đường Hoàng Sa - Trường Sa trong khuôn viên trường, tiếp nhận Cờ Tổ quốc từ đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, xây dựng mô hình địa đạo Vịnh Mốc, tổ chức “Ngày hội đọc sách”, “Chiến dịch thu gom rác” tại thác Chênh Vênh, ra mắt “Góc vui học tiếng Anh” ngay trong khuôn viên trường… Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, bổ sung nhiều kiến thức quý, ý thức bảo vệ môi trường… tạo sự hứng thú cho học sinh đến trường học tập. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường đảm bảo hơn so với các trường học khác trên địa bàn huyện.

         Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng cho biết: “Năm học 2017 - 2018, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những công trình, phần việc thiết thực”. Đặc biệt, trường thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa phục vụ cho công tác dạy và học, giúp đỡ học sinh vùng khó, chăm lo cho mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục vận động các cá nhân, tổ chức tham gia cùng với nhà trường phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Miết; nhân rộng mô hình tăng cường tiếng Việt cho học sinh tại các điểm trường còn lại theo hình thức cuốn chiếu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động của ngành, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”... Qua đó, rèn luyện đạo đức, lý tưởng sống, làm việc, học tập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tạo sức mạnh đoàn kết, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo trong tình hình mới ở một địa bàn huyện miền núi.

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ