Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Hồ Xuân Hiếu và giấc mơ đưa nông sản Quảng Trị ra “biển lớn”


Ngày cập nhật: 26/07/2017 00:00:00

      Trung tuần tháng 7/2017, sản phẩm tiêu Cùa mang thương hiệu “made in Quảng Trị” đã đến thị trường Mỹ và được dư luận chú ý khi Tập đoàn Noble House Spice ở bang California vàTổ chức Root of Peace (Cây Hòa Bình) đã ký kết với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị  (Sepon Group) cam kết cùng nhau hỗ trợ phát triển cho nhãn hiệu này ra thị trường thế giới, đặc biệt là chú trọng đến thị trường Mỹ và đảm bảo cho nhãn hiệu Tiêu Quảng Trị được quảng bá rộng rãi về chất lượng đáp ứng vượt tiêu chuẩn quốc tế của nó. Cùng với tinh bột sắn, đây là hai sản phẩm nông nghiệp của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) được bạn bè quốc tế biết đến và đánh giá cao thông qua Giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ - hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions (BID- Tây Ban Nha) trao tặng năm 2014. Những nỗ lực để đưa sản phẩm từng bị mai một “tái” khẳng định thương hiệu ở một tầm vóc, quy mô lớn hơn trên vùng đất Quảng Trị như phần thưởng ngọt ngào dành cho Hồ Xuân Hiếu - vị tổng giám đốc trẻ tuổi luôn nặng lòng với quê hương, với nông dân nghèo.

 

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và
Tập đoàn Noble House Spice ở bang California, Mỹ dưới sự chứng kiến
của đồng chí Hồ Xuân Sơn - Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và
đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị và
đại diện Tổ chức Root of Peace (Cây Hòa Bình), 
tháng 7/2017 tại San Francico, Mỹ - Ảnh TL

 

 

      Tôi biết mình “mạo hiểm” khi kể chuyện về anh bởi Hồ Xuân Hiếu là cái tên khá quen thuộc đối với nhiều người trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Riêng đối với bà con dân tộc Pa Cô và Vân Kiều, không biết tự bao giờ họ đã tự nguyện gọi anh là “Pả Hiếu” (bố Hiếu) và xem anh như người thân thiết, như “già làng” trong bản bởi chính nhờ “Pả Hiếu” mà người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn. Còn với nhiều người quan tâm về mảng nông dân - nông nghiệp - nông thôn lại gọi anh là người “kinh doanh cùng người nghèo”. Làm nông mà không nghèo đã khó huống chi đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này lại là câu chuyện dài nhiều kỳ, “thử thách” bản lĩnh và tấm lòng của doanh nghiệp mặc dù bấy lâu nay, chúng ta vẫn nhìn nhận nông nghiệp Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng và thị trường nông thôn rộng lớn. Trong cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định của Chính phủ liên quan đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu một số liệu đáng chú ý. Cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Cũng tại hội thảo “Khoa học và công nghệ với phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị”, nhiều doanh nghiệp tham gia cũng chia sẻ và “than thở” khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp. Ấy vậy mà Hồ Xuân Hiếu không chỉ đầu tư, quan tâm tới nông nghiệp, nông dân, anh còn ấp ủ giấc mơ xây dựng thương hiệu nông sản “made in Quảng Trị” có thể vươn ra “biển lớn”, xuất hiện trong các siêu thị, nhà hàng và là sản phẩm được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

      Ở mỗi thời đại, người trẻ tuổi đều có những lựa chọn lẽ sống riêng và Hồ Xuân Hiếu - thế hệ 7X được sinh ra khi nước nhà thống nhất đã chọn một con đường “không giống ai” khi quyết định một lối rẽ khác. Dù được hưởng mức lương đáng mơ ước ở một môi trường mở, đa quốc gia, lương cao, có điều kiện trau dồi ngoại ngữ nhưng câu hỏi luôn mang theo trong những giấc mơ của anh không phải là tiền, là việc có thể chiếm vị trí cao hơn ở công ty mà phải “làm một cái gì đó để cuộc sống của bà con đỡ nhọc nhằn hơn”. Sinh ra trong một dòng họ giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, tuổi thơ của anh gắn với đồng ruộng, với những buổi ăn chỉ toàn là… sắn. Mang tiếng là làm nông nhưng chỉ có một ít cơm hấp chung để cho ba - người thương binh bị đau dạ dày nặng không thể ăn sắn được. Bạn bè thời cắp sách hầu hết nghỉ học. Có lẽ những đêm hè nằm vọng nghe gió Lào vãi từng đợt nóng hầm hập lên người, những buổi chạy bão đã hình thành nên tình thương ba mẹ, thương cả bà con ở Đông Lương (Đông Hà) luôn phải vượt qua thiên tai khắc nghiệt đã truyền cho anh niềm tin về một ngày mai tươi đẹp hơn.  Thế nên năm 2002, cậu trai út quyết định về quê và được “đưa thẳng” lên trồng sắn ở huyện Hướng Hóa.

      Sau 8 năm cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào dân tộc với vai trò là kỹ sư, Hồ Xuân Hiếu được tín nhiệm giao trọng trách lãnh đạo công ty. Trong điều kiện khởi nghiệp ở tỉnh Quảng Trị không hề thuận lợi nhưng nhìn vào kết quả mà anh đã làm qua sự lớn mạnh của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị thật đáng tự hào. Đó là nhờ áp dụng phương pháp mới và khởi nghiệp liên tục mà mỗi năm doanh thu đều tăng đều đặn 80 tỷ đồng. Năm nay dù trong khó khăn chung của cả nước và địa phương nhưng Tổng Công ty vẫn quyết tâm phấn đấu đạt doanh thu 800 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 46 tỷ đồng, tạo thu nhập ổn định cho 600 cán bộ, công nhân viên với mức lương 8 triệu đồng/người/tháng và công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp ở địa phươngHiện Tổng Công ty có 13 đơn vị thành viên, 13 lĩnh vực với 5 nhà máy. Thế nhưng với Hiếu những kết quả đó chỉ là phần nổi của con số bởi anh luôn tâm niệm rằng “doanh nghiệp không chỉ biết kiếm được bao nhiều tiền cho công ty mà còn phải biết giúp được bao nhiêu người”. Đó mới là đích phấn đấu lâu dài, là mục tiêu mà anh hướng tới. Anh thừa nhận sự nghiệp kinh doanh của mình lâu nay cũng chỉ gắn với nhà nông… Bao vui, buồn, trăn trở cũng từ đấy.

      Còn nhớ ông Andrew Head, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, trong một lần đến thăm Nhà máy chế biến tinh bột sắn đánh giá mô hình sản xuất phân bón vi sinh giá rẻ từ cây sắn của công ty là minh chứng cho tài năng, trí tuệ và óc sáng tạo của người lao động, mà tiêu biểu là đứng đầu lãnh đạo. Quan trọng hơn, mô hình sản xuất này có sức tác động đến vấn đề giảm nghèo và môi trường rất lớn. Đây cũng là hai vấn đề quan trọng mà trong quá trình sản xuất, kinh doanh Hồ Xuân Hiếu luôn chú trọng đến. Điều đó được minh chứng bằng hàng loạt giải thưởng mà Tổng Công ty đã đạt được như: Cúp vàng Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường (2009), Giải thưởng Sao Vàng đất Việt (năm 2009 và 2013), Giải thưởng Thương hiệu Xanh (2010), Cúp vàng Thương hiệu Việt - Ứng dụng khoa học và công nghệ (2011), Top 100 Thương hiệu Việt bền vững (2012), Sản phẩm - Dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu (2014), Doanh nghiệp vì nhà nông, Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2014, 2015 và nhiều giải thưởng uy tín khác.

      Bấy lâu nay, câu chuyện “giải cứu nông sản” luôn là đề tài được dư luận quan tâm, bởi nó liên quan đến sự sống còn của nông dân, sự phát triển của nông nghiệp. Đối với Hồ Xuân Hiếu, hơn 15 năm nay, anh luôn tìm giải pháp tối ưu nhất để không phải thực hiện việc “giải cứu” và thật sự anh đã thành công với nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con như: thực hiện việc thu mua sắn trực tiếp từ dân (không thông qua thương lái), tổ chức đội xe ô tô vận chuyển sắn với giá chỉ bằng 80% giá thị trường và cung ứng các mặt hàng thiết yếu như nếp, gạo, muối... đến tận nhà cho bà con với giá chỉ bằng 80% giá thị trường. Tổ chức thu mua từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, điều phối nhịp nhàng giữa công tác thu mua và lưu thông tiền tệ, đảm bảo thu mua hết sắn cho bà con (kể cả những lúc Nhà máy gặp khó khăn nhất). Thành lập CLB 100 triệu để tạo “sức bật” trong sản xuất của đồng bào dân tộc. Thu mua đến đâu trả tiền đến đó, không thiếu nợ. Hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi bà con gặp khó khăn, hoạn nạn như dự trữ mì tôm, nước uống để phòng chống bão lụt vào mùa mưa bão; bán hàng bình ổn giá vào dịp tết, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ kinh phí cho nhân dân xã Hướng Lộc làm lại đường giao thông do bị lũ cuốn, cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc ở bản 1 và 2 của xã Thuận (Hướng Hóa), tổ chức cứu trợ khi nhân dân gặp khó khăn, bắt điện cho người dân... Năm 2016 sắn rớt giá, Công ty đã quyết định giảm lợi nhuận tối đa để mua sắn với giá cao cho người trồng sắn. Quan điểm của anh rất thẳng thắn và rõ ràng: “Làm việc với nông dân là không được hứa dối, phải làm, giải thích mọi chuyện rõ ràng”.

 

Anh Hồ Xuân Hiếu tham quan mô hình trồng ngô tại Sơn La vào tháng 5/2017 
với mục tiêu nâng cao năng suất trồng từ 5 tấn/ha lên 7-8 tấn/ha,
đủ sức cạnh tranh với các loại ngô khác trên thị trường trong nước. - Ảnh TL

 

      Từ chỗ đói nghèo triền miên nay bà con đồng bào dân tộc đã có của ăn của để với thu nhập toàn vùng đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, số hộ đồng bào có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm không phải là ít… Với quan điểm “đặt lợi ích lên trên lợi nhuận”, từ năm 2009, anh đã tổ chức cho lãnh đạo các xã trong vùng nguyên liệu đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Đắc Lắc và Thái Lan, từ đó củng cố thêm niềm tin cho người dân về hiệu quả của việc trồng sắn, tạo nền tảng quan trọng trong công tác xóa nghèo bền vững cho vùng cao của tỉnh Quảng Trị. Chính từ thành công của cây sắn, anh đã và đang nhân rộng mô hình này vào các cây trồng khác như cây tiêu, cây ném, cây lạc, cây cao su trong toàn tỉnh Quảng Trị.

     Làm sao để nông dân có thể đạt được thu nhập cao nhất trên mảnh đất mình đang cày xới luôn là điều anh suy nghĩ, tìm tòi. Đối với sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất vẫn là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. “Bà con có sản phẩm nông sản nhưng chưa ai tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm nên giá cả bấp bênh, chất lượng không đảm bảo, thu hoạch, chế biến chưa chuẩn nên giá bán thấp. Vì vậy rất cần vai trò của doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị sản phẩm gia tăng cho nông sản, đảm bảo làm đúng ngay từ đầu, từ giống, canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiếp thị đến tiêu dùng… Như thế sản xuất mới bền vững được”. Khi bắt tay vào việc sản xuất hàng nông sản, anh luôn chú trọng đến việc tạo chuỗi giá trị gia tăng khép kín cho bà con.Ví dụ như đối với cây sắn, không bộ phận nào “bị bỏ sót” khi Công ty tận dụng toàn bộ vào sản xuất: lá sắn ủ chua cho bò, vỏ sắn làm phân vi sinh bón cho cây, củ sắn chế biến thành tinh bột. Đồng thời gắn liền vùng sản xuất với nhà máy chế biến nguyên liệu. Khi triển khai trồng sắn thì có nhà máy sắn ở Hướng Hoá, trồng cây cao su có Nhà máy chế biến cao su ở huyện Cam Lộ, cây gỗ rừng trồng có Nhà máy viên năng lượng ở xã Cam Hiếu, đối với cây hồ tiêu, cây gạo đỏ, cây chè vằng... có Xí nghiệp chế biến Nông sản ở thành phố Đông Hà, để hỗ trợ bà con trong chăn nuôi thì có Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Đông Hà.

       Đối với mô hình trồng sả ra đời từ ý tưởng giúp ngư dân chuyển đổi sinh kế khi xảy ra sự cố môi trường biển, Công ty cũng dự kiến đầu tư thêm dây chuyền chế biến sả cho Xí nghiệp chế biến nông sản Đông Hà để đảm bảo đầu ra và cây sả “được sử dụng hết” từ gốc đến ngọn với một loạt sản phẩm hấp dẫn như: “Sả tím nguyên cây”, “Sả tím cắt lát”, “Sả tím sấy khô”, “Bột sả tím”, “Tinh dầu sả”… Để có thể phát triển vùng sản xuất, mở mang ngoại thương là tầm nhìn chiến lược quan trọng. Hiện Tổng Công ty có quan hệ hợp tác gần 20 nước và vùng lãnh thổnhư Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu và các nước khu vực châu Á. Qua đó từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu của mình đến các đối tác quốc tế. Chuyên về xuất nhập khẩu hàng hoá, đóng vai trò lưu thông thị trường, mạng lưới phân phối trong nước, Tổng Công ty đã có mặt ở 42 tỉnh, thành trong cả nước.

     … Có thể thấy những trăn trở của anh trong các buổi nói chuyện, làm việc về việc tập trung xây dựng thương hiệu Quảng Trị qua hàng loạt các sản phẩm/ dịch vụ như: tiêu Quảng Trị, resort Cửa Việt, thương hiệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC... Hiện nay, Quảng Trị đa phần là chưa có thương hiệu mạnh. Điều này cũng là thực trạng chung của cả nước. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT), 90% nông sản của Việt Nam hiện vẫn xuất khẩu dưới dạng thô với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đáng chú ý, có đến hơn 80% nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác, buộc phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Con đường phía trước không ít khó khăn nhưng nó càng hun đúc hơn ý chí phấn đấu không mệt mỏi của Hồ Xuân Hiếu. Để nông nghiệp có thể lớn mạnh, người nông dân có thể giàu có trên mảnh đất mình đang cày xới, việc xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu mạnh “made in Quảng Trị” là con đường chiến lược lâu dài và việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm/dịch vụ còn là đưa “bóng”, gửi “hình”, là sự thể hiện diện mạo của quê hương Quảng Trị đang ngày đổi mới khi người tiêu dùng thế giới chạm tay đến.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ