Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Ngọn đèn 200 nến sáng mãi bầu trời Nam


Ngày cập nhật: 15/01/2017 00:00:00

Bài và ảnh: MINH TUẤN

      * Người trở lại...

      Một sớm ngày 7/2/1955, tại bến vàm sông Ông Đốc (nay thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), chuyến tàu cuối cùng kéo còi đưa cán bộ hoạt động tại miền Nam Việt Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Người ra đi đưa hai ngón tay thay cho lời hẹn ước hai năm sau sẽ quay trở về đoàn tụ trong niềm vui chiến thắng (hai ngón tay tượng trưng cho chữ V trong Victorie, tiếng Anh nghĩa là chiến thắng). Trong bối cảnh đó, có một người cũng lên tàu như bao người khác nhưng rồi bí mật bước xuống một con thuyền nhỏ và ngược dòng trở lại. Người cán bộ cao cấp ấy được Đảng và Bác Hồ chọn làm người ở lại để thực hiện một sứ mệnh lịch sử. Hơn ai hết, đồng chí ấy đã tiên đoán trước cục diện của cuộc chiến tranh và những sóng gió mà con tàu cách mạng Việt Nam phải đương đầu trong hành trình đến bến bờ thống nhất. Đồng chí Lê Duẩn - Người cán bộ đó đã ở lại miền Nam như thế.

 

Đường Lê Duẩn ở Cà Mau

 

      Các nhân chứng kể lại: “Từ khi rời cơ quan ở thị trấn Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ vừa vẫy tay chào tạm biệt đồng chí, đồng bào, vừa bước xuống ca nô Hoà Bình của X13 đậu chờ sẵn (X13 là xưởng 13 của Phân liên khu Tây Nam Bộ, được chọn để lại miền Nam). Một sĩ quan mang lon đại tá đại diện quân đội Liên hiệp Pháp tiễn chân các nhà lãnh đạo Việt Minh tận bến tàu. Hai bên bắt tay nhau lần cuối và viên đại tá nói mấy lời nhận lãnh khu tập kết, hứa sẽ tử tế với dân chúng và ngăn ngừa trả thù những người kháng chiến cũ. Canô Hoà Bình nổ máy lao nhanh về hướng vàm sông Ông Đốc. Ông Nguyễn Văn Hoành, nguyên Phó Cục trưởng cơ quan T78 thuộc Trung ương Đảng cho biết: “Anh Ba Duẩn từ thị trấn Cà Mau đến cửa sông Ông Đốc là một trong những bến tập kết lớn. Ca nô ghé lại một doanh trại được cất bằng lá, nơi có đồng bào và Uỷ hội Quốc tế đứng đón rất đông làm lễ tiễn đưa. Người ở, người đi đều mang tâm trạng buồn, có nhiều người bật khóc. Một lát sau, các anh lại tiếp tục hành trình đến tàu Ba Lan tên là Kilinxky đang đậu ngoài khơi. Đồng chí Lê Duẩn lên tàu, vào phòng nghỉ dành sẵn với một ít bánh trái và nước uống, một ống thuốc B1 chống say sóng và một bình hoa tươi nhiều màu. Các anh chị cùng chuyến tàu đến gặp và trò chuyện với đồng chí Ba Duẩn tại phòng này. Đúng 0 giờ, tàu hụ còi lần một báo sẽ nhổ neo, máy khởi động rần rần dưới sàn tàu. Đến giờ chia tay, đồng chí Ba Duẩn nói với đồng chí Lê Đức Thọ bằng giọng xúc động: “Cho tôi gởi lời thăm sức khoẻ đến Bác Hồ và các anh ở ngoài đó, hẹn có thể 20 năm nữa mới gặp lại nhau”. Lúc ấy bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng tình cờ đi ngang qua, đồng chí Lê Duẩn đến bắt tay, dặn: “Anh giữ bí mật cho tôi”. Một lát sau, anh Cao Đăng Chiếm và anh Văn Viên đưa tàu đò ra đón đồng chí Lê Duẩn vào đất liền. Các anh đã đưa đồng chí Lê Duẩn về huyện Thới Bình, tới rạch Bà Đặng thì trời bắt đầu sáng”. Chi tiết lịch sử này, chúng tôi tham khảo sách “Truyền thống Bưu điện Cà Mau” thấy có ghi: “Trong chuyến tàu cuối cùng, trên tàu Kilinxky, mọi người đều trông thấy đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí cao cấp khác. Nhưng tối hôm đó, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu bí mật cho người đưa đồng chí Lê Duẩn trở lại Cà Mau”. Còn câu nói mà đồng chí Lê Duẩn nhờ đồng chí Lê Đức Thọ chuyển đến Bác Hồ khi chia tay trên tàu Kilinxky, sách “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến” ghi: “Anh báo cáo với Bác và các anh ngoài đó tình hình cách mạng miền Nam rất phức tạp, việc chia cắt miền Nam có thể kéo dài 15, 20 năm, không thể giải quyết sớm hơn”. Và lịch sử Việt Nam đã minh chứng những nhận định thiên tài mang tính chiến lược đó của đồng chí Lê Duẩn, nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc.

      Tình hình lúc đó để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam Việt Nam, từ đầu tháng 9/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, thành lập Xứ uỷ Nam Bộ. Tháng 10/1954, tại Chắc Băng, Vĩnh Thuận,  Xứ uỷ Nam Bộ họp phiên đầu tiên và đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư. Việc đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam phải hết sức giữ bí mật. Theo anh Phan Văn Nhờ (Tư Mau) - Anh hùng lực lượng vũ trang, từng được chọn theo bảo vệ đồng chí Lê Duẩn thời điểm đó đã kể: “Ca nô của ta giả dạng tàu đò của dân đưa anh Ba Duẩn về tới rạch Bà Đặng thì trời hửng sáng. Anh Ba lên nhà anh Hai Võ trong ngọn rạch, phía sau nhà là vườn rậm tiếp nối rừng tràm và sậy. Tưởng chẳng ai nhận ra nào ngờ cháu bé con gái chủ nhà đã thấy anh Ba và chạy đến nắm tay kêu tên lên mừng rỡ: “Đây là chú Ba Duẩn, con thấy hình chú ngoài chợ”. Vậy tôi cùng anh Bông Văn Dĩa (Anh hùng lực lượng vũ trang) phải ngay lập tức thu xếp đưa anh Ba xuống xóm Rạch Gốc A, gần ngã ba Dinh Hạng, ở nhà bà Lâm Thị Anh (nay đã mất). Anh Ba hoá trang thành một cụ già lụm khụm đội khăn lụp sụp và hạn chế giao tiếp (sợ nói giọng Bắc sẽ bị lộ). Ở nhà bà Anh được mấy hôm thì lại có người nhận ra. Đó là anh Nguyễn Văn Vọng, em vợ của anh Bông Văn Dĩa qua nhà bà Anh thì gặp anh Ba. Anh Vọng nói: “Tôi và anh cùng ở chung Sam trong nhà tù Côn Đảo đây mà” (anh Vọng là chiến sĩ Nam Kỳ tham gia cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, bị Pháp bắt lưu đày ra Côn Đảo). Mặc dù anh Ba từ chối không quen nhưng đã gặp như vậy rồi thì buộc phải tiếp tục di chuyển. Chúng tôi đưa anh xuống bãi Khai Long, huyện Ngọc Hiển, ở nhà ông Ba Pháo (từng bạn tù của anh Ba tại Côn Đảo). Lúc này anh Ba lấy tên là “ông Chín” và để râu dài, mặc đồ bà ba đen. Thời gian đầu do không quen không khí biển nên anh Ba bị bệnh. Ông Ba Pháo và Năm Hắc Hổ phải đi tìm con dơi quạ, nấu với thuốc bắc trị chứng hen suyễn cho anh Ba”.

      Ở nhà ông Ba Pháo được vài tháng thì có lời đồn: “Cụ Hồ đã vào Cà Mau, đang ở nhà Ba Pháo”. Vì đồng chí Ba Duẩn để râu dài, mắt sáng lại nói giọng miền Bắc, đồng bào Khai Long ngờ Bác Hồ vào Nam nên mừng khôn xiết. Ngay sau đó, Liên Tỉnh uỷ phải đưa anh Ba về ấp Cái Cám, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, ở nhà má Nguyễn Thị Vẽ (má Vẽ là mẹ của các đồng chí Trần Hồng Sơn, Trần Thanh Yến, Trần Tứ Phương, sau này bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Tại đây, anh Ba nắm tình hình Mỹ-Diệm-Hoá (Nguyễn Lạc Hoá là tên giết người hàng loạt ở biệt khu Hải Yến-Bình Hưng, thuộc huyện Cái Nước) đang thực hiện mưu đồ tàn sát dân ta và phá hoại Hiệp định Giơnevơ.

      Tại nơi này, đồng chí Lê Duẩn mới tổng hợp lại, nghiên cứu soạn thảo bản “Đề cương cách mạng miền Nam” gửi cho Trung ương Cục và Bác Hồ để báo cáo, đồng thời gửi các Tỉnh uỷ miền Nam tham khảo. Theo tài liệu lịch sử, sau khi đồng chí Lê Duẩn tham khảo với các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư nhiều tỉnh thì cùng đồng chí Phạm Văn Đáng (Hai Văn) đi xe hơi lên Sài Gòn. Tại đây, đồng chí mới hoàn chỉnh bản dự thảo vào tháng 8/1956. Đây là một tác phẩm chính trị cực kỳ quan trọng, bao gồm phương châm và phương thức đấu tranh, tiền đề cho Nghị quyết 15, chỉ đạo cuộc nổi dậy đồng khởi ở miền Nam. 

      * Người anh nuôi của đồng chí Lê Duẩn là ai?

      Trong những tháng năm hoạt động, đồng chí Lê Duẩn được đùm bọc trong vòng tay che chở của nhân nhân, đồng chí, đồng đội. Trong những trang hồi ký đầy luyến tiếc hôm nay đã kể về mối tình đẹp lãng mạn cách mạng của đồng chí tại Nam Bộ. Ngoài những tình cảm đó, tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã nhận một người anh nuôi và coi như một người thân trong gia đình trong suốt cuộc đời. Đó là Năm Hắc Hổ, một trang hào kiệt đất phương Nam.

      Hắc Hổ tên thật là Tiết Văn Phát, hiện có nhiều thông tin khác nhau về nguồn gốc của ông. Nhưng tương truyền, ông sơ (ông vải) của Hắc Hổ tên Tiết Ơn là một trang hảo hán chạy loạn từ Trung Quốc, sau đó đến Rạch Gốc (nay thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) làm nơi dừng chân. Họ Tiết bắt đầu tồn tại ở đây nay đã đến đời thứ 8, chủ yếu làm nghề “hạ bạc” (nghề chài lưới, đóng đáy). Năm Hắc Hổ là một người nghĩa hiệp, giỏi võ nghệ và ham săn bắn. Sau khi gặp thầy giáo Phan Ngọc Hiển, ông được thầy cảm hoá giáo dục và giác ngộ cách mạng. Từ đó, Năm Hắc Hổ là học trò cưng của thầy giáo Phan. Ngày 13/12/1940, ông theo thầy Phan Ngọc Hiển dựng cờ khởi nghĩa tại Hòn Khoai. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, Năm Hắc Hổ gặp đồng chí Lê Duẩn.

      Những ngày tháng Năm Hắc Hổ ở trong tù cùng với đồng chí Lê Duẩn như thế nào thì cũng có những thông tin và cũng vài chi tiết dân gian thêu dệt thêm. Để tìm thông tin chính thống về “bữa tiệc vườn đào” giữa đồng chí Lê Duẩn và Năm Hắc Hổ, chúng tôi bắt đầu từ những vở tuồng, bản vọng cổ nói về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai năm xưa. Một chi tiết đặc biệt gây sự chú ý là những tác phẩm đó phần lớn do tác giả tên là Tiết Văn Dũng sáng tác. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp Tiết Văn Dũng tại một ngôi nhà khang trang dưới chân cầu Phụng Hiệp, thuộc phường 5, thành phố Cà Mau. Họ Tiết là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, tính tình rất cởi mở, nói giọng Nam Bộ đặc sệt. Sau mấy câu thăm dò nghiệp vụ, tôi suýt reo lên khi chủ nhà giới thiệu mình là “cháu cưng” gọi ông Năm Hắc Hổ bằng bác. Chúng tôi sà ngay vào những câu chuyện xung quanh bác Năm Hắc Hổ và đồng chí Lê Duẩn. Đến đây nguồn thông tin Năm Hắc Hổ là anh kết nghĩa của đồng chí Lê Duẩn được anh Dũng khẳng định hoàn toàn chính xác.

      Ngày 29/9/1978, khi vào thăm lại Cà Mau, người mà đồng chí Lê Duẩn đòi đưa đến thăm là “anh kết nghĩa Năm Hắc Hổ” (lời của bác Duẩn). Câu chuyện Tổng Bí thư Lê Duẩn đến tận nhà Năm Hắc Hổ và mời ông ra Hà Nội thăm thủ đô một chuyến được nhiều người chứng kiến. Thậm chí có chi tiết khi đồng chí đến nhà, Năm Hắc Hổ thét người nhà mần thịt con lợn duy nhất để đãi thằng em kết nghĩa. Đồng chí Lê Duẩn không đồng ý thì Năm Hắc Hổ giận nói: “Mày xuống nhà tao chơi, tao mừng dữ lắm. Mày phải ở lại chơi với tao đêm nay”. Chi tiết Năm Hắc Hổ gọi Tổng Bí thư Lê Duẩn là “mày, tao” là có thật. Việc đồng chí nhận người anh kết nghĩa này cũng là một câu chuyện dài ở tù Côn Đảo. Anh Tiết Văn Dũng cho biết nhiều lần nghe bác Năm Hắc Hổ kể cho đám con cháu nghe chuyện về đồng chí Lê Duẩn hồi ở trong tù. “Thiệt tao là anh của nó (bác Duẩn) nhưng tao kết cái vì nó nói gì cũng thiệt bụng, cũng trúng. Hồi đó nó là tù chính trị nên hiếm khi được ra ngoài, ăn uống kham khổ nên phát bịnh. Tao là tù tự giác nên phần lớn thời gian bị bọn chúa ngục bắt đi lao động ngoài. Vậy là tao tranh thủ bắt cua, bắt ốc, hái rau bí mật đem về hối lộ bọn lính coi ngục tuồn vào cho nó bồi dưỡng. Lắm bận bọn cai ngục kêu nó là cứng đầu dùng gậy đánh túi bụi, thân nó ốm nhách sợ nó chịu không nổi tao chồm lên lãnh đòn che cho nó. Một bữa nó kêu tao lại nói coi tau như một người anh và nhận nó mần em…”. Việc kết nghĩa ở trong tù của đồng chí Lê Duẩn và Năm Hắc Hổ cũng xuất phát từ tình cảm sâu nặng mà Năm Hắc Hổ dành cho đồng chí. Sau khi đồng chí Lê Duẩn bí mật quay trở lại miền Nam đến ở bãi Khai Long, huyện Ngọc Hiển thì bị bệnh hen suyễn rất nặng. Năm Hắc Hổ cơm nắm lên rừng mươi ngày bắt sống bằng được con dơi quạ đem về hầm thuốc bắc để đồng chí chữa khỏi bệnh.

      Để giải thích cho biệt danh Năm Hắc Hổ, chúng tôi tiếp tục lên đường về Cần Thơ tìm gặp nhà thơ Nguyễn Bá (người từng có nhiều kỷ niệm gắn bó với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở khu rừng Trái Học năm 1972. Khi đó, đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư Khu uỷ, Chính uỷ Quân khu 9, còn nhà thơ Nguyễn Bá là cán bộ phụ trách Tạp chí Sông Hậu), nghe kể lại câu chuyện về biệt danh Hắc Hổ rất hấp dẫn: “Rạch Gốc xưa kia rừng dầy đặc. Một bữa, có hai vợ chồng nọ đi bán hàng bông đến tận xứ này. Anh chồng mới lên bờ kiếm củi chẳng may quên mất đường về. Mấy ngày trời lang thang trong chốn rừng sâu. Lớp thì bị dây leo, gai, cây cào xể mặt mày, lớp thì đói khát nên nhìn không còn hình dạng là người nữa. Con cá sấu đào hang ấp trứng trong rừng, anh chàng ngỡ là mồ ai mới chôn nên nằm đại vào đó với hy vọng khi người ta mở cửa mả sẽ cứu mình. Chờ mãi không thấy chồng quay trở lại, bà vợ khóc lóc thảm thiết và đến nhà Năm Hắc Hổ quỳ lạy nhờ tìm giúp. Chẳng chút chần chừ, Năm Hắc Hổ cầm cây mác băng vào rừng và chỉ một ngày sau thấy chú quay trở về nách kẹp anh chồng rách rưới thoi thóp thở. Năm Hắc Hổ đã giành mạng sống của người lái buôn trước miệng con cá sấu khổng lồ. Nhìn chú lúc đó giống như một con cọp đen đang cắp con mồi. Và cái tên Hắc Hổ được nhiều người kêu từ đó”.

      Năm 1954, nhà thơ Nguyễn Bá từng có dịp hoạt động chung với đồng chí Lê Duẩn ở vàm Khâu Bè, đầm Thị Tường, huyện Cái Nước, khi đó, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, cho biết: “Khi tiếp xúc anh Ba, cán bộ trung, cao cấp đều phục tài nói chuyện. Anh Ba nói chuyện điềm tĩnh nhưng rất thu hút. GS.TS Hoàng Xuân Nhị nói rằng, ở Nam Bộ ta không ai nói chuyện có sức thu hút bằng anh Ba. Tôi là giáo sư, tiến sĩ mà tôi còn phải ghi lại để học”.

      Đồng chí Lê Duẩn đã từng sống và hoạt động tại Cà Mau trong một thời gian dài. Những chỉ đạo mang tầm chiến lược cho cho đường lối cách mạng miền Nam cũng xuất phát từ nơi này. Sau này, đồng chí Trường Chinh đã viết điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn có đoạn: “Có những năm tháng đồng chí Lê Duẩn đã sống trong tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí trên mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc để chỉ đạo công cuộc cách mạng ở miền Nam. Từ những năm 30 cho đến khi qua đời, đồng chí là một người lãnh tụ quan trọng của Đảng”.

      Thật kỳ lạ đến hi hữu khi câu chuyện tại bến vàm Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nơi người anh hùng dân tộc Lê Duẩn trở lại để viết lên trang mới về đường lối chiến lược quan trọng của cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc thống nhất nước nhà, thì ở quê hương thôn Hậu Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Kham, ở phường 3, thị xã Quảng Trị, nguyên Chủ tịch UBND huyện Triệu Hải, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng kể lại chuyện về “Ông Đốc Quảng Trị” như sau: “Năm 1977, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê hương. Đêm ấy tại nhà bác ở thôn Hậu Kiên, bà con đến thăm rất đông vui. Bác Lê Duẩn vừa xem ông Điệt, người dân trong thôn hát bội, các cháu học sinh hát mừng ca ngợi quê hương. Bác vui mừng tâm sự: “Làng Hậu Kiên tuy ít người nhưng thương yêu nhau lắm. Có một tréc (nồi) canh ngọt cũng mời nhau. Vui lắm, thương yêu nhau lắm. Tôi còn sống ngày hôm nay là nhờ ông Đốc, làm nghề chèo thuyền trong làng cứu thoát khỏi chết đuối lúc mươi tuổi. Bác kể rồi quay sang ông Đốc hỏi: “Bữa ni ông có chèo thuyền nữa không?”. Ông Đốc trả lời: “Không! Già yếu rồi, không cầm được chèo nên để cho con chèo”. Thế là hai người ôm nhau cười ngả nghiêng”.

      Hình ảnh đồng chí Lê Duẩn được vàm Ông Đốc che dấu hoạt động cách mạng, Năm Hắc Hổ ở Cà Mau gồng lưng che đòn thù ở nhà tù Côn Đảo, ông Đốc ở Quảng Trị lao xuống nước cứu thoát chết nói lên tấm lòng hàng triệu người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh thân mình chở che, nuôi dưỡng những người cộng sản trung kiên, người con của dân tộc. Nhân dân là nước mạnh nâng con thuyền cách mạng vững lái vượt qua bao ghềnh thác hiểm nguy đến bến thắng lợi cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví “dân là nước” cũng vì lẽ đó.

     Tại Cà Mau hôm nay, tuy phố phường đã có nhiều đổi thay theo nhịp độ phát triển mang tầm vóc một thành phố cực Nam của Tổ quốc, nhưng những gì thuộc về lịch sử vẫn được bảo tồn và trân trọng. Bến vàm Ông Đốc nơi diễn ra cuộc tập kết nay được huyện Trần Văn Thời xây dựng những công trình tầm cỡ. Tuyến đường quan trọng của thành phố Cà Mau vinh dự được mang tên đồng chí Lê Duẩn, một nghĩa cử mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau tri ân người con quê hương Quảng Trị, người anh hùng của cả dân tộc. Đến hôm nay, hình ảnh anh Ba Duẩn, hay ông Chín, ông Mười (bí danh) được nhân dân miền Nam lưu truyền ngàn đời qua các câu chuyện kể cho con cháu, qua những vở tuồng, bản vọng cổ hoành tráng... như một Lục Vân Tiên thuở nào.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ