Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Chuyện của Nữ hoàng mắm hay là khi chiếc thuyền nan vươn ra biển lớn


Ngày cập nhật: 25/02/2016 00:00:00

      Thật dễ mà lại thật khó để bắt đầu câu chuyện về Đào Thị Hằng - người tự xưng mình là Hằng mắm ruốc. Chỉ cần gõ vào Google cái tên “Đào Thị Hằng” trong 0,36 giây cho ra 915.000 kết quả và với cái tên “Đào Thị Hằng mắm ruốc” cho ra 5.970 kết quả trong vòng 0,44 giây tìm kiếm. Trong vòng mấy chục giây ngắn ngủi ấy thôi cũng đủ để mỗi người có một góc nhìn riêng về cô gái sinh năm 1985 được truyền thông trong và ngoài nước nhắc đến nhiều này.

 

Đào Thị Hằng (giữa), người từng được “Tiếp sức đến trường” năm 2004 đã tham gia “Tiếp sức đến trường” 
cho các tân sinh viên Quảng Trị năm 2013 - Ảnh: QUỐC NAM

 

      Mỗi ngày mở báo mạng ra thấy người ta tụng ca nhau bằng bao nhiêu danh hiệu nữ hoàng: Nữ hoàng biển, nữ hoàng bikini, nữ hoàng điền kinh, nữ hoàng trang sức hoặc ngọt ngào ví von “nữ hoàng của lòng anh”, mấy ai dành cho mình danh hiệu đầy chất nông dân, chân chất là “Nữ hoàng mắm”. Ngai vàng của nữ hoàng này được làm nên bằng chất liệu gì và cung điện lộng lẫy ở chốn nào? Liệu có cái gì bất ổn trong danh xưng như thế? Những câu hỏi ấy cứ gieo trong lòng tôi từ lần đầu tiên tiếp xúc thông tin về Đào Thị Hằng trên báo chí và đó cũng chính là lý do tôi dõi theo hành trình của Hằng suốt mấy năm qua.

      Điều đầu tiên dễ thấy là trên blog hay Facebook của Hằng ít khi thiếu vắng hình ảnh của mắm. Khi thì thấy cô gái trẻ với mái tóc ngắn cũn, gương mặt tròn ủm hay cười trúc nghiêng trúc ngã ăn say sưa, ngon lành món bún con chấm mắm như thể đang thưởng thức cao lương mỹ vị; lúc thấy ở Youtube đang bày cách đưa nước mắm, ruốc “chui lọt” qua sân bay để đem đi nước ngoài. Lúc nọ lại thấy nàng ở Thái Lan với chai nước mắm Thuyền Nan trên tay nói tiếng Anh như gió, phong thái tự tin, cuốn hút như một chính khách kể về quá trình khởi nghiệp với đông đảo đại biểu đến từ nhiều lục địa; lúc lại thấy nàng mang ủng, xỏ găng tay khiêng từng bao cà về làm dưa cà dưa mắm như một nông dân chính hiệu. Lúc lại thấy nàng tổ chức ngày hội mắm và bày cách pha món ruốc với chanh ớt và đường, đánh cho bông lên rồi cắt xoài với dưa leo ra mời bà con ăn chơi như thể mình là vua đầu bếp; có khi thấy trên diễn đàn nàng bàn về nét đặc trưng của các loại mắm, ruốc như một chuyên gia hàng đầu.

      Hằng bảo rằng miềng yêu mắm như yêu những ngày khốn khó của tuổi thơ nhọc nhằn trên mảnh đất Quảng Trị. Hồi đó nước ruốc chắm rau luộc, nước ruốc chan cơm, ruốc hấp, ruốc kho, nước ruốc là thường trực. Thỉnh thoảng mạ đi chợ Hôm bán cái chi mới mua ít cá thịt hoặc lâu lâu được điểm thêm ít thịt gà nuôi ở nhà. “Thói quen của miềng hồi nhỏ là mỗi lần dọn ăn chạy lên nhà trước để ngồi soi mặt vào soong nước ruốc như soi gương rồi cười khề khề, nước trong veo vẻo. Cơm chan nước ruốc mà miềng ăn dữ lắm, bữa mô cũng ngồi chan nước ruốc vào soong để cạo cháy rộc rộc, roạc roạc”. Nhiều bữa đạp xe 7 km từ trường về gió với mưa xô đẩy cho tơi tả, đói rã rời vì buổi sáng không kịp ăn cơm, mệt đến mức không còn chút sức mô để nhấc chiếc xe đạp lên thềm nhà. Trong bếp mạ đang kho mắm, mùi xực thẳng vô mũi. Cái mùi thơm khó tả của “con nhà khó” ấy thành động lực để Hằng lấy hết sức nhấc xe vô nhà, chạy ngay xuống bếp, lấy cục cơm nguội quẹt với mắm mạ đang kho trên bếp. Cái hương vị ấy đeo đuổi đến mức Hằng thốt lên rằng: “Trời ơi là trời, ngon chi lạ chi lùng! Sau ni lớn lên, đi nhiều, được ăn rất nhiều món ngon, lạ nhưng miềng không thể quên cục cơm nguội quẹt mắm hồi đó. Mắm nuôi 6 chị em khôn lớn nên thương mắm lắm”.

      Mắm đối với Hằng là mắm tình, mắm nghĩa. Mỗi khi nghĩ về mắm, Hằng lại biết ơn nơi sinh ra mình, biết ơn dòng nước sông Thạch Hãn, biết ơn người nông dân dù đất đai cằn cỗi lắm thiên tai vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời để làm ra hạt lúa, hạt gạo, mớ rau cho mình ăn hàng ngày, để mình khôn lớn và trưởng thành. Những đứa con được mắm quê hương nuôi lớn từ những làng quê nghèo khó không phải là hiếm ở dải đất miền Trung quá đỗi nhọc nhằn này. Cũng có người khi trưởng thành muốn rũ sạch, quay lưng lại thời khó khăn, vất vả như những vết hằn trong tâm trí. Cũng có người xem là kỷ niệm đẹp nhưng không nên quay lại gặp ngày xưa đói khổ ấy và xem chuyện thoát ra khỏi “món dưa mắm dưa cà” là động lực để phấn đấu đến những chân trời tươi đẹp hơn với những cao lương mỹ vị hơn. Còn riêng Hằng chọn cách thể hiện tình cảm biết ơn làng quê bằng cách vinh danh nó. Đó là cho nó một đôi cánh để được tung bay trên bầu trời rộng lớn, để nhiều người hiểu và cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp tinh tế, thuần khiết trong món ngon đầy chất Việt Nam.

      Chọn mắm để khởi nghiệp có thể ví như một cô gái thôn dã quyết định chọn chọn con đường để lên ngôi nữ hoàng bằng trí tuệ chứ không phải bằng con đường dùng nhan sắc để kết hôn với một vị vua. Thời điểm đó, Hằng không có chút kiến thức về kinh doanh, makerting… mà chỉ có đầy ắp trong tim một tình yêu không bờ bến dành cho quê hương và mắm. Điều đó cũng dễ hiểu vì chuyên ngành đại học của Hằng là nông học và sau đó là học về phát triển bền vững trong chương trình cao học tại Úc.

      Hằng đã dành 5 tháng để đi dọc bờ biển miền Trung, học cách làm các loại mắm từ những mệ, những dì làm mắm ngon lâu nay. Cô đau đáu khi nhận ra rằng, nước mình có trên 60 loại mắm, nhưng một nửa số đó đã thất truyền vì con cháu đi học, đi làm, không muốn nối nghiệp. Những câu hỏi cứ ám ảnh trong cô như chờ lời giải đáp:Tại sao nước ta có lịch sử làm mắm cả ngàn năm nhưng những kinh nghiệm đó không được tiếp nối.Những loại mắm người tiêu dùng đang sử dụng thực chất không phải là… mắm. Thậm chí trên đất nước của mắm, người Việt Nam lại sử dụng mắm mang nhãn hiệu nước ngoài. Càng học hỏi kinh nghiệm làm mắm cũng như văn hóa mắm của mỗi vùng miền, Hằng càng phát hiện ra rất nhiều điều kỳ thú về mắm và cả những thực trạng bất cập của ngành mắm Việt Nam và thế giới.

      Đối với doanh nghiệp, kinh doanh có lợi nhuận đã khó, phát triển bền vững gắn liền với thương hiệu sản phẩm là công việc càng khó khăn hơn. Từ lâu Quảng Trị có rất nhiều loại nước mắm nổi tiếng được nhiều người yêu thích nhưng để xây dựng thành một thương hiệu lại chưa từng có. Hằng phải lao vào tìm hiểu và làm quen với các công việc như đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ… , rồi quảng bá cho thương hiệu để nhiều người biết đến. Thông thường, việc làm này có cả một ê kíp rất hùng hậu để thực hiện. Vậy mà nhiều khi một công ty, một địa phương mất rất nhiều năm để xây dựng vẫn chưa thành công. Thực tế đó có thể nhìn thấy vào chính các thương hiệu nông sản của Quảng Trị đếm chưa hết đầu ngón tay.

      Vậy mà chỉ sau hơn 2 năm xây dựng, hiện nay khách hàng của mắm Thuyền Nan gần như có mặt trên cả nước. Nhìn biểu tượng con thuyền nan nhỏ bé là khách hàng biết đến từ đâu và chất lượng như thế nào. Đào Xuân Vinh, cậu em trai tháp tùng cùng chị khắp nơi trong những ngày đầu học hỏi kinh nghiệm làm mắm giờ trở thành người quản lý. Vinh cho biết, hiện nay mắm Thuyền Nan chủ yếu thực hiện việc mua, bán online. Không chỉ xây dựng thành một hệ thống, có website về mắm, đến nay mắm Thuyền Nan có mặt trong nhiều siêu thị, vào các cửa hàng sạch trong cả nước. Bất cứ khi nào khách hàng cần tư vấn qua điện thoại hoặc email về các loại mắm đều được giải đáp.

      Và mỗi khi nhìn thấy chai nước mắm Thuyền Nan, người ta lại nhớ đến Đào Thị Hằng, nhớ đến cô gái Quảng Trị đầy ý chí vươn lên. Cũng là dễ hiểu khi năm 2013, Hằng được chọn là tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị với tư cách là chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thuyền Nan. Nhiều công ty lớn, trường đại học, tổ chức nước ngoài đã mời Hằng đến diễn thuyết và học hỏi về phương pháp marketing cũng như cách thức xây dựng thương hiệu rất hiệu quả. Thật ra, cách thức xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu có thể kiếm được dễ dàng trong các giáo trình bằng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Đây cũng không phải là ngành học mới mẻ. Thế nhưng vì sao nhiều người thất bại còn Hằng lại thành công trong quãng thời gian tương đối là ngắn? Nhiều người cho rằng bởi vì Hằng được truyền thông ủng hộ mạnh mẽ một cách… miễn phí. Từ báo Tuổi Trẻ đến VTV, rồi nhiều báo, đài khác… đâu đâu cũng thấy dày đặc hình ảnh về một cô gái tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ở Úc từ bỏ việc học tiến sĩ ở nước ngoài về quê nghèo để đi bán cà, bán mắm. Hai hình ảnh quá đối lập nhau khiến người ta bị sốc và ghi nhớ sâu. Thế nhưng với tôi, có thể lý giải rằng, trước khi xây dựng thương hiệu mắm Thuyền Nan, Hằng đã xây dựng nên một thương hiệu “Đào Thị Hằng - người con đất Quảng Trị”. Hình ảnh của Hằng luôn gắn với chất giọng rặt Quảng Trị, rất trí tuệ, trung thực, chân tình, khoáng đạt và mạnh mẽ. Khi nhìn vào hình ảnh Hằng khiêng từng bao cà to đùng, cách Hằng ủ mắm rồi nói về mắm rất khoa học mà cũng rất dân dã, người ta nhận thấy cả một tình yêu sâu đậm và thiết tha. Với tình yêu đó, một cách sống, cách làm việc nghiêm túc như thế, khách hàng tin tưởng rằng mình được cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Thế nên sau chai nước mắm thứ nhất, sau mấy lạng dưa cà đầu tiên, người này rỉ tai người khác và trở thành khách hàng thân thiết, trở thành người quảng bá cho mắm Thuyền Nan vươn xa.

      Người ta nói, thế hệ 8X sung sướng vì được hưởng rất nhiều điều kiện thuận lợi khi chiến tranh kết thúc. Thế nhưng thực tế thì đối với một thế hệ chuyển tiếp giữa những câu chuyện về khắc phục hậu quả chiến tranh còn đang bỏng rát và những khát vọng vươn ra xa để hiểu biết thế giới rộng lớn của cha, chú và cả bản thân mình ám ảnh trong từng giấc mơ đòi hỏi nhiều nghị lực, thậm chí trong nhiều trường hợp phải dùng từ “phi thường”. Hằng bộc bạch một cách rất hài hước về bản thân mình trên blog mang tên daothihang.com: “Con  sinh ra lớn lên ở Quảng Trị, uống nước sông Thạch Hãn từ lúc sinh ra. Ba mạ con làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn luôn. Mùa hè ba mạ làm được nhiều tôm cá lắm. Mỗi sáng ngủ dậy, ba đổ tôm cá cái xòa ra thuyền, tôm cá nhảy lóc bóc đã lắm. Nhưng bữa nay thì nước trong veo, không có tôm cá nhiều như trước nữa vì người ta khai thác cát dữ quá. Nghĩ lại tiếc thiệt. Bao giờ cho đến ngày xưa. Học xong cấp 3, con nhắm sẽ làm nghề cắt tóc gội đầu hoặc theo mạ đi bán tôm cá, vì trong nhà hồi đó chưa có khi nào dư 500.000 đồng, là mức sinh hoạt phí tối thiểu khi học đại học rồi đó. Con lại là chị đầu, phải để cho mấy đứa em học nữa”. Rồi Hằng cũng thi rớt đại học trong chính bối cảnh đó như một điều tất nhiên. Cô làm lò gạch gần nhà với quyết tâm tích lũy tiền để đóng học phí học… nghề cắt tóc gội đầu. Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè, rát bỏng trong gió Lào, mệt lử trong mớ gạch đang ôm, những câu hỏi cứ vang lên như chất vấn: “Đây có phải là cuộc đời? Đây có phải là tương lai của mi không?”. Từ sâu thẳm, câu trả lời cũng bật lên một cách mạnh mẽ: “Không! Đây không phải là tương lai của một cô gái Quảng Trị. Đây không phải tương lai của một người chị cả của 5 đứa em”. Và có lẽ, câu trả lời đó là câu trả lời duy nhất cho Hằng mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại.

      Một cách dứt khoát, Hằng nghỉ ngang, không nhận tiền công, theo đò qua làng ngoại ở Triệu Long, nói với mệ ngoại và dì với ánh mắt lấp lánh: “Con muốn đi học”. Câu chuyện một năm sau đó của Hằng nhiều người đã biết đến khi cô đỗ thủ khoa vào Đại học Nông lâm Huế và nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.

***

      Hẹn nhiều lần mà vẫn chưa thể gặp Hằng ở Đông Hà do thời gian này Hằng đã vào làm việc ở Bình Dương với nhiều dự án mới. Nhưng tôi vẫn may mắn vì có thể gặp Vinh, người em trai gắn bó thân thiết. Học đến lớp 8, Vinh bị thoát vị đĩa đệm phải nghỉ học 1 năm. Một năm đó đối với Vinh giống như trở về từ số 0. Từ một người hay chạy nhảy, ít đọc sách, khá nghịch ngợm, Vinh phải tập đi lại từ đầu. “Dường như chính lúc đó em mới tái sinh khi thực sự cùng học, cùng đọc sách, cùng chơi với chị Hằng” - Vinh cười hiền đầy vẻ minh triết so với tuổi 24 của em.

      Vinh tiếp tôi trong phòng khách nhỏ xíu, nằm cạnh Quốc lộ 1A, thị trấn Ái Tử. Vừa quan sát, tôi vừa nhớ lại những dòng Hằng đã viết về căn nhà của mình: “Bão đến rồi, nhà miềng cấp 4 xây từ năm 1990, nhưng đã trụ qua mấy chục cơn bão. Mỗi lần bão qua, bay mất mấy tấm bờ rô, bể tan tác. Tan bão, ba miềng lại ghép tấm bờ rô bị vỡ lên mái chuồng heo, chuồng gà, rồi mua mấy tấm mới lợp vào, có khi được ủy ban cho bờ rô, thêm mấy chục cân gạo cứu trợ bão lụt. Miềng luôn là đứa đi nhận hàng cứu trợ của gia đình vì to trốc nhất nhà. Mỗi lần gió rít, bão quay điên cuồng là miềng tính, nếu có bay mái nhà, miềng sẽ chui xuống gầm giường. À không, giường sẽ bị sập. Thôi chui xuống gầm bàn đi. Mà không, bàn cũng bị sập. Thôi chui xuống dưới gầm bếp đi. Cũng không an toàn, thôi ráng học đi kiếm tiền rồi về xây cho ba mạ cái nhà đổ bằng cho bão khỏi làm chi được”.

      Đây vẫn là căn nhà cũ đó, có chăng được đổ mái bằng khang trang hơn chút xíu để ba mạ không phải lo lắng khi mưa bão đến. Bởi lẽ khi có tiền nhiều hơn một chút, Hằng lại để dành tặng các suất học bổng “Tiếp sức đến trường”, dành nhiều công việc có ý nghĩa cho cộng đồng. “Miềng đang tưởng tượng trong một chiều mưa, một bạn học trò nghèo nào đó ở vùng quê Quảng Trị, trong góc bếp, biết đậu đại học mà không có tiền để nhập học. Nếu bạn ấy biết mình sẽ được tiếp sức đến trường, chắc bạn ấy vui dữ lắm, giống như miềng, chín năm trước, miềng đứng giữa đường Trần Hưng Đạo của thị xã Quảng Trị mà nhảy tưng tưng, giật giật cái khăn bịt mặt vậy. Cảm giác nớ theo miềng suốt cả cuộc đời”.

      Vinh cười bảo, chị Hằng là rứa. Khi vui chị có thể nhảy tưng tưng, suốt ngày cười trúc nghiêng trúc ngả. Chị sống rất tình cảm nhưng cực kỳ mạnh mẽ trong công việc. Vinh cho biết thêm, sau khi mắm Thuyền Nan đi vào hoạt động ổn định, Hằng tổ chức ra các lớp học tiếng Anh với tên gọi không giống ai: Líu lưỡi - Vỡ lòng - Đi buôn - Bán thân. Ấp ủ từ quá trình 18 năm học tiếng Anh, luyện IELTS, đi du học, săn học bổng, được trải nghiệm trong môi trường nói tiếng Anh đã giúp Hằng nhận biết rõ một người mất căn bản tiếng Anh nên bắt đầu từ đâu, học như thế nào và tại sao lại học như vậy, cũng như việc tìm kiếm thông tin, khai hồ sơ và nộp hồ sơ thuận lợi để có thể săn học bổng. Chính từ tâm huyết này đã hình thành nên những lớp tiếng Anh rất đặc biệt theo phương pháp riêng mà Hằng đã nghiên cứu được. Bởi hơn ai hết, Hằng nhận ra những lợi ích của việc giỏi tiếng Anh mang lại cho bản thân mình về mặt tiền bạc và học hành - những cái nhìn thấy được. Và cả những lợi ích không nhìn thấy được là sự trưởng thành trong nhận thức, trong suy nghĩ do việc đọc, nghe, hiểu và tư duy độc lập do tiếng Anh mang lại khi được kết nối với thế giới rộng lớn ngoài kia.

      Tất nhiên khi quyết định chọn Bình Dương để lập nghiệp, hai chị em cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng niềm tin vào những hiểu biết, tấm lòng và tâm huyết của mình luôn giúp Hằng phát triển được từ những điều người khác ngỡ là không tưởng. Bên cạnh việc giới thiệu trên mạng, 2 chị em tích cực cầm tờ rơi, đứng ở các ngã tư đường phát cho người qua lại. “Chị Hằng đứng chảng cẳng giữa hai làn xe máy, xe đi ngang chĩa tờ rơi ra đều đặn. Một số người từ chối, nhưng không sao, chị nói, chị em miềng bị từ chối quen rồi. Việc từ chối càng củng cố thêm tinh thần cho miềng…. chiến tiếp”. Đến bây giờ thì các khóa đều khai giảng hàng chục lớp. Bằng tình yêu và sự hiểu biết của mình về ngôn ngữ thứ 2 này, Hằng đã gieo niềm yêu thích, sự tự tin để “kết thân” với ngôn ngữ mới, mở rộng tầm hiểu biết. Các bạn trẻ muốn “săn học bổng” tham gia học khá nhiều, lớp học còn thu hút ở nhiều đối tượng khác nhau. Thậm chí có nhiều người ở tuổi 60 cũng tham gia khóa học. Sau này, Hằng còn mở thêm lớp xóa mù, lớp học tiếng Anh online, lớp tiếng Anh dành cho trẻ em. Nhiều khóa học online không chỉ dành cho các đối tượng bận rộn mà cả những phụ nữ trẻ, bận bịu việc chăm con nhỏ vẫn có thể phát triển ngôn ngữ thứ 2, mở rộng hiểu biết, cũng như cơ hội của mình ra các biên giới khác.

     …Trưa hôm ấy, trên đường chạy xe từ thị trấn Ái Tử về thành phố Đông Hà, tôi cứ miên man bao nhiêu suy nghĩ. Bán mắm hay “bán thân” theo cách nói của Hằng - cả 2 công việc này có sự khởi từ tình yêu thương, muốn giúp đỡ người khác. Ví dụ như công việc bán mắm, ở thời điểm năm 2013, Hằng là người đi tiên phong trong một dự án doanh nghiệp xã hội nhằm bảo tồn và phát triển sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, đồng thời qua dự án này, cung cấp cơ hội việc làm cho các bà mẹ đơn thân ở vùng quê nghèo Quảng Trị.

      Vinh kể rằng bắt đầu từ chuyện của dì Rỏ mà Hằng càng quyết tâm phải xây dựng mắm Thuyền Nan cho thật tốt để có thể bán hết mắm cho dì và những người phụ nữ khó khăn như dì. Dì Rỏ làm nghề lọc với bán nước mắm từ lúc 14 tuổi. Dì có một người em gái là Ràng sống nhờ nguồn sữa dì đi xin được từ những người xung quanh (trong miền Nam gọi là đi bú thép). Trên 40 năm làm công việc này nên dì có tay lọc nước mắm rất ngon và uy tín. Không có chồng nhưng dì có 2 con trai, trong đó có một người bị điên phải xích trong nhà. Nhà chỉ có 1 cái giường. Người đầu 22 tuổi, bị điên và bị trói chân trong nhà. Em hay la hét om sòm, ai đến nhà cũng xin 10 ngàn mua thuốc hút. Đứa thứ hai đang học lớp 10. Lúc con vào lớp 10, dì phải chắt bóp, tằn tiện lắm mua được một chiếc xe đạp đi học. Chiếc xe này cũng là phương tiện của hai mẹ con. Buổi sáng dì đi bán nước mắm khắp xã, trưa về đói run tay run chân, người ta mời ở lại ăn cơm nhưng cũng phải bấm bụng từ chối, để đạp xe về cho con kịp đi học…. “Rứa đó, vùng đất cát ven biển của Triệu Phong với Hải Lăng cát trắng tinh, tuyệt nhiên không có chút mùn, mùa đông thì ngập úng mà mùa hè thì giống như đang ở trên sa mạc. Nhưng nghị lực sống của người dân nơi đây thì quá tuyệt vời”.

***

      Từ cách nghĩ, cách làm và cách sống của Hằng đã tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều người. Trong đó, sức ảnh hưởng lớn nhất đến các em trong gia đình. Em gái của Hằng là Đào Thị Hải đang là giáo viên tiếng Anh, chuyên kèm luyện phát âm ở Huế. Đến nay, Hải đã giúp hơn 300 bạn sinh viên, giảng viên Đại học Kinh tế, Nông lâm và Y khoa Huế có được vốn phát âm chuẩn, khơi gợi cho các bạn niềm đam mê tự học tiếng Anh. Em Đào Xuân Vinh, sau khi tốt nghiệp cấp 3 Trường Trung học Phổ thông thị xã Quảng Trị thi đỗ vào Đại học Kinh tế Huế, ngành quản trị kinh doanh. Thế nhưng Vinh không nhập học mà xin tiền chị vào Đà Nẵng học tiếng Anh một năm. Sau thi IELTS xong, về phát triển kinh doanh mắm Thuyền Nan cùng chị và bây giờ gần như được Hằng tin tưởng giao cho phụ trách chính. Khi có nền tảng tiếng Anh tốt, Vinh tự học, đọc sách tiếng Anh.Em Đào Xuân Lộc là học sinh chuyên hóa của Đại học Khoa học Huế. Năm 2014, em thi đậu vào Khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 27. Thế nhưng Lộc cũng không nhập học mà em về học tiếng Anh, tập trung để thi IELTS và “săn” học bổng sang Úc học.

      Hoặc như bạnNa, xuất phát từ việc thấy bố mẹ trồng và chăm sóc cam cực khổ quanh năm, đến mùa bán không được phải đổ cả xe, Na xót! Từ câu chuyện của Hằng, Na quyết tâm nghỉ làm công việc truyền thông ở Công ty Honda Vietnam về bán mắm và phát triển thương hiệu Cam Vinh ở Quỳ Hợp quê Na. Hiện Cam Vinh có gần 30 cửa hàng trong cả nước.

     Và tôi, tác giả của bài viết này cũng được truyền cảm hứng lớn lao qua việc theo dõi những bước đi của Hằng. Trước đây tôi chưa từng viết truyện ngắn nào dài quá 6 trang, cũng như trong đời từng nghĩ rằng mình sẽ không đủ sức để viết một truyện dài. Tôi từng tham dự Văn học tuổi 20 (do NXB Trẻ phối hợp với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Tuổi Trẻ 4 năm tổ chức 1 lần) lần III. Lần đó chỉ có 2 truyện được in sách. Sang lần IV, cũng chỉ quyết tâm viết được 7 trang và dừng lại. Và lần V, những câu chuyện theo dõi về Hằng để tạo niềm hứng khởi lớn lao bắt tay vào viết “Lý hàng khơi”. Nhân vật chính của tôi cũng là một cô gái miền biển. Cũng với ước mơ bán mắm và được du học nước ngoài. Đôi khi những công việc bên ngoài khiến tôi cảm thấy mệt nhoài và dừng lại chọn an nhàn, thinh lặng. Nhưng không hiểu sao, từng câu chữ của Hằng lại trở nên ám ảnh: “Mình là người con gái Quảng Trị, là chị cả của 5 đứa em nên mình nhất định sẽ làm được”.Vàkhi hoàn thành xong truyện dài ấy, tôi ngộ được rằng, thật sựnếu bạn thực sự muốn cái gì, nhất định sẽ làm được. Nếu bạn chưa làm được, có nghĩa là bạn chưa thực sự muốn.

***

      Mắm ủ chưa đủ độ chín, chắc đi bán sẽ nhanh trở màu, trở mùi và đóng cặn, không bán được. Con người cũng vậy. Sau những chuỗi hoạt động không ngừng nghỉ, năm 2015, Hằng bắt đầu hoạt động chậm lại, khuyến khích bản thân học hỏi và theo đuổi những điều mình muốn như ăn theo thực dưỡng, học đàn, học hát, học thiền… Đi chậm, học chậm lại để yêu thương bản thân mình hơn và chia sẻ cũng nhiều hơn. Hiện giờ Hằng vẫn đang ở những công đoạn cuối cho quyển sách dự định xuất bản “Từ chiếc Thuyền Nan đến nước Úc” để chia sẻ những kinh nghiệm thi IELTS từ vốn “phát âm kinh hoàng”, kinh nghiệmapply học bổng, học hành, ăn chơi, trải nghiệm với bạn bè quốc tế để truyền cảm hứng cho các bạn đi sau. Hằng đang chuyển từ hành trình không mệt mỏi sang một hành trình đầy cảm hứng cho bản thân và mọi người xung quanh. Vũ trụ rất rộng lớn và những chiếc thuyền nan hoàn toàn có thể tìm ra thế giới mới trên hải trình của mình.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ