Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Làng Đông Hà xưa - phường 3 hôm nay


Ngày cập nhật: 23/11/2015 00:00:00

Bút ký -NGÔ NGUYÊN PHƯỚC

       Đó là một góc trời của thành phố Đông Hà, với sông hồ, ruộng đồng, rừng cây và phố thị còn lưu giữ dấu tích của một làng Việt cổ được hình thành cách đây hơn 400 năm. Đấy chính là làng Đông Hà xưa và phường 3 hôm nay. Đấy cũng chính là ý chí tự do, mơ mộng và là sự biểu đạt chân thành năng lượng sống hướng thượng của cư dân người Việt cổ. Và hôm nay, cùng đồng hành với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, những khái quát dịu êm mang thông ước lịch sử được thể hiện trong những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân phường 3 đạt được trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

 

 Đông Hà hôm nay - Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Đông Hà. 

 

      Hơn bốn trăm năm qua, từ thời hai vị tiền khai khẩn và hậu khai khẩn là ông Nguyễn Đăng Danh và ông Hoàng Văn Bao đến nay đã có 11 họ tộc với hàng chục đời nối tiếp nhau chung sống đoàn kết xây dựng nên nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của làng Đông Hà xưa và phường 3 hôm nay. Trong đợt tổng điều tra di vật, cổ vật trong địa bàn thành phố Đông Hà, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Trị đã phát hiện trong vườn nhà hai ông Nguyễn Đăng Hải và Nguyễn Văn Trường (khu phố 3 phường 3) một ngôi miếu cổ có tên là Hòn Giàng. Trong ngôi miếu có thờ hai hòn đá mà nhân dân thường gọi là “Đá thần”. Theo các nhà nghiên cứu, hai hòn “Đá thần” tức là hai hòn Giàng được thờ bên trong miếu chính là hai Linga -Yôni (Dương vật - Âm vật).

      Từ những dấu vết hiện còn, bước đầu có thể thấy rằng: Trong khu vực của làng Đông Hà bên bờ Nam sông Hiếu từ trước thế kỷ XIV khi đất này chưa thuộc về người Việt đã từng tồn tại một ngôi đền tháp Chămpa - trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của một hoặc nhiều garama (làng) trong cộng đồng người Chăm. Việc phát hiện ra ngôi đền tháp ở làng Đông Hà và khu đền tháp Trương Xá trên địa bàn phường 4 vào tháng 8/2008 đã góp phần làm sáng tỏ một phần diện mạo thành phố Đông Hà thời vương quốc Chămpa.

      Theo Châu Bộ Gia Long năm thứ XV (1816), tổng diện tích của làng Đông Hà xưa chỉ có 96 mẫu, 9 sào, 11 thước (gần 5 ha). Các vị chức sắc trong làng đã cùng nhau làm đơn xin trưng khẩn thêm 7 mẫu 9 sào ở xứ đồng Cồn Dài (ven đường 9), Cồn Vịnh (Nam Khe Lược), Cồn Dài (đường Khóa Bảo). Đến năm Minh Mạng thứ XXI (1840) mới được phê chuẩn thành Thục Điền Thổ. Những năm Pháp thuộc, các xứ đồng Năn, đồng Oóc, đồng Trực được khai phá thêm.

      Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 thì làng Đông Hà thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Đơn vị hành chính này được giữ nguyên dưới thời nhà Nguyễn và thực dân Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bỏ cấp tổng thành lập cấp xã, làng Đông Hà, thuộc xã Cam Hà và xã Cam Thanh. Tuy vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Cam Thanh và làng Đông Hà là một đơn vị hành chính có tổ chức Đảng, các đoàn thể và chính quyền cách mạng. Ngày 28/1/1973, UBND thị xã Đông Hà quyết định chuyển làng Đông Hà thành tiểu khu 3. Tháng 4/1976, thị xã Đông Hà là đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Trị Thiên gồm có 5 phường và xã Quảng Tân. Làng Đông Hà thuộc phường 3 là một trong 5 phường của thị xã.

      Làng Đông Hà xưa vẻn vẹn có 200 người với diện tích chưa đầy 50 ha, đến nay phường 3 đã có số dân 6493 người, ngoài ra còn có khoảng 3.000 người của các cơ quan Nhà nước và đơn vị Quân đội đóng trên địa bàn. Toàn phường có 7 khu phố và thôn Khe Lấp với diện tích tự nhiên là 1.919 ha. Như vậy so với thời nhà Nguyễn, làng Đông Hà - phường 3 hôm nay gấp 40 lần.

      Do điều kiện khí hậu, thời tiết nên người dân làng Đông Hà xưa ngoài việc làm nông là chủ yếu, họ còn biết phát triển thêm nghề rèn, nghề mộc và buôn bán. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các lò rèn của làng Đông Hà đã tham gia đúc đầu đạn Thần Công, rèn giáo mác phục vụ bộ đội du kích chiến đấu góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của quê hương đất nước. Với lợi thế về giao thông đường bộ (Quốc lộ 9), đường thủy (sông Hiếu - Cửa Việt), đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn nên việc giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa của làng Đông Hà hết sức thuận tiện. Cùng với nghề rèn, các nghề làm mộc, nghề làm gạch ngói cũng phát triển theo yêu cầu của cuộc sống phát triển kinh tế. Tất cả các loại ngành nghề thủ công, cùng với sản xuất nông nghiệp đã tạo cho người dân làng Đông Hà có một cuộc sống lao động sản xuất và buôn bán sầm uất, nhộn nhịp. Và cái phần đời mà đồng đất làng Đông Hà sinh ra chính là chợ Đông Hà - nguồn văn hóa nội sinh của phường 3 hôm nay. Hơn nữa số dân của làng Đông Hà - phường 3 đều có gốc rễ là con dân của xứ “đàng ngoài” theo các cuộc di dân vào “đàng trong” để khẩn hoang lập ấp. Trên đường đi hai vợ chồng ông Nguyễn Đăng Danh và tiếp đến là vợ chồng ông Hoàng Văn Bao đã gặp một đồng đất trù phú có cả ruộng, có cả rừng, có sông, có hồ nằm sát bờ Nam sông Hiếu. Nhận thấy đây là nơi thuận lợi cho việc cấy trồng, chăn nuôi cũng như sự thịnh vượng cho con cháu sau này, hai ông đã quyết định dừng chân lập ấp. Ông Nguyễn Đăng Danh được dân làng tôn danh là vị tiền khai khẩn, ông Hoàng Văn Bao được dân làng tôn là hậu khai khẩn. Người tiếp người, họ tiếp họ “đất lành chim đậu”, đến nay làng Đông Hà đã có 11 họ tộc khắp các vùng miền trong cả nước cùng tụ cư chung sống.

      Do có công lao khẩn hoang lập ấp, lập làng, hai vị tiền khai khẩn và hậu khai khẩn được triều đình nhà Nguyễn sắc phong ghi công. Tưởng nhớ đến người xưa có công mở đất tôn thờ đạo gia tiên, vừa là một mỹ tục, vừa là tín ngưỡng, ngoài việc xây dựng đình làng, nhân dân phường 3 còn tự nguyện đóng góp tôn dựng miếu thờ hai vị tiền nhân, cũng như xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước. Và cái hồn quê linh thiêng, ấm cúng và phong phú ấy đã nhập vào và sưởi ấm hồn người từ thuở khai sinh lập ấp cho đến hôm nay. Thế rồi tình yêu quê hương đất nước đến từ đời nào không sao biết được, chắc chắn nó đến trước khi người dân làng Đông Hà nắn nót con chữ của bài học đầu tiên về tình yêu Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, làng Đông Hà xưa và phường 3 hôm nay không chỉ là một địa danh mang chiều kích hành chính đơn thuần, trong dòng chảy phôi pha của lịch sử mà còn là sự kết tinh nồng nàn giữa người với đất và sự biểu đạt chân thành ước mơ hạnh phúc của đời người.

      Là một trong 5 phường nội thị của thành phố, người và đất làng Đông Hà - phường 3 là những chứng nhân lịch sử trước những biến đổi sâu sắc của quê hương từ khi có sự lãnh đạo của Đảng cho đến nay. Ngày 15/4/1946, khi dành chính quyền về tay nhân dân, dưới sự chỉ đạo của phái viên Huyện ủy Cam Lộ, tại nhà ông Nguyễn Đình Úc, Chi bộ Đảng của làng Đông Hà được thành lập do đồng chí Nguyễn Duy Bình làm Bí thư. Đây là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng làng Đông Hà - phường 3 hôm nay. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, quân dân làng Đông Hà đã vượt qua bao gian lao thử thách, hiểm nguy bền gan chiến  đấu, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dành lại độc lập tự do và thống nhất cho Tổ quốc.

      Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, cũng như các địa phương khác của thành phố, cán bộ nhân dân làng Đông Hà - phường 3 đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Làng mạc tiêu điều, nhà cửa đổ nát, ruộng đồng nham nhở hố bom, hố đạn, ken dày, vật liệu nổ chằng chịt dây kẽm gai, nguồn nước bị ô nhiễm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt chưa có gì, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước. Trước những thử thách nghiệt ngã của thời hậu chiến, một lần nữa, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với phong trào cách mạng của quần chúng được khẳng định. Tháng 4/1976, sau khi có quyết định thành lập phường 3, Chi bộ Đảng của phường đã triển khai một số chủ trương cấp bách để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân và xây dựng lại quê hương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, trung đội dân quân đã rà phá hàng ngàn quả bom mìn, vật liệu nổ, nhân dân tự nguyện di chuyển 2.340 ngôi mộ trên các xứ đồng Trén, đồng Biền, cồn Am, soi Léc… về nơi quy định và khai phá vùng Khe Lấp để mở rộng đất sản xuất. Nhờ vậy chỉ mấy tháng sau khi thành lập, phường 3 đã mở rộng diện tích ruộng trồng lúa hai vụ lên 430 ha, đất trồng màu 80 ha, đất trồng cây lâm nghiệp 271 ha.

      Năm 1965, chính quyền Mỹ - ngụy đã xây dựng một đập ngăn ở Khe Mây để lấy nước sinh hoạt cho các căn cứ đóng quân của chúng ở thị xã Đông Hà. Nhân dân làng Đông Hà - phường 3 đã lợi dụng nguồn nước này để tưới cho đồng ruộng. Khi làm xong công trình, bọn chúng cũng làm bia để khoe khoang công trạng:

“Lúa tốt cây xanh nhờ ơn nước

Cơm no, áo ấm thỏa lòng dân”

      Nhưng do công trình xây dựng không đảm bảo kỹ thuật, nên chỉ mấy tháng sau nước bị thất thoát xuống suối Ồ Ồ hết nên nhân dân làng Đông Hà không có nước để tưới cho đồng ruộng.

      Sau chiến tranh, để đảm bảo nước tưới cho diện tích đất sản xuất được mở rộng, theo nguyện vọng của nhân dân phường 3, Ty Thủy lợi Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Hoan làm Trưởng Ty đã lập đề án khảo sát thiết kế dự toán và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư xây dựng hồ Khe Mây với độ cao thân đập 20m so với mặt nước chết, diện tích mặt nước 40 ha, dung tích hơn 2 triệu m3. Năm 1978, hồ thủy lợi Khe Mây được đưa vào khai thác đảm bảo tưới tiêu cho trồng trọt và góp phần cải tạo môi sinh cho toàn thị xã. Để đảm bảo nguồn sinh thủy cho hồ Khe Mây, phường 3 đã tổ chức khoanh nuôi 40 ha rừng tự nhiên và phát động toàn dân trồng thêm được 150 ha rừng đầu nguồn. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Thị ủy Đông Hà, với lợi thế về đường giao thông thủy, bộ, đường sắt Bắc - Nam gắn với các trung tâm kinh tế của tỉnh, của cả nước, cùng với các nghề truyền thống, phường 3 đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp như HTX rèn Đồng Tiến, HTX gạch ngói, HTX mây tre đan chổi đót… Hàng năm, các HTX thủ công đã sản xuất được 10.000 sản phẩm nông cụ, 2000m2 mặt mây, 19.500 chổi đót, hàng triệu viên gạch ngói, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng. Riêng các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 100.000 đô la.

      Nhờ ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên từ một xuất phát điểm rất thấp vào những ngày sau chiến tranh đến nay, phường 3 đã có một nền sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm 17%. Cơ cấu kinh tế GDP, thương mại dịch vụ 50%, tiểu thủ công nghiệp 40%, nông nghiệp 10%, trong đó tiểu thủ công nghiệp có 65 cơ sở sản xuất đạt doanh thu hàng năm trên 20 tỷ đồng. Nhờ đầu tư sản xuất phát triển, kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nên phường 3 không những giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% mà còn có điều kiện xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, 100% khu phố, 95 hộ gia đình được công nhận là khu phố văn hóa, gia đình văn hóa. Phường 3 cũng đã xây dựng hoàn chỉnh thiết chế văn hóa ở phường và các khu phố. Giờ đây đến bất cứ khu phố, công trình nào như hồ thủy lợi Khe Mây, trường mầm non Tuổi Hoa, các cơ sở sản xuất TTCN ta đều được chứng kiến những thành quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân phường 3 đã tạo nên sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

      Làng Đông Hà - một làng Việt cổ có từ thế kỷ XVI do những cư dân Việt từ miền Bắc theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào “đàng trong” khẩn hoang mở đất, lập làng, xây dựng nên những nét văn hóa độc đáo vừa mang tính khái quát của nền văn hóa thuần Việt, vừa mang đặc thù của một làng mà ở đó quan hệ dòng tộc là mối quan hệ nền tảng, quan hệ làng xã là mối quan hệ quyết định bao trùm. Trên nền tảng cơ sở văn hóa làng xã nông nghiệp, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, làng Đông Hà xưa và phường 3 hôm nay đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa, nhưng vẫn giữ được những giá trị tinh hoa mang tính nhân bản của một làng Việt cổ nằm trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ