Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Tên Người là cả quê hương


Ngày cập nhật: 11/08/2015 00:00:00

Ghi chép - THANH MINH

      May mắn đã hai lần được đến với Nakhon Phanom, Thái Lan, nhưng lần thứ ba trở lại này, cảm xúc trong tôi vẫn còn mới mẻ, tươi nguyên như thưở ban đầu. Vẫn vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt chu đáo của bà con Việt kiều ở đây. Đại diện Hội người Việt ở Nakhon Phanom do Chủ tịch Hội dẫn đầu đã ra tận cửa khẩu để đón đoàn văn nghệ sỹ Quảng Trị. Như người thân gặp lại người thân rất gần gũi thân yêu dù nhiều người chúng tôi chưa một lần gặp mặt. Tại hội trường sinh hoạt, nơi gặp gỡ giao lưu được trang hoàng rất đẹp, ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở nơi trang trọng nhất. Với bà con Việt kiều, Bác Hồ là niềm tin, là tình yêu, tên Người là cả quê hương, đất nước.

 

Ông Đào Trọng Lý đang hoàn chỉnh bức tranh về Bác Hồ - Ảnh: TRÀ THIẾT 

 

      Tình yêu ấy được thể hiện mỗi người một vẻ nhưng rất tha thiết chân thành. Tiêu biểu nhất là ông Đào Trọng Lý, nguyên Chủ tịch Hội người Việt tại Nakhon Phanom, Thái Lan, nay là trưởng Ban khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom. Khi đến tham ông tại nhà riêng, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi được ông dẫn lên thăm phòng vẽ tranh ở tầng 2. Cả một căn phòng rộng lớn chỉ để trưng bày những bức tranh về Hồ Chủ tịch do chính ông vẽ. Với ông, tên Người là cả nước non, quê nhà. Trong tim ông luôn mang hình bóng của Người. Ông vẽ Người với tất cả tình yêu sâu sắc và mãnh liệt.

      Những bức tranh ông vẽ về Bác, bức nào cũng đẹp, cũng sinh động, cũng chất chứa những tư tưởng, tình cảm ở trong đó. Đó là bức tranh Bác Hồ với thiếu niên nhi đồngBác Hồ tiếp bà con Việt kiều Thái Lan tại phủ Chủ tịch năm 1960, tranh Bác Hồ với đồng bào các dân tộcBác Hồ với nông dân v.v… Qua những bức tranh, Bác Hồ kính yêu hiện lên vô cùng giản dị và gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Và thấp thoáng phía sau bóng Bác là hình ảnh núi sông, làng quê Việt Nam.

      Ông Đào Trọng Lý cho biết: Để vẽ được những bức tranh về Bác, ông phải tìm tài liệu từ nhiều nguồn. Đó là những bức ảnh ông sưu tầm trên các trang báo, tạp chí từ xưa nay, tìm trên mạng Internet, từ những bức ảnh về Bác do các đoàn khách du lịch trong nước sang thăm trao tặng.

      Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là niềm tin, là tình yêu,  niềm tự hào của ông Đào Trọng Lý và bà con Việt kiều. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom đã thờ Bác Hồ từ những năm mới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thuở còn rất bé, ông Đào Trọng Lý đã thấy bàn thờ Bác ở gia đình mình. Tình yêu và niềm tin đối với Bác Hồ lớn lên cùng năm tháng. Khi đến tuổi trưởng thành, ông đã tích cực hoạt động trong Hội người Việt tại tỉnh Nakhon Phanom. Ngày 21/3/2004 sau hội nghị nội các giữa hai nước Việt- Thái ở Đà Nẵng, Hội người Việt ở tỉnh Nakhon Phanom được thành lập, ông Đào Xuân Lý được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội nhiều năm liền, đến năm 2013 mới nghỉ. Mỗi khi ở quê nhà có sự kiện, biến cố gì, ông lại vận động bà con quyên góp ủng hộ gửi về quê hương góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Thái, ông vận động bà con đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt là phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Đã có thời, người Việt ở Thái gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền sở tại không cho người Việt nhập quốc tịch, cũng không cho học tiếng Việt. Bà con Việt kiều đã động viên nhau, đùm bọc nhau để tồn tại và phát triển. Cuộc sống dần dần ổn định và phát triển đi lên. Đến nay, có hơn 10.000 Việt kiều sinh sống ở Nakhon Phanom. Đa số đều có kinh tế khá giả. Đặc biệt con em Việt kiều học hành rất giỏi, ngoan ngoãn, lớn lên đều thành đạt.

      Điển hình như chị Nguyễn Thị Lan gốc Hương Khê, Hà Tĩnh nay ở làng Noọng Xẻng, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom có 4 người con đều đã tốt nghiệp đại học và thạc sỹ (trong đó có 2 người là bác sỹ), hiện đang sinh sống và làm việc tại Băng Kốc, Thái Lan. Hay như chị Phan Thi Mai Nang gốc ở Đồng Lê, Quảng Bình cũng có 3 con tốt nghiệp đại học, việc làm ổn định. Còn chị Phạm Thị Việt đã tình nguyện làm cô giáo đưa chữ Bác Hồ đến với con em Việt kiều ở bản Mạy, huyện Mương 16 năm nay. Chị dạy từ lớp 1 đến lớp 7, dạy tự nguyện không có lương, chỉ có tiền phụ huynh hỗ trợ giúp đỡ. Tâm nguyện của chị và bà con Việt kiều là phải dạy cho con cháu biết chữ quốc ngữ ngay từ nhỏ và luôn nhớ mình là người Việt Nam. Chị cho biết: con em Việt kiều học rất giỏi, rất ngoan; lớn lên hoặc vào đại học hoặc làm ăn buôn bán nhưng tất cả đều thành đạt. Bản thân chị cũng có một cháu đang học Đại học Y khoa.

      Trải qua bao biến đổi thăng trầm của cuộc đời và thế sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là niềm tin, là tình yêu để bà con Việt kiều hướng tới. Nói đến Hồ Chủ tịch là nghĩ đến đất nước Việt Nam, đến quê hương gốc gác của mình. Bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom đã lập nhà tưởng niệm Bác. Mỗi năm đến ngày sinh nhật Bác 19/5, bà con đều làm lễ dâng hương, cùng nhau ôn lại những ngày Bác bôn ba tìm đường cứu nước và thời gian Người ở Nakhon Phanom. Hình ảnh của Người, những lời Người dạy, bà con đều nhớ như in và phấn đấu làm theo. Ai cũng tự hào về Bác, tự hào mình là người Việt Nam. Niềm tự hào và niềm tin đó đã giúp họ vượt lên bao khó khăn, thử thách để ổn định và xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Mỗi người một nghề, người làm nông,   người buôn bán, dịch vụ, người thành lập các tổ hợp, công ty, người mở nhà hàng, khách san… họ đều nỗ lực phấn đấu để vượt qua đói nghèo và làm giàu chính đáng. Mỗi khi khó khăn, họ lại thắp hương lên bàn thờ Hồ Chủ tịch cầu mong Người giúp đỡ và để củng cố quyết tâm nghị lực cho bản thân mình. Làm theo lời dạy của Người “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” bà con Việt kiều đã đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Mỗi huyện có một chi hội việt kiều. Định kỳ hoặc khi có sự kiện quan trọng, toàn hội Việt kiều ở Nakhon Phanom lại sinh hoạt chung.

      Đối với ông Đào Trọng Lý cùng với việc vận động, tập hợp bà con Việt kiều xây dựng Hội vững mạnh và tổ chức các hoạt động hướng về Tổ quốc, để thể hiện tình yêu đối với Bác, với Tổ quốc, ông đã tự học vẽ để vẽ Bác. Muốn cho bức tranh không chỉ đẹp mà có cả chất lượng, lưu giữ được dài lâu, ông Lý đã gửi mua phấn vẽ và vải ở Hà Lan. Điều đáng nói là tuy tự học vẽ, nhưng bức vẽ nào của ông cũng rất đẹp, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và các yêu cầu của hội họa, lại có sức truyền cảm mãnh liệt. Ai được xem cũng trầm trồ thán phục. Đến nay, ông đã vẽ được 14 bức tranh về Bác với các đề tài khác nhau giúp cho người xem phần nào cảm nhận được sự vĩ đại, cao cả nhưng rất gần gũi, giản dị, gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Khi đang vẽ bức tranh thứ 15 về Bác thì ông bị rò van tim bắt buộc phải mổ. Ông đã xin hoãn lại để hoàn thành nốt bức tranh này, sau đó mới nhập viện. Trung tuần tháng 7 năm 2015 này, ông Đào Trọng Lý, nguyên Chủ tịch Hội người Việt tại Nakhon Phanom, Thái Lan, nay là trưởng Ban khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom vào bệnh viện để phẫu thuật tim. Dù đau ốm nhưng ông vẫn tranh thủ vẽ cho xong một bức tranh  nữa về Bác. Với ông, tên Người là cả nước non, quê nhà.

      Ông cho biết: Những bức tranh này sẽ được trưng bày ở Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khi công trình này hoàn thành. Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vốn 30 tỷ đồng của trong nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng. Tấm lòng của ông Đào Trọng Lý và của bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom đối với Bác thật cao cả, thật đáng trân trọng. Với họ, nói đến Bác là nghĩ ngay đến Tổ quốc, quê hương Việt Nam. Dù ở đâu, lúc nào, làm gì, họ cũng luôn hướng về cội nguồn dân tộc, nhớ về dòng dõi con Lạc cháu Hồng của mình.

     Riêng ông Đào Trọng Lý, bắt nguồn từ suy nghĩ, tình cảm ấy, ông đã rất tích cực trong các hoạt động xã hội và xây dựng cộng đồng người Việt ở Thái. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 2008 vì “đã có thành tích tham gia đóng góp giúp đỡ đất nước trong cuộc kháng chiến góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về đất nước” (năm 2010).

      Chia tay ông Đào Trọng Lý, chia tay bà con Việt kiều ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, trong lòng chúng tôi dâng lên một tình cảm quyến luyến, bùi ngùi khó tả như chia tay người thân. Câu hát “quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người” và bài hát “Quê hương” trong đêm giao lưu văn nghệ mà bà con Việt kiều cùng các văn nghệ sỹ Quảng Trị đã hát cứ vấn vương suốt dọc đường về.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ