Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Trang phục đầu tiên của đồng bào Pa Cô


Ngày cập nhật: 30/08/2017 00:00:00

HỒ PHƯƠNG

        Sống giữa Trường Sơn đại ngàn, đồng bào Pa Cô đã chọn cho mình những loại cây thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường để làm trang phục. Loại trang phục từ những buổi ban đầu này được đồng bào gọi với cái tên “A Mưng”.

 

Ông Vỗ Hươi mặc áo A Mưng trinh diễn cồng chiêng

 

       Trước lúc vào rừng chọn cây làm áo, đồng bào Pa Cô tiến hành nghi lễ “Pa Rôông” với ý nguyện cầu có sức khỏe, may mắn tìm được cây tốt, chất liệu bền, đẹp; đồng thời cầu mong các Yàng, thần linh phù hộ, che chở trong hành trình đi chọn cây không gặp thú dữ, hiểm nguy.

 

      Sau khi chọn được cây, đồng bào tách vỏ ra khỏi thân, cắt thành từng đoạn theo ý muốn, phơi khô đập dập cho rụng hết lớp vỏ cứng bên ngoài và làm mềm lớp vỏ lụa bên trong, ngâm nước nhiều ngày cho xốp. Sau đó lại phơi thật khô một lần nữa trước khi may thành áo. Hoặc sau khi đập lớp vỏ bên trong cho mềm, người Pa Cô đem phơi sương từ một đến hai đêm, rồi đem ra đập lại lần nữa. Lúc đó mới lấy lên, phơi khô, may vai và lườn lại để làm áo mặc.

 

Tìm hiểu kỹ thuật làm áo A Mưng của đồng bào Pa Cô

 

      Không phải loại cây nào cũng được dùng để làm trang phục, mà đồng bào tự chọn cho mình loại cây nhất định, chất liệu tốt, nhẹ, tránh được mối, mọt, điều hòa được thân nhiệt. Áo làm bằng vỏ cây là loại trang phục duy nhất giúp đồng bào che cơ thể, chống lại giá rét, khi đi trong rừng rậm, săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất, cũng như trong lễ hội.

 

      Trong lễ hội mừng lúa mới, cầu mùa, hoặc trong nghi lễ A Riêu Ping, mừng bản mới… đồng bào Pa Cô mang những chiếc áo A Mưng thể hiện sự ngưỡng vọng với tổ tiên, thần linh, người đã chỉ bảo cho đồng bào cách tạo ra trang phục, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ, kỹ thuật trong chế tác trang phục. Chủ nhân của những chiếc áo đẹp được hội đồng tộc trưởng biểu dương, tặng thưởng trong lễ hội của bản. Đây cũng là dịp để đồng bào trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm trang phục, từ đó có những bộ trang phục đạt chất lượng cao hơn về thẩm mỹ và chất lượng.

 

       Đồng bào còn dùng vỏ cây để làm chăn đắp. Cách làm tương tự như làm áo, nhưng miếng vỏ cây làm chăn có kích thước lớn hơn và không được gia công kỹ như làm áo. Sau khi nghề dệt vải thịnh hành, bà con vẫn duy trì công việc này và đến nay vẫn còn những tấm chăn được làm từ vỏ cây.

 

      Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, áo A Mưng vẫn sưởi ấm cho đồng bào Pa Cô, theo bước chân bà con trên từng chặng đường gùi lương, tải đạn, chiến đấu với kẻ thù. Đó chính là loại trang phục đầu tiên của đồng bào, nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại tương đối ít ở một số gia đình, do nghề dệt vải trở nên phổ biến. Người Pa Cô từ lâu không còn làm và sử dụng áo vỏ cây nữa, nhưng những người lớn tuổi trong bản làng vẫn giữ gìn và trân trọng những cái áo từ ngày xưa ông cha để lại.

 

       Theo trưởng thôn Tân Đi 3 xã A Vao, muốn làm một chiếc áo vỏ cây, người đàn ông Pa Cô phải rất vất vả đi hàng tháng trời trong rừng sâu mới có cây A Mưng lấy về làm áo. Họ chọn những cây A Mưng to bằng thùng nước, không bị hư hại, chặt từng khúc dài khoảng 1,5m đến 2m, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, bởi lụa của cây A Mưng mềm mại, dai mới làm được áo và màu sắc áo mới đẹp.

 

       Tìm cây đã khó, nhưng công đoạn làm sợi chỉ lại khó hơn, chỉ lấy từ sợi cây Xăm Pu kết lại thành chỉ, khâu xuyên qua từng lớp vỏ cây tạo thành áo.

  

      Gìa làng thôn Tân Đi 3 cho biết thêm: “Mình nghe ông kể lại, xưa kia giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, có sự tranh giành đất đai, lãnh thổ nhờ các tấm áo vỏ cây này mà dân bản mình luôn giành phần thắng. Khi mặc tấm áo này vào, gươm, dao chặt khó đứt... Hơn nữa, trước đây dân bản nghèo lắm, không đủ áo để mặc. Ông cha mình đã tìm tòi, sáng tạo ra loại áo bằng vỏ cây này, vừa để mặc ấm, vừa làm tấm đắp. Ai có được tấm áo, tấm đắp bằng vỏ cây là thuộc hạng người giàu có. Muốn sở hữu được một tấm đắp vỏ cây người ta phải đổi con heo dài năm gang, cùng nhiều vật dụng khác. Mỗi chiếc áo phải mất ròng rã 3 tháng liền mới hoàn thành, áo nặng khoảng 3 kg”. Ngày nay, người biết làm áo không còn nhiều, những người giỏi làm áo vỏ cây đã mang theo bí quyết đi vào cõi vĩnh hằng.

 

       Anh Hồ Văn Rin, Bí thư Chi đoàn thôn Tân Đi 3, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, một đoàn viên tâm huyết trong công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, anh rất tự hào khi được mặc y phục truyền thống của dân tộc mình tham gia lễ hội, hội thi, hội diễn, bởi đẩy là sản phẩm quý hiếm do tổ tiên để lại. Hiện nay, anh đã học được cách làm áo và vận động thế hệ trẻ trong bản cùng anh bảo tồn và phát huy loại trang phục này, với sự nhiệt huyết, lòng đam mê,  anh đã tìm được giống cây A Mưng bảo vệ, chăm sóc nhằm phục hồi trang phục truyền thống của dân tộc mình.

 

      Cùng với các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca tinh tế, sâu lắng, trang phục áo bằng vỏ cây A Mưng mà đồng bào Pa Cô đang gìn giữ, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

                                                                             H.P

                                        (Phòng VH&TT huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị)

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ