Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ dân gian

Lập Thạch - làng ca dao


Ngày cập nhật: 22/05/2016 00:00:00

 NSND XUÂN ĐÀM

 

           Một chặng đường dài 60 năm kháng chiến. Đi học trung học, đại học, đi qua hai cuộc chiến tranh cứu nước. Theo con đường sân khấu từ ngày chống Pháp cho đến bây giờ đã có nhiều tác phẩm. Tôi ngồi nhìn lại và suy ngẫm, cái gì đã làm nên tâm hồn và sáng tạo của tôi, cái gì đã làm nên cốt cách một đạo diễn Xuân Đàm của làng Lập Thạch - chắt chắt - bắp rang nghèo khó cơ cực?

           “Dân ca”.

           Vâng - Tiếng hát ru con của mẹ đã gieo vào tâm hồn tôi linh hồn của hàng trăm câu dân ca, về nghĩa mẹ công cha, về tình làng nghĩa xóm, về đất nước quê hương, về lòng vị tha trắc ẩn, về tình yêu và lòng hận thù, về thái độ làm người.

 

Làng Lập Thạch, Đông Hà, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG SƠN
 

          Vâng, những hình ảnh quê hương trong thời thơ ấu của con, con cố nhớ và ghi lại cho con cháu đời sau những câu ca dao đẫm mồ hôi và nước mắt của tiền nhân đã dựng lên cơ đồ. Tôi như nhìn thấy dấu chân của nàng công chúa Huyền Trân được ghi lại trong bài Nam Bình:

- Nước non ngàn dặm ra đi cái tình chi

Mượn màu son phấn đền nợ Ô - Ly

Đắng cay vì đương độ xuân thì…

          Quê hương tôi, những câu hò bay trên đồng lúa, bay trong từng hạt gạo, bay trên những tao nôi, bay trong tay mẹ ôm con, bay trên lưng chị cõng em, bay trong tiếng xa quay kéo dài như từng sợi chỉ, những câu hò bay lượn trên đồng ruộng trời cao.

Tôi cố nhớ để ru hồn mình ở tuổi tám mươi.

Tôi già nhưng những câu ca dao, câu hò trẻ mãi với thời gian với con cháu.

           Làng Lập Thạch của tôi nằm ở tả ngạn sông Thạch Hãn, vào cuối nguồn giữa ngã ba sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Để nhớ về quê, khi sinh cháu trai đầu ở Hà Nội tôi đặt tên Thạch Hãn.

           Làng Lập Thạch của tôi được cừ đá từ đầu làng đến cuối làng để chống xói lở. Có lẽ vì thế mà làng được đặt tên là làng Lập Thạch. Các bến đều được xây bằng đá gọi là bến đá. Bến đình, bến họ, bến Giao Phùng (tức bến trâu về mùa hè tất cả trâu làng đều mẹp ở đó), ở xóm dưới có bến ông Thí, bến họ Phạm, bến chợ, bến miếu bà Đặng, dưới nữa là xóm Soi, xóm bãi do đất phù sa bồi đắp, vì vậy làng không xây để lấy đất bồi.

Làng tôi có hai nghề chính là làm ruộng và trồng bông dệt vải.

Làm ruộng có hai mùa: mùa cấy (mùa cấy vụ đông xuân) mùa vại (vụ hè thu). Ngoài ra còn có vụ trái cấy vào những năm nhiều mưa sẵn nước từ tháng 6 đến tháng 8.

Nghề làm ruộng thì như mọi nơi khác không có gì đáng nói.

Nghề trồng bông dệt vải ít nơi có nên tôi kể chuyện về nghề này.

           Bông được trồng trên đất pha cát, đất phù sa. Làng tôi có 5 xóm: Xóm trên, xóm đồng, xóm giữa, xóm soi và xóm rẫy. Làng có chừng trăm ngôi nhà và xấp xỉ ngàn dân, ngày xưa coi đây là một đại xã.

Trong một xóm thì đã có 4 xóm theo nghề trồng bông dệt vải trừ xóm rẫy.

Trước hết tôi xin nói về công việc trồng bông.

Có 4 khâu quan trọng là: Đất, cần, phân, giống.

Đất: Bông rất hợp với đất phù sa, pha cát, gọi là đất soi vùng tôi có nhiều soi lắm: soi Lập Thạch, soi An Dạ, soi Trung Chỉ, soi Vân An, soi Lạng Phước.

           Ngày nay ta đang chủ trương phát triển cây, con không biết tỉnh Quảng Trị có nên phục hồi lại nghề trồng bông dệt vải hay không. Chuyện thương trường tôi không rõ lắm, nhưng đất đai và truyền thống thì Quảng Trị mình rất giàu có, rất nhiều vùng nổi tiếng.

          Cần: Dân Quảng Trị thì hết chê về tính cần cù, chịu khó. Từ nhỏ lên ba lên bốn thì cõng em đi chơi, lên năm lên bảy thì chăn trâu cắt cỏ, con gái thì quay xa kéo sợi, mười lăm mười bảy đã ngồi vào khung kéo sợi. Ngày trước làng tôi đã có hàng chục khung cửi dệt vải to, vải nhắc.

          Viết đến đây tôi nghĩ, không biết tỉnh mình có nên phát triển nghề trồng bông dệt vải hay không, tính ta nhiều vùng lắm đất bồi suốt trên bốn dòng sông: Sông Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Hiền Lương, sông Nhùng, có nhiều đất bồi, nhiều soi để trồng bông - bông nhiều có thể mở nhà máy kéo sợi, nhà máy dệt đủ cung cấp các xưởng gia công may mặc đang phải ăn hàng của nước ngoài.

Nói quá dông dài, tôi xin quay lại với chuyện ca dao.

Thuở còn rất nhỏ tôi hay đi hò đi hát trong những đêm trăng giã gạo, hò trong lúc quay xa kéo sợi.

Tôi đã thuộc khá nhiều ca dao, số lượng cả ngàn câu.

          Lúc lên bốn lên năm tôi đã được người ta cõng đi hò, nhờ sáng dạ tôi đã thuộc nhiều ca dao, và có thể sáng tác ca dao, để hò tại chỗ trong lúc giã gạo, hò đối đáp với những người lớn tuổi. Bây giờ, người làng tôi vẫn truyền lại một số câu đối đáp nghịch ngợm như chuyện đi hò với o Liễu ở làng Trung Chỉ.

O Liễu hò:  Thảm thương các cụ chự bò

      Cặp chân chiền chiện cóng dò cà lơi

Tôi đáp:   Đừng chộ anh bé mà khinh

            Chân tay có nhỏ, nhưng lọ lục bình đại chang

Hay:  Trên làng Trung có trái bù rợ (làng o Liễu)

          Dưới xóm chợ (xóm tôi) có trái bù eo

          Em chê anh nhỏ để anh trèo em coi.

Vì có năng khiếu sáng tác kịp thời (gọi là hò môi miếng) nên người ta đồn là tôi hò ma (có nghĩa là bị ma ám).

Từ đó mẹ không cho tôi được đi hò nữa, mà phải đi học.

           Thế là từ nay tôi phải bỏ cái vui thú đi hò đi hát, bỏ được cái gánh nặng cõng em đi chơi. Mất cái sướng ngồi trên lưng trâu, trên đầu trâu bắt mõ bơi qua sông rồi vòng về như anh nài luyện voi vậy. Chao ôi! Sao mà nhớ đồng cỏ nhớ bạn bè, nhớ con trâu ve mới nổi, cổ mờm tròn lịnh, nhớ những ngày đông gió rét, tôi vắt vẻo trên lưng trâu đưa lên đồi sim cho nó ăn cỏ, còn tôi cùng với bạn bè đi tìm nấm mối nắm gạo, cùng nhau ngồi quanh đống lửa, nướng nấm, nướng khoai, nướng trái ắng, chia nhau. Chiều về mỗi đứa ôm một bó củi khô trên lưng trâu chở về cho mẹ. Những câu hò ô (như loại hò mái đẩy biến dạng) vang lên từ cửa miệng lũ trẻ chăn trâu chúng tôi, như uốn lượn theo đuôi đủng đỉnh, nhịp nhàng, khoan thai như nhịp đi của những con trâu bụng no cằng bước thủng thỉnh về làng.

Cơ khổ con trâu

Chỉ một hàm răng

Ngày thời đi cạp đất bằng

Tối về ra uống nước ao

Khi đại hạn thì ra nằm rào… ”

Tôi nghe văng vẳng từ trong trường làng vang lên bài ca dao.

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Làng Lập Thạch của tôi ca dao vang lên từ trên đường cày, tự sợi dây gàu tát nước, từ miệng anh chị ru em, từ cô gái chèo thuyền trên sông nước.

Ca dao nói về tình mẫu tử:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

 

Bấy lâu nay em mần mạn nuôi ai

Mà áo cũng rách mà vai cũng mòn?

 

Bấy lâu em mần mạn nuôi con

Áo rách mặc áo vai mòn mặc vai

 

Mẹ thương con biển hồ lai láng

Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày

 

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi

Gạo de giã trắng mà nuôi mẹ già

 

Mẹ ơi! Chớ đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ

Bắt ốc ốc nhảy lên bờ

Hái rau rau héo mẹ nhờ chi con

Những trưa hè oi bức tiếng võng tre đưa kèo kẹt, tiếng mẹ ru hời ru hỡi:

Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử

Gái trông chồng đứng núi vọng phu

Cho dù nguyệt xế trăng lu

Con ve kêu mùa hạ mãn thu em vẫn chờ

 

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Con đi mua  ngọn nghe ai không về

Mẹ già cuốc đất trồng tiêu

Con đi đò dọc mẹ liều con hư…

 

Tình thương quán cũng như nhà

Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói xây

 

Thương nhau xin nhớ lời nhau

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy

 

“Thiếp thương chàng hái dâu quên giỏ

Chàng thương thiếp bứt cỏ quên liềm

Xuống sông gánh nước đôộc chìm gióng trôi”

 

“Thiếp trông chàng như giang trông lửa

Chàng trông thiếp như đại hạn trông mưa

Đây trông cho gặp đó để đón đưa đôi lời”

 

“Nói lời thì giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

Lời thế lời thốt đoan ngôn

Trách lòng quân tử phụ khôn tham giàu”

 

“Tham giàu phụ khó ai khen

Khen con châu chấu thấy rạng đèn bay vô”

 

“Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra thành mười”

 

“Đã thương nhau thì thương cho chắc

Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ nọ đứng đầu truông

Khi vui dỡn bóng khi buồn chơi trăng”

           Mùa hè nghỉ học. Chúng tôi mấy anh học trò nghèo thường giúp cha mẹ đi mò cua tát cá. Thời đó có lẽ chưa có phân hoá học nên cá rất nhiều. Người lớn thì ngăn hói tát cá bằng xe đạp nước, chúng tôi tuổi nhỏ thì đi bắt hôi. Cầm theo cái rổ để xúc những con cá mại, con tôm, con tép. Trưa hè nắng gắt, cá không đi ăn mà tìm các náng chân trâu để ẩn mình. Trần như nhộng chúng tôi dàn hàng ngang ngâm mình trong nước mò tìm các chú cá diếc đang nằm trong náng chân trâu. Bắt được chúng tôi xâu cá vào sợi cỏ ngậm vào mồm. Có lần một cậu bắt được con cá rô ngậm đầu cá vào răng, bất ngờ cá vùng mạnh, nhảy tuột vào họng, cậu ta lo quá chạy về nhà kêu bố mẹ. Cả nhà cười ầm lên và giải thích: Không việc chi, vào bụng thì không có con chi sống được. Thôi ăn củ khoai lần chiều rồi ra mò tiếp.

           Mò cá chán, chúng tôi lại moi đất sét nhồi nhuyễn để bắt trâu xe, bắt tu huýt đem vùi vào các đống trấu đang hầm đợi lúc trấu tàn, tro lạnh khươi ra lấy trâu, buộc dây lắp bánh vào bốn chân kéo chạy. Tu huýt thì lắp lưỡi gà vào miệng thổi ti toe, muốn hay thì dùi một lỗ trên lưng làm lỗ nhịp ti toe.

Quá say mê nên tôi quá dông dài về cái thuở đi chăn trâu.

Tôi xin quay lại chuyện làng ca dao Lập Thạch.

Mùa hè, được nghỉ học những ba tháng, con nhà giàu thì được nghỉ mát Cửa Tùng.

Học sinh nghèo như chúng tôi thì giúp cha mẹ làm ăn. Tôi đã nói làng tôi có nghề trồng bông.

           Kéo sợi là công việc của bà già và trẻ nhỏ. Bông được nhặt hết rác, cán sạch hột, rồi đem bọt thật tơi xong mới xe thành con cúi, con cúi đem kéo thành sợi. Làng tôi có lẽ ai cũng thuộc câu:

Ông Chánh ông Phó không bằng ông Ló ông Tiền.

Ông Cửu ông Bát không bằng thợ Đạt bắn bông

Người ta nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh là vậy.

Quay lại với chuyện học trò.

           Mùa hè tôi ở nhà đi kéo sợi giúp mẹ. Tôi thường vác xa kéo sợi đến nhà bác, nhà bà ngoại để kéo ba bốn đứa với nhau cho vui. Vì là anh chị em với nhau nên không hò tình, không hò đâm bắt mà hò chữ, hò tích.

Tiếng đồn anh hay chữ

Cho em hỏi thử vài lời

Ai đào sông cho cá lội

Ai chống trời cho chim bay?

 

Tiếng đồn anh hay chữ cho em hỏi thử vài câu

Vậy xe thuyền quyên mười hai lá

Lá mô đầu lá mô đuôi…

Tiếng đồn anh học hết sách quốc ngữ hết chữ Hán đàng.

Rứa ngày xưa kia ai chôn con nuôi mẹ đặng vàng rứa anh…?

 

Tiếng đồn anh hay chữ cho em hỏi thử đôi lời

 Ngày xưa kia ai dạo chơi âm phủ, ai ngủ không ăn, ai khóc măng măng mọc, ai học không thầy, nam nhi như chàng nói đặng thì chiếc khăn này trao tay

           “Hỡi em ơi! Ngày xưa kia Phạm Công dạo chơi âm phủ, Trần Đoàn thì ngủ không ăn, Mạnh Công khóc măng măng mọc, Thánh Hiền người học không thầy, nam nhi anh đà đối đặng, phen này tính sao”.

           “Em hỏi anh sông gì sông không có nước, thước gì thước không có ly, cây gì cây không có trái, gái chi gái chẳng có chồng. Nam nhi anh đà đối đặng thì chiếc khăn hồng em trao

Sông ngân hà sông không có nước

Thước thợ mã thước không có ly

Cây xương rồng không có trái

Gái nhà phúc gái chẳng có chồng

Nam nhi như chàng đối đặng chiếc khăn hồng đưa đây”.

Hò hát chán chúng tôi chuyển qua chuyện đố. Những chuyện đố đều quay quanh chuyện làng.

Lưng cong vọng nguyệt thủ tiết đào đông.

Đắng cay phải chịu mặn nồng phải theo.

 

Đầu rồng đuôi phượng le the

Mùa xuân ấp trứng mùa hè nở con

 

Nhìn xa cứ tưởng là trâu

Đến gần chín mắt chín đầu chín tai?

Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Vì vậy có cả những câu đố thanh giảng tục, đố tục giảng thanh.

Xấu thì thật xấu

Xem lại muốn xem

Nói đến thì thèm

Bảo ăn thì chưởi”.

 

Trong cũng da ngoài cũng da

Đút vô thì cứng rút ra thì mềm

            Chuyện học trò thì nhiều vô kể, tôi xin dừng lại ở đây. Nhường để độc giả trả lời các câu đố.

           Làng Lập Thạch, cái làng có món ăn đặc sản bắp rang và canh chắt chắt. Làng Lập Thạch được gọi là làng Đỏ. Vì trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không có ai theo giặc, làng tôi có chi bộ Đảng đầu tiên từ những năm 30.

           Pháp và Mỹ biết đây là làng Đỏ nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ biến Đỏ thành Đen.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ