Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ dân gian

Đò ngược thuyền xuôi


Ngày cập nhật: 23/08/2023 00:00:00

Hò giã gạo Quảng Trị được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhân dân Quảng Trị, khi một loại hình dân ca được sáng tạo, lưu giữ, phát huy từ đời này qua đời khác qua bao thăng trầm của lịch sử. Từ một hình thức diễn xướng gắn chặt với môi trường lao động sản xuất của những người nông dân đi mở cõi, làm nên hạt gạo qua một nắng hai sương. Hò giã gạo đã sớm trở thành một hình thức hát đối đáp nam nữ đậm đà chất giao duyên, chứa đựng tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương đất nước và là lời nhắn gửi, dặn dò về đạo lý sống ở đời. 

Tác phẩm: Đò ngược thuyền xuôi

Tác giả: Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Hà 

Các nghệ sĩ: Minh Kỳ, Hồng Vân, Ngọc Khởi, Thu Hương, 

cùng dàn nhạc dân tộc trình bày. 

 

 

ĐÒ NGƯỢC THUYỀN XUÔI

(Hoạt cảnh dân ca đối đáp nam nữ Hò Giã gạo Quảng Trị)

Tác giả: Lê Thị Hà -  Nghệ nhân Ưu tú

 

I. GẶP GỠ

 

1. Nữ (Mái nhì):

- “Con nước xuôi con cá buôi nó lội ngược

Con nước ngược con cá vược nó lội xuôi”.

Chàng không thương thiếp thì thôi

Quanh năm chèo chống mà nuôi mẹ già.

 

2. Nam (Vè):

-  Trời nổi cơn giông cánh chim hồng cũng dạn

Trời dù đại hạn con chim nhạn cứ bay

Làm trai cho đáng nên trai

Ra khơi vào lộng đó đây đã từng.

 

3. Nữ (cười, nói):

- Làm trai đã đáng nên trai

Khom lưng chống gối gánh hai hột vừng.

 

4. Nam (cười, nói)

- Thương em vô hạn quá chừng

Chèo đôi ngược nước cái lưng nó còng còng.

5. Nữ (cười, nói):

- Thương ai hay nói mà vụng suy

Em không cong lưng uốn cật thì lấy chi anh dòm dòm.

 

6. Nam (nói):

- Thôi, chịu các o rồi. Bán cá chi đó. Cho xin mấy con.

7. Nữ (nói):

- Con em để trong bụng, đối được thì em cho!

 

II. ĐỐI ĐÁP

 

8. Nữ (Hò Giã gạo):

- Khoan ơi khoan….

Quảng Trị quê mình núi cao bể thẳm

Sau bờ cát trắng, đồng lúa nương dâu

Bến Hải -  Hiếu Giang -  Thạch Hãn -  Ô Lâu

Quanh co nối bến, nông sâu nối dòng.

9. Nam (Hò Giã gạo):

- Khoan ơi khoan…

Quảng Trị quê mình trai tài gái sắc

Vô nam ra bắc khúc ruột miền trung

Dù cho sóng gió bão bùng

Lòng người Quảng Trị thủy chung vẹn toàn.

- Đố đi các o!!!

 

10. Nữ (hát đố, Hò Giã gạo):

- Con cá chi mà đi làm cối đá

Con cá chi mà người giã người đâm

Con cá chi nằm im mà lại nói thì thầm

Chàng mà đối đặng thiếp nhất tâm theo chàng.

 

11. Nam (đáp):

- Con cá đối nhà em ngửa ra là cối đá

Anh có con cá chày nên anh giã anh đâm

Con cá rầm thì mang tiếng thì thầm

Trai nam nhi đối đặng, thiếp còn tâm sự gì.

 

12. Nữ (đố):

- Đầu cá, mình cá, đuôi cá mà không kêu là cá

Con cá chi không tay không chân mà mang tiếng hay trèo

Con cá chi nghe tên không ai nghĩ là nghèo

Chàng mà đối đặng thì thiếp theo lên tận nguồn.

 

13. Nam (đáp):

- Đầu cá, minh cá, đuôi cá mà muối đi thì kêu là con mắm

Con cá leo thì mang tiếng hay trèo

Con cá đồng tiền thì không ai nghĩ là nghèo

Em muốn thêm đồng ăn đồng mặc, thì theo anh ngược nguồn.

 

14. Nữ (đố):

- Con chi dưới bẹp trên tròn chưa nấu mà đã chín

Con cá chi không dưới đè trên bóp mà đã gọi là nhừ

Con cá chi ngồi trong cửa sổ mà thảo phong thư

Nửa như thương thầy mẹ, mà nửa như nhớ chàng.

 

15. Nam (đáp):

- Dưới bẹp trên tròn thì con ba ba là chín

Con cá nục thì chả ai đè cũng biết là nhừ

Con cá song bên cửa sổ nàng thảo phong thư

Nửa thương thầy mẹ, nửa như nhớ người.

 

16. Nữ (đố):

- Con cá chi dọn ra mà lại kêu là cất

Con cá chi nghe phần phật như là chốn sa trường

Còn con chi dằng dặc nỗi buồn thương

Chàng ra đi mở cõi, thiếp vấn vương dạ sầu

 

17. Nam (đáp):

- Con cá thu dọn ra thì coi như là cất

Con cá kiếm, cá đao nghe chất ngất sa trường

Con ngao con ngán thì dằng dặc buồn thương

Thiếp ở nhà chợ búa với ruộng nương bốn mùa.

 

III. VÈ

 

18. Nam

- Có thương nhau thì thương cho chắc cho chắn

Cho khắn cho bó thì mới lọ là thương

Đừng như con thỏ đứng đầu truông

Khi vui thì chợn bóng, khi buồn thì bỏ đi

 

19. Nữ (Tùy chọn làn điệu)

- Thiếp thương chàng thì đừng cho ai biết

Chàng thương thiếp chớ để cho ai hay

Rồi ra miệng thế lắt lay

Khổ chàng chín rưỡi cực thiếp đây mười phần.

 

20. Nam (hát vè):

- Khi xưa em nói rằng một rằng hai

Bây chừ em đã nghe ai

Mà thay duyên đổi phận

Cái dây cát đằng / bò ngược, bò xuôi, bò quanh, bò quẩn

Cành bổng không quấn lại đi quấn cành la

Em vô trong rừng mà nỏ chộ lối ra

Em chộ cây núc nác cứ tưởng là vàng tâm.

 

21. Nữ (hát vè):

 

Khi xưa chàng nói Đông, nói Tây, nói Nam, nói Bắc

Rồi chàng thề thốt những xuân, hạ, thu đông 

Chàng ra đi vô hồi, vô tận... 

Để thiếp phòng không 

Bốn dấu chân ai còn chụm ngoài bờ sông chàng hè 

 

Tình tang

Trăm năm mây tạnh sao băng con ở trăng con trăng đã khuyết ô tang ô tang tình tang lại ơ đầy -  ô tang tình tang. Lại đầy con trăng -  ô tang ô tang tình tang tình tang tình-  ô tang tình tang. 

Trăm năm đá nát vàng phai. Sông khô, sông khô bể cạn -  ô tang ô tang tình tang. Lời nguyền ô tang tình tang. Lời nguyền không phải ô tang ô tang tình tang.... 

 

IV. DỢP CHÈO: 

 

Cùng nhau hòa vang giữa quê nhà 

Nắng tươi vàng tô đẹp ngàn hoa 

Phố phường tấp nập vào ra 

Hò dã gạo quê mình được vinh danh di sản, nào hãy cùng nhau, phát huy giữ gìn câu hò quê hương, chứa chan bao nghĩa tình. 

Cho Quảng Trị quê ta rộn mãi lời ca vang muôn đời sau. 

 

Lê Thị Hà

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ