Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ dân gian

Ca cảnh: SÔNG THIÊNG


Ngày cập nhật: 06/09/2022 00:00:00

Ca cảnh: SÔNG THIÊNG

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 

(1972 – 2022) và 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-2022)

 

 

Nhân vật:         1/ Nam (CCB) khoảng 68 tuổi

                          2/ Dàn              khoảng 68 tuổi

                          3/ An - Phụ nữ khoảng 50 tuổi

 

Sân khấu là hình ảnh dòng sông Thạch Hãn với những bè hoa

 

Người dẫn chuyện: Thưa quý vị và các bạn !

Thạch Hãn dòng sông mẹ của tỉnh Quảng Trị hiền hòa và trong xanh như bao dòng sông của xứ sở này. Nhưng chưa có dòng sông nào lại nhuốm nhiều máu đào như dòng sông huyền thoại này.

Nửa thế kỷ trước bao nhiêu người con của Quảng Trị và cả nước đã đi qua sông này và không trở về sau trận chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Những lứa tuổi đôi mươi đã vĩnh viễn lặn vào lòng đất, tan vào nước sông Thạch Hãn để “Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Sự hy sinh của các chiến sĩ ấy đã thắp sáng lên ngọn lửa hòa bình cho hôm nay và mai sau.

Kính mời quý vị và các bạn đến với dòng sông ấy qua vở ca cảnh “Sông Thiêng”.

CẢNH MỘT

(Dòng Thạch hãn mênh mông trong gió chiều nhè nhẹ, mặt nước lăn tăn gợn sóng…, những bè hoa bập bềnh trôi)

An: (Vừa chèo thuyền vừa cất lên tiếng hát)

Hò mái nhì: ơ… hờ…ơ… hờ….. Trước bến dâng hoa, ngó qua bên tê là bến vượt

Mênh mông sông nước với những bè hoa…ơ…hơ….

Nơi đây một thủa chưa xa…dòng sông, bến nước…ờ (xố)

Ơ….hờ….ơ..hờ…Dòng sông bến nước bao la tình người

 

Nam: (Trong bộ trang phục Cựu chiến binh tiến ra nhìn về phía dòng sông)

(Tự sự hoặc có thể hát điệu hò mái đẩy)

Bến vẫn bến xưa người thời vẫn đó

Hỏi có ai người chung thủy hơn người chiến sĩ Cổ thành (trích: NV Xuân Đức)

Một thời khói lửa chiến tranh

Để một thời có màu xanh hòa bình

 

An: (Vui vẻ) Dạ.. cháu xin chào bác bộ đội ạ!

Nam: (Bất chợt quay lại) Bác chào cháu…

 

An: (nhanh nhảu cắt lời) Bác ơi! Thế bác ở đâu đến đây và tìm ai ở bến sông này mà cháu thấy bác cứ tần ngần ôm bó hoa, mắt nhìn về phía xa xa cuối dòng Thạch hãn vậy hả Bác…

 

Nam: (Tỏ vẻ ấp úng) À…, Bác ở mãi tận ngoài miền Bắc, xa lắm cháu ạ, nhưng năm nào cũng vậy cứ đến dịp ngày 27 tháng 7 là bác lại lặn lội vào đây để tri ân đồng đội…(Đoạn quay sang hỏi An), À này… thế cháu có phải là cô gái chèo đò lúc nảy trên sông và hát điệu hò quê hương không hả cháu

 

An: (Ngụng nghịu) Dạ..đúng đó bác ạ!

 

Nam: Cháu hát rất hay và nghe ngọt ngào lắm…. cháu có biết không…

(Vè) Mới nghe cháu hát vừa rồi

Bác đây bổng nhớ về thời xa xôi

Đã từng chiến đấu khắp nơi

Nay bác về tìm lại bóng người năm xưa

Lặng nghe giọng hát đò đưa

Nhớ người con gái với mái chèo khua trên bến này

 

An:         Nói như thế bác là người từng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị này à ?

Nam:     Đúng vậy… Năm 1972 bác tình nguyện lên đường nhập ngũ và được trên giao nhiệm vụ vào tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ đấy cháu ạ.

An: (Xúc động)   Bác ơi! cháu nghe mẹ kể lại rằng:

(Lý hoài xuân:) Năm xưa ở tại nơi này bác ơi

                            Các cô du kích đêm từng đêm

                            Cáng thương người băng lửa đạn qua sông

                            Biết bao người đang nằm lại nơi đây.

Nam:     Chiến tranh khốc liệt quá, bác vẫn còn nhớ rất rõ những ngày của năm 1972 cũng tại đây, bác cùng đồng đội đã được các cô du kích địa phương chèo thuyền đưa sang bờ nam để vào chiến đấu bảo vệ Thành…, và cũng chính trong những tháng ngày khói lửa ấy bác đã thầm thương một người nữ du kích gan dạ tại bến sông này… vì lẽ đó mà bác đã nhiều lần về đây để tìm lại người con gái ấy…. Xuân ơi….!

 

Tương tư khúc: Anh đã về đây

                            Sau bao lần tìm em không gặp

                            Trên bến sông giờ - hoàng hôn sắp lịm

                            Người xưa đợi

                            Người nay chờ

                            Nhớ lời hẹn ngày nao nay anh trở về đây

                            Giờ này tìm nơi đâu – Em ở đâu

                            Sông ơi, sao hững hờ trôi

                            Ngày trông đợi

                            Đêm dài vời vợi…

                            Lời hẹn thề xưa anh chẳng thể nào quên

                            Xuân ơi, em ở nơi đâu. Nhớ câu chờ nhau

                            Hẹn ngày sau ở bến sông này.

An:         Bác ơi, nghe qua câu chuyện của bác cháu vô cùng xúc động...cũng tại chiến tranh đã gây ra bao tang thương mất mát, để lại bao cảnh ly tan...con mất cha, vợ mất chồng... Như hoàn cảnh của cháu đây từ khi lọt lòng chưa một lần được nhìn thấy mặt cha chưa từng được cất tiếng gọi hai tiếng...Cha ơi...!

Lý Năm Canh:

 

Đau xót, ai thấu... cho đời con

Sinh ra chưa lần được gặp

Mặt cha, người cha con hằng mong ước

Bao tháng năm

Giờ đây, giờ đây nơi phương nào

Đời con thiếu cha....

(Thút thít khóc.... Cha ơi...!)

Nam:     (Nói trong xúc động) Thế cha cháu cũng là bộ đội chiến đấu bảo vệ Thành Cổ này à ! 

An:         Dạ cháu cũng không rõ lắm, mà chỉ nghe mẹ kể lại và cháu cũng chẳng biết mặt cha cháu như thế nào, và giờ đây còn hay đã mất

Nam:     Thật tội nghiệp cho cháu...... Cháu ơi :

Thơ:

Bác thấy lòng mình quặt thắt xót xa nhớ thương đồng đội

Chuyền tay nhau lá thư nhà đọc vội

Bữa cơm chiều miếng bánh bẻ làm đôi

Tuổi 18 đôi mươi chẳng một làn môi người con gái

Chỉ biết Tổ quốc là thiêng liêng là mãi mãi

Đồng đội ơi ! Hôm nay tôi về thăm lại

Thành Cổ anh hùng và tìm lại người con gái bến đò xưa.

(Chợt nhớ ra điều gì đoạn quay sang hỏi An) À này cháu...cho bác hỏi đường về làng Nhan Biều, Xuân An, xã Triệu thượng đi ngã nào vậy cháu.

An:         Dạ cũng gần đây thôi, qua hết cầu mới Thành Cổ rồi rẻ sang phải đi khoảng vài trăm mét là tới đó bác...., nhưng.... bác có quen ai ở làng đó à....

Nam:     Thì là địa bàn trong thời chiến tranh của bác mà, ở làng Xuân An bác quen nhiều lắm...nào là O Dàn, O Xuân, O Huệ....O....Ôi! nhiều O lắm kể không hết đâu cháu ạ. Các O ấy là du kích cáng thương năm xưa đó cháu.

An :       Bác ơi ! thế bác nói O Dàn…. mà có phải là Nguyễn Thị Dàn không hả bác.

Nam :    Đúng rồi, O Dàn có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, người dong dỏng cao…. (An hài hước cắt lời)

An :       Và cả nốt ruồi duyên nữa phải không bác (Cười vui)

Nam :     (Ngạc nhiên) À…à đúng rồi.., mà….thế….cháu….

An :        (Cắt lời) Dạ thưa bác…Cháu là con gái của mẹ Dàn đây ạ

Nam :     Thật thế hả cháu……may quá…,thế giờ này mẹ có nhà không vậy cháu

An :       Dạ giờ này chắc mẹ cháu đang cùng bà con ra sông làm lễ thả hoa để tri ân các anh hùng liệt sĩ đó bác. Mà thôi, cháu mời bác về nhà nghỉ ngơi lát nữa làm lễ xong mẹ cháu sẽ về, gặp lại bác chắc mẹ cháu mừng lắm.

Nam :    Ừ…thế cũng được, ta đi thôi cháu (Hai người đi khuất)

 

               CẢNH 2 

Người dẫn chuyện : Tại ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của hai mẹ con bà Dàn, ông Nam đang chăm chú xem những bức hình đen trắng đã nhuốm màu thời gian được treo trang trọng ở trên tường, An tất bật mang ấm nước chè nghi ngút khói từ dưới bếp đi lên…(Ngoài sân tiếng Dàn vọng vào)

Dàn :     An...An ơi!

An :       (Chạy ùa ra) Mẹ…mẹ về rồi đó à. Mẹ ơi ! nhà mình có khách quý.

Dàn :     Khách quý....khách quý nào vậy con.

Nam:     (Trong nhà bước ra) Chào chị

Dàn:       Dạ..chào bác (Mở to mắt nhìn người khách từ đầu đến chân) Bác là..

Nam:     O Dàn...

Dàn:       Anh là... Anh Nam ..... Có phải đồng chí Nam đây không ?

Nam:     Phải, tôi Nam đây, Nguyễn Thành Nam – Chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ đây.

Dàn:       Trời đất ơi! Đây là mơ hay là thật....Đúng là anh Nam đây rồi, mà sao anh đi biền biệt mãi thế...Anh có biết ...(Nghẹn ngào, dòng lệ chứa chan, bà Dàn ngước mắt nhìn trời cao như thì thầm điều gì với người đã khuất).... Xuân ơi..! Anh Nam đã trở về, đã trở về thật rồi bạn ạ..thế là ước mơ của chúng mình đã thành hiện thực... thật không uổng phí những tháng ngày mòn mỏi mà bao nhiêu năm nay tôi...

Hành Vân:

Đã bao ngày

chờ đợi anh về nơi bến cũ ngày xưa

Vì non nước, anh phải ra đi

Dấn thân trong lửa đạn

Người con gái

Nguyện cùng anh ước hẹn thề xưa

Đã không còn sau ngày binh lửa

Nơi chiến trường máu đổ

Sống chết coi thường

Dẫn lối đưa đường

Đêm từng đêm vượt sông cáng thương

Quyết một lòng gìn giữ quê hương

Vẹn tròn sau, trước

Cùng anh trọn thủy, trọn chung

Nam:     O Dàn. Như thế này có nghĩa là sao hả O Dàn.

Dàn:       Anh biết không ? cái ngày anh chia tay với Xuân để vào Nam tiếp tục chiến đấu, ở tại mảnh làng nhỏ bên bến sông này, một mầm sống đã ra đời là kết tinh của mối tình Nam và Xuân ....và đó chính là...chính là... cháu An đây.

Nam:      (Một chút thảng thốt) Thật vậy sao hả Dàn  

An:         (Bối rối và có phần bị sốc) Mẹ, mẹ nói sao, mẹ đang nói gì…con chẳng hiểu…. Ba con đã ……

Dàn:      Không sao đâu con, ba con không làm sao cả…Ba của con đã trở về…đã trở về bằng da bằng thịt…An ơi! Bác Nam đây chính là cha ruột của con đó

An:         Mẹ…Bác Nam đây là cha ruột của con sao….

Dàn:       Đúng vậy…… hãy đến với cha đi con.

An:         (Thốt lên) Trời ơi!

Lý Năm Canh:

               Ai hiểu, Ai thấu hiểu cho lòng con

               Giờ đây rối bời gan ruột

               Mẹ ơi, niềm vui hòa trong nước mắt

               Nhưng tại sao …tại sao bao năm dài

               Mẹ không cho con hay.

Dàn:

               Xin con hiểu cho mẹ đây

               Mẹ đây không hề muốn vậy

Chẳng tại ai…

Chỉ vì chiến tranh tàn khóc

Gây xiết bao khổ đau

Làm cho bao gia đình

Giờ đây ly tan…

An:         Ba….!

Nam:     Con…!

(Hai cha con ôm chầm lấy nhau, niềm vui hòa lẫn dòng nước mắt của bao tháng năm mỏi mòn trông đợi)

Dàn: (Đến bên An vỗ về) Chuyện dài lắm con ạ, chỉ có 1 điều duy nhất là mẹ đã thực hiện được lời hứa của mình với người đã khuất...

An:         Mẹ ! Thế là mẹ của con đã hy sinh.

Nam:     Dàn ơi, thế Xuân hy sinh như thế nào ? Ở đâu vậy

Dàn:       Tại đây…tại bến sông này và cô ấy đã hy sinh rất anh dũng dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù…

TÁI HIỆN CẢNH CHIẾN ĐẤU

Dẫn truyện: Tại bến sông này… đêm hôm ấy trời tối đen như mực, thỉnh thoảng có những vệt sáng từ Thành Cổ vút lên rồi vụt tắt. Xuân giao bé An cho tôi để làm nhiệm vụ chèo thuyền đưa thương binh về tuyến sau. Bỗng 1 loạt pháo của địch bắn vào giữa đội hình (Âm thanh đạn pháo).

(Tiếng ngoài sân khấu) Các đồng chí, các đồng chí không được vượt sông – quay lại, quay lại ngay…. (đạn pháo ngày càng ác liệt).

Xuân:   Các đồng chí hãy mau phân tản đội hình, pháo địch đang bắn mạnh vào giữa đội hình ta đó….(Bỗng một mảnh pháo địch găm trúng người, Xuân chỉ kịp nấc lên một tiếng rồi gục xuống) ….A…!

 

Giọng Nam: Trời ơi! O Xuân…O Xuân…! Báo cáo, báo cáo, đồng chí Xuân …. Đã…. Hy sinh

(Sân khấu sáng đèn, bối cảnh trở về hiện tại…An hoảng hốt vùng khỏi vòng tay cha lao ra phía khán giả hét lên thảm thiết rồi lảo đảo quỵ xuống khóc thương…)

An:         Mẹ…. mẹ……mẹ ơi! (Kỷ thuật xử lý Eco gây hiệu ứng tiếng vọng)

 

               (Nhạc dạo “thơ”)

Nam:     (Xúc động nghẹn ngào) Xuân ơi, máu em nhuộm đỏ dòng Thạch Hãn

               Người con gái anh hùng chèo lái chiếc thuyền nan

               Về thăm em, mắt ướt lệ tràn

               Gởi cho em ngàn hoa làm áo cưới

               Không phải anh là người có lỗi

               Nỗi đau kia tại bởi chiến tranh

               Ngủ đi em giấc ngủ ngon lành

               Anh sẽ bên con những tháng ngày còn lại

               Em đi rồi nhưng bóng hình còn đọng mãi trong anh !

 

               Cám ơn Dàn đã thay tôi làm cha, làm mẹ, nuôi nấng cháu An khôn lớn nên người. Ơn này cha con tôi xin ghi lòng tạc dạ,.

 

Dàn:       Anh đừng nói thế! Đó trách nhiệm của chúng ta mà, trách nhiệm của những người lính luôn phải biết hy sinh vì đồng đội vì nhân dân...và trên cả là Tổ quốc (Đoạn quay sang nắm tay An) An con... vậy là kể từ hôm nay con đã tìm lại được người cha thân yêu của mình, đó cũng là điều mong mỏi của mẹ con trước lúc lâm chung, con hãy chăm sóc cho cha thật tốt để khỏi phụ lòng của mẹ Xuân nghe con.

An:        (Ôm chầm mẹ Dàn xúc động) Mẹ ơi! Tình mẹ bao la là thế, dẫu biết.. mẹ không phải là người sinh con ra nhưng từ lúc lọt lòng con đã được ẵm chăm bởi tình thương của mẹ, con mãi luôn tự hào và hạnh phúc vô cùng khi mình có được hai người mẹ luôn yêu thương đùm bọc chở che...(Quay sang nhìn cha trìu mến)

               Còn cha....Cả cuộc đời là những mất mát, hy sinh, sự khóc liệt của chiến tranh đã cướp đi của cha những thứ thiêng liêng cao quý nhất, ngay đến cả giọt máu của mình cũng chỉ kịp tìm về khi mái dầu đã bạc và những vết hằn theo năm tháng thời gian...(Lặng người, quay mặt dấu đi những giọt nước mắt muốn chực trào)

 Nam:    (Cố dấu xúc cảm, tỏ vẻ mạnh mẻ nói với hai mẹ con) Cám ơn Dàn và con gái đã luôn thấu hiểu cho tôi, Bổn phận làm chồng, làm cha suốt quãng ngày qua tôi chưa làm trọn, chỉ cầu mong nơi xa ấy Xuân sẽ hiểu và sẽ cùng đi chung với chúng ta trên chặng đường mới trong sắc xanh của dòng Thạch hãn và nắng mới trên Cổ thành linh thiêng nơi miền quê của khát vọng hòa bình...

 

Nam, Dàn, An:

 

Lý Quỳnh tương:

               Muôn đời, muôn đời

               đất nước vẫn còn ghi

               Thạch Hãn xanh trong

                bên ni bên nớ đôi bờ

               Một thời, đáy sông vùi lấp

               máu xương của bao người

               Tổ quốc ghi danh công ơn Liệt sĩ sáng ngời

               Thành Cổ linh thiêng hôm nay nắng mới lên rồi

               Giữa lòng quê hương đổi mới

               Thắm tươi bao nụ cười

               Vận hội tương lai

               Quê hương cất cánh gọi mời

               Hoa đỏ ngập tràn dòng sông

               Thành Cổ chiều buông, tiếng chuông vang vọng ngàn sau./.

 

Quý vị và các bạn vừa nghe xong vở ca cảnh “Sông Thiêng”

Tác giả kịch bản: Nguyễn Đức

Cùng các nghệ sĩ:         - Đỗ Kỳ

                                     - Hồng Vân

                                     - Minh Huế

Và dàn nhạc dân tộc tỉnh Quảng Trị thể hiện.

Xin chân thành cảm ơn !

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ