Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Kiến trúc

Một số đề tài trang trí tiêu biểu trong kiến trúc dân gian của người Việt Quảng Trị


Ngày cập nhật: 17/07/2016 00:00:00

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ NƯƠNG

 

       Trong các công trình kiến trúc dân gian của người Việt Nam nói chung, người Việt ở Quảng Trị nói riêng thì trang trí luôn là một phần thiết yếu gắn liền với kiến trúc, nó góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của từng bộ phận trong toàn thể kiến trúc ấy. Trang trí là sự đáp ứng những nhu cầu thị hiếu và lòng khao khát về cái đẹp của con người. Nó đưa cái đẹp vào cuộc sống, tạo nên sự hài hòa giữa xã hội - con người với tự nhiên, nâng cao năng lực thụ cảm và sự sáng tạo của con người.

       Trang trí mỹ thuật trong kiến trúc là nhằm làm cho công trình đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố về cái đẹp đó là cái đẹp bên ngoài của công trình; cái đẹp bên trong của công trình và cái đẹp tổng thể của công trình trong môi trường. Các mô típ trang trí trên các thành phần kiến trúc góp phần làm đẹp, duyên dáng thêm nội thất kiến trúc tạo nên sự tinh tế, trang nhã cho toàn bộ công trình. “Kiến trúc và chạm khắc nhà rường dân gian chính là sự hài hòa của giá trị thực dụng và giá trị thẩm mỹ. Nó được hình thành qua một quá trình sáng tạo của nghệ nhân dân gian và được thể hiện với một tay nghề tinh thông mang tính chất thực dụng nhằm trực tiếp phục vụ cho nhu cầu đời sống vật chất đồng thời vừa mang tính chất thẩm mỹ nhằm phục vụ một nhu cầu văn hóa, tinh thần của con người” (1).

 

Đình làng Trung Chỉ, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.  

 

       Trang trí là sự thể hiện những mô típ hoa văn đẹp mắt làm tô điểm thêm vẻ đẹp cho toàn bộ ngôi nhà. Nếu như ở phía ngoài người ta tìm mọi cách để tạo ra không gian gắn chặt giữa thiên nhiên với kiến trúc bằng cách tìm kiếm, cải tạo, bố trí những gì có thể để làm tăng thêm cái đẹp hài hòa, gần gũi thì bên trong công trình họ thường tận dụng nhiều vị trí và các điểm trống của ngôi nhà để tạo ra không gian mỹ cảm bằng cách chạm trổ ở những phần gỗ một cách tinh vi và đẹp mắt. Trang trí nội thất là “nghệ thuật kết hợp và hình khối, điểm, đường nét màu sắc trong một bố cục không gian nhất định mang tính khoa học và kỹ thuật cao, đòi hỏi tính chính xác trong kích thước, trong kết cấu bố trí đồ vật, trong xử lý ánh sáng, màu sắc” (2). Trang trí nội thất công trình kiến trúc biểu hiện đầy đủ cái đẹp của một nền nghệ thuật. Phần lớn các mô típ chạm gỗ nhà rường dân gian đều tập trung ở kèo cù, liên ba, đòn tay, trến, các kèo hàng hai và hàng ba… được bố trí chặt chẽ, liên tục, phù hợp và hài hòa với toàn bộ tổng thể chung của một công trình kiến trúc.

       Trong kiến trúc nhà rường, tùy theo bề mặt của cấu kiện gỗ mà người nghệ nhân áp dụng trang trí cho phù hợp với các thành phần cấu trúc, tất cả đều được tính toán trước để đạt được hiệu quả nghệ thuật mà không phá vỡ không gian kết cấu kiến trúc.

       Có thể thấy rằng, các đề tài sử dụng trong trang trí kiến trúc khá đa dạng nhưng tiêu biểu có thể thường bắt gặp là các mô típ trang trí động thực vật, bát bửu. Đề tài động vật không chỉ giới hạn trong bộ “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng) mà còn các con vật khác như: Dơi, cá, thỏ, hươu, nai… mỗi con vật đó là một biểu trưng và có ý nghĩa trừu tượng riêng. Những động vật này tùy theo vị trí kiến trúc mà nó được thể hiện nhiều hay ít, dưới dạng này hay dạng khác trong các công trình kiến trúc dân gian.

 

Trang trí bên trong chùa Diên Thọ, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

 

       Đầu tiên phải kể đến đó là con rồng. Đây là con vật thường được chọn làm đề tài chủ đạo trong các tác phẩm trang trí của các công trình kiến trúc dân gian. Biểu tượng con rồng chính là con vật mang yếu tố thần thoại có sức mạnh siêu nhiên, tàng ẩn từ bao đời nay trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Trải qua nhiều thế hệ, con rồng đã trở thành một hình ảnh vừa trang trọng vừa quyền quý, linh thiêng, vừa gần gũi trong đời sống tinh thần của nhân dân. Trong các công trình kiến trúc dân gian ở Quảng Trị, rồng thường được chạm khắc trang trí trên kèo hàng tổng (kèo cù). Toàn bộ chiếc kèo được tạo thành hình một con rồng/cù hoàn chỉnh rất công phu, đẹp mắt. Đầu rồng thường được chạm phóng khoáng, cách điệu bằng những tia lửa, vân mây và được kê trên búp sen đầu cột. Thân kèo uốn cong thành thân rồng, trên thân là những hoa văn gờ chỉ, hoa lá cách điệu. Đuôi rồng thường được tạo bởi các họa tiết hoa văn hình đao mác, những đám mây hồi cố.

      Thứ hai là con phượng (phụng), một loại chim thần thoại có đôi cánh xòe rộng cân xứng, thuộc loài công và loài trĩ, kết hợp với con rồng, nó trở thành biểu tượng của thánh nhân, hạnh phúc và thịnh vượng. Với quan niệm xưa, phượng tượng trưng cho bầu trời. Phượng múa hoặc bay tựa như những hoạt động của vũ trụ bao la. Cũng như con rồng, phượng là con vật có một vị trí quan trọng trong trang trí kiến trúc. Tại vị trí ấp quả của các ngôi nhà rường thường được tạo tác hình đôi cánh chim phượng hoàng đang dang rộng, đỡ dạ cặp kèo thượng làm giảm bớt đi sự nặng nề, thô cứng tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng cho công trình.

      Thứ ba là con Lân (kỳ lân) - một linh vật biểu tượng cho sự kết hợp giữa thời gian và không gian, sự an bình, mang ý nghĩa tương thích với những giáo lý của Phật pháp. Với tư cách là một trong tứ linh, so với rồng và phượng thì hình tượng lân xuất hiện muộn hơn trong lịch sử mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên,  theo sử sách thì nó đã có từ thời Lý và đến thời Nguyễn, con lân đã trở thành là đề tài phổ biến. Hình tượng lân thường xuất hiện trong kiến trúc của các ngôi chùa như tại các bờ giải, bờ quyết của các tầng mái chùa Sắc Tứ.

      Con vật cuối cùng trong bộ tứ linh là con rùa (Quy). Khác với các con vật trên, rùa là một con vật vốn có trong thực tế đời thường. Trải qua thời gian nó đã được hư cấu thành con vật thần thoại và trở thành con vật linh thiêng mang sức mạnh huyền bí. Mai rùa trên tròn, dưới phẳng tượng trưng cho trời đất, cho âm - dương giao hòa, nó biểu trưng cho sự trường thọ, tính bền vững, lòng kiên trì và tính nhẫn nại.

      Ở các mô típ trang trí thực vật nổi bật là các đề tài cây, hoa, lá, quả… Về cây thì có các loại nằm trong “Tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc); “Tứ thời” (mai, sen, cúc, tùng). Đề tài cây còn kết hợp với các thú tạo ra những tiểu cảnh như: Mai điểu (cành mai với chim), liên áp (sen - vịt), tùng hạc hay tùng lộc… Về hoa thường gặp các loại như hoa đào, mai, cúc, mẫu đơn… Về quả có các loại như lựu, lê, mảng cầu… Các mô típ này được chạm trổ trên gỗ như các bức liên ba, các bức đố bảng, trên các kèo cù, trên bụng những đòn tay hay trên các lá cửa bản khoa… Có khi thể hiện theo lối tả thực, lại có khi dưới dạng biến thể như hoa lá hóa rồng. Với những mô típ trang trí này đã biểu hiện cách nhìn mộc mạc nhưng tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao của người Việt Quảng Trị.

      Ngoài ra ở các bộ phận khác cũng được trang trí hoa văn như: dưới bụng các cầu điếu chạm tam sơn - biểu tượng tam tài (thiên, địa, nhân); hai bên sườn của cầu điếu chạm hình ảnh mây mác/đao mác với những hình cuộn nối tiếp theo dạng dải mây hồi cố, ở giữa đột ngột nổi lên những mũi mác đâm thẳng lên. Trên các tấm mê cốn thay cho chiếc đấu đỡ đòn tay mà người Quảng Trị gọi là “con bạo” trang trí các họa tiết bát bửu, dây lá hay các bài thơ bằng chữ Hán… trên các trến băng của bộ phận khóa rương ở gian chái chạm trổ hình hổ phù, cuốn thư…Dưới bụng các xà thường chạm các họa tiết bát bửu, dây leo, các loại quả kết hợp với các đường diềm hồi văn, kỷ hà…; các thành vọng thường trang trí hình dơi ngậm kim tiền, dơi ngậm chữ Thọ, chữ Vạn…

       Kỹ thuật trang trí trên các thành phần kiến trúc được sử dụng chủ yếu là nghệ thuật chạm bong. Cũng có công trình kiến trúc như các ngôi chùa, đình còn có hệ thống liên ba (thượng, hạ) được trang trí bằng mô típ ô hộc hình vuông hay chữ nhật, bên trong mỗi ô có khi gắn các con tiện hoặc các đường dây lá, hoa kết hợp với những hình kỷ hà, mắt lưới hoặc các mô típ rồng, phượng biến thể từ hoa lá với lối chạm lọng (chạm thủng); có khi chạm bong với các họa tiết thuộc bộ “bát bửu” (pho sách, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, đàn tỳ bà, cái quạt, phất trần, gậy như ý), bộ “tứ quý” (mai, sen, cúc, trúc)… Nhiều gia đình giàu có còn sử dụng nghệ thuật khảm cẩn, khảm trai lên các bức liên ba làm cho ngôi nhà trông sang trọng, quý phái.

      Bên cạnh việc trang trí trên các cấu kiện gỗ, trong các công trình kiến trúc dân gian ở Quảng Trị còn phát triển các hình thức trang trí bằng nghệ thuật đắp nổi vôi vữa và ghép mảnh sành sứ hoặc tô vẽ bột màu được thể hiện trên các bờ nóc, bờ dải và đầu đao của bộ mái; trên các cột xây bằng gạch, xi măng, bê tông ở tiền đường; trên các trụ biểu, nghi môn ở cổng… với các đề tài về động vật như Long, Ly, Quy, Phụng, Dơi, Hạc; các đề tài về “tứ thời”, “tứ quý” hay các tiểu cảnh “long mẫu hí long nhi”, “hổ phụ sinh hổ tử”, “long mã chở lạc thư”, “lưỡng long triều nhật/nguyệt/hổ phù”, “vinh quy bái tổ”, “ngư, tiều, canh, mục”; các mô típ hoa văn chữ Hán thể hiện dưới dạng các hoành phi, đối liễn; các trang trí ô hộc kết hợp với các hoạ tiết động, thực vật... Nhìn chung đó là phong cách trang trí phổ biến vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Những đề tài trang trí này đều xoay quanh mục đích thể hiện quan niệm, triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan theo quan điểm đạo Nho; đồng thời gửi gắm những điều ước muốn cầu cho vật thịnh, dân an, ấm no, hạnh phúc của người dân làng xã.

      Bên trong của mỗi công trình kiến trúc dân gian còn có các bức hoành phi, đối, liễn... cũng là những trang trí làm cho ngôi nhà đẹp thêm. Phần lớn các bức hoành phi, câu đối đều được chế tác từ gỗ. Chữ Hán trên các bức hoành phi thường được chạm nổi trên mặt phẳng đôi khi có chạm trổ hoa văn. Hoành phi thường được sơn đen và chữ thếp vàng. Phần lớn các bức hoành phi có các đường viền được chạm lọng, kỹ thuật rất sắc sảo, chủ đề trang trí khá phong phú như long vân, hoa lá hóa long, hoa văn kỷ hà…

      Câu đối thường được chạm nổi hoặc viết thẳng trên những tấm liễn. Nghệ thuật điêu khắc trên câu đối cũng hết sức độc đáo, các họa tiết của liễn đối được sơn son thếp vàng còn các chữ của câu đối thì được sơn đen. Sở dĩ người xưa chọn hai màu đen đỏ để viết chữ và trang trí trên câu đối là vì họ quan niệm rằng màu đỏ là màu của sự may mắn còn màu đen là biểu hiện của sự sang trọng.

      Như vậy, nhìn vào tổng thể kiến trúc của các công trình kiến trúc dân gian ở Quảng Trị ta có thể thấy được sự hoàn chỉnh về sử dụng các ưu thế về đất đai, cảnh quan thiên nhiên để bố trí sắp xếp, bố cục công trình, kết hợp với những thành quả sáng tạo về quy cách kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và tổ chức trang trí một cách hợp lý làm tăng thêm vẻ đẹp cho các công trình nhằm đáp ứng công năng sử dụng, giá trị kiến trúc và nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của người dân làng xã. Đây thực sự là những di sản có giá trị của cha ông chúng ta để lại mà các thế hệ hôm nay cần trân trọng, giữ gìn.

 

                                                                            N.T.N

                                                              (Bảo tàng tỉnh Quảng Trị)

………………………………………………………..

 (1) Trịnh Hoàng Tân. Nghệ thuật chạm trổ nhà rường. Văn hóa Quảng Trị, số 9/1992.

(2) Đoàn Việt Bắc. Trang trí nộị, ngoại thất với đời sống xã hội. Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 1 năm 1979, tr. 30.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ