Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Sân khấu

Đi qua giông bão (Kịch ngắn của Nguyễn Thế Hùng)


Ngày cập nhật: 13/09/2021 00:00:00

Chủ đề về: “Công an nhân dân với sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống”

 

Lời bạt: Trong cuộc sống thường nhật nơi vùng đất Quảng Trị nắng và gió. Nơi eo thắt của khúc ruột miền Trung. Nơi ta nghe rõ tiếng gầm rú của rừng ngàn và cả tiếng ầm ào của sóng, mặn chát của biển. Tôi đã từng gặp những người con hiếu thảo, thủy chung, yêu vợ thương con. Bình dị, chân tình với bà con lối xóm... Họ là những chiến sỹ công an.

Cũng những con người ấy, họ sẵn sàng hy sinh cái riêng của bản thân, lao vào nhiệm vụ không toan tính, so đo, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, kể cả hy sinh tính mạng mình, vì hạnh phúc của nhân dân, vì bình yên cuộc sống.

Phải chăng, đó là “Hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân” trong vở “Đi qua giông bão”.

Cảnh trí: Căn nhà ấm cúng, gọn gàng, ngăn nắp. Ở giữa đặt một cái nôi trẻ em, bộ bàn ghế.

Nhân vật:

- Tâm: Đại úy cảnh sát. Tuổi: 40. Con rể bà Nhung

Bà Nhung: 70 tuổi. Mẹ Hà An

Hà An: Vợ Tâm: 30 tuổi

Một số cán bộ chiến sỹ công an

 

Màn mở:

Tâm đứng cạnh nôi, ngắm nhìn con, tràn ngập hạnh phúc. Âm nhạc nhẹ nhàng, du dương thanh bình, yêu thương.

Tâm:

(Với con) Ừ... (thầm thì) ngủ ngoan con nhé. (nhìn con cười hạnh phúc rồi nhẹ nhàng đọc mấy câu thơ:)

“Không thể đợi thêm ngày thêm tháng

Em ùa về cùng gió mùa thu

Không thể dấu sắc màu trong nắng

Em hồn nhiên duyên dáng đến không ngờ...*

(Càng đọc, bài thơ như cuốn hút, Tâm đi thẳng lên tiền đài giọng rung lên như ngâm, dáng điệu như nói chuyện với người thương yêu. Lúc này bà Nhung xuất hiện, nhìn thấy Tâm bà lặng lẽ quan sát).

Tâm:

(Tiếp)

“Chỉ vì em mà anh thương nhớ

Những cơn mưa báo hiệu mùa về

Chỉ vì hương mà anh duyên nợ

(Đọc chậm) Chỉ... vì... hương mà anh duyên ... nợ.*

(Bất thần bà Nhung rơi bát cháo trên tay xuống sàn nhà. Bà đứng lặng.

Tâm:

(Nghe tiếng động, giật mình quay lại) Kìa... mẹ... mẹ làm sao thế? (Bà Nhung vẫn im lặng - Tâm chạy đến). Mẹ. Mẹ có sao không? Mẹ thấy trong người thế nào? (Tâm chạy đến đỡ mẹ - bà lẵng lặng tránh mặt).

Tâm:

(Lo lắng) Hay mẹ ốm, để con gọi xe đưa mẹ đi...

Bà Nhung:

(Lạnh lùng) Tôi không bị làm sao cả. (Bất chợt bà nhìn chằm chặp vào mặt Tâm, rồi bà quỳ thụp xuống, nói nghẹn ngào.

Bà Nhung:

Tâm! Tâm ơi cho mẹ lạy con.

Tâm:

(Khó hiểu, đỡ bà dậy) Mẹ! Mẹ làm gì thế! Có chuyện gì mẹ nói cho con biết đi.

Bà Nhung:

(Van xin) Tội nghiệp con gái tôi, cháu tôi... (nghẹn ngào)

Tâm:

Mẹ. Thế là sao. Vợ con đang gặp chuyện nguy hiểm à?

Bà Nhung:

Con gái tôi, con Hà An - vợ anh nó không làm sao cả... nhưng...

Tâm:

(Sốt ruột). Nhưng làm sao... mẹ nói ngay cho con biết đi (im lặng)

Hình như mẹ đang dấu con điều gì đó, mẹ lấp lửng, úp mở. Trước đây mẹ có thế với con đâu?

Bà Nhung:

Trước khác - giờ khác (bóng gió) có ai đo được lòng người.

(Khóc) tội nghiệp Hà An con ơi!

Tâm:

(Lo lắng) Mẹ! Mẹ nói gì thế! Con không hiểu.

Bà Nhung:

Đúng, giờ thì làm sao anh hiểu.

Tâm:

Mẹ, chuyện gì. Mẹ nói rõ cho con nghe đi (bà Nhung định đi. Tâm ngăn lại - quỳ xuống, giọng năn nỉ). Mẹ - con lạy mẹ. Mẹ nói cho con biết đi (im lặng) Sao giờ mẹ đối xử với con như vậy... Trước đây mẹ thương con là đứa mồ côi... Mẹ coi con như con đẻ, mẹ chăm sóc, dạy bảo, chuyện gì mẹ cũng tâm sự với con, con cũng xem mẹ là người đã sinh ra con (im lặng) ngoài mẹ con có còn ai thân thuộc đâu... sao giờ mẹ nở đối xử với con như vậy? (Nghẹn ngào)

Bà Nhung:

(Lạnh lùng) Mẹ cũng không ngờ (im lặng ngắn)... con Hà An nói mẹ vẫn không tin... giờ thì...

Tâm:

(Van xin) Mẹ, thế là sao?

Bà Nhung:

(Lấy lại bình tĩnh) Hai hôm nay con Hà An nó khóc hết nước mắt, anh có biết không?

Tâm:

(Bối rối) Dạ... sao cô ấy không nói gì... Hay con đã làm gì để cô ấy buồn...

Bà Nhung:

Nó buồn, nó khóc là vì cái cô Hương xinh đẹp, duyên dáng nào đó đã hút hồn anh... anh si mê, anh chết mê chết mệt...

Tâm:

Sao cô ấy lại nghĩ ra cái cô Hương nào thế ạ! Ai lại thêu dệt nên chuyện này để chia rẽ vợ chồng con.

Bà Nhung:

(Đay nghiến) Cô Hương nào đó tôi chưa gặp, tôi cũng chưa kịp nghe ai đồn thổi... Nhưng con Hà An nó biết từ hôm anh về phép và hôm nay thì tôi đã hiểu.

(Nhại lại cách đọc thơ của Tâm)

“Chỉ vì em mà anh nhung nhớ

Chỉ vì hương mà anh duyên nợ”* ? (bất chợt nghiêm khắc)

Đấy! Nó là Hương nào? ở đâu... làm gì? Mà anh si mê, mà anh bỏ ăn, bỏ ngủ...

Tâm:

(Chợt vỡ òa - như trút được gánh nặng) Ôi... mẹ.

Bà Nhung:

Anh cười gì - anh sung sướng trên đau khổ của nó à?

Tâm:

(Vui vẽ) Mẹ - mẹ hiểu nhầm con rồi.

Bà Nhung:

(Vẫn không tha) Anh tưởng vải thưa mà che được mắt thánh à?

Tâm:

Con không dám. Con xin lỗi mẹ. (Chạy đến ôm mẹ, bà gạt ra - Tâm chạy ào trước sân khấu - như gào lên). Hà An - anh xin lỗi em. Em hiểu nhầm anh rồi. Anh yêu em! (quay lại) Mẹ! Con đang đọc bài thơ “Hương quế mùa thu” để tham gia biểu diễn giao lưu với bà con địa phương sắp tới. (Chạy đến bên nôi - cầm tập thơ đưa cho bà Nhung) Đây ạ, mẹ xem đi!

(Phấn chấn) Hà An ơi. Anh yêu em!

(Bà Nhung nhìn tập sách, quan sát Tâm, ngưng lặng chợt cười)

Bà Nhung:

(Cười) bây giờ thì mẹ tin (mắng yêu) cha bố anh! Thế mà mẹ...

(Chữa ngượng) mà cũng vì con bé hai hôm nay nó ôm mẹ khóc... giờ thì mẹ hiểu. Mẹ xin lỗi con rể.

Tâm:

(Vui vẽ) Dạ, mẹ hiểu là con vui rồi. Con biết tình yêu Hà An giành cho con mà... con không thể.

Bà Nhung:

Nó là chúa hay ghen (cười vui) yêu mà...

(Tiếng trẻ con khóc - Tâm nhìn mẹ và chạy đến bên nôi) Thôi chết... mãi vui chuyện mà quên, mẹ vào pha sữa cho thằng nhóc. Giờ mà mẹ nó vẫn chưa về.

Tâm:

(Nhìn con) Dạ, nhà con hôm nay có việc quan trọng phải giải quyết nên về hơi muộn.

(Với con) Bố con mình phải chờ con nhỉ...

Bà Nhung:

Ừ, mẹ giao nó cho anh đấy (mắng yêu) cha bố con nhà anh (đi nhanh)

Tâm:

(Cười với con) bà lại mắng bố con mình rồi (nựng con) tại Cu Sóc không ngoan mà...

(Chuông điện thoại)

Tâm:

Alô, tôi Tâm nghe đây... sao... báo cáo được... vâng 5 phút sau tôi sẽ có mặt. Xin chấp hành (quay lại với con, bồng con lên nói chuyện với con) Ôi thôi bố sắp phải đi công tác rồi con yêu... Cu Sóc ở nhà ngoan nhé... (Tiếng trẻ khóc, Tâm bồng trên tay đỡ con). Sao - bố làm con giận à? Thế bố ru con nha, con muốn bố Tâm ru bài gì... à (Tâm hát bài Hành khúc Công an nhân dân).

“Chúng tôi là chiến sỹ công an - trung với Đảng, suốt đời vì dân, khó khăn, gian khổ biết mấy. Theo lời Bác gọi ta quyết vượt qua. (Tiếng trẻ vẫn khóc) Ôi trời ơi... Cu Sóc lại tè lên người bố rồi (cười, nhìn con phấn khích) (hát tiếp) Cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau... này con yêu ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau... (vẫn khóc).

Bà Nhung:

(Ra cười vui) Gớm! Mưa gió như bão thế này, có cô cậu nào dở hơi ra đứng đó mà hôn nhau. Đưa cháu bà đây cho bà (Tâm đưa con cho mẹ) Ru con như thế làm sao Cu Sóc ngủ được (với cháu) Đúng không nào... (bà hát điệu ru con miền Trung) à... ơi...

“Mẹ thương con tình thương hiếu thảo

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn

Bây chừ đứt ruột con tằm

Câu ru thân phận nhọc nhằn biết bao”

Tâm:

(Cười hiền) Dạ... ngày xưa... bố con cũng đã từng hát ru như thế cho con ngủ.

(Bùi ngùi) Tại vì mẹ con mất sớm, con không có được may mắn nghe tiếng ầu ơ của mẹ con (ngưng lặng, bùi ngùi).

Bà Nhung:

(Một lúc) Thôi con, con đã lớn rồi, giờ đây bình yên, mẹ sẽ lại ru những đứa con của con, nó là cháu của bà (với cháu) Ngoại cưng Cu Sóc nhiều.

Tâm:

(Đến bên mẹ) Dạ... con cảm ơn mẹ rất nhiều. Mẹ đã từng thương con như con đẻ, giờ đây Cu Sóc lại được bà yêu bằng những lời ru ngọt ngào.

Bà Nhung:

Con cứ yên tâm phấn đấu công tác cho bằng anh bằng em, ở nhà đã có mẹ đỡ đần (mắng yêu) cha bố anh! (cười) đó cái tật, mẹ không sửa được, cứ vui lên là tru tréo: cha bố anh.

Tâm:

(Cười hạnh phúc) Dạ, không sao đâu, con thấy vui mà.

Bà Nhung:

Nhưng người không quen là nó kỳ lắm. Ừ (với Cu Sóc) cha bố Cu Sóc là...

Tâm:

(Cười) Mẹ, con vừa nhận được lệnh là phải có mặt tại đơn vị nhận nhiệm vụ ngay.

Bà Nhung:

Sao? Mưa gió như bão thế này con đi đâu bây giờ.

Tâm:

Dạ, càng mưa bão, càng không bình thường thì chúng con cần phải có mặt ạ.

Bà Nhung:

(Ngờ vực) Nhưng con đang nghỉ phép cơ mà... mới được 02 ngày lại đi là sao?

Tâm:

(Động viên mẹ) Dạ, công việc chúng con là thế. Có lệnh là đi (đến ôm mẹ và con) “Thức cho dân ngủ, gác cho dân yên” mà mẹ (xem đồng hồ). Con gửi lại cái áo con đang mặc để làm gối đầu cho Cu Sóc cảm nhận mồ hôi của bố cho đỡ nhớ. Thôi con đi đây, con chào mẹ (nhìn, hôn con, đi). Xong việc con lại về. Nhờ mẹ nói cho vợ con là con phải đi công tác gấp (ra nhanh).

Bà Nhung:

(Bần thần) Khổ, thế đấy. Biền biệt 03 tháng trời trên tuyến đầu chống thằng giặc Covid-19 tận cùng biên cương. Về nghỉ phép thăm vợ sinh, nhìn mặt con, mới được 02 ngày lại khăn gói lên đường. (Sực tỉnh, bà lần tìm trong túi). À, Tâm, chai dầu gió...

(Bà đặt cháu vào nôi/sấm chớp - tiếng mưa gió thổi ầm ầm).

Bà Nhung:

(Một mình) Khổ... đúng là vùng đất “Ô châu, ác địa” nắng thì cháy thịt cháy da, ruộng vườn nứt nẻ. Mưa, lụt, bão, lốc thì thôi rồi, lút mặt lút mày... dịch giã thế này nữa, rồi không biết làm gì ra ăn đây...

(Mưa gió vẫn không ngớt, tiếng trẻ khóc. Hà An xuất hiện, người ướt sủng).

Hà An:

(Chạy đến nôi - nhìn con) Mẹ (định bồng con)

Bà Nhung:

(Vội chạy đến) Chết! Ướt sủng thế kia, cởi áo mưa ra, ướt thế không bồng cháu bà được (với cháu).

Hà An:

(Vào trong, vội ra) Mẹ! Anh Tâm đâu rồi mẹ?

Bà Nhung:

Đi rồi.

Hà An:

Đi đâu (quan sát mẹ) Hờ .... hay là mẹ trêu con (gọi với) Anh Tâm ơi!

Bà Nhung:

Về đơn vị có việc khẩn, nói mẹ báo dùm vợ con biết.

 

Hà An:

Nhưng đang được nghỉ phép năm kia mà... Đêm qua lại kêu nhức đầu, con ghé hiệu thuốc nên về chậm, con không hiểu.

Bà Nhung:

Thì thế. Nhưng có lệnh là đi, thời bình cũng như thời chiến.

Hà An:

(Nghi ngờ) Đi công tác... hay là... (đột ngột với mẹ) mà mẹ có nghe điện thoại anh ấy nói không?

Bà Nhung:

(Hiểu ý, bà cố tình trêu) Nghe nó nói thế, chứ mẹ có nghe được trực tiếp đâu.

Hà An:

Thế có việc đột xuất quan trọng, mưa bão thế này mà không nói cho mẹ biết à?

Bà Nhung:

Việc cơ mật làm sao nói được.

Hà An:

Hừ... cơ mật... con nghi lắm.... có khi đi tìm gặp cô Hương cô Quế gì đó cũng nên.

Bà Nhung:

(Giả vờ không biết) Hương, Quế nào? Sao lại là Hương...

Hà An:

(Bực tức) Con chả biết, tưởng là được về phép thăm vợ con... ai ngờ cứ đêm đặt lưng xuống là ngáy... là lẩm nhẩm làm thơ trong mơ.

Bà Nhung:

Nó mơ gì?

Hà An:

(Giọng đay nghiến)

“Chẳng lẫn được... cái làn... hương ấy

Chỉ một lần đã phải lòng nhau

Anh tê dại...!”*

Thế đấy, vợ mình là Hà An, mà cứ réo suốt đêm là Hương là Quế. Điên cả đầu (bà Nhung cười) Sao mẹ cười, mẹ vui lắm à?

Bà Nhung:

(Cười ngặt nghẻo) Ừ... vui... nhìn bộ dạng con, mẹ không đừng được...

Hà An:

(Tức tối) Bộ dạng thì sao? Không đừng thì sao? Thật không hiểu được.

(Đọc mỉa mai) ... “Chỉ vì hương mà anh duyên nợ...” (bỏ đi)

Bà Nhung:

(Gọi lại) Này... không có cô Hương nào đâu (đưa tập thơ) nó đang học thuộc bài “Hương quế mùa thu” * của cái ông nhà thơ “Nhặt lên từ bùn” * nào đó. Sắp tới giao lưu văn nghệ với đoàn thanh niên địa phương. (Hà An giành tập sách, nhìn, ngắm, đọc...)

Hà An:

(Ngượng ngừng) Thế mà... con cứ tưởng... con xin lỗi mẹ.

Bà Nhung:

Mà chị cũng xem lại... giảm bớt nồng độ ghen là vừa. Chứ không lại....

Hà An:

(Ôm mẹ, làm lành) thì con là con gái mẹ mà... “không giống lông thì cũng giống cánh...”

Bà Nhung:

(Vui) Thôi đi chị!

Hà An:

(Chữa thẹn) Mà... chỉ tại cái ông nhà thơ này này (chỉ vào tập thơ)

Bà Nhung:

(Mắng yêu) Cha bố nhà cô (tiếng trẻ khóc - Hà An chạy đến bên con)

Hà An:

(Nựng con) Sao? Con đói à... hay nhớ bố Tâm (với mẹ) con đã nói anh để lại cái áo cho con quen mùi mồ hôi của bố để đỡ nhớ. Thế mà... (với con) bây giờ mẹ con mình đều nhớ bố nhỉ (bùi ngùi).

Bà Nhung:

(Đồng cảm, lặng lẽ ôm vai con gái, đưa áo của tâm) Mẹ hiểu... con gái ạ... ngày xưa mẹ cũng thế...

Hà An:

(Nhìn vào mắt mẹ) Mẹ... con xin lỗi đã làm mẹ buồn. (Ngưng lặng - nói trong nước mắt).  Nhưng con buồn. Thực sự con cảm thấy cô đơn mẹ ạ. Yêu nhau 4 năm ròng rả, cưới nhau được 2 năm mà cứ đi biệt hết đợt này, tháng khác, hết truy tìm tội phạm thì đến ma túy, chưa xong thì giờ cắm chốt trên vùng biên chống dịch Covid-19, con không hiểu vì công việc hay là muốn tránh mặt mẹ con con.

Bà Nhung:

Con đừng nghĩ thế. Mẹ thấy thằng Tâm nó một mực thương vợ - yêu con.

Hà An:

(Cướp lời) Nhưng con không hiểu.

Bà Nhung:

Bình tĩnh con, có gì hẵng tính.

Hà An:

(Tức giận) Tính cái gì? Mẹ xem, ai đời đang yên đang lành nơi tỉnh lỵ, nơi đô hội, điều kiện thuận lợi phấn đấu, học tập. Đùng đùng làm đơn tình nguyện về cơ sở, mà là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, hang cùng hiểm trở, trăm đường thiếu thốn (hờn tủi) không chừng ăn phải bùa mê thuốc lú rồi cũng nên.

Bà Nhung:

Thì nó cũng đã bàn bạc thông cảm với con rồi.

Hà An:

Nhưng con không chịu. Mẹ nghĩ xem ai đời lại đồng ý cho chồng sống nơi hiểm nguy, khó khăn.

Bà Nhung:

Nhưng nó đúng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để giành phần ai”.

Hà An:

Nhưng ở đây điều kiện tốt hơn để học tập, phấn đấu sự nghiệp.

Bà Nhung:

Về cơ sở cũng là môi trường rèn luyện tốt cho sự nghệp của nó mà.

Hà An:

(Khó hiểu) Sao lúc nào mẹ cũng bênh anh ấy chằm chằm thế! Con là con gái mẹ mà, Cu Sóc là cháu ngoại, mẹ không thương à!

Bà Nhung:

Mẹ có bênh nó đâu, nhưng mẹ thấy đúng, nó là công an của dân về sát với dân, cùng nhân dân là đúng.

Hà An:

Đúng! Mẹ lúc nào cũng đúng, thằng con rể của mẹ đúng (một lúc) Mẹ xem, mấy đứa bạn con, chồng nó sáng xách cặp đi, tối xách cặp về. Ngày nghỉ, tết lễ vợ chồng, con cái đưa nhau đi tham quan du lịch, nhìn mà thèm. Cùng trang lứa mà sao chúng nó có số hưởng thế không biết (ấm ức). Còn con gái mẹ, đến ngày vác bụng bầu đi sinh, không có chồng bên cạnh chăm sóc, mà chỉ được nghe lời động viên vợ qua điện thoại. Tình yêu thương rồi cũng qua đường online. Mẹ xem, thế mà cũng chịu được à?... (khóc lặng).

Bà Nhung:

Mẹ hiểu, mẹ thông cảm với thằng Tâm. Mẹ chia sẻ với con gái mẹ, cháu ngoại của bà. Nhưng nhiệm vụ với tuyến đầu “chống dịch như chống giặc” cùng thức thâu đêm canh cho sự an toàn nơi vùng biên, không thể bỏ nhiệm vụ để về chăm vợ, nghe tiếng khóc chào đời của con được. Mạnh mẽ, đàn ông là thế nhưng gọi điện nói chuyện nhờ cậy mẹ thay nó chăm vợ, chăm con mà nó cứ khóc hoài... mẹ cũng đứt từng khúc ruột con ạ (ôm Hà An vào lòng).

Hà An:

(Lặng) Mẹ... con hiểu... mẹ thông cảm cho con, cũng vì nhớ chồng, thương anh ấy, sợ anh ấy khổ mà con...

Bà Nhung:

(Vỗ về)  Làm vợ của người chiến sỹ công an thì phải biết sự nghiệp của chồng là “gác cho dân vui, thức cho dân ngủ”, bình yên của đất nước, hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống (xa xăm) để cho nhân dân có được cuộc sống bình yên. Trong thời bình, người chiến sỹ công an nhiều khi phải trả một cái giá đắt lắm con gái ạ.

Hà An:

(Hãnh diện) Mẹ nói cứ y như là....

Bà Nhung:

(Cười vui) Là sao? Cha bố nhà cô.

Hà An:

À mẹ ơi! Bố chồng con ngày xưa cũng là...

Bà Nhung:

Bố chồng con, trước đây là lực lượng an ninh Quảng Hà, hoạt động trong vùng địch tạm chiến. Một người thông minh, gan dạ, mưu trí, hồi đó bọn ác ôn nghe đến tên ông cũng đã khiếp vía, kinh hồn.

Hà An:

Nhưng sao mẹ biết rõ về bố chồng con (Đùa vui) hay là ngày xưa mẹ...

Bà Nhung:

(Mắng yêu) Cha bố cô! Mẹ và bố mẹ chồng con là bạn cùng học, rồi sau đó cùng hoạt động ở cơ sở nhưng khác địa bàn.

Hà An:

Bạn học cùng Trường Nguyễn Hoàng phải không mẹ?

Bà Nhung

Ừ, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai người lặn lội đi tìm nhau suốt mấy năm ròng mới gặp được, rồi báo cáo tổ chức xin cưới (thở dài). Khổ .. rồi mấy năm sau mới có được thằng Tâm, cảnh cha già con cộc, ông bà tội lắm (bùi ngùi). Niềm vui chưa tày gang thì bà ấy mất vì tái phát vết thương, ông ấy cảnh gà trống nuôi con, khổ cực trăm bề.

Hà An:

Thời bao cấp vất vả và khó khăn lắm phải không mẹ?

Bà Nhung:

Ừ, các cô, các cậu sinh ra trong thời bình, cuộc sống đầy đủ, thanh bình là hạnh phúc lắm. Ngày trước thiếu thốn là vậy nhưng tình người, tình đồng chí yêu quý nhau lắm, người góp lon gạo, thìa đường, hộp sữa nuôi thằng Tâm. Nhờ trời thương, nó cũng mau ăn, chóng lớn, vậy rồi khó khăn cũng qua. Cái tên Tâm cũng là đồng đội an ninh Quảng Hà đặt cho, giờ nó đúng là thằng tốt. (Với con) lấy được chồng tốt cũng là được cục vàng đó con ạ. (cười)

Hà An:

Mà bố chồng con mất cũng đã 16 năm rồi mẹ nhỉ?

Bà Nhung:

(Gợi buồn) Ừ cũng vào mùa mưa bão này, trong một đợt cùng đồng đội truy quét bọn buôn bán vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới, bọn chúng điên cuồng nổ súng chống trả, ông ấy không may bị trúng đạn và hy sinh, ai cũng tương tiếc, khóc cạn nước mắt.

(Bỗng nhiên gió bão nổi lên, mưa dữ dội, sấm chớp, mây đen vần vũ cả bầu trời, tiếng trẻ nhỏ).

Hà An:

(Chạy đến bên con) Ôi! ừ, gió bão làm con mẹ giật cả mình à. ừ, ngoan nào.

Bà Nhung:

(Nói với mình) Khiếp! Trời đất chi mà ác, khổ quá. Mưa suốt một tháng trời không dứt, mưa rồi lụt, nước lụt vừa rút thì gió bão, không biết trời còn hành hạ chi thêm nữa.

(Ba chiến sỹ công an xuất hiện, có người còn mặc nguyên áo phao, áo quần lấm lem bùn đất. Trên tay chiến sỹ ôm một bộ quần áo công an và mũ công an, họ lặng lẽ bước vào nhà, nhìn bà mẹ, rồi quay lại nhìn Hà An.

Chiến sỹ 1:

Mẹ!

Chiến sỹ 2:

Chị Hà An.

(Bà Nhung quay lại, bất thần, hết nhìn các chiến sỹ rồi lại nhìn Hà An, linh tính báo cho bà chuyện hệ trọng sắp xảy ra, Hà An ôm chặt đứa bé vào lòng, mắt không rời những đồ vật trên tay chiến sỹ công an, bà Nhung chậm rãi đi từng bước nặng nề đến bên con gái.

Chiến sỹ 3:

(Cố kìm nén) Mẹ ơi! Chị An ơi! Anh Tâm...

Hà An:

(Lao đến) Chồng tôi làm sao?

Bà Nhung:

(Cố giữ bình tĩnh) Thằng Tâm làm sao?

Chiến sỹ 1:

Dạ... đồng chí Tâm....

Bà Nhung:

(Vội ngăn lại) Đừng... đừng nói gì cả.

Hà An:

(Lao đến chiến sỹ 1) Nói đi, anh Tâm đâu?

Chiến sỹ 1:

(Nghẹn ngào) Đồng chí Tâm đã

Bà Nhung:

(Tâm trạng lạnh lùng) Đừng! Đừng nói mà (Bà đổ sụp xuống)

Hà An:

(Lao ra ngoài) Không! Anh Tâm.

Chiến sỹ 2:

(Chạy theo giữ Hà An) Chị Hà An.

(Hà An chạy khuất).

Bà Nhung:

(Gào lên) Thằng Tâm nó đã gặp chuyện gì? Nói đi (Bà đứng dậy đi đến nhìn mặt các chiến sỹ công an, im lặng).

Chiến sỹ 1:

Chúng con đang làm nhiệm vụ di dời dân về nơi an toàn để tránh lũ, thì được báo các em học sinh trên đường đi học về, lội qua suối đã bị nước lũ cuốn trôi. Đồng chí Tâm cùng chúng con và lực lượng thanh niên địa phương đã khẩn trương có mặt tại điểm nguy hiểm (chiến sỹ lặng lẽ dìu Hà An vào, đầu tóc rũ rượi).

Cảnh phục hiện:

Sấm chớp, gió giật từng cơn như quất vào da người đau buốt, mưa xối xả, con suối nước cuồn cuộn chảy, nước mỗi lúc một dâng cao, đỏ ngầu. Bên kia bờ suối một tốp 10 em học sinh (các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở) vừa đi học về lội qua suối không may nước cuốn trôi các em.

- Tiếng các em kêu van cầu cứu.

Tiếng người dân bản:

Các đồng chí công an cứu giúp các cháu đang bị lũ cuốn trôi.

ở giữa dòng suối, các đồng chí ơi!

Tiếng một người:

- Các cháu yên tâm, các chú công an đang tìm cách cứu.

- Giữa dòng suối các em đang đưa những cánh tay cầu cứu.

- Các chiến sỹ công an, lực lượng thanh niên, bà con dân bản lao ra suối, tiếng la hét, tiếng khóc, gào thét, tiếng gọi thất thanh của những người lớn và trẻ nhỏ.

- Các chiến sỹ công an vật lộn với thác lũ đưa được một số em vào bờ,  ở giữa dòng là một cánh tay yếu ớt đưa lên khóc lóc, kêu cứu.

Tiếng người:

Còn 2 cháu đang bị lũ cuốn, nhanh lên cứu các cháu bà con ơi! Các đồng chí công an ơi! Cứu cứu!

Tâm:  

(Với các chiến sỹ) Các cậu lấy quần áo của tôi ủ ấm cho các cháu. Tôi sẽ bơi ra tìm cách cứu, dìu các cháu vào bờ.

Chiến sỹ:

Không, anh để tôi bơi ra cứu. Anh bơi ra lần nữa sẽ đuối sức, không chịu được đâu!

Tâm:

(Lao nhanh ra giữ dòng, hét to) Không sao đâu, các cậu yên tâm. (Với các cháu) các cháu bình tĩnh, đừng hoảng hốt, chú sẽ đưa các cháu vào bờ an toàn.

(Hết cảnh phục hiện) Lưu ý: Đoạn dựng phục hiện độ dài, ngắn tùy thuộc vào đạo diễn nghiên cứu, dàn dựng, đảm bảo tính bi hùng, dữ dội, hình ảnh các chiến sỹ công an vật lội với lũ cứu người, Cảnh Tâm chỉ huy tìm biện pháp ứng cứu các cháu bị lũ cuốn.

Chiến sỹ 1:

(Xúc động) Lao ra giữa dòng suối, tiếp cận được các cháu, đưa được các cháu vào gần bờ thì bất thần khối đất đá trên núi đổ ập xuống, đất đá và nước cuốn vùi lấp anh Tâm và các cháu nhỏ, cảnh tượng diễn ra trước mắt mọi người mà không có cách gì chống đỡ kịp (nghẹn ngào).

Hà An:

Anh ơi! Sao lại thế hở anh.

Chiến sỹ:

Hiện nay các lực lượng đang dùng mọi cách để tìm kiếm bằng được thi thể anh Tâm và các cháu nhỏ.

Bà Nhung

(Hoảng loạn) Trời tối thế này thì làm sao thấy được đường về hả con ơi (khóc)

Chiến sỹ 2:

(Đến bên mẹ) Trời tối, mưa lũ nhưng các lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm.

Hà An:

Anh ơi. Tâm ơi! Sao anh nỡ bỏ em và con mà đi, em có lỗi với anh nhiều lắm, anh ra đi không nói với mẹ con em một lời.

Bà Nhung:

(Với mọi người) Mẹ biết, để có được sự bình yên là hiểm nguy luôn rình rập, nhưng sao lại đến vào lúc này (Bà lặng nhìn bộ trang phục và mũ công an trên tay chiến sỹ, từ từ đón nhận, chậm rãi tiến về phía trước... nghẹn ngào).

Bà Nhung:

Tâm ơi! Về đi con, mẹ sẽ ru con ngủ, mẹ biết con thèm nghe một tiếng ầu ơi, đúng không? (nhìn vào trang phục nói chuyện như là Tâm đang hiện hữu) (điệu ru con miền Trung).

À ơi.... Một giọt máu đào góp nên chiến thắng/Một lời cay đắng, một thuở yên lành.

Bây chừ giông bão đã qua/Mẹ trông hình bóng từng đêm con về à ơi .... (khóc nghẹn).

 (Hà An lặng lẽ đến bên mẹ - mẹ ôm Hà An - không kìm được lại khóc).

Hà An:

Mẹ! Anh đi rồi - mẹ con con sống sao?

Bà Nhung:

(Vỗ về) Còn có mẹ đây, có bà con anh em mà.

Chiến sỹ 2:

Dạ, có chúng con.

Chiến sỹ 1:

Chúng con nguyện nối tiếp bước chân người anh thân yêu. Người đồng chí, đồng đội mà chúng con trân trọng yêu thương để giữ gìn sự bình yên cuộc sống của nhân dân.

Bà Nhung:

Mẹ tin các con - nhân dân tin ở các con.

Các chiến sỹ:

Chúng con cảm ơn mẹ.

(Họ xiết chặt thành một khối - âm nhạc trầm hùng, dần chuyển tươi sáng)

 

Hết

Quảng Trị, tháng 7 năm 2021

 

* Thơ Nguyễn Hữu Thắng

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ