Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Gương mặt văn nghệ sĩ

Văn nghệ Quảng Trị thuở ấy


Ngày cập nhật: 14/09/2016 00:00:00

TẤN HOÀI  

 

          Thế mà đã gần bảy mươi năm - ngang tuổi của một đời người đã vào cõi thọ. Nhắc đến thời gian là để nói về những con người mà là những con người hoạt động văn nghệ. Những con người ấy, nhiều nơi trong tỉnh đã tụ nhau lại ở chiến khu Ba Lòng cũng như nhiều người dân ở đồng bằng đã “tản cư” lên ở đây vì ở đồng bằng giặc Pháp chiếm và đóng đồn nhiều chỗ.

          Quảng Trị đã có truyền thống về văn chương. Ngày trước, các cụ đỗ đạt khoa cử thường làm thơ Đường để thù tạc, để phúng viếng hoặc tặng biếu nhau. Họ làm phú để nói nhiều sự kiện trong một bài, rồi câu đối để treo những nơi công cộng đền chùa, đền miếu hoặc trong nhà riêng, còn thơ thì để gặp gỡ ngâm vịnh cùng nhau. Nhưng trong dân gian thì xuất hiện loại vè, một thể thơ lục bát thường là dài để kể một câu chuyện nào đó trong làng xã. Cũng có loại vè ngắn hơn, mỗi câu chừng bốn năm chữ dùng cho trẻ em nhiều hơn và thường là dân dã, mộc mạc.

          Và như vậy, vùng chiến khu kháng chiến Ba Lòng bỗng hình thành một đội ngũ làm thơ - làm thơ là chủ yếu. Lúc này ở nhiều nơi hoặc các tỉnh khác đã có những nhà thơ cách mạng. Tên tuổi Tố Hữu cũng đã quen dần với lớp trẻ ở chiến khu.

        Trong không khí kháng chiến, người ta đã bắt đầu làm thơ theo những đề tài cách mạng hay tâm sự của những người hoạt động chống Pháp. Phải kể những tên tuổi bước đầu đó như Vĩnh Mai, Hồng Chương, Tân Trà, Lương An, Dương Tường, Chế Lan Viên.

 

 Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn, Quảng Trị thời kháng chiến chống Pháp.
Từ trái qua phải: Đứng: Hồng Chương, Chế Lan Viên, Tân Trà, Ngồi: Lương An, Vĩnh Mai  - Ảnh tư liệu

 

          Vĩnh Mai - Chính là Nguyễn Hoằng, người An Tiêm, Triệu Phong. Anh là nhà cách mạng đã từng bị tù ở Ban Mê Thuột và đã từng là cấp lãnh đạo của tỉnh. Những năm đầu đó người ta thường hay nhắc đến bài thơ “Khóc Hoài”. Anh mở đầu bài thơ rất “Quảng Trị”.

Tau với mi hẹn nhau từ khu bộ

Lúc trở về cố sáng tác văn chương

Tau sửng sốt nghe tin mi đã chết

Tau buột miệng kêu lên thế là hết

Tau mất thêm một thằng bạn văn chương!...

          Hồng Chương - Là Trần Mảy, quê Phương Sơn, Triệu Phong rất quen thuộc với bài “Đội biệt động đường số 9” miêu tả cuộc chiến đấu gian khổ của đoàn quân ở đường số 9:

… Trưa nghỉ chốn nước trong suối mát

Bộ áo quần độc nhất giặt phơi

Tắm xong lại khoác vào người

Lên đường hối hả theo lời nước non…

… Trống tự do dựng nước đắm say

Toàn dân nỗ lực đắp xây thái bình

          Tân Trà - Tên thật là Lê Đình Hiên, quê ở Hải Thọ, Hải Lăng. Ông đã xuất bản: Thơ bốn câu của Tân Trà, Mắt biển.

          Ông chính là một thầy giáo, năm 1949 đã từng là Trưởng Ty Thông tin Quảng Trị. Ông thường làm thơ tứ tuyệt.

              Sông Thạch Hãn

Nước tỏa hương đàn thơm quá trăng

Nguồn Hàn nuôi dưỡng sức nghìn năm

Nhận chìm tàu giặc ba trăm chiếc

Một khúc sông thôi đã Bạch Đằng

          Nguồn Hàn chính là tên của nguồn sông Thạch Hãn - vì chữ Hãn có người đọc là Hàn. Nguồn Hàn không phải bắt nguồn từ Ba Lòng mà còn trên xa nữa nhưng những văn nghệ sĩ tụ về đây muốn nói lên cái bắt đầu một sự tập hợp của anh em văn nghệ dù chỉ ở chiến khu Ba Lòng. Khoảng 1950 có thêm một lực lượng mới là Mặt trận Bình Trị Thiên sau là sư 325. Cộng với lực lượng quân đội. Phía quân đội đã có những cây bút quen. Vì trong quân đội, chúng tôi có tờ báo Vệ quốc quân ở trên chiến khu, còn ở Trung đoàn 95 có tờ báo Người lính. Trong đó có thơ văn. Tờ Vệ quốc quân do Nguyễn Khắc Thứ viết văn và tôi - Trần Quốc Tiến bút hiệu Tấn Hoài (sau đổi tên là Quân đội nhân dân Bình Trị Thiên). Ở đây, Nguyễn Khắc Thứ quê An Cư (xã Triệu Phước) chuyên viết văn xuôi và Trần Quốc Tiến là họa sĩ trình bày và minh họa cho báo. Khi nào làm thơ hay viết văn tôi lại ký là Tấn Hoài. Trong số báo Vệ quốc quân đầu tiên, Nguyễn Khắc Thứ có truyện ngắn “Người công binh trên đường số 1”. Trong những số tiếp theo lại có truyện ngắn “Chiếc khăn tang”. Chúng tôi phải đưa báo vào tận chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên) vì ở đấy có nhà in của Quân đội. Nói là nhà in nhưng cũng chỉ có 2 máy, một in 16 trang và máy nhỏ hơn in 8 trang. Những gì thuộc về quân đội đều in ở đấy. Những bài thơ tôi viết lúc ấy để nói về kháng chiến, về chiến khu: Bài Núi đi, ghi lại một buổi hành quân:

Núi đi theo mãi đoàn quân

Thao thao cùng bóng đoàn quân giữa rừng

Ô hay núi đứng trập trùng

Lòng ta riêng tưởng núi cùng đi theo…

….

Rừng xanh không có mặt trời

Nhưng rừng xanh có bóng ngời quân đi…

Đặc biệt có mấy bài thơ dài: Cười trong lá, hát trong cây… Bây giờ đọc lại còn giật mình, không hiểu vì sao mình còn sống được đến ngày nay:

… Cười khi gió tạt

Giữa chòm mung sên hút máu còn tanh

Muỗi họa đàn nghe hoàng hôn đổ

Vượn hú dài nức nở bình minh

Bàn chân dốc mỡ gập ghềnh

Mưa trơn lối hẹp cọp rình bên khe…

… Bứt tranh rừng lợp mái

Chặt cây rừng mở lối

Giường tre, sàn gỗ nghiêng lưng

Lòng vui chung với núi rừng xanh xanh

Câu Nhi suối lội còn dài

Ba Lòng đò nặng ngược xuôi mấy chiều…

Hay trong bài Trăm năm rừng cũ:

Dốc làng Hạ buổi mờ sương tiếng hú

Vượn đu cành thân lính cũng tiều phu

Chẳng quê hương vẫn nơi này quê mẹ

Bởi non sông chung một gánh căm thù.

Và khi nói về quê hương Quảng Trị chúng ta, tôi rất tự hào:

Không giát vàng son mà chói lọi

Không hoa hương vẫn dậy làn hương

Khi lịch sử viết bằng trang đá sỏi

Mẩu cuội nào cũng chuyển hóa kim cương

Đấy là bốn câu kết của bài thơ Đất kim cương.

Không biết các bạn trẻ bây giờ có cái niềm tự hào giống tôi như thế không?

          Văn nghệ Quảng Trị ngày ấy không hề có trụ sở hay phương tiện gì cả như bây giờ, nhưng chỉ là những tấm lòng, những tâm hồn yêu quê hương yêu thơ văn mà tụ lại với nhau mà thôi. Đáng quý là biết tụ họp với nhau - nghĩa là đoàn kết để cùng thực hiện một chí hướng, một tâm nguyện cùng đất nước để đi đến độc lập thanh bình. Bệnh tật, đau yếu, nhiều hiểm họa bom đạn, sự khắc nghiệt khổ sở giữa núi rừng Trường Sơn nhưng cùng vượt qua để mang những sản phẩm trí tuệ tinh thần đến cho người dân. Thật đáng trân trọng những vần thơ, bài nhạc, những trang sách còn lại.

          Về phía dân sự, có hai nhà thơ Lương An và Dương Tường là trụ cột. Họ cùng ở Ty Thông tin Quảng Trị, nơi chính Lê Đình Hiền (Tân Trà) từng là lãnh đạo.

          Lương An: Tên hồi đi học là Nguyễn Bí, quê ở Tài Lương, trước khi đi kháng chiến đã từng là Thừa phái Bộ Lại do Thái Văn Toản - người Quy Thiện (Hải Lăng) làm Thượng thư. Ông này cũng có làm thơ. Lương An làm thơ. Bài thơ nổi tiếng, được nhiều người thuộc nhất của ông là bài “Cô lái đò”:

Đò em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ lên vùng chiến khu

Ngày đông nước cả sóng to

Lạy trời thuận gió lên cho kịp về

…..

Ai về bến Trấm thì lên

Về cho sơm sớm mưa đêm khó chèo

Đấy là bài thơ viết về kháng chiến của ông năm 1948.

Sau ông làm báo Thống nhất và khi về hưu, ông dịch sách chữ Hán Mai Am và Tùng Thiện Vương.

Còn Dương Tường, quê Cang Gián (Gio Linh). Làm thơ có những bài như: Cây bí dân quân được nhiều người đọc:

Tầng tầng cây bí bò quanh

Lá xanh nhìn lại thêm xanh mắt người

Bông vàng như chén rượu mời

Mẹ già giục hái gửi người bát canh

Hay bài Tiếng cây dương Mỹ Thủy:

Ta là dương Mỹ Thủy

Tha thiết mối thù xưa

(giặc Pháp đã giết dân làng Mỹ Thủy đến hơn 500 người từ già đến trẻ)

… Muôn đời sau dằng dặc

Có khuây hận thù xưa

Ta gửi trời vi vút

Thương xót đến bao giờ

1949

          Tiếc là anh mất sớm với tai nạn chết đuối trên sông Cửa Việt khi anh đã cứu sống được năm, bảy người bị chìm đò. Cuối cùng anh đã đuối sức. Anh đã được truy tặng là liệt sĩ để lại người vợ trẻ góa bụa và chưa có con cái gì.

          Văn nghệ Quảng Trị tuy không đông lắm, nhưng cũng đã lưu lại được nhiều tác phẩm về thơ văn. Số đông hoạt động với tôi thời ấy đã vơi dần đi nhiều. Nhìn lại cũng không còn mấy từ thuở ngày xưa. Tôi may mắn “sống sót” đến nay với 88 tuổi rồi, nhớ lại ít kỷ niệm về bạn bè cùng hoạt động chắc là không đầy đủ. Nhưng cũng là tấm lòng với quê hương và với đồng nghiệp thời ấy và bây giờ.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ