Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Gương mặt văn nghệ sĩ

Hồ Chư, chiếc lá về rừng


Ngày cập nhật: 14/09/2016 00:00:00

  ĐÀO TÂM THANH

        Một ngày cuối năm, nghe giọng Hồ Chư như ấm nóng cả một buổi chiều mưa lây phây hạt: “Chú về anh, làm chén rượu”. Tôi về, đã thấy Hồ Chư trán nhẫy mồ hôi, đôi mắt hình hạt lựu kẽ một nét tinh nhanh qua khuôn mặt đôn hậu và sáng lên mỗi khi anh cười. Mâm rượu đơn sơ nguội ngắt vì có lẽ anh đợi tôi đã lâu. Khi rượu cườm cườm, anh thường hay nói hoặc đọc thơ lẫn sang giọng Huế. Chỉ chỗ cho tôi ngồi gần anh, rót chén rượu đựng trong chiếc ly màu gan gà, anh bảo: “Mầng trăm phần trăm đi thằng em, nói theo phương pháp luận thì mày là một thằng… tau quý!”. Anh nói rồi cười giòn tan. Cười rung cả cái bàn gỗ thô mộc. Đồ nhậu chỉ là những khoanh giò heo chặt ngang, luộc kỹ. Anh lấy chút muối hạt giã chập chập với ớt xanh bỏ vào bát tôi, giục giã: “Ăn đi em. Muối anh đem từ rừng về đó”. Đó là một trong những bữa rượu phiêu bồng cuối cùng anh em tôi gặp nhau. Sau đó không lâu thì anh bị tai nạn giao thông, vào viện cầm cự đâu được vài tuần thì mất. 

 

Hồ Chư (bên trái) và tác giả trong lần đi thực tế sáng tác tại đảo
Lý Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: T.T

 

        Quen thân với Hồ Chư đã lâu, tôi nghiệm ra một điều, “từ khóa” để mở cửa tâm hồn anh, để anh trải lòng chính là sự chân thật. Có bận, tôi hẹn với Hồ Chư lên quê anh, một góc núi mù sương nơi xã Mò Ó. Mưa trắng đất trắng trời, Hồ Chư không tin là tôi lại có mặt ngay nơi rẻo đường anh hẹn rất đúng lúc. Anh chậm chạp và thư nhàn khi cuốc bộ dọc đường cái quan, nhưng khi vào đến bản làng quê anh, Hồ Chư như một con người khác, nhanh nhẹn như một con sóc, hào sảng như một hiệp sĩ, đằm thắm như một nhà thơ và có lúc trầm tư như một triết gia. Trên ngôi nhà sàn tươm tất, anh thường bắt mặt về những xa xanh và lật giở cho tôi xem những nhát cắt ký ức thời thơ bé. 

       Thuở đất nước còn hai miền, Mò Ó quê anh nằm sát cạnh đường 9, dưới tầm đạn từ điểm cao 241 của giặc. Năm 1959, tròn 9 tuổi, Hồ Chư đã rủ hai người bạn cùng trang lứa “lặn” vào rừng sâu, đến với cách mạng và được “trưng dụng” ngay làm liên lạc nhờ sự lanh lẹ và sáng dạ thiên bẩm. Một năm sau đó, Hồ Chư được đưa ra học ở xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh). Năm 1974, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, anh tình nguyện trở về Vĩnh Hà trong cương vị thầy giáo dạy văn cấp 2 để trả ơn nơi mình đã được học cái chữ Bác Hồ. Thời bấy giờ, Hồ Chư là một trong những trí thức người Vân Kiều đầu tiên ở Quảng Trị có bằng đại học. “Dần dà rồi cũng quay về cố hương”, Hồ Chư xê dịch từ cương vị lãnh đạo Trường Bổ túc văn hóa cán bộ, Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, Trưởng phòng Chính sách dân tộc của Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh, Trưởng Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Đakrông đến năm 2009 về nghỉ hưu và tập trung vào công tác nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, sáng tác văn học. 

       Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Hồ Chư một lòng trăn trở với tương lai con trẻ giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi tầm nhìn bị che khuất bởi núi non, sông suối và giăng mắc sương khói của cái nghèo. Hồ Chư đã từng đi dọc các xã biên giới ở vùng Lìa gồm các xã Xy, A Dơi, Thuận, Thanh… để vận động học sinh tới trường, kiên trì đeo bám, giải thích, có lúc phải khẩn nài với đồng bào mình để các ông bố, bà mẹ cho con em học được cái chữ, dù biết gian khó vô cùng. Hồ Chư đã hết sức tận tụy với sự nghiệp trồng người trên địa bàn mà anh gắn bó cả cuộc đời mình, đó là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đánh thức khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ vùng cao qua việc tiếp thu tri thức nhân loại; khơi dậy bản lĩnh nhẫn nại thay đổi đời mình bằng sự khổ học, khát học. 

       Hồ Chư là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Tên anh theo tiếng người Vân Kiều là Chưh Muralu. Cũng như người dân Vân Kiều trung trinh, anh lấy họ Hồ làm họ của mình để ghi nhớ công ơn của Bác kính yêu. Với vốn kiến thức và những hiểu biết tường tận về dân tộc mình, sau hơn 30 năm liên tục hoạt động trên lĩnh vực giảng dạy, báo chí, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, khi về hưu, Hồ Chư vẫn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu văn hóa đồng bào mình, đó là những câu chuyện sử thi truyền miệng từ bếp lửa này sang bếp lửa khác, những thuần phong mỹ tục của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Anh có thể say sưa nói chuyện hàng giờ về các loại nhạc cụ truyền thống như khui, kèn taril, amal, kèn bè, kèn môi, plứa, đàn pi, chiêng… mỗi loại dụng cụ ứng với loại hình dân ca phù hợp. Vốn kiến thức của anh về các làn điệu dân ca như Oát, Xà nớt, Ta oái, làn điệu Ưi ... là hết sức phong phú. Nhờ kiến thức chuyên ngành vững vàng, sự dấn thân vô điều kiện, Hồ Chư đã tiếp cận được những giá trị về ngôn ngữ, cấu trúc từ ngữ, chữ viết của tiếng Bru - Vân Kiều với khát vọng bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể mà bao thế hệ cha ông đã để lại. Hồ Chư đã cộng tác, phối hợp với nhiều học giả trong và ngoài nước, đặc biệt từ năm 1986, anh được mời làm cộng tác viên cho Viện Ngôn ngữ Á Đông và Viện Ngôn ngữ Việt Nam biên soạn giáo trình học tiếng Bru - Vân Kiều, cho ra đời những cuốn sách và tài liệu có giá trị về học thuật cùng với khả năng ứng dụng cao như: Học tiếng Bru - Vân Kiều (1986); tài liệu tiếng Bru - Vân Kiều xây dựng theo chủ đề (2007); từ điển Việt - Anh - Bru Vân Kiều… Đây là những tài liệu rất có ích, hỗ trợ cho việc đưa tiếng Bru - Vân Kiều vào giảng dạy trong lực lượng vũ trang hiện thời và ở các trường học sau này. 

       Bước chuyển từ một nhà giáo đến một nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa với Hồ Chư dường như không định hình được ranh giới. Anh làm thơ từ ngày còn là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và từ đó đến nay, hàng trăm bài thơ đã ra đời, xuất bản thành tuyển tập: “Hoa trên đá”, “Dòng mưa muộn màng”, “Theo dòng Krông- Klang”, “Tiếng gió rừng” và mới đây nhất là “Cám ơn nỗi buồn”. Là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phân hội trưởng Phân hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, để đến với mỗi vị trí hoạt động nghệ thuật này, con đường mà anh chọn chính là những dòng thơ về cội nguồn của mình trong đời sống dân tộc, được anh hiểu một cách sâu sắc và viết thành thơ một cách giản dị. Với 5 tập thơ và hàng trăm bài thơ đã xuất bản, Hồ Chư trở thành người làm thơ đầu tiên của đồng bào Vân Kiều, góp phần đưa văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô hòa nhập vào cuộc sống đương đại. 

        Ở một cách tiếp cận khác, mỗi lần đọc thơ anh, luôn gợi trong tôi một ký ức xa xưa hay sự đốn ngộ sắp đến. Có khi, chỉ một câu thơ của anh thôi cũng có thể làm chuyển lay một quan niệm xưa cũ đã bén rễ. Ngôn ngữ thơ anh luôn có độ lùi, tỉnh táo để câu chuyện tự nó được kể ra với sức càn lướt đáng nể. Có khi, chỉ một bài thơ ngắn, vậy mà vấn đề đặt ra quá bất ngờ và mang một chiều kích khác thường, luôn chuyên chở một hàm lượng tri thức với tâm thế đối thoại không khoan nhượng: Khi xác chè đem đổ/ không ai khen vị chè/ vì bả xác chè đấy/ có nghĩa lý gì đâu? (Cảm nghĩ khi pha trà), Vẫn ghét lối vòng vo/ nên cây thường mọc thẳng/ dù thân có bạc trắng/ lá vẫn xanh với đời (Bài học về cây bạch đàn), và có khi đậm chất triết lý sống: Có nỗi buồn đời sẽ bớt buồn hơn (Cám ơn nỗi buồn)… là rất nhiều ví dụ sinh động. 

      Người xưa có câu: “cái quan định luận”, có nghĩa là đợi đến khi đậy nắp quan tài rồi mới có thể luận xét về một con người, xem ra không cần áp dụng trong trường hợp Hồ Chư. Anh đã rất đúng khi chọn con đường đi cho cuộc đời mình và anh hoàn toàn yên tâm thanh thản ra đi, bởi những thành quả mà anh để lại là rất đáng ghi nhận. Những thành quả đó sẽ thay anh sống tiếp trong lòng bạn yêu thơ, trong lòng các thế hệ học trò và những ai từng sống, làm việc, quen biết anh. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời. Cuộc đời này có nhiều cái cuối: cuối sông, cuối đường, cuối ngày, cuối năm… tất cả cái cuối ấy, có thể trở lại từ đầu, riêng chỉ có cuối cuộc đời, đi vào cõi hư vô là không bao giờ trở lại. 

      Thôi, kết thúc cuộc chơi nơi lao xao trần thế, hãy thanh thản như chiếc lá rời xa thân cây, mải miết về rừng, hóa vào đất đai, sông suối quê nhà thật trọn vẹn nhé, Hồ Chư thương mến của tôi!

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ