Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Gương mặt văn nghệ sĩ

Sĩ Sô - người chép sử DMZ bằng ống kính


Ngày cập nhật: 14/09/2016 00:00:00

           Bức ảnh “Gửi tấm lòng về Nam” với cảnh tượng bà con bên bờ Nam sông Bến Hải giơ tay vẫy đoàn văn công đang biểu diễn ở sân khấu nổi bên bờ Bắc của ông (chụp năm 1960) đã để lại cho tôi một ấn tượng rất đặc biệt...

          Bây giờ, Sĩ Sô - nghệ sĩ nghiếp ảnh đặc trưng của vùng DMZ (phi quân sự), người “nhấn” cả cuộc đời mình trong nắng rát, gió Lào, đất đỏ và dòng chảy lịch sử của hai bên bờ Hiền Lương - đã lại rời phố thị Đông Hà, về sống ở gần bến đò B Cửa Tùng.

        “Tôi có gần 2000 cuốn phim về DMZ gói bằng lá chuối khô”

         Sĩ Sô kể rằng, khi chụp bức ảnh đó, Sô 20 tuổi, là học sinh cấp ba Lê Hồng Phong (Nam Định) về nghỉ hè. “Bức ảnh này có dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật của tôi... Tôi vốn ham vẽ từ bé nên khi về nghỉ hè tôi thường ra xem hoạ sĩ Văn Giáo vẽ bức tranh Cửa Tùng. Ông ấy vẽ lạ lắm: chỉ một màu mây thôi mà ông cứ xoá xoá, vẽ vẽ không biết bao nhiêu lần. Có buổi chiều, tôi còn thấy mây trong bức tranh màu hồng sẫm, sáng hôm sau, đã thấy ông thay bằng màu xanh... Văn Giáo đã ở bên cầu HIền Lương mấy tháng trời để vẽ bức tranh lớn nhất cuộc đời mình. Lúc đó, tôi cũng ý thức được rằng, mình đang được chứng kiến những câu chuyện đặc biệt của lịch sử. Và tôi cũng có khát khao có thể làm gì đó để ghi lại nó cho mai sau... ”.

         Và ông đã ghi lại được một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện cảm động của hai bên bờ Bến Hải bằng chiếc máy ảnh Hải Âu của Trung Quốc... “Một trong những hoạt động bên bờ Bắc Bến Hải rất được bà con hai bờ quan tâm là các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật từ Hà Nội vào. Sân khấu được dựng nổi trên sông bằng cách đấu thuyền lại rồi lát ván lên. Tôi nhớ buổi diễn hôm đó, bà con hai bên bờ xem rất đông. Ở bên này, mọi người đều nhìn thấy rất rõ bàn tay vẫy, cả ánh mắt và nụ cười của bà con bên bờ Nam. Lúc đó, tôi vội kiếm con đò bơi ra giữa dòng, hướng ống kính về các nghệ sĩ... “Gửi tấm lòng về Nam” - tên bức ảnh là do tôi đặt sau này”.

         Sĩ Sô bắt đầu cầm máy ảnh một cách chuyên nghiệp từ năm 1964 - lúc đó với tư cách là người chụp ảnh của đặc khu Vĩnh Linh. Bạn tôi, một nhà báo “cắm mình” ở Quảng Trị giới thiệu: “Lão ấy” là “đặc sản” của DMZ, chụp được nhiều ảnh “độc” lắm. Còn Sĩ Sô thì “khoe” rằng mình có dịp chứng kiến những sự kiện mà “khó có nhiếp ảnh gia chiến tranh nào ở Việt Nam nào” may mắn như thế”. Ông cũng nói, hiện tại trên gác xép ở căn nhà bên bến đò B Tùng Luật, ông đang giữ khoảng 3.000 cuốn phim, trong đó có gần 2000 cuốn về DMZ. Ông cũng là người chứng kiến và ghi lại bằng ảnh nhiều cột mốc quan trọng của Quảng Trị trong chiến tranh: Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, thế sống “cài răng lược” của hai chính quyền đối kháng sau Hiệp định Pari được ký kết... 

 

Gửi tấm lòng về Nam - Ảnh: SĨ SÔ

 

        Những câu chuyện ông kể theo từng chủ đề ảnh nghe rất hóm và ngộ. Những cuốn phim thời chiến tranh đã được ông bảo quản bằng cách gói trong lá chuối khô... “Tui (tôi) học cách người ta gói bánh gai đó. Gói trong lá chuối khô thì mới giấu được trong địa đạo Vĩnh Mốc mà không hỏng chứ. Kể cả việc chế tạo máy phóng ảnh bằng ánh sáng tự nhiên thì cũng là chỉ có tui làm được thôi nghe. Nhiều bậc thầy trong nghề ảnh hỏi tui: “Tài rứa?”, tui nói: “Bom đạn dạy cho người ta khôn ra thôi”. Ông cười hề hề.

          - Nhà nhiếp ảnh vùng DMZ có câu chuyện nào hồi trước gọi là “bí mật quân sự” bây giờ mới được công bố không?- Thấy ông ham vui, tôi đùa.

         - Có chứ. Tôi kể hai chuyện nhé...

         ... Chuyện thứ nhất: Đó là năm 1968. Một hôm, tôi nhận được một bức điện: “Mười một giờ trưa mai, anh đứng ở két nước, sẽ có xe đón. Nhớ đưa theo trang thiết bị chụp ảnh”.

          11h trưa, tôi lên chiếc xe bịt kín mui chạy một hồi lâu lâu rồi được thả xuống một cánh rừng vàng ruộm do cây bị cháy vì chất độc da cam. Cầm trên tay tấm bản đồ, tôi cứ đạp rừng đi tiếp 8 km nữa. Cho đến lúc trước mắt mình là một chiếc máy bay màu trắng. Sau khi chụp tứ phía, tôi bắt đầu leo lên buồng lái thì bỗng sụp chân xuống: chiếc máy bay này đã bị cháy thành tro. Năm cái xác hiện ra. Trước buồng lái hai, sau đuôi máy bay ba. Bên cạnh các xác chết cháy thui là một khẩu súng ngắn và một khẩu AR15... Sau đó, tôi chụp cả cảnh người ta gói xác, bỏ xác vào quan tài. Thời chiến nên lúc đó, những cuốn phim này, tôi không được phép giữ. Bây giờ, tôi rất muốn biết những cuốn phim đó đang được lưu giữ tại đâu và tôi có quyền xin lại không?

          Chuyện thứ hai: Năm 1969. Lúc đó, phía chính quyền Việt Nam Cộng hoà đưa tin: “Ngày mai sẽ trao trả 250 tù binh Việt Cộng xâm lấn ở Cửa Tùng”. Tất nhiên, vì không công nhận là có sự “xâm lấn” này nên phía Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tổ chức đón nhận tù binh theo nghi thức. Còn tôi, tôi chuẩn bị đồ nghề chực sẵn ở cửa biển Vĩnh Mốc từ sáng sớm. Đến 11h trưa, con tàu bên bờ Nam bắt đầu xuất hiện. Từ trên tàu, những người được gọi là trao trả này cởi bỏ lại tất cả quần áo được cấp phát, họ chỉ mặc một chiếc quần cộc để trở về bờ Bắc. Tôi đã chụp được cảnh trở về rất đặc biệt này của các công dân bờ Bắc. Còn thêm mỗi người ba kiểu ảnh chân dung.

          Tôi tin rằng đó là những tấm phim duy nhất chỉ có tôi chụp được.

          - Những chuyện ông kể có giống chuyện trạng của làng Vĩnh Hoàng (làng nổi tiếng về chuyện trạng - chuyện đùa, chuyện nói dóc, nói phét, nói bịa - của Quảng Trị) không đó? Nghi ngờ về tính thực hư của hai chuyện Sĩ Sô vừa kể, tôi hỏi một cách nghiêm túc.

          Nghệ sĩ đào địa đạo

          Ông sinh năm 1940, là con thứ tư trong gia đình có 9 người con. Quê gốc Cam Thanh, Cam Lộ nhưng Sĩ Sô lại được sinh ra tại thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình), 6 tuổi mới được đưa về Ba Lòng (Quảng Trị). Đến năm 14 tuổi - tức năm 1954, Sĩ Sô theo gia đình tập kết ra Bắc. Gọi là tập kết nhưng thực ra cả gia đình chỉ ở ngay bên bờ Bắc Bến Hải, cách quê Cam Lộ có mấy chục cây số. Tại đây, Sĩ Sô được học ở trường cấp 2 tại Hồ Xá. Lúc này, cậu đã sớm tỏ ra là người có năng khiếu nhưng ngang tính và nghịch ngợm. Vốn ham vẽ, lúc nào trường có đợt cần làm báo tường, lập tức Sĩ Sô xung phong vẽ, viết; hăng đến nỗi bây giờ mỗi lúc gặp bạn cũ, ai cũng gọi: “Sô báo tường”. Nghịch cũng không ai bằng. “Trường có sân bóng chuyền, các cô học trò thường rủ nhau chuyền sáu (mỗi bên ba người). Mỗi lúc thấy “chúng nó” chơi, tôi thường tổ chức 6 đứa con trai xông ra giành bóng”. Kể lại chuyện này, nghệ sĩ lại cười hề hề.

         Thấy nhà nghèo quá, lên cấp ba, Sĩ Sô quyết định ra Nam Định học để được Nhà nước nuôi theo chế độ con em miền Nam. “Nhiều hôm rét quá, tôi cứ ngang nhiên khoác chăn đi giữa phố. Tôi bị ông anh mắng cho nhiều lần vì cái trò nghịch kỳ quái đó”. Lại cười. Nhưng cũng tại Nam Định, Sô được bầu làm tổ phó nhân dân vì hăng hái hoạt động. Thời điểm đó, học trò 18 tuổi mà được tín nhiệm như thế không phải là chuyện thường thấy.

         Có lẽ cuộc đời nghệ thuật của Sĩ Sô bắt đầu được đóng đinh sau khi đăng ký thi vào trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hoá với điểm A thi diễn thuyết và điểm A thi vẽ. Năm 1964, ông được đặc khu Vĩnh Linh “xin” về làm cán bộ văn hoá nghệ thuật phục vụ khu. Khi vào đến nơi thì ở ngoài kia, Bộ Văn hoá có quyết định cử Sĩ Sô học ở Liên Xô...

           - Hỏi thật: lúc đó ông có thấy buồn, tiếc không?

           - Không tiếc. Chỉ hơi buồn buồn. Nhưng buồn hơn là chuyện khác: tôi vào đến mấy tháng rồi mà người ta không giao làm gì cả. Sốt ruột quá, tôi đánh liều xin đi kẻ khẩu hiệu. Những khẩu hiệu cao 1,2m dài 15m dọc bờ Bắc sông tuyến (DMZ) từ nhà thờ Phước Sơn đến Cửa Tùng khoảng 12 km đều là do tôi kẻ.

           Đến bây giờ, nghệ sĩ 65 tuổi vẫn thuộc làu làu những câu khẩu hiệu của thời đó. Những câu khẩu hiệu đã sôi lên từ trong huyết quản của một thế hệ thanh niên. (Cho đến bây giờ, nhiều người nổi tiếng Quảng Trị vẫn còn nhắc lại hình ảnh Sĩ Sô ghép ba cái thang lại để trèo lên nóc tháp nước vừa bị bom nổ ở Hồ Xá, rồi từ đó lùi từng bước xuống để kẻ khẩu hiệu - năm 1965).

           Một trong những thử thách khó khăn nhất đối với Sĩ Sô là việc “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào ở xã miền núi Vĩnh Trường để động viên họ ở lại bám đất, bám làng, giữ tuyến. Nhưng mà thử thách khó nhất có lẽ là chuyện vượt qua được những món ăn của đồng bào. “Hôm đầu tiên tôi đến cùng một cán bộ nữa của Ty (Ty Văn hoá), vừa ngồi xuống, chủ nhà - là già làng- hỏi: “Cán bộ ăn cơm chưa?”, “Chưa!”. Họ bưng cơm lên: trên cái mâm gò bằng xác máy bay có một bát nước đục nhờ. Người đi cùng tôi vừa thò đũa vào nếm thử đã nhè ra ngay. Tôi cũng muốn nôn nhưng ngẫm nghĩ: Nếu không ăn được, đồng bào sẽ không nghe mình. Liều, chan với cơm, nín thở, ông đã nuốt được hai bát. Mấy ngày sau tôi mới biết, hôm đó mình đã ăn món thịt trâu thối (chả là đồng bào ở đây thường có phong tục, nếu con trâu bị sây sát gì thì họ để cho chết mục ra mới thịt. Mục đến mức khi thịt không cần dùng dao xẻ mà chỉ cần lấy bát múc được để chia cho từng nhà). Mấy ngày sau, cán bộ Sô lần lượt được nếm các món lòng thối và da thối... Nhưng cũng chính Sĩ Sô đã vận động được đồng bào từ bỏ thói quen kỳ quái này và đào giếng, đào mái che bỏ thói quen dùng nước sông để tránh chất độc hoá học.

           Nghệ sĩ Sĩ Sô đã trải qua tuổi thanh xuân của mình như thế ở vùng giới tuyến: đào địa đạo đến cong khum mười ngón tay, đưa trẻ em Vĩnh Linh vượt qua bom đạn ra Quảng Bình đi K8 (hồi đó chính quyền đã quyết định đưa những đứa trẻ từ 7 tuổi đến 17 ra hậu phương tránh bom đạn), làm bèo hoa dâu... Đó là những cửa ngõ mà Sĩ Sô quyết vượt qua để được trở thành đảng viên.

            “Làm điều gì tôi cũng thấy vui, duy chỉ có việc đưa trẻ em đi K8, tôi đã phải khóc. Khóc vì một lần chiếc xe thứ 8 trong đoàn xe 9 chiếc của đoàn đi đêm đó bị trúng bom tại Mỹ Trung (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình). Hay tin, tôi chạy ngược từ Võ Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) - 15km. Đến nơi, chỉ còn chứng kiến đám xương thịt trẻ con bầy nhầy. 41 cháu và 2 lái xe. Chỉ còn hai cháu bị bom dạt treo lơ lửng ở ngọn tre là còn sống. Tôi kêu bà con đem xô chậu ra. Tôi vừa khóc vừa nhặt và chia ra 43 phần để chôn cất thành 41 mộ trên đồi cát Mỹ Trung... Lần khác, tôi mò mẫm suốt cả ngày ở Bảo Ninh (Đồng Hới -Quảng Bình) mà không tìm ra mấy đứa nhỏ 7 tuổi rủ nhau trốn về nhà (thực ra là vì bom đạn cày nát quá thì mới phải bắt chúng xa cha mẹ nhưng tôi biết, hễ nhãng ra là chúng trốn để được về nhà). Đến lúc tìm được chúng trốn trong mấy bụi phi lau giữa bãi cát, tôi trào nước mắt... Tại sao cái vùng đất Vĩnh Linh này lại đau thương đến vậy?”. Chúng tôi đang đi dọc bờ biển Cửa Tùng. Người nghệ sĩ già lau nước mắt. Kế bên, biển đẹp lộng lẫy và bình yên.

                                                                               (Theo Vietnamnet.vn)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ