Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Gương mặt văn nghệ sĩ

Từ đam mê đến thành công


Ngày cập nhật: 14/09/2016 00:00:00

Bài và ảnh: QUANG HIỆP

 

        Tuy tuổi đời, hoàn cảnh, hoạt động ở lĩnh vực sân khấu khác nhau nhưng ba nghệ sĩ Lê Minh Tuấn, Trương Thị Thương Huyền và Hoàng Vĩnh Thắng đều chung niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt. Với sự nỗ lực không ngừng, họ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

       “Phép lạ” từ niềm đam mê

       Gặp chúng tôi sau chuyến lưu diễn dài ngày tại Quảng Bình, ảo thuật gia Lê Minh Tuấn (sinh năm 1955) vẫn giữ phong thái nho nhã và nụ cười thường trực trên môi. Bên ấm trà nóng, cuộc trò chuyện càng sôi nổi hơn khi ông nhắc lại những kỉ niệm vui buồn trong nghề. Ảo thuật gia Minh Tuấn chia sẻ: “Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT là vinh dự lớn đối với tôi. Để có thành công ngày hôm này, ngoài niềm đam mê, nỗ lực của bản thân, tôi còn khắc ghi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa và rất nhiều khán giả”.

       Là “người con sông Hương, núi Ngự” nhưng nửa cuộc đời ảo thuật gia Minh Tuấn lại gắn bó với mảnh đất Quảng Trị. Đối với ông, đây là quê hương thứ hai, nơi đánh dấu nhiều bước tiến trong quá trình đeo đuổi đam mê “làm nên điều kỳ diệu”. Tiên phong góp sức xây dựng Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị, ảo thuật gia Minh Tuấn và lứa nghệ sĩ cùng thời đã đến nhiều miền quê, biểu diễn phục vụ nhân dân. Mỗi buổi “cháy hết mình vì nghệ thuật”, cái tên Minh Tuấn lại được bà con nhắc đến trong sự trầm trồ, thán phục.

       Ảo thuật yêu cầu sự khéo léo của đôi bàn tay, cách sắp đặt hợp lý và lối diễn xuất điêu luyện. Vì vậy, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình khổ luyện công phu, hết sức vất vả. Vốn đam mê ảo thuật từ bé, nghệ sĩ Lê Minh Tuấn đã rong ruổi khắp nơi để tìm thầy. Được sự dìu dắt của các bậc tiền bối, chàng trai trẻ bắt đầu học kỹ năng, làm quen với sân khấu... Không ít lần gặp “tai nạn nghề nghiệp” nhưng ông không nản chí, ngược lại càng quyết tâm chinh phục những đỉnh cao. NSƯT Minh Tuấn chia sẻ: “Gắn bó với nghề gần 40 năm nay, ngày nào không được biểu diễn, tập luyện tôi lại... ngứa ngáy chẳng yên. Không bao giờ tôi cho phép bản thân tự mãn mà phải luôn vận động để làm mới mình”.

 

NSƯT Minh Tuấn hăng say biểu diễn phục vụ khán giả.

 

       Là diễn viên, cuộc đời nghệ sĩ Minh Tuấn gắn liền với những chuyến đi. Điều đáng nói là dù biểu diễn ở trong hay ngoài nước, khán giả cũng dành cho ông tình cảm trìu mến. Năm 1986, nghệ sĩ Minh Tuấn tham gia Liên hoan Nghệ thuật không chuyên tại Lahabana, Cu Ba. Sau buổi biểu diễn, hướng dẫn viên của đoàn đã đến tận phòng tặng ông bức chân dung nhà cách mạng nổi tiếng Che Guevara. Người phụ nữ luống tuổi nói: “Ban tổ chức trao giải thưởng “Bàn tay vàng”, còn tôi tôi xin dành sự thán phục và hình ảnh người mình tôn kính nhất cho ông”. Sang Lào, Thái Lan biểu diễn phục vụ kiều bào, nghệ sĩ Minh Tuấn được yêu mến đến mức bà con xin ông ở lại chụp ảnh chung hàng giờ liền... Trong làn bom đạn của cuộc chiến biên giới phía Bắc, người nghệ sĩ giàu đam mê này đã lặn lội đến các chốt xa nhất để biểu diễn, hướng dẫn bộ đội ta một số tiết mục ảo thuật đơn giản. Về sau, nhiều người lính gặp lại ảo thuật gia Minh Tuấn vẫn mừng mừng, tủi tủi. Bên cạnh đó, những chuyến lưu diễn ở các xã vùng cao luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong ông. Thấy người nghệ sĩ tài hoa “hô biến” ra con chim, chậu cây..., dân bản há hốc bảo nhau: “Giàng về! Giàng về”. Thế rồi, sau khi trình diễn, nghệ sĩ Minh Tuấn mới mời bà con ngồi lại, bóc mẽ các tiểu xảo của thầy mo và khẳng định chẳng có “con ma” nào cả...

       Không chỉ tỏa sáng trên sân khấu, NSƯT Minh Tuấn còn là một người thầy, đào tạo nhiều thế hệ học trò. Ông từng đến giảng dạy học sinh ở các trung tâm văn hóa lớn nhỏ, huấn luyện cho diễn viên của nhiều đoàn nghệ thuật... Đặc biệt, NSƯT Minh Tuấn còn đứng lớp giảng dạy những học sinh, nghệ sĩ người Lào nuôi đam mê “làm nên phép lạ”...  

       Gần 40 năm gắn bó với nghề, đến giờ, NSƯT Minh Tuấn chẳng thể nhớ hết số giải thưởng, bằng khen, giấy khen trong nước và quốc tế mình đã nhận. Đối với ông, sự yêu mến của khán giả chính là phần thưởng đáng giá nhất. Vì thế, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn ngày đêm luyện tập và biểu diễn phục vụ công chúng.

        Mỗi vai diễn là một món quà

       16 tuổi, trong khi đang bán hàng phụ mẹ, cô bé Trương Thị Thương Huyền (sinh năm 1975) được các nghệ sĩ về địa phương biểu diễn phát hiện và thuyết phục thi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị. 18 tuổi, cô bé người Gio Linh này lại lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Vương Đức, để rồi được tin tưởng giao vai Thai thời trẻ trong bộ phim “Cỏ lau”. Đến giờ, mỗi lần nhớ lại những bước đi đầu tiên trên con đường nghệ thuật, Thương Huyền vẫn tự nhận mình là người may mắn. Vì thế, Huyền luôn cố gắng khẳng định năng lực và sự tâm huyết qua từng vai diễn. Cô hiểu một cách sâu sắc rằng, sân khấu không dành cho ai chỉ có sự may mắn.

       Đến giờ, nhiều người vẫn âu yếm gọi Thương Huyền là “cô Thai”. Điều đó đủ để khẳng định Huyền đã để lại dấu ấn sâu đậm đến mức nào khi hóa thân vào nhân vật này. Thương Huyền đến với vai diễn rất tình cờ. Khi đoàn làm phim “Cỏ lau” vào Quảng Trị, đạo diễn Vương Đức muốn tìm một diễn viên địa phương đóng vai phụ. Nhưng, gặp Thương Huyền, anh đã đổi ý và đưa cô vào vai chính. Thế mà, cô gái trẻ chưa từng qua một lớp đào tạo lại hóa thân vào nhân vật một cách “diễn như không diễn”. Bộ phim “Cỏ lau” đạt giải Ngọn đuốc vàng trong Liên hoan phim Các nước không liên kết tại Bình Nhưỡng năm 1994, đánh dấu thành công đầu tiên trên con đường nghệ thuật của Thương Huyền.

 

NSƯT Thương Huyền hóa thân vào vai diễn Lý Chiêu Hoàng trong trích đoạn vở “Độc thoại đêm”.

 

      Được biết đến nhiều qua những vai diễn trong phim nhựa và truyền hình, tuy nhiên, thành công lớn nhất của Thương Huyền lại gắn với sân khấu. Sau nhiều vai diễn thành công trong các vở kịch lớn, Huyền trở thành diễn viên gạo cội, gương mặt sáng giá của Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị và được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

       Buổi đầu “tay ngang vào nghề”, Thương Huyền chỉ được giao vai diễn quần chúng. Mỗi lần có một nghệ sĩ nào đó vắng mặt, cô mới may mắn được đóng thế. Thương Huyền khắc phục lối diễn ngô nghê, cách đàm thoại “quê mùa” của bản thân bắng sự khổ luyện. Hàng ngày, cô gái trẻ luyện cách lấy hơi, đứng trước gương tập diễn xuất, thể hiện ánh mắt, cử chỉ... Bước ngoặt đáng nhớ nhất trong cuộc đời Thương Huyền là hóa thân thành công vào vai Lê trong vở “Ám ảnh” của đạo diễn, NSND Xuân Đàm. Lê là một cô gái sống thực thực, mơ mơ sau khi người yêu hy sinh. Khi Thương Huyền nhận vai, nhiều người tỏ ra e ngại bởi cô mới 20 tuổi, kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế. Thế nhưng, Huyền đã làm mọi người thay đổi suy nghĩ ngay từ phân cảnh đầu tiên. Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, vở “Ám ảnh” đạt huy chương vàng và Thương Huyền được vinh danh là “Diễn viên trẻ tài sắc”.

       Do đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, bản thân Thương Huyền ít có cơ hội thể hiện tài năng trên những sân khấu lớn. Vì vậy, cô luôn xem mỗi vai diễn là một món quà quý giúp bản thân trau dồi bản lĩnh sân khấu. Đến giờ, Thương Huyền đã khóc cười cùng nhiều vai diễn lớn nhỏ như Lê trong “Ám ảnh”, Mua trong “Chuyện đời thường vớ vẩn”, Dạ Thi trong “Chuyện dài thế kỷ”, cô gái quê trong “Sự tích nước mắt”... Chỉ bằng vài động tác, ánh mắt hay nét mặt, nhân vật do Thương Huyền thủ vai đã hiện lên rất chân thực. Qua nhiều năm gắn bó với nghề, nữ diễn viên gạo cội của Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị đang ngày càng “mặn mà”. Đối với người NSƯT trẻ, “mỗi vai diễn thực sự là một món quà mình dành tặng những trái tim yêu chuộng nghệ thuật”.

        Cơ duyên với nghề

       Không chỉ đạt nhiều giải thưởng lớn, các tiết mục múa “Cõi thiêng”, “Sắc sắc, không không”, “Đón lúa mới”... còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng hàng triệu khán giả. Nhiều người thường hóm hỉnh đùa, biên đạo Hoàng Vĩnh Thắng (sinh năm 1969) đã “bỏ bùa”, khiến họ không thể rời mắt khỏi những tiết mục múa công phu, đậm sắc màu cuộc sống.

       Nghệ sĩ Hoàng Vĩnh Thắng luôn cho rằng, mình đến với nghệ thuật như “thiên duyên tiền định”. Năm 1989, anh cùng bố mẹ đưa cô em gái đi thi sơ tuyển vào trường múa. Thấy một thanh niên mới lớn cao ráo, ánh mắt toát lên niềm đam mê..., ban giám khảo đã gọi anh vào diễn thử. Nghĩ đây đơn thuần chỉ là một “cuộc dạo chơi”, anh Thắng không thể ngờ vài tháng sau, hai tấm giấy báo vào nhập học trường Múa Việt Nam đã được gửi thẳng về gia đình. “Bấy giờ, thấy em gái còn nhỏ, một mình ra Hà Nội sống tập thể thì rất tội nghiệp. Nghĩ vậy, mình quyết định đồng hành cùng em” - Anh Thẳng cởi mở chia sẻ. 

 

NSƯT Hoàng Vĩnh Thắng (mặc áo trắng, ngồi ngoài cùng từ phải sang) trao đổi với đồng nghiệp về nội dung một kịch bản mới.

 

       Bốn năm khổ luyện đã tiếp thêm cho nghệ sĩ Hoàng Vĩnh Thắng niềm đam mê nghệ thuật. Tốt nghiệp đại học, anh trở về quê hương, đầu quân vào Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Quảng Trị. Thời điểm ấy, cuộc sống của diễn viên trong đoàn gặp vô vàn khó khăn. Anh và đồng nghiệp ở trong căn phòng tập thể “bé như lỗ mũi”, tích cóp từng khoản chi tiêu... Nản chí, một số bạn bè “rẽ lối” sang hướng khác nhưng anh Thắng vẫn tận tụy cống hiến. Hơn ai hết, anh hiểu: “Làm nghệ thuật cũng chính là một cái nghề. Có yêu nghề, tận tụy với nghề thì mới sống được bằng nghề”.

       Khởi nghiệp là diễn viên múa song thành công lớn nhất trong sự nghiệp nghệ sĩ Hoàng Vĩnh Thắng lại gắn liền với vị trí nhà biên đạo. Những ngày đầu thành lập, từ khó khăn thực tế, các nghệ sĩ múa như anh Thắng có thói quen tự tập luyện, dàn dựng, tìm trang phục... Nhờ đó, anh cảm nhận niềm đam mê nghề biên đạo múa sục sôi trong huyết quản mình. Sau thành công của một số tiết mục múa do bản thân “tự mày mò biên đạo”, anh Thắng quyết định vào học tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

      Trở về sau khi được đào tạo bài bản, nghệ sĩ Vĩnh Thắng tạo tiếng vang lớn với nhiều tác phẩm như: “Sắc sắc, không không”, “Cõi thiêng”, “Đón lúa mới”, “Đất mẹ”... Khác với các biên đạo trẻ, “đứa con tinh thần” của anh Thắng thường mang đậm tính kịch. Để làm nên nét khác biệt ấy, anh đã học hỏi từ những người thầy như NSND Xuân Đàm, nhà văn Xuân Đức, nghệ sĩ Nguyễn Thế Hùng... Bên cạnh đó, anh Thắng còn chuyên tâm thâm nhập thực tế, dàn dựng những tác phẩm gắn với mảnh đất và con người Quảng Trị. “Một tác phẩm múa ra đời bắt đầu bằng việc xây dựng kịch bản. Sau đó, người biên đạo phải liên hệ với nhạc sĩ để lựa chọn âm nhạc, deco ý tưởng sân khấu, làm việc cùng diễn viên... Trong đó, khâu xây dựng kịch bản đóng vai trò quan trọng nhất. Để dựng nên vở “Sắc sắc, không không”, hễ nghe đâu có đám tang là mình đến, thu thập chất liệu hiện thực. Với vở “Cõi thiêng”, mình phải ăn dầm, nằm dề ở Thành Cổ nhiều ngày để tiếp xúc với những bức thư, nhân chứng lịch sử”.

      Mới 43 tuổi nhưng Hoàng Vĩnh Thắng đã có một “gia tài nghệ thuật” đáng mơ ước. Tham gia hầu hết trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, những tiết mục do anh biên đạo đều đạt giải cao. Bản thân anh Thắng được tôn vinh là “Biên đạo múa xuất sắc toàn quốc”. Đền đáp những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, vừa qua, biên đạo múa Hoàng Vĩnh Thắng được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT. Anh bộc bạch: “Danh hiệu này sẽ là động lực để mình nỗ lực nhiều hơn. Đường còn dài, chính đam mê nghệ thuật và sự khổ luyện sẽ dẫn mình đến những chân trời mới”.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ