Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác->Mỹ thuật

Dấu ấn sáng tạo tại triển lãm mỹ thuật khu vực


Ngày cập nhật: 09/11/2015 00:00:00

  TRỊNH HOÀNG TÂN

 

        Mỗi tác giả đưa ra một lối tiếp cận, một cách nhìn, một thái độ, một phong cách biểu hiện khác biệt, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Miền Trung lần thứ 20 - 2015 tổ chức tại Thanh Hóa. Tại triển lãm lần này, một số tác phẩm tìm đến hình thức nghệ thuật đối thoại giữa ngợi ca và thông điệp. Điều này phần nào cho thấy sự phát triển mạnh mẽ với ưu thế phản ánh trực diện, tạo ra sự tương tác mở, gợi đến sự quan tâm sâu sắc hoặc sự thờ ơ trống rỗng, vô cảm hay hoàn toàn không có nhận thức.

        Tác phẩm “Biển xô” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế), “Chạng vạng Nàng” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Thừa Thiên Huế), “Đêm cao nguyên” của họa sĩ Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế)... phá tung chủ đề thành từng mảng đối lập hay những cấu phần đan cài có tính loại trừ nhau, buộc người xem phải sàng lọc. Trình tự tư duy khá linh hoạt, đôi khi biến đổi đột ngột và mang tính kết hợp. Bên cạnh đó, những cảm giác về màu sắc, không xem xét màu sắc ở khía cạnh vật lý hay vật chất, mà chủ yếu thông qua những hiệu ứng cảm xúc.

        Hành động chối bỏ chủ nghĩa thực chứng và xu hướng thực dụng, những nỗ lực thâm nhập sâu vào dưới lớp vỏ diện mạo để đi tới điểm tận cùng, hay thấu đạt cái thực tại bên trong, đó là đi tìm ý tưởng sáng tạo, đi tìm bản sắc. Có thể hiểu rằng đây không phải là sự trở về với hình thức nghệ thuật siêu hình học mà chỉ đơn giản là vạch ra những hạn chế định lượng. Nghệ thuật cho dù đó là hội họa hay điêu khắc, không có tiêu chí nào khác hơn ngoài việc gạt sang một bên những biểu tượng vị lợi, tiện dụng cùng các nguyên tắc chung chung thường được chấp nhận một cách dễ dãi. Tất nhiên, như thế có nghĩa là sẽ phải sáng tạo nên một hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới.

      Việc chối bỏ hình thể con người ở một số tác phẩm cho thấy tư duy của tác giả chắc chắn vô cùng quan trọng về mặt tâm lý. Nếu xét ở khía cạnh tâm lý, việc lý giải nguyên nhân các nghệ sĩ có sự phản ứng chối bỏ hình tượng con người là phi khách thể. Có thể hiểu nguyên nhân của sự trừu tượng hóa là niềm mong ước của con người muốn trốn tránh thế giới thực tại hoặc đối đầu với nó, và bởi không thể thoát khỏi cái thế giới vật chất hỗn độn khủng khiếp, con người thèm khát tìm kiếm nơi nghỉ ngơi trong phiêu du hiện tượng dị thường. Cái nhìn bất ngờ đôi khi vào những sự vật trong tư thế đảo lộn, nói chung ít ai để ý, thường đưa chúng ta tới sự mặc khải, và mặc khải đó chính là nghệ thuật. Có thể dẫn chứng điều này ở tác phẩm “Mạch nguồn sự sống” của họa sĩ Trương Bé (Thừa Thiên Huế), “Ký ức đêm giao thừa Huế Xuân 1968” của họa sĩ Đặng Mậu Triết (Thừa Thiên Huế), “Trường Sơn huyền thoại” của họa sĩ Trương Minh Dự (Quảng Trị)...

       Giờ đây, chất liệu, mục tiêu, hay hình thức ít nhiều có lẽ cũng không cần thiết nữa. Người nghệ sĩ phải được hoàn toàn tự do thể hiện bản thân theo bất kỳ phương cách nào mà họ thấy là thiết yếu đối với nguyên lý của nhu cầu nội tại. Các cảm hứng đã trở nên rõ nét hơn, hợp lý hơn và đan cài chặt chẽ hơn trong cấu trúc, đẹp hơn lên đến mức kinh ngạc trong sự đối lập màu sắc của chúng, chính xác hơn trong sự cân bằng. Tác phẩm “Huyền thoại Sầm Sơn” của họa sĩ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa), “Khoảng cách I” của họa sĩ Hồ Trọng Lâm (Quảng Bình), “Đất thiêng” của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Thanh Hóa), “Mộng du giữa chốn kinh thành” của họa sĩ Phạm Trinh (Thừa Thiên Huế)... nội dung tạo ra hình thức phù hợp, và hình thức có thể được chọn ra từ bất kỳ khúc nào trong phạm vi nằm giữa hai thái cực: trừu tượng tuyệt đỉnh và hiện thực tuyệt đỉnh. Các yếu tố đi tìm bản sắc bên ngoài của bức tranh bị loại bỏ, còn nội dung, cái cảm xúc bên trong của khách thể, được thể hiện một cách thuần khiết thông qua lối diễn đạt nguyên thô, giản dị. Đây chính là một sự giảm thiểu về lượng có thể tương ứng với một sự gia tăng về chất bởi hiệu ứng cường độ về màu sắc, đường nét.

        Trước các sự kiện diễn ra của đời sống xã hội đã gây ra cho họa sĩ nhiều xúc cảm. Để thể hiện những quan điểm trước các hiện tượng cuộc sống, nhiều họa sĩ đã đi theo xu hướng biểu hiện đan cài lập thể để thể hiện tác phẩm của mình. Tác phẩm “Nối rừng và biển” của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị) giàu tính điệu, tạo ra những hình thể đầy biểu cảm, đó chính là phản ứng của tác giả trước cuộc sống thực tại với nhiều biến đổi bên trong và bên ngoài mỗi con người hiện đại. Để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, người lính hải quân đã phải hy sinh và đánh đổi rất nhiều, đã có biết bao chiến sĩ ngã xuống giữa biển trời mênh mông, bao người phải xa sự yêu thương đùm bọc của gia đình, xa vợ con, để lại ở những người thân của họ nơi đất liền một nỗi nhớ khôn nguôi, nhưng nỗi nhớ ấy chỉ là một phần đằng sau niềm tự hào của gia đình về những người con của họ đang mang trên vai một nhiệm vụ của dân tộc và họ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Dân tộc thiểu số tiên tiến trên các lĩnh vực, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ thiết thực cho lao động sản xuất, đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Đây là những con người sống trong tập thể vì một mục tiêu chung nhất: chiến đấu, sản xuất vì quê hương, đất nước. Họ hòa lợi ích của bản thân trong lợi ích của cả cộng đồng, cả dân tộc. Trong quan hệ với làng bản, với đồng bào, đồng đội, họ là những con người công dân thực sự. Thay vì ngập lặn trong bóng tối, họ kề vai nhau cùng bước ra trước ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ. Hình tượng nghệ thuật các nhân vật đồng bào dân tộc thiểu số ở đất liền điện thoại để nghe âm thanh giọng nói của những người lính hải quân, đó là người con, người chồng, người thân nơi đầu sóng ngọn gió. Các nhân vật có những tâm trạng khác nhau và được đặt trong mối quan hệ xã hội - gia đình. Hình tượng những người lính ở đảo xa, đặc biệt là hình tượng nhân vật dân tộc thiểu số, mỗi người một vẻ đã đem đến một cái nhìn mới mẻ và chân thực về bức tranh miền núi trữ tình hùng vĩ, có đời sống hiện đại.

        Tại triển lãm, xu hướng tượng trưng cũng được các họa sĩ khai thác. Họ đã mượn những hình ảnh ẩn dụ để đưa đến thông điệp về những vấn đề của đời sống đương đại như tác phẩm “Mắt xích rỉ” của họa sĩ Nguyễn Văn Hè (Thừa Thiên Huế), “Tìm sống” sắt hàn của Trần Xuân Tý (Thanh Hóa)...

       Bên cạnh các xu hướng nghệ thuật, còn có những tác phẩm mang đậm tính trang trí. Họ đã sử dụng đường nét, mảng hình để tạo ra những hình thể nhân vật trong tác phẩm với những mảng phẳng đơn giản, giàu chất trang trí. Những hoa văn họa tiết trang trí được đưa vào nhằm tăng hiệu ứng nghệ thuật, sinh động nội dung, gây sự chú ý đối với người thưởng ngoạn. Xu hướng nghệ thuật đương đại trở thành một trong những phương tiện tham gia hiệu quả vào quá trình phát triển nghệ thuật.

        Tác phẩm “Điểm tựa” của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình), “Biển xô” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế)... không chỉ đem đến cho công chúng cái nhìn mới về nghệ thuật và vai trò, tiềm năng phát triển trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, mà còn dự báo những vấn đề phức tạp của nghệ thuật và đời sống hiện đại.

        Nghệ thuật của Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Lê Ngọc Thái là sự giao cắt bất ngờ, không thấy trước của hai hay nhiều chuỗi sự kiện. Kết quả của sự giao cắt này thật ấn tượng; những nhịp nét chằng chịt, uốn lượn; những phân mảnh của vật chất sống, những khúc rời được cắt ra từ vũ trụ hoặc được đun lên sôi sùng sục. Những phân mảnh và những lời lắp bắp: một hối thúc mãnh liệt để biểu hiện hơn là một sự biểu hiện trọn vẹn. Sự hiện hữu là mật mã của thế giới nghệ thuật, mật mã của hữu thể. Nó cũng là vết sẹo, là dấu vết của vết thương thời gian. Nó như là một khoảnh khắc, là ý nghĩa nhắm đến vật thể được chỉ định.

        Trong cuộc săn tìm ý tưởng sáng tạo, đi tìm bản sắc, xuất phát từ một sự thôi thúc nội tâm, một cảm hứng, hoặc do sự chiêm nghiệm, nghiền ngẫm từ kinh nghiệm. Bởi không phải cứ gieo mầm ý tưởng trên các chất liệu truyền thống là đã ra bản sắc văn hóa dân tộc. Mọi cố gắng hướng tới hoài niệm chất cổ, chất dân gian, chất tôn giáo của tác giả trẻ hiện nay đều thiếu nền tảng kiến thức, vốn sống. Điều này dẫn đến tình trạng vay mượn, lắp ghép những mô tip, biểu tượng một cách tuỳ tiện.

       Trong sự sáng tạo nghệ thuật, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường… làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định hướng cả bước đi trong tương lai.

       Nhưng hình thức đặc trưng hay biểu hiện tập trung, vùng đậm đặc của nền văn hóa lại nằm ở đời sống tinh thần, ở văn học nghệ thuật, biểu hiện ở lối sống, sự ưa thích cách suy nghĩ, ở phong tục tập quán, ở bảng giá trị. Văn hóa một dân tộc cũng hiện ra thành những nhân vật những tính cách và kết tinh ở những nhân vật kiệt xuất. Nhân vật kiệt xuất về văn hóa nghệ thuật không những là hun đúc tinh hoa của dân tộc đó mà còn là người rọi sáng, chỉ hướng cho sự phát triển sau đó.

       Đi tìm ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, đồng nghĩa với đi tìm phong cách. Trong dòng chảy nghệ thuật, bất cứ trường phái nghệ thuật nào, phong cách đóng một vai trò quan trọng. Các tác phẩm “Miền nhân sinh” của họa sĩ Tô Trần Bích Thúy (ThừaThiên Huế), “Thực và ảo” của họa sĩ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa)...không săn tìm cái đẹp hình thức, mà chỉ săn tìm những ý tưởng, những chuyển động nội tâm, đôi khi phức tạp, khó hiểu, làm cho người ta nghĩ đến một trạng thái bấn loạn. Hội họa không nhất thiết chỉ là một cuộc săn tìm cái đẹp, mà là một ngôn ngữ tạo hình, có khả năng chuyên chở những ý tưởng sáng tạo, kể cả những tìm tòi về chính cái khả năng linh hoạt của nó. Ý tưởng sáng tạo của một họa sĩ thể hiện trên một tác phẩm, không nhất thiết phải là đẹp hay xấu, nhưng nó chính là quan niệm nghệ thuật mà họa sĩ thực hiện. Đó là bản sắc và qua đó người ta nhìn nhận ra được một phong cách.

       Sự tích tụ khai phá hình tượng đã tạo nên một chiều kích mới vào nghệ thuật và có sự tiếp nhận những ý nghĩa mới thông qua hệ thống đường nét, nhịp điệu tạo hình, trình ra những ý nghĩa, mang giá trị trừu xuất. Nhưng khi xác định nghệ thuật và qua đó xác định chất lượng tác phẩm nghệ thuật, về cơ bản giá trị nghệ thuật là bao hàm giá trị thẩm mỹ và các giá trị xã hội khác. Mục đích của nghệ thuật không phải ở chỗ cho người ta một khái niệm, một định luật hay một phạm trù hình tượng mà ở chỗ bộc lộ, biểu hiện, khẳng định ý tưởng, bản sắc một cách toàn vẹn. Chính vì vậy mà nghệ thuật tạo hình Bắc Trung Bộ một số tác giả phải tìm đến hình tượng đặc thù, sở trường cái trừu tượng qua cái cụ thể, cái phổ quát qua cái đơn nhất, hình tượng nghệ thuật phân xuất và phương diện thẩm mỹ của đời sống xã hội.

       Triển lãm Mỹ thuật khu vực tầm cỡ của nó không chỉ thuần túy là sự kiện mỹ thuật, mà còn là sự kiện văn hóa. Bởi ở đây, đang chính thức hóa một mô hình thẩm mỹ mới chứ không đơn thuần là chấp nhận một thể loại, trường phái hay một xu hướng nghệ thuật, xu hướng hiện hành của nghệ thuật đương đại. Đây là sự chia sẻ văn hóa. Dưới tác động xã hội, chắc chắn nó tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh để mọi lĩnh vực nghệ thuật phát triển.

       Sương mù cuộn xoáy trên mặt nước như một dàn nhạc chơi trên một sân khấu nổi. Một con chim đột ngột xuất hiện thấp thoáng trên bờ vai nhân vật. Tính đa cảm, sự méo mó, sự biến mất của tính cân xứng, sự phóng đại, sự bồn chồn, lo lắng - là những dấu hiệu “được kiểu cách hóa”, nó luôn luôn là cái phức tạp và thử thách nhất của nghệ thuật. Điển hình như trong tranh “Sống I” của Nguyễn Đức Huy (Thừa Thiên Huế) có khả năng nhất định trong vô vàn hình thức biểu đạt từ không gian quan năng. Yếu tố thời tiết, ánh sáng của mặt trời tác động đến thiên nhiên cũng tạo ra những hiệu quả đáng kể. Sự làm mờ hoặc làm tối đi phần nào vật thể cũng đạt được những hiệu quả mạnh mẽ tựa như ánh sáng mặt trời hoặc thời tiết sương mù tác động đến thiên nhiên khi họ vẽ ngoài trời. Và cũng chính bởi việc loại bỏ sắc đen ra khỏi tác phẩm của mình mà thay vào đó sự phân giải bóng tối thành những quệt màu nhỏ đan xen, tạo ra thứ bóng tối có màu rung rinh ẩn hiện.

       Đi tìm bản sắc còn là đi tìm tính biểu trưng, ước lệ, còn thể hiện tư duy mô hình hóa, kết hợp các thủ pháp nhấn mạnh và lược bỏ. Có tác phẩm tập trung chú trọng vào những nhân vật, đối tượng chính, quan tâm những nhân vật trung tâm để xử lý biểu cảm nội tâm; qua đó, chuyển tải nội dung của tác phẩm đến người xem với hiệu quả trực cảm mạnh mẽ. Điển hình như tác phẩm “Hát xẩm” của nhà điêu khắc Trần Minh Châu (Nghệ An), “Hồi sinh” của họa sĩ Nguyễn Hữu Song (Thế Hà), “Thương nhớ Trường Sa” của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn, “Nhân vật” của Nguyễn Thiện Đức...

      Bằng những động thái có tính khái quát, chắc lọc điển hình, hoàn toàn thoát ra khỏi quy ước có tính duy lý, tư duy nghệ thuật của các tác giả đã được tự do hơn rất nhiều trong quá trình tìm tòi và sáng tạo. Sự tìm tòi của các họa sĩ trẻ từ sự tự do trong tư tưởng, hoàn toàn không bị bó buộc như các thế hệ trước, đã tìm được cái họ cần phải tìm, đó là tính biểu tượng trong ngôn ngữ nghệ thuật. Thông qua tính biểu tượng trong nghệ thuật, họ đã tìm ra hơi thở của thời đại và dấu ấn sáng tạo trong xã hội. Những yếu tố đó cấu thành sức sáng tạo của nghệ thuật đậm nét. Rõ ràng, ngôn ngữ nghệ thuật không có biên giới và sức sáng tạo của người nghệ sĩ cũng không có giới hạn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật được hình thành trên một cấu trúc chung, được đặt ở vị trí trung gian trong tương quan giữa tác phẩm với các yếu tố lịch sử, yếu tố xã hội và yếu tố nghệ thuật.

       Các tác phẩm diễn hình lẫn lộn thực hư, vừa trừu tượng vừa tả thực đầy kỹ xảo, cảm nhận những biến động sâu sắc của thế giới, thiên nhiên, xã hội và con người. Đã xuất hiện một số tác phẩm với những phương pháp, phong cách thể hiện khác nhau, nổi bật trong triển lãm là tác phẩm “Biển xô” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế).

       Còn các tác phẩm điêu khắc đã mang thêm vào thế giới điêu khắc những ý tưởng, kỹ thuật và chất liệu hàm chứa sự thách thức về tính đích thực và tính nguyên bản của tác phẩm. Tư duy giữa không gian và khối tích. Chất tạo hình đơn giản, khối tích xuyên thủng đặc biệt gây ấn tượng về mặt thị giác. Hoặc tạo nên những dáng vẻ nhẹ bỗng, thanh thoát hầu như phi trọng lượng, không còn bị sức hút từ trọng lực nữa.

       Những quan điểm hiện đại về hình thức và nội dung của điêu khắc đã được xem xét lại và mở rộng hơn để tái sinh trong những dạng thức mới sống động. Ý tưởng sáng tạo đã thay đổi nhiều. Đã có sự tương tác và hợp tác giữa mọi thành phần trong thế giới nghệ thuật điêu khắc. Các tác phẩm “Không gian của sự sống” của Lê Ngọc Thái (Quảng Bình), “Hậu phương vững chắc” của Lê Quốc Hoàn (Thừa Thiên  Huế), “Hồi sinh” của Nguyễn Quốc Vượng (Quảng Bình) đã cho thấy mức độ huyễn tưởng của tác phẩm lớn hơn nhiều, nội dung cũng đa dạng hơn, ngoài ra, chúng cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.

       Thực ra hình tượng của nghệ thuật không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ mà cần vươn tới giá trị bản sắc văn hoá, giá trị nhân bản. Quan niệm truyền thống luôn quan tâm đến cội nguồn và động lực của sự sáng tạo nghệ thuật, tính tư tưởng trong nghệ thuật. Song nghệ thuật không giống như những hệ thống văn hoá khác vì nó được cấu thành bởi những đặc trưng riêng - đặc trưng thẩm mỹ. Nơi nguyên sơ, mộc mạc đất đai, cây cỏ, mạ rơm, nồng hăng bùn và hương cỏ dại, âm ỉ mọi nguồn cảm xúc. Ánh sáng tâm linh, một bảng màu ngoạn mục, chế tác bởi tình cảm, các tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Miền Trung lần thứ 20 - 2015 như một lời tự bạch, lại như một sự tự thức, sự thèm khát được sáng tạo. Độ chuyển và những biến hóa liền mạch của nét, màu trong một không gian thoáng vô định, lóe sáng đột ngột, giàu cảm xúc. Ở những bố cục có vẻ rất lý trí và kỹ thuật người ta càng thấy nội giới xúc cảm, là năng lượng chính, mục đích của nghệ thuật với những tìm tòi, trăn trở. Tác phẩm mới được tiếp nhận không chỉ ở bề nổi và quan niệm thẩm mỹ. Điều này đã tạo ra một bầu không khí thực nghiệm trong các hình thức và các đặc trưng mới. Hiện nay nó được xem như một hình thức mạnh mẽ nhất, tự biểu hiện sức sáng tạo tự do nhất trong nghệ thuật. Dường như các tác phẩm mới chỉ đang bắt đầu kết nụ.

       Đặc biệt là các tác phẩm trong Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Miền Trung lần thứ 20 - 2015 được Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng thuận đề xuất trao giải chính thức A, B, C và giải tặng thưởng là những tác phẩm xuất sắc nhất trong khu vực, đó là các tác phẩm: Giải A - tác phẩm in lưới “Huyền thoại Sầm Sơn” của họa sĩ Lê Thị Thanh; Giải B - tác phẩm “Biển xô” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức; Giải C - tác phẩm “Điểm tựa” của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng; 05 Giải khuyến khích - tác phẩm “Chạng vạng Nàng” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, tác phẩm “Hát xẩm” của nhà điêu khắc Trần Minh Châu, tác phẩm “Thương nhớ Trường Sa” của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn, tác phẩm “Trường Sơn huyền thoại” của họa sĩ Trương Minh Dự, tác phẩm “Góc khuất” của họa sĩ Lê Anh Ngọc.

       Trong cuộc sống, trong nghệ thuật - dù là lĩnh vực nào, thậm chí ngay cả trong suy nghĩ hàng ngày của mỗi con người cũng đã và luôn có sẵn yếu tố trừu tượng. Với hội hoạ, ngay cả những tác phẩm vẽ tả thực nhất vẫn có tinh thần đó, có điều không phải người xem nào cũng nhận ra.

       Trừu tượng không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người. Đặc biệt với người nghệ sĩ, tư duy trừu tượng là một phẩm chất cần phải có. Trong thiên nhiên có vô số các hình thù, đường nét, màu sắc, người vẽ phải chắt lọc, chọn ra những gì cần thiết cho mình, để tạo ra tác phẩm vừa có tính hiện thực vừa có tính điển hình. Như vậy khả năng khái quát, trừu tượng hóa rất cần thiết và là thước đo tài năng của người nghệ sĩ.

       Những chấm màu không phải là sự pha trộn mà đơn giản hơn là đặt chúng cạnh nhau theo một sự phân tích hoàn toàn chủ động. Việc dễ dàng nắm bắt nhanh chóng tinh thần của bức họa trước khi kịp hiểu ra nó là cái gì bởi vì thông tin thị giác là nhanh nhạy và đem lại nhiều ý nghĩa nhất cho quá trình tiếp thu thế giới; cũng giống như nghe một điệu nhạc thấy vui hoặc buồn; thời tiết u ám thì cảm thấy trống trải... Nhưng để có được cái tinh thần trong bức họa ấy, họa sĩ đã phải lao động nghệ thuật như thế nào thì không ai đề cập. Có chăng chỉ là sự ám chỉ, gán ghép hay đối chiếu một cách máy móc; hoặc là từ kinh nghiệm, từ vốn sống của chính mình, hoặc là tham chiếu từ hoàn cảnh sống của họa sĩ.

       Sự tìm tòi về hình thức biểu đạt, ý tưởng, bản sắc trong sáng tác là khôn cùng. Nhưng cần phải khẳng định rằng những kiếm tìm của các nghệ sĩ, đến một lúc nào đó, nếu lạc tới bến bờ, mà người nghệ sĩ cảm thấy phải neo đậu ở chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thì khó có thể coi nghệ thuật là một giá trị đích thực, mang tính nhân văn của cuộc sống. Ở thời điểm nào và không gian nào thì hành động và tư duy của con người cũng cần đề cao tinh thần kế thừa và phê phán. Riêng với nghệ thuật - một đỉnh cao của tư duy sáng tạo - sự phê phán càng có ý nghĩa sống còn, làm bật ra những nhân tố tích cực trên con đường đi tới giá trị vĩnh cửu.

      Xu hướng nghệ thuật ngày nay có những thế mạnh nhất định. Nó mở ra những chiều kích mới về ngôn ngữ hình thức của nghệ thuật, làm cho nghệ thuật mang tính đại chúng phổ cập, có khả năng biểu đạt một cách hiệu quả những tư duy triết lý thông qua ý tưởng sáng tạo và bản sắc.

 

Tác phẩm "Trường Sơn huyền thoại" của họa sĩ Trương Minh Dự 
đạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XX năm 2015

 

Tác phẩm "Làng ven biển" của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân

 

Tác phẩm "Chí sĩ Phan Châu Trinh" của nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng

 

Tác phẩm "Tà Cơn gặp lại" của họa sĩ Lê Cảnh Oánh

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Tác phẩm: Dòng sông hoa đỏ của hoạ sĩ Trương Minh Dự (7/9/2022)
Tác phẩm mỹ thuật tham dự xét giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quảng Trị năm 2021 (7/9/2021)
Tác phẩm Mỹ thuật tham dự Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật chủ đề Công an Nhân dân 2021 (30/8/2021)
Chung tay hoàn thành bức tranh tường tại đảo Cồn Cỏ (1/5/2019)
Nghệ thuật đồ họa trong xu thế hội nhập (24/9/2018)
Cuộc trở về làm nên điều kỳ diệu trong nghệ thuật (23/8/2018)
Tranh về địa đạo Vịnh Mốc (10/4/2017)
Bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống mỹ thuật và quá trình hội nhập hiện nay (9/9/2016)
Các tác phẩm đạt giải Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXI năm 2016 tại Quảng Trị (25/8/2016)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ