Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Kăn chék - món ngon của người Pa Kô


Ngày cập nhật: 11/03/2019 00:00:00

Bài và ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG

 

Bao đời nay, người đồng bào Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn luôn sống hòa mình vào thiên nhiên. Chính vì vậy, họ có nhiều phong tục văn hóa dân tộc đặc sắc, trong đó có ẩm thực. Bên cạnh những món ăn truyền thống thì món kăn chék (món cá nướng gói) được kết tinh từ những gì tinh túy mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống đời thường của người Pa Kô.

Sau những giờ lao động vất vả, người Pa Kô thường xuống sông, suối bắt tôm, cá về chế biến các món ăn ngon và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Món kăn chék được chế biến từ những loại cá nhỏ sinh sống ở môi trường tự nhiên như vậy. Trong đó, cá bống được ưu tiên lựa chọn để làm món này. Theo ông Giả Thư, 76 tuổi ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông là người nắm được bí quyết chế biến kăn chék do người xưa truyền, để có được món kăn chék đúng vị của nó, cần chuẩn bị nguyên liệu là cá bống (có thể dùng thêm một số loại cá khác), lá chuối và gia vị như: gừng, kiệu, sả, ớt xanh, ớt đỏ, muối, bột ngọt. Rửa sạch cá và gừng, kiệu, sả, ớt sau đó bỏ tất cả gia vị vào cá trộn đều chừng 5 - 7 phút. Lá chuối được rửa sạch, hơ qua lửa dùng cho lá dẻo lại dễ gói cá. Xếp lá chuối theo hình chữ thập, nhiều lớp lá sẽ tốt giúp cho kăn chék thấm vị hơn khi nướng. Sau đó, gói cá thật chặt. Nướng kăn chesk trên than sau khi đã đốt củi, không nướng bằng lửa ngọn vì sẽ nhanh làm cháy lá chuối và cá không chín đều. Trong quá trình nướng cần khơi cho than đỏ đủ nóng duy trì trong vòng hơn 30 phút (tùy theo lượng cá gói nướng). Để mong có được kết quả món ăn như ý, ngày xưa khi vừa đưa cá vào than nướng, người Pa Kô thường cử một người phụ nữ lớn tuổi, nắm được bí quyết làm kăn chék đọc câu thần chú ngắn “Kư đôông ula ipe cha chắq” (ở nơi nào cũng có tình yêu thương, tình đoàn kết). Khi cá có mùi thơm đặc trưng của cá, gừng, kiệu, sả, ớt hòa quyện thì hoàn tất khâu nướng. Món kăn chék khi ăn có vị thơm, ngọt bùi tổng hợp gồm: vị ngọt của cá sông, suối, vị cay của ớt, gừng, vị cay và đắng nhẹ của kiệu. Khi ăn, kăn chék thường đi kèm với cơm nếp và rượu được chế biến từ men lá. “Chúng tôi thường hướng dẫn lại cho các cháu gái trong bản cách làm món kăn chék cũng như ý nghĩa của món ăn để các cháu giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc mình; trở thành những phụ nữ đảm đang, giữ “lửa” ấm gia đình, nhất là trong khâu chế biến thức ăn”, ông Giả Thư chia sẻ.

Món kăn chék thường ăn kèm với cơm nếp

 

Thưởng thức kăn chék bên bờ suối

 

 Truyền thuyết kể rằng, Món kăn chék có nguồn gốc từ lâu đời khi người Pa Kô lập làng đầu tiên, sống tách riêng với người Tà Ôi ở huyện Ta Ổi nước bạn Lào. Món này do bà Kăn Chék, một người phụ nữ độc thân và là thầy mo có uy tín sáng tạo nên. Bà dựa vào truyền thuyết Muun Ta Man, một loài ong tò vò chăm chỉ xây tổ bằng đất ở trong nhà gần gũi với người. Hàng ngày, Muun Ta Man bắt các loại côn trùng nhỏ tha vào tổ và ru chúng liên tục trong suốt quá trình, chu kỳ biến dạng, biến thể từ các côn trùng thành con ong. Mỗi lần nhìn thấy Muun Ta Man, bà Kăn Chék nghĩ rằng, bà không chồng, không con cũng không sao nếu bà sống tốt với mọi người thì ai cũng là con cháu của mình như Muun Ta Man vậy. Về già, bà không còn sức đào bới, hái lượm để tìm kiếm cái ăn hàng ngày nên thường xuống sông, suối gần nhà để xúc các loại cá nhỏ về ăn. Dần dần, bà nghĩ cần phải nghĩ ra một món ăn để lưu truyền cho đời sau. Đó chính là món ăn mang tên kăn chék được con cháu của người Pa Kô gìn giữ và phát huy đến hôm nay. Nghệ nhân ưu tú, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt Kray Sức cho biết: “Kăn chék là món ăn truyền thống của người Pa Kô. Việc gói cá trộn đều với các gia vị vào trong lá chuối, phía trên cùng túm gọn, cột bằng dây thân cây chuối lại tượng trưng cho tình cảm mật thiết, tấm lòng chịu thương, chịu khó, tỏ lòng biết ơn với bà Kăn Chék, người có công sáng tạo ra món ăn cao quý đầy ý nghĩa; là tấm lòng bao la của người mẹ không con nhưng có nhiều con đó là tất cả con dân của bản đã có công tu dưỡng, che chở bao người lạ thành người quen, người xấu thành người tốt, trẻ mồ côi bơ vơ được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bao người. Kăn chék còn là sự kết tinh của sự đoàn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa nội, ngoại, các làng anh em gần xa. Do đó, trải qua bao biến thiên của lịch sử đến nay, mỗi dịp lễ, ngày hội hàng năm của người Pa Kô, nhà nữ thường đi nhà nam bằng kăn chék hoặc tiếp khách quý trọng nhất mới mời món ngon này. Hiện có những thôn, bản của người Pa Kô vẫn còn dùng món kăn chék để cúng thần bà, thần bổn mạng của phụ nữ”.

Thưởng thức kăn chék với khung cảnh hữu tình của mùa xuân, xung quanh là núi rừng xanh thẳm, đâu đây mái nhà sàn nhấp nhô, tiếng nước sông, suối trong lành chảy róc rách, cùng hòa mình vào những điệu nhạc dân ca Pa Kô… khách được mời món ngon sẽ lưu luyến mãi không rời.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ