Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Ấm áp hương xuân cùng bánh ayỡh


Ngày cập nhật: 02/05/2017 00:00:00

 Bài và ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG

 

       Đầu năm mới, chúng tôi có dịp cùng gia đình anh Hồ Văn Kiên và chị Hồ Thị Dên, ở thôn Xari, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa làm bánh ayỡh (người Kinh gọi là bánh dày); được hòa mình với bà con miền núi trong không khí vui tươi, phấn khởi đón tết và kỳ vọng vào một năm mới an lành.

 

Gia đình anh Kiên, chị Diên sum vầy bên mâm bánh ayỡh trong ngày tết

 

Bánh ayỡh vừa mới được làm xong

 

       Buổi sáng hôm ấy, trên ngôi nhà sàn giản dị của vợ chồng người Vân Kiều hiếu khách, chúng tôi vây quanh quan sát cách chị Dên làm thế nào để có được một chiếc bánh ayỡh dẻo, thơm ngon. Trước hết, chị chuẩn bị sẵn nguyên liệu gồm: 10 lon nếp rẫy (loại nếp ngon nhất của gia đình), 2 lon mè đen và một ít muối bột; dụng cụ làm bánh như: cối và chày gỗ, a điên (mâm). Nếp trước khi đưa vào nấu được chị đãi sạch, ngâm qua một đêm. Chị trộn mè đen với một ít muối rồi cho lên bếp than rang đều, giữ lửa vừa, đến khi nào mè tỏa mùi thơm phức thì ngừng rang. Hồi hộp nhất là khi cùng ngồi dưới sàn bếp để hoong xôi, đợi xôi chin. Trong tiết hơi lạnh đầu xuân, bên bếp lửa ấp áp chúng tôi được chị Dên truyền đạt cách làm bánh ayỡh. Sau gần một giờ đồng hồ, xôi chín, chị Dên vội đưa tất cả số xôi nóng hổi đó cho vào cối để giã (bánh giã xong vẫn còn nóng ấm, thơm). Anh Hồ Văn Kiên được phân công phụ trách khâu giã bánh vì đây là công đoạn cần đến người có sức khỏe dẻo dai. Quá trình chồng giã xôi, chị Dên đứng cạnh bên cho mè đen vào cối cùng với xôi. Chị luôn quan sát và kiểm tra xem xôi và mè đen được chồng giã đều hay chưa. Đoạn đến lúc xôi và mè hòa chung một màu đen sẫm và nhuyễn thì chị ra hiệu cho chồng ngừng tay. Sau gần 1 tiếng bánh được giã xong, anh Kiên và chị Diên vội lấy bánh ra và dùng tay phết đều bánh lên khuôn (a điên - có thể dùng mâm nhôm, đồng) đến khi nào bánh được vun đều, tròn trịa theo vành khuôn thì thôi.

 

       Em Hồ Thị Thiêng, 17 tuổi, con gái của anh Kiên và chị Diên cũng là một thành viên tích cực góp sức làm bánh ayỡh. Thiêng chia sẻ: “Bố mẹ em thường dạy rằng, là con gái của người Vân Kiều là phải biết làm tất cả các loại bánh truyền thống, trong đó có ayỡh. Vì thế, mỗi lần đến dịp lễ, tết là em thường xuyên phụ bố mẹ làm bánh để sau này lớn lên cùng chị em trong thôn, xã góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”. Cùng với việc làm bánh ayỡh, chúng tôi phụ vợ chồng anh Kiên và chị Dên làm gà, nấu một bát xôi, chuẩn bị một  chai rượu ngon để khi bánh ayỡh thành thành phẩm thì đặt tất cả lên trên mâm cơm ở sàn nhà trung tâm để làm phong tục cám ơn và báo cáo với tổ tiên, trời, đất về tình hình làm ăn một năm qua của gia đình trước sự chứng kiến của già làng - ông Hồ Văn Phúc và tất cả các thành viên trong gia đình. Sau đó, chúng tôi ngồi lại và xin phép già làng được cắt bánh ayỡh. Khách đến nhà được anh Kiên ưu ái mời thưởng thức bánh trước. Bánh ăn ngay lúc này vẫn còn nóng ấm, thơm dịu nhẹ, vị bùi của xôi, mè và muối hòa quyện vào nhau nên trông rất hấp dẫn. Vừa ăn bánh, chúng tôi vừa trò chuyện vui vẻ. Đến lúc chia tay, chủ nhà còn cắt tặng chúng tôi mỗi người 2 miếng bánh gói về. “Bất cứ khách nào đến nhà của người Vân Kiều dịp tết cũng sẽ được mời bánh ayỡh, khi về cũng sẽ được tặng 2 miếng bánh vì chúng tôi quan niệm đi đâu, làm gì cũng phải có cặp, có đôi. 2 miếng bánh ayỡh tượng trưng cho tình vợ chồng gắn bó, thủy chung là vậy”- Anh Kiên nói.

 

       Bao đời nay, cứ vào dịp lễ, tết, cưới, hỏi... là các gia đình người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị lại sum vầy làm bánh ayỡh - loại bánh truyền thống của dân tộc mình để thưởng thức và thiết đãi, làm quà biếu cho khách quý. Đây là nét đẹp văn hóa mà người dân nơi đây luôn gìn giữ và phát huy, tạo nên đặc trưng riêng của miền sơn cước. Theo như già làng Hồ Văn Phúc thì bánh ayỡh không chỉ là thực phẩm được “biến tấu” từ bàn tay tài tình của người Vân Kiều mà bánh còn là biểu tượng tâm linh về trời đất. Ông cho rằng, lúa tẻ hay lúa nếp đều do chính thần đất, thần mặt trời, mặt trăng ban tặng cho con người, mỗi người phải có trách nhiệm gìn giữ và trân quý những hạt ngọc quý báu ấy, từ đó bánh Ayỡh ra đời. Vì thế, bánh Ayỡh thường xuất hiện nhiều nhất ở các dịp lễ mừng lúa mới diễn ra vào những ngày trung tuần tháng 12 âm lịch của người Vân Kiều. Bánh có hương thơm dịu nhẹ của mùi nếp nương như mối tình tinh khôi, trong sáng nhưng mộc mạc của đôi trai gái vùng núi rừng. Bánh có sự dẻo dai như lời cầu mong của “mẹ lúa” đến sự gắn kết chung thủy, mãi mãi, keo sơn đến “đầu bạc răng long” cho đôi nam nữ. Do đó, bánh không chỉ sử dụng ở các dịp lễ hội, tết mà người Vân Kiều còn sử dụng vào các dịp cưới, hỏi. Bánh Ayỡh còn được dùng để thiết đãi khách quý, thể hiện tình cảm chân thành, sâu sắc giữa khách và chủ. Bánh ayỡh tuyệt đối không sử dụng trong đám ma và không làm bánh vào ban đêm. Trong các lễ hội lớn, người ta có thể sử dụng bánh này kèm thịt nướng với rau rừng. Ngoài ra, nếu không sử dụng sau khi làm thì bánh có thể gói kỹ và cất giữ đến hàng tháng trời (trước khi sử dụng lại bánh thì gọt bỏ phần ngoài, rồi ngâm với nước cho bánh nở ra hoặc không ngâm cũng được, rồi đem nướng bánh trên lửa than hoặc rán cho bánh hơi vàng, giòn là được). Lúc này, người ăn bánh vẫn cảm nhận được vị bùi của mè, vị ngọt của nếp và mùi thơm dịu nhẹ. Ông Phúc còn cho biết, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bên cạnh việc nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng, tham gia tiếp lương, tải đạn cho bộ đội Cụ Hồ thì người Vân Kiều thường làm bánh ayỡh để giúp các cán bộ cách mạng và bộ đội tiện cất trữ lương thực bên mình, bất cứ lúc nào họ cũng có thể dùng bánh thay cơm.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ