Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Cồng chiêng vang mãi


Ngày cập nhật: 05/07/2016 00:00:00

Bài và ảnh - KÔ KĂN SƯƠNG

 

       Ai từng có dịp đến vùng biên giới Việt - Lào, được thưởng thức những điệu múa đẹp mắt của Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng của các nghệ nhân khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa sẽ khó quên được hình ảnh đặc trưng, đầy sức sống của bà con nơi đây. Từ già làng, trưởng bản, gái, trai, thanh thiếu niên trong khóm, ai cũng dành tâm huyết, đầu tư tâm sức phát triển CLB cồng chiêng với mong muốn dù cuộc sống có phát triển đến đâu thì nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô vẫn trường tồn mãi mãi giữa lòng thị tứ.

 

       Khóm Ka Tăng có 192 hộ/842 nhân khẩu, có 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều và Pa Kô cùng sinh sống. CLB cồng chiêng của khóm có 24 thành viên, trong đó có 12 nam và 12 nữ. Không quy định cụ thể thời gian sinh hoạt định kỳ, CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng sẵn sàng tổ chức biểu diễn bất cứ lúc nào khóm, thị trấn cần, nhất là vào các dịp quê hương, đất có sự kiện lớn hay vào dịp lễ, tết. Thường thì các điệu múa, lời ca của CLB này biểu diễn đều thể hiện sự vui tươi, phấn khởi mang nhiều ý nghĩa, như: mừng kỷ niệm ngày giải phóng đất nước, mừng khách làng bạn về làng mình, mừng lúa mới, mừng thành công bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, mừng con cháu học hành thành đạt…   

 

       * Hết mình vì văn hóa truyền thống

       Năm nay, ông Hồ Thanh Bình, già làng khóm Ka Tăng bước qua tuổi 85 và ông có đến 60 năm tuổi Đảng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như am hiểu về cồng chiêng của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nên ông được bà con trong khóm tin tưởng, đề nghị tham gia và làm đội trưởng đội cồng chiêng của địa phương hơn 20 năm nay. Quá trình làm đội trưởng cồng chiêng, ông Bình không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm những nhạc cụ truyền thống để bổ sung cho đội; nghiên cứu tạo ra những điệu múa mới nhưng vẫn phù hợp trong các đợt sinh hoạt cồng chiêng; tuyên truyền, vận động người dân trong khóm cùng tham gia sinh hoạt với đội cũng như tìm kiếm những người trẻ tuổi, có đam mê với những điệu múa, hát truyền thống để truyền đạt lại kinh nghiệm cho họ, làm trẻ hóa CLB. Với ông, mỗi ngày qua đi, được góp sức duy trì và phát triển đội cồng chiêng của khóm là niềm vui để ông sống khỏe hơn. 7 năm trước, CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng chính thức được thành lập với 25 thành viên tham gia, ông Bình cũng được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB. Từ đó đến nay, CLB do ông dẫn đầu luôn hoạt động sôi nổi, hàng năm cứ đến lễ hội nào của quê hương, đất nước, CLB cũng tổ chức múa, hát vui vẻ tại nhà sinh hoạt cộng đồng hay tại trung tâm thị trấn… tạo động lực để bà con trong khóm thi đua lao động sản xuất hiệu quả hơn. Ông Bình chia sẻ: “Tôi rất vui vì tuổi đã cao nhưng vẫn được bà con tin tưởng, giao nhiệm vụ duy trì và phát triển CLB cồng chiêng. Hầu hết các thành viên CLB đều rất nhiệt tình, họ đam mê học hỏi từng điệu múa, bước nhảy, ca từ liên quan đến chủ đề biểu diễn cho nên mỗi lần huy động CLB biểu diễn rất thuận lợi và luôn thành công”.

 

Ông Hồ Thanh Bình tận tình hướng dẫn cho thành viên trẻ tuổi trong CLB cồng chiêng cách sử dụng nhạc cụ truyền thống

 

Các thành viên CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng tập duyệt chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới

 

Ông Hồ Thanh Bình hướng dẫn cách sử dụng nhạc cụ truyền thống cho các thành viên trong CLB cồng chiêng

 

       Với 24 thành viên sinh hoạt, CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng có 5 người tuổi đời từ 60-85, số thành viên còn lại độ tuổi từ 20-50. lúc mới lên 10 tuổi, em Hồ Thị Kim Anh (16 tuổi) đã xin được tham gia sinh hoạt CLB. Em là người luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người lớn tuổi về cách thức biểu diễn, ý nghĩa cũng như tìm hiểu thêm cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ngoài giờ đến trường, ôn bài, Kim Anh thường tìm đến nhà già làng Hồ Thanh Bình để nhờ ông chỉ bảo thêm. Mỗi lần được nghe ông Bình nói chuyện về lịch sử cồng chiêng, cách múa, hát, sử dụng nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô em rất chăm chú lắng nghe. Trong các lần biểu diễn của CLB, Kim Anh luôn nỗ lực, được các thành viên đi trước động viên, khích lệ để em tiến bộ hơn. Kim Anh cho biết: “Em rất tự hào khi mình được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hướng Hóa anh hùng, được chung sức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, em thường tuyên truyền, vận động các em nhỏ ở khóm cùng tham gia duy trì, phát triển CLB cồng chiêng, làm thế nào để văn hóa dân tộc mình đừng mai một và bền vững với thời gian”.        

 

       Trong số thành viên CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng có chị Nguyễn Thị Tình, dân tộc Kinh tham gia. Năm 2004, chị Tình cùng chồng, con từ Huế lên Lao Bảo và chọn Ka Tăng làm nơi lập nghiệp. 12 năm sinh sống ở đây, gia đình chị luôn được bà con Ka Tăng quý mến vì lối sống hòa đồng, biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với những người xung quanh. Thấy đội cồng chiêng của khóm hoạt động vui vẻ, ý nghĩa, ngay từ khi đến đây sinh sống, chị Tình xin được tham gia sinh hoạt. Các thành viên trong đội, đặc biệt là phụ nữ rất quý mến chị Tình, mỗi lần trước giờ biểu diễn vì khéo tay nên chị thường giúp mọi người trang điểm, làm tóc, chỉnh sửa trang phục gọn gàng. Chị cũng rất tích cực học hỏi kinh nghiệm của các chị em trong đội để làm sao mỗi lần tham gia múa, nhảy, hát phải hòa mình thực sự như phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô. Vì thế, sự góp mặt của chị trong các lần sinh hoạt làm cho đội cồng chiêng sôi nổi hẳn. Chị Tình vui vẻ nói: “Từ khi đến Ka Tăng lập nghiệp, vợ chồng tôi luôn xem mảnh đất và con người nơi đây là quê hương của mình. Được bà con Vân Kiều, Pa Kô giúp đỡ, chúng tôi có điều kiện làm ăn tốt hơn. Nhờ vậy, tôi biết thêm nhiều về phong tục, tập quán của bà con Vân Kiều, Pa Kô và hứa quyết tâm sẽ cùng bà con duy trì, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông của bà con đã dày công xây dựng”.

 

       * Khuyến khích phát triển

        Hiện nay, các nhạc cụ của CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng đang sử dụng gồm có: chiêng, phèng la, tù và, khèn bè, sar, trống, tà ngạc, đàn ta lư, vẫn còn thiếu thanh la (2 cái) do không có kinh phí để đầu tư. Mỗi lần biểu diễn, họ phải đi mượn thanh la ở nơi khác nên cũng khá phiền hà. Với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”, các thành viên CLB này có nguyện vọng được đóng góp tích cực, một cách ý nghĩa vào các hoạt động văn hóa, du lịch ở địa phương. Ông Hồ Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi mong muốn được quan tâm hỗ trợ bổ sung nhạc cụ còn thiếu. Bên cạnh đó, theo tôi, muốn phát triển văn hóa, du lịch ở vùng biên giới thì chính quyền địa phương cần quan tâm khai thác những đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Riêng thị trấn Lao Bảo, nơi có đồng bào Vân Kiều, Pa Kô và Kinh đoàn kết chung sống, đặc biệt ở khóm Ka Tăng có CLB cồng chiêng thì nên đầu tư điểm nhấn, tạo nơi dừng chân thu hút du khách. Với quyết tâm xây dựng và phát triển CLB, ngoài tổ chức múa, hát trong các lễ hội của dân tộc mình, chúng tôi sẵn sàng phục vụ các lễ hội lớn, nhu cầu phát triển văn hóa, du lịch của địa phương”.

 

       Bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó với cuộc sống sinh hoạt thường ngày, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Do đó, từ sâu thẳm trong lòng mỗi người dân Ka Tăng luôn có ý thức rất cao trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Ông Nguyễn Phi Bảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng duy trì và phát triển. Để khai thác có hiệu quả nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, thị trấn sẽ tổ chức lồng ghép văn hoá cồng chiêng với các hoạt động, phong trào thi đua khác trong các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, kêu gọi, vận động nhiều sự hỗ trợ khác từ cá nhân, cộng đồng và xã hội để tạo nguồn kinh phí, khuyến khích, động viên CLB cồng chiêng khóm Ka Tăng hoạt động hiệu quả hơn”.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ