Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Tập tục đi sim của người Bru - Vân Kiều


Ngày cập nhật: 05/02/2016 00:00:00

  Y THI

 

           Tìm hiểu là bước đầu tiên của hôn nhân, nó rất quan trọng đối với cuộc sống vợ chồng về sau. Hạnh phúc lứa đôi, hôn nhân và gia đình có bền vững hay không phần lớn phụ thuộc vào giai đoạn tìm hiểu.

          Tuổi yêu đương, thời gian tìm hiểu đối với nam nữ tộc người Bru - Vân Kiều tương đối sớm, thường từ 14 - 15 tuổi, đây đã là tuổi trưởng thành theo quan niệm của đồng bào. Nó xấp xỉ, hoặc có muộn hơn một chút so với người Kinh chúng ta vào thời thời phong kiến theo quan niệm “nữ thập tam, nam thập lục”. Miễn là sau khi các nam nữ vị thành niên ấy đã làm xong thủ tục “cà răng, căng tai”. Họ tìm hiểu nhau từ các buổi đi rừng, lao động trên nương rẫy; trong các dịp hội hè, phổ biến nhất vẫn là trong các mùa “đi sim”.

          “Đi sim” là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên tộc người Bru - Vân Kiều. Có người cho tục lệ đi sim hay “hát sim” (oat) là tiếng hát giao duyên đấu tranh cho tình yêu chân chính. Trai gái đến tuổi cập kê đều có quyền tham dự những mùa sim. Nó tự nhiên như con cá phải được bơi trong nước, con chim bay trên trời, như con người cần ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, hít thở không khí vậy. “Hát sim” là một nét đẹp văn hóa cổ truyền dành riêng cho thanh niên nam nữ người Bru - Vân Kiều, kiểu như người Kinh chúng ta hát quan họ ở Bắc Ninh; ca trù ở vùng Kinh Bắc; hát ghẹo, hát đối đáp ở đồng bằng miền Trung...

 

Hú - Tranh của LÊ CẢNH OÁNH

 

         Tập tục đi sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Các chàng trai cô gái ban đầu tập trung ở các ngôi nhà chung để chuyện trò, hát sim, thổ lộ tâm tình. Có khi họ tập hợp lại thành tốp năm tốp bảy kéo nhau từ bản này sang chơi bản khác. Cứ thế lúc về khuya trăng thanh gió mát, “liền anh liền chị” khi đã có tình ý họ dẫn nhau ra chòi rẫy, ra bên bờ suối thanh vắng để tình tự là tùy theo sở thích mỗi người, không ai quấy rầy ai lại là một lẽ tự nhiên khác.

        Như đã nói ở trên, tùy vào vị trí, tùy vào không gian và thời gian để những đôi nam nữ hát sim, tự tình. Dưới mái ngôi nhà chung trăng sao vằng vặc các “liền anh” gởi gắm, thăm dò tình cảm các “liền chị” qua làn điệu Oat:

          Bóng em lấp lánh như sao mới mọc

          Dáng em lấp lánh như vầng trăng non

          Hình em vằng vặc như trăng đêm mười sáu

          Ta đi tìm em, em ơi!

          Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy

          Ta đang lần tìm đến người, người ơi!

          Để đáp lại và cũng là để thổ lộ nỗi lòng của mình, giọng hát của người con gái nào đó lảnh lót cất lên, kín đáo, tình tứ nhưng không kém phần cháy bỏng:

          Nàng (tên một vì sao) ra đi đã tới gần chỏm núi

          Anh ơi! Sao anh vẫn chưa ngủ

          Anh cứ “oát” hoài

          Trên các chòi lúa rẫy

          Anh có biết không?

          Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh

          Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người

          Kèn Amam không thổi một mình

          Em biết thương ai bây giờ ngoài anh...

          Đó là những dấu hiệu của sự cảm tình, cảm mến. Và khi đã cảm tình riêng các chàng trai cô gái tự động tách ra để tìm đến nơi cần đến...

          Trong khi ở đâu đó ngoài chòi rẫy, nghe bước chân chàng trai đến, người con gái đưa đón mời chào:

          Nghe tin anh đến lòng em mãi đợi

          Nghe tin anh đến tình em mong chờ

          Thuốc hút ngon, trầu cau để sẵn

          Đón anh tối nay

          Em đón đầu đường

          Em chờ đầu ngõ 

          Anh đến mừng khôn xiết

          Bối rối muốn ôm anh...

          Nghe những lời mời mọc như vậy, “liền anh” đã choáng ngợp mà vẫn thở than thăm dò:

          Lời nói đưa, đừng để lòng anh xao xuyến

          Tình thoáng qua, đừng để nỗi nhớ trong anh

          Anh như người mất hồn

          Anh như người nhạt máu (cuồng si) 

          Dù có háo hức, táo bạo đi chăng nữa - trước những lời đáp từ của người con trai như vậy, “liền chị” không thể không chùn lòng và suy tưởng mông lung. Chỉ chờ có thế, người con trai tiếp tục tấn công:

          Như một trăm năm gặp một lần

          Như mười năm gặp một dịp

          Ta hãy chung vui trong phút chốc.

          Cái siêng năng em hãy gác lại

          Cái lười biếng em hãy cất đi

          Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay

          Ta cùng vui theo năm tháng trọn đầy.  

          Càng về khuya “liền anh liền chị” quấn quýt xích lại gần nhau hơn, lời hát sim cũng tình tứ lạ thường. Làm sao cô gái Bru - Vân Kiều không khao khát được yêu người con trai khéo hát kia. Có chút tự ti, chút e thẹn qua lời nhắn yêu không chủ động như người tung chài sợ nước cuốn trôi... nhưng thực chất thì nàng đã yêu rồi:

          Đêm nay em chỉ nhìn thấy mặt

          Đêm nay em chỉ ngửi được hơi

           .......

          Em chỉ là người trông theo bóng anh

          Em chỉ là người đeo đuổi hình anh

          Em chỉ là người mở cửa để trông

          Em chỉ là người khép phòng để ngó...

          Người con trai Bru - Vân Kiều bấy giờ chỉ biết dỗ dành, động viên người yêu nhưng vẫn không quên ra tiếp những “cú đòn” hiểm:

          Em là người anh cậy cha mẹ đến cưới

          Thương em đến nỗi sầu

          Nhớ em đến nỗi ốm

          Ước gì gan mật anh mãi mãi thuộc về em...

          Cứ thế tiếng lòng cô gái thổn thức, rộn ràng lên theo tiếng gọi tình yêu đôi lứa, thôi thúc nàng vượt qua mọi rào cản. Và lời tỏ tình của nàng tỏ rõ quyết tâm:

          Nếu mẹ không nhận con nữa cũng mặc

          Ta đem nhau băng đồi

          Nếu bố can ngăn mãi cũng mặc

          Ta đem nhau vượt núi...                        

          Chàng trai chỉ chờ có thế, nhưng vẫn còn bình tĩnh suy đoán, đánh giá tình cảm nồng nhiệt của người yêu bằng cách “nắn gân”, đưa ra thử thách: “Chúng mình ăn cơm chỉ đủ thấm ruột/ Chúng mình uống nước chỉ đủ thấm gan... ”. Song trước quyết tâm của người yêu nên chàng đã cất lên tiếng hát mạnh bạo, quả quyết và dứt khoát rằng thà chết chúng mình vẫn cứ yêu nhau:

          Thà chết một hố     

          Thà lấp chung một nấm đất

          Để bản làng đều thương

          Cho thiên hạ đều nhớ                

          Thật đã quá ngỡ ngàng và quá ư là lãng mạn! Liệu khi trái tim đã đập cùng một nhịp thì hai thể chất kia có thể mất đi ư? Mất nhưng tình yêu của họ vẫn còn. Nỗi buồn vẫn còn. Khát vọng vẫn còn... Và một khi hai người đã hát sim được như vậy cũng có nghĩa là họ đã yêu nhau.

          Có thể nói một đêm hát sim có rất nhiều cao trào, rất nhiều cảm xúc chồng chéo lên nhau. Ngoài việc các đôi nam nữ hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca của ông cha truyền lại, họ còn hát những bài hát do bản thân mình vừa mới sáng tạo ra để thổ lộ tâm tình, để khoe tài trí bản thân. Không riêng gì đồng bào miền Tây Quảng Trị mà các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên đều có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt này. Nam nữ thanh niên tộc người Bru - Vân Kiều không chỉ trổ tài trong khi hát mà còn sử dụng một số loại nhạc cụ “đặc thù” đệm cho người hát thể loại “Oat”. Tiếng đàn Talư (loại đàn hai dây) thánh thót thay lời nhỏ to tâm sự. Khi vui họ thổi sáo Khui lúc trầm lúc bổng, réo rắt, vi vu lan tỏa khắp núi đồi bản làng. Bên cạnh “Krào” là loại nhạc cụ cấu tạo rất đơn giản, làm bằng một thanh tre nhỏ vót mỏng dùng để nói lóng bằng cách lẫy nhẹ vào môi, “A-mam” lại là một ống nứa nhỏ, một đầu có gắn lưỡi gà, trên thân ống có khoét lỗ để nhịp bằng tay. Khi thổi hai người ngồi chéo chân, người con gái ngậm một đầu ống sáo vào miệng, dùng khoang miệng làm hộp cộng hưởng; trong khi người con trai vừa thổi, vừa nói lối bóng gió (a cặm) rất phù hợp cho việc tỏ tình. Tất cả họ đều là những người nhận biết các tín hiệu, “thông tin tình cảm” qua các loại nhạc cụ này rất nhạy cảm và tài giỏi.

          Ở giai đoạn tìm hiểu (tiền hôn nhân), luật tục của người Bru - Vân Kiều có nhiều chế tài rất nghiêm khắc, không thể tự ý làm khác hay tùy tiện được. Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua quãng thời gian tìm hiểu; khi tình cảm và sự chọn lựa đã chín muồi, phải được sự mai mối của ông bà mối; được sự đồng ý của hai gia đình, hai dòng họ trước. Bất luận trong mọi trường hợp, con cái chưa được sự đồng ý hoặc cưỡng lại quyết định của cha mẹ, tự ý thực hiện những điều không được phép làm đều bị ghép vào tội bất hiếu. Trong luật tục cũng như quan niệm của đồng bào Bru - Vân Kiều, khi chưa là vợ chồng của nhau thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục với nhau, vì làm vẫn đục danh dự dòng họ và làm kinh động đến thần linh. Từ tìm hiểu đến kết hôn là quá trình xác lập dần về mặt tín ngưỡng tâm linh đối với thần linh thông qua các lễ nghi bắt buộc; chưa báo cáo với Yang mà tự ý quan hệ sẽ bị trừng phạt. Luật tục quy định rõ mọi vi phạm quan hệ trước hôn nhân đều phải cúng Yang hoặc nặng hoặc nhẹ. Trong trường hợp người con trai chạy lỗi, gia đình phải bồi thường danh dự  cho nhà gái, phải nộp phạt gấp đôi và làm lễ cúng Yang. Người con gái quan hệ một người đổ lỗi cho người khác phải tự gánh chịu lấy hậu quả, phải xin lỗi gia đình mình vu oan. Trong trường hợp lỡ quan hệ nhưng đôi trai gái tỏ ra biết ăn năn hối lỗi, già làng sẽ xem xét cho hưởng hình phạt nhẹ nhưng buộc phải cúng Yang và tạ lỗi với dòng họ. Rõ ràng đây là những quy định quan trọng và tiến bộ trong hôn nhân của người Bru  - Vân Kiều, nó có tác dụng giáo dục tầng lớp nam nữ vừa thiết thực, vừa cụ thể trong quan hệ ứng xử cũng như tôn trọng và bảo vệ danh giá đôi bên gia đình, dòng họ, bản làng.

          Trên thực tế sau mỗi lần đi sim chàng trai thường tặng cho cô gái mình yêu những vật làm tin như vòng bạc, chuỗi cườm. Nếu cô gái nhận những vật kỷ niệm tức là đã thầm ước hẹn nhưng đó chưa phải đã là đính ước. Ngược lại cô gái từ chối không nhận kỷ vật có nghĩa là không đồng ý cho chàng trai tiếp tục tìm hiểu, anh ta phải đi tìm đối tượng khác. Những vật làm tin cũng có thể hoàn trả lại nếu như trong quá trình tìm hiểu có trục trặc nào đó dẫn đến đôi trai gái không thành vợ chồng. Theo tục lệ của đồng bào Bru - Vân Kiều, một người con trai chưa vợ (lâu la) hay một cô gái chưa chồng (cu môr) tìm hiểu hoặc làm quen với nhiều đối tượng khác nhau là một hiện tượng hết sức bình thường vì chỉ có như vậy họ mới tìm được cho mình “người tình trăm năm” hay “người tình lý tưởng” (kà răm) - mẫu người mơ ước của các chàng trai, cô gái. Những tiêu chuẩn để trở thành “kà răm”  giữa một “chàng trai lý tưởng” (lâu la kà răm) hoặc một “cô gái lý tưởng”  (cu môr) về cơ bản không cách biệt nhau gì nhiều lắm mà chỉ là những khác biệt về giới tính. Nếu là con trai phải có ngoại hình cân đối, khỏe mạnh, trung thực, dũng cảm, có nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất hoặc sản xuất giỏi; trong khi mẫu người con gái lý tưởng là con người siêng năng, lao động giỏi, hiền hậu, có tài nội trợ, có ngoại hình cân đối hoặc múa hát giỏi... Như vậy, trong việc chọn lựa người yêu nam nữ thanh niên Bru - Vân Kiều đều chọn tiêu chí lạo động giỏi là tiêu chuẩn chọn lựa hàng đầu. Điều đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế và địa bàn cư trú của đồng bào miền Tây; cần cù, siêng năng, chăm chỉ, biết yêu quý lao động, biết lo toan việc gia đình chính là cái đẹp, nó thật là thiết thực và gần gũi.

          Tìm trong kho tàng ca dao, dân ca, chúng ta bắt gặp rất nhiều mẫu hình lý tưởng gắn với lao động. Đây là mẫu hình người con trai đẹp được nhiều cô gái yêu thương, săn đuổi:

          Vắng nơi ăn uống

          Lại thường có mặt nơi việc chung của làng

          Xà nhà chàng xếp đầy đầu thú

          Bếp nhà chàng xếp đầy xương cá to

          Đồ sắt chàng rèn, rựa như có mũi

          Móng tay chàng mòn vì đan những chiếc gùi cho em...

Hoặc ngược lại:

          Ôi em đẹp lắm, người thương ơi!

          Nhà em lúa đầy bồ, đàn heo nung núc...

          Và khi đã tâm đầu ý hợp, đôi nam nữ Bru - Vân Kiều thấy không thể nào xa nhau được nữa họ sẽ về báo cho bố mẹ mình biết. Bố mẹ đồng thuận sẽ nhờ ông mai bà mối (Kanlrana), thông thường là ông cậu đánh tiếng cho nhà gái biết. Thường thì ít khi bố mẹ không đồng ý vì hơn ai hết họ là những người rất tôn trọng việc lựa chọn người yêu của con cái mình. Kanlrana (ông cậu) có một vai trò quan trọng như đã nói, ông thay mặt nhà trai đi lại thăm hỏi, bàn bạc với nhà gái nhiều lần. Dù có tốn kém nhưng mỗi lần đến nhà gái, nhà trai đều chuẩn bị cho ông cậu những món quà tình cảm giao đãi như con gà, gạo nếp, ché rượu... Kanlrana đóng vai trò ngoại giao, thông báo tiến triển công việc cho hai bên gia đình biết và khi câu chuyện hôn nhân giữa hai gia đình đã chín muồi, không có gì cản trở nữa, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi (poôcplô căm pay). Trước khi làm lễ ăn hỏi, luật tục quy định bố chàng trai phải báo cho già làng biết; không báo hoặc báo muộn sẽ bị già làng phạt, nhất là trong trường hợp lấy chồng lấy vợ khác làng sẽ bị phạt nặng. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai cử một đoàn, thành phần bắt buộc như sau: Kanlrana (người làm mối - ông cậu), Xuất Vel (già làng, chủ làng), Xuất Mu (trưởng dòng họ), A ăm (bố chàng trai) và em gái bố là người gùi lễ vật sang nhà gái. Lễ vật chính bao gồm: Vòng bạc (coong), vòng đeo tai (tăng or), hạt cườm (chơơng), quần áo, khăn, vải vóc... Tại lễ hỏi, nhà gái nhận lễ vật tức là đã nhận lời, đôi trai gái được hai họ thừa nhận, đã là vợ chồng của nhau về mặt lệ làng nhưng vẫn cấm đôi nam nữ quan hệ vợ chồng. Sở dĩ luật tục quy định chặt chẽ như vậy là vì sau lễ hỏi nếu một trong hai gia đình không thực hiện đúng giao ước thì phải chịu đền bù. Nhà trai hủy đám cưới thì không được nhận lại lễ vật mà còn phải xin lỗi nhà gái. Trong trường hợp nhà gái tự hủy bỏ hôn lễ thì phải đền bù lại gấp đôi lễ vật thách cưới và phải xin lỗi nhà trai.

          Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình hai họ sẽ tiến hành tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ…

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ