Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Tản văn

Khuynh hướng sử thi trong thơ Chế Lan Viên thời chống Mỹ


Ngày cập nhật: 20/11/2020 00:00:00

TS. Nguyễn Văn Dùng

     Thơ Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1975 chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thơ Chế Lan Viên là đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng đó.

     Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bútnhìn con người và cuộc đời, sự vật không chỉ bằng con mắt cá nhân mà còn bằng con mắt của cộng đồng, xã hội, có tầm bao quát lịch sử của dân tộc và thời đại. Đặc biệt giai đoạn chống Mỹ cứu nước Chế Lan Viên là nhà thơ giàu trí tuệ, trữ tình cách mạng, ông đã ý thức rất kiên định phát hiện và khám phá về dân tộc và thời đại mình đang sống. Với cái nhìn vừa có tính chất sử thi, vừa có chiều sâu trí tuệ, đa diện, nhiều chiều, mang tầm triết luận ông đã: Nhìn thấu việc vệnh mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc/ Một câu Kiều cho chí một nhành hoa/ Đền là của nhân dân không để mất ( Con mắt Bạch Đằng – Con mắt Đống Đa). Ông đã phát hiện Tổ quốc và nhân dân ở thế đứng mới, một tầm cao mới: Bốn nghìn máy bay đã để thành kỳ đài cho ta đứng chót vót cao trên đầu quân giặc/ Nghìn chiến công mới đắp vào cho núi ấy thêm cao (Tuyên bố của mỗi lòng người, khẩu súng, cành hoa). Ông đã khai thác sâu hơn: Này, thời đại anh có cái gì khác chứ?Hình như anh có cả cơn mưa lửa/ Hãy mang con mắt thời đại mình để nhìn trời mưa cũ/ Nếu không, dù anh có tuôn xuống trăm câu, nghìn chữ/ cũng thừa (Thơ bình phương –đời lập phương). Chế Lan Viên cũng như nhiều văn nghệ sỹ chân chính khác đều tự nguyện:  Cái tinh –tế -cỏ- hoa tạm thời chưa nghỉ đến/ Vì ta đang tính đến triệu sinh mệnh con người và vạn khoảnh non sông (Thời sự hè 72, bình luận). Tính chất sử thi trong dàn đồng ca của thơ chống Mỹ, thơ Chế Lan Viên vẫn không lẫn với thơ của những cây bút khác. Ông luôn chăm lo cho cái bản sắc riêng cái đọc đáo của ngòi bút mình: Ca chung chế độ/ Trên miền riêng tôi. Ông luôn gắn bó sâu sắc với đất nước và nhân dân: Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/ Tâm hồn anh chờ gặp anh bên kia (Tiếng hát con tàu), và ông thấu hiểu: Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy/ Cái xào xạc anh chính là xào xạc lá/ Nó không là anh, nhưng nó là mùa ( Sổ tay thơ) và vì: Dẫu tuyệt bút thì thơ cũng là con đẻ của đời/ Dù tả một làn mây/cũng là mây thời đại, nên thơ ông thường trực mang hồn người và hồn thời đại. Từ đó, ông luôn đề cao vai trò của thơ, thơ cần có ích: Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi…

     Từ 1945 đến 1975, đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thơ Chế Lan Viên gắn với vấn đề chính trị, thời sự của đất nước nhưng vẫn luôn chất chứa những nỗi niềm riêng. Ông nói đến cái “ta” chung nhưng mang sắc thái riêng độc đáo, tạo nên một âm hưởng riêng, gợi lên những xúc động chân thành, mãnh liệt và có khả năng đọng lại lâu bền. Trong tập “Những bài thơ đánh giặc” có nhiều bài thể hiện sự gắn kết hài hoà giữa cảm hứng dân tộc, cảm hứng thời đại với cảm hứng anh hùng. Ông thực sự là chủ lực trong cả nền thơ, tạo nên mạch trữ tình lịch sử, trữ tình của những sự kiện lớn. Ông đã bám chắc đào sâu vào những vấn đề thời sự, chính trị, những bài thơ trong tập “Những bài thơ đánh giặc”, “Hoa ngày thường, Chim báo bão”, “Đối thoại mới” của ông đã tạo nên được “một dàn đại bác”,  một “ dàn hợp xướng” lớn hừng hực tinh thần quyết thắng, có sức mạnh như những đội quân tinh nhuệ. Trong  đó có những bài thơ, đoạn thơ lấp lánh, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sức khái quát cao. Nhận thức sâu sắc sứ mệnh của một nền thơ sinh ra trong máu lửa, mỗi  nhà thơ là một chiến sỹ “Vóc nhà thơ đứng ngay tầm chiến luỹ” và  thơ  thành  “hầm chông giết giặc” phục vụ thời chiến nên “Một câu thơ ba phần làm nhiệm vụ” (Ngày vĩ đại).  Giọng thơ đanh thép hùng hồn như là lời hiệu triệu mạnh mẻ  đánh thức sức mạnh và bản lĩnh dân tộc trong nhân dân, sự toả rạng linh thiêng của văn hoá Việt Nam từ ngàn đời: Sắc trời xanh đã hoá màu Tổ quốc/ Xưa cha ông đi mà nay con cháu bắt đầu bay/Chiều Hà Nội những thiên thần phản lực /Xông lên trời lấy máu Mỹ giữa tầng mây (Suy nghỉ năm 1966) .Chế Lan Viên ca ngợi đất nước, quan sát hiện thực một cách có chiều sâu, nhiều chiều, giàu suy tưởng. Tổ quốc được nhắc tên niềm hoan ca: Tổ quốc là núi thẳm đèo cao tột cùng hoang đảo/ Một giới tuyến ta với thù đọ pháo; hay Tổ quốc nay là từng ngã ba khu phố/ Là một góc phi trường ta đánh giữ/ Tổ quốc là nơi đâu ta sống rất anh hùng (Xuân 68 gửi miền Nam Tổ quốc). Với cái nhìn mang tính chất sử thi: Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào/ Thấy ngàn núi, trăm sông diễm lệ. Ông ví mình như “ con chim lượn trăm vòng” trên Tổ quốc để ngắm nhìn sự đổi thay của đất nước: Ôi! Tương lai như hải cảng lắm tàn/ Những con tàu chở đầy hạnh phúc/ Ôi! tương lai như mùa chiêm lắm thóc/ Lắm tiếng cười, lắm cánh bồ câu (Chim lượn trăm vòng). Ông nói lên cái khao khát của con người chung tay xây dựng cuộc sống mới: Thêm một ngày, thêm một tháng, thêm một năm/ Thêm tay ta, thêm lòng ta, thêm cuộc sống/ Như bể lớn thở thêm từng lớp sóng/ Như đất nước lành thêm sắc máu ở da non (Nhật ký một người chữa bệnh). Một khi hoà nhập vào không khí chung của đất nước, dân tộc và  thời đại, được kích hoạt bởi những sự kiện thời sự, chính trị, xã hội thì hồn thơ giàu chất trí tuệ của ông như được thăng hoa, và khi đạt được sự kết hợp hài hoà giữa trí tuệ vô cùng sắc sảo với cảm hứng mãnh liệt và tình cảm chân thành thì Chế Lan Viên sáng tạo ra được những tứ thơ thật độc đáo, tầm vóc như tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”, “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” …

     Trước tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, Chế Lan Viên đã vạch mặt, lên án kịch liệt: Ních Xơn! Mày không còn nhiên liệu nào khác ư mà đốt những giường trẻ sơ sinh, gót đỏ thiên thần, tay non chới với?/ Mày chẳng còn con sông nào để ngắm ư mà phải dùng đến máu người? hay: Thông điệp mày xuýt xoa thượng đế từng câu từng chữ/ Mà mày giết những Thánh đường, thiêu huỷ những toà sen (Thời sự hè 72, bình luận). Ông đã phơi bày bộ mặt độc ác, nham hiểm của kẻ thù được che dấu bởi cái vỏ bọc văn minh mỹ miều đầy xảo quyệt: Giặc Mỹ giết người rất đổi văn minh/ Bom đạn chúng làm theo hình chim bay, theo hình quả chín/ Phi cơ Mỹ mang cánh những thiên thần bay liệng/ Giặc Mỹ cầm giao bằng những dáng hoà bình (Cái hầm chông giản dị). Khi cảm hứng cao độ, mê say, Chế Lan Viên tạo ra những vần thơ vô cùng cảm xúc. Giọng thơ ông dỏng dạc, sang sảng, hùng hồn: Giặc Mỹ mày đến đây /Thì ta tiêu diệt ngay/ Trời xanh ta nổi lửa/ Bể xanh ta giết mày; (Sao chiến thắng)

     Phát huy sở trường của một cá tính sáng tạo độc đáo, trí tuệ vô cùng sắc sảo, kết hợp hài hoà giữa tư duy phân tích và năng lực khái quát, tổng hợp, gắn bó sâu sắc giữa dân tộc và thời đại, Chế Lan Viên đã viết thành công những bài thơ giàu tính thời sự, mang hơi thở của thời đại, giàu tính chiến đấu và mang âm hưởng anh hùng ca, hào hùng mà sâu lắng: Những năm cả nước có một tâm hồn, có chung gương mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau/ Hay: Mỗi bãi sú, bờ đê thoát ra khỏi cuộc sống riêng mình/ Sống đời Tổ quốc. Ông nêu bật khát vọng cao cả của con người Việt Nam một cách ấn tượng, có sức ám ảnh lạ thường: Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/ Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng/ Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm/ Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng...(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Giọng thơ hào hùng, say sưa, phơi phới, ông nói được niềm tự hào chân chính của con người Việt Nam trong thời chống Mỹ, gieo vào tâm hồn ta niềm phấn chấn, sảng khoái và tự hào: Hỡi sông Hồng khúc hát bốn ngàn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ Chưa đâu! Và ngay cả những ngày đẹp nhất/ Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Bằng…/ Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!/Trái cây rơi vào áo người ngắm quả/ Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn/ Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ/ Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Cần phải khẳng định, khuynh hướng sử thi với chất trí tuệ, chất chính luận và âm hưởng anh hùng ca là nét riêng độc đáo của thơ Chế Lan Viên trong thơ Việt Nam trong những năm chống Mỹ. Cảm hứng sử thi, cảm hứng dân tộc, cảm hứng thời đại và cảm hứng anh hùng đã chắp cánh, nâng đỡ hồn thơ Chế Lan Viên lên một tầm cao mới.

     Với tài thơ thiên bẩm, ý chí và nghị lực phi thường, ý thức lao động nghệ thuật hết mình, gắn bó máu thịt với đất nước, nhân dân và thời đại, tất cả đã tạo nên nhà thơ Chế Lan Viên thật sự tầm vóc mà cho đến nay ít cây bút nào sánh kịp. Chế Lan Viên đã đóng góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam một cách nhìn mới, một cách nghỉ mới, một cách cảm xúc mới. Đó là phong cách cá nhân vô cùng độc đáo. Ông là một thiên tài của nền thơ hiện đại Việt Nam, một nhà văn hoá tiêu biểu của dân tộc.

                                                                         NVD

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ