Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Tản văn

Nhà thơ Chế Lan Viên một tài năng và mùa thơ vĩnh cửu


Ngày cập nhật: 23/10/2020 00:00:00

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920  tại làng An Xuân, Cam An (nay là xã Thanh An) huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Là nhà thơ lớn trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại nhưng mảnh đất ân nghĩa Quảng Trị đã nuôi dưỡng ươm mầm tài năng thi sỹ. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, rồi Hà Nội, sau đó đi làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ông từng tham gia hoạt động đối ngoại trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Tây Âu...
So với các thế hệ nhà thơ trong phong trào Thơ mới, ông xuất hiện muộn, nhưng tập thơ Điêu tàn ra đời như một “cú sốc” khiến Hoài Thanh phải “bồn chồn”, “rã rời”, ngỡ ngàng thốt lên “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”, “giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ 20, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật”. Thơ ông dựng lên một thế giới điêu tàn, đổ nát, yêu ma, rùng rợn kinh người. Thế giới ấy đầy rẫy những “chiếc sọ người”, “chiếc sọ dừa”, “xương khô”, “đóm lửa ma trơi”, “đầu lâu”, “bãi tha ma”, “đáy mồ sâu”, “hồn”, “máu”: Và hồn, máu, óc, tim trong suối mực / Đua nhau trào lên giấy khúc buồn thương (Tiết trinh).
Thơ Chế Lan Viên không chú ý hoàn toàn hướng độc giả thoát ly thực tế, mà nó “mang lại những giá trị mới ở chiều sâu thẳm của tư tưởng bi thiết, nói lên nỗi đau của người dân nô lệ, một khát vọng thoát khỏi vòng u hận”. Lịch sử bi hận của nước Chàm xa xưa trở thành nguồn thi cảm để Chế Lan Viên trình hiện những ý niệm và tư tưởng siêu hình của ông. Nơi ấy, thi nhân tạm thời thoát khỏi những khủng hoảng thực tại, ngập chìm trong nỗi cô đơn, buồn thương của riêng mình: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa / Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh /Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo (Những sợi tơ lòng).
Từ giã “Thung lũng đau thương” đến với “cánh đồng vui”, quả là một hành trình không bằng phẳng, dễ dàng của Chế Lan Viên. Đó thật sự là một cuộc tìm đường, nhận đường đầy nhọc nhằn và khó khăn. Ở bất kỳ dấu chân nào của người nghệ sỹ cũng vang lên nững câu hỏi bản thể và nhận thức mà nhiều khi đi hết đời người – đời văn vẫn chưa tìm được đáp án cuối cùng: “Ta là ai” Như ngọn gió siêu hình / Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt / “Ta là ai” “khẽ xoay chiều ngọn bấc / Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh” (Hai câu hỏi).
Hai câu hỏi ấy luôn đeo đẳng, bám riết lấy ông, song trong thời đại mới khi Tổ quốc cùng chung một gương mặt, cái “là ai” đã nhường chỗ cho cái “Vì ai”, cái tôi lui vào hậu phương để cái ta hiện diện ở vị trí trung tâm: “phá cô đơn ta hòa hợp với người” “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”. Quả thật tiếng nói là hành trình của Chế Lan Viên cũng chính là của nhiều nghệ sỹ trong thế hệ ông. Song dường như ở ông, sau khi đã trải qua buồn thương, chán chường, thần bí, siêu hình trước đó, dù không phải không có lúc nuối tiếc về quá khứ thơ của mình, song nhu cầu thay đổi trở nên bức thiết và quyết liệt hơn cả. Trong nghĩ về thơ, ông đã thể hiện niềm suy tưởng, trăn trở này, bằng những câu trả lời xác quyết: thơ phải vì cách mạng, vì nhân dân mà phục vụ, để hướng tới. Vì lẽ đó, đối tượng thơ cũng được ông chuyển hướng: Tôi viết cho ai? Cho cả mọi người / Nhưng, rất gần / Cho những đứa em tôi, Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo / Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi. Đến Sổ tay thơ nhân cách, tư thế công dân - nghệ sỹ - chiến sỹ của Chế Lan Viên một lần nữa được thể hiện trực diện, đầy đủ hơn: Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng / Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi / Tâm hồn anh là của đời một nửa / Một nửa kia lại cũng của đời.
Một khi đã quyết liệt lựa chọn cho mình một con đường, kể từ đây, thơ Chế Lan Viên tập trung ca ngợi Tổ quốc, nhân dân, thời đại - những nhân tố đã tái sinh, nuôi dưỡng, mở đường “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi”. Cách mạng đã đến, nhà thơ nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người “mở đường” quyết liệt, táo bạo, mạnh mẽ, góp phần tạo dựng một thời đại mới trong thi ca. Khép lại những ngày buồn triền miên, thơ ông như được hồi sinh từ ánh sáng của Đảng, phù sa của cuộc đời: Thơ xưa chỉ than mà ít hỏi / Đảng dạy ta: thơ phải trả lời / Phải cầm lấy ván bài nhân loại / Không để dòng nước chảy trôi xuôi (Nghĩ về thơ).
Được trở về với nhân dân, hòa cùng nhịp thở của đất nước, Chế Lan Viên như được tái sinh và thăng hoa trong những vần thơ giàu tính dân tộc, phẩm chất nhân dân và giá trị thẩm mỹ. Kể từ đây một mùa xuân mới trong cuộc đời trở lại với tất cả sự tươi vui, háo hức và thi sỹ mở lòng ra đón nhận. Ông yêu từng gương mặt, tiếng nói, mỗi nụ cười, bước đi. Với nhà thơ đó chính là cội nguồn của thi ca, là động lực vô bờ bến thôi thúc ông cầm bút sáng tác và chiến đấu: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ / Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa / Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa / Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa (Tiếng hát con tàu).
Một mùa xuân tươi vui được hồi sinh khiến giọng thơ của Chế Lan Viên trở nên hào sảng, hân hoan hơn bao giờ hết. Từ đây, ông tìm kiếm những chân trời sáng tạo mới gần gũi, thân thuộc mà thiêng liêng, cao vợi. Ông lập luận, tranh biện, phản bác kẻ thù, đề cao sức mạnh của chính nghĩa và kết án sự đớn hèn của phi nghĩa. Ông tìm về quá khứ dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống và thời đại như là nguồn sức mạnh lớn lao để dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù. Thơ ông không chỉ là tiếng nói của dân tộc, mà còn là tiếng nói của chính nghĩa, chân lý, của khát vọng tự do, độc lập. Đó là tiếng nói mang tâm hồn thời đại - thời đại Hồ Chí Minh và hành trình mà dân tộc đang đi cũng chính là con đường của nhân loại kiếm tìm hòa bình, nhân ái: Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời có vạn lần hơn / Trái cây rơi vào áo người ngắm quả / Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn / Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi người đều muốn ghé môi hôn (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).
Tổ quốc đẹp như vậy, lòng người bao la đến thế, Chế Lan Viên mở rộng lòng mình để đón nhận bởi ông hiểu hơn bao giờ hết “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Khi thi nhân “mở lòng” gặp cơn gió “thời đại” chính là chất xúc tác để tâm hồn người nghệ sỹ thăng hoa trong những vần thơ chứa chan sự sống: Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa cho mùa thu làm lấy / Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá / Nó không là anh nhưng nó là mùa (Sổ tay thơ).
Từ tháp ngà của nghệ thuật, nơi ngự trị của cái tôi cô đơn, bế tắc, ông hăng say bám đời, mở rộng vốn sống, đi tìm chân lý giữa những điều giản dị: Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến / Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ. Ông hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, qua “trăm miền đất nước”, như con ong chăm chỉ hút nhụy để tạo nên mật ngọt dâng đời: Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình / Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ / Một tiếng gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…)
Cùng với các nhà thơ tiêu biểu khác, Chế Lan Viên trở thành người lĩnh xướng của dàn đồng ca ra trận. Ông yêu cầu người nghệ sỹ trước tiên và đồng hành với sáng tác phải là người chiến sỹ thực thụ trên mặt trận văn nghệ: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / Bên những dũng sỹ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Những vần thơ của Chế Lan Viên thời chống Mỹ vang dậy niềm tự hào, ý chí tự tôn, bản lĩnh dân tộc trước mỗi thời khắc trọng đại của lịch sử. Giọng thơ đanh thép hùng hồn như là lời hiệu triệu mạnh mẽ, đánh thức sức mạnh và bản lĩnh dân tộc trong nhân dân, sự tỏa rạng, linh thiêng của văn hóa Việt Nam từ ngàn đời: Sắc trời xanh đã hóa màu Tổ quốc / Xưa cha ông đi mà nay con cháu bắt đầu bay / Chiều Hà Nội, những thiên thần phản lực / Xông lên trời, lấy máu Mỹ giữa tầng mây (Suy nghĩ 1966).
Khi đã tìm được lý tưởng, được ánh sáng của Đảng và nguồn sức mạnh của nhân dân soi đường tiếp sức, Chế Lan Viên đã xác định ý nghĩa cuộc đời mình, cũng như sứ mệnh của người nghệ sỹ trong thời đại mới. Ông sẵn sàng tranh đấu và hy sinh cho dân tộc, Tổ quốc linh thiêng: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt / Như mẹ cha ta, như vợ như chồng / Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết / Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông… (Sao chiến thắng).
Để thực hiện được sứ mệnh cao cả đối với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, Chế Lan Viên luôn có ý thức mài sắc ngọn bút, tìm tòi cách thể hiện để mỗi câu thơ vừa có chất thép vừa có chất tình. Chất thép như thứ vũ khí giúp nhà thơ lên án, tố cáo tội ác của giặc, còn chất tình nối kết tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, tình yêu giai cấp, nhân dân, lãnh tụ: Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc / Thành một nhành hoa mát mắt cho đời / Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp / Ta biết trong đời ta Bác đã đến đây rồi (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).


Nhà lưu niệm Chế Lan Viên tại huyện Cam Lộ


Gặp ánh sáng của Đảng, lý tưởng của cách mạng, tiếng nói của thời đại, tình yêu với nhân dân, niềm tôn kính với lãnh tụ, hành trình thơ của Chế Lan Viên kể từ dấu mốc Ánh sáng và phù sa, đến sau này với Hoa ngày thường, Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Ngày vĩ đại… đều hướng về thực tế thời đại với những trầm tư, suy nghĩ về lẽ sống, nhân cách, về các giá trị truyền thống - thời đại - hùng hồn cho lương tri và trách nhiệm của người nghệ sỹ - chiến sỹ - công dân chân chính trước Tổ quốc, nhân dân và dân tộc. Ông không những là nhà thơ tài năng mà còn là nhà văn hóa lớn. Với sự miệt mài, trăn trở, thao thiết nghĩ về nghề, về thơ, về đời, ông đã làm nên những mùa xuân trong thi ca và những lời thơ vĩnh cửu. Thơ ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình bất tận của lịch sử và văn hóa Việt Nam, ga đi và đích đến chính là Tổ quốc - dân tộc - nhân dân. Dù hình tháp hay hình thoi, mỗi hạt gạo phải làm nên máu thịt / Dù cành thấp hay cành cao, mỗi chùm hoa phải gọi ong về / Thơ cần có ích / Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi (Nghĩ về thơ).
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên - một tài năng và mùa thơ vĩnh cửu - “kiện tướng” của phong trào thơ mới và xuất phát từ tấm lòng tha thiết của nhà thơ với quê cha đất tổ, Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được xây dựng tại làng An Xuân. Khu đất xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên có diện tích 1.775m2 nằm cạnh miếu thành hoàng làng An Xuân và Nhà văn hóa cộng đồng làng. 
Nhà lưu niệm tái hiện lại “không gian nhớ” của Chế Lan Viên với bóng dáng vườn mẹ yêu thương, với dư vị canh khế cá tràu da diết và cả ngọn gió Lào ám ảnh nghèo khó nay trở thành ngọn gió giàu có năng lượng tái tạo. Việc xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên ở đây góp phần hình thành nên trung tâm văn hóa làng. Qua đó, các hoạt động văn hóa lễ hội được tổ chức đan xen, cộng hưởng sẽ tạo thêm sinh khí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho làng nông thôn mới. Đây cũng sẽ là địa chỉ bảo tồn, phát huy di sản văn học to lớn của nhà thơ để lại; nơi tổ chức giảng dạy, học tập ngoại khóa của các nhà trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn học, ngày thơ, bình thơ; một điểm tham quan, du lịch văn hóa thân thuộc; nơi “đất đã hóa tâm hồn” như thơ Chế Lan Viên đã viết…


NGUYỄN VĂN DÙNG
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ