Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Truyện ngắn

Chùm truyện ngắn của DIỆU ÁI


Ngày cập nhật: 24/11/2016 00:00:00

Tác giả DIỆU ÁI 

 

Mưa từ cõi tạm

       Mở cửa hé ra bên ngoài, nhìn qua chánh điện thấy đèn vẫn sáng, tiếng tụng kinh từ đó vọng ra rỉ rả đều đặn. Đêm qua sư cô không chợp mắt hẳn vì con bé vừa no sữa đang nằm mút tay ở kia. Nó cứ túm lấy áo Bé rồi giúi mặt vô ngực, Bé ước chi sau làn áo mình là dòng sữa chảy ra cho mấy đứa ngậm no nê. Sớm qua, cũng giờ này, sư cô ra thỉnh chuông thì thấy con bé nằm gọn lỏn dưới tượng Quan Âm Bồ Tát. Nó tới đây không cùng với một mảnh giấy nào, chỉ một tấm chăn mỏng bao quanh người, vài chiếc bỉm và cái cọng rốn còn chưa khô. Đã ba năm mà lần nào Bé cũng luống cuống trong tình huống ấy. Lật đật pha sữa cho đứa nhỏ uống rồi bế lên bệnh viện khám, xong xuôi lại theo sư cô đi báo chính quyền.

       Sư cô khổ tâm lắm, cửa chùa thành ra là nơi người ta để lại những sinh linh bé bỏng với mẩu giấy nhỏ ký thác cửa Phật từ bi. Lúc đầu chỉ một, hai đứa, qua mỗi năm lại nhiều thêm. Hình như nghe tiếng, nên mỗi người đàn bà khi không tìm thấy con đường nào khác lại lẳng lặng đem con mình quày quả bỏ đây. Sư cô làm giấy khai sinh cho mấy đứa nhỏ bằng những cái tên bắt đầu bằng chữ Phước.  

       Trời bây giờ giăng sương sớm, cả nền trời mờ đục hệt như hôm Bé bỏ làng đi. Buổi sáng ấy trời dày sương như thế này, người đi trước có ngoái đầu lại cũng chẳng nhìn rõ mặt người đi sau. Hôm ấy là ngày Tùng cưới. Lúc đi ngang qua nhà, Bé liếc vô thấy Tùng đang thắt cà vạt, gương mặt đượm nỗi âu lo. Lo giờ đi họ gần tới mà mâm heo quay chưa mang về kịp hay lo mình chưa đủ chỉn chu, và biết đâu (Bé chợt xao lòng khi nghĩ tới) là lo Bé buồn khi thấy anh rộn rã làm lễ rước dâu.

       Trước đó hai đứa đã làm căng với gia đình hai bên. Tùng kiên quyết lắm, bảo Bé yên tâm đời này chỉ yêu mình Bé, chỉ cưới Bé. Cái quan hệ họ hàng từ mấy đời trước, hai đứa mình liên quan chi, sao tự dưng bảo Bé phải gọi Tùng là cậu. Sao mệ Tùng lại truy ra rằng, mệ mà mất thì mệ Bé cũng bịt khăn tang, rằng cái quan hệ ấy dù có phần mờ nhạt nhưng vẫn là máu mủ. Năm hay sáu đời chi không cần biết.

       Ở làng quê nhỏ bé yên bình ấy, nhà bé ở đầu làng, nhà Tùng ở cuối. Ngày xưa, mỗi sớm đi học, Bé hay ra đường xin quá giang và Tùng là người chở Bé nhiều nhất. Hai đứa lặng lẽ lớn lên bên nhau rồi thương nhau lúc nào chẳng hay. Người lớn lúc nhỏ vẫn ra sức ghép đôi rồi cười tủm tỉm khi mường tượng đám rước dâu thiệt đẹp, đi bộ rồng rắn từ đầu đến cuối làng. Tới lúc hai đứa tính chuyện thì lật gia phả và té ngửa ra là họ hàng huyết thống (mệ Bé nói năm đời còn mệ Tùng khẳng định là sáu).

       Tối ấy, ngồi trong nhà nghe tiếng nhạc từ tiệc đãi bạn của đám cưới Tùng, Bé không hề khóc. Như cái quyết định sẽ đi, Bé chẳng mấy chần chừ. Chỉ là nhất quyết đi vào hôm ấy để khi dắt tay cô dâu về, Tùng liếc qua nhà đảo mắt tìm Bé hay dáo dác khi ngang cổng làng (nơi hai đứa hay hò hẹn) sẽ không thấy Bé đâu trong đám người đứng xem rước dâu. Lòng anh sẽ chật chội bởi ý nghĩ dễ gì em ấy đối mặt được và nặng trĩu trong đêm tân hôn khi hình dung Bé đang úp mặt vào bờ tường mà nức nở.

       Bé nhớ hình xăm của một chú trên xe đò trong chuyến đi vào thành phố, một vết xăm mờ nhạt với hai chữ “về đâu” và ba dấu chấm lửng lơ. Lúc ấy Bé mới khóc. Chú nhìn vào cánh tay mình rồi bảo, chú qua cái lúc bão bùng ấy rồi. Ngày xưa lang bạt khổ cực, người yêu bỏ đi lấy chồng nên mấy thằng đè nhau ra xăm. Giờ nửa muốn xóa nửa muốn để vậy cho nhớ một thời từng hoang hoải. Chú ấy vỗ vai Bé và bảo, rồi sẽ qua. Khi ấy mới mười chín tuổi nên Bé cũng nghĩ chắc là vậy, hẳn rồi sẽ qua.

       Bé xin ở lại chùa để chăm lo cho mấy đứa nhỏ. Sư cô có lẽ đã quen với những hoàn cảnh như thế, người ta tìm nơi cửa thiền để lẩn tránh đời trôi nổi. Có điều, với những người đàn bà lỡ thời như dì Kim hay vài gương mặt đẫm sương gió, sư cô không đắn đo gì. Bé trẻ quá, gương mặt còn chưa lấm bụi trần ai liệu rồi lúc qua cơn bão lòng có vội vã đi để lại mấy đứa nhỏ đã quen hơi. Sư cô bảo sẽ có lúc Bé thèm về với đời vì vướng bận ở ngoài kia và duyên nghiệp với cửa thiền chưa đủ nên khoan vội vàng xuống tóc. Bé chần chừ và nghĩ thêm, có khi để tóc dài cho ra hình dáng một người mẹ, để gieo vào ký ức tuổi thơ chẳng mấy êm đềm kia một hình ảnh xao lòng nào đó.

       Chùa quy định Phật tử cúng dường chỉ nhận hoa quả, sau này là sữa, tã giấy, bột giặt, bánh trái, đồ chơi hay áo quần trẻ nhỏ. Thế nhưng, có nhiều người dúi vào tay Bé và dì Kim mấy tờ bạc lạnh tanh vì thương cảm, để bồi dưỡng cho chị, cho cô khi vất vả chăm mấy cháu. Bé thường đưa mắt nhìn họ nghi ngại xem trong số mấy người rớt nước mắt ấy, có ai là mẹ, là ba của một đứa trẻ nào đó không. Liệu năm tháng qua có băn khoăn và hối hận. Đôi hoàn cảnh bỏ con ở đây để làm lại cuộc đời, chẳng hay cuộc đời mà họ quyết tâm làm lại ấy có tươi sáng và hân hoan khi sẵn tâm vứt bỏ giọt máu chính mình. Dì Kim bảo, nó vứt trước cổng chùa là còn nhân đạo, để lại một vật gì đó làm tin hay dòng chữ nguệch ngoạc nhờ nhà chùa chăm sóc đứa bé là còn chút nghĩa tình. Bé nhớ ba năm trước, trong một đêm mất ngủ, Bé gặp thằng Tâm lần đầu. Thằng nhỏ được đặt trong cái nôi đắt tiền với chục bộ áo quần mới cáu và một bình sữa mẹ vừa hút ra. Cái lý do để thằng Tâm nằm đó ai cũng hiểu khi nhìn vào gương mặt với nụ cười khuyết đi một nửa.

       Bé hay áp bàn tay Phước Tâm váo má mình để nghe Phước Hòa và thằng Ngộ vùng vằng tị nạnh. Mỗi khi tắm cho thằng Tâm, Bé dịu dàng sờ vào bờ môi khuyết của nó khiến nó cười khanh khách, cái nụ cười chỉ một nửa mà tươi tắn như nắng tháng ba. Những đoàn người vào thăm, họ xôn xao tranh giành bồng bế thằng Ngộ rồi vạch quần để xem phía dưới của nó mà ngạc nhiên với gương mặt tròn trịa đẹp xinh như con gái, hay quay sang bồng bế Phước Hòa vì gương mặt hệt như thiên thần của con bé. Mặc thằng Tâm đứng ngây người đưa tay chới với, họ lướt qua đưa cho nó lốc sữa rồi thôi. Tình người tưởng như chan chứa mà nhiều khi cũng được phân loại và chọn lọc, huống hồ chi…

       Nhiều đêm thức dậy pha sữa, Bé thắc thỏm khi nghĩ nếu đứa bé trong bụng mà còn và lớn lên, chắc giờ mình cũng cặm cụi pha sữa và lèm nhèm than con dại khổ dữ ri trời. Rồi mình cũng như mấy chị, mấy mạ ở quê, ngồi mô cũng vạch áo cho con bú mà chẳng lấy đâu ra ngại ngùng. Có khi đứa đầu chưa kịp lớn đã rúc rích với chồng để đẻ thêm vài đứa nữa nuôi một lần cho tiện. Cho tới bây giờ, mỗi khi cười nói chợn vợn với một đứa nhỏ nào đó, Bé lại nhớ đứa trẻ ngày xưa ở lại trong bụng mình hai tháng. Nên nụ cười và niềm vui vừa nhen lên đã vội tắt ê chề.

       Trong đoàn người về thăm chùa, Bé gặp lại một hình dáng quen cùng cái chau mày gần gũi. Đó là gương mặt ấm áp của ngày xưa, mỗi lần Bé gõ vào trán trêu anh, anh sẽ chau mày bảo Bé con nít quá. Cái chau mày khi nói chuyện với sư cô và đặt vấn đề xin một đứa trẻ mà không được chấp nhận. Đây không phải lần đầu sư cô nghe lời đề nghị này, nhiều người tới thăm chùa mục đích để xin con nuôi. Sư cô bảo mấy đứa có duyên ở đây nên cứ để chúng ở đây. Ngoài kia lăn lóc cay nghiệt lắm, đời đẩy chúng vào đây thì cửa Phật từ bi không thể bỏ rơi chúng lần nữa. Sau này lớn, chúng biết suy nghĩ thì sẽ tự quyết định lấy đời mình. Bé hiểu nỗi lo ngại của sư cô khi lòng người ngày càng chật hẹp mà thừa gian dối, biết người ta ân cần nhỏ nhẹ với mấy đứa nhỏ được bao lâu. Vợ Tùng ốm yếu xanh xao lắm, cả hai mòn mỏi khi cưới nhau ba năm mà chưa có con. Mắt anh trũng sâu với ánh nhìn khô cạn. Bé chợt nghĩ, nếu con hai đứa mà còn thì bây giờ đã lon ton đi nhà trẻ. Trong một sát-na nào đó, Bé thấy đắc ý vô cùng. Theo quy luật nhân quả và nghiệp báo, Tùng đã nhận được và Bé cũng đang nếm trải từng ngày.

       Lần hẹn hò cuối cùng, Tùng quỳ sụp dưới chân xin lỗi Bé, anh bảo sẽ lấy cô gái làng bên để làm vừa lòng mệ, nếu không là bất hiếu. Vậy mà, Bé định báo cho Tùng hay anh đã làm cha, Bé nhẩm tính cũng một tháng rồi. Tùng nói nhiều rồi khóc lóc nên Bé quên luôn. Trong một tháng Tùng lục đục chuẩn bị cưới vợ, chạy đôn chạy đáo đi phát thiệp cưới, đi chụp hình thì Bé ở nhà chực lên mấy cây ổi, cây nhãn mà ì ạch nhảy xuống. Đứa bé đã dai dẳng nằm yên trong bụng Bé cho đến khi Bé nghĩ hết cách rồi, không lẽ phải vô bệnh viện nhờ người ta hay cứ nhắm mắt để con mình chui ra xem mệ mình chết giả. Hôm đứng ở giếng cúi nhặt mảnh vỡ từ chiếc vòng mã não mà Tùng tặng, Bé trượt chân ngã. Cảm giác lúc ấy chao chác làm sao, đau chảy nước mắt mà nhẹ bẫng. Đứa bé đã rời đi như ước nguyện của người mẹ, như tác dụng không may của cú ngã. Cảm giác một hình hài đã hụt hẫng rớt vào một khoảng không mơ hồ nào đó hệt như trái đu đủ chín úa bị chối đây đẩy và rơi xuống đất lạnh lùng.

       Có lần, dì Kim hỏi Bé có kế hoạch gì không, không lẽ cứ thế này. Dì đã bỏ qua nhiều tháng năm để sinh với người mình yêu một đứa con, chọn một người để rúc rích và càm ràm. Bé còn trẻ, đừng theo gương dì. Như lần trước vào thăm Bé, mạ khóc thút thít bảo con gái về quê lấy chồng giùm mạ với, mạ khổ tâm lắm. Kế hoạch của đàn bà tính tới tính lui cũng chừng ấy chuyện. Bé và dì Kim chưa bao giờ hỏi cặn kẽ về chuyện của nhau, đã là nỗi đau thì nhắc lại làm gì. Dì Kim hẳn từng có con vì có lần dì bảo thằng Ngộ hao hao con dì. Hệt như Bé, đôi lần nhìn Phước Hòa cứ thấy gương mặt tựa giống Tùng, loáng thoáng nhìn Phước Tâm lại thấy đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt đã ôm trọn đời con gái mình. Rồi giật mình nhìn quanh, đâu đâu cũng mường tượng hình ảnh đứa bé ngày xưa nằm trong bụng mình hai tháng có thể sẽ bằng từng này, từng này. Tóc nó sẽ dài ngang vai, buổi sáng Bé thắt bím, buổi chiều cột lúc lắc hai bên. Bé luôn gặp con mình trong hình hài của một bé gái. Đứa bé đó sẽ giống Tùng ở cái miệng rộng, trán cao, giống Bé ở làn da ngăm đen và hạt gạo bên khóe miệng.

       Chùa tĩnh mịch nhất vào những ngày mưa. Khi ấy, đám trẻ sơ sinh tội nghiệp sụt sùi chảy mũi. Mấy đứa lớn chẳng thể ra ngoài chạy nhảy nên đứng tựa cửa nhìn trời. Sư cô lặng lẽ thỉnh một hồi chuông chiều. Ngẩn ngơ nhìn lại bốn bề, tiếng chuông văng vẳng vào hư không rồi rơi rớt trong buổi chiều hôm ấy. Bé mơ hồ nghĩ tới ngày xưa, nếu mình thực hiện ý định rời xa chốn tạm để cùng đi với đứa con bé bỏng và mang theo một tình yêu tức tưởi, sẽ chẳng bao giờ biết chờ tiếng chuông ngân. Sư cô dạy, muốn gần cõi niết bàn thì nghe tiếng chuông phải ngừng nói năng và suy nghĩ, để tâm yên tĩnh chỉ nghe nhịp thở. Ngay cả mấy đứa nhỏ, mỗi lần nghe tiếng chuông cũng yên lặng, thôi khóc cười, thôi ồn ã. Vậy mà Bé, trong lòng hệt như có mưa, có sóng, chẳng thể nào tĩnh tâm dù ngày nào cũng nghe chuông ngân nga trầm bổng, thức tỉnh và giải thoát chúng sinh.

       Con người ta đau đớn không phải đều rên la, có những nỗi đau âm thầm cứ bào gan rút ruột. Như nỗi đau không hình hài của cô gái vừa qua hai mươi này, nhiều lúc chực rảnh rang lại lục đục trỗi dậy. Hệt như mưa từ cõi tạm, tưởng như tạnh đó mà cứ lất phất dai dẳng muôn đời…

 

 

Mắc nợ mùa thu

        Chừng khuya, tiếng bàn đạp vẫn đều đều, tiếng quạt ù ù chẳng có tác dụng xua đàn muỗi đang vo ve dưới chân. Qua tháng bảy, mạ lại tất bật may đồ học sinh tối ngày để kịp cho mấy đứa mặc trong ngày khai giảng. Em ngồi phụ mạ đơm nút, làm khuy đến rã rời, chốc chốc lại dừng để trả lời tin nhắn của Viên. Bất chợt, bật cười vì nhớ lúc chiều Viên nói em thương Viên ít thôi, để đó Viên thương em bớt, chứ không nhiều quá Viên nhận chẳng hết. Vừa nói anh vừa đưa tay gõ vào đầu, cử chỉ như người cha nựng yêu đứa con gái bé bỏng. Em thích chi lạ.

          Tiếng ú ớ say ngủ của Bờm làm ngắt quãng suy nghĩ chùng chình trong em, nhìn qua thấy mùng mền bị đạp tung tứ phía. Mạ đứng dậy đi vén lại mền, sửa tay chân thằng nhỏ nằm trong ấy rồi thỏ thẻ, ngày mai nó tròn mười tám tuổi rồi. Lúc mạ trở lại bàn máy, em nghe tiếng bàn đạp nặng hơn như chở nặng trĩu của ký ức mười mấy năm trước và những năm sau, năm sau nữa… Em thở dài, chỉ nghĩ may mà em đơm nút, mạ đơm không khéo lại đâm vào tay.

          Năm Bờm hai tuổi, em vừa lên sáu. Ngày ba đi, mấy chậu bông cúc mọc lổn nhổn khắp vườn nở ra vàng ươm, cây me trước sân lá rụng lả tả. Em chạy theo cả một đoạn đường dài, thấy cây nào cũng vàng vọt, lá rơi thành thảm dưới chân, nên chắc mẩm, lúc ấy, hôm ấy đúng là mùa thu. Về nhà, thấy mạ rũ rượi ôm em Bờm mà khóc. Đôi mắt Bờm vẫn hoang dại, nhìn trân tráo mọi thứ xung quanh chẳng biết quen lạ, chẳng đinh ninh được gì.

          Em mười tuổi, Bờm vẫn như đứa trẻ lên hai, luôn ú ớ trước những ánh nhìn dò xét ái ngại của người khác và chẳng thể trả lời tử tế trước những câu hỏi kém tử tế của người đời. Em hai mươi tuổi, Bờm vẫn vậy, vẫn là đứa trẻ trong hình hài thằng bé đang lớn, chẳng biết buồn khóc hay nghĩ suy. Mạ nói chắc lúc có bầu, mạ uống thuốc nên Bờm mới vậy. Rồi vì Bờm như vậy nên ba mới đi tìm thằng con trai khác ở người đàn bà khác. Mạ mang em và Bờm đến vùng đất xa xôi này, ở mãi từ đó đến giờ nên có nhiều bận em cứ ngỡ đây là quê mình. Miền đất cũ có ngôi nhà đầm ấm đôi khi trở về trong giấc mơ hẫng hụt của em, cứ trở đi trở lại ở khung cảnh bờ sông hôm em trượt chân xuống vì mải chạy theo con diều của Bờm. Em dấp dới ở đó, uống bụng nước ngai ngai phân trâu, kịp thấy Bờm xấp xải bẻ cây rồi lội ra đưa em nắm. Mạ khăng khăng nói và em cũng tin rằng, Bờm của mình tỉnh táo đâu thua gì người ta. Thế mà chòm xóm luôn dè chừng và chỉ trỏ bảo Bờm mãi chẳng bao giờ lớn thêm.

          Em hay lấy tay bưng không khí trên đầu mình bỏ qua phía Bờm, coi như phần khôn ranh mình một ít cũng được, chia bớt nửa cho đứa em tội nghiệp. Bờm cười nắc nẻ, thấy vậy cũng làm theo, nó cũng đưa tay trên đầu hốt đại khái một khoảng rồi ném qua đầu em, cứ như trả lại phần khôn cho chị, em lỡ an phận phần ngơ ngáo rồi. Ba mạ con vẫn chơi trò tranh nhau phần xấu xa như thế. Như lúc em dậy thì, mụn nổi tùm lum, mạ vờ đưa tay làm phép lấy mụn qua mặt mạ, để mặt em trơn tru. Hay ngày xưa, mỗi lần chúng em ốm hay ngã, mạ lại đưa tay ôm mấy phần đau đớn qua người, em vô tư cười hỉ hả bởi cảm giác thấy khỏe hơn, bớt đau hơn. Có khi, ngồi nhìn mạ cúi mặt bên bàn máy, em định chạy tới hứng hết phần nhăn nheo cằn cỗi trong lòng mạ để mạ nhẹ nhàng hơn, nhưng biết là không được, chỉ như muối bỏ bể khi lòng mạ tự gieo hạt cằn cỗi từ rất lâu rồi, trước cả mùa thu năm đó.

          Nếu tình yêu có thể cầm nắm và ném qua ném về như thế, em sẽ cầm phần yêu trong tim mạ đi tìm ba rồi ném qua cho ba thật nhiều. Mạ ít cũng được, ba cần nhiều nhiều hơn. Em cũng sẽ ném hết cho Viên. Chứ người thương nhiều luôn là người khổ nhiều, thương ít cho lỡ dang dở mình cũng chóng quên.

          Viên hỏi em có từng hình dung về cuộc sống, về gia đình mới của ba rồi tha thứ và chấp nhận. Em chẳng dám nghĩ xa như thế, chỉ thấy gần gụi trước mắt rằng, người đàn bà đã từng là của ba, mãi mãi của ba chẳng tỏ vẻ hờn giận để dạy con bằng những hờn thù về người cha của chúng. Chỉ là mạ không bao giờ nhắc. Em cũng vờ như mình quên. Còn Bờm, chẳng biết gì để mà nhớ. Nhưng em biết rằng, đàn bà khác với đàn ông, họ có thể tha thứ nhưng vĩnh viễn không bao giờ quên được. Nên khi má Viên hỏi, em lí nhí bảo ba mất rồi, mất từ hồi em chưa sinh. Viên kéo em ra, bảo em nói dối chẳng bao giờ lọt, cứ nói thẳng tuột ra, anh thương em là thương hết thảy con người. Em định cự cãi, anh không tì vết trong khi em lại quá sơ sài. Sơ sài từ gốc gác đến một người cha cho đúng nghĩa.

          Nhiều đêm, ngồi đơm nút áo để nghe tiếng thằn lằn chần chừ chạy tới chạy lui rồi dừng lại lựa chỗ mà ị bậy trên tóc mình, em nghĩ hay là nói ra, rồi lại xỏ mũi kim vào nút, hay là thôi, cứ thắt đi thắt lại từng đường may rối rắm. Viên là người con trai đầu tiên làm em rung động sau những hồ nghi về những người đàn ông khác, liệu rằng có vì một điều gì đó chẳng may sau này mà bỏ rơi em. Nên em từng sợ nếu không yêu Viên, em biết yêu ai bây giờ, nếu không tin Viên em biết tin ai, nếu Viên không là chồng thì ai. Nỗi lo sợ hoài nghi cứ đảo lộn hệt như đám lá khô lúc chiều bị Bờm xới xáo rồi tung lên trời như pháo.

          Mùa nối nhau đi ngang cửa, nhiều lúc tội tình nghe mạ chạnh lòng nén tiếng thở dài khi gò lưng xỏ kim vào máy. Mây chiều bảng lảng, đến hoàng hôn cũng vội. Đời mạ, vậy là đã tới buổi hoàng hôn. Thời gian cứ quay quắt giày xéo những ngổn ngang đổ bể, tan nát dở dang. Đời đâu giống mấy bộ phim lãng mạn hay cuốn tiểu thuyết diễm tình phi thực tế.

          Hôm Viên khoe cậu em trai tuấn tú kém Viên mười tuổi vừa thi đậu một trường đại học danh tiếng. Em chỉ nghĩ nếu mạ không uống thuốc chắc Bờm cũng giống em Viên đúc tạc, cũng mặt mũi khôi ngô, cũng học hành trôi chảy.

          Em gấp gáp về trường làng, cầm bàn tay cáu bẩn của mấy đứa nhỏ rèn chữ mà nhiều khi ứa nước mắt vì nghĩ chẳng thể dạy Bờm đánh vần tên mình trong giấy khai sinh. Em trốn Viên sau bữa anh dẫn em về nhà. Viên hoang hoải chẳng hay biết lý do, cứ tìm em mòn mỏi qua tháng ngày. Cho đến hôm đứng trên bục giảng, ngó ra cửa sổ thấy tay anh nắm chặt tay Bờm, cả hai tựa cửa thất thểu nhìn em. Giữa sân trường, bàng đang mùa rụng lá, mấy khóm cúc vàng rộm, rực rỡ cả một góc sân, chẳng như khóm cúc lổn nhổn nơi góc nhà ngày xưa. Hàng nước mắt trong em chần chừ và cố tình thôi chảy. Tự nhiên mà nhớ nhiều hôm hai đứa qua hàng áo cưới, Viên bảo chụp hình cưới ngoại cảnh, lá rơi hoa rụng giữa vườn đẹp mê. Em cũng hình dung mình cập rập lúng túng thế nào để ngày gặp mặt hai gia đình đừng xảy ra. Rồi nhiều khi thấy mâu thuẫn với lòng mình, nửa muốn sống hết mình vì tình yêu, nửa muốn chết đi vì nó. Lúc Viên choàng tay ôm, em bảo Viên nếu cưới sợ hết yêu lắm, nên cứ yêu như thế này cho chắc. Viên thắc mắc, vẩn vơ với những giả thiết mơ hồ, em không thích má anh hay tại gia đình anh phức tạp.

          Chẳng hiểu vì cớ gì mùa thu đẹp đẽ bình yên bị vấy nợ bởi bao dùng dằng vô lý. Nhiều khi em ước mình như Bờm, suốt ngày chạy nhảy trong sân với bầy chuồn chuồn cánh đỏ hay ngồi lỳ ở bờ ao nhìn cá quẫy đuôi mà cười vô tư lự. Không hay biết điều gì. Kể cả chẳng hay biết rằng trên đời ngoài mạ còn có ba, là người đàn ông đã mặn nồng với mạ rồi có mình trên đời, sau rồi lại mặn nồng với người đàn bà khác để tạo ra những đứa trẻ khác - những đứa trẻ hoàn hảo. Bờm không biết để nhớ, để hận, hay để phân vân nên tha thứ, nên quên hay nên vờ như không biết.

          Ngôi nhà có đám tường vi tím nhạt, cánh cổng nhỏ xíu xinh xinh, ai cũng cư xử nhẹ nhàng, có người đàn ông quen thuộc mà Viên gọi bằng dượng. Em chào dượng mà tái lợt đi. Suốt bữa cơm, dượng cứ loay hoay bảo em quen thiệt, hình như gặp ở đâu rồi. Dượng quê miền Trung nhưng giờ nói giọng Nam ngọt như mía, em thì lơ lớ thứ giọng pha Bắc pha Nam. Chính cái câu quen quen của dượng Viên mới làm em trốn khỏi anh chứ không phải là sự hồ nghi lo lắng của má anh qua ánh nhìn thắt ruột khi đứa con trai mình si mê đứa con gái không cha, quê quán vô phương đã vậy còn đeo mang đứa em ngơ ngáo (chuyện này nhất định em chẳng giấu, em tự hứa lấy chồng phải xác định tư tưởng chăm sóc Bờm chứ mạ đâu thể mãi trăm tuổi mà lo cho nó). Lúc ấy, cái lúc dượng Viên bảo em quen, em đã nghĩ xa xôi về con bé mười tám năm trước tay chân dính đầy cát, mắt mũi nhòe nhoẹt nước chạy theo níu áo, khóc ré giãy đành đạch gọi ba đừng đi, ở nhà với mạ con con với con nhỏ bây chừ, váy áo tinh tươm trắng trẻo đang ngồi dịu dàng nhai cơm mà như nhai sạn, liệu có khác nhau là mấy.

          Vùng quê nghèo khổ và những con người khắc khổ đột nhiên trở về trong tâm trí. Khi họ may bộ đồ mới rồi buộc cả nhà mình ăn bánh ít trừ tiền công, hay gò lưng may áo dài cưới đẹp đẽ cho người ta xong, họ lẳng lặng chẳng trả tiền, bảo chị cứ lấy lại áo đi, mạ cười đắng đót lấy để làm gì, thôi coi như tặng dì làm kỷ niệm. Xóm có nhà giỗ chạp thì người ta mừng húm, đi ăn giỗ gói theo bao bị thiệt nhiều, hoặc cái vườn chuối nhà chủ sau buổi ấy cũng trụi lá để đùm gói mang về cho đám con ở nhà. Má Viên là cán bộ về hưu, những câu chuyện tủn mủn về nơi - thực - sự là quê của em làm bà dè chừng. Em cười nhẹ, đó là quê thiệt nhưng con giũ sạch hết rồi (chỉ trừ mấy chuyện họ gọi Bờm là thiểu năng hay khẳng khái chỉ trỏ ba mạ con kia bị chồng, cha bỏ). Mặt bà hiện lên những dấu hỏi, kiểu như chẳng hiểu thằng con ngon lành của mình chết mê chết mệt chi con bé này. Thế thôi mà tự nhiên em thấy lòng mình đắc ý, ít nhất rồi từ đây mùa thu cũng giông bão ít nhiều. Có điều, khi trời quang mây tạnh, biết nói làm sao cho Viên hiểu, dượng anh thấy em quen là vì máu em đang chảy cùng dòng với ông ấy. Em chỉ mong mình đừng mắc nợ mùa thu thêm nữa, nợ tình thì có trả được mô…

 

Xứ Cùa vơi gió

          Cùa bây chừ lạ lắm, ai đi xa trở về có khi nghĩ mình đang lạc. Xe chạy lên con dốc đã thoải hơn, bớt quanh co, bớt thâm u mịt mùng. Càng đi vào Cùa, cái cảm giác rợn người của rừng rú ngày xưa từ những dấu chân beo và tiếng kêu của thú rừng nào gọi lại đã thành xa vắng. Thảo cười tươi bảo, giờ vào Cùa thì thơm lắm, mùa nào thơm thức ấy, mùa bơ thơm bơ, mùa tiêu thơm tiêu. Quanh năm là vị chè ngai ngái, nắng giòn giã, duy chỉ có gió Lào là không đổi mấy. Xứ này, chi chứ gió là đặc sản.

          Mỗi lần lên o chơi, tôi đi qua những con dốc và cái đèo quanh co tưởng như bất tận. Không biết có phải tại càng lớn nên càng thấy con dốc và những ngã cong mai một dần, lại có vẻ như gần hơn. Chỗ bờ dốc lao xao nắng gió kia trong những ngày tháng bảy, gió Lào thổi tạt như bão, dáng o gầy guộc trên chiếc xe đạp ì ạch đẩy hàng lên. Người o nhỏ thó mà bóng nắng đổ dài trên đường hệt như một dấu chấm than lửng lơ tội tình. Chừng đến khi Thảo lớn, o mới nghỉ buôn bán ở nhà chăm chú vô mấy gốc tiêu, vườn bơ, vườn chè.

          Thảo nói chị đi khắp phương, kiếm mô ra loại chè như ở xứ này. Những cây chè cổ thụ với thân cao vút, lá xum xuê. Uống chè Cùa phải hãm cả cành mới ngọt đủ. Có bận lên o ôn thi đại học, tôi nghĩ uống nước chè để khỏi buồn ngủ nên chơi liền một ly đầy. Uống xong thấy xây xẩm mặt mày, tay chân bủn rủn, bụng dạ cồn cào. Thảo cười khan, chị say chè rồi. Sau dạo đó, vì ngại nên tôi bắt đầu tập uống, uống rồi đâm nghiện, về nhà uống nước chè đậm chát hơn cả mạ. Mạ nói, mấy đứa như bây mà uống nước chè đậm như này sớm già đanh.

          O không về quê ở không phải bởi trong lòng còn tự ái khi nhớ năm xưa nội dấm dẳng đòi từ mặt. Sau này ba và mấy bác lên thăm, kêu về dưới kia anh em nương tựa nhau mà sống chứ ở chi xứ heo hút độc địa này, o nhìn ra mảnh vườn rồi chép miệng “để anh nằm đây mình tội lắm mấy cậu”. Với lại, cái xứ heo hút này dù sao trước kia cũng là miền đất hứa của mối tình đẹp bất chấp những cản ngăn. Nội ở lại một đêm trong ánh đèn dầu tù mù, ra múc nước giếng thấy vàng khè, phèn thì đặc quánh mà chỉ biết thở dài thườn thượt.

          Mấy thứ đó đâu nhằm nhò chi, con người ta sống miết rồi ra so cái nào có thể quên, có thể quen và cái nào thì vĩnh viễn ghim mãi trong người. O nói hình ảnh o nhớ nhất đời này là hôm dượng đi. Lúc đó, o như có linh tính chi lạ, ruột gan nóng bừng, đứng ngồi không yên. Không phải nói chứ con Lu sáng đó cứ sủa inh ỏi, tới trưa còn bỏ ăn. Lại nói không hay lắm chứ phải chi hôm đó dượng đi một mình, đừng dắt theo thằng Tý.

          Sau này, mỗi đêm trong hàng ngàn đêm, dượng hay trở về trong giấc mơ chưa từng hao hụt. Về với nụ cười tươi rói hiền hậu, cùng câu nhắn nhủ nghe như mới đây thôi “trưa, mạ mi nấu canh khế chua cá tràu cho tui nghe”, lúc đưa mớ cá dượng đã làm sạch cho o. Cái giọng Bắc cố lai tiếng quê này nghe thương lắm. Rồi đưa tay bẹo má con Thảo “ba đi nghe con gái”, tay kia dắt theo thằng Tý đang còn hớn hở. Ra tới cổng chè tàu còn đưa tay vẫy vẫy hai mạ con. Cái vẫy tay ấy đâu biết là lần cuối.

          Rồi dượng đi tới chập trưa mà o chẳng làm được chi cả. Cứ đi vô đi ra, lấn bấn nôn nao cả buổi. Đến khi nghe tiếng đùng đoàng thất kinh từ đâu vọng lại thì o xấp xãi nước mắt ngắn dài đổ ra đường lộ. Ai nấy mặt xanh le xanh lét lạy trời không phải chồng con mình trước khi xác định tiếng vang ấy từ đâu vọng lại.

          Mấy người gần đó, xem xong về bỏ cơm ba ngày. Người ta kháo nhau rằng cái điều đau khổ là chỗ này, dượng đi bộ đội mấy năm bom đạn tránh hết, thế mà tới thời bình lại chết vì bom. O không ngất như mấy người kia, o phải tỉnh để xem người ta đưa chồng mình về đầy đủ không và thằng con trai có nằm lẫn trong chồng. Nhưng may, người ta tìm thấy thằng Tý trong bụi sim gần đó, có điều hai chân nó không còn.

          Đất Cùa đầy tàn dư của chiến tranh nên thi thoảng dân ở đây vẫn nghe tiếng nổ chát chúa hay thấy khói xanh xao bốc lên cùng tiếng lẹt đẹt từ những rặng lau lách trên ngọn đồi nào đó. Cũng lắm người gặp nạn như dượng, nhưng hồi đó không ai trẻ như dượng. Con Thảo lúc ấy mới chập chững biết đi.

          Nụ cười của dượng cứ day đi day lại không biết bao nhiêu lần trong những giấc mơ chập chờn suốt mấy chục năm qua. Đêm trước ngày giỗ, thể nào dượng cũng về trêu o vài bận, khi thì cười, khi thì chợn con Thảo “con lớn quá rồi”. Trời chưa sớm, o lật đật lên chợ Cùa mua đồ cúng, kiếm con cá tràu rồi ra vườn hát vài trái khế chua cúng bữa cơm nghi ngút khói.

          Đôi chân của thằng Tý được nằm cùng với dượng. Nó bảo, chân em đi cùng với ba cho vui. Nó đeo chân giả nhưng làm gì cũng được. Kể cả chạy, dù không nhanh nhưng vẫn có thể gọi là chạy. Đôi chân ấy, sau này là trụ cột lỏng lẻo trong ngôi nhà hiu quạnh nằm bên sườn dốc. Căn nhà nằm chênh vênh với mái tranh xiêu vẹo, hông nhà trát đầy phân trâu đen thui che mưa che nắng cho ba con người.

          Những hôm trời nhá nhem mà o chưa về, Thảo nấu cơm rồi chắt nước pha đường để hai anh em uống trước cho đỡ đói. Thảo nhỏ nhắn mà thừa hưởng những đảm đang của mạ. Việc chi cũng giỏi giang, đàng hoàng. Nó ngồi co ro, ngó anh Tý đang ngắm đôi chân còn lại của mình rồi ngóng ra hàng chè tàu chờ mạ về sẽ lại cười nói cho nhà bớt quạnh.

          Đã nhiều đêm nằm ngủ, o nằm yên nghe tiếng con Lu sủa inh ỏi vì bước chân người lạ đứng thấp thỏm ngoài ngõ. Sáng ra, con Thảo thấy chỗ mấp mé hàng chè tàu đầy rẫy đầu thuốc lá. Thảo quét dọn và ấm ức như thể mấy cái đầu thuốc kia hiện rõ cả mặt người ngồi đó để nó đành hanh đằng hắng “đừng hòng giành mạ của tụi tui”. Chẳng hiểu đứng cả đêm làm gì khi biết rằng không thể nào qua khỏi cánh cửa kia được. Những đêm nằm, Thảo nghe tiếng thở dài của mạ nhưng nó làm như say ngủ, đưa tay quàng mạ thật chặt. O lén trở người thì nó vòng tay ôm siết vờ ú ớ mê man. O gác tay lên trán, nén những thổn thức trong lòng.

          Chú Tường là người của vùng Cùa. Thuộc từng ngóc ngách, từng bụi rậm nên đôi ba lần cứu o khỏi mấy con vắt rừng. Phải ngày trước chưa quen dượng, o đã lần khần có ý với chú. Nên cái lần khần đó sau này biến thành nỗi “giá như”, “hay là” mà mỗi sớm tỉnh giấc thấy quanh nhà đầy những dấu giày và hơi thuốc còn đọng lại. Hay đôi lần gặp giữa đường, chú đẩy giùm o cái xe hàng nặng trịch mà o lấm lét “anh đâu đẩy giùm được đời tui”. Có nhiều bữa thấy rừng rú gọi lại, lòng dạ o quạnh vắng, niềm vui vừa nhen lên đấy rồi thấy hiu hắt quá nên chẳng buồn nhếch miệng.

          Thảo nghe làng xóm chọc ghẹo ghép đôi nên càng ghét chú. Nó đứng dạng chân trước nhà, nói với o, ai mà vô đây đòi cưới mạ thì con bỏ xứ đi. Trời đất, cái con bé mới lên mười, chẳng nhớ mặt cha mà cứ khư khư giữ mạ cho riêng mình. Đất này, qua mỗi ngày đã bớt đi cằn cỗi mà lòng đứa con gái kia sao càng lớn càng khô. Cho tới khi biết thương một thằng con trai thì tâm tính nó bắt đầu đổi khác và tới lúc lấy chồng lạ đời nó bảo mạ thương người ta thì mở cửa cho họ vào, hiếm ai mà chờ được vậy.

Mấy gốc chè ngày trước chỉ bằng con Thảo, giờ nó lớn nhổng nên mấy gốc chè cũng cao vợi. Có bận dăm ba người đến hỏi mua với giá cao ngất vì thế cây đẹp nhưng o nhất quyết không bán. Người ta, đói khát chi lắm mà bán tình bán nghĩa, mấy gốc chè này ngày xưa mình dượng lúi húi vun.

Mạ tôi nói cái tuổi của o là “thân tự lập thân”, là số khổ, số đày đọa. Ngấp nghé hơn nửa đời người rồi giờ còn ráp lại với ai nữa, về lụm đụm mà chăm cho lão già nào khi coi như đã qua hồi cơ cực. Thảo cười hiền, tùy mạ, mạ thương người ta thì mạ ở. O nhìn bâng quơ, gần qua dốc đời rồi nên còn thiết tha chi nữa.

          Tôi biết nỗi buồn của o níu lại nơi tiếng thở dài của Thảo, khi chỗ lá vằng o để dành vẫn chưa dùng được. Đất này ngày xưa độc địa. Xóm này đã có những nóc nhà sinh con, sinh cháu ra ú ớ, có nhà lại hiu hắt chỉ bóng vợ chồng già nên cái chuyện khó có con cũng là dễ hiểu.

          Thảo héo hắt, nó bảo thấy mình như tàn tạ đi mỗi ngày. O lay lắt bao năm cũng chờ chăm đứa cháu, mà nó cũng thấp thỏm cho phận mình, không biết có được làm mẹ không nên bảo thằng chồng lấy vợ khác cho yên ấm. Chồng hậm hực mắng Thảo, thề sống thề chết đồng cam cộng khổ, con cái là của trời cho. Rồi bận sau, thấy bẽn lẽn đi về lấy đồ đạc qua bên kia, con bé cùng chỗ làm đã đẻ thằng cu ba cân mốt. Thảo cười để nuốt chửng giọt nước mắt sắp rớt ra.

          Cùa bây chừ xanh um tươi tắn, vẫn màu xanh vợi nhưng mà màu xanh của sức sống mới, của niềm tin yêu, hy vọng mới. Không phải là màu hoang vu đáng sợ như ngày dượng cầm tay o cười tự tin hệt như sức sống này rồi sẽ bùng lên ở nơi người ta gọi là vùng đất chết, hoang vu, hẻo lánh hay gì đó đại loại. Mà đất này, sau giải phóng chỗ nào không là bãi rác thì cũng tràn những hố bom, lởm chởm những dây thép gai rối rắm dài ngoằng. Khắp Cùa lúc này bạt ngàn màu xanh của vạt rừng cao su, hồ tiêu, bơ và đủ loại cây trái. Đất đấy, ngày trước người ta e dè, nhìn nó chẳng chút niềm tin, bây chừ thì hiểu nó cũng đâu bạc khi người đã dốc tất cả để phủ sự sống lên đó. Những vết chân người, những bàn tay lực lưỡng, ngàn giọt mồ hôi rơi vãi khúc quanh này, chỗ dốc kia để rải nhựa bằng phẳng, để con đường về Cùa ngày mưa đỡ xoi bùn, ngày nắng đỡ bụi. Nên bằng cách nào đó, o nói cho Thảo tin mầm sống sẽ cựa quậy trong bụng con khi chúng ta chưa ngừng hy vọng. Mấy tháng sau, Thảo cưới một anh dạy cùng trường rồi về nhà cười ỏn ẻn ôm hết đám lá vằng khô o treo trên giàn bếp.

Đất Cùa vẫn đỏ au trong những ngày nắng gió và nhão nhoẹt những khi mùa mưa tới. Có điều vẫn màu mỡ, chỉ sợ sức người cạn thôi. Mỗi ngày qua, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn chứ không phải xấu và tệ hại đi như những niềm tuyệt vọng cứ mòn mỏi dần dà.

          Đám cưới của thằng Tý mà o khóc hơn cả lúc Thảo lấy chồng, khóc xong rồi cười mãn nguyện. Tôi không biết mai mốt chú Tường có bước qua được cánh cửa đó không, khi ngôi nhà đã được cất lên khang trang qua những mùa tiêu sây hạt. Lâu lâu o chép miệng kêu người ấy thui thủi một mình cũng tội và lặp lại những “giá như”, “hay là” bằng tâm trí.

          Gió thổi chỗ dốc Cùa hình như đã vơi đi nhiều lắm. 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ