Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Ca mổ đặc biệt


Ngày cập nhật: 15/05/2019 00:00:00

TRẦN BIÊN

 

Bức tranh tường ở đảo Cồn Cỏ do các họa sĩ Quảng Trị vẽ - Ảnh: PHẠM HOÀNG PHƯƠNG

 

 

Đảo Cồn Cỏ một ngày hạ tuần tháng 4 năm 1965.

Vào lúc 10 giờ sáng, người ta khiêng ở trận địa về một thương binh bị khoảng 20 vết thương chằng chịt khắp người, trong đó vết thương ở bụng có vẻ khá nguy kịch. Anh thương binh còn rất trẻ tên là Trần Văn Thực thuộc phân đội Bộ binh. Suốt từ sáng đến giờ, Thực cùng đồng đội dùng súng bộ binh liên tục đánh trả hàng chục lần chiếc máy bay Mỹ đến đánh phá đảo. Đến khi nhìn thấy ở phía trận địa cao xạ 14ly5 có một chiếc máy bay AD6 bốc cháy rừng rực lao xuống biển, sướng quá, Thực vọt lên bờ chiến hào reo hò ngất ngây chẳng còn biết trời đất là gì nữa, đến nỗi một quả bom sát thương nổ “uỳnh” trước mặt cũng chẳng thèm biết. Nhưng quả bom giết người của giặc Mỹ thì nó “biết” găm hàng chục mảnh thép và cả đá nữa vào người chiến sĩ đang ăn mừng chiến thắng có thể nói quá lên một chút là thuộc diện hồn nhiên số một toàn quân này.

Các đồng chí quân y, sau khi xem xét vết thương quyết định phải mổ ngay mới cứu được tính mạng Thực. Nhưng tìm đâu ra thầy thuốc thực hiện ca mổ? Người duy nhất ở đảo có thể làm được việc này là bác sĩ Lê đang bị đau nhọt ở chân từ mấy hôm nay, cái nhọt sưng tấy, to như bắp chuối, không đi lại được, nằm liệt một chỗ. Đã vậy, người y tá phụ mổ thành thạo công việc, vào đất liền nhận thuốc hơn một tuần nay cũng chưa thấy ra. Lại nữa! Đào đâu ra thuốc gây mê lúc này giữa “nghìn trùng sóng vỗ” khi đêm hôm qua lúc kê sửa lại vị trí bàn mổ, một nhân viên trạm xá do sơ ý làm vỡ mất lọ thuốc duy nhất còn lại. Đúng là mấy “thầy trò” nhà bác sĩ Lê rơi vào nạn “họa vô nan chí”. May mà, thuốc gây tê giảm đau vẫn còn. Ban chỉ huy đảo hội ý khẩn cấp thấy rõ những khó khăn ngoài tầm khắc phục. Nhưng vẫn hạ quyết tâm dù sao cũng phải mổ mới cứu được tính mạng người chiến sĩ, chủ yếu dựa vào ý chí nghị lực của người thầy thuốc và thương binh.

Thế là cùng một lúc người ta phải cõng cả bác sĩ Lê và thương binh Thực ra hầm mổ. Thấy bác sĩ Lê cắn răng nén những cơn đau buốt ở bắp chân sửa soạn đồ nghề chuẩn bị ca mổ; Chính trị viên phó đảo Trần Đăng Khoa và vài chiến sĩ phục vụ lúc đó, ai cũng hớn hở mặt mày rạng rỡ nhưng còn người thương binh thì?... Không ai nói ra nhưng những người có mặt trong hầm mổ lúc đó và cả một số cán bộ, chiến sĩ trên đảo tuy không có mặt ở đây nhưng biết chuyện đều cùng chung tâm trạng lo lắng, băn khoăn: Liệu tay Thực mặt mũi non choẹt, thư sinh như thế kia có chịu đựng nổi đau đớn khi phải mổ không có thuốc gây mê? Nhỡ ra khi dao, kéo cắt da, xẻ thịt quá đau, hắn ta giãy giụa thì làm sao người đứng mổ có thể thao tác chính xác được? Nhưng không còn cách nào khác. Ông Khoa phải nói rõ những khó khăn không thể khắc phục được trong lúc này và những băn khoăn, lo lắng đang chèn ứ trong tim mọi người để Thực nhận biết mà mở lòng thông cảm, cộng tác tích cực với bác sĩ cầm dao mổ, động viên Thực cố gắng chịu đựng. Ông Khoa vừa dứt lời, Thực bình thản đáp:

- Báo cáo thủ trưởng! Tôi chịu được, không có thuốc gây mê cũng không sao.

Quay sang phía bác sĩ Lê đang hý hoáy chuẩn bị đồ mổ, Thực từ tốn nói, giọng nhẹ nhàng như khuyên nhủ chính Lê là người phải lên bàn mổ:

- Tôi không đau đâu đồng chí Lê ạ. Đồng chí cứ yên tâm mổ đi!

Những người đứng xung quanh thấy Thực quá ư bình tĩnh, xem việc mổ xẻ một con người sao quá nhẹ nhàng, đơn giản như kiểu đứt tay chảy máu thì xé một miếng vải, băng cầm máu tạm là được nên rất tin tưởng. Tin thì ai cũng tin, có thể nói là trăm phần trăm nhưng thực sự an tâm trăm phần trăm thì không thể. Chợt người y tá giúp việc hỏi Lê:

- Báo cáo bác sĩ, có phải cho người giữ tay chân đề phòng lúc mổ đau quá chịu không nổi, thương binh giãy giụa quá trời, ảnh hưởng xấu đến công việc?

Trong lúc Lê còn do dự chưa biết nói thế nào thì Thực sốt sắng trả lời hộ:

- Không! Không cần phải thế! Báo cáo... Tôi chịu đựng được mà.

Người giúp việc đắp lên mặt Thực tấm khăn mỏng. Cuộc phẫu thuật bắt đầu. Lưỡi dao sáng loáng của bác sĩ Lê rạch một đường ngọt xớt xuống thành bụng Thực. Cả hầm mổ nín thở, mắt mọi người như lồi ra nhìn chằm chặp những giọt máu tứa ra đỏ lòm nơi vết mổ. Không gian trong hầm mổ như nén chặt trong lặng im phăng phắc. Nghe rõ cả tiếng “tích tắc, tích tắc” đều đều phát ra ở chiếc đồng hồ nơi cổ tay Chính trị viên phó Trần Đăng Khoa. Tiếp đến đường dao thứ hai, thứ ba... Ông Khoa có vẻ sốt ruột bởi có tới chục phút đồng hồ chăm chú theo dõi từng cử động của bác sĩ đang lần tay trong ổ bụng người thương binh mà vẫn chưa tìm ra chỗ ruột bị thủng. Có vẻ như hai cẳng chân người thương binh khẽ nhúc nhích. Ông Khoa vội nói với Thực và cũng là nói với Lê và y tá phụ mổ:

- Đồng chí Thực ơi! Cố gắng chịu đựng nhé! Chịu khó nằm yên, nằm thật yên lặng, chỉ vài chục phút thôi... đừng có cựa quậy chi hết thì đồng chí Lê mới làm việc tốt được. Các đồng chí cố gắng lên sẽ vượt qua được hết.

Không ai nói ra lời nhưng không ai hết lo, nỗi lo canh cánh bên mình, một khi quá sức chịu đựng, thương binh rên la, quẫy đạp thì hậu quả không lường hết được.

Nhưng kỳ lạ thay! Thực vẫn nằm im không hề cựa quậy, thở đều đều như người đang ngủ say. Hành động đặc biệt này cùng với lời động viên của Chính trị viên phó đã thực sự động viên bác sĩ Lê rất nhiều khiến anh tạm quên đi nỗi đau đớn cũng không kém phần dữ dội do cái nhọt ở bắp chân hành hạ để đứng vững trên bàn mổ.

Một tốp máy bay kéo đến đánh phá đảo đợt thứ hai trong ngày. Căn hầm mổ rung lên bần bật mỗi lần có chùm bom nổ ở đâu đó. Một loạt bom nổ quá gần, khói bom theo gió xộc vào hầm cay xè. Mặc kệ! Lê vẫn bình tĩnh đứng bên bàn mổ trong tư thế; chiếc chân phải đau nhọt hơi kiểng lên cho đỡ đau; chân trái duỗi thẳng đứng trụ; trọng lượng toàn thân dồn cả vào đây nên cẳng chân này hầu như bị tê cứng. Mặc kệ! Lê không hề để ý. Nhưng ông Khoa và phụ mổ thì vẫn để ý theo dõi, nhận thấy dưới tấm khẩu trang bịt nơi miệng Lê, chiếc cằm nhọn của anh chốc chốc lại giật giật; dường như cách anh đang gồng mình lên, nghiến chặt hai hàm răng để khỏi bật ra tiếng xuýt xoa đau đớn. Vừa mổ, Lê vừa nhỏ nhẹ, giảng giải những điều cần thiết hướng dẫn nghiệp vụ cho người phụ mổ tạm thời mới được chỉ định thay thế trước đó mấy tiếng đồng hồ.

Đã đến giờ thứ ba. Thực vẫn nằm yên lặng. Lê và y tá phụ mổ vẫn thoăn thoắt thực hiện những động tác khéo léo và chính xác. Những người đứng chung quanh có phần nhẹ nhõm, nhịp thở trở lại bình thường. Càng cảm phục, thương mến Thực bao nhiêu, họ càng cảm phục, thương mến Lê bấy nhiêu. Đâu phải đến bây giờ cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ mới được biết đến tinh thần tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh của Lê.

Ngay từ hồi mới được điều động ra đảo (năm 1963), anh em cán bộ, chiến sĩ ở đây đã được biết khá kỹ về anh trong kháng chiến chống Pháp, đã có lần Lê làm giấy cam đoan với Viện quân y 142 Việt Bắc, đứng mổ trong 6 ngày liền cho hơn 100 thương binh trong hoàn cảnh giặc vây hãm rất nguy khốn lại thiếu dụng cụ, thuốc men. Ấy thế mà Lê và những đồng nghiệp đã vượt qua tất cả. Sau khi ta đánh thông đường, hơn 100 thương binh ấy đã được cứu chữa kịp thời chuyển ra căn cứ an toàn.

Đã hết giờ thứ tư, Lê và người phụ mổ đang khẩn trương khâu khúc ruột cuối cùng trong số chín khúc ruột bị thủng. Bỗng Thực hơi cựa mình hỏi:

- Tôi mỏi... cần co chân lên... một chút được không?

- Ấy chết! Không được đâu! Cố gắng chịu một chút nữa thôi, đồng chí ạ - Lê đáp, giọng anh nửa như mệnh lệnh, nửa như dỗ dành khiến Thực thôi không đề nghị gì thêm nữa.

Cho đến khi Lê khâu xong mũi cuối cùng, tổng cộng 190 mũi khâu tất cả, Thực vẫn nằm im ở tư thế ban đầu: người nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay khép hai bên hông; không hề có một cử động nào dù là nhỏ ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật.

Trao chiếc kim và kéo cho người phụ mổ, bác sĩ Lê cũng ngã xuống ngất xỉu. Hồi lâu tỉnh dậy anh trầm trồ mãi một điều rằng: “Đời tôi chưa thấy một ca mổ như thế này. Đảo ta có lắm người anh hùng thật!”.

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ