Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Vâng lời Bác dạy cất cao tiếng hát


Ngày cập nhật: 16/04/2019 00:00:00

TRẦN BIÊN

 

Cách đây tròn 50 năm (1969 - 2019), bà Lê Thị Bích Nồng nguyên là diễn viên đội Tuyên truyền văn hóa Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Vĩnh Linh được bổ sung cho đoàn Văn công Quân khu 4 ra Hà Nội biểu diễn báo cáo với Trung ương và nhân dân thủ đô những tiết mục văn nghệ phản ánh cuộc sống và chiến đấu của quân dân Khu 4 trên các mặt trận, chiến trường đánh Mỹ. Đợt biểu diễn này, các chiến sĩ văn nghệ quê hương nơi “Tiếng hát át tiếng bom” đã để lại nhiều tình cảm và ấn tượng tốt đẹp với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thủ đô qua tinh thần phục vụ và chất lượng nghệ thuật của chương trình. Có thể nói đó là một vinh dự, hạnh phúc cho những người làm công tác văn nghệ thời chiến được cống hiến hết mình. Chưa hết. Còn một vinh dự và hạnh phúc lớn hơn. Đó là nhân dịp này, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam chọn 5 diễn viên của đoàn biểu diễn cho Bác Hồ xem.

Vào một buổi chiều mùa hè nắng đẹp, chiếc xe con chở 5 chị em: Bích Nồng, Minh Huệ, Mai Tư, Minh Lý và Tuấn Mỹ tới phòng khách Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác bảo: “Tối nay, Bác cho phép các cháu thay mặt cho lực lượng văn nghệ Khu 4 tuyến lửa vào thăm và hát cho Bác nghe một số làn điệu dân ca quê hương. Các cháu cố gắng hát tốt để Bác vui”. Đồng chí Vũ Kỳ vừa dứt lời mọi người “ồ” lên sung sướng , vỡ òa niềm vui, ùa lại vây quanh Bác, giản dị trong bộ quần áo công nhân, đầu đội mũ lưỡi trai đang ngồi ung dung đọc báo. Thấy khách đến, Bác ngừng đọc cười rất hiền chỉ ghế bảo: “Các cháu ngồi uống nước, ăn kẹo” rồi lật trang sổ tay ghi dòng chữ: “Ngày 1 tháng 5 năm 1969” và vừa hỏi, vừa ghi tên, tuổi, quê quán, sức khỏe, học lực, hoàn cảnh gia đình của từng người. Người đầu tiên được Bác hỏi, lễ phép trả lời:

- Thưa Bác! Cháu là Lê Thị Mai Tư, quê ở Đô Lương, Nghệ An.

Bác vừa ghi vừa cười tươi:

- À! O ni quê “choa”. “Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương” đây. Mọi người cười vui vẻ trước câu nói ấm áp, chân tình giọng Nghệ của Bác; càng vui hơn khi nhận biết được cái hóm hỉnh trong câu thành ngữ “Trai Cát Ngạn gái Đô Lương” mà Bác vừa nói. Bác hỏi tiếp người ngồi kề Mai Tư. Bích Nồng thưa với Bác, quê cháu ở Vĩnh Linh. Bác nhìn Nồng trìu mến:

- Ở Vĩnh Linh cháu có ra Cồn Cỏ biểu diễn không?

- Thưa Bác có ạ!

Đặt cây bút vào trang sổ, Bác nhìn Nồng khuyến khích:

- Cháu đã ra Cồn Cỏ, cháu hãy kể cho Bác nghe về cuộc sống của chiến sĩ ta trên đảo thế nào?

Lúc này giọng nói của Bác dường như chùng xuống, vẻ mặt thoáng xúc động khi Bác nhắc đến “cuộc sống của chiến sĩ ta trên đảo thế nào” khiến Bích Nồng rơm rớm nước mắt lo không giữ được bình tĩnh trả lời Bác trôi chảy. May thay! Mới năm ngoái đây thôi (1968), Nồng cùng đội Tuyên truyền văn hóa Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Linh đã ra biểu diển ở Cồn Cỏ thấy tận mắt cảnh lính ta nhường nhau từng bi đông nước ngọt hiếm hoi chở từ đất liền ra. Lại có chuyện được nghe kể lại, chiến sĩ Trần Văn Thực bị thương phải mổ nhưng trạm xá đảo hết thuốc gây mê, ông bác sĩ do dự chưa cầm dao; Thực nhận biết liền động viên: “Bác sĩ cứ mổ đi, tôi chịu được”. Được lời như cởi tấm lòng, ông bác sĩ mở toang khoang bụng Thực chỉ có thuốc gây tê; cắt cắt, khâu khâu, trong lúc thương binh Thực hát vang bài “Giải phóng miền Nam” như là liều thuốc thần tiếp sức cho cả hai, một người cầm dao và một người được dao mổ xẻ rạch, cắt nối 9 khúc ruột trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Chuyện chiến sĩ Thái Văn A bị thương 2 lần vẫn đứng vững trên chòi trinh sát nâng cao ống nhòm quan sát bầu trời, thông báo kịp thời máy bay đến đánh đảo để chỉ huy xử trí. Có chuyện “người thật việc thật” là có những đêm bản thân Nồng và vài bạn trong đội xách bao tải theo các chiến sĩ nuôi quân ra khe đá bắt hàng tá cua đá đem về nấu canh chua, thêm chút đạm cho bữa ăn của bộ đội. Chuyện đó đã được Ngọc Cừ - Chính trị viên phó của đảo và Phan Ngạn (đồng tác giả) viết thành ca khúc “Con cua đá” nổi tiếng...

 Được Bác cho phép, Bích Nồng từ tốn kể lại mấy mẩu chuyện sống động trên; cùng lúc Minh Huệ kể về cuộc sống, chiến đấu của đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh. Có lúc Bác ngồi lặng im, đôi mắt chớp chớp xúc động làm các diễn viên cũng rơm rớm nước mắt. Nhìn đôi mắt Bác thâm quầng, các chiến sĩ văn công chực khóc nhưng nhớ lời đồng chí Vũ Kỳ dặn “Bác hôm nay không được khỏe lắm phải làm cho Bác vui” nên họ cố ghìm cho khỏi trào nước mắt.

Thay mặt các bạn, Minh Huệ thưa với Bác:

- Chúng cháu xin phép hát một số làn điệu dân ca miền Trung để Bác nghe.

Bắt đầu, Minh Lý ca điệu “hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình”, Tuấn Mỹ hát “ví giặm Nghệ Tĩnh”, tiếp đến Bích Nồng hát điệu “ru con miền Trung” có lời ca:

À ơi...ru em em ngủ cho ngoan.

Để mẹ (ư ứ ư) đi chợ  bán rau, bán chè (ư ứ ư)”

Nồng vừa ngừng hát, Bác nói ngay:

- Hồi trẻ, lúc ở Huế, nhiều lần Bác đã nghe các bà mẹ ru con, hát đến chỗ “ư ứ ư”, ngân dài hơn chứ không ngắn như cháu Nồng vừa hát đâu.

Minh Huệ thưa với Bác xin hát lại điệu ru con xem thử được chưa. Bác cười, gật đầu. Huệ lấy giọng bắt vào khá cao: “Ơ ờ... ru em, em ngủ cho muồi”...

Bác sửa lại:

- Cháu phải hát: “Ru tam, tam théc cho muồi”...

Huệ hát lại: “Ru tam, tam théc cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu”.  

Bác lại sửa: “Để mạ đi chợ” mới đúng. Huệ hát tiếp: “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh”.

Bác cười ân cần và sửa tiếp:

- “Mua cau Nam Phổ” chớ không phải “chợ Sải”. Hát rứa mới đúng!

Đến lượt Mai Tư hát điệu ví dân ca Nghệ Tĩnh:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục”... Đây là câu mở của điệu ví đò đưa nhưng Bác mới nghe lọt câu này liền cười nhắc: Ở Nghệ An gọi “nác”  chứ không gọi “nước” mô.

Vẻ bẽn lẽn như người có lỗi, Mai Tư cố gắng lấy lại bình tĩnh hát tiếp câu cuối : “Thuyền em lên thác xuống ghềnh, nước non là nghĩa là tình ai ơi”!

Bác bảo:

- Cháu quên rồi ! “Nác non” chớ!

Phải thêm lần thứ ba, Mai Tư mới hát đúng. Bác vỗ tay cười rạng rỡ và nói:

- Hát dân ca khi gặp bài bản cổ không nên pha trộn lời cổ với lời mới làm giảm cái hay của nó đi.

Cả năm chị em đồng thanh:

- Thưa Bác, chúng cháu xin hứa nhớ lời Bác dạy ạ!

Bác cười gật đầu, khuyến khích:

- Tốt! Tốt lắm!

Các diễn viên thật không ngờ, Bác xa quê hương năm sáu chục năm trời đã qua bao đất nước xa lạ, biết hàng chục thứ tiếng mà vẫn nhớ như in trong lòng từng giọng nói địa phương, từng điệu hát quê nhà.

Đã qua ba mươi phút tíu tít bên Bác ngập tràn tình thương yêu vậy mà các nữ diễn viên cảm thấy quá ngắn ngủi. Lòng nhủ lòng họ chỉ mong cho những phút giây này kéo dài mãi. Bác cho các diễn viên ăn kẹo và dặn phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ mọi mặt từ việc học lời ăn tiếng nói trong nhân dân, học ca dao, tục ngữ, học dân ca ba miền Bắc Trung Nam đến học văn hóa, ngoại ngữ... phải thực sự cầu thị, “năng nhặt chặt bị” thì mới phục vụ bộ đội và nhân dân tốt hơn.

Đĩa kẹo mời khách đặt trên bàn còn nguyên vẹn. Năm diễn viên, người nọ ngập ngừng nhìn người kia có ý nhắc, bạn ăn trước đi để bọn tôi theo. Như đọc được tâm trạng của họ, Bác nói:

- Để Bác chia kẹo cho các cháu nhé. Mỗi cháu vài ba chiếc đồng ý không?

Bốn chiến sĩ lần lượt nhận kẹo, còn lại suất cuối cùng phần của Tuấn Mỹ, Bác nhìn Mỹ nói vui:

- Cháu nhỏ tuổi nhất Bác cho cả đĩa.

Nhận xong phần kẹo không ai dám ăn, Bác giục:

- Các cháu ăn kẹo đi!

Bích Nồng thưa:

- Dạ, để chúng cháu đem về cất giữ làm kỷ niệm.

Bác cười rất vui:

- Được! Thế thì đem về nhà ăn.

Chia tay Bác, năm chị em đem kẹo về nhà nhưng không ai dám bóc một chiếc mà còn gói bọc thêm mấy lớp giấy báo, cất kỹ trong ba lô. Cẩn thận đến thế  nhưng đêm hôm đó họ thao thức gần như không ngủ. Phần thì lo thời tiết ẩm ướt, kẹo sẽ bị hỏng, không thể để dành lâu ngày được. Phần thì từ chiều đến giờ trong người lúc nào cũng lâng lâng niềm hạnh phúc quá lớn, vừa được gặp Bác, hát cho Bác nghe, vừa được Bác ân cần dạy bảo nhiều điều bổ ích. Niềm vui lớn thế, hạnh phúc tuyệt vời thế làm sao có thể ngủ được. Nó còn kéo dài nhiều ngày sau nữa và được nhân lên gấp đôi khi đang tiếp tục cùng đoàn biểu diễn phục vụ nhân dân thủ đô, thì ngày 17 tháng 05 (tức là sau hơn hai tuần hát cho Bác nghe lần 1) được lệnh đến Phủ Chủ tịch hát mừng thọ lần thứ 79 ngày sinh của Người.

Như lần trước, năm chị em hớn hở bước vào phòng khách thấy hôm nay sắc diện Bác khỏe hơn, lại thấy trong phòng sắp thêm một số ghế, chắc hôm nay có đông quan khách. Đang băn khoăn tự hỏi như vậy, thốt nhiên họ nghe tiếng Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

- Chú gọi các cô, các chú đến nghe dân ca quê “choa”.

Bắt đầu chương trình Minh Huệ hát trước, điệu “Ru con” Nghệ Tĩnh: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Bác khen hát tốt và nhắc:  

- Cháu hát đúng nhưng không được kéo dài ra.

Tại phòng khách của Bác lúc này, ngoài Bác và người thư ký còn có thêm vài ba người nữa là cấp dưỡng, bảo vệ, giúp việc.... mà lúc trước đồng chí Vũ Kỳ gọi tới cùng nghe hát. Bỗng Bác khoan thai chỉ tay vào chỗ Mai Tư ngồi và nói với mọi người: “Ngài” Nghệ An “choa” đó rồi hỏi:

- Trong ta chừ có dệt vải nữa không?

- Dạ thưa Bác có ạ!

- Có “phường vải” không?

- Thưa Bác, không làm phường như trước. Bà con vào hợp tác xã cả rồi.

- Rứa cháu có biết hát “phường vải” không?

- Dạ thưa Bác, có ạ !

- Cháu hãy hát một câu mà các cụ ta xưa thường hát.

Thực ra điệu dân ca này, Mai Tư chỉ biết vài lời mới, lời cổ mà “các cụ ta xưa thường hát” như Bác vừa nói thì còn mù mờ lắm nên mạnh dạn thưa với Bác sự yếu kém của mình. Bác tỏ ý thông cảm:

- Thì cháu lấy câu ni để hát: “Khuyên ai chớ lấy học trò...”. Cháu tiếp đi!

- Thưa Bác, có phải “Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” không ạ?

Bác gật đầu. Như được tiếp thêm sức mạnh, Mai Tư hăm hở hát khá chuẩn vế đầu điệu “phường vải” nhưng vốn liếng về lời cổ điệu hát này của Mai Tư chỉ có thế nên hát hết câu 8 cặp lục bát trên, lúng túng không biết phải làm gì nữa nhất là khi nghe tiếng Bác giục: “Cháu hát tiếp vế đối đi chớ” thì lúc này sự lo ngại đã hằn rõ trên nét mặt. Thấy vậy, Bác nhắc luôn: “Lưng dài có võng đòn cong/ Áo dài đã có lụa hồng vua ban”.

Chẳng biết lập cập thế nào Mai Tư không hát “Có võng đòn cong” mà nhầm thành “Có võng vồng tôm” khiến Bác, cháu đều cười vui vẻ.

Đợi mọi người yên lặng, Bác mới nhẹ nhàng sửa lại: “Đòn cong” chớ. Lúc này, đồng chí Vũ Kỳ ghé tai Mai Tư thì thầm đủ một người nghe: “Cháu hát tiếp là “Áo dài đã có lụa hồng Bác ban”. Mai Tư hát theo, Bác vỗ tay cười nhưng cải chính ngay:

- Cháu hát hay nhưng Bác có phải là vua đâu.

Tiếp nối chương trình, Bích Nồng hò Huế, điệu “mái nhì” lời mới nói lên ý chí sắt đá của quân dân ta chống Mỹ cứu nước: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh tan giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Giống trường hợp các diễn viên khác, lúc hát xong Bác cũng vỗ tay khen song Nồng cứ thắc thỏm hoài tự trách mình, sao đang vui vẻ như thế này lại gợi đến chuyện bom đạn, tổn thất nhà cửa nát tan, cực khổ... liệu có làm Bác buồn chăng?

Hát, hò xong, Bác thưởng kẹo rồi cho các chiến sĩ xem phim hơn 1 giờ nữa, ấy vậy mà khi ra về, ai cũng cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá.

Nửa thế kỷ trôi qua. Thời gian là dòng chảy đẩy mọi thứ lùi về quá khứ. Tuy nhiên, ấn tượng và ký ức trong hơn nửa tháng hai lần được gặp Bác Hồ, hát dân ca cho Bác nghe; đặc biệt là được Bác sửa cho từng lời từng câu, được Bác ân cần thăm hỏi, dạy bảo thì không dễ gì mờ phai và càng không thể có chuyện lãng quên được trong tâm khảm năm chiến sĩ quê hương Khu 4 anh hùng: Lê Thị Bích Nồng và Trần Thị Minh Huệ (Quảng Trị), Lê Thị Mai Tư (Nghệ An), Minh Lý (Quảng Bình), Tuấn Mỹ (Hà Tĩnh) thuộc đoàn Văn công Quân khu 4.

Khắc sâu lời Bác dạy, trong suốt năm mươi năm qua Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn luôn thấp thoáng bên mình, lời Bác dạy vẫn văng vẳng bên tai, lúc nào cũng ân cần, thắm thiết trong sâu thẳm trái tim năm nghệ sĩ - chiến sĩ ấy từ lúc còn trẻ cũng như giờ đây có người sắp lên lão, họ vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi giọng hát, tiếng đàn ngày càng hay phục vụ bộ đội và nhân dân hiệu quả hơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 

                                                                                   

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ