Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Cảm nhận từ chuyến đi Trường Sa


Ngày cập nhật: 19/12/2017 00:00:00

 Bài và ảnh - HỒ THANH THOAN           

                                         

Theo lịch sử, vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ thứ XIX, vua Gia Long đã cho cắm cờ ở đảo Trường Sa và đo thủy trình vào năm 1816, đến năm 1835, vua Minh Mạng đã cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được lập và trao nhiều nhiệm vụ gồm khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào Đông Dương. Việt Nam liên tục tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo sử sách còn ghi chép lại và thực tế khách quan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên vị trí lịch sử cũng như trên nguyên tắc thềm lục địa. Các bản đồ địa lý cổ Việt Nam ghi chép Bãi Cát Vàng để chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII.

Quần đảo Trường Sa ở về phía Đông Nam của đất nước, khoảng 6o30’ đến 12o00’ bắc; 111o30’ đến 117o30’ đông, gồm hơn một trăm hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải rác trên một vùng biển rộng từ tây sang đông gần 350 hải lý, từ bắc xuống nam hơn 360 hải lý, chiếm một diện tích biển khoảng từ 160.000 đến 180.000km2. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) cỡ 250 hải lý, cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam (Trung Quốc) cũng cỡ trên 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 960 hải lý. Đầu thế kỷ XX, nhờ sự phát triển của ngành đo đạc bản đồ biển, người ta mới tách hai quần đảo riêng biệt mang tên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trườg Sa như hiện nay.

 

Chùa Trường Sa

 

Giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa

 

Vào cuối tháng 4/2017, tôi được Hội Mỹ thuật Việt Nam cho đi thực tế, sáng tác cùng với 5 họa sĩ khác ở Hà Nội và Yên Bái. Chuyến đi với tên gọi Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của gần 220 đại biểu ưu tú, tiêu biểu đến từ nhiều ngành nghề, cơ quan, đơn vị khác nhau nhưng đều hội tụ ở một điểm chung là tình yêu mãnh liệt với biển đảo, là đại diện cho ý chí và tình cảm của hàng triệu người Việt Nam trên mọi miền đất nước đang ngày đêm hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Hơn 11 ngày cùng ăn ở, sinh hoạt cả trên tàu Kiểm ngư KN490, đến thăm các đảo và Nhà giàn DK1, tất cả các thành viên đều có những kỷ niệm đẹp, nhiều cảm xúc về tình quân dân giữa đoàn và những người lính đang ngày đêm canh giữ cho sự bình yên nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước, những hộ dân đang sinh sống và xây dựng biển đảo. Mọi người rất vui và tự hào khi được đặt chân đến Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn đã đến thăm các Đảo Đá lớn A, Đảo Đá lớn B, Đảo Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Sinh Tồn, Đảo Cô Lin, Đảo Đá Tây B, Đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, thiết thực, thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ cũng như sinh sống trên các đảo, xem phim tư liệu về biển, đảo Việt Nam, về những chiến công vang dội trên biển của hải quân ta, thả hoa, dâng hương tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Trường Sa thân yêu trên Biển Đông.

Nhóm họa sĩ chúng tôi gồm sáu anh chị em, mới gặp nhau lần đầu đều xa lạ vì chưa hề biết mặt. Theo giấy triệu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, các thành viên đã tập kết ở Bộ Tư lệnh Hải quân, TP Hồ Chí Minh đầy đủ, đúng thời gian quy định. Sau khi làm xong các thủ tục, tất cả được xe đưa đón về Quân cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, phường Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh để lên tàu nghỉ ngơi. Chúng tôi được Ban tổ chức phân phòng ở theo đơn vị và theo ngành nghề, như vậy mới có điều kiện để trao đổi nghiệp vụ và hiểu biết thêm công việc cũng như cuộc sống của nhau.

Lần đầu tiên, tất cả đoàn hành trình mới được đi Trường Sa nên ai cũng háo hức, muốn đến được ngay để tận mắt chứng kiến những gì mà mình hình dung trong trí tưởng tượng. Ngày thứ nhất phải họp Đoàn, phổ biến các nội quy, quy chế, lịch trình, cách sinh hoạt và các công việc khác liên quan đến chuyến đi, sáng hôm sau làm lễ tiễn Đoàn rất trang trọng ngay trên cảng quân sự Cát Lái, các nghi lễ được diễn ra theo đúng quy trình. Khi con tàu rời cảng, chúng tôi thấy một không khí ấm cúng, thiêng liêng và chứa chan tình cảm, Các chiến sĩ Hải quân và Đoàn TNCSHCM TP Hồ Chí Minh dàn hàng đứng chào trên bờ và những cái vẫy tay thân thiện hơn bao giờ hết.

Hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển mới đến được địa điểm đầu tiên: Đảo Đá lớn A, rất may là dịp này ít sóng gió, không mưa bão nên tàu đi nhẹ nhàng, mức độ chao nghiêng không đáng kể, tuy nhiên cũng rất nhiều người không quen với đường biển nên bị say sóng và mệt mỏi. Con tàu KN 490 của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vừa mới được đóng cách đây 2 năm rất hiện đại, tàu có 5 tầng, chiều dài gần cả trăm mét, chiều rộng 14m và chiều cao 7m. Ngoài đoàn hành trình, trên tàu còn có gần 50 cán bộ và chiến sĩ cùng đi, chúng tôi được trang cấp các dụng cụ thiết yếu hàng ngày và các áo đồng phục để thay đổi tùy theo yêu cầu của Ban tổ chức.

Chúng tôi đã chuẩn bị giấy bút và máy ảnh sẵn ở nhà để ra đó vẽ chân dung chiến sĩ, không có thời gian để ký họa cảnh sinh hoạt trên đảo, chỉ sử dụng máy ảnh để ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và cần thiết. Chúng tôi phải hoạt động như những nhà báo thực thụ, nhanh nhạy, tháo vát và phải phản ánh đầy đủ được nhiều khía cạnh của chuyến đi. Việc đi thực tế trên đất liền có thời gian để ghi chép còn đi thực tế ở đây là phụ thuộc đoàn nên phải hết sức tập trung để chọn lựa, chúng tôi đi mỗi người một hướng tìm kiếm nhiều hoạt động khác nhau, tránh sự trùng lặp.

Sáng tác ở Trường Sa về văn học nghệ thuật và báo chí đã được Nhà nước tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và các nhà báo thâm nhập thực tế rất nhiều trong những năm qua. Về âm nhạc, nhiều bài hát hay đã được ra đời: Nơi đảo xa, Bâng khuâng Trường Sa, Gần lắm Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình...  của các nhạc sĩ Thế Song, Lê Đức Hùng, Hình Phước Long,Đinh Trung Cẩn… là những sáng tác nói lên lòng tự hào dân tộc và tâm tình người chiến sĩ với trọng trách canh giữ bình yên cho biển đảo. Nhiều sáng tác về thơ, văn, kịch bản sân khấu, báo chí đã viết về biển đảo, biên giới của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo có tên tuổi. Đối với lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh cũng vậy, thời gian qua đã có nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến thâm nhập thực tế và đã có rất nhiều tác phẩm được công bố rộng rãi trước công chúng.

 Trong bối cảnh hiện nay, việc tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư trong nước và nước ngoài về lòng yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới là rất cần thiết, giúp người dân hiểu thêm vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của biển đảo, nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời, động viên cán bộ, nhân dân và chiến sĩ đoàn kết, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trên.

Từ đầu năm đến thời điểm này, đoàn chúng tôi là đoàn thứ chín đến với Trường Sa, mùa này rất thuận lợi về khí hậu và thời tiết, ở đây khác biệt lớn với các vùng ven bờ. Những ngày hè mát mẻ và mùa đông thì lại ấm, sự khắc nghiệt của thời tiết đang hiện rõ, vì mùa khô nên tiêu chuẩn nước cho các chiến sĩ rất hạn chế. Nhìn những thau nước trong vắt mà các anh mang ra để đoàn rửa tay, rửa mặt, chúng tôi thấy nghẹn lòng. Nguồn điện ở đây được lấy từ hệ thống pin mặt trời và tua bin gió, bên cạnh đó mỗi đảo cũng phải dự phòng một máy phát điện đề phòng lúc bất trắc. Trồng rau xanh phải đưa đất từ đất liền ra cùng với các thùng xốp, rau xanh không thua kém trong đất liền, phục vụ đủ cho nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Các loại rau dây leo lấy quả như bầu, bí, mướp đắng, khoai lang, thiên lý… cho tới các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau ngót, rau muống, rau dền, rau sam, lá lốt, rau đay biển... Các loại rau thơm gia vị cũng nhiều như ớt, húng quế, lá mơ, gừng, sả, nghệ… loại nào cũng xanh tốt. Để có được vườn rau như trên là cả một sự nỗ lực miệt mài, chắt chiu hàng chục năm trời của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ trên đảo. Những đảo chìm không thể có nước ngọt từ giếng đào, phải hứng từ bể chứa để tưới và dùng cho các sinh hoạt khác. Nguồn thực phẩm phải chăn nuôi, ban đầu chỉ từ vài con lợn giống từ đất liền đưa ra, nay đã hình thành đàn lợn lên tới hàng chục con với đủ loại lợn thịt, lợn nái, lợn giống. Đàn lợn đã thích nghi được với đặc điểm thời tiết thay đổi liên tục cùng với gió biển mang theo hơi nước mặn, việc làm vệ sinh và phòng chống dịch bệnh được tiến hành đều đặn hàng ngày, còn đàn vịt được đưa ra đảo khi mới tròn một tháng tuổi, được huấn luyện để thích nghi với thời tiết và môi trường nhưng vẫn chưa thể tự nhân giống. Ngoài những cây bàng vuông, cây phong ba rợp bóng đặc trưng, chúng ta còn thấy được vườn cây cảnh ở đảo Trường Sa chẳng khác gì nhà vườn biệt thự trong đất liền, với đủ loại như hoa giấy, hoa đại, hoa si, hoa chè…

Điều làm cho chúng tôi thật xúc động là mỗi khi xuồng đưa các thành viên từ tàu vào đảo, các chiến sĩ ra đón tiếp rất nồng nhiệt, vui vẻ. Khi xuồng cập bến thì những chiến sĩ phải lội xuống nước, ngâm mình giữa nắng nóng để buộc dây cho đoàn lên bờ an toàn, những chiến sĩ còn lại phải chung tay bốc xếp hàng hóa, lương thực, thực phẩm và dìu dắt chúng tôi lên bến. Tình cảm của quân và dân lúc này rất gần gủi, bình dị, thân thiết hơn bao giờ hết, họ sẵn sàng ôm chặt nhau thật nồng ấm, tự nhiên và quyến luyến. Có đến với Trường Sa mới thấu hiểu được tình người nơi đó. Hai tiếng Trường Sa thân yêu dù rất xa nhưng cũng thật gần trong mỗi trái tim của con người Việt Nam.

Sau chuyến đi, chúng tôi đã có cả kho tư liệu về hình ảnh hoạt động của quân và dân trên quần Đảo Trường Sa để đưa vào tranh của mình trong những năm tới, chuyến hành trình đầy ý nghĩa đã tạo điều kiện cho mọi người niềm tin yêu, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Đây cũng là động lực gắn kết tạo nên sức mạnh giữa các thành viên trong đoàn, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm sẽ thôi thúc chúng tôi phải làm tốt hơn công việc của mình, lan tỏa trong cộng đồng xã hội những điều tốt đẹp về tình yêu biển đảo, nơi đầu sóng, ngọn gió với bao khó khăn vất vả, các chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển, lãnh hải của Tổ quốc trong điều kiện còn khó khăn. Những chuyến công tác ra thăm đảo đã, đang và sẽ góp phần củng cố niềm tin, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi rất vui mừng vì đã được trải nghiệm thực tế ở một nơi mà nhiều người mơ ước được đặt chân đến đó để được thấy tận mắt một vùng đất, vùng biển ở xa đất liền, thiếu thốn mọi bề nhưng quân và dân ta đã chịu thương, chịu khó, lăn lộn giữa cuộc sống nhọc nhằn đầy nắng gió, đầy gian lao vất vả để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Với những người lính, canh giữ biển đảo là nhiệm vụ cao cả, vì chủ quyền Tổ quốc trên hết, họ luôn ở bên đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên vùng biển của quê hương. Chuyến đi đó đã cho chúng tôi gặt hái, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng, động viên năng lực sáng tạo của mình để có được những tác phẩm hay, đẹp về đề tài biên giới, hải đảo.

Chúng tôi nói riêng và văn nghệ sĩ, nhà báo cả nước nói chung đều nhận thấy rằng được đến với Trường Sa, biển đảo Tổ quốc lúc cam go nhất, khó khăn nhất đó là sự trải nghiệm vô cùng hạnh phúc của những người cầm bút, cầm máy, cầm cọ. Hy vọng có nhiều hơn các tác giả cùng chung bàn tay, góp thêm bút lực, tiếp tục sáng tác đa dạng hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí khích lệ lòng yêu nước trong cộng đồng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ