Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Bút ký

Ký ức về “Ngọn đèn hai trăm nến”


Ngày cập nhật: 19/01/2017 00:00:00

 Bút ký - NGUYỄN HOÀN

    Thuở đất nước còn chìm trong đêm dài thực dân nô lệ, chàng thanh niên Lê Duẩn với bầu máu nóng trào sôi đã sớm dâng tuổi xanh của mình cho nước. Một ngày tráng chí nọ, chàng đã vượt sông Thạch Hãn để theo lời non nước qua chiếc đò ngang của ông Cao Đốc ở thôn Hậu Kiên, Triệu Thành, Triệu Phong, bến đò ngang này vì thế được gọi là bến đò ông Đốc. Nhiều năm sau, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trong một hôm vào đầu năm 1955, tại cửa sông Ông Đốc, Cà Mau, Anh Ba (tên gọi thân mật của cán bộ, nhân dân Nam Bộ dành cho đồng chí Lê Duẩn) đã bước lên chiếc tàu Ba Lan neo ở đó để tập kết ra Bắc nhưng đến gần nửa đêm, Anh Ba bí mật xuống một chiếc tàu đò để quay trở lại nhận lãnh trọng trách lớn lao đối với cách mạng miền Nam mà Bác Hồ và Trung ương Đảng giao phó. Cuộc đời của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gắn với những bến đò, ít nhất có hai bến đò mang tên dân giã là ông Đốc và Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng vững vàng lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão táp. Con thuyền Việt Nam giờ đây vươn ra “biển lớn” hội nhập với bản lĩnh, với sự tự tin tôi luyện được từ cả những ngày còn ở bến đò ông Đốc. 

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Cửa Việt, năm 1981

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm công trình thủy nông Nam Thạch Hãn (cống Hà My,
kênh N1, Triệu Hòa, Triệu Phong) năm 1983

 

 *Dưới lòng đất Vĩnh Linh thời chiến, Bác Duẩn đã sớm nói đến chuyện “đại xá dân tộc”

      Là người sớm khởi thảo “Đề cương Cách mạng miền Nam” ngay giữa lòng Sài Gòn khi miền Nam còn chìm trong đen tối, bản Đề cương lịch sử này là căn cứ quan trọng để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam, Bác Duẩn luôn theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam và dành cho miền Nam mối quan tâm đặc biệt. Dĩ nhiên, nằm trong mối quan tâm đặc biệt đó, có Vĩnh Linh, Quảng Trị, mảnh đất kiên cường đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bác Duẩn từng vào với tuyến lửa Vĩnh Linh nhiều lần. Bác thường căn dặn Vĩnh Linh phải giữ vững đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phải giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đừng để cho tư tưởng “xét lại” xen vào đây. Ông Nguyễn Kham, nguyên Chủ tịch huyện Triệu Hải (cũ), trong những năm đánh Mỹ, ông làm Chánh Văn phòng Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh, rồi làm Uỷ viên thư ký trực Uỷ ban hành chính khu vực Vĩnh Linh kể lại đầy cảm phục về ấn tượng lần Bác Duẩn chỉ đạo Vĩnh Linh ứng phó với tình huống gian khó: “Tháng 12-1964, địch tập trung bắn sang bờ Bắc, bắn từ Huỳnh Hạ, Huỳnh Thượng, Vĩnh Sơn bắn lên. Dân đi cấy, đi chợ bị thương nhưng mình chưa thể ra tay đánh trả địch được. Mình phải xin ý kiến Ban Bí thư. Tôi nhớ lúc đó Bác Duẩn trả lời bằng điện, đại ý rằng, Ban Bí thư rất thông cảm với tình hình khó khăn của các đồng chí ở giới tuyến. Nhưng hiện địch chưa có ý đồ phá tuyến, ta phải tránh làm những gì mà địch vin vào để gây cớ. Việc tiêu diệt địch không thiếu gì cách. Đọc bức điện, đồng chí Hồ Sĩ Thản, Bí thư Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh reo lên mừng rỡ vì đã được Bác Duẩn “mở nước”. Sau đó, ta tổ chức đánh địch hai trận ở Gio Linh, địch khiếp sợ, không dám đánh phá giới tuyến”. Mang niềm tin sắt đá ở ngày toàn thắng của dân tộc, ngay khi chiến tranh còn ác liệt, Bác Duẩn đã sớm nghĩ đến chuyện băng bó, hàn gắn vết thương chiến tranh khi hoà bình về. Ông Nguyễn Kham đắc ý kể tiếp: “Trong lần vào Vĩnh Linh năm 1971, Bác Duẩn đã đến nói chuyện với cán bộ Vĩnh Linh tại một hội trường ngầm dưới đất ở làng Phú Thị, xã Vĩnh Nam. Bác nói: Tôi từng báo cáo với Bác Hồ, sau khi giải phóng miền Nam, xin Bác Hồ cho thực hiện chính sách đại xá dân tộc. Bác giải thích, nói cho cùng, con dân đất Việt cả, có những người lầm lỗi chẳng qua là vì hoàn cảnh. Đại xá dân tộc để thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Năm 1975 đất nước mới giải phóng mà ngay từ năm 1971, Bác Duẩn đã nói điều này rồi”.

      *“Lao động, tình thương và lẽ phải” 

      Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Bác Duẩn đã sớm về thăm quê. Lần đầu tiên, Bác về thăm quê Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong chứ chưa về thăm quê Hậu Kiên, Triệu Thành, Triệu Phong (nơi thân sinh Bác Duẩn đến sinh sống và lập nghiệp) được vì đường đi sau chiến tranh còn trở ngại bom mìn. Bác Duẩn đã qua đò sang sông Vĩnh Định rồi đi bộ về thăm làng Bích La Đông, thăm nhà ông Bát Cơ, người anh họ thúc bá của Bác. Lần đầu chưa về Hậu Kiên được nhưng Bác Duẩn đã gặp được đoàn của làng Hậu Kiên gồm 14 người đến chào Bác, khi Bác đến thăm xã Triệu Tài, Triệu Phong. Gặp lại bà Nguyễn Thị Lạc, người em gái láng giềng ở Hậu Kiên, có nhà ở phía trước mặt nhà Bác Duẩn, sau đằng đẵng thời gian xa cách, Bác Duẩn vẫn nhận ra liền. Bác ôm chầm bà Lạc, vỗ vỗ trìu mến đầu bà, rồi khuyên nhủ: “Em đừng lo chi hết. Hoà bình rồi, chịu khó nghe!”. Hồi tưởng lại khoảnh khắc thân mật đặc biệt này, bà Lạc nay đã 90 tuổi rồi mà vẫn còn giữ vẹn nỗi ngượng ngùng: “Lúc đó, tôi hổ ngươi, vì đông người lắm”.  

      Trong một lần sau về thăm làng Bích La Đông, Bác Duẩn đã dành thời gian nói chuyện thân mật với cán bộ và nhân dân quê nhà. Ông Lê Bá Hưởng, nguyên cán bộ trực Đảng của Đảng uỷ xã Triệu Đông từng dự buổi nói chuyện này của Bác Duẩn kể: “Về thăm quê thấy bà con làm ăn khá lên, Bác phấn khởi. Bác nói làng ta là làng kiên cường, ông bà mình nói đá trôi chứ làng không trôi. Bây giờ, chúng ta sống với nhau phải có lao động, tình thương và lẽ phải. Bà con ta đoàn kết làm ăn, xây dựng quê hương sau chiến tranh cho tốt đẹp, vui vẻ. Có người hỏi Bác: Thưa Bác, giải phóng rồi, hết chiến tranh rồi nhưng việc làm nhà cửa còn gặp khó khăn, do không có gỗ, gỗ trên rừng không chặt được vì Nhà nước quản lý. Bác bảo: Bác Hồ nói vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Bà con ta nên trồng cây xoan cho nhiều để lấy gỗ làm nhà, trồng nhiều đu đủ, rau xanh để có ăn quanh năm. Đối với việc học hành của các cháu, phải phấn đấu để sau này xây dựng được trường cấp 3”. 

      Lần đầu, Bác Duẩn về Hậu Kiên là về với làng nhưng chưa “trở về mái nhà xưa” được, vì lúc này mới giải phóng, huyện nhà chưa có điều kiện phục dựng lại ngôi nhà Bác ở thuở trước. Sau đó, huyện Triệu Hải (cũ) đã làm lại nhà lưu niệm của Bác Duẩn y nguyên như trước, từ căn nhà gỗ, xung quanh ghép ván, mái lợp tranh, đến bàn thờ tổ tiên, bàn gỗ trong nhà, cái sập mẹ Bác Duẩn nằm, cái giường Bác Duẩn từng nằm và ngồi học. Về thăm nhà, Bác Duẩn đã bồi hồi xúc động đặt tay lên chiếc sập mẹ nằm ngày nào. Bác ở lại nhà, sống với kỷ niệm xưa và sống trong tình thương yêu của bà con làng nước vây quanh. Bác nói với bà con: “Làng Hậu Kiên mình tốt lắm, thương yêu nhau lắm, có một bát canh ngon, một nồi nước chè xanh cũng kêu nhau đến. Sau này tôi về hưu, tôi ở với làng thôi”. Bác nhớ và thăm tường tận từng người xưa cảnh cũ, thăm ông Đốc chèo đò đưa Bác vượt sông ngày nào, thăm phiên chợ Sãi thân thương, thăm quê ngoại yêu dấu. Bà Phạm Thị Lan, láng giềng với nhà Bác Duẩn kể: “Bác Duẩn ra thăm chợ Sãi, mấy anh bảo vệ đi theo, Bác cứ khoát khoát tay, ra hiệu hãy yên tâm. Bác nói rằng chợ Sãi đông bữa mai, buôn đồ tràng, bán đồ trẹt khó nghèo, mai mốt làm chợ Sãi lại, rồi làm cầu ở bến đò ông Đốc để nối Đông Hà vào, Cửa Việt lên”. Theo ông Nguyễn Kham cho biết, về thăm chốn cũ của ông bà ngoại ở Đâu Kênh, Triệu Long, Triệu Phong, Bác Duẩn đã bâng khuâng tâm sự: “Ngày trước, ông ngoại tôi có khí tiết chống cường hào áp bức, các dì tôi sống rất trung trinh, tiết hạnh. Vì vậy, khi nghỉ học là tôi về quê ngoại và tôi đã lớn lên trong tình thương đó của ngoại”. Một hôm, lúc đang ngồi ăn sáng ở Hậu Kiên, Bác Duẩn hỏi ông Nguyễn Kham:

      - Ở Ba Lòng nay còn trồng bắp nhiều không?

      - Thưa Bác, bắp ở Ba Lòng còn nhiều, đậu xanh, đậu phụng cũng nhiều, còn bí ngô không nhiều như trước.

      Bác gật đầu cười rồi hỏi tiếp:

      - Bà con còn ăn con chắt chắt không?

      - Thưa Bác, bà con còn ăn nhiều, nhất là đồng bào vùng ở ven sông.

      - Chắt chắt ngon - Bác nói - Vỏ nó nung vôi tốt lắm.

      Rồi Bác nói đến chuyện phải quan tâm bữa ăn của dân, làm sao cho bữa ăn có quả chuối, quả đu đủ, trứng gà, nhất là cho các cháu, những thứ này làm được từ đất đai trong vườn, không khó lắm. Ông Đống Ngạc, thư ký riêng của Bác Duẩn đi cùng Bác góp chuyện: “Đi đâu, Anh Ba cũng nhắc chuyện phải lo bữa ăn cho dân, nhưng thấy một số nơi làm còn ít lắm”. Bác Duẩn nghĩ đến dân là lo nghĩ đến bữa ăn của dân và nhớ quê là nhớ từng món ăn “chân quê” vậy đó. Một số cán bộ, nhân dân Hậu Kiên như các anh Nguyễn Ngọc Khánh, nguyên Chủ tịch xã Triệu Thành, Lê Khắc Định, nguyên Chủ nhiệm HTX Hậu Kiên... từng có dịp ra Hà Nội thăm Bác Duẩn, được Bác mời cơm thân mật đều ấn tượng mãi về lần đặc biệt được ăn cơm cùng Bác. Anh Định cảm kích kể: “Trong bữa cơm của Bác có rau luộc và có mấy lát khoai lang. Bác bảo ăn khoai là nhớ đến quê hương. Bác bình dân cách chi lạ, bình dân ngộ sự thiệt!”. Chỉ vì mừng cho quê hương có nhiều mùa lúa, mùa khoai no ấm mà trong một lần về quê nhìn thấy dòng nước mát kênh thuỷ lợi Nam Thạch Hãn chảy xanh đồng Triệu Đông, Bác Duẩn đã khóc dạt dào nước mắt.

      *“Phấn đấu xây dựng Hướng Hoá thành một huyện kiểu mẫu ở miền núi

      Đầu xuân năm 1977, Bác Duẩn lên thăm huyện vùng cao Hướng Hoá. Cán bộ và nhân dân đến đông chật cả hội trường của huyện để nghe Bác nói chuyện. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Hướng Hoá và ông Hồ Pờn, Trưởng Trạm lâm nghiệp huyện Hướng Hoá lúc đó nhớ lại: Bác Duẩn khen ngợi cán bộ và nhân dân Hướng Hoá một lòng tin tưởng, kiên cường theo cách mạng trong chống Pháp và chống Mỹ. Bác dặn dò phải phát huy tốt truyền thống đoàn kết: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, phảiphấn đấu xây dựng huyện Hướng Hoá thành một huyện kiểu mẫu ở miền núi. Bác nhấn mạnh huyện phải đẩy mạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi để đảm bảo cho dân khỏi đói và đủ ăn, có lương thực rồi sẽ làm được nhiều việc khác. Bác còn đến thăm một hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tân Hợp, trúng vào nhà người họ hàng của Bác, Bác rất vui và hỏi thăm chuyện sức khoẻ, làm ăn.

      *Thăm đường 9 và nghe câu hát “Đông Hà thành phố tương lai 

      Trong lần về thăm tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) năm 1983, Bác Duẩn đã đến thăm Đông Hà và nói chuyện với cán bộ, nhân dân ở đây. Ông Dương Tú Anh, Bí thư Thị uỷ Đông Hà lúc đó còn thuộc nằm lòng những ý chính Bác Duẩn đã nói: “Bác bảo Quảng Trị là nơi đọ sức giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng, sự hy sinh ở đây là rất lớn. Cho nên, chúng ta còn sống, chúng ta phải làm sao xây dựng Đông Hà đi nhanh lên, muốn thế, chúng ta phải đoàn kết, phải hết sức chú ý lao động, tình thương và lẽ phải. Đông Hà có lợi thế là có đường 9 và quan hệ giữa Quảng Trị và tỉnh Savanakhet, Lào đã có từ lâu. Khi chúng ta giành chính quyền năm 1945, tỉnh Savanakhet có cử người sang Quảng Trị để liên lạc, xin tăng cường huấn luyện lực lượng vũ trang”. Tại buổi gặp gỡ này, lãnh đạo Đông Hà có bố trí tiết mục văn nghệ phục vụ Bác Duẩn. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hà, giáo viên Trường PTTH Đông Hà, về sau là Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng, Đông Hà hát bài “Đông Hà thành phố tương lai” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho Bác nghe. Cô từng hát bài hát này tại một hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) năm 1982 và được tặng bằng khen diễn viên xuất sắc. Nhưng khi hát cho Bác Duẩn nghe, cô đã hát lên khát vọng cháy bỏng của Đông Hà với một tâm thế đặc biệt, vượt lên lối biểu diễn thường tình: “Mình được đứng gần với Bác để hát cho Bác nghe, vinh dự lắm mà cũng hồi hộp và lo lắm, hát được một đoạn mình mới bình tĩnh được. Hát bên Bác không có chi là biểu diễn cả, như hát trong nhà, hát cho người thân mình nghe. Hát xong, mình được nghe Bác khen: Cháu hát hay lắm!”.

      Sau buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Đông Hà, đặc biệt, Bác Duẩn đã đi thăm đường 9. Bác bảo, Bác muốn đi một đoạn lên Tân Lâm, Cam Lộ. Tân Lâm-đường 9 đã nằm trong nỗi nhớ thẳm sâu của Bác. Tháng 7-1973, sau khi Quảng Trị được giải phóng, Bộ Nông trường lúc đó đã giao cho một đoàn gồm 42 người đi B vào Quảng Trị để xây dựng Nông trường quốc doanh Tân Lâm. Bác Duẩn đã căn dặn ông Lê Mậu Lộ, người sẽ làm giám đốc nông trường này và cả đoàn rằng: “Về miền Nam xây dựng một nông trường tuy nhỏ nhưng cho tốt thì quý lắm”. Trong lần Bác Duẩn đi thăm đường 9 này, xe chỉ đưa Bác đến được ngang km 7 rồi dừng vì đường xấu và đang làm cầu.

      *“C, v, m là gì? Vấn đề là làm chủ, làm chủ, làm chủ

      Trong ký ức của mọi người, nhớ về Bác Duẩn là nhớ về “Ngọn đèn 200 nến”(Deux cents bougies), biệt hiệu mà đồng chí Phạm Ngọc Thuần, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ cùng một số trí thức, cán bộ Nam Bộ đã dành cho Anh Ba, dành cho Bác Duẩn với tất cả niềm kính trọng và cảm phục đặc biệt. Ngọn đèn cực sáng này đã cháy tận lực, cháy hết mình, cả khi cách mạng gặp buổi đen tối và khi tạo được thời cơ, đặc biệt, đây là ngọn đèn của lửa Việt, hồn Việt, ngọn đèn độc lập, tự chủ và sáng tạo. Tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện tháng 10-1984, ở Hà Nội, ông Nguyễn Kham được dự và được nghe Bác Duẩn đến nói chuyện, ông còn ghi sổ một câu nói của Bác Duẩn mà ông hết sức tâm đắc. Ông Kham kể mà như phân tích ngọn ngành: “Bác Duẩn hỏi và lý giải, nhấn mạnh: “C, v, m là gì? Vấn đề là làm chủ, làm chủ, làm chủ”. Lúc đó, mình chưa hiểu được ý Bác, sau này mới hiểu. Mình hiểu rằng, phải vận dụng c, v, m cho phù hợp, sáng tạo, chứ cứng nhắc là chết. Đấy là tầm nhìn chiến lược của Bác Ba” (c là tư bản bất biến, v là tư bản khả biến, m là giá trị thặng dư, theo cách phân tích của C.Mác - chú thích của người viết). “Làm chủ” là tư tưởng, là khát vọng, là hoài bão lớn của Bác Duẩn, bởi xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không nhấn mạnh “làm chủ” thì làm sao xử lý được tình trạng “cha chung không ai khóc”, làm sao tạo ra nhiều và quản lý tốt giá trị thặng dư được. Ông Dương Tú Anh lưu ý về một chuyện khác: “Năm 1981, tôi đang học lớp nâng cao tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, được nghe Bác Duẩn đến nói chuyện với cán bộ trung cao về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Bác nói cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam không làm như ở miền Bắc mà chú ý giữ lực lượng sản xuất, vì hiện nay ở miền Nam, nhiều gia đình thuê công nhân 10, 15, 20 người, thậm chí có người nhiều hơn nữa. Chúng ta phải có hình thức thích hợp, nếu không sẽ xoá lực lượng sản xuất. Sau này, mình thấy làm trật ý Bác Ba”. Thực tế cho thấy, khái niệm kinh tế nhiều thành phần đã xuất hiện từ trước đó, chứ không phải đợi đến Đại hội VI và sau này mới có. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ V của Đảng, tháng 3-1982 do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày đã nêu rõ ở miền Nam còn 5 thành phần kinh tế: quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân (Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, trang 460). Về điểm này, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài viết “Nhớ đồng chí Lê Duẩn” đăng trên các báo trong tháng 8-2006 đã nêu khá tường tận: “Qua quá trình dài làm việc dưới sự lãnh đạo và được gần gũi Anh Ba Duẩn, tôi chứng minh thêm về dòng suy nghĩ gần như nhất quán trong tư duy của Anh: Anh là người đứng đầu của Đảng nhưng chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là sự quan tâm nhiều của Anh, và Anh cũng không coi đó là một thứ động lực cho sự phát triển, là nhân tố đưa đất nước ra khỏi cái nghèo và lạc hậu. Thực tế lại ngày càng ngược lại, làm nỗi băn khoăn của Anh càng nhiều hơn”. Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn tập trung nói nhiều đến động lực đặc biệt của cách mạng xã hội chủ nghĩa, đó là chế độ làm chủ tập thể.

          Ánh sáng từ “Ngọn đèn hai trăm nến” mãi cháy sáng, mãi toả lan. Trên quê hương Quảng Trị, nhiều công trình gắn với những dịp chào mừng kỷ niệm ngày sinh của Bác Duẩn đã mọc lên khang trang, bề thế như: Công viên Lê Duẩn, Trung tâm Văn hóa tỉnh, các công trình cầu, đường, trường học ở các xã Triệu Thành, Triệu Đông, huyện Triệu Phong… Nhiều niềm mong ước của Bác Duẩn đối với Quảng Trị đã và đang biến thành hiện thực. Huyện Hướng Hoá, nơi có tuyến kinh tế động lực: Tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây và vùng kinh tế động lực: Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo đang từng bước khai thác tốt lợi thế đặc thù để sớm trở thành “huyện kiểu mẫu ở miền núi” như lời dặn của Bác Duẩn. Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo tính từ khi thành lập đến nay (1998 - 2016) đã có 425 doanh nghiệp, 3000 hộ kinh doanh, có 380 phương án kinh doanh đăng ký đầu tư; đã thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 3.800 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 13,6 triệu USD. Đông Hà là vùng kinh tế động lực của tỉnh và đang phấn đấu xây dựng sớm trở thành đô thị loại II, thành thành phố có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ và là một trong các đô thị động lực trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Đông Hà đang hình thành cấu trúc “thành phố bên sông”, lấy sông Hiếu làm trục chính, từ đó kết nối với các đô thị lân cận như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, đặc biệt là kết nối với Cửa Việt nơi cuối dòng sông Hiếu, cũng là nơi mở ra Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi được xác định là điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị, cực phát triển của vùng Trung Bộ và là một trong những Trung tâm giao thương của ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy truyền thống quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, xã Triệu Thành và xã Triệu Đông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Triệu Thành đã được tỉnh công nhận “xã đạt chuẩn nông thôn mới”, đạt thu nhập 25 triệu đồng/người/năm năm 2015, tăng 13,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Xã đã khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ với cơ cấu lao động tham gia chiếm đến 85% lao động trong xã. Các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Xã Triệu Đông đã đầu tư chiều sâu phát triển nông nghiệp, hình thành được những vùng chuyên canh lúa đạt giá trị 70 triệu đồng/ha/năm, chuyên canh rau màu đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Năm 2015, xã đã được huyện Triệu Phong công nhận là xã văn hóa nông thôn mới. Chăm lo cho sự nghiệp trồng người, xã đã thực hiện phổ cập trung học cơ sở đạt tỷ lệ cao, duy trì vững chắc, 3/3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, hướng tới phổ cập trung học phổ thông. Quảng Trị đang đổi mới, đang khởi sắc vươn lên từng ngày, bằng nguồn lực “lao động, tình thương và lẽ phải”, nguồn lực quý báu mà lúc sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng căn dặn phải chú trọng khai thác, phát huy.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI TRONG HÀNH TRÌNH 70 NĂM VĨNH LINH LŨY THÉP – LŨY HOA (15/2/2024)
Giao lưu, tiếp biến văn nghệ nước ngoài (TS. Nguyễn Văn Dùng) (21/11/2023)
75 NĂM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (24/7/2023)
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI (12/7/2023)
Cam Lộ bừng sáng - Tác giả: Đào Tâm Thanh (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Một thiên tình sử bên dòng Ô Lâu - Tác giả: Minh Tứ (Bài trại sáng tác về chủ đề Công an Quảng Trị) (9/9/2021)
Tạp chí Cửa Việt và hành trình mới (1/8/2021)
Nhớ Bác (29/7/2019)
Ca mổ đặc biệt (15/5/2019)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ