Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Sân khấu

Lý Thông


Ngày cập nhật: 09/09/2019 00:00:00

Kịch dài của HỮU ĐẠT

 

NHÂN VẬT

Nhân - Hầu gái

Hạ - Hầu gái

Lý Thông

Tiếu - Hầu trai

Thạch Sanh

Bà Lý - Mẹ Lý Thông

Lính Lệ - Hầu trai

Công chúa, Vua, Tướng giặc, Hoàng tử Thủy Tề, Phù Thủy. Lính, Quan Thị vệ …Nông dân 1, 2

 

Cảnh 1

(Vào một buổi tối, mưa, sấm chớp đùng đoàng.)

 

Nhàn:

 

(Điệu lý Tương tư)

Nặng nghĩa tình xưa

Em đêm ngày ngồi trông tin nhạn

Đêm mong nhớ vô cùng

Ôi lòng đau quặn

Đành cam phận

Thân phận xa quê. Ôi xiết bao nỗi buồn đau.

Bà Lý:

(Lộc cộc bước ra dằng hắng giọng chì chiết)

Ứ hừ! Cha! Cũng rảnh quá hí? Người hầu kẻ hạ nhà ni sướng dữ hí.

(Chỉ ra ngoài trời ca Lý Đoản xuân)

 Mưa! Mà răng bọn bay

 Chẳng đứa nào lấy củi vô đây?

Nếu! Nếu chây lười

Tao chẳng cho ăn.

Tao chẳng cho ăn.

Hạ

Dạ thưa bà!

Xuân phong)

Việc thì đã êm xuôi.

Riêng áo quần đang… giặt nữa thôi… Rứa là đỡ vất vả đêm thâu…

Bà Lý

Rứa hả? (Lý Đoản xuân)

Rứa thì đem gạo ra

Làm cho kỹ sàng sảy cho ta.

(Cầm quạt đập vào đầu Tiếu, vè)

Mi vào đun nước cho sôi

Để mà cho cậu về rồi tắm nghe.

Đun thì củi quế cho thơm

Chớ nấu củi mục khói om thối người.

Tiếu:

(Buồn rầu)

Dạ. Gạo cũng nhiều lắm rồi, thưa bà. Chắc hôm ni bọn con được nghỉ sớm.

Bà Lý:

(vè)

 “Người hầu kẻ hạ nhà ni

Không thể nằm nghỉ, tìm chi mà làm (hí)

Cứ làm quần quật ngày đêm

Trăng mờ trăng lặn mới yên bốn bề (rứa hí)

(quay ngoắt vào)

Hạ:

(lầu bầu)

Đêm mô cũng phải làm việc tới khuya mới ngủ. Chưa sáng đã vùng dậy. Chắc chết mất.

Lý Thông:

(Xiêu vẹo bước vào ướt lướt thướt)

(Đoản Xuân)

Chết là chết mần răng? (nấc cụt ) Hức. 

Bay ở nhà răng lại muốn chết? Hức.

Nếu muốn chết! Chưa xong nợ, cũng nỏ yên mô. Cũng nỏ yên mô.

(Nghềng ngàng)

Hức…hức ông mày… uống rượu, dầm mưa cả ngày còn chưa chết. Chúng mày… ở nhà… đâu muốn chết là chết dễ rứa. Muốn chết thì càng phải sống? Nhân… Nhân… đâu? Có nước tắm chưa?.

Nhân:

(bước ra)

Dạ thưa cậu có em. Mời cậu theo em (Lý Thông theo Nhân vào sau sân khấu. Lý Thông cởi trần nhảy vào chậu tắm bằng gỗ. Nhân múc nước tưới lên người Lý Thông. Một đoàn các cô gái chạy ra múa hát điệu lý ngựa ô tạo ra khung cảnh sóng nhấp nhô)

Bèo trôi…. A… i… a là bọt bèo trôi!

Con cá buồn đời móng lên một cái

Ngổng ngan cà chớn hát giọng sơn ca

Tình tang non tang tính

Tinh tang non tang tình

Non nước vô tình cá quẫy quẫy nhìn trăng

Non nước vô tình cá quẫy quẫy nhìn trăng.

Lý Thông

(chau mày ngước lên hỏi)

Răng hôm ni không thấy mùi thơm? Hay là mũi tau bị nghẹt rồi?

Nhân:

Dạ… vì đun bằng củi thường, nên nước không thơm đó ạ.

Lý Thông:

Răng? Răng tau dặn là nước phải đun bằng củi quế cho thơm. Để mai tau còn đi gặp các quan nữa, răng cứ đun bằng củi thường?

Nhân:

Dạ! Củi quế hết rồi, phải đun bằng củi thường đó ạ.

Lý Thông:

Răng không bảo thằng Tiếu vào rừng lấy thêm? Tiếu! Tiếu đâu?

Tiếu:

Dạ ông gọi con?

Lý Thông:

Răng tau bảo mi đi kiếm ít củi quế về đun nước cho tau tắm, mà mi lại không nghe?

Tiếu:

 

 

 

Dạ thưa cậu…

(Lý quỳnh tương)

Trời không tạnh

 Suốt tháng ngày qua mưa gió nặng hạt sa.

Đường ngập lụt

vào không đặng.

 Con biết phải làm răng? Xin ông miễn trừ cho”.

LýThông:

 (hùng hổ)

A cái thằng ni…

(Lý Xuân phong)

Đã sai rồi, còn to miệng

Than củi nhà ni chính là việc của mi

Trời không tạnh, ngồi trông đợi

Không có củi mà đun, nuôi mi để mần chi?”

(Hét to)

Lệ mô? Vô trói lại, thằng ni lại, nhốt vào hầm tối cho tao. Đồ vô tích sự. Nuôi mi thiệt tốn cơm vô ích.

Tiếu:

Dạ.... Dạ thưa cậu, con đã nấu nước lá sả, lá chanh thay rồi ạ. Dạ hai thứ đó cũng thơm lắm ạ.

Lý Thông:

(Vùng dậy chỉ thẳng vào mặt Tiếu sừng sộ)

Cãi hả? Lá sả, lá chanh cũng phải đun bằng củi quế! Tao muốn là phải được! Bay đâu? Đánh thêm hai mươi roi cho tao, để hắn thôi cãi lý đi.

Lệ:

(bước tới, giơ roi lên, lôi Tiếu vào trong. Một lúc sau phía ấy vọng lên tiếng la oai oái của Tiếu)

Nhân:

Em xin cậu tha cho hắn một lần. Kẻo khuya khoắt rồi, hàng xóm người ta lại cười cho.

Lý Thông:

(Lồng lộn)

Dạy kẻ ăn, người ở là việc của ta. Nàng đừng nghĩ là tui nuông chiều, rồi mà nhúng mũi vào việc của tui. Đánh! Đánh nữa cho tao!

Nhân:

(lo lắng hắni một mình.)

Chắc phải nhờ bà khuyên can, may ra được (bước vào trong)

Bà Lý:

(Bước ra cau có)

Có chuyện chi mà làm oảng lên như rứa? Dừng ngay lại, đứa mô đi lo việc ấy (quay sang Lý Thông) Mấy bữa nay mi đi mô mà đến tối mịt mới về, mồm lúc mô cũng sặc mùi rượu rứa?

Lý Thông:

((Quay lại bà Lý lầu bầu)

Đi lo cái tương lai sự nghiệp của cả dòng họ này, chứ đi đâu nữa!

Bà Lý

(Xuân phong)

Lo cho mình, còn chưa được

Lại đòi đi lo cho sự nghiệp nhà ni

Đúng là chuyện tào lao. Từ mai trở đi, ở nhà buôn bán, coi nhà cửa… đừng có mà đi uống rượu nữa.

Lý Thông:

Mẫu thân nghĩ là con sẽ sống mãi với nghề bán quán này răng?

Bà Lý:

Không sống với cái quán này, thì lấy chi mà ăn? Bao đời nay, nhà ta vẫn sống nhờ hắn đấy.

Lý Thông:

Không! Nhất quyết là không.

(Xuân phong)

Đừng ngăn cản, ta mược ta

Ta đã quyết là phải làm quan.

Ngày hai buổi

Sáng sáng chiều hôm ô ngựa sướng làm răng.

Bà Lý:

Cấy chi? Mi đang say rượu, hay là mớ ngủ rứa? (Chạy lại đặt tay lên trán Lý Thông) Bọn bay mô hết rồi? Mau gọi thầy thuốc cho cậu mau! Chắc là thằng ni uống rượu, dầm mưa nhiều quá nên hắn cảm rồi.

Lý Thông:

Mẫu thân không tin con răng? Ngày mai con sẽ đi mua một chức quan. Để đổi đời. Không những thu nhập cao, mà được người đời trọng vọng.

Bà Lý:

 

Gớm! Anh tưởng làm quan dễ lắm hả? Thiên hạ chả có câu: “Làm quan có mả, vất vả có nòi”. Đủ ăn là mừng rồi, quan quách… đâu đến lượt nhà mình.

(chạy đến ôm lấy Lý Thông hoảng hốt, buồn não - đổ Lý hành vân)

“Bệnh chi rồi, chắc mắc bệnh chi rồi

Ôi thôi thôi trời hại nhà tui

Con tui răng mắc bệnh nan y

Trời ơi răng khổ như ri? Chừ đây tui biết phải mần chi”

(Hoảng hốt chạy quanh chạy quất)

Lý Thông:

Mẹ yên chí con không bị làm răng đâu.

Đó là chuyện ngày xưa, ngày nay thay đổi nhiều rồi. Có tiền là có tất.

Bà Lý:

Thôi! Không nhảm nhí nữa. Trước mắt hãy lo cho cái nhà này đã. Đừng có ham hố, đua đòi mà có ngày ngã đau đó con ạ.

Lý Thông:

Mẫu thân yên chí. Con đã tính chu đáo cả rồi.

Bà Lý:

Nghe hắn mua chức, mua quyền, không những có nhiều tiền, mà còn phải biết đường chạy chọt. Phải có tý chữ trong đầu mới trị được thiên hạ. Đằng này anh có học hành chi đâu mà quan với quách.

Lý Thông:

Bao nhiêu đứa dốt ra trò, mà cũng làm quan đấy. Sáng đến công đường, sách nhiễu dân chúng. Chiều lại võng đưa, kiệu rước… kể cũng sướng thật. Cứ mua hẳn một chức quan to, thì có mà hưởng lộc cả họ

Bà Lý:

Nghe thì sướng đó, nhưng sợ rằng xôi hỏng bỏng không. Tiền mất tật mang lại khổ.

Lý Thông:

Mẫu thân không phải lo xa! Mối này đã chạy cho hàng trăm người thành quan rồi. Họ cam kết là nếu không lo được, sẽ hoàn tiền lại.

Bà lý:

Rứa thì tùy anh lo liệu lấy. Còn tiền nong tui sẽ lo đủ.

Lý Thông:

Ôi quý hóa quá. Thân mẫu thật là tuyệt vời. Từ mai trở đi, hãy để con Nhàn nghỉ ngơi, tắm gội sạch sẽ. Sắm cho hắn bộ áo quần thật mới vào và đối xử với hắn như người nhà.

Bà Lý:

(Hớn hở)

Răng? Anh muốn cưới hắn làm vợ?

Lý Thông:

 Không đâu. Không bao giờ. Mãi mãi hắn vẫn là người hầu kẻ hạ của tui thôi.

Bà Lý:

Rứa không phải tối mô mi cũng gọi hắn hầu hạ đó răng? Nay không cần nữa, thì để hắn lại làm việc như người hầu kẻ hạ trong nhà có hay hơn không?

Lý Thông:

Không! Con cần hắn làm việc khác quan trọng hơn.

Bà Lý:

Việc chi rứa?

Lý Thông:

Ngày mai, con sẽ cho hắn sang nhà quan tể tướng ở. Ông ta mê gái lắm.

Bà Lý:

Răng lại rứa? Không phải chỉ mỗi tiền là đủ rồi răng? Cần bao nhiêu tiền, tui sẽ gắng thêm, hoặc là đổi con khác. Riêng con Nhân đẹp người đẹp nết, lanh lẹ… quán ta làm ra, ăn được là nhờ hắn, nay đem dâng cho quan, thì tiếc quá.

Lý Thông:

Muốn thành đại sự nghiệp, thì phải mất cái lợi nho nhỏ chứ. Khi làm quan rồi, một Nhân, chứ mười Nhân con cũng có (Lý tương tư)

Đời cầm tiền trong tay

Có tước quyền thì vợ thiếu chi

Đừng lo ngại, biệt phủ bao nhiêu cũng sẽ có mà thôi.

Bà Lý:

Rứa thì từ mai trở lên, mọi việc trong nhà ni, đều do mi tự định lấy (vào)

Lý Thông:

(bước tới gọi giật) Nhân đâu?

Nhân:

Dạ. Thưa cậu, em đây ạ!

Lý Thông:

Ừ ngoan ngoãn, lanh lẹ rứa cậu mới thương. Hôm ni vào với cậu một lần cuối. Rồi mai cậu đưa đi chỗ sung sướng.

Nhân:

(Ngạc nhiên)

Răng? Từ trước tới nay em đã làm cái chi khiến cậu không bằng lòng mà nay lại đuổi em đi?

Lý Thông:

Không phải là đuổi, mà đưa em tới chốn phú quý cao sang. Từ trước tới chừ, cậu vẫn quý em đó chớ. Nhưng em, đáng ra là phải ở chốn hào hoa phong nhã. Nay cơ hội tới thì phải biết tận dụng chứ.

Nhân:

Có sung sướng bằng mười, em cũng không muốn rời xa nơi này. Bởi ở đây em đã quen người quen việc. Vả lại sớm hôm có con Hạ, anh Tiếu… những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với em.

Lý Thông:

Không muốn cũng phải đi. Cậu đã quyết thì em cứ chuẩn bị mà lên đường.

Nhân:

Không phải là em… đã làm thiếp của cậu rồi răng?

Lý Thông:

Nhảm nhí! Cưới hỏi khi mô mà thiếp với vợ? Cậu nuôi là để những lúc cậu cần. Bây chừ quan trên cần hơn, thì tui cho em lên đó, sung sướng hơn không thích à?

Nhân:

Hóa ra hồi giờ…. (Nghẹn ngào) Em chỉ là đồ chơi của cậu thôi à.

Lý Thông:

Này! Liệu mà im cái mồm đi đấy. Từ nay trở đi, phải luôn nhớ: Em là em gái của ta, là con của nhà này. Chưa ai đụng chạm tới thân xác em một lần mô nghe, hiểu chưa?

Nhân:

Rứa mà hồi giờ cứ tưởng là cậu thương em lắm chứ. Đã rứa thì đành phải nhắm mắt đưa chân… chứ biết làm răng bây chừ (buồn não, Lý tương tư)

Phận liễu hồng nhan

Trao tay người y như món hàng

Ôi xiết mấy đau sầu, nỗi lòng cô quạnh…

 

Cảnh 2

 

Lý Thông:

Con Hạ vào làm việc ngay. Còn thằng Tiếu vào rừng chặt cho tao gánh củi quế ngay hôm nay.

Tiếu:

Thưa cậu, trời còn mưa to lắm, con chưa thể vào rừng được.

Lý Thông:

Mưa cũng đi. Chờ tạnh thì hỏng hết việc của ông à?

Tiếu:

Rứa thì con chết mất. Thưa cậu. Dạ con xin cậu, con không thể vào rừng khi trời mưa lũ như rứa được.

Lý Thông:

Mưa lũ cũng phải có củi quế cho tao. Mày còn dám lý sự nữa hả? Lệ đâu? Đánh hắn cho tao. Khi mô chưa có củi quế thì chưa cho ăn.

Thạch Sanh:

(Cửa rung bần bật rồi bung ra đổ sập. Thạch Sanh bước vào. Tất cả hoảng hốt nép vào nhau. Lý Thông giật mình ngơ ngác ngó ra) Để tui chịu thay cho anh ấy.

Lệ

(chạy tới)

Dạ…dạ thưa ông, có một người to khỏe, vạm vỡ cản trở, không cho con làm theo lệnh của ông ạ.

Lý Thông:

Thằng mô mà láo rứa? Để ông ra xem thử (bước tới.) Mày là thằng mô mà dám can thiệp vào việc của nhà tau?

Thạch Sanh:

 Tôi là Thạch Sanh, bạn cùng đốt than, kiếm củi với huynh Tiếu.

Lý Thông:

 (Cười ngạo mạn)

Đốn củi bán than mà cũng có bạn hà? Được! Rứa thì mi định chịu thay hắn như răng đây?

Thạch Sanh:

Tui sẽ có đủ củi cho ông ngay bây giờ. (quay ra vác bó củi vào, vứt xuống): Đó củi đó. Một nửa trong đó là củi quế. Mưa gió ri mà bắt người ta vô rừng, thì coi như là bị đày vô chỗ chết.

Lý Thông:

(Nhìn thấy củi to quá khổ thì ngạc nhiên, vội đi quanh Thạch Sanh ngắm nghía.)

Bó củi ni là… là của… của… người anh em à?

Thạch Sanh:

Đúng!

Lý Thông:

Người anh em vác một mình thôi à?

Thạch Sanh:

Đúng

Lý Thông:

 (Đổi giọng)

Ui… người anh em sức vóc quá đấy (sờ nắm cơ bắp Thạch Sanh) Ui cứng cáp quá hè, ta rất thích những người như vậy. Lần đầu tiên gặp, nhưng ta đã thấy mến người anh em rồi. Vậy người anh em ở đâu?

Thạch Sanh:

Tui không có nhà, tháng ngày ngủ ở gốc cây ngoài rừng.

Lý Thông:

Bó củi ni ngừoi anh em bán giá bao nhiêu?

Thạch Sanh:

Bó củi ni tui không bán, mà đổi lấy tự do cho bạn tui: Huynh Tiếu.

Lý Thông:

Ui người anh em tốt bụng quá đấy, ta muốn người anh em ở lại đây làm việc cho ta luôn có được không? Ta hứa sẽ đối xử tử tế với người anh em.

Thạch Sanh:

Nhưng làm việc chi mới được chớ?

Lý Thông:

Là ngày ngày lên rừng hái củi về, tối giã gạo, sửa lại nhà cửa…. Nếu có thằng mô đó quỵt nợ, quấy phá… thì đứng ra dàn xếp. Mai kia ta bận lo việc quan, người anh em thay ta quán xuyến bọn gia nô, nhà cửa...

Thạch Sanh:

 Nhưng phải trả tự do cho bạn tui.

Thạch Sanh:

Được. Được. Chúng bay đâu? Thả thằng Tiếu. Mau! Đem rượu ra đây để ông mời người anh em này một ly. Ui!!! Người anh em hãy ngồi lại uống với ta một chén, để ghi nhận buổi gặp mặt hôm nay. 

Bà Lý

 (Bước ra)

Người này là ai?

Lý Thông:

Là nghĩa đệ của con đó.

Bà Lý:

Mới quen, răng mà anh vội tin tưởng người ta rứa?

Lý Thông:

Tuy mới gặp, nhưng con đã thấy có thể tin tưởng được. Thôi ta uống với nhau một ly, rồi đệ dẫn đoàn người vào rừng, đốn hết rừng quế đó mang về đây cho huynh.

Bà Lý:

Để mần chi rứa?

Lý Thông:

Để rừng hết quế. Tất cả bọn nhà giàu, quan to, quan nhỏ… phải đến đây mua lại củi của con.

Bà Lý:

Không ngờ anh lại nghĩ ra nhiều chiêu độc đáo rứa. Thật không hổ là chí  khí của một quan nhân (hai mẹ con tự đắc cười ha hả).

Lý Thông:

(Đưa ly rượu cho Thạch Sanh) 

Uống đi và vào việc. À mà ta hỏi câu này.

Thạch Sanh:

Xin huynh cứ hỏi, nếu biết đệ sẽ trả lời.

Lý Thông:

Nếu như có một con ốc xoắn dài bằng gang tay và một sợi tơ nhỏ. Làm cách răng để luồn được sợi tơ qua con ốc đó? Câu hỏi hai: Với một cái cân tiểu li, làm răng để cân một con trâu. Mà không phải xẻ thịt con trâu ra?

Thạch Sanh:

(Đoản xuân)

Bắt con kiến đại chang,

Bên bưng giấy, bên mỡ nó sang.

Lý Thông:

(mừng rỡ)

Ồ! Có rứa thôi mà cả triều đình đau đầu nhức óc với câu đố hơn cả tháng nay. Ha ha quá đơn giản. Cột dây tơ vào lưng con kiến. Sau đó lấy giấy bịt lại. Còn bên kia để hở, bôi tý mỡ vô là nó bò sang. Đơn giản quá. Ừ hay, hay hè. Hóa ra khi ta triệt đường này, đường bên kia lại mở ra, dụ dỗ… thì con chi cũng đi theo hết. Hay quá hay.

Rứa còn câu hỏi thứ hai?

Thạch Sanh:

Cũng đơn giản thôi. Huynh dắt con trâu lên một chiếc thuyền, sau đó đẩy thuyền ra giữa hồ nước. Đánh dấu ngấn nước ở mạn thuyền. Sau đó đẩy thuyền vào, cho trâu xuống. Tiếp đó dùng cát đổ vào thuyền, khi mô ngấn nước trùng với dấu cũ thì dừng lại và bắt đầu cân. Số cát trên thuyền tương ứng với trọng lượng con trâu.

Lý Thông:

 Ô quả là thông thái. Thông thái tuyệt vời.

 

Cảnh 3

 Cả nhà đang ngồi thì Lệ hốt hoảng chạy vào

 Lệ:

Dạ… thưa ông. Dạ thằng Tiếu vào rừng đốn củi, đã ba hôm nay không thấy về.

Lý Thông:

Chắc là hắn lạc đường, hoặc mãi săn bắn, nên chưa về đó thôi.

Lệ:

Dạ con đã cho người đi tìm nhưng, nhưng họ nói hắn bị con mãng xà ăn thịt rồi.

Thạch Sanh:

Răng? Mãng xà ăn thịt huynh ấy rồi à?

Lệ:

Rất có thể, vì khu rừng đó xưa nay, chưa ai dám đến. Hôm nay anh Tiếu vào đó, ai cũng cản nhưng huynh ấy có nghe đâu.

Lý Thông:

Rứa là ta lại mất thêm một thằng giúp việc nữa rồi.

Thạch Sanh:

Để tui vào rừng tìm, lỡ huynh ấy bị thương đang nằm đâu đó thì răng?

Lệ:

Không được! Con mãng xà đó nguy hiểm lắm. Đã vồ thì chả ai có cơ sống sót cả.

Lý Thông:

Tối rồi, không vào rừng được mô. Với lại dù đệ có ba đầu sáu tay, thì cũng chẳng làm chi được hắn. Nghe đâu hắn còn có phép hô phong hoán hoán vũ nữa đó.

Thạch Sanh:

Không sợ! Tui cứ đi, nhất định sẽ tìm được huynh Tiếu. Hoặc là giết con mãng xà, để trừ họa cho dân lành.

Lý Thông:

Vậy thì đệ đi nhanh đi. Nhớ cẩn trọng… Nếu trở về thì gánh thêm cho ta gánh củi đấy (Thạch Sanh xách rìu chạy đi).

Bà Lý:

Rứa thì đến là khốn, con Nhân thì đem dâng cho quan tể tướng. Còn người hầu kẻ hạ thì lần lượt bỏ đi hết. Mỗi thằng Tiếu với Thạch Sanh, thì lại cho hắn vào nơi nguy hiểm, lỡ hắn chết… lấy ai làm việc nhà?

Lý Thông:

Chết thì có đứa khác thay. Lo chi. Người tìm việc, chứ việc có tìm người bao giờ. Nếu hắn bị con mãng xà đó ăn thịt thì càng tốt.

Bà Lý:

Không phải là con đã rất quý hắn, nay lại muốn hắn phải chết?

Lý Thông:

Vì hắn biết quá nhiều bí mật của con, mai kia ra làm quan, sẽ bất lợi.

Bà Lý:

Anh chắc chắn là sẽ nhận được ân chuẩn chứ?

Lý Thông:

Chắc! Tiền, gái đã dâng đủ. Nay lại giải được hai câu đố khó của sứ thần phương Bắc, Hoàng đế sẽ ân chuẩn là cái chắc.

Bà Lý:

Câu đố nào mà khó dữ rứa?

Lý Thông:

Mẹ không nhớ à? Hôm bữa, sứ phương Bắc đưa sang hai câu đố. Ngụ ý là dò xem bên ta có nhân tài không? Nhưng tất cả các quan trong triều đều lắc đầu bất lực. Vua ra chỉ dụ: Nếu ai giải được, sẽ được ban cho chức tam phẩm. Không ngờ hôm qua, thằng Thạch Sanh lại giải được.

Bà Lý:

Hóa ra mi đố người ta, cũng vì mi không tìm được lời giải?

Lý Thông:

Đúng! Người thông thái là người biết dùng trí tuệ của người khác vào công việc của mình mà.

Bà Lý:

Giả sử hắn giết được con mãng xà thì tính răng?

Lý Thông:

Nếu hắn giết được con mãng xà đó… thì… thì tui sẽ xách đầu mãng xà lên tâu với Hoàng thượng là chính tui đã liều thân diệt được yêu quái, trừ họa cho dân lành.

Bà Lý:

Nhưng nếu thằng Thạch Sanh cũng lên triều nói hết sự thật cho Hoàng đế biết thì răng?

Lý Thông:

Yết kiến Hoàng thượng không phải là chuyện dễ. Chỉ có đại trọng thần mới có thể. Hơn nữa, Hoàng thượng và các quan đại thần đời nào nghe bẩm báo của thường dân (bỗng có tiếng của Thạch Sanh gọi cửa).

Thạch Sanh:

Huynh ơi! Mẫu thân ơi! Mở cửa cho đệ vào với! Nhanh lên kẻo đói, rét lắm rồi! (cả nhà nháo nhác lo sợ).

Bà Lý:

Chắc là hồn thằng Thạch Sanh hiện về báo oán đấy (chạy lại phía bàn thờ rút một thẻ hương thắp lên, chắp tay vái lia lịa)

Lý Thông:

(Luống cuống quỳ xuống, hướng ra phía có tiếng gọi vái lạy)

Em ơi! Em sống khôn chết thiêng… đã lỡ bị con xà tinh đó ăn thịt rồi… thì hồn ơi! Hồn cứ ra ngoài hốc đá ngày xưa mà nghỉ, mai anh sẽ cho người ra lập đàn thờ chu đáo.

(Cánh của rung mạnh, bật ra, Thạch Sanh xuất hiện sừng sững với cái đầu mãng xà ở tay)

Thạch Sanh:

Kìa nghĩa mẫu, huynh, mọi người làm răng rứa? Tui đây mà! Thạch Sanh bằng thịt, bằng da đây mà (mọi người ngước lên sợ sệt đưa tay sờ nắm cơ bắp của Thạch Sanh)

Lý Thông:

Thật là em đó răng?

Bà Lý:

Chắc chắn không phải hồn hiện về đó chứ (nhéo vào Thạch Sanh)

Thạch Sanh:

Ôi đau.

Bà Lý:

Chắc chắn rồi! Đúng là thằng Thạch Sanh trở về rồi.

Thạch Sanh:

(Vứt bịch cái đầu mãng xà xuống đất, ngồi xuống thở hổn hển)

Ui trời! Giao tranh với hắn mệt hơn bất cứ làm việc chi hết. Không ngờ hắn cũng có nhiều phép lạ đến vậy. Từ sáng tới giờ đã ăn cái chi đâu. Nghĩa mẫu, Huynh có chi cho tui ăn miếng, rồi tui kể chuyện giết xà tinh cho.

Lý Thông:

(Rón rén, đi lại nghiêng ngó nhìn cái đầu. Bà Lý bỏ chạy. Hạ, Lệ hốt hoảng ré lên chạy vào nấp ở một góc nhà)

Cái chi đây?

Thạch Sanh:

Thủ cấp của mãng xà đó.

Lý Thông:

Đệ giết hắn thật rồi răng?

Thạch Sanh:

Đúng!

 Lý Thông:

Đệ làm cách mô mà giết được hắn?

Thạch Sanh:

Đệ lên đúng nơi huynh Tiếu đốn củi. Nhưng không có ai ở đó cả. Cảnh vật thật rùng rợn, hoang vắng. Cố trấn tĩnh, đệ cất tiếng hú gọi, song không nghe câu trả lời, vội bước đến vách đá để nghe ngóng, thì bỗng thấy tiếng xào xạc, cây cối lay động mạnh, mặt đất rung lên bần bật… Ngửng lên thì thấy một con trăn to, đầu có sừng, hai mắt đỏ lừ như hai cục lửa… đang lao tới. Đệ vội giơ rìu lên đón và né sang một bên. Hắn phóng hỏa về phía đệ, nhưng đệ cũng đã kịp gọi mưa đến dập tắt. Hai bên quần nhau hết một ngày một đêm, cuối cùng cũng chặt được đầu con mãng xà đó.

Lý Thông:

(vật ra khóc)

Thôi chết rồi! Họa rồi em ơi! Họa rồi… Tru di tam tộc là cái chắc (khóc) Thôi rồi em ơi! Phen này chết… chắc rồi em ơi!

Thạch Sanh:

Diệt ác, trừ họa cho dân lành, mà lại bị tru di tam tộc nghĩa là răng? 

Lý Thông:

Đệ không biết đấy thôi? Đây là con vật mà Hoàng thượng nuôi để bảo vệ khu rừng có nhiều sản vật quý hiếm đó. Nay giết hắn, Hoàng thượng sẽ tức giận lắm. Không biết chuyện chi sẽ xảy ra với chúng ta.

Thạch Sanh:

Tui sẽ lên gặp Hoàng thượng và nhận hết mọi tội lỗi. Anh và cả nhà không liên quan chi hết.

Lý Thông:

(ngẫm nghĩ một lúc)

Không được đâu. Người ta thừa biết em là kẻ ăn, người ở của anh. Dù răng, thì mẫu thân và anh cũng không tránh hết tội. Thôi tốt nhất là để mọi việc đó anh lo, mau mau trốn đi.

Bà Lý:

(Kéo Thạch Sanh ra cửa đưa cho cái túi)

Nhanh… đi đi! Áo quần, cơm nước ta đã chuẩn bị đủ trong đó rồi, vào sâu trong rừng mà ở. Khi mô yên ổn, ta sẽ cho người tới tìm con. Con tuyệt đối phải ở trong rừng đã nhé.

Thạch Sanh:

(Thất thểu bước ra)

Trời! Tưởng là giúp được gia đình, ai ngờ lại rước họa cho huynh và nghĩa mẫu. Thôi trăm sự nhờ huynh thu xếp, em đi đây (Thạch Sanh bước khuất)

 Lý Thông:

(len lén hé cửa ngó theo. Một lúc sau quay lại, nhìn mẹ cười hể hả)

Hắn đi thật rồi mẫu thân ạ. Rứa là chúng ta làm quan thật rồi mẫu thân ạ. Phen này tha hồ mà nhà ta hưởng lộc của Hoàng đế.

 

Cảnh 4

 

Khung cảnh một công đường đang xử án. Lý Thông  ngồi trên bàn, có hai lính hầu hai bên phe phẩy quạt. Một hồi trống vang lên.

Lệ

(dẫn vào một người dân. Lệ đè anh nông dân xuống quát):

Quỳ xuống!

Lý Thông

Người quỳ dưới kia, có việc chi mà đánh trống kêu oan vậy?

Nông dân 1

Dạ bẩm quan, con muốn báo án ạ. Dạ đêm qua, kẻ trộm đã vào dắt mất trâu của con.

Lý Thông

Mất trâu à? Mất lúc mô? Mấy con? Trâu đực hay trâu cái?

Nông dân 1

(lắp bắp)

Dạ bẩm quan dạ một… À mà hai ạ. Một con cái. Còn con kia chưa biết là đực hay cái ạ.

Lý Thông

(Ngạc nhiên)

Đến là trâu đực hay trâu cái mà cũng chưa rõ nữa là… Mày muốn lấy công đường làm chỗ nô đùa răng? Lính đâu đánh hắn cho tao.

Nông dân 1

Dạ con không đùa tý mô ạ. Sự thể là rứa này: Trâu của con là một con trâu cái, đã có chửa, sắp đẻ. Lúc mất thì một, nhưng giờ thì có lẽ đã là hai rồi. Nhưng chưa rõ đực cái.

Lý Thông

Rứa hả? Ờ rứa thì mày có biết thằng bắt trâu tên là chi không?

Nông dân

Dạ bẩm quan lớn, con làm răng biết được ạ!

Lý Thông

Không biết thì làm răng ông đến đòi trâu cho mày được? Rứa thì chịu. Thôi bãi đường.

Nông dân 1

Dạ bẩm quan lớn, con có chút tiền mọn xin biếu ông ạ. Mong ông thấu đáo xét cho (Lệ bước tới lấy bọc tiền dặt lên trước mắt Lý Thông, Lý Thông nhìn qua rồi hớt hãi giấu vào hộc bàn)

Lý Thông

Thôi được! Để tao xem xét cho. Thôi yên tâm về đi.

Nông dân

Dạ con đội ơn quan  lớn ạ (ra về)

Nông dân 2

(Hốt hỏng chạy vào hai người lính lệ hốt hoảng đuổi theo)

Bẩm quan lớn. Dạ bẩm quan lớn…. mong quan lớn đèn trời soi xét.

Lý Thông

Thằng kia! Đây là chỗ mô mà mày xồng xộc vậy hả?

Nông dân 2

Dạ bẩm quan lớn, dạ thằng hàng xóm hắn uống rượu về lại sang gây gổ, đòi đốt nhà con ạ.

Lý Thông

Này! Có cướp của, giết người, hay cháy nhà… thì cũng giờ thăng đường mà đến. Ngoài giờ, không ai giải quyết. Thôi bãi đường!

Nông dân 2

Dạ,  bẩm quan lớn, vậy thì ngay đêm nay, hắn đốt nhà, giết cả nhà con mất ạ!

Lý Thông

(Hoảng hốt)

Vậy hả? Lính đâu? Trói lại cho tao.

(Mấy anh lính lệ nhào vô bắt trói nông dân 2 lại. Nông dân 2 ngạc nhiên vùng vằng la to)

Nông dân 2

Răng lại bắt con? Con là người báo án mà? Phải trói thằng kia chứ. Bẩm quan lớn… con bị oan ạ!... Con bị oan!

Lý Thông:

(bước ra ngoái lại)

Oan thì cũng ngày mai lên công đường xét xử. Buổi chầu hôm nay rứa là hết.  Bãi đường!

Nông dân 2

(bị kéo đi)

Bẩm quan lớn con bị oan ạ! Con bị oan! Con bị oan! Con bị oan!

Tiếng vọng

Hoàng thượng giá lâm! Hoàng thượng vạn tuế. Vạn vạn tuế.

Lý Thông, Lệ

(cùng tất cả cuống cuồng, quỳ sụp xuống chắp tay lạy)

Hoàng thượng vạn tuế. Vạn vạn tuế.

Hoàng thượng:

Tất cả bình thân. Hôm nay, trẫm đường đột đến đây là bởi có một việc không thể trì hoãn được. Hôm trước, công chúa đang chơi ở vườn hoa, thì bị đại bàng tinh đến bắt mất”. Mấy hôm nay, Hoàng hậu buồn lắm, không ăn uống chi… trẫm lo rằng: Tình hình kéo dài thì Hoàng triều sẽ sinh biến. Trẫm đã vời tất cả các quan văn võ trong triều đến yết kiến, nhưng ai cũng tâu: “Đại bàng tinh bản lĩnh ghê lắm. Đánh hắn thì một đi không trở lại. Nếu hành sự thiếu cẩn trọng, ắt gieo họa cho công chúa. Chỉ có khanh là người đủ bản lĩnh để mang công chúa hồi cung một cách an toàn thôi. Vì vậy trẫm mới đến đây, để nói chuyện với khanh đó.

Lý Thông:

Muôn tâu thánh thượng thần cũng là người trần mắt thịt, có bản lĩnh chi hơn các bá quan trong triều đâu ạ.

Hoàng thượng:

Trẫm cũng đã ngẫm lui ngẫm tới vấn đề này rồi. Trước đây… khanh là người đã vung kiếm giết mãng xà, trừ họa cho dân lành. Nay Hoàng gia gặp họa, mong khanh hãy nhiệt tình ra tay giúp trẫm một phen. Nếu đưa được công chúa hồi cung, thì chức phò mã sẽ là của khanh đó. Trẫm quyết không hứa hảo đâu.

Lý Thông:

Đa tạ ân sủng của Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế.

Hoàng thượng:

Khanh phải thu xếp lên đường ngay hôm nay, kẻo không kịp. Cần bao    nhiêu quân, mã, khí giới… Quan tể tưởng sẽ cấp đủ. Công việc nơi phủ đường này, giao lại cho người khác. Từ nay, khanh sẽ là người luôn túc trực bên trẫm, để trẫm tiện bề sai khiến.

Lý Thông:

Đội ơn Hoàng thượng đã ban ân. Hoàng thượng vạn tuế…

Hoàng Thượng:

Trẫm rất mừng vì có những thần dân không từ nan, nhận lấy việc hiểm nguy, vì sự an toàn của xã tắc, sơn hà.

Quan Thị vệ:

(bước tới trải tờ chiếu ra đọc to)

Lý Thông! Tiếp chỉ!

(Lý Thông quỳ nghe chỉ)

Nhâm Thìn nhật, Ất Mão nguyệt, Đinh Dậu Niên

Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu ước:

Hoàng triều gặp nạn.

Qua bàn bạc với bá quan văn võ, tất cả đều nhất trí là chỉ có Lý Thông mới xứng được trao ân chuẩn đi cứu được công chúa. Vậy nên trẫm ban cho Lý Thông chức đại thần quân cơ, cầm quân đi cứu công chúa.

Hãy vì sự an toàn của Hoàng gia và cuộc sống của muôn dân mà giết chết hoặc bắt sống kẻ đại nghịch bách đạo là đại bàng tinh, đưa về làm lễ dâng nạp trẫm.

Thứ nữa phải bảo vệ toàn vẹn ngọc thể của công chúa.

Sau khi công chúa về cung, quan ngự sử có trọng trách xem ngày giờ tháng năm để làm hôn lễ cho công chúa và ban sắc phong chức phò mã cho Lý Thông.

Nay tạm ban cho gia đình quan đai thần Lý Thông một chinh lạng bạc, 1000 quân lính. 100 thước lụa đào, gọi là lộc ân thưởng trước khi lên đường. Hạn trong vòng ba ngày phải đưa được công chúa về cung. Nếu chưa cứu được công chúa thì tuyệt nhiên không được trở về. Gia tư sẽ bị tịch thu, sung công quỹ. 

Khâm Thử”

Lý Thông:

(Quỳ bất động)

Quan Thị vệ

(bước tới đá vào đầu gối Lý Thông)

Răng? Ngươi không đứng lên tiếp chỉ? Muốn kháng chỉ hả?

Lý Thông:

(Luống cuống, khó nhọc đứng lên nhận chiếu, gương mặt đau khổ nước mắt chảy ra ròng ròn.)

Hoàng thượng ân minh! Đa tạ ân chuẩn của Hoàng thượng.

Hoàng thượng:

Khanh không cần phải đau buồn khi xa trẫm đâu. Cứ an tâm mà đi, ở nhà trẫm đã rất an toàn. Chỉ ngóng chờ mỗi tin vui của khanh đó. Hồi cung (bước ra)

Lý Thông:

(quỳ xuống thổn thức)

Hoàng thượng giá đáo. Hoàng thượng vạn tuế. Vạn vạn tuế (Hoàng thượng đi khuất. Lý Thông ôm chiếu chỉ vào lòng khóc).

Trời! Biết làm răng bây giờ! Chính ta lại làm hại ta rồi. Phen này không chết bởi đại bàng tinh, thì cũng chết vì hoàng đế.

Lệ:

Hay là ta đi tìm thằng Thạch Sanh nhờ hắn đến giúp một lần nữa?

Lý Thông:

(vui mừng la to)

Hay! Cũng có lý. Người nói đúng ý ta quá. Chỉ còn cách đó mà thôi. Người hãy cầm theo nhiều vàng bạc châu báu, vào hốc đá ngày xưa, cố mời hắn về. Bảo là ngày mai có giỗ bố, quan lớn muốn mời đệ về cùng dự giỗ cho vui. À mà hãy thảo một bức thư, ta điểm chỉ vào đó, rồi trao cho hắn, bảo là huynh Lý Thông viết. (Hạ bước đến bàn, lấy một tờ giấy hồng, trải ra, cắm cúi mài mực. Lý Thông khó nhọc đọc cho Hạ  viết. Một lúc sau hỏi) Xong chưa? Răng lâu vậy?

Hạ:

Bẩm vừa xong. Để con đọc lại cho quan lớn nghe.

Lý Thông:

Không cần! Đưa cho thằng Lệ (quay sang Lệ) đi nhanh kẻo không kịp. Chết cả nhà bây giờ.

 

Cảnh 5

 Lý Thông cùng Thạch Sanh bước đến một vách đá có Hang sâu, Thạch Sanh ngó xuống Lý Thông có vẻ lo lắng.

Thạch Sanh:

 

(Quay lại Lý Thông)

Đúng là nơi này rồi, Vết máu vẫn còn tươi.

Lý Thông

 

Bây giờ phải làm răng?

Thạch Sanh:

(Lý Đoản xuân)

Anh đừng xuống mà chi

Dưới hang động muôn sự hiểm nguy

Để em xuống, một mình.

Em cứu anh giật dây lên

Anh giật dây lên.

Lý Thông:

(Làm bộ ngẩm nghĩ)

Thôi đệ xuống lẹ đi

Ta canh phòng em cứ yên tâm

Ta sẽ đứng, đứng đợi em lên. Cứu nàng lên mau.

(Đẩy Thạch Sanh xuống) Quân bay đâu, giúp tráng sĩ xuống mau (tất cả cùng hát làm động tác kéo dây lên. Thạch Sanh biến mất, một lúc thì sợi dây giật giật. Lý Thông nghiêng ngó nhìn và mừng rỡ la to).

Có có rồi, cứu được công chúa rồi. Bay đâu? Mau mau kéo nàng lên (công chúa xuất hiện héo rủ như tàu lá chuối chực ngã. Lý Thông vộ nhào tới ôm công chúa vào lòng. Vẫy Lệ tới gần thi thầm) 

Bây giờ ta đưa nàng về, ngươi ở làm như kế hoạch đã bàn. Nhanh lên đó.

Lệ:

Dạ con sẽ cho quân lính vần đá lấp kín cửa hang. Như vầy thì con kiến cũng không thể bò lên được.

Lý Thông:

Chắc chắn là thằng Thạch Sanh không lên được chứ?

Lệ:

Dạ dù có ba đầu sáu tay hắn cũng không thoát nổi đâu ạ. Chắc chắn sẽ chết đói dưới đó thôi ạ.

Lý Thông:

Với bản lĩnh của hắn, thì có ngày hắn phá đá, về lại thì nguy.

Lệ:

Nếu Thạch Sanh trở về, đại nhân cứ giam hắn vào ngục. Cấm không cho ai đến gần. Không cho ăn uống chi, thì dù có ba đầu sáu tay, phép thần thông biến hóa, cũng phải chết đói. Ta sẽ giữ được bí mật thôi mà.

Lý Thông:

Ừ cũng có lý. Quả là hang hùm, hang quỷ, không đáng sợ bằng địa ngục trần gian. Này! Mà răng từ hôm hồi cung tới giờ, công chúa lại sinh ra bệnh không nói, không cười… hay là nhiễm phải sơn lam, chướng khí?

Lệ:

Có thể là như vậy.

Lý Thông:

Ngày cưới đã trù liệu, nhưng bệnh tình của công chúa vậy, thì làm răng tổ chức hôn lễ được? Có cách mô để công chúa mau lành bệnh không?

Lệ:

Thưa… các thần y đã hết lòng cứu chữa, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Lý Thông:

Rứa thì tính răng? Ngày tổ chức hôn lễ đã được trù liệu, không lẽ ta làm chồng một công chúa câm răng?

Lệ:

Giả sử công chúa mãi mãi mắc bệnh, thì đại nhân vẫn phải cưới. Vì lợi ích của đại nhân, của tất cả chúng ta.

Lý Thông:

Nhưng nếu bệnh chưa lui, việc tổ chức hôn lễ há bất tiện lắm chăng?

Lệ:

Không có chi là bất tiện cả. Bởi công chúa câm lặng suốt đời, thì nhà vua cũng phải lo cho nàng có một đời chồng (ngừng một lát do dự) Đôi khi qua chuyện ái ân, mây mưa… công chúa bỗng khỏi bệnh. Lúc ấy quan lớn lại vớ bở. Tái ông mất ngựa mà (ngập ngừng) Nhưng nếu…nàng cứ câm lặng mãi như vậy… thì quan lớn có dám từ hôn, trái ý triều đình, kháng chỉ không?

Lý Thông:

Ta…ta cũng chả biết tính răng nữa… Thôi cứ tổ chức hôn lễ như bình thường… Biết đâu… sau này tìm được lương y giỏi, bệnh tình nàng sẽ khỏi.

Bà Lý:

(bước vào)

Ta thấy việc đáng lo là nếu công chúa bỗng nhiên hồi phục trí nhớ và nói ra hết sự thật. Chứ không phải là sự câm lặng, vô cảm như bây giờ...

Lý Thông:

Thân mẫu nói răng? Nếu nàng nhớ được, nói được… sẽ bất lợi cho ta ư?

Bà Lý:

Không sai! Lúc đó không phải riêng chi anh, mà cả họ này, những người thân của anh sẽ bị liên lụy.

Lý Thông:

Vậy thì phải làm răng? Cưới thì không hạnh phúc, mà khỏi bệnh càng nguy hiểm, từ hôn thì bị khép vào tội kháng chỉ…Thân mẫu có cách mô chăng?

Bà Lý:

Tốt nhất là cứ để nàng trở thành người câm lặng mãi mãi. Thôi ta vô nghỉ kẻo mệt lắm rồi (ra)

Lý Thông:

Rứa…Rứa có nghĩa là…dừng việc chữa bệnh lại?

Lệ:

Đúng rứa, thưa đại nhân! Muốn có đại sự nghiệp thì những người xung quanh ta đều phải mắc bệnh vô cảm hết. Càng nhiều càng tốt.

Lính:

(đột ngột chạy vào)

Dạ bẩm quan lớn. Dạ có người xưng là em kết nghĩa, muốn vào yết kiến đại nhân ạ!

Lệ:

Người đó trông như răng?

Lính:

Dạ đóng khố, vai u thịt bắp, khỏe mạnh, gương mặt rắn rỏi.

Lý Thông:

Tên chi? Biết không?

Lính:

Dạ bẩm, người đó xưng là Thạch Sanh ạ.

Lý Thông:

(Giật mình luống cuống)

Chết rồi! Hắn lại thoát về được rồi. Thôi mau ra nói là: “Quan lớn đã đi vắng, không gặp được.” À mà đưa hắn vào nhà bếp, cho ăn thịt, uống rượu no say sưa, rồi lừa trói lại, giam vào ngục cho ta.

Lính:

Dạ! (Hai người bỏ đi. Thạch Sanh vào)

Lính:

Này tráng sĩ. Tráng sĩ là người rứa mô với quan lớn của chúng tui vậy?

Thạch Sanh:

Ta là em kết nghĩa của quan lớn nhà ngươi.

Lính:

Quan lớn chúng tui đi vắng, nhưng tráng sĩ cứ ngồi đây, tự nhiên dùng rượu thịt. Khi mô quan lớn về, ông ấy sẽ ra tiếp tráng sĩ.

Thạch Sanh:

Ồ tốt rồi! Hãy đưa cơm ra đây, ta đói lắm rồi.

Lính:

Dạ rượu thịt đây. Mời tráng sĩ cứ tự nhiên (lẩm bẩm) Không ngờ đại nhân tui mà cũng có em kết nghĩa như tráng sĩ.

Thạch Sanh:

Từ từ rồi ngươi sẽ rõ hết sự thật (ngồi vào bàn ăn. Người lính lén bỏ cái chi đó vào rượu rồi bưng ra. Thạch Sanh ăn no, bỗng từ từ gục xuống, lăn ra sàn ngủ. Bọn gia nô, Lý Thông xúm đến khiêng anh ra)

Lý Thông:

Ha ha… cuối cùng rồi mày cũng chết thối thây trong ngục thôi. Dễ chi mà thoát được cạm bẫy của ta.

(Nhân, Quan Thị vệ xuất hiện)

Nhân:

A chà chà, lại giở cái trò quái quỷ chi nữa đây? Cái chi rứa? Ai rứa? Ai bị làm răng vậy?

Lệ:

Dạ đây là bạn hữu của quan lớn chúng con, do quá chén, nên chúng con phải đem ra nhà sau để nghỉ ạ.

Nhân:

Người này… Răng ta thấy quen quen?

Lý Thông:

Bay đâu? Lấy cái chăn trùm người lại, kẻo cảm lạnh, chết queo bây giờ (Lệ chạy vào lấy vội tấm vải phủ kín mặt Thạch Sanh lại)

Nhân:

Người này là người mô, răng ta thấy quen quen, hay là?

Lý Thông:

Ngươi là ai, mà dám nhận là quen với bạn của ta? Có biết đây là đâu không?

Nhân:

Thưa đại nhân, kẻ hạ thần này biết rất rõ ạ. Nhưng hôm nay kẻ mọn này không còn là kẻ ăn, người ở của đại nhân như ngày trước nữa. Bây giờ ta đã người thân tín của công chúa rồi.

Lý Thông:

(Hoảng hốt)

Làm răng mà nàng lại có thể vào được đó?

Nhân:

Đại nhân không đã từng nói: “Thân phận của ta là phải ở chỗ phú quý cao sang” đó răng? Câu nói tưởng là vu vơ, ấy vậy mà lại ứng nghiệm. Khi đến phủ tể tướng, con gái của ngài đã rất thích ta, nàng luôn giữ ta bên cạnh để hầu hạ và tâm sự. Một hôm công chúa ghé thăm, công nương đã gọi ta ra hầu trà cho hai người đàm đạo. Tự nhiên công chúa lại cảm thấy thích ta, Rứa là người đã vời bằng được ta về cung, để ngày đêm bên nàng.

Quan Thị vệ:

Này! Các ngươi tuyệt đối không được hỗn với tỳ nữ thân tín của công chúa đấy. Lý Thông tiếp chỉ (bước tới dạng chân dõng dạc)

Lý Thông:

Bẩm có hạ thần! Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế (cùng tất cả vội vàng luống cuống quỳ xuống, lắng nghe)

Quan Thị vệ:

 

 (đọc to.)

Bính Dần nhật, Nhâm thân nguyệt, Đinh Dậu Niên

Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu ước:

Công chúa gặp nạn. Quan đại thần Lý Thông đã có công đưa được công chúa về cung.

 Nhưng do cảm phải sơn lam chướng nghịch, nên bị bệnh vô cảm. Không cười, không nói, mặt mày ủ rũ.

Nay ta ban sắc chiếu dụ Lý Thông mau mau đi tìm thần y và người giỏi khắp thiên hạ về chữa trị cho công chúa, để kịp ngày hôn lễ.

Khâm Thử”

Lý Thông:

Đa tạ ân sủng của Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế (đứng dậy nhận chiếu chỉ). Dạ đại nhân và đại cô nương hồi cung an toàn (Quan Thị vệ và Nhân ra. Lý Thông vội đứng dậy nhón chân nhìn theo, dáng lấm lét. Vẫy tay gọi Lệ lại).

Lý Thông:

Bọn chúng về hết rồi. “Tương kế tựu kế”, người đi tìm một kẻ ăn xin đưa vào đây cho ta.

Lệ:

Để làm chi ạ?

Lý Thông:

Để làm thần y chữa bệnh cho công chúa chứ làm chi nữa. Chỉ có những kẻ như hắn mới giúp được chúng ta thôi.

Lệ:

Răng …người đó lại có thể chữa được bệnh cho công chúa?

Lý Thông:

Răng hôm nay ngươi lại dốt rứa nhỉ? Thuốc là thuốc của ta. Nhưng phải là người khác mới cho công chúa uống được. Sau khi ngấm thuốc, công chúa sẽ câm lặng vĩnh cửu. Khi xong việc nhớ (lấy tay làm hiệu cắt ngang cổ) cho yên chuyện nhớ chưa?.

Lệ:

Dạ! Bẩm quan lớn, con hiểu! Con đi ngay đây.

 

Cảnh 6

 

Công chúa ngồi mặt mày ủ rủ. Nhân ngồi bên hầu hạ, quạt cho công chúa.

Quan Thị vệ:

(vào)

Răng? Công chúa có ăn uống chi được không?

Nhân:

Dạ bẩm đại nhân, chỉ húp một tý cháo và uống tý nước thôi! Chưa nói cười chi hết ạ.

Quan Thị vệ:

Quan đại thần Lý Thông có tìm được thần y mô chưa?

Lệ:

(Dẫn người lạ bước vào)

Dạ! Bẩm quan lớn, có…. có ngay đây ạ! Dạ vị này là thần y do quan đại thần Lý Thông cử đến ạ.

Quan Thị vệ:

Được! Cho vào chẩn bệnh cho công chúa ngay (Lệ nháy mắt, người lạ nhếch nhác tiến đến, luống cuống sờ tay, sờ chân công chúa một hồi, rồi phán. Quan Thị vệ bước tới nghiêng ngó, dò xét vẻ nghi hoặc. Người kia càng lúng túng hơn, luống cuống làm rơi ra gói thuốc)

Lương y giả:

Bẩm đại nhân, cần cho công chúa uống thuốc ngay kẻo muộn. Tà khí đang xâm nhập sâu vào dương thủy.

Quan Thị vệ:

Người hãy nói rõ: Công chúa đã mắc bệnh chi? Sau đó mới kê đơn, ngự y sẽ kiểm tra, rồi mới được uống.

Lương y giả:

Dạ… dạ công chúa bị bệnh cảm… (lúng túng nhìn trước nhìn sau nhìn Lệ. Lệ ra hiệu chỉ xuống đất) Cảm… cúm đất ạ.

Quan Thị vệ:

Ta làm quan đã ba mươi năm nay, đọc hết sách, tiếp xúc với nhiều ngự y trong cung, chưa nghe ai nói bệnh “cúm đất” là chi, càng không hiểu dương thủy là cái chi của cơ thể con người? Thôi! Vậy thì ngươi kê đơn cho công chúa đi.

Lương y giả:

Dạ bẩm quan lớn! Thuốc gia truyền nhà con không cần đơn, tất cả đã chế sẵn, cứ rứa hòa với nước uống thôi ạ.

Quan Thị vệ:

A… Rứa hả? Hay quá! Thật là hay. Vậy thì người hãy hòa một ít, rồi uống ngay bây giờ cho ta xem (Lệ giật mình, lúng túng lẻn trốn ra sau sân khấu)

Lương y:

(Lúng túng nhìn lui cầu viện la lên)

Ôi! Răng ông lại trốn đi. Đứng lại đã. Chờ tui với! Cứu giúp tui với…

Quan Thị vệ:

Đứng lại đó! Quân đâu? Bắt hắn lại cho ta! Nói mau! Người định cho công chúa uống thuốc chi? Người là thằng mô? Do ai cử đến?

Lương y giả:

(Run cầm cập)

Dạ… dạ… con là kẻ ăn xin ngoài đường, ông ấy cho con tiền, rượu thịt và bảo con giả làm lương y để lừa công chúa ạ. Dạ… ông bảo thuốc này… uống vào thì… sẽ câm mãi mãi ạ.

Quan Thị vệ:

Quân bay đâu? Giam tên này lại. Bắt cả nhà Lý Thông đến đây, tra xét kỹ cho ta.

Lính:

Dạ! (râm ran).

Lính:

Dạ bẩm… bẩm ông có người muốn vào chữa bệnh cho công chúa ạ!

Quan Thị vệ:

Cho vào!

Phù thủy:

(Xách một cái tráp và một cái lồng chim bước vào)

Bẩm đại nhân, kẻ hạ thần có mặt.

Quan Thị vệ:

Nghe nói nhà ngươi làm được nhiều trò ảo thuật lắm. Hãy làm cho công chúa vui. Thánh thượng sẽ ân thưởng. Nếu có hàm ý ám hại công chúa thì hãy bỏ cái đầu xuống trước.

Phù thủy:

Xin phép đại nhân cho thần dân được bắt đầu.

Quan Thị vệ:

Được! (Phù thủy đưa ra một quả trứng và biến hắn thành cái hoa hồng, dâng lên công chúa. Công chúa vẫn không nhìn, vô cảm. Tiếp theo biến hoa hồng thành con chim bồ câu, cho chim vào lồng. Lấy vải che kín lại, rồi rủ một cái, con bồ câu biến mất…. Tất cả ngạc nhiên vỗ tay. Nhưng công chúa vẫn vô cảm không cười, không nói)

Phù thủy:

(Ngước lên, lắc đầu bất lực)

Bẩm đại nhân, hạ thần đã trổ hết mọi ngón nghề, nhưng công chúa vẫn không có cảm hứng chú ý xem ạ. Có lẽ công chúa đã nhiễm nặng bùa ngãi của đại bàng tinh, nên mắc căn bệnh gọi là vô cảm ạ.

Nhân:

(Đứng bên công chúa, tỏ vẻ buồn nản)

Ước chi có ai đó nói ra một vài sự thật, thì bệnh tình của công chúa sẽ thuyên giảm.

(Phù thủy thu xếp đồ nghề cáo lui. Hoàng thượng đi vào, thái độ cũng buồn không kém)

Hoàng thượng:

Tất cả mọi thần y và các người há đều không có bài thuốc, hoặc cách chi để chữa khỏi bệnh cho công chúa răng?

Quan Thị vệ:

Muôn tâu Thánh thượng, tất cả những thần y, phù thủy nổi tiếng cả nước đã được vời đến. Nhưng công chúa vẫn không nói không rằng, vẻ mặt vẫn bi lụy, buồn thảm.

Hoàng thượng:

Quan đại thần Lý Thông nhiều phép lạ rứa, mà cũng không có cách mô làm cho công chúa vui lên răng?

Quan Thị vệ:

Muôn tâu… bệ hạ! Mỗi lần quan đại thần xuất hiện là công chúa lại lên cơn hoảng loạn. Căn bệnh tiến triển có vẻ trầm trọng hơn. Vậy nên hạ thần đã yêu cầu ông ta không nên tới gần. Nhưng có điều này… (dừng lại ngắc ngứ).

Hoàng thượng:

(ngó lơ chỗ khác không để ý đến Quan Thị vệ, nên không nghe đoạn cuối)

Lạ nhỉ? Chắc là Hoàng nhi của ta đã mắc phải một căn bệnh chi đó nan y chăng?

Quan Thị vệ:

Tâu Thánh thượng! Thần nghe các vị lương y nói là ngày nay, căn bệnh vô cảm lây nhiễm khắp nơi nơi. Một số người có chức sắc nhiễm càng nặng. Nhưng vẫn chưa tìm ra thuốc hiệu quả ạ.

Hoàng thượng:

Răng căn bệnh quái ác đó lại nhiễm vào tận nơi thâm cung này?

Quan Thị Vệ:

Muôn tâu Thánh thượng! Đó là căn bệnh lây nhiễm theo gió, lời nói… nên rất khó phòng tránh ạ.

Hoàng thượng:

Nguy rứa răng? Hãy ban chỉ dụ: Tất cả các lương y trong nước, hãy mau tìm ra phương thuốc để phòng và trị căn bệnh vô cảm. Đừng để hắn lây đến các đại thần trong triều và trẫm thì sơn hà xã tắc sẽ nguy nan (bỗng có tiếng đàn tiếng vút lên. Tiếng hát não nùng theo điệu Lý Năm canh vọng tới):

Người đã rời xa!

Nơi thâm cốc biết bao ân tình.

Nhớ chi không? Có nhớ chăng hôm mô?

Nơi ngục sâu, ôi nhớ thương nhớ thương vơi đầy.

Ôi người ơi! Răng lòng nay đổi trắng thay đen

Nỗi buồn oan khuất… ai  người hay chăng.

Công chúa:

(Ngẩng lên lắng nghe, lẩm nhẩm hát theo)

(Lý Chuồn chuồn)

Tình đời trắc ẩn ôi nhớ thương thương quặn đau

Đã trót thương nhau i a  thì thương nhau cùng.

Lời người nhắn nhủ a i a đừng quên quay về.

A i a là quặn đau a i a là quặn đau.

Tỳ nữ:

Hình như công chú đang lẩm nhẩm điều chi (chạy lại lắng tai nghe ngóng)

Ôi công chua nói được rồi, công chúa đang hát (la lớn) Ôi công chúa hết bệnh rồi công chúa đang hát.

Công chúa:

Hoàng thương! Cha ta… cha ta đâu? Mau lên gọi cha ta ra đây cho ta. Cha… cha.. trời ơi!…. Tâu phụ Hoàng…. tiếng hát… tiếng đàn… kìa tiếng hát, tiếng đàn… nghe răng da diết quá? (vùng dậy chỉ về phía có tiếng hát tiếng đàn)

Quan Thị vệ:

(Hớn hở)

Tâu Hoàng thượng! Công chúa đã nói, cười được rồi. Sắc mặt tươi tỉnh hẳn lên.

Hoàng thượng:

Phải chăng là nhờ ở tiếng hát, tiếng đàn?

Quan Thị vệ:

Muôn tâu hoàng thượng, đúng là như rứa đấy ạ.

Hoàng thượng:

Rứa thì mời kẻ đó đến đây cho ta.

Quan Thị vệ:

Nhưng đó là một kẻ tử tù rất nguy hiểm. Quan đại thần Lý Thông đã có lệnh cấm không ai được tiếp xúc ạ!

Hoàng thượng:

Tử tù cũng đem đến đây, ta sẽ xem xét ban đặc ân cho họ. Với giọng hát thiết tha như vậy, thì không thể là người có lòng dạ hiểm nguy được. Mau! Đem người đó tới đây cho trẫm.

Quan Thị vệ:

Bay đâu? Giải kẻ vừa đàn vừa hát đó đến đây để mua vui cho công chúa mau.

Thạch Sanh:

(Cởi trần đóng khố ôm cây đàn xuất hiện, quỳ xuống lạy tạ)

Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Hoàng Thượng:

Ngươi là ai? Răng lại có giọng hát diết da, oai oán vậy? Chắc có điều chi oan khuất chăng?

Thạch Sanh:

Muôn tâu Hoàng thượng… thần là… là…

Công chúa:

Muôn tâu phụ Hoàng. Đây chính là kẻ đã cứu con thoát khỏi bàn tay của đại bàng tinh đó.

Hoàng thượng:

Thật không? Rứa hôm đó quan đại thần Lý Thông đã làm chi?

Hoàng tử Thủy Tề:

(đột ngột xuất hiện)

Muôn tâu Hoàng thượng! Thần xin làm chứng cho lời nói của công chúa là hoàn toàn đúng. Chính tráng sĩ này là người đã giết chết đại bàng tinh, cứu thần với công chúa thoát khỏi ngục tối, mang phúc đến cho dân lành đó ạ.

Hoàng thượng:

Ngươi là ai? Răng lại đột ngột xuất hiện ở đây?

Hoàng tử Thủy Tề:

Tâu Hoàng thượng, thần là hoàng tử xứ Thủy cung. Ngày trước ham chơi, bị đại bàng tinh bắt nhốt vào hang sâu. Không ngờ… vài hôm sau, hắn lại bắt luôn công chúa về, nhốt chung một ngục. May nhờ có tráng sĩ này tới kịp.

Công chúa:

Răng người biết là Thạch Sanh đang gặp nạn mà đến cứu?

Hoàng tử Thủy Tề:

Muôn tâu Hoàng Thượng. Sau khi đưa công chúa lên khỏi hang sâu. Lý Thông liền cho lính lấp cửa hang, hòng bịt đầu mối để cướp công. Tráng sĩ này không còn đường trở về trần gian nữa. Thần phải rẽ đường thủy, đưa Thạch Sanh vòng về chốn thủy cung để thăm chơi, rồi mới đưa trở lại trần gian đó ạ.  Khi từ giã nhau, Phụ Hoàng của thần có trao cho Thạch Sanh một cây đàn, bảo: “Khi mô có việc chi cần thì rung cây đàn lên, thần sẽ lập tức có mặt”. Hôm nay nghe tiếng đàn, Phụ Hoàng biết là Thạch Sanh đang gặp việc chẳng lành, nên sai thần đến cứu đó ạ.

Hoàng thượng:

Không lẽ là… từ xưa tới giờ… Lý Thông đã dùng mọi chiêu lừa dối trẫm để mau thăng tiến ư?

Nhân:

Muôn tâu Hoàng Thượng. Sự thật là hoàn toàn như vậy đó ạ. Người giết mãng xà trừ họa cho muôn dân, cũng chính là tráng sĩ này đây ạ.

Hoàng thượng:

Bay đâu? Đem cả nhà Lý Thông ra xử trảm, để răn đe thiên hạ. Từ nay không ai được lừa trên, dọa dưới, làm vẩn đục nền tảng đạo lý của quốc gia nữa.

Quan Thị vệ:

Muôn tâu! Khi âm mưu đã bại lộ, Lý Thông liền khăn gói, cùng cả nhà chạy sang với giặc ở phương Bắc rồi ạ.

Hoàng thượng:

Vậy thì hãy ban chỉ dụ: Nếu ai bắt, hoặc giết được Lý Thông, thì triều đình sẽ trọng thưởng. Thứ nữa quan ngự sử, hãy chọn ngày lành tháng tốt, để làm lễ kết hôn cho phò mã Thạch Sanh và công chúa yêu quý của ta.

(Tất cả vui vẻ hoan hỉ)

Thạch Sanh, Công chúa, Quan Thị vệ:

Đa tạ ân sủng của Hoàng Thượng. Hoàng  Thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…

Quan Thị vệ:

Cấp báo cấp báo…. Muôn tâu Hoàng thượng, Lý Thông ra nước ngoài, cầu viện, đem quân của phương Bắc đến uy hiếp hoàng thành rồi ạ. Quân lính phương Bắc yêu cầu Hoàng Thượng phải gã công chúa cho Lý Thông và phong hắn ta làm phò mã. Nếu không, nội trong ba ngày, sẽ làm cỏ cả nước Nam.

(Tất cả bàng hoàng)

Hoàng thượng:

(Bối rối)

Rứa giặc mạnh đến mức mô?

Quan Thị Vệ:

Muôn tâu, quân giặc hùng mạnh lắm. Có trên 10 vạn quân lính, tinh thần hùng hùng hổ hổ lắm.

Hoàng thượng:

(Nhìn quanh một lượt )

Nguy! Nguy thật rồi! Đất nước lâm nguy. Vời tất cả bá quan văn võ đến và hỏi xem có ai dám lãnh binh đứng ra chống chọi với giặc phương Bắc, bảo vệ non sông gấm vóc không?

Thạch Sanh:

Nếu Hoàng thượng không chê, thì thần xin đem sức khuyển mã của mình ra giúp dân, giúp nước.

Hoàng thượng:

Ô thật là quá tốt! Đúng là phúc cho muôn dân. Vậy người cần bao nhiêu binh mã?

Thạch Sanh:

Muôn tâu Hoàng thượng! Thần chỉ cần một ngàn người và cây đàn này là đẩy lui được quân giặc nội trong năm ngày.  

Hoàng Thượng:

Kế chi mà kỳ diệu vậy? Với quân địch đông như kiến, mà ngươi chỉ cần có một ngàn quân với cây đàn thôi răng?

Thạch Sanh:

Tâu Thánh thượng, kẻ địch vốn cậy đông, hiếp yếu, chưa đánh trận mô đã hung hăng hùng hổ. Nhưng ta có núi rừng địa thế hiểm trở, có sức mạnh của thiên nhiên trợ giúp. Chỉ cần quét một trận, quân thua tướng bại là chúng lại bó tay xin hàng thôi ạ.

Hoàng thượng:

Vậy thì ngươi hãy tiếp quản quân và hành động ngày. Địch đã áp sát chân thành. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ phá thành, đánh vào đó (Thạch Sanh cầm đàn, vội bước ra)

Thạch Sanh:

Kẻ hạ thần xin tuân chỉ. Quân đâu?

Quân:

Dạ!

Thạch Sanh:

Số đông hãy mai phục ở các hẻm núi trọng yếu, chờ khi quân địch chạy qua, thì đổ ra cướp, đốt sạch lương thực của chúng. Cắt cử hai đội, mỗi đội một trăm người. Đêm đêm đốt đuốc vây quanh trại địch, vờ hò reo như sắp xung trận, gây cho chúng mất ăn mất ngủ...

Sơn Thần:

Hãy gọi tất cả ong trong rừng ra, tập trung đốt, xua địch về quả đồi nhỏ đằng kia. Khi địch rời khỏi chân thành, tất cả voi, hổ, gấu, các loài thú trong rừng…hãy nhất tề xông lên phá tan đội hình của chúng. Thủy thần hãy gọi mưa, dâng nước, ngập hết các lối đi, để quân giặc bị chết đói trên những quả đồi.

Tất cả:

Dạ (gió nổi lên, trời chuyển mưa, tối om, sấm chớp, mặt đất rung chuyển mạnh…)

Quan Thị vệ:

(Vui sướng)

Ôi! Hoàng Thượng nhìn kìa, quân giặc đói không thể đi nổi nữa rồi. Chúng đang đảo điên, nghiêng ngã, không cầm nổi vũ khí nữa rồi. Tướng giặc thì nháo nhào lo lắng.

(Bỗng tiếng đàn ngân lên da diết giai điệu Lý chiều chiều)

Chiều chiều mong  ngóng chân trời xa

Chân… trời xa… Thấy chim bay về tổ ấm

Bao nhiêu nhớ thương… nhớ thương ôi miền quê…

Hỡi ơi!... Những người chinh chiến

Có nhớ thương nhớ… thương quê nhà chăng?

Nơi  miền quê

Bóng ai đang chờ, đang ngóng

Hãy yên vui sống trong tình thương yêu.

Ôi tình thương….

Quan Thị vệ:

Ồ tiếng đàn…tiếng hát có sức mạnh thần bí…quân lính bắt đầu quỳ xuống, hướng về chúng ta vái lạy cầu xin tha thứ…

Hoàng thượng:

 

(nhón chân nhìn ra)

Thạch Sanh quả là bậc kỳ tài của thiên hạ.

Quan Thị vệ:

Muôn tâu hoàng thượng, có tướng giặc xin yết kiến để giảng hòa.

Hoàng thượng:

Cho vào.

Tướng giặc

Mong Hoàng Thượng ban ân cho ngu thần được lui binh, quyết không thể theo đuổi cuộc chiến phi nghĩa này nữa.

Thạch Sanh:

Răng? Các ngươi không còn muốn chiến tranh nữa răng? Các người nhận ra lẽ phải rồi răng?

Tướng giặc:

Muôn tâu Hoàng thượng và đại tướng quân. Ngu thần đã không lường được sức mạnh của lòng người. Mấy ngày qua, hàng ngàn bầy ong độc, thú dữ… cứ nhằm vào quân sĩ của ngu thần mà tấn công. Lương thực thì bị cướp sạch. Thiên nhiên nước Nam cũng nổi giận, gây mưa to gió lớn. Càng thêm khốn khổ, quân lính đói rã rời, tinh thần hoang mang. Đêm mô tiếng trống, tiếng reo xung trận cũng vang lên, không ai dám ngủ. Tên đã bắn hết, mà tiếng hò reo vẫn vang động hơn bao giờ hết. Nay tiếng đàn bỗng cất lên, thì tất cả đều buông khí giới, đòi về quê, sống trong hòa bình. Bấy giờ kẻ ngu này mới chợt hiểu ra vấn đề. Xin Hoàng Thượng và Đại tướng quân Thạch Sanh hãy ban cho một đặc ân là được rút quân trở về, sống trong hòa hiếu.

Hoàng thượng:

Được! Các ngươi đã ăn năn, hối lỗi… thì ta cũng chả hẹp hòi chi. Quân bay đâu? Cấp cho chúng một bữa ăn, để chúng trở về quê hương. Từ nay, quyết không được xâm phạm bờ cõi và can thiệp vào công việc nội chính của nhau nữa.

Tướng giặc:

(Quỳ lạy)

Đa tạ ân sủng của Hoàng Thượng!

Thạch Sanh:

(Bước xuống vung tay xỉa xói)

Cái lũ giặc phương Bắc các người thật là xấu xa, bỉ ổi... Khi thắng rứa thì tuyên bố là: “Ba ngày làm cỏ nước Nam.” Nay thất bại, thì lại xun xoe, nịnh bợ, đòi kết tình giao hữu… Nhưng thôi Hoàng Thượng đã có chỉ ban ân cho các ngươi, ta cũng sẵn sàng mở lượng từ bi. Nhưng các người phải đem thủ cấp Lý Thông đến nộp cho ta để chuộc lỗi.

Tướng giặc:

Dạ! Sau khi thấy quân lính bất phục tùng, Lý Thông đã cùng gia quyến… vội vàng chèo thuyền ra biển, chạy về với xứ Tây Di rồi.

Quan Thị vệ:

Lại để sổng mất hắn nữa rồi! Nếu chưa bắt, diệt tận gốc cái ác thì dân vẫn khổ, xã tắc sơn hà còn nguy biến.

Hoàng thượng:

Tam quân. Cho thuyền đuổi theo, quyết bắt, trừng trị, diệt tận gốc loài sâu mọt, chuyên lừa dân, hại nước.

Hoàng tử Thủy Tề:

Xin Hoàng Thượng để việc đó để thần lo (Quay ra) Quân bay! Nổi sóng lên, dìm chết kẻ lừa dối, tráo trở, nịnh bợ, hại dân, hại nước cho ta.

(Phông sân khấu hiện ra một chiếc thuyền lênh đênh trên đầu những ngọn sóng bạc đầu. Sóng gió nổi lên. Bài hát Lý ngựa ô - dân ca Bình Trị Thiên vang lên)

Biển khơi… a…i… a biển khơi.

Biển khơi sóng vỗ. Sức nước trào dâng.

Đập tan quân xâm lăng.

Quét sạch lũ sâu mọt.

Xã tắc sơn hà, đất nước lại bình yên. Xã tắc sơn hà, đất nước lại bình yên.

(Con thuyền chòng chành rồi chìm nghỉm)

Màn hạ

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ