Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Trị với những bước đi vững chắc


Ngày cập nhật: 19/11/2018 00:00:00

HỒ THANH THOAN

Vào thập niên 30 của thế kỷ XIX, Louis Daguerre đã phát minh thành công kỹ thuật chụp ảnh, đó là năm 1839. Như vậy, trên thế giới đã chính thức ra đời ngành mới này và cũng sau 30 năm phát minh quan trọng đó, nhiếp ảnh đã được du nhập vào Việt Nam. Người đầu tiên được tiếp cận là ông Đặng Huy Trứ, một vị quan triều Nguyễn đã có tư tưởng canh tân và phát triển nên đã mở hiệu ảnh đầu tiên ở phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869, được mang tên là Cảm Hiếu Đường.

Từ lúc đó, ở nước ta, nghề ảnh ngoài công việc ghi lại những bức hình lưu niệm đơn thuần, còn có thêm một chức năng mới là tuyên truyền, phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Hiện nay, nhiếp ảnh đã và đang là một trong những công cụ tuyên truyền hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta, được coi là loại hình nghệ thuật đặc biệt chép sử bằng hình ảnh.

Tuy xuất hiện muộn hơn với danh nghĩa là một ngành nghệ thuật so với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng nhiếp ảnh đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống xã hội và trở thành một lĩnh vực có vai trò quan trọng, đi vào đời sống như một nhu cầu không thể thiếu và không ngừng phát triển lớn mạnh theo thời gian.

*

*   *

Không ai biết ngành này đến với tỉnh nhà từ lúc nào nhưng nhiều bức ảnh tư liệu quý giá từ thời kháng chiến chống Pháp của Quảng Trị hiện nay vẫn còn được lưu giữ rất trân trọng. Trong những năm qua, nhiếp ảnh nghệ thuật của tỉnh được đánh giá là một Phân hội hoạt động đồng đều, khá mạnh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và của khu vực Bắc miền Trung.

Những năm trước đây, hoạt động của Phân hội tuy có phong trào nhưng vẫn còn trầm lắng. Ở giai đoạn đó, một vài hội viên cựu trào với kinh nghiệm của mình đã nhóm lên trong anh em cầm máy ngọn lửa đam mê chơi ảnh nghệ thuật, say mê với những bố cục, đường nét, ánh sáng của nhiếp ảnh, cùng với sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đã tạo điều kiện cho anh em hội viên địa phương trong những chuyến thực tế, rồi tổ chức những cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống hàng năm ở tỉnh được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ, đã tạo ra sân chơi vừa tầm cho anh em làm nghề. Qua đó, giúp nhiều tay máy có thêm điều kiện để kết nạp vào Hội địa phương và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Thật vậy, qua những cuộc thi trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực, với niềm đam mê của bản thân, cùng những gọt dũa, đúc kết kinh nghiệm từ những cuộc thi đó, cộng với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ đàn anh đã hình thành nên những mầm mống mới đầy triển vọng cho phong trào chơi ảnh nghệ thuật của tỉnh.

Khai mạc Trại sáng tác ảnh nghệ thuật "Cam Lộ đổi mới và phát triển" năm 2018 - 2019 tại huyện Cam Lộ

 

Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị đi thực tế sáng tác ờ Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

 

Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị đi thực tế sáng tác ở biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị đi thực tế sáng tác ở làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

 

Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị đi thực tế sáng tác ở Thánh địa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

 

Các hội viên Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị đi thực tế sáng tác ở các tỉnh phía Bắc

 

 

Hội viên Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị Hồ Thanh Thoan (tác giả bài viết) đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1 - Ảnh trong bài do Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị cung cấp

 

Quan trọng nhất là tạo sự đoàn kết nội bộ tốt, anh em hội viên Trung ương và hội viên địa phương đều chan hòa với nhau trong sinh hoạt, sáng tác. Các hội viên Trung ương luôn hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện cho anh em địa phương tham gia các cuộc thi nói trên, nhằm tạo điều kiện để có sự cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và để tích lũy điểm vào Hội Trung ương. Ban Chấp hành Phân hội luôn tìm hiểu anh em trong giới nhiếp ảnh để phát hiện những người đam mê ảnh nghệ thuật thực sự, rủ nhau cùng đi sáng tác, tham gia các buổi bình ảnh, chấm ảnh để kích thích anh em và động viên cùng gửi ảnh dự thi. Từ đó nuôi dưỡng dần niềm đam mê của những người chơi ảnh.

Có thể thấy rằng, thành tích hôm nay là quả ngọt của việc đầu tư của Phân hội trong nhiều năm qua, là kết tinh của những hỗ trợ về nhiều mặt của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, là phần thưởng xứng đáng cho những đam mê, những cố gắng của đội ngũ nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh nhà.

Về định hướng chuyên môn cho hoạt động những năm tiếp theo, quan điểm của Ban Chấp hành Phân hội là kết hợp hài hòa giữa hai khuynh hướng sáng tác ảnh nghệ thuật, đó là giữ gìn thuộc tính “phản ánh trung thực” của nhiếp ảnh truyền thống và phát huy xu hướng sáng tạo qua việc vận dụng công nghệ thông tin trong xử lý ảnh, nhằm làm cho tác phẩm đẹp về nội dung lẫn hình thức, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao. Chú trọng sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh thời kỳ phát triển, đổi mới của đất nước, của tỉnh nhà trên các lĩnh vực. Cố gắng thâm nhập vào đời sống kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng, phản ánh đa dạng các mặt của cuộc sống, chú trọng đến sự chuyển đổi, khởi sắc trên các vùng nông thôn mới của tỉnh.

Hiện nay, hội viên trong Phân hội tuổi đời đã khá lớn, chỉ có một số ít mới được kết nạp sau này nhưng cũng không phải là trẻ quá. Tiêu chuẩn để được xét kết nạp vào Hội địa phương khá cao so với mặt bằng của các tỉnh, thành trong cả nước, chắc chắn thời gian tới phải hạ tiêu chuẩn xuống một cấp để nhiều bạn trẻ có cơ hội được đứng vào đội ngũ sáng tác của Phân hội. Bởi vì đây là lực lượng sung sức, năng động và xông xáo, nên cần phải tạo điều kiện và cơ hội cho họ.

Thành tích của đội ngũ nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Trị so với các tỉnh trong khu vực nhiều năm qua tương đối khá tốt, qua các cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực  Bắc miền Trung hàng năm đều có giải thưởng cao mang về cho tỉnh nhà. Có được những kết quả đó chính là nhờ vào sự quyết tâm của cả một tập thể và của các hội viên trong Phân hội đã luôn tích cực sáng tạo không biết mệt mỏi với nghề nghiệp của mình.

Nói đến ảnh thì rất đa dạng, nhưng để có được một tấm ảnh nghệ thuật vừa ý thì người sáng tác ngoài việc nắm vững kỹ thuật còn phải có duyên bắt nhanh những khoảnh khắc, cảm xúc, có được những ý tưởng tạo hình độc đáo, đẹp, ánh sáng phù hợp... Vì vậy, việc đi sớm về khuya và phải dụng công như những chú ong thợ chăm chỉ là một trong những yêu cầu tối thiểu đối với một tay chơi ảnh nghệ thuật. Trong sáng tác đâu phải cứ xách máy đi là có ảnh đẹp, thế nên phải miệt mài tìm kiếm và thử nghiệm. Nhiều lúc xách máy đi cả tuần liền, khi về vẫn trắng tay là chuyện bình thường, tốn kém biết bao công sức, tiền của mà vẫn cứ theo đuổi để có được tác phẩm tốt. Ảnh nghệ thuật là phải làm thế nào chạm được vào trái tim người xem, phải phản ánh được ý nghĩa sâu xa bên trong và phải có cái tôi rất riêng của mình ở đấy. Có thể coi nhiếp ảnh nghệ thuật là một cuộc chơi, song cuộc chơi ấy vô cùng khắc nghiệt, nếu không khẳng định được mình, không tiến bộ thì sẽ bị tụt hậu, bị đào thải ngay.

Với tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời gian gần đây, hầu như ai cũng có thể sở hữu được một chiếc máy ảnh cho riêng mình để hoạt động nên số lượng người trẻ tham gia môn nghệ thuật của ánh sáng ngày càng nhiều. Thế nhưng để tìm cho mình một chỗ đứng trong làng nhiếp ảnh quả thật không phải chuyện đơn giản. Hiện nay, các cuộc thi và triển lãm ảnh được mở rộng nhiều hơn bởi các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, các cơ quan báo chí... Nhiều hoạt động nhiếp ảnh quốc tế cũng được tổ chức tại Việt Nam như: Các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế do Việt Nam đăng cai, Triển lãm ảnh của các nhà nhiếp ảnh danh tiếng thế giới lần thứ nhất tại Việt Nam, Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa các nước ASEAN và Việt Nam”, Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN”, nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh trên khắp các vùng miền, thậm chí, nhiều cuộc triển lãm ảnh đã đến với công chúng, gần dân hơn ở các địa phương khác nhau như biên giới, hải đảo, các cuộc triển lãm ảnh nhằm phục vụ các hoạt động chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người cầm máy được có cơ hội học hỏi và tham gia nhiều hơn.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã tác động đến phong trào nhiếp ảnh nhiều. Nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay, luôn mở cửa, mà nhiếp ảnh là một trong những ngành phát triển nhanh và đa dạng. Song hành cùng sự phát triển của máy ảnh kỹ thuật số, số lượng người sử dụng, chụp ảnh ngày càng tăng. Nhiếp ảnh gần như trở thành môn nghệ thuật đại chúng, nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người và mang tính xã hội hóa cao. Bất kể ai cũng có thể mua được một chiếc máy ảnh và chụp ảnh lưu niệm của cá nhân, sáng tác nghệ thuật hoặc làm dịch vụ. 

Một điều căn bản nhất đối với những người cầm máy chơi ảnh nghệ thuật phải nên biết sử dụng phần mềm photoshop để cắt cúp, chỉnh sửa ảnh theo ý muốn. Có những tác phẩm sau khi mình thực hiện xong cần phải tẩy xóa những chi tiết không cần thiết, điều chỉnh độ sáng tối trên ảnh phù hợp... lúc này phải sử dụng phần mềm nói trên, việc đó được gọi là hậu kỳ. Hậu kỳ là việc người chụp ảnh sửa lại bức ảnh sau khi chụp hoàn chỉnh. Để có một bức ảnh đẹp hơn, lung linh hơn thì chụp ảnh và hậu kỳ thường đi liền với nhau, tuy nhiên một số người nhiếp ảnh chuyên nghiệp  không cần đến hậu kỳ mà họ sẽ tính toán rất cẩn thận mỗi khi đưa máy lên để chụp.

Nói đến ngành nhiếp ảnh thì phải nghĩ ngay đến rất nhiều lĩnh vực kèm theo, ai cũng biết nhiếp ảnh là ngành phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực gồm kinh doanh, dịch vụ, sáng tác, triển lãm, hưởng thụ nghệ thuật... nhưng ở đây, chúng ta chỉ bàn về nghệ thuật nhiếp ảnh. Đã là hội viên thì phải luôn luôn có tác phẩm, tác phẩm phải đẹp, phải có tiếng nói để phục vụ được công chúng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Nghệ sĩ nhiếp ảnh W. Eugene Smith (1918 - 1978), người đã chụp những bức ảnh nổi tiếng nhất thời Thế chiến II đã nói rằng: “Nhiếp ảnh là những tiếng kêu dù nhỏ bé, nhưng đôi khi một bức ảnh hoặc một chùm ảnh có thể làm dấy lên sự quan tâm của cả công chúng”.Ngày nay, nhiếp ảnh trở nên rộng rãi, bám sát diễn biến cuộc sống xã hội, mọi sự phát triển của đất nước. Ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí luôn thể hiện được dáng vóc quê hương hùng vĩ, tầm cao của người lao động và những người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Đó là những món quà mà đội ngũ những người cầm máy mang đến cho cuộc sống muôn màu, muôn sắc. Hy vọng nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Trị sẽ vươn tới được đỉnh cao của sự sáng tạo không ngừng này trong thời gian tới. 

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Tác phẩm tham dự Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật chủ đề Công an Nhân dân 2021 (30/8/2021)
Phóng sự ảnh tham gia cuộc thi ảnh “Vì cuộc sống bình yên” (11/9/2019)
Ảnh dự thi sáng tác về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (24/7/2019)
Ảnh TRÀ THIẾT (21/7/2019)
Thông báo Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 26 năm 2019 tại Nghệ An (16/3/2019)
Nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Trị với những bước đi vững chắc (19/11/2018)
Thông báo Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2018 (24/5/2018)
Thông báo Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 25 năm 2018 tại Thừa Thiên Huế (6/4/2018)
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh PHAN THOAN (7/7/2015)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ