Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác->Mỹ thuật

Cuộc trở về làm nên điều kỳ diệu trong nghệ thuật


Ngày cập nhật: 23/08/2018 00:00:00

TRỊNH HOÀNG TÂN

 

     Tất cả những cái có quy luật là những cái mà người ta có thể dự đoán một cách đúng đắn. Cái ngẫu nhiên thì không lặp lại và không thể dự đoán. Nghệ thuật bao giờ cũng là một khả năng thể nghiệm cái chưa bao giờ trải qua: trở về quá khứ, hành động lại và làm lại theo cách mới. Nghệ thuật là kinh nghiệm về những điều chưa xảy ra. Hay là kinh nghiệm về những cái có thể xảy ra. Năm 2017, xảy ra một chuyện thú vị, Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ đã chia thành hai con đường. Vì những lý do khách quan nào đó, Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 22 năm 2017 đã không diễn ra ở tỉnh Quảng Bình như dự kiến. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phân bổ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vào tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung Tây Nguyên (mở rộng), 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá ra khu vực Đồng bằng sông Hồng (mở rộng) tại thành phố Hải Dương. Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận đăng cai Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 23, và thế là chính ở đây bắt gặp tính tất yếu của nghệ thuật - một cuộc trở về của giá trị tạo hình làm nên điều kỳ diệu trong nghệ thuật.

 

     Với những mảng đa hướng, đa chiều, được thiết lập nên bút pháp có tính sáng tạo và giàu mỹ cảm truyền thống, đương đại, chứa đựng sự huyền bí trong xây dựng hình tượng nghệ thuật, bộc lộ một cuộc trở về với tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ. Những tư tưởng và quan niệm sáng tác, tính cách tân mang dấu ấn thời đại. Điều đó đã minh chứng cuộc tìm kiếm trong sáng tạo nghệ thuật của các tác giả vào môi trường mỹ thuật khu vực, toàn quốc và thế giới. Các tác giả tìm về với nghệ thuật gợi mở cấu trúc, phong cách mới trong xây dựng tác phẩm. Điều đó chứng tỏ nhu cầu thay đổi cảm xúc, thay đổi tư duy, tâm lý cùng đồng hành hướng đến những cảm xúc, nhận thức mới về cái đẹp.

 

CÁC TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI TẠI TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ LẦN THỨ 23 NĂM 2018 TẠI HÀ TĨNH

 

GIẢI B

 

Lòng đất sinh tồn (Acrylic) - TRƯƠNG ĐÌNH DUNG (Quảng Trị)

 

Ước mơ của người lính đảo (Khắc gỗ) - HỒ THIẾT TRINH (Nghệ An)

 

GIẢI C

 

Chuyện người đàn bà (Điêu khắc gỗ) - TRƯƠNG TRẦN ĐÌNH THẮNG (Quảng Bình)

 

 

GIẢI KHUYẾN KHÍCH

 

Ngột (Sắt, kính) - LÊ NGỌC THÁI (Thừa Thiên Huế) 

 

Hoài cổ (Sơn mài) - NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Thừa Thiên Huế) 

 

Hôm qua - Hôm nay - Ngày mai (In khắc) - BÙI THỊ NGOAN (Thanh Hóa) 

 

Huyền thoại người mẹ (Sơn dầu) - LÊ ANH NGỌC (Hà Tĩnh) 

 

     Nghệ thuật là cảm xúc nhưng không phán xét, không giải thích, không suy diễn, có sự soi rọi nội tâm, tính đồng diễn, tự nhiên trong quá trình sáng tạo, thay đổi phiên bản, ẩn dụ, lắp ráp, ghép nối… tăng thêm hư cấu, ngẫu hứng tự nhiên, kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, phân đoạn không liên tục… để mỗi sáng tác mang một ý nghĩa tự thân và cố gắng vượt qua biên giới hiện đại để đạt tới trạng thái siêu tự do. Thái độ hoài nghi, thậm chí từ chối, là một phản ứng hợp lý để nghệ thuật hiện đại hơn, cũng có thể hiểu là tự do vượt qua tất cả những quy tắc đã từng tồn tại.

 

     Lạc quan là sự thức tỉnh trong sự tiến triển sáng tạo các hình thể nghệ thuật. Tìm kiếm cái tinh khiết tinh thần sáng tạo trong không gian tự do và hình thức của nội tâm, tìm thấy các cấu trúc một cách trực giác giống như cách tiếp cận trong giấc mơ, có thể tạo nên những ảo giác kỳ diệu cho cảm xúc. Có lẽ đó là sự lãng mạn bay bổng trong một thực tại đời sống đương đại đang biến đổi rất nhanh.

 

     Sự trở về đầy sôi động của nghệ thuật tạo hình Bắc Trung Bộ như là một kích hoạt lớn trong việc đưa ra những yếu tố bất ngờ, phong phú, tiết lộ những cảm xúc thầm kín, trừu tượng, siêu thực, bí ẩn, nội tâm. Các tác giả đã kết nối nhịp điệu tâm trạng với thế giới, điều này đã kiến tạo, xúc tác sự thăng hoa cho phát triển tư duy. Một cảm xúc hư ảo trào dâng hài hoà với lý trí không định kiến có khả năng dự báo nghệ thuật vạch ra những quan niệm mới, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một chuẩn mực nào nào.

 

     Nhiều tác giả mở rộng không gian tư tưởng, kích thích sự sáng tạo hình thức biểu đạt bất tận, các chủ đề cuộc sống xã hội đặt ra rộng lớn hơn, thân phận con người được quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn, do đó ý tưởng cũng dần trở thành thực tiễn phổ biến, mang ý nghĩa thúc đẩy sáng tạo, đánh động tư duy, tâm hồn trước các biến cố bi hài của cuộc sống… Bởi vậy, một số tác phẩm được tạo ra có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế hoàn toàn được lý trí kiểm soát. Dưới sự sắp đặt điều khiển trở nên có vẻ đẹp, ý nghĩa ẩn dụ bất ngờ, có ý nghĩa nhân văn và giá trị nghệ thuật.

 

     Nghệ thuật đem đến cho tình cảm và sự chiêm ngưỡng tính chất huy hoàng của cái cao thượng, cái chân thực, cao quý mà tinh thần có được ở trong tư duy và ý niệm. Không có hình tượng nghệ thuật thì nghệ thuật không thể tồn tại, bởi trong các tác phẩm nghệ thuật Bắc Trung Bộ, tất cả những ý tưởng, ẩn ý cũng như tình cảm của người nghệ sĩ đều được thể hiện bằng hình tượng. Nó bao hàm những yếu tố đặc tính của tri giác ghi lại. Một số tác giả không còn chịu sự chi phối bởi cấu trúc thực của sự vật, mà quy chúng thành trong không gian hai chiều, tạo cho họ một niềm cảm hứng tự do trong sáng tạo. Trong không gian đó, chiều sâu của sự vật không được biểu đạt một cách chính xác, nhằm đạt giá trị có tính biểu hiện bởi tiềm thức của chủ thể sáng tạo.

 

     Bên cạnh đó, các tác giả khác đã biết chối bỏ ý thức của mô tả chính xác vẻ bề ngoài của hiện thực. Thay vào đó, họ tập trung thể hiện những ấn tượng, cảm xúc, làm nên cái đẹp của diện hình; bút pháp, ánh sáng, màu sắc, nội tâm… nhằm biểu đạt tình cảm rung động chân thành. Bút pháp là những tiếng lòng, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, triết lý. Về mặt nào đó là sự dự báo một tư duy nghệ thuật có tiên phong. Nhiều tác phẩm đã sử dụng những mảng màu chứa đầy cảm xúc. Đối với chủ đề tư tưởng trong tác phẩm, các tác giả muốn thổi vào dòng chảy nghệ thuật hơi thở hiện đại bằng cách hoá thân hoặc ẩn tàng sau các biểu thức dân tộc để được nhập hồn vào cõi huyền bí. Sự thừa hưởng đó, như là sự bùng nổ và toả sáng. Không gian của ký ức bỗng chốc ửng lên đột ngột một vùng tươi lung linh, tương phản, nuối tiếc vô bờ. Lạc giữa thảo nguyên khi hoàng hôn đổ bóng chiều đã ngả, dặm còn xa, như nghe bên kia đồi tiếng sáo mục đồng nhảy múa…, những khoảng trống xốn xang, những nét mờ tỏ day dứt, truyền cảm, những hoà tấu màu khác biệt và liền mạch. Tất cả đều có mối liên hệ hữu cơ, khả năng kết tinh độc đáo của sự thể hiện tác phẩm mang dấu ấn phức thể bao hàm bản sắc dân tộc.

 

     Các tác phẩm “Hoà cùng thiên nhiên” của Nguyễn Văn Sỹ (Thừa Thiên  Huế), “Vũ điệu” của Nguyễn Vũ Lân (Thừa Thiên Huế), “Cơn bão đi qua” của Nguyễn Hoàng Linh (Thanh Hoá), “Ký ức chiến tranh” của Nguyễn Quang Hiếu (Quảng Bình), “Đường đỏ” của Nguyễn Thị Thanh (Thanh Hoá)… như được đánh thức nơi ký ức chiến tranh, hoài niệm che ngang màn sương phiêu lãng, ký ức tuổi thơ xưa hiện thân suốt cuộc hành trình... Nhịp điệu bố cục xáo trộn hết các trữ lượng, các mảng dương cực và tổng thể màu vừa trừu tượng, vừa huyền bí.

 

     Điều xúc động nhân bản, vượt qua cả vấn đề kỹ thuật và sự chế ngự của thiên nhiên đến với sự tập hợp màu sắc, tạo không gian xa vời, một thời gian gần gũi, man mác, đó là sự thay đổi mới lạ, sự sáng tạo như mộng và thực. Qua tìm hiểu cuộc sống sáng tạo nghệ thuật của các tác giả từ cuộc trở về dưới mái nhà nghệ thuật Bắc Trung Bộ mới nhận ra từ sự vượt thoát ấy, theo thời gian không có sự ngừng dứt nghệ thuật của một vùng đất. Dường như, nơi đây có những tác giả mới dần hình thành phong cách, đang theo bước các lão tiền bối, kiếm tìm, nắm bắt cái thần của nghệ thuật. Cuồng nhiệt, thích nghi, nhạy bén với cái mới, cái hiện đại của cuộc sống không ngừng vận động, đồng thời cũng rong chơi đầy cá tính như nghệ sĩ mọi thời đại. Họ có thể sống bằng nghề. Khi thử nghiệm tìm tòi, lúc tài hoa xuất thần… Không phải ngần ấy yếu tố hội tụ trong tuổi trẻ - song, cũng đủ để đặt lòng tin và cả kỳ vọng vào lớp trẻ ấy. Nhất là lúc này khi sự giao lưu của mỹ thuật Việt Nam đang được khai thông với thế giới. Và, khát khao lần ngược con đường sáng tạo ấy, tìm hiểu cái thế giới riêng ấy trong ánh sáng nghệ thuật - như tìm hiểu sự bí ẩn và huyền diệu của tâm hồn, hội tụ qua tác phẩm “Cây đời” (Nguyễn Thị Mỹ Tâm - Thừa Thiên Huế), “Đêm dưới chân Thành Cổ” (Lê Bá Cang - Thừa Thiên Huế), “Nhờ rừng” (Phạm Văn Cường - Quảng Trị), “Mùa thi” (Lê Thị Oanh - Nghệ An), “Bình minh trên biển” (Lê Hoà - Thừa Thiên Huế), “Bên suối” (Nguyễn Thị Lê Hồng - Nghệ An)…

 

     Sự thành công của một tác phẩm được làm nên bởi nhiều yếu tố, nhưng hình tượng tạo hình chính là kết tinh nghệ thuật. Nó vừa có giá trị thể hiện những nét cá biệt, vừa có khả năng khái quát quá trình đời sống theo quan niệm của tác giả. Vì lẽ đó, trong quá trình tư duy về một tác phẩm, việc tư duy về hình tượng nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn cả. Đó là một sự nhận thức đi sâu vào khám phá những lớp nghĩa, những tầng vỉa sâu xa bên trong các hình tượng nghệ thuật, phát huy tính sáng tạo của người tiếp nhận. Một số tác phẩm trong triển lãm diễn tả ý thức về ký ức làng hầm một thời, những cảm xúc thăng trầm về xưa cũ hiện diện trong cuộc sống, với tất cả những ý nghĩa bao hàm trong đó. Tác phẩm “Lòng đất sinh tồn” (Trương Đình Dung - Quảng Trị), “Hoài cổ” (Nguyễn Đăng Sơn - Thừa Thiên Huế), “Bản Sonate mùa hạ” (Nguyễn Thiện Đức - Thừa Thiên Huế), “Khoảng trống” (Nguyễn Lương Sáng - Quảng Bình), “Di sản” (Nguyễn Thanh Hải - Thừa Thiên Huế)… nổi bật sự sống động và cá tính nhạy cảm vang động, giữa cái có hình và trừu tượng. Cường độ rung cảm của ánh sáng quy tụ vào những loé chớp bất định, mơ màng của ảo giác với những rung động tràn ngập không gian.

 

     Những cấu trúc có định luật nhưng cũng không kém phần mê cuồng, mà các tác giả tìm cách mở rộng trong sáng tạo. Qua những tìm tòi khác nhau, trở lại những con đường đã qua hay xuất phát từ những điểm mới, có lẽ không gian là mối quan tâm chủ yếu - một không gian rộng mở, đa hướng, thường hay chiếm hết toàn bộ tác phẩm, tràn ngập mọi phía. Đó là những khoảng trống xanh lơ bao la, những cảnh tĩnh mịch mùa đông hay những ánh nước rưng rưng. Sương mù và hơi nước. Các tác giả đã đứng vững một cách kỳ diệu trên lằn ranh giới mơ hồ giữa thế giới hiện thực và lãnh địa của sự tưởng tượng. Có lẽ các tác giả đã nhận diện được, vì nhan đề của những tác phẩm đưa người xem trở vào thế giới nội tâm, hướng sự sáng tạo không phải về phía ánh sáng và sự trong suốt, mà về phía phức hợp và đậm đặc được tái tạo, như tác phẩm “Con đường di sản” của Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai (Thừa Thiên Huế), “Tình đất Bazan” của Nguyễn Hữu Song (Quảng Trị), “Hội bài chòi” của Trương Minh Dự (Quảng Trị), “Ngẫu liên” của Nguyễn Hải Bằng (Thừa Thiên Huế), “Tàu cá 2” của Lê Đăng Thông (Thừa Thiên Huế), “Bóng tiền nhân” của Phạm Trinh (Thừa Thiên Huế), “Thầm lặng” của Lê Đình Truyền (Nghệ An)…

 

     Từ đây xuất hiện những tác phẩm với sự sáng tạo liên tiếp chồng phủ lên nhau, vô số những vết tích biểu thị nung nấu một sự trở về thanh thoát, bay bổng, kỳ diệu hơn.

 

     Những vực nước xoáy trong nghệ thuật đã nuôi dưỡng ý thức về sự bất khả vãn hồi và cái hư vô. Ánh sáng không đến từ nguồn bên ngoài, nó không chiếu lên đá và lên nước. Nó được tạo ra từ chính chất liệu, chạm với bề mặt của thực tại, lộ ra những chiều sâu, lôi chúng ra khỏi đêm tối. Có ít tác phẩm gợi lên được chừng ấy sức mạnh để có thể thành công trong nghệ thuật.

 

     Cái thi vị trong khung cảnh không có chỗ ở đây, trừ tính chất trữ tình trong sự thể hiện tài tình tác dụng của chất và ánh sáng, thể khối và chiều sâu. Các tác giả điêu khắc trong khu vực không đặt ra quy tắc liên quan tới những chuẩn mực của cái đẹp, hay những chủ đề phải thể hiện, mà, trên hết, họ muốn có tinh thần sáng tạo và tưởng tượng. Ðiêu khắc ngày càng đi gần đến vẻ đẹp của đặc trưng ngôn ngữ. Nếu như trước kia phần lớn tác phẩm thiên về tả, kể hoặc mô phỏng hiện thực, có tác phẩm gần như bê nguyên xi thực tế cuộc sống thì ở Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 23 - 2018, các tác phẩm điêu khắc được thể hiện với nhiều phong cách hiện thực, siêu thực, biểu hiện lãng mạn... Ðiều đáng nói ở đây là các khối hình đã được vận dụng để thể hiện cái đẹp. Sự tương phản của đường nét, khối lồi lõm, đặc trưng chất liệu, vận dụng màu sắc hội hoạ... và điều quan trọng là nêu được tư tưởng tác phẩm. Các tác giả bám sát các đề tài đa dạng của cuộc sống, cố gắng nêu bật được vấn đề thời đại. Sự bùng nổ tư tưởng tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật ngày càng trở nên cấp thiết, hoành tráng, sâu rộng hơn, biên độ cảm xúc được giải phóng có thể phá bỏ ranh giới giữa các hình thái, thể loại nghệ thuật, sự pha trộn điêu khắc với hội họa… Có thể chiêm nghiệm điều này qua tác phẩm “Chuyện người đàn bà” (Gỗ của tác giả Trương Trần Đình Thắng - Quảng Bình), “Ngột” (Sắt, kính của tác giả Lê Ngọc Thái - Thừa Thiên Huế), “Vòng đời” (Gỗ của tác giả Phan Thanh Quang – Thừa Thiên Huế), “Cha tôi” (Gò đồng của tác giả Lê Thị Tuyết Nhung - Thừa Thiên Huế), “Ký ức ngày Xuân” (Trần Minh Châu - Nghệ An), “ Tóc” (Gỗ của tác giả Ngô Phi Công - Nghệ An), “Bà tôi” (Gỗ của tác giả Hồ Xuân Tùng - Nghệ An), “Mưu sinh” (Gò nhôm của Nguyễn Xuân Thành - Quảng Bình), “Cha tôi” (Gò đồng của Lê Thị Tuyết Nhung - Thừa Thiên Huế)…

 

     Cảm xúc trước thiên nhiên, không phải thể hiện lại những sự vật đã thấy, mà mục đích cách tân cõi miền xa lạ bằng trí tưởng tượng, giống như trong ký ức, nơi mà hình thể và màu sắc sắp xếp để đạt được mục đích diễn đạt cảm xúc. Tất cả nghệ thuật nào muốn được hưởng ứng của công chúng đều phải diễn tả tình cảm cho dù tình cảm đó là nguồn an ủi, nỗi buồn, niềm vui hay lòng ái quốc.

 

     Các tác phẩm trừu tượng trong khu vực Bắc Trung Bộ nảy sinh từ mối quan tâm đến sự sáng tạo và nhu cầu giải phóng ý thức về tạo hình ngày càng lớn, là hình thức phản ánh phù hợp với những ý tưởng siêu hình, tình trạng vô định của tâm thức. Vì thế, vẽ trừu tượng không hề đơn giản, không phải ai cũng vẽ được. Hiện thực và trừu tượng là hai mặt của một vấn đề. Trừu tượng chỉ là cái vỏ, hiện thực mới là cốt lõi. Chính vì thế mà tất cả các họa sĩ, dù là trường phái nào, cũng đều mong muốn mình là họa sĩ hiện thực. Trừu tượng chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng.

 

     Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.

 

     Các tác phẩm “Niệm khúc biên cương” của tác giả Đặng Mậu Tựu (Thừa Thiên Huế), “Huấn ước tiền nhân” của Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế), “Bóng dáng vương triều” của Đặng Mậu Triết (Thừa Thiên Huế), “Kỳ diệu Trường Sa” của Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị), “Mưa trên miền nắng gió” của Hồ Huy Hùng (Nghệ An)… đã đem lại khả năng tư duy, cảm xúc, ngỏ lời mời gọi tham dự vào nguồn vui, bày tỏ về cuộc sống, đó là đời sống tinh thần. Phải chăng khả năng xem nhìn đã đánh thức và nâng cao trí tưởng tượng?

 

     Hãy nhìn các tác phẩm điêu khắc như thế nào. Thật là cảm động khi thấy khả năng cảm xúc của tác giả, hứa hẹn một “giải thoát” nhờ nghệ thuật. Những khối hình chuyển động theo một nhịp hữu cơ, khéo léo, nơi mà tác giả vừa vuốt ve, vừa quất lên những hình khối tích tụ năng lượng sáng tạo. Các tác phẩm điêu khắc “Sống” của Nguyễn Lương Sao (Quảng Bình), “Tháng thứ 9” của Lê Quốc Hoàng (Thừa Thiên Huế), “Vòng đời” của Phan Thanh Quang (Thừa Thiên Huế), “Chiều muộn” của Nguyễn Văn Hùng (Quảng Trị), “Bà tôi” của Hồ Xuân Tùng (Nghệ An), “Chân dung đồng hiện” của Nguyễn Thị Thuỳ Dung (Thanh Hoá)… chính bằng những khối tích động thái kết hợp đã hoà tan được trong mạch nghệ thuật nảy sinh từ nội tâm. Những tác phẩm điêu khắc tham dự triển lãm với sự trở về trong mái nhà chung của khu vực giàu phong cách sáng tạo, nội dung phong phú hơn, mang hơi thở tươi mới, một cách nhìn, một phong thái nghệ thuật năng động và phát triển.

 

     Đôi khi những khối hình đó là những ngẫu nhiên hiện ra phù hợp với mục đích của tác giả, đôi khi chúng là những vần thơ đồng vọng gợi những khối hình khác; và đôi khi những môtíp có tính nhịp nhàng hợp nhất thành một bố cục, đưa lại cho bố cục ấy một chuyển động.

 

     Sự trở về của Mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 23 - 2018 có 130 tác phẩm của 123 tác giả tham gia. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành trao thưởng cho 7 tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó có 2 giải B, 1 giải C và 4 giải khuyến khích.  

 

     Giải B, tác phẩm “Lòng đất sinh tồn” của Trương Đình Dung (Quảng Trị); Giải B, tác phẩm “Ước mơ người lính đảo”, khắc gỗ của Hồ Thiết Trinh (Nghệ An); Giải C, tác phẩm “Chuyện người đàn bà“, điêu khắc gỗ của Trương Trần Đình Thắng (Quảng Bình); 04 Giải khuyến khích cho các tác phẩm: “Ngột”, sắt, kính của Lê Ngọc Thái (Thừa Thiên Huế), “Hoài cổ”, sơn mài của Nguyễn Đăng Sơn (Thừa Thiên Huế); “Hôm qua - Hôm nay - Ngày mai”, in khắc của Bùi Thị Ngoan (Thanh Hoá); “Huyền thoại người mẹ”, sơn dầu của Lê Anh Ngọc (Hà Tĩnh).

 

     Không có gì có ý nghĩa hơn đối với con người bằng tri thức về cuộc đời, về đời người. Nhưng cuộc đời, đời người là một cái gì đó thật khó đưa vào khuôn khổ những tri thức, những khái niệm logic trừu tượng của tư duy khoa học. Với tư cách kết quả của tư duy nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật có thể đưa dẫn con người đến với những bí ẩn của cuộc đời; vì trong khi khám phá, phát hiện một lĩnh vực, một tính quy luật chung nào đó của cuộc đời, nó đồng thời biểu hiện một sự đánh giá giá trị nhất định. Cảm thụ những hình tượng nghệ thuật, công chúng vừa được trải nghiệm cuộc đời qua các hiện tượng, các cảnh đời, vừa được gợi ý bởi sự đánh giá, sự biểu hiện của tác giả. Nhờ ưu thế này, sự phát triển của nghệ thuật của một vùng đất sẽ giúp con người tiếp cận được ý nghĩa cuộc sống, sứ mệnh và nghĩa vụ của mình; nghĩa là nó góp phần tạo nên phương diện lẽ sống, ý nghĩa cuộc sống.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Tác phẩm: Dòng sông hoa đỏ của hoạ sĩ Trương Minh Dự (7/9/2022)
Tác phẩm mỹ thuật tham dự xét giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quảng Trị năm 2021 (7/9/2021)
Tác phẩm Mỹ thuật tham dự Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật chủ đề Công an Nhân dân 2021 (30/8/2021)
Chung tay hoàn thành bức tranh tường tại đảo Cồn Cỏ (1/5/2019)
Nghệ thuật đồ họa trong xu thế hội nhập (24/9/2018)
Cuộc trở về làm nên điều kỳ diệu trong nghệ thuật (23/8/2018)
Tranh về địa đạo Vịnh Mốc (10/4/2017)
Bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống mỹ thuật và quá trình hội nhập hiện nay (9/9/2016)
Các tác phẩm đạt giải Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXI năm 2016 tại Quảng Trị (25/8/2016)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ