Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Kiến trúc

Đầu năm nói chuyện làm nhà


Ngày cập nhật: 17/07/2016 00:00:00

 KTS HỒ HUY

 

       Đầu năm, anh bạn hẹn uống cà phê. Chưa kịp ấm chỗ ngồi, anh đã oang oang, ra Tết anh làm nhà, chú mi giúp anh cái bản vẽ, tư vấn cho anh, chứ anh cũng không biết bắt đầu thế nào. Thấy khuôn mặt anh lo lắng mà tôi phì cười. Làm nhà là chuyện của mọi nhà, lo lắng cũng phải. Huống gì theo các cụ xưa, làm nhà lại là một trong ba chuyện quan trọng của đời người, cùng với hai chuyện kia là “tậu trâu” và “cưới vợ”, bởi có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Nếu ai có thể tạo dựng cho mình một nơi chốn đi về, dù lớn hay nhỏ thì đó là vẫn là nỗ lực lớn trong cuộc đời mỗi con người.

 

      Tuyển tập mẫu nhà ở nông thôn mới Quảng Trị của Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị

 

      Chính vì đó là việc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời nên trước khi bắt tay vào việc xây nhà, đa số gia chủ sẽ gặp phải nhiều điều băn khoăn lo lắng với hàng trăm thứ đang đợi: từ ý tưởng về ngôi nhà (bao nhiêu điều ấp ủ từ lâu giờ muốn đưa hết vào ngôi nhà, ở đây mình sẽ làm cái này, vị trí đó mình sẽ làm thế kia,…), ngân sách (vốn tự có hay vay mượn từ bạn bè người thân, nếu phát sinh thì vay từ đâu,…), rồi tiếp theo là lựa chọn vật liệu, nhà thầu cho đến khi thi công và giai đoạn hoàn thiện. Đó là một khối công việc đòi hỏi gia chủ phải giải quyết trong một thời gian ngắn như: kiến trúc, quản lý, tài chính, sức khỏe, thời gian và vô số các công việc không tên khác. Tất cả chỉ để nhằm một mục tiêu: làm sao có được một ngôi nhà thật đẹp, thật hoàn hảo cho nơi mà mình sẽ sống. Trước sự việc này, tôi không có tham vọng giải quyết giúp mọi người tất cả những công đoạn của việc làm nhà, mà chỉ tham gia vài điều nhỏ, về tâm thế của người sắp làm nhà, để câu chuyện làm nhà đối với mọi người có thể là một thú vui, một niềm đam mê mà ai đang và sắp là gia chủ sẽ cảm thấy thoải mái khi đối mặt với nó.

       Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Gia đình là hạt nhân của xã hội, cũng như ngôi nhà là tế bào gốc của đô thị. Muốn đô thị đẹp thì đầu tiên là các ngôi nhà phải đẹp, sau đó mới nói tới các hạng mục khác như hạ tầng, cây xanh đô thị... Bây giờ, việc làm nhà quá nhiều thuận lợi, nhưng nó cũng mang cho chủ nhà rất nhiều đắn đo, suy nghĩ. Suy nghĩ từ giai đoạn chọn và mua đất (đất vườn hay khu đô thị, hợp tuổi hay không, đắt rẻ thế nào... ), tới giai đoạn thiết kế hình thức, thi công và sau đó là sắp xếp cuộc sống. Cùng thuộc công trình dân dụng như trụ sở làm việc, khách sạn, cà phê nhà hàng,.. nhưng hạng mục nhà ở là nơi kiến trúc và cuộc sống hàng ngày đan quyện vào nhau cao nhất, có lẽ vì vậy mà ngôi nhà là nơi duy nhất mà người dân có thể thiết kế, sáng tạo kiến trúc theo ý kiến bản thân mình.

       Làm nhà trước hết là ứng xử hài hòa với thiên nhiên!

       Khi ta cầm sổ đỏ, mảnh đất đôi khi khô khan qua từng con số: 7x20m, 5x15m, 200m2... Vậy đấy, nhưng đất nó có thế, có tâm hồn nên ta mới gọi là thế đất. Trước khi làm, hãy cố gắng cảm nhận mảnh đất mình đang có, hãy cố gắng lắng nghe nó, giải mã những điều mà trong lòng nó đang tiềm ẩn. Dù rộng hay hẹp, to hay nhỏ, thì khi làm vẫn phải chừa cái khoảng trống cho đất thở, đó có thể là khoảng sân trước nhà hay là mảnh đất hẹp mà ta dành riêng cho phơi phóng phía sau. Nhà dù thuộc về công năng gì, ở hoặc cho thuê, kinh doanh hay buôn bán, thì cũng cần chừa cái cửa, chừa khoảng trống lưu thông với khí trời, ánh sáng từ đó mà len lỏi khắp nhà. Ngày trước, nếu ông cha mình làm nhà, có điều kiện thì chỉ lát gạch phần sân, còn nền nhà bao giờ cũng chỉ đầm chặt và để vậy. Mùa hè đi bằng chân trần thấy nền nhà mát lạnh, mùa đông thì nền nhà giữ ấm, nắng lên thì rịn mồ hôi, con người và ngôi nhà giao hòa, con người và thiên nhiên như là một. Ngày nay, thế giới đang theo đuổi xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái… cũng là tìm về với thiên nhiên, với vật liệu địa phương và mang tính hữu cơ - điều mà cha ông ta đã từng làm và làm rất tốt. Chừa một khoảng đất, tuy không là gì, nhưng ta trồng vào đó cái cây, tưới tắm hàng ngày, thấy nó tươi tốt, một ngày nó bỗng nở hoa, lòng ta cũng cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng. Căn nhà ta ở, gió và khí lưu thông, ánh nắng chan hòa, ánh trăng ngó xuống sân rọi vào cửa sổ, hoa lá xum xuê - dòng đời thong dong. Nói nhỏ, đi nhẹ, nghĩ thanh tao - Chính ngôi nhà đã dạy ta cách sống!

       Một điều mà ta cần ghi nhớ khi làm nhà là ứng xử với thiên hạ!

       Thiên hạ là những người xung quanh ta, cảnh quan xung quanh ngôi nhà mà ta sắp xây dựng. Nhà mình nằm ở đâu, đường chính hay đường hẻm, nhà vườn hay nhà phố… tuỳ vào đó mà ta có phương án cho phù hợp. Tuy nhiên, dù phương án nào thì cũng tìm cách nương vào, hoà cùng nhịp điệu với láng giềng. Nếu nhà mình đứng cùng hàng với dãy phố, đừng quá vị kỷ khi phô bày ra hết sự thách thức, nổi bật, mà tạo cho nhà mình một cái mặt duyên dáng, hài hoà, lấy cái duyên và cái đẹp kín đáo mà khoe thầm với người đời. Nếu nhà mình là nhà vườn, biệt thự thì lấy cây cối che bớt đi cái sự sang giàu mà mình đang có. Bộ mặt đô thị Việt Nam hiện là cái gương soi rõ nhất về cuộc sống và tâm lý người đời. Ai làm nhà sau cũng thường muốn cao hơn nhà bên cạnh một tý, màu sắc nổi bật hơn một tý, như cứ muốn vỗ ngực bảo ta đây là nhất. Người Á Đông ưa cái sự kín đáo, ngôi nhà cũng vậy, nhưng có lẽ phong cách đó không dành cho thời buổi bây giờ.

       Nhìn ngôi nhà là hiểu chủ nhân. Ngôi nhà mà kiến trúc một đằng, đồ vật lối đi một nẻo, thì đúng là ai đó có nhà mà chưa làm chủ, nên chưa thể gọi là “chủ nhà”. Và cái quan trọng nhất khi làm nhà là ứng xử với chính mình.

       Mặt bằng, hình khối, màu sắc là những yếu tố cấu thành một ngôi nhà đẹp. Mặt bằng cho bạn trật tự của không gian sống. Nhìn mặt bằng biết tư duy tổ chức của chủ nhân, năng lực sắp xếp của kiến trúc sư. Hình khối trước hết là cái vỏ ôm ấp các không gian mà mặt bằng tạo nên. Hình khối càng giản đơn càng dễ cảm thụ, nhất là của các dãy phố. Màu sắc là yếu tố cuối cùng, trực quan, dễ thấy nên chủ nhà thường toàn quyền quyết định. Đặc hay trong, nóng hay lạnh, sắc màu nào thì yên và sắc màu nào thì khó thở, chất liệu nào nên ốp, gạch lát nào nên sử dụng,.. Không nên tạo ra những bề mặt bóng láng, tránh biến những mảnh tường chỉ dùng cho mỗi việc đóng đinh, nên có những mô mấp, lồi lõm phù hợp. Hãy để mọi việc tự nhiên, nên tham khảo lời khuyên của các nhà tư vấn để có những cách giải quyết phù hợp. Nhiều chủ nhà răm rắp nghe theo lời của các ông thầy phong thuỷ, từ cái cửa, đồ đạc, màu sắc… mà quên rằng, chính chúng ta mới sống ở trong ngôi nhà đó, đến khi cảm giác thấy nó xa lạ với mình thì đã muộn. Vậy nên, tâm thế người xây nhà luôn biết sự chừng mực, biết đủ là đủ.

       Trái tim của ngôi nhà chính là bếp lửa. Chồng ăn cơm văn phòng, vợ ăn cơm tiệm, bếp nguội lạnh, về lâu dài cái khung gia đình cũng không bền vững. Bếp ấm, gia đình vì thế mà quây quần, sum họp, cái nhà mới là tổ ấm đúng nghĩa. Năm mới có vài lời khuyên cho anh bạn nhẹ gánh, cho những ai sắp có tổ ấm, xây dựng cho mình một ngôi nhà nhỏ, hãy nhớ giữ bếp ấm và luôn đỏ lửa cho gia đình mình.

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ