Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Sáng tác -> Văn nghệ dân gian

Hò đập bắp Thượng Xá, Hải Lăng, Quảng Trị


Ngày cập nhật: 08/06/2017 00:00:00

Trong những sinh hoạt văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Trị, hò đập bắp là một sinh hoạt văn nghệ độc đáo. Đây là một điệu hò lạ trong các làn điệu tiêu biểu ở Quảng Trị đã được nhiều người biết đến.

         Tại sao lại có hò đập bắp? Nơi phát sinh nó ở đâu? Tính chất, làn điệu và quá trình phát triển của nó như thế nào? Đó là một số điểm chúng ta cần quan tâm tìm hiểu về thể loại hò này.

         Theo nhiều cụ già ở làng Thượng Xá kể lại, khoảng đầu thế kỷ XX, thung lũng Ba Lòng là một vùng đất tốt được nhiều làng từ vùng xuôi lên khai phá tăng gia sản xuất, trồng trọt rất được mùa bắp, đậu, lạc v.v… Trong những ngày tháng 5, tháng 6 hàng năm, thuyền bè tấp nập chở bắp từ Ba Lòng về xuôi rộn ràng như ngày hội. Thượng Xá là làng thu hoạch bắp nhiều nhất lúc bấy giờ. Nhiều chủ bắp không chịu thuê người đập. Muốn cho công việc đạt năng suất và hiệu quả cao, các chủ phải khẩn trương đi thuê các bạn trai gái có tài ứng đối lanh lẹ hò đối đáp để tạo không khí vui tươi, hấp dẫn trong các đêm đập bắp tập thể.

 

Làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

 

Xuống vụ trên vùng đất bồi làng Thượng Xá - Ảnh trong trang của PHƯƠNG HOAN

 

          Nhiều làng ở Quảng Trị có các chủ bắp thường tổ chức các buổi sinh hoạt hò đập bắp như Thượng Xá, Mai Đàn, Thượng Nguyên, Trà Trì, Trà Lộc, Nhan Biều, Thi Ông, An Đôn, Như Lệ, Tích Tường v.v… trong đó làng Thượng Xá có nhiều chủ bắp hơn cả và cũng là nơi bày chuyện làm sạp đập bắp để tăng năng suất. Những ông chủ có sạp đập bắp tại làng Thượng Xá hồi bấy giờ là ông Cửu An, ông Bộ Sỏi, ông Hương Thiệp, ông Xạ Toại, ông Bát Hoạt…

         Sạp đập bắp được làm chắc chắn bằng tre, có khe hở để cho hạt bắp lọt xuống dưới, còn cồi bắp thì nằm lại bên trên. Cái sạp rộng khoảng 1,60 m, dài khoảng 6-8 m, cao quá đầu gối. Hai bên sạp có bắc song song cái băng đòn dài để ngồi đập. Các gậy chày đập bắp được làm bằng gỗ hoặc bằng tre, một đầu to, một đầu nhỏ, phía đầu to hơi cong. Tay cầm vào đầu nhỏ để đập.

          Khi sạp có từ 6 đến 12 người vào ngồi thành cặp là bắt đầu vào cuộc đập. Trai gái ngồi hai bên đối diện nhau.

          Trước lúc đập bắp, bao giờ cũng có câu hò khởi động vào cuộc hò do một người hò:

          Cái xướng: Là hò hô khoan!

          Tất cả xô: Là hô khoan, khoan hô là hô khoan!

          Cái xướng tiếp: Ngọn đèn mà lu lít bất nhơn

          Tất cả xô: Ơ hô khoan!

          Cái xướng: Khêu lên cho rõ - ơ hơ hơ…

          Cái tiếp: Để tấm tờn nhìn nhau.

          Tất cả cùng xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan!

           Để cho không khí thêm thân mật, vui vẻ, một người trong sạp cất tiếng hò mời mọc dạo đầu:

           Ai đứng chi ngoài đường cho muỗi cắn, bọ ho kêu?

          Tất cả cùng xô: Ơ hô khoan.

          Vô đây mà đối đáp - ơ hơ hơ

          Một đôi điều cho vui

          Tất cả cùng xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan!

          Sau lời hò mời là hò vào cuộc, hò đối đáp.

          Bao giờ cũng vậy, giai đoạn hò đối đáp là giai đoạn linh hoạt, hứng thú và để lại nhiều kỷ niệm nhất.

        Thường là bên phe gái được nhường cho hò trước. Câu hò này có thể do người trong cuộc ngồi đập bắp sáng tác hoặc có thể do người “thầy gà” dày dặn kinh nghiệm sáng tác đối đáp đứng chầu rìa phía sau mỗi phe thì thầm trao đổi với nhau rồi truyền tai cho người có giọng hò hay để cất lên câu hò đối đáp với phe bạn.

         Trong những cuộc hò như thế, ta thấy được sự nhanh nhạy, thông minh và óc trào lộng, dí dỏm của những người trong cuộc:

          Phe gái hò đưa:

          Tai nghe dạ đó có đôi

         Tất cả xô: Ơ hô khoan!

         Dạ đây xao xuyến ơ hơ hơ

         Như nồi ươm tơ.

        Tất cả xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan!

         Phe trai hò đáp:

        Ví dầu bạn có nghi ngờ

        Tất cả xô: Ơ hô khoan!

        Mực đen giấy trắng - ơ hơ hơ …

        Làm tờ giao cho.

        Tất cả xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan…

        Phe gái hò tiếp:

        E mai (1) nói rứa mà thôi

        Tất cả xô: Ơ hô khoan!

        Giấy rách đằng giấy - ơ hơ hơ.

        Hồ trôi đằng hồ…

        Tất cả xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan.

        Phe trai hò đáp:

        Ví dầu nút có xa khuy  

        Tất cả xô: Ơ hô khoan!

        Mực sa vô giấy - ơ hơ hơ

        Chùi răng đi mà chùi.

        Tất cả cùng xô: Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan!

        Việc chuyển hò đối đáp từ đôi trai gái này sang đôi trai gái khác là tuỳ hứng, không quy định mấy câu thì dừng. Nó phụ thuộc vào khả năng đối đáp của đôi trai gái trong cuộc và không khí “bốc men” bạn hò. Khi cảm thấy hò đã thoả ý rồi thì chuyển sang đôi khác tiếp tục cuộc hò đối đáp. Những cuộc hò như vậy có thể kéo dài tận đến đêm khuya, có khi đến 1-2 giờ sáng, nhưng đó cũng là cơ hội để tăng năng suất lao động một cách tự nguyện. Vì trong khi hò đối đáp trai gái, họ vẫn hăng hái đập bắp không ngừng tay. Thậm chí nhiều khi hết bắp rồi mà cuộc hò còn nồng say thì cả phe trai, phe gái vẫn nhiệt tình đập không xuống sạp để hò cho thoả thích, không cần để ý có bắp hay không. Điều đó là một thực tế trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ ở các làng quê xưa. Thật là đặc biệt, thật là lý thú! Chẳng ai thấy mệt mỏi, chán ngán gì cả! Chẳng cần ai chỉ đạo, động viên, ràng buộc điều kiện gì. Tuy vậy, những người chủ bắp đôi khi thấy như thế cũng sẵn lòng nấu cháo gà hoặc chè đậu đỏ ra chiêu đãi cả hội trai gái làng hò đập bắp.

       Hò đập bắp biến điệu của hò giã gạo và hò nện, nhưng nó có sắc thái riêng ở nhịp điệu là lời xô. Điệu hò đập bắp rất khoẻ khoắn, nhẹ nhàng và linh hoạt, khi nhanh, khi chậm tuỳ thuộc vào nhịp chày và tâm trạng tình cảm của người hò, phe hò. Những lời xô: “Ơ hô khoan, khoan hô là hô khoan” của hò đập bắp nghe nhẹ nhàng hơn những lời xô trong điệu hò nện “Hù là khoan, là hù là khoan…” Đó là những lời xô trong lao động nặng nhọc, dứt khoát, phù hợp với công việc nện đất. Rõ ràng là tiết tấu âm nhạc của từng điệu hò phụ thuộc vào tính chất của công việc lao động.

      Cũng nên lưu ý thêm là cái gậy chày đập bắp nhẹ hơn chày giã gạo và chày vồ nện đất. Vả lại công việc đập bắp cũng nhẹ nhàng hơn. Do đó, người điều khiển chày có thể tuỳ hứng mà điều khiển nhịp chày nhanh nhanh hay thong thả. Đây cũng là nét đặc điểm về động thái thực tế trong điệu hò đập bắp.

     Về mặt âm thanh, tiết tấu của điệu hò này còn được phụ trợ thêm một cách ngẫu nhiên bởi âm thanh của gậy chày gõ trên nền sạp nghe rất nhịp nhàng, thanh thoát. Khi người hò nghĩ chưa ra câu hò cho thật vừa ý thì cứ hò câu: “Hô khoan, khoan hô là hô khoan…”, đồng thời với âm thanh rập, rập, rập… của nhịp chày gõ xuống nền sạp nghe rất là thôi thúc, rạo rực lòng người. Khi đã nghĩ ra câu hò đáp thì lại hò: “Hò hô khoan…” và nghe tiếp ba nhịp đập: rập, rập, rập thì chuyển qua điệu hò đáp trả.

      Những câu hò đối đáp này không giới hạn số lượng từ, nhưng thông thường là dùng câu kiểu dân ca lục bát và có thêm bớt đôi chút tuỳ hứng, miễn sao cho phù hợp với vần điệu ở những chỗ cần thiết nhấn mạnh, tỏ tình v.v…

      Nhiều giai thoại được lưu truyền từ các cuộc hò đập bắp ở làng Thượng Xá (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Những tài năng đối đáp vang danh một thời đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến. Đó là những nghệ sĩ dân gian làng quê như chị Thi, o Sa, anh Trúc, chú Côn… Nhất là cặp Trúc Thi hò đối đáp với nhau rất linh hoạt, nghe thật tình tứ, hay ho, sướng tai lắm, khiến mọi người nghe đều thán phục, khen ngợi.

      Đã qua rồi một thuở ở vùng nông thôn tràn đầy câu hò, điệu lý… mà ngày nay cũng ít ai nhớ đến và nhắc lại. Thật là đáng tiếc. Một số vốn cổ văn hoá dân tộc các làng quê có nguy cơ chìm dần trong dĩ vãng.

     Điệu hò đập bắp ở làng Thượng Xá là một loại hò trong lao động tập thể, một thời là nét sinh hoạt nổi bật của nhân dân lao động Quảng Trị. Ngày nay, do điều kiện xã hội thay đổi, sinh hoạt này không còn nữa, nhưng âm vang và hình ảnh sôi động của những đêm hò đập bắp hẳn còn ghi dấu trong tâm khảm những người một thời đã say mê những câu hò dân gian đầy tình cảm đậm đà của xứ sở, miền quê.

…………………………………………

          (1) Mai ở đây là ý trong cặp từ mai - trúc, hàm ý tôn xưng người bạn hò khác phái.

            Những người kể lại và hò điệu hò đập bắp này cho tác giả bài viết nghe là bà Phan Thị Cúc (bà Thỉu), bà Phan Thị Tài (bà Thơ), ông Lê Quang Toại (ông Lư) quê ở làng Thượng Xá, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (kể lại từ trước năm 1990).

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ