Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Tản văn

Nơi để nhớ về Chế Lan Viên


Ngày cập nhật: 28/10/2020 00:00:00

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn hóa tiêu biểu. Chế Lan Viên được xem là “ngọn tháp kì quan đồ sộ của thi ca hiện đại”. Để góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn học của Chế Lan Viên, theo đề nghị của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại quê hương của nhà thơ là làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điều này đã đáp ứng tâm nguyện thiết tha bấy lâu nay của đông đảo văn nghệ sĩ, những người yêu văn học, cán bộ và nhân dân trong nước, trong tỉnh, huyện Cam Lộ, xã Cam An, tộc họ Phan ở làng An Xuân và gia đình nhà thơ Chế Lan Viên. Đặc biệt, điều này thể hiện niềm tri ân sâu sắc của quê hương trước những đóng góp to lớn của nhà thơ cho văn học, văn hóa nước nhà và trước tấm lòng thiết tha, gắn bó với nguồn cội quê nhà của nhà thơ Chế Lan Viên.

 

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, rồi Hà Nội, sau đó đi làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ông từng tham gia hoạt động đối ngoại trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Tây Âu...

 

Thiên khiếu thi ca trong ông phát lộ khá sớm, ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông đã xuất bản tập thơ đầu tay “Điêu tàn” nổi tiếng, khiến cho Hoài Thanh - Hoài Chân đã thốt lên sửng sốt qua “Thi nhân Việt Nam”: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Sớm tạo được “niềm kinh dị” đó, nhưng ông không tự thỏa mãn mà liên tục “lột xác”, đổi mới thơ mình để trở thành một kiện tướng thơ lực lưỡng vào bậc nhất trong số các nhà thơ thời Thơ Mới, có công lớn hiện đại hóa thơ Việt. Ông đã thực hiện đúng theo lời tựa của chính ông viết cho tập “Điêu tàn”: “Làm thơ là sự phi thường” và “thi sĩ không phải là Người… Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”. Sau “Điêu tàn” (1937), ông đã vượt ra khỏi “thung lũng đau thương”, dành thời gian để tôi luyện cho thơ đạt đến độ chín mới, cho ra đời đều đặn nhiều tập thơ như “Gửi các anh” (1955), “Ánh sáng và Phù sa” (1960), “Hoa ngày thường, Chim báo bão” (1967), “Những bài thơ đánh giặc” (1972), “Đối thoại mới” (1973), “Hoa trước lăng Người” (1976), “Ngày vĩ đại” (1976), “Hái theo mùa” (1977), “Hoa trên đá” (1984), “Ta gửi cho mình” (1986) và hàng trăm trang di cảo thơ. Trước và sau ngày ông qua đời, nhiều tuyển tập thơ ông đã được xuất bản như “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” (tập I, 1985; tập II, 1990), “Di cảo thơ I, II, III” (1992, 1993, 1995), “Chế Lan Viên toàn tập”, 5 tập (2009), “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” (2017). Ngoài thơ, ông có các tác phẩm văn xuôi: “Vàng sao” (1942), “Thăm Trung Quốc” (1963), “Những ngày nổi giận” (1967), “Giờ của số thành” (1967)... Với bút lực đa tài, ông còn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học uyên bác, sắc sảo với các tác phẩm: “Phê bình văn học” (1962), “Suy nghĩ và bình luận” (1970), “Bay theo đường dân tộc đang bay” (1976), “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân” (1980), “Nghĩ cạnh dòng thơ” (1982), “Ngoại vi thơ” (1987). Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật của nhà thơ với đất nước và văn học nghệ thuật, Nhà nước đã tặng cho nhà thơ Huân chương Độc lập hạng II (1988), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, 1996).

 

Bút tích Chế Lan Viên (bài thơ “Hoa gạo đỏ”, Chế Lan Viên chép tặng nhà báo Phan Quang). Ảnh: N.H

 

Đối với quê hương Quảng Trị, Chế Lan Viên đã để lại nhiều dấu ấn cuộc đời và văn chương sâu nặng. Sau Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên đã tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Xây dựng, tổ chức văn hóa Trung Bộ do các nhà lãnh đạo Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu thành lập. Đoàn được giao lập “Tủ sách Công dân” in các sách chính trị, khoa học, văn nghệ... phục vụ nhân dân. Chế Lan Viên sớm nộp bản thảo một cuốn sách và đã được Việt Minh Trung Bộ đánh giá cao, được Tổng bộ Việt Minh thưởng 2.000 đồng. Chế Lan Viên đã ra Đông Hà, Quảng Trị đưa cho mẹ nửa số tiền thưởng quý giá ấy cùng mười cây cam mua từ Huế về và dặn mẹ: “Mẹ chăm vườn, mai sau đánh xong Tây, con về ở nhà thì có cam ăn”. Năm 1947, tại Huế, quân Pháp bị bao vây ở nội thành được tăng viện quân đã nổi lên đánh chiếm, khiến Mặt trận Huế vỡ. Quân Pháp từ Huế tràn ra và từ biên giới Lào theo Quốc lộ 9 tràn về đã chiếm Cam Lộ, Đông Hà, nơi gia đình Chế Lan Viên từ Bình Định trở về quê đang sống trong gian khó. Lúc này, Chế Lan Viên cùng nhiều văn nghệ sĩ Huế được tổ chức cho chuyển ra Hà Tĩnh, Nghệ An. Qua Đông Hà, lòng ông quặn thắt khi nghe tiếng đại bác, moọc chê inh ỏi. Tại Vinh, ngày 17/3/1947, ông đã viết những dòng khắc khoải nhớ về mẹ cha trong vùng giặc chiếm: “Cha mẹ ta chạy về đâu? Nhất là cha ta, mỗi lần lại hốt hoảng. Tội biết mấy, hở trời... Hình ảnh của mẹ cha ta lẫn vào hình ảnh của dân tộc, đất nước. Bao giờ ngày Độc lập đến cho những cuộc đời tăm tối của bao bà mẹ Việt Nam hửng lên một chút vui mừng mà họ mong đợi xưa nay trong bụi cát rơm rạ...”. Năm 1949, Chế Lan Viên đi công tác vào Bình Trị Thiên lần thứ nhất vừa để giúp củng cố các nhóm văn nghệ kháng chiến ở đây, vừa để thâm nhập thực tế. Trong năm này, nhóm văn nghệ Nguồn Hàn đã ra đời ở chiến khu Ba Lòng, quy tụ những cây bút, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Hồng Chương, Trường Sinh (thiếu tướng Lê Chưởng, Chính ủy Trung đoàn 95), Dương Tường, Lương An, Vĩnh Mai, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Khắc Thứ, Tấn Hoài… Nhóm Nguồn Hàn đã góp phần khai sinh cả một dòng thi ca kháng chiến chân chất mà hào hùng, đóng góp xứng đáng cho văn nghệ cách mạng Việt Nam... Nhà thơ Chế Lan Viên đã có những đóng góp quan trọng giúp đỡ cho sự phát triển của nhóm. Đặc biệt, chuyến đi này đã đánh dấu một mốc son “đỏ chói hồn” trong đời Chế Lan Viên: Ông được kết nạp Đảng tại Ba Lòng. Trước đó, sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chế Lan Viên được tổ chức vận động vào Đảng nhưng ông băn khoăn, ngại ngần và từ chối, vì nghĩ mình chưa góp được công sức gì cho Đảng, xin vào Đảng lúc này là xu thời, cơ hội. Năm 1949, ở chiến khu Ba Lòng, theo đề nghị của Chế Lan Viên, ông Trần Trọng Tân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, người bạn cùng quê với Chế Lan Viên đã đưa Chế Lan Viên đến dự cuộc họp chi bộ của đơn vị chuẩn bị đánh đồn Tà Cơn, Hướng Hóa. Chuyện này, về sau ông Trần Trọng Tân đã kể lại: “Chế Lan Viên chứng kiến cảnh đảng viên giành nhau xung phong ôm bộc phá mở đột phá khẩu, phải giải quyết bằng bốc thăm mới chọn được 3 người. Đánh đồn, chết 1 còn 2. Sau khi dự lễ chôn cất liệt sĩ, Chế Lan Viên đã xin được vào Đảng để bổ sung cho đồng chí mới hi sinh” (Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Trọng Tân lòng son trước mọi thử thách, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2015, trang 28). Hai đảng viên chịu trách nhiệm giới thiệu Chế Lan Viên vào Đảng là ông Trần Trọng Tân và nhà thơ Dương Tường. Tại lễ kết nạp Đảng, nhà thơ mặc bộ áo cánh nâu, “con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc”, nghẹn ngào ôm lá cờ Đảng. Từ sự kiện này, Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Hơn 65 năm qua, bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về Đảng, điểm độc đáo là thể hiện được sự “thống nhất Đảng với quê sinh, thống nhất Đảng với người mẹ đã sinh ra mình”.

 

Năm 1952, Chế Lan Viên được Chi hội Văn nghệ kháng chiến khu Bốn cử vào giúp đỡ phong trào văn nghệ Bình Trị Thiên. Đây là chuyến công tác của Chế Lan Viên vào Bình Trị Thiên lần thứ hai. Chế Lan Viên đã vào Thừa Thiên bàn bạc với lãnh đạo tỉnh và văn nghệ sĩ Thừa Thiên, sau đó ra Quảng Trị nhờ Phân khu bộ (đóng ở Nà Nẫm, Ba Lòng), Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Quảng Trị để tổ chức một cuộc hội nghị chung của văn nghệ ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Tại cuộc hội nghị chung của văn nghệ ba tỉnh tổ chức tại thôn Phương An, vùng Cùa, Cam Lộ ngày 3/9/1952, Chế Lan Viên đã trình bày bản báo cáo chung. Đánh giá về những đóng góp, giúp đỡ quan trọng của Chế Lan Viên đối với nhóm Nguồn Hàn và văn nghệ Quảng Trị thời kì kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Lương An viết: “Là đứa con hiếu thảo của Quảng Trị, là người đàn anh trong văn nghệ của tỉnh nhà, mặc dù sức khỏe không tốt lắm, anh vẫn hai lần tự nguyện lội suối trèo non, vượt Cà Roòng, Ba Rền, Liên U băng qua các vùng cọp Trộ Rớ, vùng voi Khe Giữa trở về thăm và giúp đỡ cho đàn em nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng tôi tiễn chân anh đến tận đò Hà Vụng và vẫn như chưa nói hết những lời thâm cảm của mình” (Tuyển tập Lương An, NXB Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 437). Dọc đường kháng chiến, khi đi trên đỉnh Trường Sơn nhìn về vùng đồng bằng Quảng Trị, ông không nguôi nhớ mẹ: “Mẹ ở dưới thành phố đó/Lô cốt ngời vôi mái đồn máu đỏ/ Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng/ Nghĩ tới mẹ nhiều, nước mắt rưng rưng... ” (Gởi mẹ trong vùng giặc chiếm).

 

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, Chế Lan Viên về thăm quê mẹ, nhưng ông không thể đến viếng phần mộ mẹ ông được do đường vào đầy mìn. Bức vườn mẹ ở làng An Xuân, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị dù đã bị chiến tranh tàn phá nhưng hình ảnh thân thương cứ xuất hiện trở đi trở lại trong thơ ông như một nỗi hoài hương day dứt: “Vườn mẹ xe ủi sạch/Lối về bom với mìn/Đứng xa nhìn kỉ niệm/Ban mai sao hoàng hôn” (Vườn mẹ), “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm” (Canh cá tràu).

 

Trong kí ức của người Quảng Trị cũng như của Chế Lan Viên, gió Lào đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo, gian truân, vất vả. Ông viết: “Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên”. Trong thơ ông, ngọn gió Lào cứ chực sẵn bủa vây, ám ảnh: “Quảng Trị vốn là quê mẹ/Gió Lào râm ran” (Gửi trạng Thông họ Hoàng), “Ôi gió Lào ơi! Người đừng thổi nữa/Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/Những đồi sim không đủ quả nuôi người”, “Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng”, “Những đồi tranh ăn độc gió Lào” (Kết nạp Đảng trên quê mẹ). Nay ngọn gió Lào khó nghèo ấy đã biến thành nguồn điện gió dồi dào của Quảng Trị. Hiện Quảng Trị có 8 dự án điện gió đã đầu tư và đang triển khai đầu tư, với tổng công suất 248 MW (1 dự án đã hoạt động, 1 dự án đang xây dựng, 6 dự án đã hoàn thành thủ tục, chuẩn bị xây dựng), 32 dự án đang trình Bộ Công Thương với tổng công suất 1.733,5 MW. Cái khó đã biến thành lợi thế vậy. Như niềm dự cảm trong thơ Chế Lan Viên: “Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương/Như đang dâng thành núi lại thành cồn” (Kết nạp Đảng trên quê mẹ).

 

Xuất phát từ tấm lòng tha thiết của nhà thơ với quê cha đất tổ, việc dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại làng An Xuân là dựng lại một nơi nhớ của Chế Lan Viên với bóng dáng vườn mẹ yêu thương, với dư vị canh khế cá tràu da diết và cả ngọn gió Lào ám ảnh nghèo khó nay trở thành ngọn gió giàu có năng lượng tái tạo. UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên. Nhà được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói, 3 gian gồm gian thờ và nghi thức (gian giữa); gian trưng bày các tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về Chế Lan Viên, các tác phẩm, công trình tiêu biểu đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên; phía trước có tiền đình và các hạng mục phụ trợ như sân vườn, cây xanh... Tổng mức đầu tư là 3.626 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% là 1,1 tỷ đồng, ngân sách huyện Cam Lộ hỗ trợ 20% là 726 triệu đồng, còn lại huy động xã hội hóa 50% là 1,8 tỉ đồng. Dự án mong nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm để có đủ kinh phí hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác. Từ đó, có một nơi để nhớ về Chế Lan Viên “trên đất quê hương mang hình bóng mẹ”, một địa chỉ bảo tồn, phát huy di sản văn học to lớn của nhà thơ để lại; nơi tổ chức giảng dạy, học tập ngoại khóa của các nhà trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn học, ngày thơ, bình thơ; một điểm tham quan, du lịch văn hóa thân thuộc; nơi “đất đã hóa tâm hồn” như thơ Chế Lan Viên đã viết.

Nguyễn Hoàn

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ