Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Nghiên cứu phê bình

Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại


Ngày cập nhật: 11/10/2018 00:00:00

NGUYỄN VĂN HÙNG

 

     Văn học nghệ thuật sáng tạo về đề tài lãnh tụ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây là mảng đề tài lớn luôn thu hút sự quan tâm, trăn trở của văn nghệ sĩ; sự kỳ vọng, đón đợi của cộng đồng xã hội. Trong số những lãnh tụ kính yêu của dân tộc thời đại mới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hình tượng được khắc họa nhiều nhất và cũng đạt được nhiều thành công hơn cả. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao và bất tận trong sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật. Bên cạnh hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh; văn học là loại hình có được nhiều dấu ấn tiêu biểu.

 

     So với thơ ca, văn xuôi viết về Bác, mặc dù có phần khiêm tốn hơn, song lại có những thành tựu nổi bật về tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật thể hiện. Các tác phẩm của Sơn Tùng (Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất), Hồ Phương (Cha và con), Hoàng Quảng Yên (Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng), Cao Năm (Hai ngày và mãi mãi), Nguyễn Thế Quang (Khúc hát những dòng sông)… nhờ việc kết hợp hài hòa giữa sự thật và hư cấu, hiện thực và huyền thoại trên cơ sở tôn trọng các sự kiện có thật được ghi lại trong lịch sử cùng khả năng sáng tạo, tưởng tượng của nghệ thuật đã tạo dựng hình tượng Bác Hồ chân thực, sinh động và giàu sức gợi.

 

Một số tiểu thuyết viết về Bác Hồ

 


     Hình tượng Bác Hồ - tài năng, phẩm chất và bản lĩnh

     Văn xuôi viết về đề tài Bác Hồ đã tái hiện tương đối đầy đủ quá trình hình thành nhân cách từ thời thơ ấu - niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Côn, hành trình trưởng thành và tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc không còn khô khan, đơn điệu, một chiều trong cái nhìn lịch sử - chính trị; mà đã được soi rọi từ góc nhìn đời thường, với những góc thẳm sâu trong tâm hồn, tính cách, tình cảm - phần nhân tính phổ quát của một - con - người. Chính góc nhìn này đã khẳng định phẩm chất nhân văn trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh: yêu đời, yêu người, ung dung, tự tại, lạc quan, hết sức vĩ đại nhưng cũng rất đỗi đời thường.

 

     Nhận thức được tầm quan trọng trong giai đoạn hình thành nhân cách của Bác Hồ; Sơn Tùng, Hồ Phương, Nguyễn Thế Quang đã tập trung tái hiện thời thơ ấu - tuổi niên thiếu của Người gắn với giai đoạn đầy biến động của đất nước những năm cuối thế kỷ  XIX đầu thế kỷ XX. Với quan niệm: “Trong cuộc đời của mỗi con người giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách tâm hồn của mỗi con người”, Sơn Tùng trong Búp sen xanhBông sen vàng đã phác họa sinh động quá trình hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn của cậu bé Nguyễn Sinh Côn và chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Nhà văn đã vẽ nên bức chân dung cậu bé Nguyễn Sinh Côn như một tiên đồng giáng thế: “Người thanh mảnh, mười ngón tay thon dài như mười búp măng, da trắng như trứng gà bóc, mặt vuông tượng, hai con mắt sáng như hai ông sao, lông mày dài hơn mắt, đúng là mày ngài mắt phượng, trán trượng phu. Môi lại đỏ chon chót như nhuộm phẩm điều, mũi cao thon thon, nhưng không nhọn, không quắm như mũi tây đoan”. Ngay từ thuở lên ba lên năm, cậu đã mang những nét thông minh bẩm sinh, tinh anh hết mực với một trí nhớ khác thường, sự sáng dạ hiếm có và một thiên tư đặc biệt. Ẩn trong hình hài nhỏ bé là một phong thái đĩnh đạc, một khí phách và trí lực hơn người. Nguyễn Sinh Côn có tài quan sát, óc phán đoán, khả năng suy xét, lập luận sắc bén. Không những thế, cậu tỏ ra khiêm tốn, ham học hỏi, hiểu biết: “Có thể mặc áo vá, để đầu trần, đi chân đất, ăn cháo, ăn rau, nhưng không thể nhịn học, nhịn xem sách, nhịn nghe những câu chuyện bổ ích”. Trước những cảnh trí hay sự việc khác lạ, Côn luôn đặt ra những câu hỏi vượt lên trên tuổi đời, “thường có những suy nghĩ, và sớm quan tâm tới nhiều việc tựa như người lớn”. Ý thức được nỗi cơ cực, vất vả của cha mẹ, ngay từ nhỏ, Côn đã rèn giũa cho mình tinh thần tự lập, tính kiên trì, sự chăm chỉ và lòng tự trọng. Ở cậu bé này còn toát lên thiên khiếu nghệ sĩ bẩm sinh với sự mẫn cảm, nhạy bén và khả năng thưởng thức nghệ thuật tinh tường.

 

     Nếu như Bông sen vàng, Khúc hát những dòng sông chỉ tập trung khắc họa thời thơ ấu - tuổi niên thiếu của Bác Hồ, thì Búp sen xanhCha và con lại tái hiện gần như toàn bộ tuổi trẻ Hồ Chí Minh với ba giai đoạn: Thời thơ ấu - Thời niên thiếu - Tuổi hai mươi. Đó là hành trình trưởng thành từ dải Lam Hồng, Hương Ngự đến vùng Phan Thiết, Sài Gòn. Sơn Tùng và Hồ Phương đã cho người đọc thấy được tài năng, phẩm chất và bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc trong buổi ban đầu khi Người đang là chàng trai trẻ mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân: “Con đã có năm ba chữ, biết suy nghĩ, con sang tuổi mười tám rồi, con không thể thờ ơ trước việc đồng bào mình bị chà đạp, phải đứng dậy đòi được quyền sống” (Búp sen xanh). Trong mỗi bước chân là nỗi xót xa, phẫn nộ khi nhìn thấy cảnh đồng bào lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp; trong từng suy tư, trăn trở là khát vọng, hoài bão độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân; tất cả đã thôi thúc chàng thanh niên trí thức dấn thân vào cách mạng, quyết tìm ra con đường đúng đắn dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng tự giải phóng cho chính mình.

 

     Sơn Tùng, Hồ Phương, Nguyễn Thế Quang trong tác phẩm của mình đã khẳng định: nhân cách, tâm hồn và tương lai của mỗi con người được tạo dựng từ một nền tảng vững vàng. Với quan niệm: “Một thiên bẩm không phải ở một thế giới xa xôi huyền bí nào mà từ trong nòi giống của các bậc hiền tài ấy tạo thành. Rồi sớm được nuôi dưỡng, dạy dỗ, lớn lên có chí học, chí hành mới thành vĩ nhân được”, Sơn Tùng trong Búp sen xanhBông sen vàng đã tái hiện hành trình hình thành nhân cách của Bác Hồ với nền tảng từ thời đại văn hóa, bối cảnh xã hội, truyền thống dân tộc và đặc biệt là từ gia đình, dòng tộc của Người. Nguyễn Sinh Côn được sinh ra trong một gia đình “vừa có gia phong, vừa có gia giáo”, “giàu chữ lại giàu cả nhân đức”, “có một nếp sống thanh cao và trí tuệ”. Mẹ cậu - bà Hoàng Thị Loan, người phụ nữ “thảo hiền, thương người như thể thương thân. Có một miếng ăn ngon, bà cũng bớt ra chia sớt với bà con láng giềng. Ai đứt bữa, ai tối lửa tắt đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong tình lá lành đùm lá rách”. Bằng tình cảm thiêng liêng của một người mẹ, bà chỉ bảo tận tình những nếp ăn, nết ở, đặc biệt là tình yêu thương con người, lòng tự trọng và đức khiêm nhường. Còn cha cậu, ông Nguyễn Sinh Sắc, là một người nghiêm khắc mà độ lượng. Sớm nhận ra những điều đáng quý ở con mình, ông đã hết lòng “chú ý rèn cho Côn sớm phát triển thiên tư”. Bằng những câu chuyện, trong những chuyến đi, ông tâm niệm “phải tạc ngay vào tâm trí các con những bức tranh lịch sử bi tráng của quê hương, của đất nước ở cái thời mà ta chứng kiến, ta nghe, ta lượm lặt gom góp được” để khơi gợi ở con trẻ tình cảm và ý thức trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc.

 

     Nếu như trong Cha và con, Hồ Phương tập trung làm nổi bật vai trò, sự ảnh hưởng của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến quá trình hình thành nhân cách, hun đúc và phát huy những phẩm chất tốt đẹp nơi cậu bé Nguyễn Sinh Côn; thì Khúc hát những dòng sông, Nguyễn Thế Quang lại khắc họa hình ảnh người Mẹ vĩ đại - bà Hoàng Thị Loan trong hành trình dìu dắt, dạy dỗ người con yêu thương - cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến chân trời mới cùng những hiểu biết mới. Mỗi bước chân trên từng chặng đường mà ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan đã dìu dắt, nâng niu chính là trường học lớn, nơi ông bà sắm vai Người Thầy mẫu mực, sẵn sàng chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại, thậm chí cả tính mạng của mình để cho con những bài học quý giá, tự tin bước vào trường đời. Để rồi tất cả thấm dần và kết tinh thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cao đẹp, đặt nền móng vững chắc cho sự trưởng thành của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này. Rõ ràng, với Sơn Tùng, Hồ Phương và Nguyễn Thế Quang, vĩ nhân, ngoài những phẩm chất phi thường, siêu việt, còn là con người bằng xương bằng thịt, nơi tâm hồn, tính cách được kết tinh, tỏa sáng từ khí quyển thời đại, văn hóa truyền thống, tình làng nghĩa xóm và tình yêu thương, sự giáo dưỡng của gia đình.

 

     Trái tim quả đất (Sơn Tùng), Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng (Hoàng Quảng Yên), Hai ngày và mãi mãi (Cao Năm) là những điểm nhấn khác nhau trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà văn đã lựa chọn những thời điểm, gắn với các sự kiện, biến cố được cho là cam go, khó khăn nhất trong cuộc đời hoạt động của Người; qua đó thể hiện tài năng, bản lĩnh, ý chí phi thường vượt qua mọi thử thách, gian nguy, quyết tâm theo đuổi con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn.

 

      Với dung lượng gần 2000 trang, bộ ba tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh Trông vời cố quốc (tập 1), Mặt trời Pác Bó (tập 2), Giải phóng (tập 3) của Hoàng Quảng Yên đã tái hiện một chặng đường dài 43 năm từ khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trên Bến Nhà Rồng (1911) đến lúc đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp (1954). Trông vời cố quốc được chia thành 25 chương, mỗi chương gắn với những dấu mốc trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm (1911 - 1941). Tác phẩm mang lại cho người đọc cái nhìn toàn cảnh với những sự kiện, biến cố, bước ngoặt quan trọng nhất, kể cả những vấn đề nhạy cảm, khuất lấp. Hoàng Quảng Yên tập trung miêu tả mối quan hệ đặc biệt, phức tạp giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Châu Trinh và Trần Phú nhằm thể hiện bản lĩnh, tinh thần, ý chí, tấm lòng son của người cách mạng luôn đặt lợi ích Tổ quốc, lợi ích dân tộc lên đầu. Hành trình “đột nội” về cố quốc gian khó, hiểm nguy khi phong trào cách mạng trong nước đang dâng lên như sóng trào không chỉ thể hiện khát vọng hòa bình, ý chí kiên cường, nghị lực phi thường của vị lãnh tụ mà còn là nỗi lòng đau đáu của người con xa quê hương, nay tìm về với Đất Mẹ thân yêu. Sau khi “thoát hiểm” trong vòng vây của kẻ thù tại Hồng Kông, Hạ Môn, Thượng Hải, rồi cuộc “vạn lý trường chinh” để trở về cố quốc, khép lại tác phẩm là hình ảnh thiêng liêng, xúc động khi Người đứng ở biên giới trông về Tổ quốc: “Trước mắt là con đường dẫn về đất mẹ thân thương. Mảnh đất 30 năm xa cách. Bên kia dãy núi là quê hương. Nỗi mong chờ trở về Tổ quốc giờ đây đã không chỉ còn trong mơ ước. Việt Nam - đất mẹ thân yêu”.

 

     Mặt trời Pác BóGiải phóng là hai chặng đường quan trọng khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lấy bối cảnh là Chiến khu Việt Bắc, Mặt trời Pác Bó đã tái hiện những hoạt động của Người trong những năm 1941 - 1945, giai đoạn chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa 1945. Giải phóng lại khắc họa những sự kiện trọng đại của dân tộc: những ngày Cách mạng tháng Tám, thành lập Chính phủ lâm thời tại Tân Trào, rồi cuộc kháng chiến thần thánh kéo dài 9 năm. Cùng với Trái tim quả đất của Sơn Tùng, Mặt trời Pác BóGiải phóng của Hoàng Quảng Yên đã xây dựng thành công hình tượng Hồ Chí Minh - bậc đại trí đại dũng, một nhà lãnh đạo tài ba, nhà quân sự uyên thâm thấu suốt truyền thống lịch sử và cũng là một nhà văn hoá tiên phong đạo cốt giữa trận tiền.

 

     Hình tượng Bác Hồ - vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và tình cảm

     Sơn Tùng, Hồ Phương, Hoàng Quảng Yên, Nguyễn Thế Quang trong các tác phẩm của mình không chỉ cho thấy tài năng thiên phú, phẩm chất vĩ đại, ý chí phi thường của một vĩ nhân - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; mà còn khắc họa những chi tiết đời thường, riêng tư, bình dị - rất đời, rất người của Bác. Trong Búp sen xanhBông sen vàng, người đọc không khỏi phải bất ngờ, thú vị với hình ảnh cậu bé Côn “sáng dạ nhất đám học vỡ lòng. Mà cũng là đứa nô đùa nhất đám”. Với tính cách hiếu động, cậu luôn là người đầu têu trong những trò “nghịch trổ trời”: “trèo cau lấy bẹ để làm thuyền; trèo cây thị hái quả ương; leo lên hồi nhà tìm chim sẻ, sẩy chân giẫm lên bệ bát cổ của bà, làm vỡ một lúc chục cái đĩa bạc trúc hóa rồng”, rủ bạn trốn học đi câu cá, trêu chó sủa om sòm khiến hàng xóm đến nhà la mắng. Cậu luôn giữ nét thơ ngây, hồn nhiên, tinh nghịch trong những trò vui chọc cười cả nhà, đặc biệt là mẹ; làm nũng với cha; chọc tức chị gái, anh trai. Ở Côn toát lên sự giản dị, dễ gần, khiến người lớn lẫn trẻ nhỏ, ai cũng đều yêu quý. Thương trẻ, quý già, giàu lòng trắc ẩn, cậu bé Nguyễn Sinh Côn luôn xót thương, đồng cảm, giúp đỡ những cảnh đời, phận người hẩm hiu, bất hạnh, đau khổ. Cậu luôn tâm niệm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cùng phải giữ nếp nhà, sống tự trọng, có trước có sau; lễ phép, tôn trọng người bề trên, độ lượng, bênh vực kẻ yếu thế; biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Không chỉ hiếu thảo với bà, cha mẹ; thương yêu anh chị em hết mực; thật thà, tốt bụng với bạn bè; cậu còn hướng tình yêu vô bờ bến của mình đến vạn vật xung quanh. Bằng tấm chân tình, độ lượng, cậu bé Côn đã cảm hóa được những đứa trẻ hư; sau này khi trở thành chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, anh đã khai sáng những người phu thợ, hướng họ vào những việc làm có nghĩa.

 

     Các tác giả Hồ Phương (Cha và con), Nguyễn Thế Quang (Khúc hát những dòng sông) khám phá cái đời thường, gần gũi nơi tính cách và tâm hồn của một cậu bé ngây thơ, trong sáng. Trong Cha và con, người đọc không chỉ nhận thấy ở Côn những suy nghĩ chững chạc, những trăn trở vượt trước tuổi; mà còn là hình ảnh cậu Côn nghịch ngợm, lém lỉnh, trêu chọc các cô gái phường vải, biết nịnh bà để đùn việc nhà cho chị gái… Trong Khúc hát những dòng sông là hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung gần gũi, yêu thương mẹ hết mực. Trong lúc cha và anh đi vắng, cậu đã thay cha chăm sóc, đỡ đần lúc mẹ đau ốm, bệnh tật. Chính cậu tiếp thêm niềm tin, nguồn sống và sức mạnh để bà Hoàng Thị Loan vượt qua những nhọc nhằn trong cuộc sống, sự cô đơn, hiu quạnh và nỗi đau về thể xác.

 

     Những góc khuất thẳm sâu nơi tâm hồn, những giây phút suy tư trầm lặng, những mối quan hệ đời thường với gia đình, đồng chí, người dân, những tình cảm cá nhân riêng tư, thiêng liêng, không những không làm mất đi hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ trong tâm thức ngưỡng vọng, tự hào của người Việt; mà còn tôn lên nét gần gũi, thân thuộc, bình dị, đời thường của Người. Trong Búp sen xanh, Cha và con, bên cạnh việc khai thác hoài bão, lý tưởng, khát vọng cứu nước, cứu dân của chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành, các tác giả còn khắc họa những giây phút rất “đời”, rất “người”, khiến người đọc luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc, đời thường nơi Người.

 

     Đặt trong mối quan hệ đa chiều với dân tộc, nhân dân, với gia đình, quê hương, với học trò, người dân, với tình bạn, tình yêu…, các tác giả đã khai thác ở Người những phương diện nhân bản nhất của một con người. Ở đó có nỗi nhớ nhung, quyến luyến gia đình, đặc biệt là hình ảnh người mẹ thân thương luôn nặng trĩu trong từng bước chân, mỗi ý nghĩ của người con Nguyễn Tất Thành. Ở đó còn là những tình cảm rất tự nhiên của thầy giáo Nguyễn Tất Thành với các học trò thân thiết của mình. Đáng chú ý những rung động đầu đời của Phượng Quý (Cha và con), tình yêu đơn phương của Út Huệ, con gái ông già Đờn, ân nhân của Người (Búp xen xanh) dành cho người bạn học - chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Chi tiết Nguyễn Tất Thành từ biệt anh và cha, mong ngóng bước chân tiễn đưa của Phượng Quý (Cha và con); hay hình ảnh chia tay Út Huệ, người con gái miền Nam xinh đẹp, dịu dàng với gương mặt búp sen (Búp sen xanh) là những chi tiết gây xúc động cho người đọc. Với chàng thanh niên giàu tình cảm này, việc từ bỏ gia đình, hy sinh hạnh phúc vừa mới chớm nở thật sự không dễ dàng; song, chính điều này một lần nữa khẳng định ý chí của Người, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân.

 

     Hình ảnh vị lãnh tụ đời thường, bình dị được thể hiện sinh động, sắc nét trong Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng (Hoàng Quảng Yên), Trái tim quả đất (Sơn Tùng). Người hiện lên gần gũi, tự nhiên trong cách ăn mặc, nói năng, đi lại, trong cách phổ biến các chiến lược, quyết sách đến đồng bào, trong mối quan hệ thân tình với chiến sĩ. Những chi tiết đời thường ấy đã khắc họa chiều sâu tâm hồn, những xúc cảm vừa cao cả, vừa bình dị của Người. Cùng với đó, những giây phút thong dong câu cá, rong ngựa xuyên rừng; trò chuyện, đặt tên cho chiến sĩ; đi thuyền, làm thơ trên sông Đáy thơ mộng… đã phần nào thể hiện được vẻ đẹp ung dung, thanh thoát, thư thái trong tâm hồn người nghệ sĩ lớn.

 

     Với những cách thể hiện sáng tạo khác nhau, các nhà văn đã tạo dựng nên hình tượng Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ những dấu mốc trong quá trình hình thành nhân cách đến những bước đường hoạt động cách mạng trải dài suốt nửa đầu thế kỷ XX gắn với nhiều biến cố, sự kiện của dân tộc Việt Nam. Trên nền của bức tranh ấy, hình ảnh người lãnh tụ hiện lên chân thật, sinh động với tài năng, bản lĩnh, phẩm chất cùng vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm, tính cách. Người chính là kết tinh cho những giá trị cao quý nhất của tinh thần Việt, văn hóa Việt, con người Việt. Mỗi tác phẩm là những góc khác nhau trong cuộc đời, tính cách, số phận và sự nghiệp cách mạng vĩ đại nơi người con ưu tú của dân tộc Việt. Có thể nói, Hồ Chí Minh là một trong những hình tượng đẹp nhất, rực rỡ nhất, có sức lay động nhất mà nhiều thế hệ nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn đã xây dựng được.

 

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Nhận diện về truyện trinh thám Việt Nam (26/11/2019)
Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại (29/7/2019)
Nguyễn Văn Chức: Một nét riêng thơ (21/11/2018)
Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (11/10/2018)
Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ (3/10/2018)
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến nay (26/9/2018)
Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (12/9/2018)
Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (7/11/2017)
Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Việt Nam (19/10/2017)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ