Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Nghiên cứu phê bình

Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại


Ngày cập nhật: 12/09/2018 00:00:00

                 NGUYỄN VĂN HÙNG

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

(Nguyễn Du)

 

      Đời sống tâm linh - từ nhu cầu của con người đến chất liệu của văn học

     André Malraux, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng La Condition Humaine (Thân phận con người), ngay từ giữa thế kỷ XX đã tiên đoán “Khoa học của thế kỷ XXI phải là khoa học tâm linh, nếu không sẽ không làm gì còn khoa học nữa”. Thời điểm nhà văn người Pháp này đưa ra tiên đoán cũng chính là lúc cả nhân loại đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin vô cùng lớn sau hai cuộc thế chiến tàn khốc. Thậm chí có người đã tuyên bố “Chúa đã chết” (Friedrich Nietzche), “Lịch sử đã cáo chung” (Fredric Fukuyama) càng khiến cho thế giới trở nên hỗn độn, mất phương hướng, thiếu niềm tin. Hình ảnh con người buồn rầu, lo âu, bất an, lạc lõng xuất hiện thường trực trong các sáng tác của thế hệ nhà văn tiêu biểu cho thời Hiện đại (chớm sang thời Hậu hiện đại) như F.Kafka, A.Camus, J.P.Sartre, E.Hemingway, S.Beckett, E.Ionesco, J.Borges, G.Márquez… Hơn lúc nào hết, trong một thế giới thừa mứa vật chất, quá nhiều ham muốn, danh vọng, con người chợt nhận ra sự thiếu vắng một cội nguồn tâm linh, khiến cuộc sống của họ ngày càng trở nên bất hạnh và lạc lõng hơn. Và đây cũng chính là lúc thế giới chứng kiến hành trình tìm về với Đức tin ở bề rộng lẫn chiều sâu, nơi con người có thể đạt được cuộc sống cân bằng hơn, an lạc hơn, bao dung hơn, phong phú hơn.

 

     Ở Việt Nam, thuật ngữ “tâm linh” xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sau Đổi mới (1986), khi dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đang gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh, để đưa đất nước phát triển đi lên. Người Việt bây giờ không chỉ sống bằng chính trị mà phần lớn bằng quan hệ ở đời giữa con người với nhau, bằng đạo lý, văn hóa, phong tục, hướng tới những giá trị thuần khiết, thiêng liêng, cao cả được đút kết qua nhiều thế hệ. Lúc này họ tìm đến đời sống tâm linh như một sự che chở, vỗ về, xoa dịu những mất mát đau thương; nối kết cộng đồng, kiếm tìm sức mạnh quá khứ - hiện tại - tương lai để có thể vững tâm bước tiếp. Rõ ràng, một khi con người còn có nhu cầu sẻ chia, yêu thương, bảo an thì tâm linh sẽ trở thành “mối quan tâm tối hậu” nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhân văn ấy.

 

     Trong lĩnh vực văn học, nơi lưu giữ kết quả của quan niệm và cách ứng xử của con người trước thế giới, nơi văn hóa lên tiếng bằng ngôn ngữ, yếu tố tâm linh cùng những biểu hiện đa dạng của nó ngày càng thẩm thấu sâu sắc vào tâm thức, tư duy của người nghệ sĩ. Và kết quả là trong tiến trình hình thành và phát triển văn học nhân loại nói chung, văn học dân tộc Việt nói riêng, văn học và văn hóa tâm linh luôn có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Từ các câu chuyện truyền thuyết, thần thoại, những bài ca dao, dân ca trong văn học dân gian đến những tác phẩm văn học trung đại, hiện đại/ hậu hiện đại, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh con người gắn chặt với thế giới tâm linh.

 

     Sau 1986, trong không gian sáng tạo mới, được khuyến khích bởi tinh thần dân chủ, đổi mới, cùng ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, những chuyển biến trong thị hiếu tiếp nhận, giao lưu, tương tác đa chiều, đa phương của các nền văn hóa/ văn học trong kỷ nguyên toàn cầu hóa; tâm linh trở thành chất liệu mới, một thành tố nghệ thuật quan trọng trong tư duy của nhà văn. Sự xuất hiện đầy dụng ý của những yếu tố tâm linh trong các sáng tác của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều… ngày càng thu hút được sự quan tâm, đón đợi của người đọc. Một mặt, đó không chỉ là ảnh xạ của những vấn đề văn hóa, xã hội, khung tri thức, thẩm mỹ thời đại, mà còn là một trong những biểu hiện của sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ về thế giới và con người, làm nên dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết đương đại. Mặt khác, tâm linh được xem như là hiện tượng tự nhiên trong đời sống, nay được dùng làm chất liệu sáng tạo mới, mang lại những chân trời rộng mở cho chủ thể sáng tạo cũng như cộng đồng diễn giải. Ở phương diện chủ thể sáng tạo, nó biểu hiện sâu sắc sự thức tỉnh của cái tôi, góp phần làm biến đổi kỹ thuật tự sự, trong đó lối viết kỳ ảo hóa, huyền thoại hóa đã trở thành phương thức nghệ thuật đắc dụng để mỗi nhà văn thể hiện quan niệm về hiện thực và con người có chiều sâu của mình. Ở bình diện cộng đồng tiếp nhận, những biểu hiện của yếu tố tâm linh trong mỗi thành tố nghệ thuật càng kích thích trí tưởng tượng, giúp nuôi dưỡng tinh thần, thanh lọc tâm hồn, làm phong phú trí tuệ qua những tri nhận về những vùng đất bí ẩn mà khoa học chưa thể giải thích. 

 

     Trong hành trình truy tìm, khám phá “cõi đời”, “cõi người” vô cùng vô tận, các nhà văn đã thâm nhập vào ký ức và thực tại, cõi dương và cõi âm trong thế giới nhân sinh, vùng sáng và vùng tối, ý thức và vô thức trong tâm hồn con người, nơi ẩn chứa nguồn sức mạnh tâm linh, ngay cả lý trí lẫn sự phát triển của khoa học cũng không sao nhận diện và giải thích thấu đạt. Dấu ấn tâm linh thể hiện vô cùng phong phú trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Ở đây, chúng tôi tập trung làm rõ yếu tố tâm linh như một thành tố nghệ thuật có khả năng mở rộng biên độ phản ánh hiện thực và khám phá chiều sâu thế giới nội tâm con người.

 

     Chiều kích không gian - sự mở rộng biên độ phản ánh hiện thực

     Tâm linh là một hiện tượng văn hóa, là thực tại xã hội, tồn tại lâu dài và có tính chất phổ biến. Nó là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống trần thế, gắn với thế giới vô hình/ siêu hình: Thế giới của những điều chưa biết, kỳ bí, mông lung, dị thường; thế giới của những mơ ước, khát khao, tưởng tượng; thế giới của niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng; thế giới của những truyền thuyết và thần thoại dân gian. Khi văn học nhận thức và miêu tả những vùng đất tâm linh đa dạng ấy, đồng nghĩa với việc các nhà văn đã mở rộng khái niệm hiện thực do diễn ngôn tâm linh kiến tạo. Hiện thực không chỉ là hiện tượng có thể tri giác trực tiếp (mắt thấy, tai nghe, tay chạm) mà còn là tất cả những gì con người có thể linh giác theo cách thế giới đó được cảm nhận từ góc nhìn “bản thể” của nó.

 

     Nhiều tác phẩm trong giai đoạn này hướng tái hiện thế giới tâm linh trong đời sống tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo thiêng liêng. Một số nhà văn đã vẽ cho mình một nẻo đi riêng, làm nên một cuộc hành trình thú vị, kiếm tìm và giải mã đời sống văn hóa, tâm linh người Việt qua tín ngưỡng bản địa (Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh), qua những làn điệu dân ca ngọt ngào, những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa chứa chan nỗi đau thế thái nhân tình tự ngàn đời của dân tộc (Đất trời - Nam Dao, Đàn đáy - Trần Thu Hằng). Nhiều nhà văn đã tạo dựng không gian linh thiêng, màu nhiệm của tôn giáo với niềm tin cứu rỗi, thanh tẩy, cảm hóa, hướng thiện con người (Đội gạo lên chùa - Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái, Giàn thiêu - Võ Thị Hảo, Đêm hoàng đạo - Nguyễn Đình Chính, Ngược mặt trời - Nguyễn Một, Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng). Ở một nẻo đường khác, một số tác giả đã xây dựng những hình ảnh/ hình tượng/ biểu tượng có tính luận giải, đối thoại, “giải thiêng” triết thuyết và niềm tin tôn giáo: luật nhân - quả báo ứng, luân hồi của Phật giáo (Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Savitri và tôi - Hồ Anh Thái, Giàn thiêu - Võ Thị Hảo, Thoạt kỳ thủy, Người đi vắng - Nguyễn Bình Phương, Lời nguyền hai trăm năm - Khôi Vũ); mặc khải đức tin, mặc khải trừng phạt, mặc khải thánh thể, mặc khải bóng tối, khổ nạn và đức tin của Thiên Chúa giáo (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn - Nguyễn Việt Hà, Ngược mặt trời - Nguyễn Một, Ngày hoàng đạo - Nguyễn Đình Chính).

 

     Để thể hiện cảm quan mới về hiện thực, các nhà văn đã sử dụng những yếu tố kỳ ảo, quái đản, ma mị, bí ẩn, dị thường, hoang đường, phi lý mang đậm dấu ấn tâm linh như là một trong những cách thức tiếp cận, khám phá, luận giải hiện thực trong tính nhiều chiều, phức tạp của nó. Trong các tiểu thuyết của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Dương Hướng (Bến không chồng), Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Người đi vắng, Mình và họ), Đoàn Minh Phượng (Mưa ở kiếp sau), Tạ Duy Anh (Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột), Nguyễn Đình Chính (Ngày hoàng đạo), Thùy Dương (Nhân gian, Chân trần), Nguyễn Đình Tú (Xác phàm, Hoang tâm), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng), Nguyễn Quang Lập (Tình cát), Tô Hải Vân (Người thứ hai)… thế giới thực và ảo hòa quyện, nhiều khi khó tách bạch một cách rõ ràng, thực lồng ảo, ảo thấm thực. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) trong những giấc mơ tỉnh thức, đứt nối đã không ít lần nghe thấy những tiếng trò chuyện, đàn hát, những tiếng khóc, tiếng gọi nhau của đồng đội dội lên từ dưới tầng sâu của cánh rừng đại ngàn. Làng Đông trong Bến không chồng của Dương Hướng là không gian thực, tồn tại song song với không gian tâm linh được tạo nên trong các câu chuyện linh dị, hoang đường về “hồ mắt tiên”, ba ba thuồng luồng, con ma mắt đỏ... Vùng đất Linh Nham bí ẩn, dị thường, ma quái như một lớp trầm tích tích tụ hết đời này đến đời khác, luôn trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Cái làng suốt ngày chìm ngập trong mùi trầm tỏa ra từ ngôi miếu thờ hai đứa trẻ trong nôi do chính người chồng hóa thành của Dì Lãm, dưới gốc si già đêm đêm những hồn ma quay về, rì rầm tiếng nói chuyện, và thỉnh thoảng lại thấy một vài bộ xương hiện hình (Những đứa trẻ chết già); dòng sông Linh Nham đêm ngày gào thét, ma quái, thỉnh thoảng thấy được sao chổi, sự trở mình của ngọn đồi mang dáng hình con Nghê, bãi tha ma với những con đom đóm lập lòe dẫn theo những hồn người lẩn khuất, dưới lòng đất chất chứa những “hình nhân” ma quái, rùng rợn (Người đi vắng); tất cả báo hiệu một sự chuyển dịch, một vận động kín đáo, chất chứa uy lực mà con người không thể cưỡng lại nổi. Thế giới trong Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều là thế giới pha trộn đến quái đản giữa thực và mơ. Những hình ảnh, biểu tượng cùng mảng hiện thực mộng ảo, phi lý mang màu sắc tâm linh được khai thác trong tác phẩm đã mở ra không gian cho những suy tư triết học - nhân sinh của nhà văn về con người.

 

     Biên độ của hiện thực trong các sáng tác của các tiểu thuyết gia đương đại còn được mở rộng sang thế giới bên kia - thế giới của những linh hồn. Thế giới người đang sống và thế giới người đã chết có một mối quan hệ đặc biệt từ quan niệm “vạn vật hữu linh” và tính bất diệt của linh hồn người chết. Từ đó mở ra những không gian vô tận để mỗi nhà văn tiếp cận, chiếm lĩnh và khám phá. Cách trở âm dương (Vũ Huy Anh), Người sông Mê (Châu Diên), Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm, Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Ngày hoàng đạo (Nguyễn Đình Chính), Nhân gian, Chân trần (Thùy Dương), Tình cát (Nguyễn Quang Lập), Sương mù tháng Giêng (Uông Triều)… đã hé mở những bí ẩn của thế giới sau cái chết. Người chết chỉ có thân xác - “thể phách” là tan biến, còn linh hồn - “phần hồn” được tách ra và tiếp tục tồn tại trong thế giới siêu linh. Nhờ vào khả năng “thông linh”, con người có thể bước vào thế giới ấy, trò chuyện với các linh hồn.

 

     Nam trong Xác phàm, một cá thể không giới tính, một sinh thể phi tính dục, “một xác phàm không chứa đựng linh hồn” có một năng lực đặc biệt: thần thức, vong linh người cha đã nhập vào thân xác anh để kể về mười một ngày chiến đấu anh dũng của cha và đồng đội. Khi tìm được hài cốt của cha, thần thức người cha được giải thoát, Nam chỉ còn là xác phàm, và rồi đón nhận cái chết. Thông qua lối tự sự đa chủ thể, với ba giọng kể xưng “tôi”: “tôi” - linh hồn liệt sĩ Hoàng (người anh em song sinh với Hải), “tôi” - vợ Hải, và “tôi” - cô gái trẻ với lối sống hiện đại và hiện sinh, thế giới tâm linh trong Nhân gian mang màu sắc huyền bí, gắn với hành trình đi tìm mộ em trai của Hải. Chân trần tiếp nối mạch của Nhân gian, đi vào cõi sâu kín của phận người, lý giải những tấn bi kịch nhân sinh của đời người. Hai người đàn bà, một là nhà báo với cuộc sống hiện đại bộn bề, phức tạp, một là vợ ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi. Hai người hai thế hệ, hai hoàn cảnh, hai thế giới, chỉ duy có một sợi dây liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần kề về đường dây tâm linh. Như là tiền kiếp của nhau, nữ nhà báo “thông linh” với người vợ lẽ kia bằng những giấc mơ chắp nối, tái hiện trong tiềm thức cả một chiều dài tao loạn của thời đại, qua lịch sử thăng trầm của một dòng họ, sự đa đoan của một kiếp người. Họ đang cùng đi chân trần mong manh trong cõi thế bất an. “Vẫn biết đường trần vất vả. Vẫn biết đường trần gian nan”, dẫu vậy vẫn phải sống cho trọn đời người.

 

     Có thể nói, việc đưa những yếu tố tâm linh vào văn học, các tiểu thuyết gia đương đại đã thể hiện quan niệm thẩm mỹ mới về hiện thực. Hiện thực được mở ra vô tận ở bất kỳ nơi đâu mà trí tưởng tượng của con người có thể vươn tới được. Sự mở rộng biên độ chiếm lĩnh, khám phá hiện thực về phía tâm linh sẽ là tiền đề để văn học làm một cuộc hành trình lớn lao hơn, nhân văn hơn - hành trình khám phá chiều sâu bản thể, thế giới tâm hồn con người.

 

     Chiều kích bản thể - hành trình khám phá thế giới nội tâm con người

Nếu trong sáng tác giai đoạn trước, yếu tố tâm linh chỉ mang mục đích làm nổi bật “phẩm chất người”, thì đến giai đoạn này, nó đem lại “sự phong phú trong cấu trúc nhân cách nhân vật và góp phần xây dựng một quan niệm toàn diện về con người”(1). Với nỗ lực tiếp cận, giải mã “những con người khác nhau” bên trong một con người, tiểu thuyết đương đại đã mở rộng khả năng chiếm lĩnh thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, mới mẻ của con người bằng con đường trực giác, tâm linh.

 

     Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Uông Triều, Tô Hải Vân… trong các tác phẩm của mình đã làm nên những cuộc hành trình thăm dò tâm hồn con người ở bề sâu của những bí ẩn tâm linh, những góc khuất nơi tâm hồn, những trạng huống tâm lý - tâm linh phức tạp, nơi có sự giao tranh của vùng sáng và vùng tối, ý thức và vô thức, thực tại và hư ảo. Chính sự đan cài các yếu tố hữu thức và vô thức, logic và phi logic, trật tự và hỗn độn, tất yếu và ngẫu nhiên, giấc mơ và thực tại… khiến câu chuyện của các nhà văn như màn sương nhạt nhoà lúc ẩn lúc hiện trong cõi tâm linh đầy bí mật của nhân vật.

 

     Những giấc mơ, cơn mộng mị, những mặc cảm, ám ảnh thầm kín… của các nhân vật đã đưa người đọc chạm cõi thăm thẳm, âm u, bồng bềnh, mênh mang trong tâm hồn con người. Trong Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), xuất hiện liên tục những ám ảnh, giấc mơ vô thức của nhân vật chính - Hiếu. Đó là những giấc mơ - điềm báo, dự cảm: giấc mơ mạng nhện giăng quanh người anh trai, giấc mơ bị bắt trên đỉnh Tà Vần, giấc mơ anh trai đòi “mình” gặp bạn anh ở đền Ngũ Nhân; giấc mơ - ám ảnh: giấc mơ bị săn đuổi, giấc mơ về cái chết đau đớn của Vân Ly, giấc mơ chở anh trai lên đỉnh núi Tà Vần. Hầu như lúc nào các nhân vật của Nguyễn Bình Phương cũng có những giây phút đối diện với lòng mình để sám hối, tra vấn, để giãi bày, tâm sự, để đối thoại, thức nhận. Chính sự đồng hiện các bình diện tâm lí, tâm linh đã lý giải sâu sắc những ý nghĩ hiện sinh, những động cơ thầm kín trong cách hành xử của nhân vật.

 

     Trong khi đó, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Người sông Mê (Châu Diên), Người thứ hai (Tô Hải Vân), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Tưởng tượng và dấu vết (Uông Triều)… là những chuyến phiêu du hư ảo, vô định, không có điểm dừng trong thế giới tâm linh con người. Và khi tro bụi khám phá cõi tâm tư “mịt mù khói sương” của An Mi sau cái chết đột ngột của chồng. “Thiếu quê hương”, “mất nơi ở”, bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, trên những chuyến tàu và những cung đường không định trước, người đàn bà ấy đi “nhặt nhạnh lại mình”, trả lời cho câu hỏi “mình là ai?” trước khi chết. Nhân vật bước đi trong vô thức, mỗi bước chân trong những hành trình ngắn ngủi in dấu những suy tư mang tầm triết học về hư vô, về bản thể, về tồn tại, về cái chết, về tình yêu, về cội nguồn… Người thứ hai bắt đầu bằng cuộc hành trình giả tưởng của nhân vật “tôi” kiếm tìm “một chỗ đứng” trên chuyến tàu siêu hình, vừa thực vừa ảo. Song song với chuyến du hành trong môi trường “vật chất tối” ấy là chuyến tàu cuộc đời của Viễn, một trí thức trẻ, mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân với khát vọng sống và cống hiến. Không chỉ phơi trải cái ý thức hiện hữu, Viễn còn khám phá, phô diễn những ám ảnh vô thức, những ý nghĩ thầm kín, thành thật trong sâu thẳm tâm hồn mình. Suốt cả hành trình, anh vẫn day dứt, băn khoăn về một sức mạnh vô hình nào đó luôn kiểm soát mình, khiến anh không còn là mình nữa. Hai cuộc đời phân thân - một thực một hư ảo, tuy khởi hành trong những khoảng không gian và thời gian khác nhau, nhưng lại chung một mục đích - truy tìm bản thể để sống đúng với con người mình dù là trong thế giới tưởng tượng hay thế giới tâm/siêu linh. Nhân vật chính xưng “Tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết được khám phá như một phức thể của tính cách, tâm lý - tâm linh. Hành động không phải là bình diện chủ yếu, hàng đầu khi nhà văn khắc họa nhân vật này. Tác giả không chú tâm xây dựng nhân vật trên những mối quan hệ xã hội rộng lớn, với những mâu thuẫn, xung đột bên ngoài mà tập trung tái hiện một thế giới tâm lý - tâm linh đầy những hồi tưởng, dằn vặt, ẩn ức, mặc cảm, ám ảnh... Tác phẩm hiện ra như một bản khảo trạng nội tâm phức tạp, một “tiểu tự sự” về nội tâm và khát vọng cá nhân của con người. Cái vô tận của thế giới bên ngoài được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn.

 

     Hành trình kiếm tìm bản thể cũng chính là hành trình trở về với đức tin thiêng liêng - cội nguồn tâm linh, nhằm giải thoát con người khỏi những ám ảnh, mặc cảm cứ đeo đẳng, bám riết họ trong cuộc sống hiện tại (Kiên - Nỗi buồn chiến tranh, Khẩn - Ngồi, Hiếu - Mình và họ, Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông - Giàn thiêu, An Mi - Và khi tro bụi, “Anh” - Hoang tâm, bác sĩ Cần - Ngày hoàng đạo, Nguyễn Chạc - Ngược mặt trời, “Tôi” - Tưởng tượng và dấu vết, Trần Khánh Dư - Sương mù tháng Giêng, Viễn - Người thứ hai... ). Suối nguồn tâm linh cảm hóa, thanh lọc tâm hồn, cứu vớt họ khỏi nỗi buồn, sự lo âu, niềm cô đơn, hoang hoải, sự sa ngã và đọa lạc để vươn tới sự thanh sạch, đẹp đẽ, cao quý, thuần khiết, sáng láng của tâm hồn. Trở về với đức tin, khám phá ra những bí ẩn trong cuộc sống nội tâm, những góc khuất tâm hồn, mỗi cá nhân sẽ giữ được cá tính, bản sắc/bản ngã, sự cân bằng, hài hòa trong đời sống riêng giữa một thế giới hỗn độn, bấp bênh, khủng hoảng.

 

     Một khi những hiện tượng tâm linh (tín ngưỡng dân gian, đức tin tôn giáo, những hiện tượng bí ẩn, dị thường…) còn là một phần của cuộc sống, là chất liệu, nguồn cảm hứng trong các sáng tác văn học, thì con người (nhà văn và người đọc) còn có cơ hội tự soi mình, tự phản tỉnh để nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, để trải nghiệm, được sống trong nhiều chiều của hiện thực, với nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Tiếng nói tâm linh bao giờ cũng là tiếng nói hướng đạo, hướng thiện, hướng mỹ. Lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia tiếng nói ấy, các nhà văn đã thực hiện sứ mệnh cao cả ấy của tâm linh một cách mạnh mẽ, quyến rũ và trọn vẹn nhất.

………………………………………………………….

          (1) Xem thêm Nguyễn Thị Bình, Văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2012, tr.70.

 

 

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Nhận diện về truyện trinh thám Việt Nam (26/11/2019)
Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại (29/7/2019)
Nguyễn Văn Chức: Một nét riêng thơ (21/11/2018)
Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (11/10/2018)
Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ (3/10/2018)
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến nay (26/9/2018)
Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (12/9/2018)
Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (7/11/2017)
Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Việt Nam (19/10/2017)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ