Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Nghiên cứu phê bình

Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986


Ngày cập nhật: 07/11/2017 00:00:00

NGUYỄN VĂN HÙNG

 

                                         Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ

                                         Jacque Lacan

 

Bìa tiểu thuyết "Mẫu Thượng Ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh và
tập truyện ngắn "Dị hương" của Sương Nguyệt Minh

 

Chủ nghĩa Freud từ khi ra đời đã được xây dựng và phát triển theo nhiều xu hướng khác nhau. Tuy nhiên, điểm cốt lõi nhất được người sáng tác lẫn người nghiên cứu vận dụng vẫn là những lý thuyết về vô thức, tính dục và nhân cách. Ông và các đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc cách mạng quan trọng trong khoa học nhân tính. Nhờ đó, nhân loại hiểu hơn về cõi thẳm sâu của tâm hồn mình và dựa vào đó để khám phá, giải mã đời sống tâm linh. Nghiên cứu diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam là hướng tiếp cận vấn đề từ lý thuyết tính dục của Phân tâm học. Việc nghiên cứu này giúp chúng ta thấy được những chuyển động của diễn ngôn tự sự lịch sử, những cách tân quan niệm về con người, đồng thời làm sáng tỏ một trong những phương thức luận giải lịch sử, đối thoại văn hóa độc đáo của văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam giai đoạn sau năm 1986.

1. Khởi đi từ tiền đề xã hội, văn hóa, khung/trường tri thức thời đại đến những chuyển dịch động hình diễn ngôn tự sự

Đại thắng mùa xuân lịch sử 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đưa đến một chặng đường mới của nền văn học Việt Nam. Với nội lực phi thường, cả dân tộc lại thực hiện một cuộc vượt thoát táo bạo ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng để tạo tiền đề cho sự phát triển đi lên. Tinh thần “đổi mới”, “dân chủ” được Đại hội VI của Đảng đề xướng không những mang lại sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế mà còn kéo theo những chuyển biến về vấn đề tư tưởng, tâm lý xã hội và nhu cầu, thị hiếu của công chúng.

Quyết định “mở cửa”, “cởi trói” có những tác động hết sức lớn lao đến đời sống xã hội, kích thích những cải cách kinh tế, khơi dậy những suy nghĩ mới, những tìm tòi, sáng tạo trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Sự xóa bỏ bao cấp về tư tưởng, không khí dân chủ mở rộng, làn gió mới tiến bộ từ bên ngoài tràn vào đã đánh thức ý thức về cá nhân, cá tính trong mỗi con người, đặc biệt trong những nghệ sĩ vốn có sẵn tố chất nhạy cảm. Tinh thần này trở thành nhu cầu đổi mới tự thân trong lĩnh vực văn chương. Quan sát sự vận động của văn học Việt Nam từ sau 1975, chúng ta dễ dàng nhận thấy lĩnh vực văn xuôi có nhiều sự biến đổi mạnh mẽ và quyết liệt. Có thể nói, trong lịch sử văn học dân tộc, chưa bao giờ văn xuôi, đặc biệt là văn xuôi hư cấu lịch sử chiếm địa vị thống trị văn đàn như vậy. Hầu hết những hiện tượng mới lạ lôi kéo sự chú ý của dư luận với những tranh cãi trái chiều, những luận bàn không ngớt, những diễn biến phức tạp và bất ngờ của quá trình tiếp nhận văn học… chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực này.

Tinh thần đổi mới đã truyền được cảm hứng cho những khát khao của người nghệ sĩ thăng hoa thành tác phẩm nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ. Từ sự chuyển đổi hệ hình ý thức nhà văn gắn với nhiều đổi mới quan niệm trong mối quan hệ văn học - hiện thực, nhà văn - công chúng, nhà văn - chính mình đã làm nên những bước chuyển mình cho văn học dân tộc. Trong tình hình chung của sự “phục hưng” thể loại, văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 cũng đang làm cuộc chuyển mình với sự thay đổi trong nguyên tắc cảm nhận thế giới và con người, đề xuất quan niệm thẩm mỹ mới về lịch sử và thể loại văn xuôi hư cấu lịch sử, tìm tòi, thể nghiệm tư duy, phương thức tự sự lịch sử gắn với tinh thần hiện đại/hậu hiện đại và giá trị nhân văn sâu sắc.

Lịch sử và diễn giải lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là khi có một độ lùi nhất định về thời gian và con người có nhu cầu nhận thức lại, “định giá lại” lịch sử. Sự diễn giải ấy bao hàm thái độ, ứng xử và đặc biệt là sự lựa chọn cá nhân hay cộng đồng trước những di sản của quá khứ. Sự phát triển của khoa học, đặc biệt là vật lý học, đã cho thấy sự vật có thể mang những đặc tính hoàn toàn trái ngược nhau, như lưỡng tính sóng - hạt của ánh sáng. Chính vì thế, Niels Bohr, một  trong những nhà vật lý học vĩ đại của thế kỷ XX, đã phải thốt lên rằng: “Đối lập là bổ trợ”. Điều này có  nghĩa, những diễn giải đối lập nhau không phải là để triệt tiêu nhau, mà bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức đúng của chúng ta về sự vật, tức càng giúp chúng ta tiến gần sự thật. Các góc nhìn càng phong phú thì cơ hội tiếp cận chân lý càng nhiều. Bởi thế, cần phải chấp nhận một sự thật rằng, mọi diễn giải đều bình đẳng như nhau, miễn sao chúng được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử. Trên thực tế vẫn tồn tại quan niệm về “sự diễn giải lịch sử chính thống” duy nhất đúng, lấn át, chi phối những diễn giải khác. Nó tạo nên sự độc quyền về tiếng nói, về chủ thể phát ngôn, về chân lý tuyệt đối trong phán xét lịch sử. Tuy nhiên, với tinh thần dân chủ, bình đẳng, người ta dần quen sự tồn tại cùng lúc nhiều tiếng nói, nhiều cách nhìn khác nhau.

Với cái nhìn nhiều chiều về thế giới và con người, nhiều vấn đề trong cuộc sống và nhân sinh tưởng chừng như là những chân lý tuyệt đối, xác tín, hiển nhiên thì nay được lật xới lại, soi rọi dưới nhiều giác độ khác nhau. Cái nhìn về nó không còn là sự đơn phiến, một chiều nữa mà là cái nhìn đa chiều, xoay chiều, thậm chí là ngược chiều, ngược sáng. Văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 cũng mang những đặc trưng đó của tinh thần tiểu thuyết. Đó thật sự là một quá trình chuyển đổi hệ hình tư duy về lịch sử của các nhà văn. Sự vận động ấy diễn ra trước hết và cũng là quan trọng nhất ở bình diện diễn ngôn văn học về lịch sử. Một mặt nó thể hiện sự đổi mới tự thân của văn học, mặt khác nó lại chịu sự chi phối của một cơ chế/thiết chế văn hóa - xã hội và khung tri thức thời đại. Bởi diễn ngôn gắn liền với tư duy và cao hơn là tư tưởng, nó chịu sự ràng buộc của các hình thái ý thức xã hội như triết học, văn hóa, chính trị, thẩm m

Ra đời và gắn bó với vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn cách mạng, diễn ngôn trong văn xuôi hư cấu lịch sử trước năm 1986 chịu sự chi phối chung của trường tri thức thời đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý thức dân tộc đã được nâng lên thành ý thức hệ giai cấp, được soi sáng bởi đường lối cách mạng. Vì vậy, diễn ngôn trong văn chương giai đoạn này chủ yếu là diễn ngôn cách mạng, diễn ngôn dân tộc gắn liền với giai cấp. Yếu tố đời tư, cuộc sống riêng của mỗi người ít được quan tâm chú ý, mà được tập trung cho lý tưởng, quan điểm cách mạng. Phạm trù cái bi nhường chỗ cho cái hùng, cái tầm thường, nhỏ bé được thay thế bởi cái cao cả, lớn lao. Đi cùng với cảm thức ngợi ca truyền thống, tôn vinh các anh hùng, danh nhân của dân tộc là diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng. Điều này đã ảnh hưởng đến cách thức lựa chọn, xử lý chất liệu cũng như cách thức xây dựng nhân vật lịch sử của các nhà văn. Sáng tạo về đề tài lịch sử giai đoạn này tập trung vào tái hiện những thời điểm vinh quang, khắc họa vẻ đẹp bi hùng, bi tráng và gửi vào lịch sử sức mạnh cổ vũ, tuyên truyền, giáo dục.

Sau năm 1975, đặc biệt sau thời k Đổi mới, khi ý thức cá nhân được khai phóng cùng lời kêu gọi “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật” của Đảng, văn xuôi hư cấu lịch sử đã mang một hình hài mới. Không chịu nhiều áp lực, bó buộc vào sự kiện, nhà văn đã được “cởi trói” trong tư tưởng, tự do trong sáng tạo bằng những thể nghiệm, cách tân mang tính đột phá. Lịch sử chỉ là cái cớ, là phương tiện để các tác giả trình bày những suy tư, trăn trở của mình về thế giới nhân sinh vốn bề bộn, ngổn ngang, đa chiều. Ở một phương diện nào đó, chính diễn ngôn văn học với việc kiến tạo ra thế giới quan mới đã có khả năng thay đổi thói quen cảm nhận và đánh giá về thế giới của người đọc. Diễn ngôn văn học tìm cách tạo ra ý nghĩa mới về sự vật, đem lại cho con người cách nhìn mới về thế giới và nhân sinh.

Khám phá sự vận động của diễn ngôn trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau 1986, chúng tôi thấy có sự dịch chuyển động hình diễn ngôn so với tiểu thuyết lịch sử trong những giai đoạn trước đó: Từ diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng sang diễn ngôn mang tính giả định, phân tích, giải thiêng, từ diễn ngôn dân tộc, đạo lý, giai cấp sang diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn, từ diễn ngôn lịch sử - đấu tranh sang diễn ngôn lịch sử - văn hóa phong tục… Song song với quá trình đó là sự hoán đổi chủ thể của diễn ngôn: từ vị thế con người, chủ nhân của lịch sử đến con người, nạn nhân nhỏ bé mang bi kịch và hệ lụy lịch sử; từ vị thế con người bị giới hạn bởi kinh nghiệm cộng đồng đến con người thụ hưởng, đối thoại, đánh giá lại lịch sử bằng suy tư, cảm thụ cá nhân.

Vậy là, từ làn gió đổi mới và tinh thần dân chủ của xã hội, văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại đang có sự vận động không ngừng vừa theo kịp với thế giới đồng thời khẳng định được bản sắc riêng của mình. Xuất hiện ngày càng nhiều các phong cách, xu hướng bên cạnh những đổi mới trong quan niệm về thể loại, về vai trò của nhà văn, về nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết. Đây chính là những tiền đề quan trọng để các nhà văn kiến tạo quan niệm mới về con người và tìm tòi, thể nghiệm những phương thức tự sự lịch sử độc đáo.

2. Diễn ngôn tính dục như là phương thức kiến tạo quan niệm mới về con người

Văn học nói chung và văn xuôi hư cấu lịch sử trước 1975 nói riêng phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nó không thể không chịu sự chi phối của những quy luật bất thường. Theo sát nhiệm vụ chính trị, tự ý thức mình như một vũ khí tư tưởng, văn học tập trung mọi cố gắng vào việc giáo dục, đào tạo, xây dựng “con người mới”. Nhà văn thông qua con người và số phận của nó để hình dung lịch sử, con người trở thành phương tiện khám phá lịch sử. Sự ưu tiên cho lịch sử, cho phương diện cộng đồng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cách mạng và tâm lý thời đại. Văn học giai đoạn này chú ý biến cố lịch sử hơn là quan tâm đến con người, coi trọng con người tập thể, con người của sự nghiệp chung hơn là con người cá nhân với những vấn đề riêng tư, đời thường của nó. Quay về quá khứ, nối kết thực tại, bằng cảm hứng dân tộc và thời đại, nhiều tác phẩm ngợi ca nhiệt tình đối với cuộc kháng chiến thần thánh, chiêm bái những vị anh hùng dân tộc nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh quốc gia.

Đến thời kì Đổi mới, trong xu hướng dân chủ hóa và tự do sáng tác, lĩnh vực thể loại văn học lịch sử bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học nước nhà. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người” (Vương Trí Nhàn). Lịch sử trong văn xuôi lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng cái nhìn triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi phải nhận thức lại mọi điều. Nó muốn là một nhân cách, một nhân vị không bị hòa tan vào môi trường sống, được phát huy tận độ những “năng lực người”, “bản thể người” của mình, được quyền tự mình định đoạt cuộc sống cá nhân. Con người của văn xuôi hư cấu lịch sử đương đại được nhìn nhận, khám phá trong muôn vàn mối quan hệ đời tư, thế sự, khiến nhân vật trở nên gần gũi, đời thường hơn bao giờ hết. Ngoài những suy tư, trăn trở về số phận con người trong các cuộc biến thiên lịch sử, nhà văn còn “giả/giải lịch sử”, soi rọi nhân vật dưới tọa độ đời tư -  thế sự - nhân văn làm nên hệ chủ đề trong các hư cấu tự sự lịch sử của mình: khát vọng tự do, tình yêu đôi lứa, dục vọng bản năng...  Những khát vọng mang tính nhân bản có tầm phổ quát này đã đem lại sức ám ảnh/sự quyến rũ khôn nguôi cho nhiều tác phẩm giai đoạn này.

Văn xuôi viết về lịch sử sau năm 1986 có nhiều tác phẩm khai thác vấn đề bản năng tính dục như là cách thức để nhà văn khám phá sự đa chiều, đa diện về con người. Dục tính tồn tại hiển nhiên trong mỗi người là yếu tố quan trọng làm nên bản thể. Nó cho con người những giây phút sống đích thực là mình với những rung động và thăng hoa cảm xúc. Đó là mục đích văn hóa cao cả của “chuyển dịch libido (libido - displacement’s) như quan niệm của Freud: “Loài người đã từng ra sức vứt bỏ những xung động nguyên thủy, để sáng tạo ra nền văn hóa, mà văn hóa sở dĩ được cải tạo không ngừng cũng là do mọi cá nhân bao đời tham gia vào sinh hoạt xã hội, tiếp tục hy sinh sự hưởng thụ bản năng vì lợi ích của cộng đồng. Những xung động bản năng mà nó lợi dụng thì bản năng tính dục là quan trọng nhất. Do đó, tính lực tình dục sẽ được thăng hoa, có nghĩa là, nó sẽ khơi mục tiêu của tình dục để chuyển sang mục tiêu xã hội cao cả” [5, tr.98].

Lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay chịu ảnh hưởng khá nhiều của ý thức hệ Nho giáo lấy phần dương, nam tính làm trung tâm, nữ tính thường bị gạt bỏ hoặc gọt giũa cho vừa khuôn mẫu, với những chẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” mà diễn ngôn nam giới đã áp đặt. Vẻ đẹp tính nữ vĩnh hằng, vẻ đẹp của tự nhiên, bản năng sống của người phụ nữ chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Việc tìm hiểu về diễn ngôn tính dục trong văn học nói chung và trong văn xuôi hư cấu lịch sử nói riêng giúp chúng ta nhận thấy những nguyên nhân chiều sâu trong việc kiến tạo nên những quan niệm, nguyên tắc mới trong nhìn nhận con người ở từng thời đại [8].

Nhiều nhà văn trong giai đoạn này đã miêu tả nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ bằng vẻ đẹp thân thể, gợi tình, giàu nữ tính. Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Đỗ Trọng Khơi, Trần Vũ, Sương Nguyệt Minh… đã không ngần ngại sử dụng chất liệu như đôi vú, lưng, làn da, mông, đùi… để kiến tạo nên ngôn ngữ của thân xác. Đến lượt nó, thân xác lại giúp mỗi cá nhân sống và nếm trải sự sống ấy trong cuộc đời theo một cách thế riêng của nó. Trong Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đặc biệt quan tâm đến vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ thông qua hình ảnh đôi vú và làn da. Đôi vú như một biểu tượng cho vẻ đẹp mỡ màng, phồn sinh phồn thực của người phụ nữ được nhắc đi nhắc lại mỗi khi miêu tả về người phụ nữ: đôi vú thây lẩy, đôi vú rất to của Mùi; đôi vú thổn thện, đôi vú ấm giỏ rõ to của cô Ngơ; đôi vú trắng, đôi vú nở nang của thím Pháo; đôi vú chum chúm núm cau của Nhụ; đôi vú xinh xinh và ấm áp, cái vú mềm mại và bóng mượt của bà ba Váy… Trong Giàn thiêu, vẻ đẹp của Ngạn La được Võ Thị Hảo miêu tả như vẻ đẹp hoang sơ, đầy sự mê hoặc với “đôi vú mới nhú như nửa vầng trăng với hai đầu vú nhỏ ương ngạnh và kiêu hãnh. Xa xôi dưới kia cũng mượt mà và chảy tràn như lụa là cặp đùi và đôi chân thon dài” và đặc biệt là chiếc rốn nhỏ màu chu sa của nàng là “mơ ước muôn đời của các bậc đế vương. Hàng trăm năm mới có một người đàn bà như thế. Người đó sẽ là niềm khoái lạc vô tận và đem lại may mắn cho ngôi báu”. Còn Lụa (Thế k bị mất) được Phạm Ngọc Cảnh Nam phác họa đầy sức khêu gợi với nước da trắng ngà, cặp mắt đen láy ánh lên nồng nàn và đặc biệt hai bầu vú trắng hồng thiết tha mời gọi. Hay Trần Thị (Gia phả - Trần Vũ) kiêu hãnh với vẻ đẹp “thịt da trắng ngần trong trẻo, vuông ngực trần mơn mởn, đầu vú nhọn nhú lên xuôi mềm mại tròn trĩnh trắng muốt”. Tấm thân nàng Trầm Nga (Hành trạng tâm linh - Đỗ Trọng Khơi) như “một dòng tuyết chảy từ cái cổ dài tràn xuống gót chân”, trong tà áo lụa mỏng như sương dát, tấm thân nhìn thấp thoáng, mờ tỏ như mời gọi, đánh thức đàn ông tính của Tuệ Trung. Đôi mắt ướt đa tình của người đàn trẻ không cười vừa như là sự thách đố vừa quyến rũ mê hồn Katsu, chàng chiến binh Nhật kiêu hãnh, đa nghi (Đôi mắt Đông Hoàng - Uông Triều). Mùi hương da thịt con gái đang hứng tình nồng nàn trộn lẫn mùi bạch lan đài các và cỏ thi dân dã quý hiếm của Ngọc Bình công chúa khiến cho Nguyễn Ánh ngẩn ngơ, động lòng xuân tình (Dị hương - Sương Nguyệt Minh). Văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 đã kiến tạo nên trường ngôn ngữ của thân xác. Nhìn lại tiến trình vận động cũng như những ràng buộc của văn học về đề tài lịch sử từ trước đến nay, vấn đề này có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong quan niệm về “thân”. Khi “thân” cất tiếng nói đầy kiêu hãnh giới cũng là lúc nhà văn đối thoại lại với quan niệm truyền thống khinh miệt thân xác, xem thân xác là “bể chứa” tầm thường của linh hồn thanh cao.

Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp thân thể người phụ nữ, các nhà văn trong nỗ lực nhận diện về con người một cách thành thực, trần trụi, không tô vẽ; con người như chính sự tồn tại phức tạp trong đời sống đã đi sâu khám phá khát vọng bản năng tính dục của nó. Khao khát dục tình đã cho phép nhiều nhà văn thám hiểm về con người trong khía cạnh tự nhiên, bản năng và nhân bản nhất của nó. Trong Thế k bị mất, Phạm Ngọc Cảnh Nam vừa miêu tả Lụa với vẻ đẹp đằm thắm, đậm đà như “trái mít chín ai bỏ quên giữa đường”, vừa khai thác tinh tế những rung động thầm kín, thẳm sâu của người đàn bà. Một lần lở dở với gã lực điền, hai lần bị cưỡng hiếp (quan Tây và Cửu Nghi) càng khơi dậy và khẳng định bản năng tình dục rất mạnh mẽ ở cô. Cô lao vào cuộc tình với Cả Hinh bằng tất cả tuổi xuân thì của mình. Và rồi, khi người tình bỏ đi, người chồng bạc nhược, cô lại buông thả mình trong cuộc phiêu lưu tình ái để trải nghiệm sự đam mê cám dỗ lẫn sự trống rỗng, đắng cay tột cùng với thằng Củng, người đầy tớ của chồng: “Như một đống lửa bị gió thổi cháy bùng lên, Lụa quằn quại, hừng hực trong cơn khao khát. Nàng rên ư ử, vừa hấp tấp uống cạn đến giọt cuối cùng niềm đê mê đau đớn. Rồi bỗng nhiên trong đôi tay săn cứng của nó, Lụa không kìm được những giọt nước mắt cay xè hạnh phúc. Những giọt nước mắt làm nóng bỏng khuôn mặt thằng Củng khiến nó bối rối buông lỏng nàng ra. Nhưng lập tức, Lụa đã vội ôm chặt nó lại như sợ vuột mất. Đôi tay nàng mềm mại đầy ắp sự ân cần dịu dàng, và hơn thế nữa, đầy ắp lòng biết ơn mênh mông. Nàng háo hức dúi mặt vào khuôn ngực vạm vỡ của nó mà hít lấy hít để mùi da thịt hăng nồng, tựa hồ như sẽ không bao giờ có được lần nữa. Đêm như kéo dài vô tận…”.

Trong các giai thoại dân gian và cả những sáng tác hiện đại, Thị Lộ hiện lên như một người tâm đầu ý hợp với Nguyễn Trãi, một người chia sẻ đến tận cùng những cảm xúc kể cả nhưng suy tư, trăn trở về quốc mệnh và dân sinh. Nhưng trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã đưa nhân vật này trở về với kích cỡ của một người đàn bà bình thường, với những đòi hỏi, khát khao và cả những ước mơ rất đỗi đời thường: “Nàng hiểu ông nhưng ông thì không hiểu nàng. Ông luôn quên nàng là vợ ông nơi quân thứ. Nàng chỉ muốn là vợ ông chứ không phải là một mưu sĩ… Sau bảy đêm thao thức, nàng tưởng vỡ tim khi thấy chồng bước lên lầu trong đêm, vậy mà không một câu hỏi han, không một cử chỉ âu yếm, ông ấy đã lại lôi nàng vào trận cuồng phong của chinh chiến, trong khi nàng sửa soạn rượu tẩy trần và chỉ mong được chồng kéo lên giường”.

Là tiếng gọi thẳm sâu từ cõi vô thức nguyên sơ, cái tôi tưởng chừng như đã hiểu hết về mình đôi khi lại trở thành một bản thể xa lạ với chính mình. Trầm Nga (Hành trạng tâm linh - Đỗ Trọng Khơi), một thục nữ tuyệt sắc, thông minh, đoan chính, sẵn sàng chấp nhận mọi lời dị nghị về phẩm giá, đạo hạnh của mình, nhận lời mẹ của Tuệ Trung lên núi tìm cách đưa chàng về cõi tục. Một bẫy tình được giăng mắc khá tinh vi trên chốn cửa thiền vắng vẻ với sự cộng hưởng của vũ trụ mênh mang, nàng tìm cách đánh thức bản năng đàn ông của Tuệ Trung. Bằng sự thông tuệ, nhạy cảm và vẻ đẹp vừa kín đáo vừa tràn đầy sức sống, bẫy tình đầy lí trí kia nhiều khi biến thành những khát khao mãnh liệt của bản năng mà nàng không thể kiềm tỏa. Cứ thế những cảm thụ sắc dục vừa hiện hữu vừa mờ đục cứ cuốn nàng vào chính trò chơi tình ái của mình: “Trầm Nga đứng thẳng trên giường, từ từ cởi bỏ chăn và cởi từng dải áo. Cuối cùng tấm áo lụa hồng trên thân thể nàng cũng được cởi bỏ để lộ ra một tấm thân đầy đặn, trắng như tuyết […]. Rồi tự tin, kiêu hãnh, tinh khiết, nàng bước lại đưa tay cởi áo tơi của Tuệ Trung ra và quằng đôi tay trần lên hai vai Tuệ Trung, miệng thì nở như hoa, mắt ngời như ngọc”.

Miêu tả những hành vi dục tính, các nhà văn đã tìm cho mình một “mật mã” để khơi mở những góc khuất bí ẩn trong đời sống tâm lý con người. Những tiết đoạn tính giao được Võ Thị Hảo, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nam Dao miêu tả tinh tế, đầy tính ước lệ, tượng trưng. Với các tác giả đây như là phương thức hữu hiệu tiếp cận, khai thác con người bản năng, vô thức, qua đó lý giải những “vết hằn” trong cuộc đời mỗi con người. Trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), lần ái ân duy nhất với Nhuệ Anh trên con đường hành cước đã ám ảnh suốt một đời về khát vọng không thỏa của Từ Lộ, để rồi cứ “khát” và “nhớ” một điều gì đó vô hình. Sự hiến dâng trinh tiết của Xuyến (Đất trời  - Nam Dao) cùng những đêm nồng nàn tình tự như một điểm tựa bình yên cho Nguyễn Trãi trong những ngày sóng gió ở thành Đông Quan. Cảm giác nhục thể có được từ kinh nghiệm tình dục ban sơ cùng nỗi ám ảnh, mặc cảm tội lỗi khi vô tình gây ra cái chết tức tưởi của người tình nhỏ bé tội nghiệp đã trở thành nỗi đau thầm kín trong tâm thức Nguyễn Trãi ngay cả khi ở đỉnh cao của sự nghiệp và gặp được tri âm tri kỉ Thị Lộ. Vậy là, qua tiểu thuyết của mình, Nam Dao đã đưa vĩ nhân lịch sử Nguyễn Trãi trở lại chiều kích Con Người bằng việc khai thác ở vị Thái Sơn Bắc Đẩu của làng Nho Việt Nam này một trong những phương diện nhân bản nhất của con người - con người đời tư và con người tính dục.

Một khi tình dục được xem là thiên tính luôn hiện hữu và đợi chờ được đánh thức thì những rung động trước sắc dục trở thành một khía cạnh của đời sống nhân sinh có tầm phổ quát. Điều đó giải thích vì sao tình dục không còn là phạm trù cái tục để phải né tránh, nhất là đối với những thần tượng của dân tộc. Trong truyện ngắn về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, mặc dù không có những trường đoạn dài miêu tả chi tiết đời sống tính dục của nhân vật, nhưng chỉ cần một vài chi tiết đặc tả thoáng qua, nhà văn đã phục dựng chân dung nhân vật vô cùng chân thực, sinh động. Trước sắc đẹp của Ngô Thị Vinh Hoa (Phẩm tiết), vua Quang Trung “thốt nhiên rùng mình, hoa mắt đánh rơi cốc rượu quý cầm tay”. Còn Gia Long trước cảnh nàng bị trói không một mảnh vải che thân thì “bỗng nhiên xây xẩm mặt mày… Nhà vua thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi”. Nguyễn Trãi (Nguyễn Thị Lộ) cảm nhận được sự nhỏ bé, yếu ớt, thanh sạch, tận hiến của Nguyễn Thị Lộ trong đêm nàng trao thân cho ông với một lòng biết ơn vô hạn, một niềm an ủi, khỏa lấp cho những trống trải, cô đơn, đưa ông về với bản ngã nguyên sơ của mình. Tình yêu, dục cảm chính là kết tinh của niềm khao khát được sống thành thật, không che dấu với những gì mình có. Tiếng nói của bản năng con người tự nhiên trở thành tiếng nói thiêng liêng và sâu thẳm nhất, khiến các nhân vật lịch sử “trở mình” sống lại và hơn nữa, được sống Như-Là-Chính-Mình.

Rõ là tính dục đã trở thành mẫu số chung, là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn trong quá trình tiếp cận, miêu tả và nhận diện trọn vẹn con người. Quan niệm về tình dục như một thiên tính tự nhiên, con người như là một sản phẩm của tự nhiên đã giúp cho nhà văn có cái nhìn chân thực hơn, “người” hơn và theo đó, cách đánh giá cũng độ lượng hơn, giàu tính nhân bản hơn.

3. Diễn ngôn tính dục như là phương thức luận giải lịch sử, đối thoại văn hóa

Với ý thức đòi quyền bình đẳng giữa cảm nhận cá nhân bên cạnh kinh nghiệm cộng đồng, văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 đã cung cấp cho người đọc thêm nhiều điểm nhìn mới về một sự kiện, một nhân vật quen thuộc. Lịch sử và con người không chỉ được tái hiện một cách “trung thực”, “chân xác” trên bề mặt các sự kiện mà còn được soi chiếu, luận giải ở nhiều góc nhìn, ở các “bề sau, bề sâu, bề xa”. Những vùng sự thật ở phía “góc che khuất”, ở khu vực “thâm cung bí sử” của lịch sử được đặc biệt quan tâm, những bí ẩn và xung đột của lịch sử được phân tích, để rồi lịch sử được ngưng tụ ở chiều sâu số phận cá nhân. Lúc này, tiểu thuyết lịch sử trở thành ấn tượng và suy tư cá nhân, cá nhân trở thành trung tâm của tự sự lịch sử.

Để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, nhà văn đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để nhân vật đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, hữu thức và vô thức, nhằm tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”. Trong Giàn thiêu, với việc dịch chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật cùng nhiều tiết đoạn độc thoại nội tâm, Võ Thị Hảo đã đưa ra những “giả thuyết” mới mẻ về nhân vật lịch sử và cũng là nhân vật huyền thoại tôn giáo - Từ Đạo Hạnh. Nhân vật hiện lên với sự đa diện, phức tạp trong tính cách. Khi đã đạt đến đỉnh vinh hoa cùng sự ngưỡng vọng, tôn thờ của mọi người, con người dục vọng trong Từ chưa bao giờ ngủ yên: “Ta đã thọ “Bát quan giới trai” một cách khá dễ dàng so với nhiều người, nhưng có thật tận trong lòng không mơ ước lầu son gác tía và không luôn mường tượng lại hình bóng Nhuệ Anh cùng lần ân ái duy nhất trong đời cùng nàng?”. Ngọn lửa sắc dục luôn thiêu đốt ông từng đêm, con rắn độc phiền não luôn chực chờ thức dậy để vò xé, làm khổ ông. Để rồi thiền sư quyết định bỏ rơi đệ tử, đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, chờ đợi mười hai năm sau trở thành hoàng đế Thần Tông. Đọc Giàn thiêu, độc giả như đứng trước một thế giới va đập bạo liệt giữa thiện và ác, tốt và xấu, phẩm chất và dục vọng. Trong thế giới ấy vang lên những thông điệp về tình yêu và khát vọng tự do; sự trường tồn bất tử của sự thật trước bạo lực và cường quyền; những đau đớn, yêu thương và lầm lạc của kiếp người. Suy cho cùng, lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn triển khai những băn khoăn, trăn trở về thân phận con người và luận giải những vấn đề nhân sinh có tầm phổ quát.

Miêu tả tính dục, đưa nó vào nhãn quan văn hóa và nhân văn, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khắc Phục… đã đối thoại nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa và luận giải tấn bi kịch của con người trong quá khứ. Trong Dị hương, Sương Nguyệt Minh qua bộ ba Nguyễn Ánh - Ngọc Bình - Trần Huy Sán đã luận giải hai vấn đề: (1) cái đẹp trong sự kiềm tỏa, bao vây, trấn áp của chiến tranh (lúc này đồng nghĩa với cái ác); (2) thân phận của bậc kì tài sinh bất phùng thời, suốt một đời mải mê đi tìm cái đẹp, khát vọng lập công danh nhưng không tìm thấy minh chủ xứng đáng. Nhà văn đã dày công miêu tả những tiết đoạn giao hoan của Nguyễn Ánh và Ngọc Bình gắn với nhiều chi tiết k ảo, hoang đường. Vẻ đẹp long lanh, sắc nước nghiêng trời, mùi hương quyến rũ, ma mị của Ngọc Bình bị tà khí của Nguyễn Ánh hút cạn hương sắc, sinh khí thanh cao: “Nhợt nhạt. Khô xác. Và thất sắc. Nằm đườn đưỡn tựa hồ cái xác vô hồn. Dị hương sang trọng quý phái biến mất […]. Cứ mỗi lần ân ái xong là Đức phi tam cung Ngọc Bình như con cá ươn nằm trên thớt”. Cái chết của Ngọc Bình như là biểu tượng cho dị hương - cái đẹp mong manh, thanh cao bị áp chế bởi sức mạnh tà hương kết vón từ mùi máu tanh tưởi, mùi binh khí đối chạm khét lẹt.

Nguyễn Khắc Phục qua hình ảnh của cậu bé Chi Nguyên trong Phủ Tường Vi không những khám phá sự sâu kín của tâm lý con người mà còn luận giải tấn bi kịch lịch sử của một dòng họ. Chi Nguyên sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, vây quanh cậu là thế giới đực tính: hai ông già ngấp nghé kề miệng lỗ và con chó đen giống đực. Mang “mặc cảm khuyết tật” của “thằng bé chân quỷ trong phủ Tường Vi”, cậu luôn đề phòng, xa lánh người lạ, đặc biệt là đàn ông. Nhu cầu thèm được ấu yếm, vuốt ve của một đứa trẻ sống thiếu mẹ khiến cậu cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy các bà, các cô, các dì, các chị em họ hàng của cậu kéo nhau vào phủ mỗi lẫn có đám giỗ. Cậu lăng xăng, luẩn quẩn trong bếp, “cậu thèm khát ngửi mùi da thịt đàn bà lẫn mùi xào nấu thức ăn”, và sợ hãi sẽ bị phát giác ra nỗi quyến luyến tội lỗi của cậu. Chi Nguyên chỉ thèm một món k lạ, duy nhất: nước đái của dì Tịnh Khuê, cô gái mười chín tuổi, khỏe mạnh và đẹp nhất trong số những người bà con của cậu: “Cậu bị choáng khi lờ mờ cảm nhận được mối liên hệ bí ẩn với một người khác giới qua những giọt nước tiểu cậu vừa uống vào miệng”. Đó cũng là lúc cậu tìm thấy khoái cảm lạ lùng khi tiếp nhận nước tiểu của người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng; và cậu luôn mường tượng bàng bạc màu sắc dục tình nhuốm màu bệnh lý. Mặc cảm từ thể trạng khiếm khuyết và sự phát triển tâm lý không cân bằng, trong vô thức “bản năng gốc”, cậu cảm nhận được tấn bi kịch đổ vỡ những giá trị hư ảo của quá khứ, sự mục rỗng, lụi tàn của một dòng họ.

Sự thức tỉnh về thiên tính tự nhiên, về đời sống vô thức cộng đồng là một tạo tác xuất phát từ tâm thức, văn hóa dân tộc trong sự tiếp biến, xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Các nhà văn giai đoạn này đã tìm thấy trong đời sống tính dục của con người mảnh đất để chuyên chở những thông điệp đến hiện tại từ quá khứ. Từ quan niệm về nguyên lý Mẫu trong văn hóa Việt đến sự ra đời của Mẫu Thượng Ngàn, hơn ai hết Nguyễn Xuân Khánh đã chiêm nghiệm, lý giải truyền thống “trọng nữ” một cách sâu sắc và vẹn tròn. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, và cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ. Họ không những mang vẻ đẹp của sự thánh thiện, hoàn m mà còn là vẻ đẹp của sức sống, sự mơn mởn, của khát khao cháy bỏng đẫm màu phồn sinh phồn thực. Vẻ đẹp tự nhiên ấy có một sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ. Nó không chỉ mang lại cảm hứng xác thịt mà còn ẩn chứa một sức mạnh có thể cảm hóa, thức tỉnh con người. Tiết đoạn tính giao giữa Mùi và Philippe không đơn thuần là sự chung đụng xác thịt giữa người đàn ông và người đàn bà, đó thật sự là cuộc đối thoại ngầm giữa kẻ chinh phục/người bị chinh phục, văn hóa ngoại lai/văn hóa bản địa, sức mạnh cương cường/vẻ đẹp dịu dàng. Trong cuộc đụng độ Đông - Tây quyết liệt này, dường như chỉ có sức mạnh của người đàn bà giàu sức sống, đằm thắm, dịu dàng, cam chịu, gánh vác mới neo giữ được bản sắc trong văn hóa Việt. Bởi điều đơn giản mà vô cùng thiêng liêng là “Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ. Người đàn bà là đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến”. Từ việc thể hiện vẻ đẹp tự nhiên, ngồn ngộn sức sống bản năng của người phụ nữ, Nguyễn Xuân Khánh đã dấn thêm một bước độc đáo trong việc thể hiện hình tượng người phụ nữ khi kết hợp ý thức tín ngưỡng và bản năng đàn bà.

Đối thoại nhãn quan, diễn ngôn thực dân về Việt Nam tính có tính chất áp đặt của quyền lực phương Tây, Y. Feray đã thể hiện sự cộng cảm sâu sắc bằng một tình yêu chân thành dành cho Việt Nam trong tiểu thuyết ưu tú là Vạn XuânỞ phương diện đối thoại văn hóa, Y. Feray và Nguyễn Xuân Khánh đã gặp gỡ nhau trong mục đích khai thác đời sống tình dục ở giá trị cứu rỗi, điều hòa, phản kháng của văn hóa bản địa với cái cương cường, bạo liệt của văn hóa ngoại lai. Y. Feray đã đặc tả khá nhiều những scèn làm tình của Hoàng Phúc (chủ soái nhà Minh, biểu tượng Thiên triều/trung tâm) và Hương Thầm (thiếu nữ xinh đẹp, biểu tượng man di/bên lề). Cái đích cuối cùng không phải đơn thuần chuyện tình dục phức tạp với những chỉ dẫn về phòng the của một “tay tổ chuyện ấy” mà đó là sự đối thoại: “Nhu nhược thắng cương cường”, người đàn bà là nhu đấy nhưng là nhu… đạo, tuy mềm mà không nhũn, mềm trong sự dẻo dai để “dĩ nhu trị cương” [6, tr.14]. Cái nhu nước Việt đã thắng cái cương thiên triều, sức sống mạnh mẽ, phản lực tự vệ của văn hóa bản địa đã vượt thoát ý đồ triệt tiêu và “đồng hóa” của văn hóa ngoại lai.

Khám phá về sự huyền bí của tôn giáo, luận giải về con đường đắc đạo của người tu hành, Đỗ Trọng Khơi trong truyện ngắn Hành trạng tâm linh có những lý  giải tinh tế khi soi chiếu bản năng tính dục của con người dưới ánh sáng của tư tưởng Thiền tông. Đây thật sự là một cuộc đối thoại giữa Tâm và Thân, giữa Đạo và Sắc Dục trên con đường giác ngộ. Nhà văn đã có những trang bút tuyệt vời miêu tả những biến chuyển tế vi trong “bản thể người”, “bản nguyên dục tính” của Tuệ Trung Thượng sĩ trước những cám dỗ sắc dục lồ lộ của Trầm Nga. Bức họa cuối cùng họa khỏa thân trực diện nàng Trầm Nga như một ranh giới thiêng liêng từ cõi tục bước vào cõi thiền, giữa dâm tục và nghệ thuật, giữa Tâm Đạo và Dục vọng của Tuệ Trung. Sau khi những nét phác họa thân thể đã hoàn chỉnh, đến lúc họa tiết điểm cơ thể âm tính của Trầm Nga khiến Ngài lúng túng giây lát. Trong khoảnh khắc đốn ngộ, thật bất ngờ khi Tuệ Trung vung bút dứt khoát họa một đài hoa sen vào nơi ấy. Một biểu tượng thiêng liêng của Phật đài lại được họa vào dấu hiệu giới tính của một người phụ nữ. Người đàn ông - Nghệ sĩ - Thiền sư đã ở vào tâm điểm giao giữa Tâm và Thân ở nơi cùng tận của chuyến đò qua sông bản thể. Chính cái giây phút bông sen được mọc lên từ phần âm thế giới tính, sắc dục ấy, Tuệ Trung Thượng sỹ đốn ngộ. Và sự thoát ngộ của Bùn và Sen, của nữ sắc dục cảm và tinh thần siêu thoát, hai trạng thái hóa ra làm một, như hai dòng sông hòa vào một biển cả duy nhất. Nàng Trầm Nga - Người Đàn Bà Minh Triết (trong quan niệm của giáo phái Mật tông) sau khi chứng ngộ đã bốc cháy thành một cây hỏa ngọc. Vậy là Mật tông đưa con người ta vào cõi sống với cách đánh thức tận gốc rễ bản thể - bản năng dục của con người, từ đó giúp con người đạt đến thể tính nguyên sơ vô sắc giới của mình.

Dù bị hạn chế bởi những “mặc định”, “giới hạn” khi viết về đề tài lịch sử, văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 đã thể hiện nỗ lực luận giải lịch sử, đối thoại văn hóa từ điểm nhìn tính dục và nhân bản. Nó thể hiện cái nhìn dân chủ, tự do, quan niệm mới mẻ và đa chiều về các vấn đề trong quá khứ. Chỉ bằng cách ấy, nhà văn mới có thể hoàn nguyên các giá trị, trả lại cho lịch sử và con người chiều sâu văn hóa cùng những biểu hiện đa dạng, phức tạp của tính người trọn vẹn.

4. Từ diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử, đối thoại, suy ngẫm về văn hóa ứng xử với những di chỉ của kí ức

Viết về bản năng, đời sống tình dục không phải là điều gì quá xa lạ với văn chương hiện đại. Nhưng với văn xuôi hư cấu lịch sử, đó lại là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Khởi đi từ “bộ ba nổi loạn” của Nguyễn Huy Thiệp, tiếp đến là Trần Vũ, Nam Dao, Nguyễn Thúy Ái… đã khiến văn đàn Việt Nam dậy sóng. Hàng loạt các vấn đề được đặt ra một cách ráo riết, trong đó có vấn đề tiếp cận, khám phá đời sống tính dục, vô thức của các nhân vật lịch sử.

Với nhiều nhà văn viết sau năm 1986, đưa yếu tố tính dục vào đề tài lịch sử nhằm tạo từ trường hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò của người đọc chỉ là bề nổi, không quan trọng, cái đích lớn nhất mà họ hướng đến đó là cảm nhận con người ở chiều sâu nhân bản/bản thể, luận giải và đối thoại với nhiều vấn đề từ lịch sử. Quả thật, nhiều tác phẩm đã để lại những dấu ấn ở liều lượng, mục đích, sự tương ứng trong sáng tạo, thể hiện sự tìm tòi, bản lĩnh của cá nhân người nghệ sĩ. Tuy vậy, vẫn còn đó những tác phẩm chưa sử dụng yếu tố tính dục một cách chừng mực, thậm chí nhiều khi quá lạm dụng yếu tố này khiến chân dung nhân vật bị méo mó, không thật và chưa thể chạm tới chiều sâu nhân bản, giá trị văn hóa và hằng số lịch sử. Không ít nhà văn dường như quá lạm dụng sex, chạy theo thị hiếu để câu khách và đội lốt nhu cầu “đổi mới, hiện đại” của văn chương nước nhà. Tuy vậy, một khi các yếu tố bản năng bị dịch chuyển khỏi các giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng, của cảm xúc thiêng liêng, trong sáng, thánh thiện thì con người sẽ đánh mất đi nhân tính, biến thành một sinh vật tầm thường và văn học mất đi ý nghĩa tồn tại đích thực của nó. Đặc biệt với thể loại văn học về đề tài lịch sử, diễn ngôn tính dục không chỉ gắn với nhãn quan mới về con người, mà quan trọng hơn là thông qua mã diễn ngôn, nhà văn phải biết khơi dậy mã văn hóa của thời đại bằng triết học lịch sử và tinh thần nhân văn hiện đại.

Với quan niệm “tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức... tiểu thuyết” [9], Trần Vũ trong các truyện ngắn về lịch sử của mình đã thể hiện nhãn quan lịch sử phá cách, “lệch chuẩn”. Sự nỗ lực làm mới, làm khác trong việc xử lý  chất liệu lịch sử là điều đáng ghi nhận ở tác giả này. Song đôi khi “sự tùy tiện”, “phóng tay”, “phá phách” quá đà đã khiến nhiều nhân vật lịch sử bị méo mó, văn chương về lịch sử mất đi giá trị nhân bản và tính chân thực của nó. Nguyễn Huệ trong Mùa mưa gai sắc đọng lại trong độc giả là một bản thể “ác dâm”, “khổ dâm” trong đời sống tình dục với Ngọc Hân, một tính cách độc đoán, lạnh lùng, cuồng sát trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Còn trong Gia phả, hình ảnh Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần được khắc họa với sự lệch lạc, bệnh hoạn trong đời sống tính dục. Độ chỉ tìm thấy khoái cảm trong những hành động cuồng dâm đầy hung bạo với Trần Thị. Dù được khoác lên tấm áo “giải thiêng” nhân vật lịch sử, chuyên chở “ngụ ngôn” lịch sử hay luận giải lịch sử, nhưng cách làm của Trần Vũ quả thật khiến nhiều người rùng mình, ớn lạnh.

Nhìn nhận con người dưới góc độ thầm kín, bị chế ước bởi đời sống bản năng, tìm ra “hạt nhân hợp lý” để luận giải sự thành công và suy vong của các triều đại trong lịch sử, Trở về Lệ Chi viên của Nguyễn Thúy Ái là minh chứng cho sự thất bại cả ở phương diện cảm thức lẫn nghệ thuật viết. Viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thúy Ái đã khai thác ở vị Thái Sơn Bắc Đẩu của làng Nho Việt Nam như một khối “libido” mãnh liệt, luôn loay hoay với những thang thuốc cường dương “nhất dạ ngũ giao” nhằm thỏa mãn cuộc vui giường chiếu với người vợ trẻ Thị Lộ. Hình ảnh Thị Lộ lại hiện lên là một người đàn bà đầy tham vọng, luôn chối bỏ thân phận nghèo hèn, tìm mọi cách bước vào xã hội quý tộc quyền thế; đồng thời là một bản thể ý thức được sức mạnh của vẻ đẹp và nhu cầu dục tình vô cùng mãnh liệt. Mối quan hệ không đoan chính với Thái tông, sự ghen tuông của Hề, vị hôn phu cũ của Thị Lộ là cái cách mà Nguyễn Thúy Ái dựa vào để hình dung, lý giải tấn bi kịch Lệ Chi viên. Không có nhiều sự cách tân trong phương thức tự sự, cách xây dựng nhân vật và kiến giải lịch sử chưa thật sự hợp lý, truyện ngắn của Nguyễn Thúy Ái gây nên nhiều sự phản cảm nơi độc giả.

Nhìn từ phương diện thể hiện con người bản năng, tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử, chúng tôi thiết nghĩ những nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử bên cạnh sự am tường, hiểu biết sâu sắc về quá khứ, sự cần mẫn, nghiêm túc trong việc xử lý tư liệu, bản lĩnh và tài năng trong sáng tạo nghệ thuật, còn là lòng tự tôn dân tộc và đặc biệt là văn hóa ứng xử với những giá trị truyền thống và các vĩ nhân của dân tộc. Suy cho cùng, cái đích mà mỗi người viết sử bằng văn chương hướng đến đó là tìm kiếm những giá trị lịch sử, văn hóa, đồng cảm với những số phận con người trong cuộc hành trình giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn tiếng nói, văn hóa, phong tục. Điều này càng có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết khi thế giới trong xu thế hội nhập thành một “thế giới phẳng”. Khép lại vấn đề này, xin lấy ý kiến của B.Lu. Krigev, nhà văn, triết gia Canada để cùng suy ngẫm khi viết và bàn về vấn đề tình dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử: “Không phải mọi sự thức tỉnh xác thịt (đặc biệt là thứ chường ra cho công chúng) đều là sự chân thật được mong chờ trong tự thân văn hóa đích thực” (Văn nghệ số 9/2009).

5. Kết luận

Với ý hướng khám phá con người một cách toàn diện trong tính đa dạng, phức tạp của nó, văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 đã đột phá vào tầng sâu vô thức tính dục của nhân vật. Tính dục trong khả năng tạo tác và đan bện giữa những cảm giác cơ thể, nếm trải giới tính với những vấn đề của lịch sử, văn hóa, tôn giáo… đã trở thành phương thức hữu hiệu giúp văn học luận giải sâu sắc các vấn đề từ/của lịch sử, đồng thời nhận diện trọn vẹn con người trong quá khứ. Quan niệm “con người phàm tục”, “con người tính dục” vừa giống như một sự đối thoại với quá khứ, khước từ những quy phạm cũ, vừa đề xuất những giá trị, nguyên tắc mới để định giá lịch sử và con người: hệ giá trị nhân bản và nguyên tắc đối thoại đa chiều. Nhờ đó, mọi bình diện của tồn tại người trong lịch sử: trải nghiệm cá nhân, bản sắc dân tộc, huyền bí tâm linh, hằng số lịch sử... đều có thể được soi chiếu từ lăng kính của tính dục.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Bình (2012), Văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nxb. ĐH Sư phạm, Hà Nội.

2. Chevalier Jean, Gheerbrant Alain (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

3. Clark David S. (1998), Freud đã thực sự nói gì?, Lê Văn Luyện - Huyền Giang dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

4. Freud S. (2004), Nhập môn phân tâm học, Nguyễn Xuân Hiến dịch, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

5. Phương Lựu (1997), “Văn nghệ với tình dục”, Khơi dòng lí thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. Hoành Sơn, Hoàng Sỹ Quý (2006), Tính dục nhìn theo phương Đông, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Đỗ Lai Thúy (biên soạn, 2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, nhiều người dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

8. Trần Văn Toàn (2009), “Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỉ XX đến 1945)”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

9. Trần Vũ, “Lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức”, nguồn: http://tranvu.free.fr/baiviet/index.html. 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Nhận diện về truyện trinh thám Việt Nam (26/11/2019)
Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại (29/7/2019)
Nguyễn Văn Chức: Một nét riêng thơ (21/11/2018)
Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (11/10/2018)
Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ (3/10/2018)
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến nay (26/9/2018)
Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (12/9/2018)
Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (7/11/2017)
Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Việt Nam (19/10/2017)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ