Theo ý kiến ​​của chúng tôi, một trong những nhà cái tốt nhất ở Brazil, và không chỉ ở Brazil. tiền thưởng của 1mostbetuz.com họ chắc chắn nằm trong số những người tốt nhất.
Nghiên cứu phê bình

Trào lưu nghệ thuật đương đại Nam miền Trung - Tây Nguyên mở rộng


Ngày cập nhật: 20/08/2017 00:00:00

TRỊNH HOÀNG TÂN

 

Nghệ thuật tạo hình Nam miền Trung - Tây Nguyên đi tìm tính siêu hình trong nhiều sáng tác. Sự hòa tan giữa hình thể và không gian đã làm cho nghệ thuật trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu. Chính sự cô đọng mạnh mẽ ở phong cách khác biệt của từng tác giả đã gây cảm giác man mác, chứa đựng nhiều thông điệp. Có phải vì con người thời nay khao khát những cái gì mà họ không có được trong cuộc sống hàng ngày, trong một xã hội mà luật chơi ngày càng khắc nghiệt? Hay chỉ đơn giản vì tác giả ngày càng ý thức được vai trò của cái tôi, tức của chủ thể trong nghệ thuật, cũng như họ đã ý thức được sự cần thiết phải có một không gian tự do cho nghệ thuật?

Từ không gian của tác phẩm toát lên khuynh hướng về ý tưởng. Nghệ thuật tạo hình có đặc thù ngôn ngữ câm lặng, sức quyến rũ của hội họa là ở hình thể và không gian, ở chất cảm, ở màu sắc, khối hình. Dưới góc độ thị giác, khả năng truyền đạt của ngôn ngữ tạo hình không có rào cản biên giới, mà diễn đạt hết sức phong phú. Tác phẩm có giá trị luôn cho con người cảm nhận một sự tổng hòa ổn thỏa của nhiều quan hệ, vừa thấy, vừa cảm được rất nhiều những thông tin khác do nó gợi liên tưởng đến.  

Nghệ thuật tạo hình Nam miền Trung - Tây Nguyên chứa đựng sự cô đọng một chuỗi hình tượng của tư duy, một phương cách sáng tạo hình tượng theo nhãn quan tạo hình của mỗi nghệ sĩ. Có thể là một sự ghi nhận chắt lọc các biểu hiện tạo hình, thị giác hóa nó; và đôi khi là một sáng tác thực sự, một tác phẩm. Cường độ của những va đập thông tin tạo hình từ phía đối tượng đôi khi mạnh đến mức làm cho nghệ sĩ không thể không làm việc. Biểu hiện cơ bản của cảm hứng loại này nảy sinh từ những gặp gỡ mới mẻ, những chuyến đi thực tế, những phát hiện bất ngờ, những tình cảm bất chợt, ngẫu nhiên. Nó cũng có khi tạo nên cảm hứng bền vững đến độ trở thành quan niệm tạo hình, một khuynh hướng sáng tác bền vững kéo dài.

Cảm thức với nhãn quan tinh tường và khả năng phân tích màu sắc ở từng thời điểm, thời tiết khác nhau. Những thành tố chính hiện lên trên bề mặt như mặt trời mọc trên mặt biển với cả những lớp sương mù chưa kịp tan trong không khí lạnh ẩm. Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc quan tâm đến màu sắc, khối tích phát ra trong nó nhờ sự chuyển hóa của ánh sáng. 

Về khuynh hướng sáng tác, những bức tranh trừu tượng, khối tích trừu tượng điều đầu tiên khiến ta bị lôi cuốn không phải là màu hay khối tích đơn thuần, mà là những xúc cảm, các rung động tình cảm hoàn toàn được giải thoát khỏi những toan tính. Những mảng, nét, khối tự do hòa quyện với nhau làm cho tác phẩm sáng bừng lên những hòa sắc, lớp lang màu chồng chéo, khối tích lung linh sâu lắng. Không có nhiều yếu tố như hình, bố cục, cũng không nhằm biến đổi, cách điệu hay đơn giản hình thể, mà rõ ràng cảm hứng của các nghệ sĩ tạo hình Nam miền Trung - Tây Nguyên hoàn toàn từ thiên nhiên, làm cho nó sáng hơn, đẹp hơn theo nghĩa của nghệ thuật. Theo cách đó, khuynh hướng sáng tác của các tác giả là sự thỏa mãn giác quan người xem bằng các cung bậc màu sắc hết sức tinh tế.

Trong quá trình tiếp xúc, các họa sĩ, nhà điêu khắc phát hiện những điểm ưu việt, nét mới của đối tượng. Loại cảm hứng này hết sức đa dạng và có thể rất bền lâu. Những biến cố của thời đại là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với nghệ thuật. Sống và sáng tác trong thời đại công nghiệp phát triển, hàng hóa được sản xuất hàng loạt nhờ máy móc khiến dòng chảy nghệ thuật tạo hình miền Trung - Tây Nguyên không chịu nổi những tiêu chí nghệ thuật cũ kỹ.

Từ hỗn tạp, vô cảm để hiện thân thành thông điệp có chiều sâu, hằn rõ những lát cắt mang ý đồ tư tưởng. Ẩn hiện một thông điệp lõm khuyết đang cất tiếng vọng trầm. Là những nếp gấp dựng dậy từ núi non, sơn hà và lục địa. Của lớp lớp thời gian đang dồn xô và như một thông điệp lý giải về sự co cụm, nghẹn tắt trong âm thanh đông cứng, cô đơn. Khát vọng của tinh hoa và năng lượng.

Trào lưu nghệ thuật đương đại Nam miền Trung - Tây Nguyên đã xuất hiện theo nhiều dạng khác nhau. Các quan hệ tạo hình thường xuất hiện như một sự ngẫu nhiên hơn là áp đặt. Có thể chính tác phẩm đang hình thành lại là nguồn cảm hứng lớn cho nghệ sĩ. Với trạng thái này, các tác giả đối diện với chính tác phẩm, say mê với chất liệu, với kỹ thuật, được hưởng nguồn cảm hứng do chính mình tạo ra.

Người xem liên tưởng các vết tích của di sản văn hóa, chiến tranh, môi trường. Những ẩn ý như là sự ám ảnh, rung cảm được hình thành bằng kỹ thuật đắp nổi, đem lại một không gian nhiều lớp có vẻ vội vã, vô định. Tuy nhiên, sự đan chồng những lớp ma-che khiến những tác phẩm có một không gian sâu thẳm, đa chiều, không do dự.

Tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) mở rộng lần thứ 22 năm 2017 được tổ chức tại tỉnh Bình Định, tác phẩm “Níu” của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình) đã chinh phục chất liệu tạo hình..Cách tạo hình độc đáo đã đưa tác phẩm này đến một thế giới không bình thường, thậm chí quay cuồng, một thế giới làm cho tác phẩm rung lên như có gió lướt qua, trạng thái sinh vật biển kỳ bí, phù sa biển đang xào xạc, có những cơn sóng vỗ về mạng thuyền đang trôi xa, như nói lên nỗi niềm khắc khoải của biển cả…

Nghệ thuật nào, dù là cao siêu đến đâu, thì cũng phải gắn với cuộc sống, xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhưng để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa đích thực, thì lại không thể chỉ nhìn bằng hiện thực giản đơn mà có được.

Trong cuộc sống, trong nghệ thuật - dù là lĩnh vực nào, thậm chí ngay cả trong suy nghĩ hàng ngày của mỗi con người cũng đã và luôn có sẵn những ý tưởng. Đặc biệt với người nghệ sĩ, tư duy ý tưởng là một phẩm chất cần phải có. Trong thiên nhiên có vô số các hình thù, đường nét, màu sắc, khối hình, người sáng tạo phải chắt lọc, chọn ra những gì cần thiết cho mình, để tạo ra tác phẩm vừa có tính hiện thực, vừa có tính điển hình. Không một vật thể nào có thể bị trói buộc và bất kỳ tính chất chính xác nào đó xác định vật thể đó trong thực tại. Nó là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng. Vì thế, ngoài sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật cộng với sự thăng hoa, sáng tạo của tư tưởng, thì sự thành công của tác phẩm nhiều khi nằm ngoài sự mong muốn và cố gắng của tác giả.

Nghệ thuật tạo hình Nam miền Trung - Tây Nguyên đã giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, nhưng vẫn đặt người sáng tác đứng trước luật chơi mới, những thử thách mới và cuộc săn tìm cái đẹp trong tạo hình dù cho có gian khổ, cũng cho phép người sáng tác phiêu thoát với nhiều chủ đề, bản sắc khác nhau.

   Tác phẩm “Áo trắng vùng cao” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung (Gia Lai), “Quả đầu mùa” của Ngô Thái Bình, “Ký ức đèn dầu” của hoạ sĩ Trần Hà (Khánh Hoà)… đã phân chia các yếu tố chứa đựng giá trị biểu xuất và tính ước lệ trong nghệ thuật tạo hình. Chủ trọng lột tả giá trị nội dung, đề cao ý đồ trong tư duy tạo hình. Trên tinh thần đó, yếu tố tinh tế được nhấn mạnh tới sự tiết chế, lòng trắc ẩn và sự cảm thông, một thế giới nghệ thuật mới mang nhiều chất thơ và những ám ảnh.

Hơn bao giờ hết, ý thức về cái thực và cái không thực cùng tồn tại trong nghệ thuật. Tính đa cảm, sự méo mó, sự biến mất của tính cân xứng, sự phóng đại quá đáng hay không tự nhiên và sự bồn chồn, lo lắng - là những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại trong tác phẩm điêu khắc sắp đặt “Trên từng lát cá” của Lê Trọng Nghĩa (Bình Định). Tác phẩm này lấy ý tưởng từ những lát cá để nói lên đời sống và ước nguyện của cư dân vùng biển, những đổi thay của sinh vật biển khi môi trường bị xâm hại..

Ký ức dòng Hương” của hoạ sĩ Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế), bóng tối, đất, nước, lấp loáng phân rời, tìm kiếm những lối tạo hình phức hợp rất khó nắm bắt như thể áp lực của dòng chảy cuộc sống. Những hình hài được tạo ra từ sự cô đơn và từ xung lực sáng tạo tinh khiết, là một phản ứng hợp pháp và hợp lý để nghệ thuật hiện đại hơn, cũng có hay có thể hiểu là tự do vượt qua tất cả những quy tắc đã từng tồn tại để sáng tạo. Lấp lánh hình dáng con thuyền, dãy phố ẩn hiện bên dòng sông màu tím, hoà vào nỗi nhớ da diết để rồi vọng lại những âm thanh thổn thức, dập dìu vào cõi mộng áo.

Nhu cầu sáng tác và thưởng thức mỹ thuật đã trở thành một đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội. Các tỉnh đã quan tâm tập hợp, tạo điều kiện cho đội ngũ sáng tác phát huy khả năng sáng tạo. Sự đối đầu, thách thức giữa hiện đại với truyền thống luôn thường trực trong tư duy, tâm hồn của những nghệ sĩ đương đại. Mục đích tối cao của họ là đem đến cho người xem nhận biết về thái độ sống như một thông điệp để xác tín những phản tỉnh trong xã hội hiện đại một cách sâu sắc hơn. Nó giải phóng thói quen về nhận thức cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật. Biên độ của tư duy, của cảm xúc được tự do hơn, dần dần tạo nên các thói quen mới, các chuẩn mực mới, làm phong phú thêm cho nhận thức về cảm nhận nghệ thuật.

Một số tác phẩm sử dụng hợp xướng màu sắc riêng biệt. Những chủ đề theo đuổi nhiều năm và ý nghĩa xúc cảm của các hình ảnh sự kiện, hiện đang là chủ đề yêu thích của các nghệ sĩ. Sự nén không gian, đan cài, khai quật, phiêu lưu, dồn nén ý tưởng vào thế giới bên trong. Có thể chiêm nghiệm điều này qua tác phẩm “Khát rừng” của Nguyễn Hữu Long (Đắk Lắk), “Phế tích và báu vật” của hoạ sĩ Trần Đình Tấn (Bình Định), “Viễn mộng” của hoạ sĩ Trần Hữu Hoá (Đà Nẵng), “Muối mặn” của hoạ sĩ  Trần Thị Ngọc Hà (Phú Yên)…

Bên cạnh khuynh hướng trừu tượng, lập thể, ấn tượng, biểu hiện…, nghệ thuật tạo hình Nam miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đề tài về môi trường biển đang là mối quan tâm của nhiều nghệ sĩ với cảm hứng tầm khái quát mới, là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến sự kiện đời sống, nhiều góc cạnh của xã hội, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn, nhân bản như tác phẩm “Biển chờ” của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Định, “Nhớ biển” của hoạ sĩ Phạm Xuân Điềm (Bình Định); “Tình biển” của hoạ sĩ Phan Văn Trọng (Phú Yên); “Trước biển” của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình); “Sự sống” của Phạm Văn Cường (Quảng Trị)…

Các nhà điêu khắc Nam miền Trung và Tây Nguyên, ngoài những tạo hình có tính chất sự kiện, chân dung nhân vật, biểu hiện từ một nội dung được cảm nhận, được khẳng định một cách nguyên tắc; phong cách biểu hiện kết hợp động thái cũng được các tác giả khai thác, thực hiện. Chủ nghĩa duy nhiên thị giác và thái độ ngẫu hứng trừu tượng ở một số tác phẩm điêu khắc, không phải là những kết cấu với những mặt phẳng không gãy, thể tích khối được thể hiện rành mạch, dựa trên không gian và sự vững chắc. Điều đó dẫn tới khái niệm về không gian được tạo ra bằng những biểu hiện tượng trưng mới. Nó đòi hỏi mối quan hệ giữa một tác phẩm nghệ thuật với một tổng thể bằng một thủ pháp phân tích, cân đối và hài hòa. Tác phẩm “Giao”- sắt hàn của Nguyễn Tài Đạt, “Khát vọng II”- gò đồng của Phạm Ngọc Đường (Quảng Ngãi); “Hạnh phúc”- gỗ của Nguyễn Văn Ân (Quảng Nam); “Bản sắc vùng cao”- gỗ của Nguyễn Văn Hùng (Quảng Trị)… đã đem đến không gian điêu khắc một sự phong phú về tả chất, ngồ ngộ về phương pháp tạo hình, dự cảm mối bất an vượt qua khỏi cái vẻ tự nhiên vốn có, nhưng đó lại là sự gắn kết với nghệ thuật đương đại đang phản chiếu sự thay đổi.

Trào lưu nghệ thuật đương đại Nam miền Trung - Tây Nguyên đều tìm kiếm một độ tinh khiết vô thức của tinh thần sáng tạo trong không gian tự do và hình thức của nội tâm tự nhiên tìm thấy sự tham gia với các cấu trúc theo nội dung thẩm mỹ một cách trực giác, giống như cách tiếp cận trong giấc mơ, nó có thể tạo nên những ảo giác kỳ diệu cho cảm xúc. Đường nét, màu sắc, hình thể, âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu, tràn ngập sự bất ngờ, sức sống mãnh liệt trong mọi không gian bất kỳ. Trí tưởng tượng ngẫu hứng được tự do trình diễn không bị lệ thuộc vào bất kỳ một quan niệm, một trường phái nào, không bị quy ước bởi tính vị lợi hay thương mại hóa ràng buộc đã trở nên tự nhiên không có giới hạn, nhưng cũng đầy cam go thách thức của cuộc sống đương đại. Người nghệ sĩ như vị thế của một triết gia trở thành những chuyên gia thẩm mỹ dẫn dắt hướng đạo cảm thụ nghệ thuật.

Các chủ đề liên quan đến chiến tranh cách mạng, thân phận, giới tính, môi trường, đô thị hóa, tự do sáng tạo và những mô hình kinh tế được nổi lên trong các tác phẩm. Sự sống động của đời sống văn hóa đại chúng tương tác như là một kích hoạt lớn trong việc đưa ra những yếu tố phi trường phái, phi chủ nghĩa, tiết lộ những cảm xúc thầm kín, siêu thực, bí ẩn, mãnh liệt trong sự tranh chấp nội tâm của một quá trình tu luyện khổ hạnh trong nhận thức biểu cảm cái đẹp.

Hiện nay, xu hướng hiện đại hóa hình thành phát triển nghệ thuật giàu trí tưởng tượng, giàu sức sống, luôn sẵn sàng “nổi loạn” phá bỏ những hàng rào thành kiến bảo thủ kim hãm, biểu thị một trạng thái phi lý tuyệt vời, hấp dẫn, quyến rũ, ly kỳ không thể giải thích được, là một nhu cầu tất yếu không thể dừng bước. Cấu trúc của một tác phẩm được tạo nên không theo tinh thần truyền thống hay hiện đại mà được tạo một cách ngẫu nhiên, bất ngờ, vô nguyên tắc, vô trật tự như còn dang dở. Những gì có trong thiên nhiên: Đất, đá, sỏi, cát, nước, lửa, khói, cỏ cây hoa lá, rêu phong ẩm mốc…

Sự truyền cảm, độ chín và tài năng của các tác giả có khác nhau, nhưng khi theo đuổi, phát triển khuynh hướng nghệ thuật, họ đều tìm cách vượt qua một điều gì đó, muốn hiện đại và hoà nhập với một trong những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới. Về mặt cảm xúc, người nghệ sĩ muốn giải thoát khỏi hình thể gọi tên được, không gian ba chiều, thời gian cắt khúc đôi khi làm lý trí lấn đường cảm xúc.

Trên một nẻo đường khác, cũng trong ý thức hiện đại hoá tạo hình, tận dụng khả năng cách điệu hoá, các mô típ nghệ thuật, cảm xúc gắn liền với những hình ảnh, kỷ niệm, tác phẩm “Nông thôn mới” - sơn mài của hoạ sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị) với sự sáng tạo đầy thách thức xuất hiện. Tác phẩm “Nông thôn mới”  với các yếu tố hình thể đan cài lập thể để nói lên biểu tượng văn hóa nông thôn Việt Nam. Mạch nguồn trong tác phẩm là sự phong phú hoạt động ngày mùa, cánh đồng lúa trải dài với những chiếc máy gặt lúa tỏa hợp các ý niệm khám phá, khía cạnh để phản ánh các cảm xúc và sự quan tâm hiện đại. Tác phẩm có không gian ước lệ, những nông dân với nhiều dáng vẻ khác nhau, chia từng nhóm cấu trúc hoạt động của công việc đồng áng. Nhiều hình thể, chi tiết gợi tả đặt cạnh nhau hợp lý, chuyển động không ngừng trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau, phát triển đa hướng.

Sự làm việc của các hoạ sĩ Nam miền Trung - Tây Nguyên mở rộng đem đến triển lãm dù là những phong cách và cá tính khác nhau nhưng hầu như đồng nhất ở tính đương đại. Điều đó dù sao, trên đường phát triển của nghệ thuật có những đặc thù riêng của nó. Tác phẩm “Miền nắng gió” của hoạ sĩ Lê Văn Nhường, “Huyền thoại biển Đông” của hoạ sĩ Nguyễn Dình Dàng (Thừa Thiên Huế), “Vũ điệu cuộc sống” của hoạ sĩ Việt Sơn (Kon Tum), “Mùa quả chín” của hoạ sĩ Lê Huỳnh (Khánh Hoà), “Bản sắc rừng” của hoạ sĩ Lê Hùng (Gia Lai), “Đất thiêng” của hoạ sĩ Trần Mạnh Đức (Khánh Hoà), “Hạt gạo làng ta” của hoạ sĩ Lê Cảnh Oánh (Quảng Trị), “Bến chiều” của hoạ sĩ Nguyễn Hậu (Quảng Bình)… Mỗi tác phẩm nhạy bén với cái mới, cái hiện đại của cuộc sống không ngừng vận động đã vượt qua ảo ảnh của bề sâu và bề nổi. Không phải là nỗi lo sợ. Cũng không phải là tìm kiếm cái khác thường, nhưng lại tìm kiếm sự đảo lộn những thói quen thị giác, bằng con đường đi từ hiện diện bất biến đến ánh sáng. Phải chăng là để tạo nguồn sống cho chất liệu, hoặc ý tưởng tắm trong cái ánh sáng mang ý niệm để nhắc lại tính ẩn dụ? Các tác phẩm vọng lên vô số lời vẫy gọi, những cấu trúc chủ yếu, qua sáng tạo khái quát nâng cao, trao lại nguyên vẹn bản thể. Một sự trầm lặng, một sự cân bằng, một sự im ắng nào đó đã ngự trị trong những bức tranh này.

Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) mở rộng lần thứ 22 năm 2017, Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã xét chọn bộ giải thưởng: 03 giải B, 02 giải C (không có giải A) và 07 giải khuyến khích.

03 Giải B: Tác phẩm “Níu” (Sơn dầu 130x140cm) của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình); “Áo trắng vùng cao” (Lụa 82x142cm) của hoạ sĩ Nguyễn Văn Chung (Gia Lai); “Trên từng lát cá” (Gỗ, sắt 4m sắp đặt) của Lê Trọng Nghĩa (Bình Định).

02 Giải C: Tác phẩm “Nông thôn mới” (Sơn mài 120x180cm) của hoạ sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị); “Ký ức dòng Hương” (Acrylic 140x200cm) của hoạ sĩ Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế).

07 Giải Khuyến khích: Tác phẩm “Thu lưới” (Sơn dầu 110x150cm) của hoạ sĩ Lê Duy Khanh (Bình Định); “Ngẫu Liên” (Biến tấu Chăm Pa) (Đồ họa trúc chỉ 120x180cm) của hoạ sĩ Phan Hải Bằng (Thừa Thiên Huế); “Ấn tượng Chăm Pa” (Sơn mài 120x160cm) của hoạ sĩ Nguyễn Tường Vinh (Đà Nẵng); “Viễn mộng” (Đá H40cm) của Trần Hữu Hóa (Đà Nẵng); “Xích lô” (Composite 80x80x40) của Nguyễn Thành Vinh (Phú Yên); “Quả đầu mùa” (Sơn dầu 90x120cm) của hoạ sĩ Ngô Thái Bình (Khánh Hòa);  “Rằm tháng 8” (Sơn mài 145x198cm) của hoạ sĩ Lê Đình Chính (Quảng Nam).

Các nghệ sĩ tạo hình đã đạt được những kết quả trên con đường nghệ thuật đã chọn lựa. Cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên mở rộng đã góp phần làm cho hội hoạ Việt Nam có được cái đa dạng, phong phú, nhiều chiều, nhiều cách, tích luỹ một dũng lực mới. Cái dũng lực đó nằm trong những khối màu vững chãi, những đường nét chinh phục không bao giờ do dự. Một số tác giả đã tiến dần về phía riêng tư, đi tìm phương pháp, cách thức bộc lộ khác biệt, để nghệ thuật biểu hiện được tâm hồn, tâm linh, vô ngã, vô thức của người nghệ sĩ.

Đâu là ý nghĩa thực sự của cuộc sống luôn là câu hỏi thường trực của những người nghệ sĩ đương đại. Cuộc sống của một cá nhân con người là quá ngắn ngủi. Sự hiểu biết của khoa học kỹ thuật là giới hạn, thế giới vũ trụ quá vĩ mô. Đánh thức tiềm năng sáng tạo mới. Nó giải phóng thói quen về nhận thức cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật. Giữa tác phẩm nghệ thuật và người thưởng ngoạn có sự thông giao tương tác.

         Trào lưu nghệ thuật đương đại Nam miền Trung - Tây Nguyên không đưa ra những câu trả lời, mà là những câu hỏi. Người nghệ sĩ vẫn luôn suy tưởng và hành động. Cho dù hội họa, điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt có phát triển tiến hóa đến đâu, con người cũng không thể từ bỏ vẻ đẹp của những đường nét, màu sắc, hình khối, ánh sáng, vẻ đẹp của thiên nhiên và của hình thể con người mãi mãi là những vương quốc, là biểu tượng diễm ảo thần tiên cho con người say mê tạo tác nên những kiệt tác nghệ thuật.

 

Níu (Sơn dầu) của Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình)

 

Áo trắng vùng cao (Lụa) của Nguyễn Văn Chung (Gia Lai)

 

Trên từng lát cá (Gỗ) của Lê Trọng Nghĩa (Bình Định)

 

Nông thôn mới (Sơn mài) của Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị)

 

Ký ức dòng Hương” (Acrylic) của Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế)

 

Thu lưới (Sơn dầu 110x150cm) của Lê Duy Khanh (Bình Định)

 

Ngẫu Liên” (Biến tấu Chăm Pa) (Đồ họa trúc chỉ) của Phan Hải Bằng (Thừa Thiên Huế)

 

Ấn tượng Chăm Pa (Sơn mài) của Nguyễn Tường Vinh (Đà Nẵng)

 

Quả đầu mùa (Sơn dầu) của Ngô Thái Bình (Khánh Hòa)

 

Rằm tháng 8 (Sơn mài) của Lê Đình Chính (Quảng Nam)

 

 

 

 

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Nhận diện về truyện trinh thám Việt Nam (26/11/2019)
Bác Hồ - Hình tượng thơ trong lòng nhân loại (29/7/2019)
Nguyễn Văn Chức: Một nét riêng thơ (21/11/2018)
Hình tượng Bác Hồ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (11/10/2018)
Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ (3/10/2018)
Phác họa tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ giai đoạn Trung đại đến nay (26/9/2018)
Những chiều kích tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (12/9/2018)
Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau năm 1986 (7/11/2017)
Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong phim truyện Việt Nam (19/10/2017)
NHẠC QUÊ HƯƠNG

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Copyright 2024 by HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ